Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

20170524. QUANH ĐỀ XUẤT BỎ NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG
BỎ NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC-KHÔNG PHẢI VIỆC RIÊNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 24-5-2017
Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục
Theo số liệu thống kê, tổng số công nhân nước ta ước tính gần 13 triệu người, số công nhân này đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: nhà nước, tư nhân, tập thể và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Toàn bộ số công nhân ấy không phải viên chức hay công chức nhà nước, riêng số công nhân làm việc trong gần nửa triệu doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 30% ngân sách và 40% GDP. [1]  
Một thống kê trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 70% dân số, nghĩa là khoảng 60 triệu người. [2]
Nông nghiệp nước ta hiện nay tuy có tỷ trọng giảm trong cơ cấu kinh tế, song giá trị tuyệt đối ngày càng tăng và đóng góp khoảng 20% GDP cho đất nước.
Toàn bộ nông dân không ai là viên chức hay công chức, nếu kể thêm thì văn nghệ sĩ, vận động viên, giới biểu diễn phần đông cũng không phải là công chức hay viên chức.
Tầng lớp tiểu thương, giới doanh nhân chẳng có ai là viên chức nhà nước.
Chiếm số lượng đông đảo nhất khối viên chức là hai ngành Giáo dục và Y tế và đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.
Không có con số cụ thể nhưng cả xã hội thừa nhận, muốn xin làm việc trong hai ngành này, số tiền “bôi trơn” không dưới trăm triệu?
Trong các trường học công lập, tồn tại một sự kỳ quái, lãnh đạo là công chức còn giáo viên là viên chức. 
Điều này có nghĩa là hai đối tượng này - dù cùng làm việc tại một sơ sở, cùng thực hiện một nhiệm vụ - nhưng lại bị điều chỉnh bởi hai đạo luật khác nhau, lãnh đạo bị chi phối bởi Luật Cán bộ Công chức còn giáo viên bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức.
Trong khối ngành dịch vụ công (Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Giao thông…), Giáo dục có khoảng 1,24 triệu người, theo Niên giám thống kê Y tế năm 2014, ngành Y tế có khoảng 430.000 người, cho đến nay chưa có số liệu mới hơn của các năm 2015, 2016. [3] 
Việt Nam hiện có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chỉ riêng hai ngành Giáo dục và Y tế là 1,67 triệu người, chiếm gần 60%.
Có thể thấy việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất “bỏ viên chức giáo dục” là việc làm rất mạnh dạn, rất cần thiết dù sẽ động chạm đến 1,24 triệu giáo viên, tức là khoảng 45% trên tổng số viên chức cả nước.
Một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước nhà tụt hậu so với khu vực và thế giới là chất lượng đội ngũ nhà giáo tất cả các cấp.
Có ba giai đoạn để hình thành nên một “nhà giáo”: tuyển chọn đầu vào; đào tạo chuyên môn; hành nghề (dạy học).
Có thể khẳng định không giai đoạn nào trong ba giai đoạn nêu trên không có vấn đề. 
Cho đến nay, Sư phạm vẫn không phải ngành thu hút được sự ưu tiên của người học, điểm chuẩn đầu vào các trường Sư phạm vẫn thuộc tốp dưới, trừ vài ngành thuộc tốp giữa. 
Không có “bột” không thể gột nên “hồ”, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi từ nguồn học sinh học lực không phải khá giỏi là điều rất khó nếu không nói là bất khả thi. 
Trong khi đầu vào như thế thì ngoài một vài Đại học Sư phạm có bề dày đào tạo, số trường còn lại chủ yếu thành lập theo phong trào để chiêu sinh, đặc biệt là một số khoa sư phạm trong một số trường đa ngành.
Điều đáng nói là khả năng nghiên cứu, tự học tập, bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên phổ thông sau khi ra trường còn rất hạn chế.
Yên vị với vai trò “viên chức nhà nước”, với cuốn sách giáo khoa trong tay đa số giáo viên cứ chậm rãi sải bước cho đến ngày nhận sổ hưu.
Không có sự cạnh tranh về chuyên môn đương nhiên sẽ khó phân biệt người giỏi với người bình thường, càng khó đào thải nếu người ta không phạm sai lầm trầm trọng. 
Có một thực trạng buồn nói ra có thể mất lòng không ít giáo viên, tình trạng “học vẹt” không chỉ đúng với học trò mà cũng đúng với thày cô giáo.
Thuộc lòng giáo án, lên lớp không cần nhìn bài soạn sẵn, múa phấn thao thao hết 45 phút được xem là giáo viên giỏi. 
Từng tham gia giảng dạy một số lớp bồi dưỡng kiến thức Công nghệ Thông tin cho giáo viên cấp 3 (trung học phổ thông), người viết nhận thấy số người tiếp thu được các kiến thức khá hạn chế, đa số “ngơ ngác” lắng nghe và “gật gù” thấu hiểu!
Khi đã yên vị là viên chức nhà nước, nỗi lo lớn nhất của giáo viên phổ thông là bị điều chuyển đến các trường xa nhà chứ không phải là bổ sung kiến thức.
Nỗi lo tiếp theo là sáng kiến kinh nghiệm, là chuẩn bị đối phó thanh, kiểm tra
Có một nhận định khá thú vị thế này: “Cạnh tranh nơi công sở - không "nóng" không thể tiến bộ”. [4].
Từ “cạnh tranh” ở đây được hiểu theo nghĩa lành mạnh, cạnh tranh “có văn hóa” chứ không phải theo kiểu “thọc gậy bánh xe”.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thăng tiến không phải nhờ năng lực chuyên môn mà do những “kỹ năng mềm”, nếu không phải là “cả họ làm quan” thì nhờ vào khả năng xoay xở, chạy chọt, “mua quan bán chức”. 
Trong các trường học, hầu như không tồn tại khái niệm “cạnh tranh nơi công sở” vì không ai được quyền “mon men” đến lĩnh vực nhân sự, kể cả lãnh đạo ngành giáo dục, đó là độc quyền của bên Tổ chức hoặc Nội vụ. 
Người viết hoàn toàn ủng hộ quan điểm “bỏ biên chế” ngành Giáo dục, song có một vài đề xuất:
Thứ nhất: Để đảm bảo tiêu chí “công bằng”, chủ trương bỏ biên chế viên chức cần được tiến hành đồng bộ trong tất cả các ngành. 
Không thể có chuyện Giáo dục bỏ mà Y tế, Văn hóa,… vẫn giữ ngạch viên chức cho cán bộ của mình. Nói cách khác, chủ trương này phải là chủ trương của Chính phủ, phải được thể chế hóa thành luật do Quốc hội ban hành.
Thứ hai: Cần ban hành “Chứng chỉ hành nghề dạy học”, giống như hành nghề Luật hoặc Báo chí.
Điều này có nghĩa là những người tốt nghiệp đại học thuộc tất cả các trường, sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra khả năng truyền thụ kiến thức, ngoại hình,… khi được cấp “chứng chỉ hành nghề dạy học” thì đều có quyền thi tuyển làm giáo viên.
Thứ ba: Trong vòng 3 năm, từ nay đến 2020 tiến hành thí điểm tại tất cả các cấp học để rút kinh nghiệm. Riêng các cơ sở giáo dục đại học, việc tuyển chọn giáo viên cần đi kèm với quá trình tự chủ đại học
Thứ tư: Cùng với quá trình bỏ ngạch “viên chức”, cần ban hành các quy định chặt chẽ về thi tuyển giáo viên. 
Các trường có nhu cầu tuyển chọn giáo viên cần thông tin công khai, không hạn chế về hộ khẩu, việc thi tuyển sẽ do ngành Giáo dục chủ trì với mục đích đánh giá chính xác trình độ chuyên môn của người dự thi.
Thứ năm: Cần có lộ trình cụ thể, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tuyển chọn giáo viên. 
Đặc biệt là cần sửa lại tất cả luật liên quan đến giáo dục (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp) cũng như các văn bản dưới luật, việc này cần hoàn thành trước năm 2020.
Xin nhấn mạnh, chủ trương bỏ “viên chức giáo dục” cần đặt trong bối cảnh tổng thể tinh giản đội ngũ hưởng lương từ ngân sách song không có nghĩa là khoán trắng cho các trường. 
Giáo dục luôn là “quốc sách hàng đầu” và vì thế ngân sách dành cho giáo dục và đội ngũ giáo viên cần phải do ngành Giáo dục quản lý cả về quỹ lương lẫn nhân sự. 
Không thể tồn tại tình trạng Bộ trưởng Giáo dục không thể cách chức Giám đốc Sở Giáo dục khi đương sự không hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là chủ trương lớn, quyết tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và sự tin tưởng của đội ngũ giáo viên.
Lợi ích trước mắt có thể thấy là giáo viên giỏi có quyền lựa chọn nơi công tác, có thể tự do chuyển tới những nơi đãi ngộ tốt hơn. 
Các trường, để giữ được thương hiệu cũng có quyền chọn giáo viên giỏi, sa thải các giáo viên không đạt yêu cầu, còn giáo viên yếu thì phải tự rèn luyện nếu không muốn bị đào thải.
Chủ trương này chắc chắn sẽ gây nên những xáo trộn nhưng đó là xáo trộn cần thiết để "đổi mới căn bản, toàn diện" nền giáo dục nước nhà.
Người viết rất mong Bộ trưởng Nhạ sẽ quyết tâm, kiên định với lựa chọn mà Bộ trưởng đã công bố.

Tài liệu tham khảo:
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/canh-tranh-noi-cong-so-khong-nong-khong-the-tien-bo-27664.html
Xuân Dương

BỎ BIÊN CHẾ GIÁO VIÊN HỢP ĐỒNG LUÔN CẢ HIỆU TRƯỞNG

THÙY LINH /GDVN 24-5-2017

Chủ trương thí điểm cơ chế tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực "bỏ biên chế giáo dục" đang gây sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ, ở các trường tư, giáo viên cũng chỉ là chế độ hợp đồng lao động nhưng "vẫn rất tốt".
"Thị trường lao động đúng nghĩa là giáo viên trường công cũng như trường tư. Khi đã từng bước hòa nhập thì các trường phổ thông công hay tư cũng đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm tiêu chuẩn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng tư lệnh ngành giáo dục cho biết, việc sắp xếp lại đội ngũ không phải giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền. Và làm tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Giải đáp băn khoăn về lộ trình thực hiện, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. 
"Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra", Bộ trưởng nói.

Trước thông tin này nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng nhưng theo một số chuyên gia nhìn nhận thì việc bỏ biên chế sẽ là động lực để giáo viên hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng:

Có 3 thứ cần gắn bó hữu cơ với nhau trong giáo dục công lập đó là Việc - Tiền - Người. Nhưng ngành Giáo dục thì chỉ chủ động nắm việc còn tiền và người thì không chủ động được.

Bởi lẽ, tiền thì phụ thuộc ngành Tài chính, người (nhân lực) thì phụ ngành Nội vụ. Đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở công tác đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục thời gian qua.
Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung thì quy mô học sinh, sinh viên của các trường phân bổ theo kế hoạch và đi theo đó là tiền và người.
Nhưng chuyển sang kinh tế thị trường, một bên (cầu) biến đổi linh hoạt theo các tín hiệu của thị trường, đòi hỏi nhà trường (bên cung) phải nhanh chóng đáp ứng theo tín hiệu đó, nhưng nhà trường không chủ động được biên chế cũng như tài chính vì phải lòng vòng qua nhiều ngõ ngách, thủ tục...thì cơ hội thị trường sẽ mất đi. Điều này thấy rất rõ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Trong trường hợp khác, nhà trường khó có thể xoay sở thêm biên chế giáo viên khi mà tỷ lệ học sinh có khi trên 50 em/giáo viên do phải ngóng trông vào biên chế được phân bổ từ ngành Nội vụ.

Rõ ràng, nếu có thêm một giáo viên nữa quy mô lớp học sẽ giảm đi một nửa và khi ấy chất lượng giáo dục sẽ cải thiện do thầy cô có điều kiện áp dụng phương pháp dạy tiên tiến, có điều kiện theo sát tiến độ học của các em cũng như chấm điểm hay đánh giá học sinh kỹ lưỡng hơn. Nhưng điều này lại bị chi phối bởi ngân sách công và biên chế...

Chúng ta ở trong tư duy thời bao cấp quá lâu rồi nên vẫn có tâm lý nghĩ  vào biên chế là việc làm ổn định và đặc biệt không ít người lại coi làm ở trường công thì có "giá" hơn, đẳng cấp hơn làm ở trường tư. 
Nhưng suy cho cùng một cách thực tế hơn thì đối với người giáo viên biên chế hay không biên chế cuối cùng vẫn là công việc ổn định, thu nhập tốt, môi trường làm việc dân chủ, giáo viên được thể hiện tài năng của mình, được học sinh và đồng nghiệp tôn trọng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thang bảng lương trong biên chế viên chức hiện nay được trả theo công thức chung, không gắn với mặt bằng giá cả sinh hoạt nơi đô thị đắt đỏ.

Giáo viên làm việc ở đô thị và nông thôn có chung một mặt bằng trả lương, trong khi cuộc sống nơi đô thị cái gì cũng đắt đỏ. Vì phải lo toan cuộc sống, nhiều giáo viên trong biên chế cũng phải xoay sở bằng hàng trăm nghìn cách để tồn tại.

Điều đó đã dẫn đến tình trạng có giáo viên dạy thêm, có nhà trường thu các khoản phụ thêm ngoài quy định.

Thực tế cho thấy, học phí của trường công lập nhìn chung là thấp nhưng phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản.
Và như vậy, nếu hạch toán tỉ mỉ thì tổng số tiền phải chi cho con học ở trường công lập nơi thành phố thì chưa chắc học phí kia đã phải là thấp. Ông Vinh ví von: "Trăm cái cấu còn quá một cái bẹo". 
Hiệu trưởng cũng có thể ký hợp đồng
Ngoài ra, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhìn nhận: Hiện nay, nhu cầu việc làm sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm lớn, nhưng để xin và tuyển vào theo biên chế không ít chuyện tiêu cực nhũng nhiễu xảy ra trong quá trình tuyển dụng, phải qua quá nhiều "cửa".
Quá trình ấy khiến cho việc tuyển dụng chưa chắc đã chọn được người giỏi tâm huyết với nghề như mong muốn..

Do đó, nhu cầu cấp bách đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục cũng đặt ra trách nhiệm lớn đối với ngành giáo dục, cán bộ quản lý và thầy cô giáo...nếu nhà trường không có quyền đủ lớn trong việc tuyển dụng, ký hợp đồng với giáo viên và trả lương, thì rất khó khăn cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.
Không ít giáo viên sau khi "vượt vũ môn" từ hợp đồng được tuyển vào được biên chế rồi thì đủng đỉnh, thiếu động lực học tập và giảng dạy.
Nhưng nếu tuyển dụng một cách khoa học, minh bạch, nhà trường sẽ tuyển được nhân sự giỏi, người học sẽ có lợi và đặc biệt sẽ tạo ra tâm lý cạnh tranh căng thẳng giữa các giáo viên để giữ việc làm.

Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công thì theo ông Vinh, Bộ cần phải có lộ trình cẩn thận từ việc xây dựng khung pháp lý, thí điểm và phải có các giải pháp đồng bộ về tài chính giáo dục, quản lý, truyền thông, đặc biệt phải thiết lập cơ chế dân chủ hóa và minh bạch hóa hiệu quả để mọi người giám sát hiệu trưởng và cán bộ quản lý cũng như giáo viên. Hiệu trưởng cũng có thể ký hợp đồng bình thường như giáo viên...

Đặc biệt là cơ quan quản lý phải nghiêm, trong sáng khi xử lý các vi phạm của lãnh đạo nhà trường. Kinh nghiệm cho hay có sự chỉ đạo đúng của Đảng, xã hội giám sát, báo chí vào cuộc, giáo viên và học sinh được cất lên tiếng nói của mình một cách xây dựng thì tiêu cực, mất dân chủ trong trường học sẽ khó có đất sống.

Nhà nước có thể quản lý giáo viên bằng chứng chỉ hành nghề. Ở đâu cung giáo viên vượt quá cầu thì có thể trả lương thấp, ở đâu cầu vượt quá cung thì mức lương có thể cao và nhà nước sẽ tính toán chỗ này.

Chẳng hạn ở vùng cao thiếu giáo viên bộ môn, nhạc họa, ngoại ngữ thì Nhà nước có thể "mua" sức lao động của giáo viên này cao hơn bằng cách bù phần nào đó vào lương. Điều này cũng có ý nghĩa trong mục tiêu cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho mọi người.

Khi nhiều người băn khoăn khi “2 năm giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải nghỉ việc”, có nghĩa là Hiệu trưởng có nhiều quyền, có thể sa thải giáo viên yếu kém bất cứ lúc nào nhất là trong bối cảnh thừa giáo viên, thiếu dân chủ trong nhà trường như hiện nay.

Nhưng theo quan điểm của ông Vinh, hoàn thành hay không hoàn thành cần có bảng mô tả việc tại mỗi vị trí việc làm, trách nhiệm cụ thể, dân chủ, minh bạch trong đánh giá, giáo viên và học sinh cũng được đánh giá Hiệu trưởng.
Những đánh giá này cần công khai lên các phương tiện truyền thông để xã hội giám sát chứ không phải đánh giá chỉ diễn ra trong các cuộc họp mà không khí dân chủ chưa đáp ứng.

Ông Vinh phân tích: “Cần phải có cơ chế giám sát giáo viên qua đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh bởi lẽ học trò rất công bằng, thầy cô nào tận tâm, tình cảm, nghiêm túc hoặc ngược lại thì các em là người biết rõ nhất và sớm nhất”. 
Bởi theo vị này, chỉ có sự cạnh tranh bằng năng lực mới giảm bớt được các đầu mối phân bổ biên chế từ Bộ Nội vụ, sở Nội vụ, phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân, nhà trường làm cho hệ thống vòng vo, khó giám sát và dễ nảy sinh tiêu cực. 
Có thể tiêu cực sẽ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác cùng với quá trình tự chủ chuyển giao quyền lực cho người khác.
Nhiều người cũng lo lắng về quyền của Hiệu trưởng nhưng nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực, dân chủ thực sự, minh bạch cùng ứng dụng công nghệ, trên nền tảng pháp luật chặt chẽ xử lý nghiêm nếu hiệu trưởng vi phạm và thông tin công khai cho báo chí, tiêu cực trong tuyển dụng sẽ hạn chế được.

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông Vinh cho rằng, khi nhu cầu kỹ năng, ngành nghề trên thị trường lao động thay đổi từng giờ như hiện nay, nếu cứ khư khư giữ biên chế, chờ đợi xin - cho biên chế và tài chính mới có điều kiện đáp ứng nhu cầu thị trường thì cơ hội thị trường sẽ vuột mất.

Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, tiến tới việc tăng quyền tự chủ cho nhà trường, chuyển hướng biên chế sang hợp đồng là dấu hiệu tích cực của đổi mới.

Tuy nhiên, cần làm thận trọng, có thí điểm rút ra bài học kinh nghiệm và tránh áp dụng một cách cứng nhắc cho mọi vùng miền và mọi lứa tuổi của các thầy cô giáo.

Cuộc đổi mới nào cũng đều gặp phải thách thức giữa cái mới và cái cũ là chuyện bình thường vì sẽ có người được và kẻ mất. Nhưng nếu nhìn vào mục đích tối thượng là mọi chính sách và cơ chế giáo dục đều vì lợi ích của học sinh sinh viên và người lao động trong ngành thì phải kiên trì và bài bản.

Mọi ý tưởng đổi mới có hay ho đến đâu đi nữa nếu không được thực hiện hiệu quả trên thực tế là sự lãng phí ý tưởng như một nhà nghiên cứu giáo dục nào đã nói.
Chỉ có cạnh tranh mới có chế độ đãi ngộ tương xứng và khi đó chất lượng giáo dục mới đi lên. Nếu ngành giáo dục thực hiện thí điểm thành công thì những lĩnh vực khác như Y tế, Văn hóa có thể rút ra bài học cho mình.
Thùy Linh
BỎ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIÁO VIÊN PHẢI KIỂM SOÁT ĐƯỢC QUYỀN LỰC HIỆU TRƯỞNG
THỤY DU/ GDVN 24-5-2017

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).
Bỏ biên chế là xu hướng tất yếu
Về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông tin, sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên, một số ý kiến cho rằng, đây là điều cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện lộ trình phù hợp.
"Cần nhận thức rõ, viên chức được tuyển dụng ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ khi có luật viên chức thì không còn biên chế nữa mà là hình thức hợp đồng.
Điều này có thể hiểu tất cả viên chức trước đây và những viên chức được tuyển dụng sau khi có luật viên chức đều chuyển sang dạng hợp đồng. 
Nhiều người vẫn quen gọi viên chức hiện nay là người được biên chế là cách hiểu chưa đúng.
Thậm chí hiện nay chúng ta đã bàn đến vấn đề chuyển công chức sang dạng hợp đồng chứ không phải riêng viên chức đâu. 
Đây không phải là vấn đề mới, nhưng là xu thế tất yếu không chỉ riêng trong ngành giáo dục.
Việc chuyển công chức, viên chức sang dạng hợp đồng trong cơ chế quản lý hiện nay là cách làm rất mềm mại.
Bởi nó sẽ gắn trách nhiệm của người lao động với chất lượng đào tạo trong môi trường giáo dục.
Trường hợp người lao động không đáp ứng được nhu cầu công việc thì người sử dụng lao động có thể cho thôi hợp đồng đối với người lao động.
Còn bây giờ chúng ta cứ thực hiện "biên chế suốt đời" (nói chung) đối với người lao động, trong khi người được biến chế không làm được việc vẫn phải phân công nhiệm vụ thì rất bất cập.
Thậm chí, người sử dụng lao động có muốn cho thôi việc người không làm được việc cũng là điều rất khó khăn.
Nên việc thí điểm chuyển hình thức "công chức suốt đời" sang dạng hợp đồng là cách làm hay.
Cái hay của đề xuất này nằm ở chỗ, đây là giải pháp để làm cho tất cả người lao động phải phấn đấu nâng cao chất lượng, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ trong môi trường giáo dục.
Sau này có vấn đề gì trong quá trình làm việc thì cứ chiếu theo hợp đồng lao động mà xử lý", ông Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Có ý kiến cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý, cho nên không nên thay đổi các giá trị nhân văn, nhân đạo mà nên tập trung vào vấn đề học gì? làm gì? trong bối cảnh ngành giáo dục còn nhiều tiêu cực.
Về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, không nên nặng nề quan điểm này. 
"Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng nghề giáo cũng là nghề để lao động, nuôi sống bản thân, gia đình.
Nếu anh làm đúng chất lượng, đúng với cái tâm của người thầy, cô thì nó sẽ rất cao quý. 
Nhưng người không làm được việc thì không gọi là cao quý được. Ngành nghề nào cũng vậy, cũng phải có sự cạnh tranh thanh lọc, đào thải những người không làm được việc thì mới hy vọng có sự tiến bộ. 
Do đó, không nên nặng nề tư tưởng này, ông Dĩnh nói.
Hạn chế quyền của Hiệu trưởng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận thực tế, hiện nay, vai trò của Hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục là rất lớn. 
Do đó, nếu thực hiện thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên thì cần phải kiểm soát quyền lực của Hiệu trưởng trong việc tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng đối với người lao động.
"Nếu người đứng đầu cơ sở giáo dục công tâm trong tuyển dụng lao động nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thì không vấn đề gì.
Trong trường hợp này, nếu người lao động không đáp ứng được công việc thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động với họ.
Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính chất hai mặt.
Nếu giao quá nhiều quyền lực cho Hiệu trưởng trong quá trình tuyển dụng sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng ngại, thậm chí tiêu cực.
Hiệu trưởng các trường Mầm non, Phổ thông cơ sở bây giờ có quyền lực ghê lắm!
Trường hợp Hiệu trưởng không công tâm, khách quan trong tuyển dụng, công việc, thì có thể triệt tiêu sự đấu tranh của công đoàn, tổ chức Đảng trong nhà trường. 
Người ta thường nói, phải đấu tranh chống tiêu cực trong các nhà trường để tạo môi trường giáo dục lành mạnh.
Nhưng biết đâu đó, ông/bà Hiệu trưởng lợi dụng việc người lao động chống tiêu cực theo đúng nghĩa mà cho thôi hợp đồng với người lao động thì rất đáng trách.
Hay nói cách khác, nếu Hiệu trưởng sử dụng quyền lực của mình để thực hiện việc làm sai trái vì lợi ích cá nhân thậm chí trù úm người lao động thì rất nguy hiểm cho môi trường giáo dục. 
Thậm chí người lao động có thể bị nghỉ việc vì đấu tranh chống những vấn đề tiêu cực do người đứng đầu gây ra", ông Dĩnh nhận định.
Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh: thanhnien.vn)
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục để hạn chế sự tập quyền trong tuyển dụng, sa thải người lao động không đúng quy định.
"Việc tuyển dụng lao động trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông cơ sở hiện nay đều do Chủ tịch các huyện/thị xã/thành phố. 
Tuy nhiên, việc tham mưu, tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng, sa thải người lao động đều có tác động rất lớn từ những người đứng đầu các cơ sở giáo dục này. 
Do đó, nếu thực hiện ý tưởng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính đến việc hợp đồng Hiệu trưởng, Hiệu phó trong các cơ sở giáo dục để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động.
Bởi nếu giao cho họ quyền lực quá nhiều trong tuyển dụng, chấm dứt, sa thải người lao động mà không có cơ chế khống chế, giám sát quyền lực thì rất dễ nảy sinh tiêu cực", ông Dĩnh nói.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên phải gắn liền với việc khoán chất lượng một cách thực chất.
"Phải làm rõ việc khoán chất lượng như thế nào? hay chỉ khoán bằng điểm và lên lớp?
Chính việc khoán chất lượng của chúng ta là nguyên nhân của bệnh thành tích hiện nay.
Theo đó, có cơ sở giáo dục tìm mọi cách để đạt thành tích trong giáo dục, dù thành tích đó không phải thực chất. Trong khi đó Hiệu trưởng không muốn mang tiếng có học sinh lưu ban, học sinh kém.
Điều này cũng đặt ra vấn đề, công tác khảo thí của Bộ giáo dục và Giáo dục, các địa phương, các cơ sở giáo dục phải thực hiện quyết liệt hơn", ông Dĩnh nói. 
THỤY DU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét