Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

20170521. BÀN VỀ TIÊU CHÍ CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
3 TIÊU CHUẨN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
ĐOÀN HƯNG QUỐC/ BVN 21-5-2017
Kết quả hình ảnh cho tăng trưởng kinh tế
Một nền kinh tế muốn vững mạnh cần phải hội đủ 3 điều kiện: tăng trưởng (growth), tăng trưởng bền vững (sustainable development) và tăng trưởng đồng bộ (inclusive development). Ba yếu tố này không thể tách rời nhưng xin được trình bày dưới đây như ba khía cạnh riêng biệt để dễ dàng phân biệt.
Tăng trưởng được nhắc đến nhiều nhất vì nhân loại trong mọi hoàn cảnh đều muốn cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Tại Trung Quốc chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2017 là 6.5%, Việt Nam là 6.7%, còn ở Mỹ trong mùa bầu cử Trump đã hứa hẹn 4%.
Nhưng nếu chỉ nhắm vào các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn chưa đủ vì cũng giống như một lực sĩ dùng thuốc kích thích nhằm thắng một cuộc đua mà để lại nhiều hậu hoạn lâu dài cho sức khỏe. Cho nên tương lai và sự ổn định của một quốc gia còn tùy thuộc vào hai yếu tố gồm tăng trưởng bền vững và tăng trưởng đồng bộ.
Khái niệm về tăng trưởng bền vững nay được chấp nhận rộng rãi theo ý nghĩa không hủy hoại môi trường cho các mục tiêu kinh tế ngắn hạn. Hiểm họa này thấy rỏ tại các quốc gia chạy đua theo tăng trưởng như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… nhưng những nước công nghiệp Tây Phương cũng phải gánh vác trách nhiệm về biến đổi khí hậu toàn cầu do hiệu ứng lồng kính. Dù vậy bảo vệ môi trường nói dễ hơn làm khi trên bình diện lớn đụng chạm đến quyền lợi của các đại tập đoàn tư bản, còn đối với giới tiểu thương, nông dân hay thường dân nói chung lo chật vật với cuộc sống trước mắt hơn là quý trọng thiên nhiên. Do đó thực hiện tăng trưởng bền vững tùy thuộc vào chính sách minh bạch cùng sự cộng tác giữa nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhất là ý thức công dân.
Tăng trưởng đồng bộ nói nôm na là khi kinh tế phát triển không thể có một thành phần hưởng lợi lớn trong khi số còn lại chỉ được chia chác chút đỉnh. Lợi tức không đòi hỏi phải san bằng nhưng nếu khoảng cách chênh lệch quá xa sẽ mang lại bất mãn và bất ổn nhất là khi mạng internet giúp loan truyền các thông tin trái chiều vô cùng nhanh chóng. Chênh lệch giàu nghèo là đề tài nổi cộm trong các thế kỷ 19-20 do bóc lột lao động và chính sách thuộc địa, sang đến thế kỷ 21 lại thêm hai yếu tố khác lan rộng từ những quốc gia đang mở mang như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… cho đến các nước phát triển Tây Phương: tăng trưởng tập trung tại các đô thị và những vùng ven biển, và trào lưu toàn cầu hóa mang nhiều lợi nhuận cho thành phần học vấn nhưng lại bỏ rơi giới lao động thợ thuyền.
Tình trạng tăng trưởng mất quân bình giúp 300 triệu dân Trung Quốc ở các vùng duyên hải có mức sống gần bằng Âu-Mỹ trong khi 1 tỷ người sống trong nội địa chỉ có lợi tức 1-2 đô la mỗi ngày. Tại Việt Nam dân chúng các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang v.v… ngày thêm sung túc còn các thôn xóm miền quê vẫn thiếu thốn miếng ăn. Bên Anh Quốc những người dân sống xa London và các trung tâm kinh tế đã bỏ phiếu cho Brexit. Tại Mỹ giới thợ thuyền của vòng đai han rỉ (the rust belt) dồn phiếu cho Donald Trump.
Chẳng những công ăn việc làm dễ tìm với mức lương cao tại các thành phố mà giá địa ốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Sài Gòn, Hà Nội, London, New York, Los Angeles v.v… tăng vọt so với sâu trong lục địa khiến mức độ rạn nứt trong xã hội ngày thêm trầm trọng.
Lợi tức của những người có bằng đại học và biết thích ứng với thời đại toàn cầu hóa tăng nhanh trong lúc đời sống của giới lao động thợ thuyền và nông dân ngày thêm chật vật. Điều này dẫn đến một tầng lớp ưu tú (elite) không những ở Âu-Mỹ mà ngay cả tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… cùng với giai cấp quyền thế bay nhảy hay du học ra khắp thế giới trong khi số đông dân chúng ngày càng thêm thua sút. Sự kiện này không phải là mới nhưng cách mạng thông tin internet khiến người ta cảm nhận sự thua thiệt và thổi bùng lên làn sóng công phẫn.
Tình trạng kinh tế tăng trưởng thiếu đồng bộ mang lại những cơn chấn động về chính trị ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Tại các nước đang mở mang người dân không có quyền phản đối bằng lá phiếu nhưng nỗi bất mãn về mức độ chênh lệch giàu nghèo trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho các chế độ. Đây là một nan đề của thế kỷ thứ 21 mà sau Brexit và Donald Trump đang được quan tâm bàn cãi rất nhiều mà vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN.
KHÔNG CHẤM DỨT ĐẦU TƯ CÔNG THÌ KHÔNG THỂ HẠN CHẾ ĐƯỢC NỢ CÔNG
HOÀI PHONG/MTG 20-5-2017
“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói.
Tốc độ tăng nợ công ngày càng nhanh - ảnh minh họa
Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. Theo đó, nợ công đến 31.12.2015 là 2.556.039 tỉ đồng (hơn 2,5 triệu tỉ đồng). Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỉ đồng và 8.171 tỉ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công là 2.589.429 tỉ đồng (gần 2,6 triệu tỉ đồng).
Như vậy, nợ công năm 2015 bằng 61,8% GDP, riêng nợ Chính phủ 2.098.022 tỉ đồng (gần 2,1 triệu tỉ đồng), bằng 50% GDP. 
Báo cáo cũng cho biết, mức chi ngân sách nhà nước thực tế quyết toán là 1.265.625 tỉ đồng, vượt 88.525 tỉ đồng so với mức dự toán được Quốc hội thông qua. Trong đó chi thường xuyên chiếm 62,3% tổng chi NSNN với 788.500 tỉ đồng, vượt dự toán 11.500 tỉ đồng; Chi đầu tư phát triển trong năm đã quyết toán 308.853 tỉ đồng (khoảng 24,4% tổng chi NSNN, bằng 7,4% GDP).
Trong phiên họp mới đây của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2015 nêu rõ nợ công, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá, công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tốc độ tăng của nợ công ở Việt Nam rất nhanh, nhất là trong khoảng 5-6 năm nay. Nguyên nhân có thể kể đến là do đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp, lạm phát cao, tăng trưởng chậm… Vấn đề vay nhưng đầu tư không có hiệu quả, trả nợ thiếu nguồn, quản lý không chặt hẽ.
Theo ông Hồ, NSNN bị thâm hụt cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản bị hạn chế, trong khi nhu cầu tư rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư thì phải đi vay, đặc biệt là ODA và bảo lãnh cho các DNNN vay nợ. Khi đến hạn không bố trí được nguồn vốn trả lại phải trích ngân sách hoặc đi vay để trả nợ.
“Mô hình tăng trưởng của chúng ta chuyển đổi chậm, vẫn dựa vào đầu tư quá nhiều và đầu tư kém hiệu quả. Càng đầu tư hiệu quả thấp thì càng nợ nhiều, nợ nhiều thì nợ công tăng lên. Đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn này”, ông Hồ nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, nhiều nước trên thế giới nợ công cao nhưng họ không đáng lo, vì hiệu quả đầu tư cao nên họ vẫn trả được. Còn Việt Nam, vấn đề chính là hiệu quả đầu tư thấp chứ không hẳn là nợ.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho rằng cơ quan quản lý nợ công còn phân tán.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 chuẩn bị họp tới đây sẽ bàn về Dự thảo Luật Quản lý nợ công. Đáng nói, dù đã có Luật Quản lý nợ công 6 năm nay nhưng nợ công lại tăng nhanh một cách chóng mặt.
Theo góp ý của ông Lưu Bích Hồ, cần sửa Luật Quản lý nợ công sao cho chặt chẽ hơn trong vấn đề đầu tư cho đến vay nợ, vì xét cho cùng, vấn đề vẫn là đầu tư chứ không phải nợ. Nếu không chấm dứt được việc đầu tư công tràn lan, thiếu hiệu quả, quản chặt chẽ vốn phân bổ xuống các địa phương thì không bao giờ hạn chế được nợ.
Bên cạnh đó, DNNN phải tự lo làm ăn, tự chủ. Chính phủ không thể đứng sau doanh nghiệp bảo lãnh vay nợ được. Điều này không chỉ nâng cao sự trách nhiệm của DNNN mà còn tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường. Với những DNNN đã làm ăn thua lỗ, nếu cần thiết thì có thể cho phá sản, không thể lấy ngân sách để bù lỗ cho họ.
Do đó, giải pháp ông Hồ đưa ra là phải gắn Luật Quản lý nợ công với Luật Quản lý đầu tư công và Luật Quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Luật Quy hoạch sắp tới cũng được Quốc hội thảo luận cũng phải được đồng bộ với Luật Quản lý nợ công, bởi vì đầu tư phải theo quy hoạch mà hiện nay công tác quy hoạch của chúng ta chưa hiệu quả cao.
Cùng với đó, ông Hồ cũng nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cổ phần hóa DNNN và phải cổ phần hóa một cách thực chất, tránh gây thất thoát lớn, tránh trục lợi.
“Luật cũng không thể giải quyết được hết nợ công, quan trọng nhất vẫn là điều hành, quản lý cho đúng. Cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hiện nay phân tán ở 3 nơi là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho nên cần quy về một mối để quản lý nhưng vấn đề này rất khó. Do đó cần tăng cường sự phối hợp, mỗi khi bàn đến vấn đề gì cần nhiều bộ ngành xúm vào bàn, Chính phủ điều phối, tránh phân tán”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Hoài Phong 
Theo Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét