Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

20170531. BÀN VỀ GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI NHÀ THẦU TRUNG QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHẢI SỬA TỪ MÓNG NHÀ
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 30-5-2017
clip_image002
Thiết bị sản xuất xi măng của Trung Quốc (Ảnh trên mạng)

Sau rất nhiều bùng nhùng bức xúc xảy ra ở những dự án hàng nghìn tỷ đồng do nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu rồi làm hỏng, khi được hỏi thì các chủ đầu tư phía Việt Nam thường đều tự tin trả lời: “tất cả đều đúng quy trình và minh bạch!”

Nhưng những tổn hại về đội vốn, về môi trường, về an toàn và kéo dài thời gian ở những dự án ấy buộc công luận phải đặt các câu hỏi: “Tại sao những tổn hại ấy phần lớn chỉ xảy ra với các dự án mà các Công ty Trung Quốc trúng thầu? Có lợi ích nhóm ở đây không? Có móc ngoặc hối lộ không? Và trên hết, có những kẽ hở lỏng lẻo trong cơ chế và thủ tục xét thầu sử dụng công quỹ không?" Các câu trả lời dường như đã nằm trong các câu hỏi.

Vậy nếu coi việc loại bỏ những hậu quả tai hại từ những dự án đấu thầu sử dụng công quỹ là sửa một ngôi nhà thì chắc khâu đầu tiên là phải sửa từ nền móng!

Hiện nay, có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều là các công nghệ lạc hậu, bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, v.v... để lại các hậu quả rất nặng nề về mọi mặt. Nếu rà soát có hệ thống và khách quan, một câu hỏi tất nhiên sẽ được đặt ra: đây có phải là sự "thông đồng" có hệ thống hay chỉ là sự "ngẫu nhiên đáng ngờ" của từng dự án riêng lẻ?
Chỉ nói riêng ngành xi măng ở thập niên 1990, trong vòng chưa đến chục năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc mà sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt giá nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay, nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.
Nhiều người đặt vấn đề vì sao Trung Quốc luôn thắng thầu các dự án ở Việt Nam như sản xuất xi măng, gang thép, nhiệt điện, bauxite, xây dựng cơ sở hạ tầng? v.v… Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, có khả năng đưa người lên vũ trụ, nhưng các đơn vị thắng thầu lại thường chỉ là các đơn vị có chất lượng kém hoặc hầu hết không khá. Vấn đề này cần xem xét, đánh giá cả từ hai phía, chủ đầu tư và bên dự thầu cũng như chủ trương của những người có thẩm quyền.
Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá
Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Lấy ví dụ: có hạng mục tư vấn thiết kế cùng 2 đơn vị dự thầu khác (3 quốc tịch khác nhau) tính giá suýt soát nhau. Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá chỉ bằng 18% giá trung bình của 2 đơn vị dự thầu kia. Nhà thầu các nước, tất nhiên bị loại vì không thể nào làm được với giá thấp như thế.
Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Về mặt chuyên môn, khổ nỗi là hạng mục kia có tầm quan trọng về tiến độ và chất lượng, không làm thì cả dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng lại khó trích dẫn hồ sơ mời thầu để biện minh cho việc này!
Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, và tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công, thậm chí còn cao hơn cả dự toán ban đầu.
Sử dụng công nghệ kém cỏi
Trong một dự án, tư vấn khuyến cáo với điều kiện như thế này, thì cần các loại thiết bị như thế kia. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện như thế nào, cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của tư vấn, lại dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa. Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó với nhiều chi phí rất tốn kém.
Còn đối với nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp, muốn tính đúng, tính đủ để làm cho tốt thì họ sẽ thua khi dự thầu vì giá quá cao.
Chỉ do 2 thủ thuật nói trên là đủ để nhà thầu Trung Quốc tuyên bố: Dù theo giá nào họ vẫn làm được, trong khi nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp thì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc.
Lỗi tại chủ đầu tư nêu đầu bài "hở" và kiểm tra, giám sát kém
Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu "2 phong bì", phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ. Ví dụ nêu "thiết bị từ các hãng G7", nhưng sau này, họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.
Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn "qua mặt" được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.
Còn kinh nghiệm của nhà thầu? Khi dẫn đoàn Việt nam đi tham quan xem công trình họ làm ở Trung Quốc rất hoành tráng, tiến độ và chất lượng đâu ra đó, cả tây lẫn ta đều trầm trồ khâm phục! Họ bảo: công trình bên ta thì nhỏ hơn nhiều, làm sẽ dễ thôi!
Thực tế, khi qua VN họ làm không phải “dễ thôi”, mà là quá lôi thôi. Tổng kết các vụ việc, cần tự hỏi: Có phải họ cố ý muốn phá hoại ta không? Cũng chính nhà thầu đó, mình đã đi tham quan, chứ lẽ nào họ “sơ ý” làm kém cỏi như thế?!? Một dự án chỉ cần trễ hạn vài tháng là bao nhiêu thiệt hại, rồi còn phải đối phó với những hỏng hóc cứ xảy ra chỗ này chỗ nọ, khi này khi khác! Các dự án do Trung Quốc thực thi trễ cả năm trời là chuyện “thường ngày ở huyện”!
Ai bật đèn xanh?
Nhiều người am hiểu thời cuộc cho rằng mọi dự án định đưa ra đầu thầu phía Trung Quốc đã có tay trong của phía ta và của phía họ cho biết trước rồi. Cái đám “lobby 2 bên này” bàn kế hoạch giữa ta và nó để xúc tiến, đấu thầu kiểu gì Trung Quốc cũng trúng, bằng mọi thủ đoạn: dèm pha các đối thủ khác, bỏ thầu thấp, “bôi trơn” gầm bàn, hứa hẹn lo nguồn tài chính, v.v…
Khi Trung Quốc thắng thầu rồi, họ giở thủ đoạn mới, ví dụ yêu cầu ta nên mở rộng công suất, vì bịa ra là triển vọng dự án tốt lắm, nên thêm cái nọ thay cái kia..., trên cơ sở đó làm lại giá thầu đã được duyệt giữa họ và Việt Nam. Thủ đoạn này cuối cùng thường nâng giá dự án lên gấp đôi hoặc hơn nữa – điển hình là bauxite Tân Rai, Nhân Cơ lúc đầu là 600 triệu đô la, ký rồi nâng lên tới khoảng 1,2 tỷ đô (viện lẽ mở rộng công suất của dự án). Dự án bauxite này vừa thua lỗ về kinh tế, vừa ô nhiễm môi trường, đã được nhiều người, kể cả các vị lão thành cách mạng cảnh báo từ khi mới sơ khởi.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vì vay vốn của Trung Quốc do Trung Quốc làm tổng thầu liên tục chậm tiến độ, không bị phạt, lại đòi tăng vốn lên 250 triệu đô la. Việt Nam phải bấm bụng vay thêm rồi nhà thầu vẫn ỳ ra, và chưa đưa vào vận hành đã thấy có nhiều điều vênh váo. Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang trở thành nỗi thất vọng do gói thầu A3 của Trung Quốc liên tục làm ăn gian dối, gây bê trễ về thời hạn thi công và tác hại lớn về kinh tế xã hội, v.v...
Song cái nguy thật sự nằm ở chỗ có sự đồng lõa và bật đèn xanh thường là ở cấp có thẩm quyền. Nói nghiêm khắc, đây là một trong những tội ác tham nhũng trầm trọng, mất lòng dân nhất.
Giải pháp
Về hồ sơ mời thầu: Cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (có cho phép dùng thiết bị tương đương hay không). Cần tính toán dòng tiền đầu tư, công vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí ẩn) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá sẽ cao. Trong 2 ví dụ nêu trên, chi phí nhân sự khi hạng mục đình trệ, rồi soạn hồ sơ mời thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng mới, v.v... là rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.
Về tính toán hiệu quả: Công trình sớm 1 ngày là có lợi ích ngày đó, nhưng nhiều lúc khó tính ra thành tiền (ngoài những dự án sinh ra tiền như điện, hóa chất, sản phẩm bán được...) cho nên làm nghiên cứu khả thi và dự toán cần đặt nặng ở lợi ích về lâu, về dài, rồi cố gắng huy động nguồn vốn cho đủ mà làm cho tốt.
Cả trong hồ sơ thuyết minh tiền khả thi và khả thi cần phân biệt hiệu quả kinh tế quốc gia (tính tất cả chi phí và kết quả, bao gồm cả các khoản giảm thuế, làm công trình kế cận, sử dụng chung...) với hiệu quả tài chính dự án (đã trừ đi các chi phí giảm thuế, làm đường, bến cảng...) để thấy hiệu quả đích thực và cái giá mà quốc gia phải trả có xứng đáng không.
Cũng từ đó: định giá sàn để đảm bảo chất lượng, khuyến khích đơn vị dự thầu đề xuất công nghệ/thiết bị phù hợp tầm G7 dù cho nhà thầu là Trung Quốc, Hàn quốc, Thái Lan,...
Vai trò của tư vấn: Cần nâng cao vai trò của tư vấn. Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học... giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của tư vấn, vì tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư. Đã thuê tư vấn, phải trả tiền cao cho người bảo vệ mình mà lại không nghe theo họ thì làm sao mà bảo vệ được quyền lợi của mình?
Sửa lại móng nhà: Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế.
Vấn nạn thắng thầu - tham nhũng và “đi đêm” thì nước nào cũng có, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để giảm thiểu vấn nạn này thì có hai con đường: (1) Hoàn thiện môi trường Luật pháp và (2) Giảm thiểu tới mức cần thiết khu vực công. Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng hình như yếu tố cốt lõi của vấn đề ở đây, mang tính bao trùm lên tất cả, chính là… thể chế chính trị - xã hội.
Lời kết
Những người phụ trách và quyết định cho đấu thầu và trúng thầu của chúng ta, là những người thuộc một nước có nền công nghiệp lạc hậu, và có những điều kiện bất lợi do lịch sử để lại. Phải nói là Trung Quốc rất hiểu tâm lý cán bộ ta, vừa vụ lợi, vừa bị cầm tù trong tâm lý coi họ là bạn, cùng một hệ thống tư tưởng, cho dù chúng ta đã quá hiểu về họ.
Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên rất cao, cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết chúng ta đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.
Chung quy lại, trước hết phải sửa từ móng nhà, thì không có chuyện Trung Quốc thắng thầu tràn lan, làm ăn bê bết để lại các hậu họa mọi mặt về chính trị kinh tế xã hội và môi trường ở Việt Nam.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
LÀM CHẬM TIẾN ĐỘ- CÁCH PHÁ HOẠI KINH TẾ 
KHỦNG KHIẾP NHẤT CỦA NHÀ THẦU TRUNG 
QUỐC
NGỌC VIỆT / TĐQ/ BVN 30-5-2017
Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.
clip_image002
Làm chậm tiến độ – Cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc
Biến kỳ vọng thành thất vọng
Ngày 12.1.2012 đã diễn ra một sự kiện đặc biệt tại Hà Nội, đó là lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) thoả thuận về một khoản vay tái thiết và phát triển (IBRD) cùng bốn gói tín dụng hỗ trợ giảm đói nghèo (IDA) cho Việt Nam, với tổng số tiền là 973,5 triệu USD, theo tài liệu của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam).
“Đây là lần đầu tiên mà WB tài trợ cho việc phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Các khoản tín dụng ký kết hôm nay sẽ cung cấp vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố có tiềm năng phát triển và góp phần hỗ trợ thực hiện các cải cách của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khi đó phát biểu tại lễ ký kết.
clip_image003
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi rất được kỳ vọng của người dân và chính phủ Việt Nam cũng như những nhà đầu tư quốc tế.
Theo AmCham Vietnam thì số tiền của các khoản tín dụng trên được sử dụng để tài trợ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với giá trị là 613,5 triệu USD, tài trợ cho Dự án phát triển hạ tầng đô thị với giá trị là 210 triệu USD và khoản tín dụng dành cho Dự án Hỗ trợ giảm đói nghèo với giá trị là 150 triệu USD.
Trong số các gói tín dụng đó thì Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rất được kỳ vọng, được đánh giá là sẽ nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ năng lực cần thiết cho sự tăng trưởng của khu vực Trung Bộ trong tương lai, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã được giao làm chủ đầu tư của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngày 19.5.2013 Dự án đã được khởi công và dự kiến 65km đầu tiên được thông xe vào cuối năm 2016, đến năm 2018 sẽ thông xe toàn tuyến.
Vậy nhưng, ngày 23.7.2016, VEC cho biết đã phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 có giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (DA ĐNQN). VEC đã buộc nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.
Rồi ngày 1.3.2017 tại hạng mục cầu VD09A km 107+307, tư vấn giám sát (TVGS) hiện trường đã phát hiện bãi tập kết vật liệu thép để thi công cầu VD09A của nhà thầu Giang Tô không đảm bảo kỹ thuật, quá sát mặt đất, một số thanh sắt chạm đất.
Ngày 22.3.2017, tại hạng mục cầu VD09C, TVGS kiểm tra khoan cọc nhồi cầu VD09C đã phát hiện không có phụ gia bentonite tại hiện trường. Nhà thầu không có tài liệu chứng minh dung dịch khoan hiện tại đúng yêu cầu thi công được duyệt.
clip_image005
Gói thầu A3 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã liên tiếp có những sai phạm
Do đó, TVGS đã yêu cầu nhà thầu Giang Tô dừng thi công công tác khoan cọc cho đến khi bổ sung đầy đủ nguồn bentonite và các tài liệu đảm bảo cho vật liệu sử dụng làm dung dịch để khoan tạo lỗ cọc.
Vậy là bao nhiêu kỳ vọng về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một công trình trọng điểm, nay đã dần trở thành nỗi thất vọng gắn liền với những sai phạm liên tiếp của nhà thầu Trung Quốc tại gói thầu A3.
Những thiệt hại từ việc chậm tiến độ của nhà thầu Trung Quốc
Ngày 17.4.2017, trong công văn gửi ông Gordon A. Edwards, Giám đốc, tư vấn giám sát CS1 gói thầu A3, do ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban QLDA ĐNQN ký, có  nội dung yêu cầu nhà thầu Giang Tô thay thế Giám đốc dự án gói thầu A3 là ông Sun Taiping, trước ngày 1.5.2017.
Đặc biệt, trong công văn này, VEC cho biết tư vấn giám sát sẽ xem xét thiệt hại với chủ đầu tư do việc chậm tiến độ của gói thầu A3 và thông báo cho nhà thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.
Thoạt nghe có thể nhiều người cũng cảm thấy an lòng vì nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối đã bị phát hiện, xử phạt và nhất là bị xem xét phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, song phân tích kỹ thì lại thấy “buồn nhiều hơn vui”.
Bởi lẽ, nhà thầu Trung Quốc không thể bồi thường được những thiệt hại do họ gây ra, mà việc phạt theo hợp đồng chỉ mang tính chiếu lệ. Xin phép đưa ra bài toán kinh tế để chứng minh cho nhận định đó.
clip_image007
Cả dự án có thể bị ảnh hưởng bởi một gói thầu A3 mà nhà thầu Trung Quốc sai phạm liên tục khiến bị chậm tiến độ
Có thể thấy, thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc làm chậm trễ công trình sẽ bao gồm hai phần:  phần tính toán được bằng số liệu và phần chưa thể tính được bằng số liệu (đặt trường hợp nhà thầu chấp nhận khắc phục và khắc phục được lỗi).
Thứ nhất, phần thiệt hại tính toán được bằng số liệu – đó là thiệt hại về tài chính:
Theo tài liệu của VEC, tổng vốn đầu tư của DA ĐNQN khoảng 28.000 tỉ VND, trong đó WB tài trợ 613,5 triệu USD, tương đương khoảng 13.300 tỉ VND. Vì là vốn vay dạng IDA nên lãi vay của khoản vốn này là 0%.
Vốn đối ứng của Việt Nam là 28.000 tỉ – 13.300 tỉ = 14.700 tỉ VND. Dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ (TPCP), lãi suất khoảng 7%/năm.
Như vậy, tổng vốn đầu tư cho DA ĐNQN sẽ phải chịu lãi suất vay là:
R = (13.300 tỉ x 0% + 14.700 tỉ x 7%)/28.000 tỉ x 100 = 3,765%
Do đó:
Lãi vay 1 năm của DA ĐNQN  là:  RA3yC = 28.000 tỉ x 3,765% = 1.029 tỉ
Lãi vay 1 tháng của DA ĐNQN là:  RA3mC =  1.029 tỉ / 12 =  85,75 tỉ
Lãi vay 1 ngày của DA ĐNQN là:  RA3dC =  85,75 tỉ /30  =  2,858 tỉ
Gói thầu A3 có tổng giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, vậy:
Lãi vay 1 năm cho gói A3 là:  RA3y = 1.360 tỉ x 3,765% = 49,98 tỉ
Lãi vay 1 tháng cho gói A3 là: RA3m =  49,98 tỉ /12 =  4,165 tỉ
Lãi vay 1 ngày cho gói A3 là:  RA3d = 4,165 tỉ/30 = 0,1388 tỉ
Nếu chậm tiến độ một ngày thì gói thầu A3 sẽ làm thiệt hại riêng về lãi vay cho vốn đầu tư của gói thầu này là RA3d = 138,8 triệu VND, song thực ra nó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới cả dự án, nghĩa là thiệt hại thực tế là RA3dC =  2,858 tỉ VND.
Đặt trường hợp nhà thầu Trung Quốc chấp nhận bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ, chắc chắn con số bồi thường chỉ được tính toán xoay quanh khoản thiệt hại là 138,8 triệu VND/ngày, chứ không phải là 2,858 tỉ VND/ngày, nghĩa là rất nhỏ so với thiệt hại thực tế của Việt Nam. Bởi lẽ nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện gói thầu A3 của DA ĐNQN.
Thứ hai, phần thiệt hại chưa thể tính toán bằng số liệu – như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và cả nước. Và phần thiệt hại này chắc chắn sẽ không thua gì thiệt hại đã tính toán được, như về lãi vay của vốn đầu tư.
Cùng với những thiệt hại về kinh tế - tài chính, việc chậm tiến độ, nhất là với những công trình trọng điểm, còn gây ra rất nhiều hệ luỵ cho kinh tế - xã hội tại khu vực được hưởng lợi nhờ dự án.
Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất mà những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.
Hiện nay, có tới hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện những gói thầu của họ trên đất nước Việt Nam và phần lớn bị chậm tiến độ. Qua bài toán kinh tế trong tính toán thiệt hại do chậm tiến độ trong Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có thể thấy thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc gây ra cho kinh tế Việt nam khủng khiếp như thế nào.
Trước việc nhà thầu Trung Quốc lại liên tục mắc sai phạm, điều đó khiến giới phân tích cho rằng dường như đó là những sai phạm có tính toán. Vì vậy có thể nhận diện đây là một cách phá hoại kinh tế của nhà thầu Trung Quốc, chứ không chỉ đơn giản là việc mắc lỗi trên công trường.
N.V.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

20170530. 'HÀ NỘI: NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX-XX' CỦA NGUYỄN BÁ ĐẠM

ĐIỂM BÁO MẠNG
'HÀ NỘI: NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ  TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX-XX' CỦA NGUYỄN BÁ ĐẠM
NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh’blog 30-5-2017

Hiển thị 20170521. chuyện NBD_1.jpg

Chân dung Nguyễn Bá Đạm trên bìa sách là một trong nhiều bức do Bùi Xuân Phái vẽ tặng
VÀI LỜI GIỚI THIỆU
“Hà Nội: Những câu chuyện kể từ cuối XIX-XX” - là đầu đề cuốn sách mà tôi nhận được từ cụ giáo Nguyễn Bá Đạm tặng với tư cách “người hàng xóm thân thuộc” vì đã có 15 năm  sống gần cụ tại  số 1 phố Ngọc Hà, quận Ba đình. Mặc dù lâu nay tôi và Cụ đều chuyển chỗ ở, không có dịp gặp nhau nhưng Cụ vẫn bảo người con trai mang tới tận nhà cho tôi. Người Hà Nội từng biết tới Nguyễn Bá Đạm như là một nhà nghiên cứu sưu tầm cổ vật đặc biệt là tiền cổ, nhưng qua cuốn sách còn có thể biết tới một Nguyễn Bá Đạm khác. Đó là Nguyễn Bá Đạm như là chứng nhân của rất nhiều ‘chuyện’ về  Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX –XX qua những biến cố lịch sử. Cuốn sách gồm 359 trang, chứa đựng 64 câu chuyện được tác giả kể lại bằng văn phong giản dị, tinh tế nhưng chính xác mọi chi tiết về không gian, thời gian, tên người, tên vật… mà không phải ai cũng nhớ, cũng biết. Có không ít những nhà hoạt động văn hóa, xã hội, kinh doanh nổi tiếng của Hà Nội, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bá Học, Hoàng Tăng Bí, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Hồ Đắc Điềm…mà chỉ qua câu chuyện kể mới thấy được những nét khuất trong cuộc đời của họ.
Hiển thị 20170520_165525.jpg

Tác giả Nguyễn Bá Đạm
 (tại tư gia ở  phố Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân)
Phần lớn các câu chuyện kể đều ngắn gọn từ 2 đến 6 trang, trừ câu chuyện “Đồng tiền Việt Nam qua các thời đại” (có lẽ là lĩnh vực sở trường của tác giả) dài 18 trang. Khi đọc chúng ta cảm thấy thú vị vì được khám phá những cái “cũ” của Hà Nội xưa, mà thời gian và những biến cố lịch sử, kinh tế xã hội đến nay đã làm chúng đổi tên, biến dạng, thậm chí biến mất. Tất nhiên trong những cái “cũ” có những cái hay và cả những cái không hay, lỗi thời và đặt ra cho người đọc câu hỏi: ‘làm gì để Hà Nội vừa phát triển hiện đại vừa bảo tồn những giá trị văn hóa xưa?’
   Nguồn tư liệu để viết cuốn sách phần lớn từ sách báo mà tác giả sưu tầm, hay đọc tại thư viện Nhà Bác Cổ (Bảo tàng Lịch sử VN) và có cả những trải nghiệm bản thân. Thật đáng ngưỡng mộ khi được biết tác giả đã âm thầm nhiều năm ghi chép để cuốn sách được xuất bản năm 2010, lúc tác giả đã ở tuổi U90.  Cuốn sách đến tay tôi thì tác giả đã ở tuổi 95, tuy lưng đã còng nhưng rất mừng là trí tuệ rất minh mẫn.
  Cảm ơn tác giả Nguyễn Bá Đạm đã gửi tặng tôi cuốn sách và xin phép tác giả được mượn các trang cá nhân của mình trên Google, Facebook để giới thiệu với bạn bè gần xa. Rất tiếc cho tới nay cuốn sách chưa có trong e-book nào, nên tôi chép dưới đây danh sách những câu chuyện.
NHỮNG CÂU CHUYỆN TRONG CUỐN SÁCH CỦA NGUYỄN BÁ ĐẠM
1- Tiếng súng 10 giờ
2- Tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam
3-Đôi nét sinh hoạt xưa
4-Hồ Tây-một nguồn thi hứng
5-Bích Câu đạo quán
6- Bảy chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch
7- Vết đạn ở cổng thành Cửa Bắc
8- Qua sự kiện “Việt Nam quốc vương chí ẩn” bị phá hủy
9- Vua Thành Thái dự lễ khánh thành cầu Paul Doumer
10- Diễn biến vụ Hà thành đầu độc
11- Trước tòa án đại hình xử nhà yêu nước Phan Bội Châu
12- Làng Mọc ven đô
13- Hội Mọc
14- Hội Tây
15- Bệnh dịch hạch ở Hà Nội phận Văn Miếu
16- Nhà thờ Lớn Hà Nội
17- Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội
18- Sở Vô tuyến điện
19- Nhà Hỏa Lò
20- Nhà đấu xảo
21- Nhà Bác Cổ
22- Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
23- Trường Bưởi trong những năm đầu thành lập
24- Người khai sinh trường Mỹ thuật Đông Dương
25- Trường Mỹ thuật Đông Dương
26- Bắc Kỳ tri hội
27- Trường Thể dục thể thao Hà Nội xưa
28- Trường tư thục Thăng Long
29- Chữ quốc ngữ và những người khai sơn phá thạch
30- Nguyễn Văn Vĩnh nhà báo, nhà văn, nhà công nghệ
31- Nhà học giả Nguyễn Văn Tố (1989-1947)
32- Vườn Bách Thảo
33- Chợ Đồng Xuân
34- Rượu Văn Điển
35- Dầu Tây, nước mắm
36- Vượt qua những bước đi gập gềnh của ngành đường sắt
37- Nhà kinh doanh Bạch Thái Bưởi (1874-1932)
38- Đi lại hồi đầu thế kỷ
39- Xe đạp ngày xưa
40- Từ xe tay đến xe xích lô
41- Nghĩ đến tàu điện
42- Quảng cáo cho một đêm hát
43- Nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921)
44- Đám cưới Vũ Trọng Phụng
45- Tìm hiểu giờ giấc ở Việt Nam
46- Xiếc Việt Nam
47- Một thời lừng lấy đất Hà thành
48- Từ nhà thương làm phúc ngày xưa đến việc khám chữa bệnh cho người nghèo ngày nay
49- Khách làng chơi nhà lục sì và nhà thổ
50- Khẩu súng trong tay người đàn bà
51- Người Tàu chạy loạn sang ta
52- Nạn đói năm Ất Dậu (1945)
53- Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945
54- Quân đội Trung Hoa sang tước khí giới quân đội Nhật ở miền Bắc Việt Nam
55- Đồng tiền Việt Nam qua các thời đại
56- Bản tham luận đọc tại Ngân hàng Nhà nước
57- Những người nước ngoài có công với đất nước ta
58- Hoa thủy tiên
59- Quận Thanh Xuân xưa và  nay
60- Nhớ đến cụ Hồ Đắc Điềm
61- Bùi Xuân Phái- danh họa nổi tiếng
62- Từ đào hát đến đào rượu
63- Nguyễn Tuân (1910-1987) duyên văn tình bạn
64- Miễu
  Hà Nội, 25/5/2017
  Ngô Thế Bính

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

20170529.BÀN VỀ TỰ DO HỌC THUẬT TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
'TÔI CHỈ LÀ MẨU GIẤY, NHƯNG TÔI KIỂM SOÁT TOÀN BỘ CUỘC ĐỜI BẠN'
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG/ GDVN 29-5-2017
"Tôi chỉ là một mẩu giấy, nhưng tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời bạn". (Ảnh tác giả chụp từ Linkedin)
Tự do có lẽ là một từ quý giá trong cuộc đời mỗi con người cũng như mỗi quốc gia.
Các quốc gia đều ghi nhận quyền con người bao gồm cả quyền tự do được làm những gì pháp luật không cấm, và các quốc gia phải đấu tranh rất nhiều với nhau, với các lực lượng đối lập để được “tự do”.
Trong thời gian gần đây, mọi người thuộc giới đại học Việt Nam đang bàn bạc về tự chủ đại học, trong đó bao gồm cả khái niệm tự do học thuật
Theo những gì tôi được trải nghiệm, từ những đại học hàng đầu của Việt Nam, Singapore hay Mỹ, phạm vi “tự do”, mặc dù đều được ghi nhận trong luật pháp tương ứng về giáo dục và học thuật, đều có những “nội hàm” riêng của từng nước, từng hoàn cảnh, mà khó có thể nói đây là khái niệm đồng nhất toàn cầu được.  
Lấy ví dụ, ở đại học của Singapore, tự do học thuật là một khái niệm được hiểu là bao gồm tự do học tập, nghiên cứu, tự do thông tin và chia sẻ, trừ những chủ đề và những nghiên cứu mà chính phủ không khuyến khích.  
Thêm nữa, việc trao đổi thông tin học thuật, nghiên cứu, chủ đề về con người cũng có thể bị Phương Tây đánh giá là chưa thực sự “tự do”, với những hạn chế về tự do ngôn luận và tự do báo chí.  
Đây chính là lý do cơ bản mà các giáo sư của Yale đã phản đối dữ dội về liên kết thành lập đại học Yale – NUS (National University of Singapore – Đại học quốc gia Singapore) [1].
Nhưng nếu Yale vẫn thành lập liên kết chương trình với NUS, lẽ nào các giáo sư và chương trình giáo dục ở Yale đã “thỏa hiệp” phần nào tự do học thuật của họ khi họ liên kết với đối tác, mà mức độ “tự do học thuật” không đi theo chuẩn mực của các đại học hàng đầu của Mỹ? 
Xin được trích dẫn đôi dòng về tự do học thuật trong báo cáo tham quan trường Yale – NUS năm 2016 của Hội đồng Giáo sư Yale [2]:
Chương trình cơ bản của chương trình (liên kết) hoàn toàn khác với chương trình được cung cấp ở Yale. 
Tự do học thuật – Họ (các quản lý trường, chương trình và giáo viên) ý thức được những vấn đề về tự do học thuật ở Singapore và việc họ đang sống trong cộng đồng được “quản lý”.  
Tuy nhiên, trong trường không có các chế độ giám sát. Mọi người có thể mua bất kỳ sách hay phim nào mà họ chọn. 
Họ thông báo cho Cơ quan Phát triển Truyền thông thay thế cho việc xin phép (cho các chương trình, phát ngôn). 
Họ mời các thành viên của các đảng đối lập đến trường để trao đổi ý kiến và chủ đề. 
Tự do cá nhân – Trong trường, vấn đề này ổn. Lấy ví dụ, nhóm sinh viên LBGT là nhóm sinh viên đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới duy nhất tại Singapore được đăng ký như một tổ chức sinh viên chính thức.
Theo đó, họ nhận được quỹ hỗ trợ tài chính của chính phủ.  
Một ví dụ khác là gần đây, họ được công bố cuốn hướng dẫn sinh hoạt (tình dục) an toàn (bao gồm cả phát miễn phí bao cao su) và phân phát cho tất cả sinh viên trong trường.  
Những sinh hoạt này không có tiền lệ trước đây ở Singapore”. 
Những nhận xét trên đây thuộc về bản báo cáo đánh giá trong 3 ngày tham quan và gặp gỡ mọi người ở Yale-NUS do các giáo sư Yale đưa ra.
Trong đó, mục đích chính là mong muốn đánh giá việc liên kết mở chương trình giáo dục khai phóng và nghệ thuật ở một đất nước được coi là không có nhiều tôn trọng về quyền tự do của con người và ngôn luận (theo quan điểm của những giáo sư Yale phản đối việc liên kết với NUS).
Cho đến nay, Yale-NUS là chương trình được đánh giá khá tốt trong hệ thống các trường thuộc NUS. 
Họ vừa khai trương cơ sở mới được xây dựng trong khuôn viên của NUS, với mục tiêu tăng thêm số sinh viên đến học ở Yale – NUS.
Trong đó sinh viên Singapore chỉ cần chiếm khoảng 50%, còn lại dành cho sinh viên nước ngoài (trong tổng số mục tiêu 1000 sinh viên). 
Như vậy, có thể hiểu được mấy ý chính sau đây thông qua ví dụ của Yale – NUS:
1. Rất nhiều khái niệm, phạm trù gắn với “tự do” như tự do học thuật, có thể được hiệu chỉnh mềm dẻo cho phù hợp với đối tượng hợp tác, trong một môi trường văn hóa và chính trị khác với Mỹ. 
2. Với trường hợp của Yale-NUS, để tránh những rắc rối có thể xảy ra, NUS đã lựa chọn những học phần quan trọng nhất trong chương trình và tự xây dựng lên một chương trình khung khác với Yale, cấp bằng học bởi cả hai trường Yale-NUS.  
Đây cũng là một ví dụ rất tốt cho các trường học tập, và cũng chứng minh được năng lực tự lựa chọn và xây dựng chương trình của cả hai trường xuất sắc trên thế giới Yale và NUS. 
Tính sáng tạo và sự thành công của Yale-NUS khi xây dựng được chương trình độc lập với chương trình của Yale là một bài học mà cá nhân tôi tin, Việt Nam cần học rất nghiêm túc.  
Điều này mới là điểm cơ bản để giữ được “tự do học thuật” cho NUS, theo kiểu của NUS, trong quá trình hợp tác với Yale. 
3. Khá nhiều giáo sư Yale ở Mỹ quan ngại về những khả năng có thể ảnh hưởng đến tự do học thuật, mà trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do phát biểu, tự do giảng dạy và lựa chọn chương trình, tài liệu cho sinh viên…
Tuy nhiên, có lẽ vì có Yale và chương trình giáo dục khai phóng và nghệ thuật, ít nhất là trong khuôn viên và cuộc sống hàng ngày, điều này đã không xảy ra, và biết đâu, nó đã góp phần thúc đẩy sự cởi mở và tự do phóng khoáng trong tư tưởng cho các trường thành viên khác thuộc NUS.
Những câu chuyện như của Yale – NUS đã được nhiều trường của Mỹ quan tâm nghiên cứu, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những hành xử của các đại học Mỹ khác khi mở rộng hoạt động của mình ra những nước hoặc khu vực có sự khác biệt với Mỹ, nhất là về khái niệm “tự do”.  
Yale-NUS cũng không phải là một câu chuyện đơn lẻ, vì hầu hết các chương trình hợp tác giữa các đại học Mỹ với đại học Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề tương tự.  
Tuy nhiên, với sức mạnh của hợp tác và vượt lên khác biệt, dù có những khác biệt về tự do học thuật, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí… cuối cùng, các trường đại học Mỹ vẫn nhìn thấy sức hấp dẫn không thể từ bỏ ở thị trường giáo dục Trung Quốc. 
Vậy, câu hỏi đặt ra là nếu tự do học thuật có thể hiểu và ứng dụng mềm dẻo, tùy theo từng tình huống và từng đối tác, điều gì là quan trọng nhất trong tự do học thuật của Mỹ? 
Tôi đã ở Mỹ 3 năm và học 2 năm chương trình quản trị giáo dục đại học Mỹ.
Cá nhân tôi nhận thấy, chính khái niệm “tự do học thuật” ở đại học Mỹ, do giáo sư và môi trường học của đại học Mỹ, có lẽ cũng được thực hiện rất khác nhau.  
Lấy mấy ví dụ để chúng ta cùng xem xét nhé.
Ví dụ 1: Phản đối việc tổ chức phát biểu của một cá nhân mang tư tưởng da trắng thượng đẳng ở UC Berkeley [3]
Ngay khi vụ biểu tình phản đối của sinh viên tổ chức trong khuôn viên trường nhằm thể hiện thái độ với một người theo chủ nghĩa cánh tả, đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng được mời đến nói chuyện ở UC Berkeley, Tổng thống Mỹ đã lên Twitter đe dọa:
Nếu không tôn trọng tự do ngôn luận, sẽ cắt tài trợ của liên bang dành cho trường”. 
Bỏ qua các yếu tố rằng ai đúng ai sai trong việc này, nhưng một đe dọa chính thức từ người lãnh đạo đất nước trong việc sẵn sàng sử dụng nguồn tài trợ liên bang cho các đại học như một phản ứng các hành động không được ông ủng hộ, thì liệu cái gọi là “tự do ngôn luận”, hay “tự do học thuật” thực sự đang được kiểm soát bởi ngân sách tài trợ liên bang? 
Ví dụ 2: Cắt giảm nhân sự trong đại học và đặc biệt coi trọng tuyển dụng giáo viên thời vụ (adjunct professors)
Cũng với UC Berkeley, trong năm 2016, đối mặt với việc cắt giảm ngân sách liên tục, Hiệu trưởng trường và Chủ tịch đã phải nêu ra chiến lược cắt giảm các chương trình hoạt động nhằm đảm bảo Berkeley vẫn là nó, trong bối cảnh thiếu hụt tài chính.  
Một trong những chiến lược Hội đồng trường Berkeley đề xuất việc thu hẹp các hoạt động không thích hợp, và hạn chế tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong nghiên cứu [4].
Trong bối cảnh cắt giảm ngân sách, thay vì tuyển dụng hay giữ các giáo sư suốt đời, hay giáo sư có thời hạn lâu dài, rất nhiều trường đã chuyển sang tuyển giáo viên có thời hạn ngắn (adjunct professors), mà thực tế, rất ít hiệu quả với quá trình giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng. 
Việc không duy trì được hợp đồng đủ dài cho giáo viên và nhân viên lao động tại trường đã tạo nên một tâm lý rất khó chịu, vì mọi người buộc phải sống như “đóng kịch”! 
Họ luôn bị áp lực và tâm lý với thời hạn không rõ sang năm, mình có được gia hạn hợp đồng hay không? 
Cũng từ đây, các giáo sư quản lý chương trình, quản lý khoa là những người trực tiếp tuyển dụng cũng không dễ để tuyển người thực sự có năng lực (vì hạn chế ngân sách) hay có thể phải thỏa hiệp, chấp nhận chất lượng giảng dạy và nghiên cứu càng ngày càng kém đi.
Vậy, với bối cảnh hợp đồng lao động với trường có thể không được gia hạn vào năm sau, liệu có ai còn quan tâm nhiều đến “tự do học thuật” hay “tự do ngôn luận” nữa không?
Hay hợp đồng lao động mới là điều quan trọng nhất với người lao động ở trường? 
Cuối cùng, môi trường học tập, đáng ra phải là có sức lôi cuốn, sức hấp dẫn trí tuệ, có niềm vui trong học tập và nghiên cứu, khi bị ưu tiên cắt giảm ngân sách, tất cả đã biến đổi và tác động mạnh vào chất lượng của cái gọi là “tự do học thuật” hàng trăm năm nay của đại học Mỹ.
Khi tôi mới đến Mỹ học tập, tôi có niềm tin tuyệt đối vào những nguyên tắc quản trị đại học và xã hội Mỹ.  
Cùng với thời gian học và với những trải nghiệm đau đớn của cá nhân trong thời gian học, hơn hết, tôi cảm thông lớn với những giáo sư đang dạy tôi và những gì họ phải làm để duy trì vị trí, công việc của mình ở đại học.  
Tôi hiểu và tha thứ cho những gì họ đã làm với một học sinh hết lòng tin vào giá trị và giáo dục Mỹ, bởi giống như ở Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, tất cả chúng ta, chỉ nói đến “tự do học thuật” mà thôi!
Tôi nghiệm ra được “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” [5], và chúng ta đều thỏa hiệp để tìm ra được những tự do, theo những nghĩa mềm mại nào đó, mà ai đó mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Thị Lan Hương

TRANG TRÍ LỚP HỌC KIỂU MỸ

THU HỒNG/ GDVN 29-5-2017

Việc trang trí lớp học được thực hiện vào mỗi đầu năm học
Ở Mỹ, việc trang trí lớp học không chỉ để cho đẹp, vui mắt, cuốn hút trẻ thơ; mà chủ yếu để làm các em dễ học, dễ nhớ, thuận tiện, an toàn.

Hàng năm, việc trang trí lớp được thực hiện chủ yếu vào thời điểm đầu năm học, trước khi học sinh chính thức vào học.

Trong quá trình cả năm học, thày cô tiếp tục làm phong phú thêm những trang trí cho lớp của mình dựa trên những bài học đã dạy.

Đến cuối năm, các thày cô lại phải dỡ hết những trang trí của năm học vừa qua để chuẩn bị cho một năm học mới lại đến. 
Lúc đó các thày cô giáo phải dọn dẹp lớp, gỡ hết các trang trí xuống để bộ phận văn phòng thu dọn, làm kiểm kê và tổng vệ sinh thảm, sàn, sơn tường...
Mỗi lớp học có cách bố trí đồ đạc và trang trí khác nhau, phụ thuộc vào:
1. Chủ trương của trường, Hiệu trưởng và School district (tựa như Phòng Giáo dục của Việt Nam). 
Ví dụ có trường bắt buộc phải có word wall, có những trường không yêu cầu. Hay có những trường yêu cầu cụ thể về word wall phải theo môn hay theo thứ tự bảng chữ cái...
Gần đây có xu hướng bố trí ngồi linh động (flexible seating). Kiểu này khác với kiểu ngồi bàn ghế truyền thống. 
Các em sẽ ngồi trên ghế sofa hay ngồi trên ghế không tựa, ngồi trên bóng tập yoga, hay thậm chí đứng cạnh bàn cao, không ngồi.
2. Chương trình học, nhất là môn Văn hay English Language Arts. Như trường cũ của tôi ở New Jersey học theo chương trình Phonics của Fontas &Pinnell, và Guided Reading, thì sắp xếp bàn theo cụm/cluster gồm 3-4 bàn/nhóm.

Còn trường bây giờ thì theo chương trình Imagine It! của McGraw-Hill thì phải sắp xếp theo hình chữ U để cả lớp nhìn được các tờ poster âm tiết và chữ cái.
3. Phụ thuộc vào tính cách và ngân sách của từng trường, thày cô.
Nhìn chung các lớp có những đặc điểm tương tự như sau:
- Bao giờ cũng có ít nhất là bàn của giáo viên có ngăn kéo (teacher's desk), bàn không ngăn kéo cho các hoạt động đọc và học tập khác (tables).
Có nhiều dạng bàn: kidney table, round table.
Cô giáo còn có vài tủ đựng đồ khác nhau: tủ đựng hồ sơ giấy tờ (file cabinet, thường bằng kim loại có khoá), tủ kiểu tủ đứng (closet), tủ gỗ nhỏ (wooden cabinet).
- Bàn và ghế của học sinh (student's desk and chair). Lớp nhỏ (mẫu giáo nhà trẻ) thì thường bàn không có ngăn kéo (table). Lớp 1 trở lên thì bàn có ngăn kéo (desk).
- Bài trí sao cho đảm bảo an toàn cho học sinh và lấy học sinh làm trung tâm (student-centered). Cụ thể là bố trí sao cho các em dễ lấy đồ, thuận tiện, và an toàn, hạn chế tối đa việc đi lại loanh quanh và trở ngại.
- Các poster, hình trang trí, bảng hiệu được sắp xếp theo từng môn học. Điều này tiện cho việc các em theo dõi những gì đã học, tham khảo kiến thức cũ dễ dàng.
Cả 1 năm học có rất nhiều bài học của nhiều môn. Nên thày cô nào cũng thấy thiếu chỗ ... treo tranh ảnh và đồ thị (poster và chart paper).
- Khu vực trưng bày những bài học, tác phẩm đã hoàn thành của các em. Điều này đặc biệt quan trọng vì các em cảm thấy tự hào, thành công khi nhìn thấy chính những gì mình đã làm, thấy được khích lệ động viên.
- Lớp nhỏ ở các trường tiểu học thì có nhà vệ sinh và bồn rửa mặt ngay trong lớp. Lớp lớn thì không.
Nếu trường có không gian rộng thì khu vực mắc treo quần áo, cặp hay closet của học sinh có khu riêng. Nếu không sẽ chỉ có dãy đinh móc ở 1 góc trong lớp.
- Việc sắp xếp ai ngồi cạnh ai hay chuyển chỗ giữa các em là hoàn toàn linh động, tuỳ thày cô
Để có cái nhìn cụ thể hơn, mọi người có thể xem video sau: 
Một số hình ảnh trang trí lớp học tại Mỹ:
Bài và ảnh: Thu Hồng