Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

20170522. BÀN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐỐI THOẠI CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
HƯỞNG ỨNG ĐỐI THOẠI
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21/5/2017
Kết quả hình ảnh cho giáo sư nguyễn đình cống
Ngày 15 tháng 8- 2017, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng tuyên bố: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Khác với phát ngôn “sẽ đối thoại” vào năm ngoái nhưng chẳng làm gì cả, lần này ông Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Việc đối thoại để tìm chân lý đã được nhiều người đề cập từ lâu. Gần đây có các đề nghị cụ thể của các ông Nguyễn Trung và Chu Hảo. Đối thoại gồm 2 bên. Bên A đề xuất, B hưởng ứng. Một bên đại diện cho lãnh đạo. Bên kia là các cá nhân bất đồng quan điểm hoặc đại diện cho các tổ chức dân sự. Nội dung đối thoại do bên A dự kiến trước. Nội dung được chọn và hình thức, thời gian, địa điểm đối thoại sẽ do hai bên thương lượng, thống nhất.
Về nội dung, quan trọng nhất là đường lối. Có nên kiên trì Chủ nghĩa Mác Lênin hay không, nên độc quyền đảng trị hay đa nguyên, vai trò, tổ chức một đảng chính trị cầm quyền phải như thế nào v.v…, Tiếp đến là những đánh giá tình hình, là những chính sách, đường lối phát triển giáo dục, kinh tế.
Về hình thức và tổ chức đối thoại. Phải thật sự dân chủ, công bằng, minh bạch. Không biến đối thoại thành “đối thọi” như Điền Phương Thảo lo ngại (boxitvn 21/5). Đối thoại phải có người của cả hai bên tham dự. Công khai, truyền hình cho toàn dân chứng kiến được thì tốt. Nếu chưa tiện truyền hình công khai thì cũng phải có sự tham dự của truyền thông.
Mấy lâu nay tôi tìm hiểu, chứng minh và công bố các sai lầm của Chủ nghĩa Mác Lênin. Tôi rất muốn được đối thoại với Ban Tuyên giáo, với Hội đồng lý luận của Đảng về vấn đề đó. Tôi đề nghị Ban hoặc Hội đồng chấp nhận.
Tôi gửi ý kiến này đến: bandoc.dcsvn@gmail.com, xin nhờ chuyển đến Ban tuyên giáo và Hội đồng lý luận. Xin chân thành kính mời các vị có cùng quan điểm tham gia cùng tôi trong cuộc đối thoại này.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.
ĐÓI THOẠI HAY 'ĐỐI THỌI'
ĐIỀN PHƯƠNG THẢO/ BVN 21-5-2017
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”
Phát biểu trên của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng quả là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và tiến bộ.
Thế nhưng, điều kiện tiên quyết để một cuộc đối thoại, tranh luận có thể “tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” đó là sự BÌNH ĐẲNG, CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ giữa hai chủ thể tham gia cuộc đối thoại, tranh luận đó. Câu chuyện ngụ ngôn Chó Sói và Cừu Non của La Fontaine đã nêu lên một kinh nghiệm xương máu rằng “lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.
“Một hôm có chú cừu non tìm đến con suối trong rừng uống nước. Lập tức, một con sói đói xuất hiện. Nó quát con cừu: “Tao đã cấm không cho ai uống nước suối này mấy tháng. Sao mày lại dám làm đục nước suối của tao?…”
Cừu non vội đáp: “Dạ thưa ông, xin ông bớt giận nhìn cho kỹ. Đây là con suối mấy đời nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Lũ cá chỗ suối này vốn là chỗ quen biết và có thể làm chứng cho tôi. Vả lại, tôi đang uống nước phía dưới ông mấy chục bước, sao lại có thể làm đục nước chỗ ông được ạ?”
Sói cứng họng trước một sự thật hiển nhiên bèn quát: “Nếu hôm nay mày không làm đục nước suối thì năm ngoái mày có tội nói xấu tao!’
Cừu nói: “Thưa ông, năm ngoái mẹ tôi còn chưa sinh tôi ra, sao tôi lại có thể nói xấu ông được?” Sói: “Vậy à? Nếu không là mày thì chính anh trai mày năm ngoái đã nói xấu tao!” Cừu: “Dạ thưa, ông lại nhầm rồi! Tôi là con một, đâu có anh em!”.
Sói tiếp: “Vậy thì bố mày đã nói xấu tao”. Nói chưa dứt câu, Sói vồ lấy Cừu non và bắt nó phải chịu một cái chết bất công”.
Cừu non biết rằng nó không có anh, nhưng nó không thể đoán chắc được việc bố nó có nói xấu Sói hay không nên đành im lặng. Con Sói đã nói lời cuối cùng, không phải lời nói của nó là sự thật nhưng bởi nó là kẻ mạnh.
Như vậy, trong một đất nước, muốn những cuộc đối thoại, đấu tranh được diễn ra trong sự công bằng, dân chủ thì ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp phải hoàn toàn động lập, có sự kiểm soát lẫn nhau, tức là phải có chìa khóa của nền dân chủ đó chính là tam quyền phân lập.
Tại Việt Nam, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, thành phần trong Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân các cấp cũng chỉ là những người được Đảng Cộng sản Việt Nam phân nhiệm, tức là phân chia nhiệm vụ, không phải phân lập. Do vậy, họ cũng thi thực thi mọi đường lối chính sách do Đảng đề ra, nói theo định hướng, nghĩa là không hề có sự độc lập trong quyền hạn. Mà không có sự độc lập về quyền hành thì làm sao có sự độc lập trong tư duy, chính kiến?
Thiếu tướng công an Trương Giang Long cay đắng thừa nhận rằng: “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam. Không bao giờ cả…Bất hạnh của chúng ta là sống gần cái ông anh mà mức độ lòng tốt nó thấp, gien tốt nó thấp, còn gien xấu thì nó vượt trội” . Ông cũng khẳng định rằng “Trung Quốc đã cài cắm hàng trăm lãnh đạo nằm trong chính quyền Việt Nam”. Đó là lý do vì sao Việt Nam biến thành một bãi xả thải khổng lồ của các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc. Nạn xả thải của Formosa khiến vùng biển miền Trung ô nhiễm như vết thương còn đang ung mủ, thì hình hài đất nước hình chữ S này tiếp tục bị lở loét bởi nước thải độc hại, hôi hám của nhà máy giấy Lee & Men tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đứng trước dã tâm tiêu diệt giống nói Việt Nam bằng “cuộc chiến tranh không tiếng súng” của Trung Quốc, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối Formosa và các dự án hủy diệt môi sinh nước Việt của Trung Quốc. Họ chỉ lên tiếng nói, sự “cọ xát” của họ là trình bày chính kiến, tuyệt đối không có sự “cọ xát” bằng bạo lực. Thế nhưng lần lượt họ đều bị bỏ tù, bị sát hại sau khi bị quy chụp là “phản động”, là “thế lực thù địch”, là “tuyên truyền nói xấu chế độ”…
Những cuộc biểu tình trong ôn hòa của người dân Hà Tĩnh, Nghệ An há chẳng phải là một hình thức muốn đối thoại hay sao? Thế nhưng họ đã bị nhà cầm quyền ngăn cản, đàn áp, đánh đập không thương tiếc. Đến nỗi họ đã chia sẻ với anh Hoàng Bình, một nhà hoạt động cho nhân quyền rằng: “Có lẽ lần sau khi tham gia tuần hành, chúng tôi sẽ tự trói hai tay của mình lại và đi thành hàng. Chúng tôi muốn chứng tỏ cho nhà cầm quyền thấy rằng chúng tôi chỉ MUỐN ĐỐI THOẠI. Hãy đối thoại và đừng đàn áp chúng thôi”.
Vâng! Bất cứ ai còn lương tri nhân loại đều không thể cầm được xúc động khi nghe những lời bộc bạch chân tình như thế. Dù vậy, đó vẫn là một ước mơ rất xa vời bao lâu mà chính quyền đương thời còn cho rằng “Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta”.
Con Cừu trong ngụ ngôn La Fontaine đã bị buộc tội hồ đồ, bất công và vô lý, không có chứng cớ và không có cơ sở và đã bị Cáo xé thịt chỉ vì nó đã đối thoại với kẻ không cần “hình thành chân lý” từ những cuộc đối thoại. Dù vậy, chân lý vẫn là sức mạnh vĩnh hằng và điều giúp phân biệt giữa kẻ sống và tồn tại đó là người đó biết lên tiếng cho Sự Thật. Vì Chúa Giêsu cũng dạy rằng: “Sự Thật sẽ giải phóng các con” (Gioan 8, 32).
Đ.P.T.
__________

Link tham khảo

'ĐẢNG TA' KHÔNG SỢ ĐỐI THOẠI? 
THIỀN LÂM/ BVN 21-5-2017
Bản cam kết có chữ ký của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung ... là bằng chứng minh bạch nhất về đối thoại giữa chính quyền với dân chúng.
Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sáng 18/5/2017.
Khác với phát ngôn “sẽ đối thoại” vào năm ngoái nhưng chẳng làm gì cả, lần này ông Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Vậy “Đảng ta” có thật sự không sợ đối thoại với giới bất đồng chính kiến?
Hãy nhớ lại năm 2014, khi nổ ra vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều trí thức đã yêu cầu Bộ Chính trị phải đối thoại để xử lý dứt khoát vấn đề đối sách với Bắc Kinh. Nhưng Bộ Chính trị đã như thể á khẩu.
Từ năm 2015 đến nay, “Nhóm 61” -một tập hợp mới của một số trí thức đảng viên và những người thuộc phong trào học sinh và sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975 -đã vài lần gửi thư yêu cầu cho Bộ Chính trị, vẫn về nhu cầu đối thoại và ít nhất “một cuộc gặp”. Nhưng từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống, không một quan chức nào hồi âm.
Do vậy, có ý kiến cho rằng không còn hy vọng gì đối với lãnh đạo trong nước sau đại hội 12. “Họ” đã hết thuốc chữa sau khi đã tranh thủ được Mỹ thỏa mãn về cả ba mặt: chính trị (tôn trọng chế độ hiện hữu), kinh tế (dễ dãi các điều kiện TPP) và quân sự (bán vũ khí sát thương).
Một ý kiến khác, thực tế hơn, cho rằng đừng hy vọng gì về “bản lĩnh đối thoại” của giới lãnh đạo ngày nay. Họ còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ nhau trong nội bộ, lấy đâu ra hơi sức để ngồi nói chuyện với mấy ông trí thức. Mà cứ nghe đến trí thức là họ lại lắc đầu quầy quậy.
Chưa kể đến sĩ diện của Đảng là cao vời vợi, dù sắp chết đến nơi vẫn còn vời vợi cao. Tâm lý đầu tiên và luôn có là “ta đường đường là ủy viên Bộ Chính trị, sao phải hạ mình ngồi ngang hàng và nói chuyện với mấy tay trí thức chỉ là đảng viên thường?”.
Còn nếu có diễn ra một cuộc đối thoại trong mơ, cái gì sẽ được nói ra? Chẳng lẽ giới lãnh đạo đầy sĩ diện và ảo tưởng quyền lực lại chịu ngồi im để nghe “đám trí thức nhiều chuyện” răn dạy sự cần kíp phải bỏ ngay Điều 4 Hiến pháp, chấm dứt ngay sự độc tôn lãnh đạo của đảng cầm quyền, thoát Trung và cả thoát Cộng, chống tham nhũng từ ngay trong nhà mình… Toàn những chuyện quá khó nghe và quá khó nuốt! Toàn những chuyện “bỏ Đảng là tự sát!”
Đối thoại chỉ manh nha thành hình như thế, ở những nơi và vào những thời điểm cực chẳng đã đối với chính quyền, ở cấp địa phương mà không phải cấp trung ương, đối thoại với nông dân, ngư dân, tiểu thương - những người bị coi là “sắp làm loạn” - chứ không phải với những trí thức “chưa nguy hiểm lắm”.
Hẳn là sau vụ Đồng Tâm khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “hạ mình” đến tận thôn Hoành để đối thoại với bà con nông dân quyết tử giữ đất, Bộ Chính trị Đảng mới nhận ra là không còn cách nào khác, họ phải lê bước đến dân chúng.
T.L.
VNTB gửi BVN.
ĐẢNG CỘNG SẢN CÓ 'THỰC LÒNG' ĐỐI THOẠI ?
BBC Tiếng Việt/ BVN 22-5-2017
Luật sư Lê Công Định cho rằng động thái về đề nghị ‘đối thoái’ của ông Võ Văn Thưởng chỉ nhằm đối phó với ‘Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ’ dự kiến vào hạ tuần tháng 5/2017. Ảnh HOANG DINH NAM/AFP
Mọi mô hình đối thoại đã biết đều ‘khó có thể áp dụng’ vào trường hợp của Việt Nam, nếu cuộc ‘đối thoại’ mà ông Võ Văn Thưởng nói ‘diễn ra thật’, theo một luật sư bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị của Việt Nam nói với BBC từ Sài Gòn.
Bình luận về ý tưởng của đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, tuần này đề xuất việc đề nghị ban lãnh đạo Đảng xem xét tổ chức ‘đối thoại’ với những người có ý kiến khác biệt với Đảng, Luật sư Lê Công Định cho rằng việc này ‘khó’ là vì Đảng CSVN chưa bao giờ ‘quen đối thoại thẳng thắn’ và ‘thật lòng’.
Mời quý vị theo dõi toàn văn sau đây cuộc phỏng vấn qua bút đàm cuối tuần này của BBC Việt ngữ với Luật sư Lê Công Định:
Vì đối thoại nhân quyền?
BBC: Ông bình luận thế nào về ý kiến vừa rồi của ông Võ Văn Thưởng về vấn đề đề nghị Ban Bí thư của Đảng CSVN xem xét ‘tổ chức đối thoại’ với các ý kiến khác biệt với Đảng?
LS. Lê Công Định: Đó là dấu hiệu tốt về khả năng đối thoại giữa đảng cầm quyền và người dân nói chung và những người bất đồng chính kiến nói riêng. Xưa nay Đảng Cộng sản chỉ muốn nghe tiếng nói thuận và tung hô mình. Ai nói trái ngược thì dù đúng họ vẫn chụp mũ là ‘thế lực thù địch’.
BBC: Theo ông, đâu là động cơ của ông Võ Văn Thưởng khi ông đưa ra đề nghị xem xét mở đối thoại nói trên?
LS. Lê Công Định: Tôi ngờ rằng đây không phải là chủ trương mới của Đảng Cộng sản. Tuần sau sẽ diễn ra Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội. Phát ngôn của ông Võ Văn Thưởng dường như gửi một tín hiệu cho chính quyền Mỹ rằng Việt Nam cũng ‘sẵn lòng lắng nghe’ đối lập.
Ông Võ Văn Thưởng (phải) được truyền thông VN nói: ‘chúng ta không sợ đối thoại, tranh luận’. Ảnh Reuters
Nhưng thông điệp đó cũng chỉ nhắm đến cuộc đối thoại nhân quyền mà thôi. Đó không phải là chính sách lâu dài. Hơn 70 năm qua, người cộng sản chưa từng lắng nghe và đối thoại, ngoại trừ trường hợp các Hiệp định Geneva và Paris. Tuy nhiên chúng ta đã thấy họ lật lọng thế nào!
Vụ Đồng Tâm mới đây có thể được xem là lần đầu tiên chính quyền chấp nhận ngồi xuống đối thoại với dân. Thoạt tiên họ dùng sức mạnh để trấn áp, nhưng khi vấp phải sự kháng cự mạnh của người dân, họ mới chấp nhận lui bước và ngồi xuống đối thoại.
Giả sử lời ông Thưởng nói là đúng và cuộc đối thoại diễn ra, tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn người dễ bảo và dễ đồng ý những gì họ áp đặt, chứ không phải sẽ đối thoại với ai mà phía bất đồng chính kiến muốn.
Nói cách khác, họ sẽ đặt ra thể lệ đối thoại, chọn người đối thoại, nêu ra đề tài đối thoại và chỉ đưa lên truyền thông nội dung đối thoại nào có lợi và họ muốn. Đây là một chiến dịch PR (tuyên truyền, quảng cáo) không hơn không kém nếu nó diễn ra. Tuy nhiên, tôi không tin nó sẽ diễn ra.
Bởi như tôi đã nói, phát biểu của ông Thưởng nhằm mục đích duy nhất là cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào tuần sau.

Có cần đến trung gian?

BBC: Nếu đối thoại thì cần tổ chức như thế nào, thưa Luật sư? Có cần trung gian không? Nếu trực tiếp thì làm thế nào cho bình đẳng, hiệu quả và thực chất?
Mô hình đối thoại thay vì sử dụng bạo lực đã được chính quyền Hà Nội và người dân lựa chọn trong diễn biến ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cuối tháng 4/2017. Ảnh FB/Social media
LS. Lê Công Định: Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại.
BBC: Nếu đối thoại bình đẳng, đâu là chủ đề cần ưu tiên? Làm gì để người đối thoại với Đảng được an toàn, không bị ảnh hưởng tới an ninh?
LS. Lê Công Định: Chủ đề ưu tiên nên là quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Tôi tin nếu có đối thoại, nhà nước sẽ bảo đảm an toàn cho người đối thoại, vì họ đang làm PR nên cần giữ hình ảnh.
BBC: Các mô hình đối thoại hiệu quả và chuẩn mực thường có đặc điểm chính và chung nào, nó có dễ áp dụng với Việt Nam hay không?
LS. Lê Công Định: Mọi mô hình đối thoại đều khó có thể áp dụng vào trường hợp này nếu cuộc đối thoại mà ông Võ Văn Thưởng nói diễn ra thật. Khó là vì ĐCSVN chưa bao giờ quen đối thoại thẳng thắn và thật lòng. Đối với ai yếu hơn, họ luôn tìm cách áp đặt ý kiến chứ chưa bao giờ muốn đối thoại. Đối với ai ngang bằng sức mạnh, đối thoại chỉ là giải pháp tình thế và luôn kết thúc bằng lật lọng.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chủ trương bác bỏ mọi cơ hội đối thoại, vì dù sao đây sẽ là vận may của đất nước nếu ĐCSVN thật tâm. Chữ “nếu” này rất quan trọng. Tôi luôn dè dặt và chờ xem cách họ làm thế nào, rồi đặt niềm tin sau vẫn chưa muộn. Tôi từng tin họ nhiều lần, nhưng lần nào cũng thất vọng. Đó là vấn đề thuộc về bản chất của người cộng sản.

Chỉ là một phép thử?

BBC: Cuối cùng theo ông quan điểm của ông Võ Văn Thưởng có phản ánh gì về tư duy hay tư tưởng của nội bộ ban lãnh đạo của ĐCS hiện nay ở VN? Nó là thiểu số hay đa số hay đơn thuần là một phép thử?
LS. Lê Công Định: Như tôi đã nói, đề xuất đối thoại của ông Võ Văn Thưởng chỉ nhằm mục đích gửi tín hiệu cho phía Mỹ rằng ĐCSVN nay sẵn lòng mở cánh cửa đối thoại với phía bất đồng chính kiến.
Nhà cầm quyền Việt Nam mới đây không ch tiến hành bắt nhà hoạt động Hoàng Bình (phải), truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái) mà còn ‘bôi nhọ’ các linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục, theo LS Lê Công Định. Ảnh FB Bach Hong Quyen
Tôi nghe nói cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào tuần sau không suôn sẻ đối với Hà Nội, vì Bộ ngoại giao Mỹ muốn Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị trước khi tính đến khả năng đàm phán một hiệp định thương mại thay thế cho TPP, điều mà Việt Nam rất cần trước sự sa sút hiện nay của nền kinh tế.
Nhà cầm quyền VN chưa muốn trả tự do cho các tù nhân chính trị lúc này, nên họ đề xuất đối thoại với giới bất đồng chính kiến như một giải pháp thay thế để thương lượng với phía Mỹ. Cách tung tin để thăm dò này tôi không thấy lạ, vì họ dùng nhiều lần rồi. Chỉ là “same shit, different day” (tạm dịch: ‘bổn cũ soạn lại’) thôi.
Đầu óc của giới lãnh đạo VN chỉ nghĩ đến trấn áp bằng sức mạnh hoặc lừa dối bằng tuyên truyền, chứ chưa bao giờ muốn đối thoại thật tâm. Hãy nhìn vào vụ Formosa như một bài học gần nhất từ hơn một năm qua. Khi xảy ra thảm họa, thay vì thừa nhận sự việc, họ chọn dối trá và bao che. Khi người dân phản ứng, họ chọn trấn áp thay vì lắng nghe nguyện vọng của nạn nhân.
Mới đây nhất, họ bắt nhà hoạt động Hoàng Bình, truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền và dùng truyền thông bôi nhọ hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Đã có tín hiệu nào về sự sẵn lòng đối thoại trong trường hợp đó hay chưa? Cần lưu ý, nạn nhân Formosa không phải là bất đồng chính kiến gì cả, mà nhà cầm quyền còn chưa muốn đối thoại, thì nói chi đến giới bất đồng chính kiến.
Bắt giam và bôi nhọ vẫn là hai phương thức truyền thống mà toàn bộ giới lãnh đạo cộng sản hiện nay vẫn tiếp tục dùng đối với giới bất đồng chính kiến. Vì vậy, đối thoại ư? Hãy chờ xem.
__________
Luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động dân chủ hóa và nhân quyền, cựu tù nhân chính trị, từng là thành viên của một số tổ chức như Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, hội đồng đại diện cho Việt Nam - Hiệp hội Luật sư châu Á - Thái Bình Dương và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Trên đây là quan điểm riêng của Luật sư Lê Công Định, mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn về Chủ đề ‘Thực chất đối thoại của Đảng với giới bất đồng?‘, trong đó Luật sư có tham gia một số ý kiến qua bút đàm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét