Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

20170528. TÌNH HÌNH NỢ XẤU TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

ĐIỂM BÁO MANG
TRĂM NGÀN TỶ NỢ XẤU: ĐI TÙ KHÔNG SỢ CHẾT CHÌM
M.HÀ/ VNN 27-5-2017
nợ xấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn.
Còn rất nguy hiểm
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuộc chiến xử lý nợ xấu đã diễn ra rất quyết liệt, với hơn 610 ngàn tỷ đồng đã được xử lý trong giai đoạn 2012-2016, trong đó gần 57% được các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý thông qua đôn đốc thu nợ, phát mại tài sản, trích lập dự phòng, bán cho VAMC.
Tình hình nợ xấu đã qua thời kỳ tồi tệ nhất, hệ thống ngân hàng tránh được cú sốc đổ vỡ. Tuy nhiên, thực trạng nợ xấu được đánh giá vẫn còn rất nguy hiểm và nếu không được xử lý dứt điểm thì “cục máu đông” trong huyết mạch của nền kinh tế có trở thành một “khối u” rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Kim Anh, phó Thống đốc NHNN cho biết, nợ xấu đã được kiềm chế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ cho vay. 
Đây là một tỷ lệ thấp hơn so với trung bình của thế giới (khoảng 3%). Tuy nhiên, nếu tính cả khoản nợ xấu bán cho VAMC mà chưa xử ly được, thì nợ xấu lên tới 5,8% và tỷ lệ đương nhiên sẽ cao hơn nếu tính cả nợ có khả năng trở thành nợ xấu (theo chuẩn quốc tế).
Với dư nợ cho vay của toàn hệ thống lên tới hàng triệu tỷ đồng, tổng số nợ xấu có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng (tương đương hàng chục tỷ USD). Đây là một con số quá lớn đối với nền kinh tế. Nó chôn vùi một lượng vốn quá lớn không thể đưa vào để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời, theo các chuyên gia, làm tăng chi phí của NH, làm tăng lãi suất cho vay ra nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, nợ xấu của các TCTD dù đã được xử lý rốt ráo, nhưng nợ xấu hiện vẫn là lực cản lớn đối với sự phát triển và ổn định của hệ thống NH và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT Vietinbank, thành viên Tiểu ban NH tiền tệ, cho rằng, tình hình nợ xấu hiện vẫn rất xấu và nếu xử lý chậm sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Còn nếu xử lý nhanh, thì có khoảng 10% dư nợ sẽ được đưa vào cung ứng vốn cho nền kinh tế tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng NH. Nếu nợ xấu không được xử lý thì chi phí NH tăng, kéo lãi suất tăng lên. Các DN giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí phá sản.
Không dung túng sai phạm
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, chia sẻ nỗi lo ngại về tình hình nợ xấu hiện tại. Theo đó, nợ xấu hiện vẫn như “cục máu đông”, nếu chưa tan thì gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế.
Theo ông Thành, bản chất nợ xấu NH thực chất là của khách hàng, của DN. Điều đáng ngại nhất là việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ hiện vẫn rất chậm.
Nguyên nhân chủ yếu, theo các NH, chuyên gia và luật sư, là do NH không có được quyền sở hữu, quyền chủ nợ đối với các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đã trở thành nợ xấu. Hầu hết các trường hợp đều phải đưa ra tòa xử lý. Trong khi thời gian xử lý tranh chấp quá dài. 

Theo số liệu của NHNN, trong tổng số hàng trăm ngàn tỷ nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 ngàn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Ngay tại Vietcombank, một NH có tỷ lệ nợ xấu thấp thì thì xử lý nợ xấu cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ đầu 2017). Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo ông Thành, kể từ khi có luật Dân sự sửa đổi, riêng ở Vietcombank cũng đã có 790 vụ chuyển qua tòa án (cho dù ở VCB là rất rất ít so với các NH khác) và 98 vụ đã gửi qua tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian giải quyết một vụ việc qua tòa án thường rất dài, vài ba năm, thậm chí có vụ 7 năm. Đó là chưa kể tới thời gian thi hành án.
Đa số đại diện NH, nhiều chuyên gia, luật sư và cả các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua sớm để tránh tình trạng để việc xử lý nợ xấu vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trở nên khó khăn hơn nếu luật cho phép con nợ có cơ hội chây ì, trong khi chủ nợ không có quyền sở hữu, quyền chủ nợ.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp NH LienVietPostBank cho rằng, Nghị quyết xử lý cho cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống NH. Việc ra đời một nghị quyết như vậy là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không và nó sẽ tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản bất động sản khi giá trị bất động sản đang tăng trở lại. Nghị quyết ra thời điểm này sẽ phá tan cục máu đông bất động sản để có vốn cho nền kinh tế.
Còn về vấn đề sai phạm dẫn tới nợ xấu, ông Hưởng khẳng định, NHNN đã chỉ đạo rất nghiêm, trong quá trình xử lý nợ xấu, nếu phát hiện sai trái sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, đây không phải là sự ưu ái cho ngành NH mà sự cần thiết cho cả nền kinh tế. Vấn đề quan trọng là cần làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai.
M. Hà

VIỆT NAM: 'CỨ RA NGHỊ QUYẾT LÀ NỢ XẤU BIẾN MẤT ? '
PHẠM CHÍ DŨNG/BVN 28-5-2017

clip_image002
Phạm Chí Dũng
Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Quốc hội Việt Nam phải nhận lãnh một trách nhiệm liên đới mật thiết đến “sự tồn vong của đảng”: bắt buộc phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Cục máu đông” chỉ 600 ngàn tỷ đồng?
Sự thể đang dồn ép dữ dội tại kỳ họp Quốc hội vào Tháng Năm, 2017.
Sát kỳ họp trên, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là “cục máu đông”, được công bố: 600.000 tỷ đồng!
Dĩ vãng kiến tạo nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần là không thể chối bỏ. Nếu một chuyên gia phương Tây đã phải nêu triết lý “đầu tư, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ” đối với nền kinh tế Trung Quốc, hình ảnh này lại rất tương đồng và ứng nghiệm ở Việt Nam. Vô khối tiền bạc đã được khối ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp Việt đổ vào các thị trường chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… từ thời kỳ đầu cơ mệt nghỉ những năm 2006-2010 để bắt đầu từ năm 2011 hậu quả kinh khiếp đã hiện hình: quá nhiều chủ đầu tư bị chôn vốn trong lúc các thị trường này lao dốc thảm thiết.
Nhưng sau sáu năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu Đại hội 12, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh. Nếu vào năm 2015, số nợ xấu này được ước tính khoảng 500.000 tỷ đồng, thì nay đã đội thêm 100.000 tỷ đồng.
Song một số chuyên gia phản biện lại cho rằng 600.000 tỷ vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi các ngân hàng thương mại cổ phần khi báo cáo nợ xấu của họ thường có khuynh hướng “thống kê không đầy đủ” để giữ “thành tích”.
Có thể so sánh thực trạng báo cáo – thực tế giữa nợ xấu và nợ công quốc gia.
Cho đến nay, chính phủ và các bộ ngành ở Việt Nam vẫn chỉ thừa nhận nợ công “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP”. Nhưng từ năm 2011 đến nay, đã xuất hiện không ít phân tích và đánh giá của giới chuyên gia phản biện độc lập về thực trạng nợ công lên đến hàng trăm % GDP. Gần đây nhất, một chuyên gia phản biện độc lập là Tiến sĩ Vtũ Quang Việt – người có thâm niên lâu năm là vụ trưởng vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc – đã ính toán rằng nợ công quốc gia Việt Nam phải lên đến 210% GDP, tức đến khoảng $450 tỷ.
Để nếu diễn ra một sự tương đồng cố ý về thực trạng báo cáo thống kê giữa nợ xấu và nợ công, con số nợ xấu thực nằm trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên… vô cùng.
Cũng có một bằng chứng không thể phủ nhận về sự vô cùng trên: năm 2012, nhân vật nổi tiếng “báo cáo láo” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình – đã báo cáo số liệu nợ xấu chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.
Nhưng cũng vào năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đã bị Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia phát hiện chiếm đến 17% tổng dư nợ.
Hoàn toàn bế tắc
Tình hình chỉ chực chờ đổ vỡ.
Ngay cả việc chấp nhận con số 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc: trong đó có 207.876 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC (công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng) nhưng chưa được xử lý. Nói trắng ra, sau hơn ba năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng “đúng quy trình”: từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.
Cho tới tận giờ đây, hậu quả chôn vốn vẫn còn quá lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mới chỉ kịp thoái khoảng 50% vốn bị “ngâm,” trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa biết làm sao để thu hồi được nợ vay từ các con nợ “tiềm năng” của mình…
Gần đây, một số tờ báo nhà nước tỏ ra hoan hỉ khi tuyên giáo rằng Quốc hội sắp ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, và do đó nợ xấu sẽ được giải quyết sớm. Tuy nhiên theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc. Trong khi thị trường ngoài nước vẫn chưa phát ra bất kỳ tín hiệu nào sẽ “xếp hàng mua lại nợ xấu của Việt Nam” như lối quảng cáo của giới quan chức mắc chứng “hoang tưởng” của Ngân hàng Nhà nước, và thực tế đến nay là đã không có bất kỳ phản hồi nào của các “đối tác nước ngoài” cho 500 bộ hồ sơ mà Ngân Hàng Nhà Nước phát đi để kêu gọi mua nợ xấu Việt Nam, thị trường trong nước cũng không hề khả quan hơn với lý do “chưa có khung pháp lý để mua nợ xấu.”
Nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng đã nói thẳng rằng khúc mắc lớn nhất không nằm ở hành lang pháp lý, mà chính bởi nhiều doanh nghiệp và ngân hàng không tìm thấy đầu ra nếu họ rước “của nợ” vào mình.
Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện.
clip_image004
Một ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Quốc Hội nước này bắt buộc phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. (Hình: Getty Images)
Ai phải “đổ vỏ?”
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải “đội nón ra đi,” và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Vào cuối năm 2016, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát ra tín hiệu “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,” với một số ngân hàng thương mại mang trên mình gánh nợ xấu khổng lồ sẽ là trọng tâm phải “xử lý” trong năm 2017.
Đến Tháng Ba, 2017, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải ban hành một thông tư “cấm đảo nợ” đối với các ngân hàng thương mại và con nợ của họ. Động tác này cho thấy đã đến lúc Ngân Hàng Nhà Nước và đương nhiên cả chính phủ của thủ tướng mới là ông Nguyễn Xuân Phúc phải tìm cách thoát khỏi mớ bòng bong nợ xấu để lại từ thời thủ tướng cũ là ông Nguyễn Tấn Dũng, cùng lúc phản ánh tâm thế của Thủ Tướng Phúc rất không muốn ông ta phải trở thành kẻ “đổ vỏ” cho những người “ăn ốc” trước đây.
Cần nhắc lại, vào năm 2012 đã có một quyết định của Ngân Hàng Nhà Nước cho phép “vay để đảo nợ” và do đó giúp cho các ngân hàng thương mại được chuyển khoảng 250.000 tỷ đồng nợ xấu từ hai nhóm 4 và 5 (những nhóm có nguy cơ nặng nề về khó thu hồi vốn, không thể thu hồi vốn và mất vốn cho vay) lên các nhóm cao hơn (an toàn). Tuy thế, tất cả vẫn chỉ là đảo nợ trên giấy tờ, trong khi không một đồng nợ xấu nào được xử lý thực chất.
Tác giả của quyết định cho đảo nợ vào năm 2012 là Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình – nhân vật bị quá nhiều tai tiếng về những khuất tất trong chiến dịch “thâu tóm ngân hàng,” liên quan các nhóm lợi ích về vàng và ngoại tệ…, nhưng lại bất ngờ “nhảy lên” Bộ Chính Trị tại đại hội 12 trong khi “chủ cũ” của ông Bình là Nguyễn Tấn Dũng thậm chí còn bị loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương.
Còn bây giờ là thời của ông Lê Minh Hưng – thống đốc mới của Ngân Hàng Nhà Nước. Có vẻ cũng tương tự tâm trạng của thủ tướng Phúc, ông Hưng không muốn trở thành kẻ phải “đổ vỏ,” nhất là phải lãnh cái đống nợ xấu đang trở thành quốc nạn mà có thể làm sụp đổ một phần nền kinh tế quốc gia và cả chân đứng chế độ còn hiện hành.
Nhưng muốn thoát cảnh “đổ vỏ” lại không hề đơn giản. Có lẽ quá bí, Thủ tướng Phúc và Ngân Hàng Nhà Nước đang muốn “kéo” Quốc hội của Nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cùng liên đới trách nhiệm, trên danh nghĩa “cả hệ thống chính trị vào cuộc xử lý nợ xấu”.
Vậy ngay trước mắt là Quốc hội sẽ làm gì để “xử lý nợ xấu?” Liệu một bản nghị quyết của cơ quan này – tiếp theo căn bệnh nghị quyết khó cứu chữa của đảng – có làm biến mất khối nợ xấu khổng lồ?
Trong thực tế, rất khó tin vào năng lực xử lý nợ xấu của Quốc Hội. Bởi có một sự thật khôi hài nhưng đáng tủi hổ là ngay cả với bản nghị quyết xử lý nợ xấu, Quốc Hội – cơ quan mang trên mình chức năng soạn thảo các văn bản pháp luật – còn không tự sáng tác được mà phải để các cơ quan của chính phủ dự thảo theo cách “cơm dâng tận miệng…”.
P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét