Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

20170523. VÕ VĂN THƯỞNG VÀ ĐỐI THOẠI

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHIẾC GHẾ ÔNG THƯỞNG VÀ THỜI VẬN ĐỐI THOẠI
TÂM CHÁNH/ BVN 23/5/2017
Ông Võ Văn Thưởng
Đối thoại sẽ là một hạng mục chính trị rất quan trọng, nếu triển khai được và thu lại kết quả tích cực, thì ông Võ Văn Thưởng sẽ còn có tương lai chính trị xán lạn hơn nữa.
Tôi tin ông Thưởng sẽ có may mắn. Bởi chính thời vận đã đưa ông đến vai trò hiện nay, không phải đi mà chạy trên các nấc thang quyền lực chinh trị. Thời vận đó là cuộc đấu tranh để đối thoại là dưỡng khí chính trị nhận thức lại CNXH .
Cơ chế cánh tay mặt
Là một sinh viên con một gia đình cán bộ nghèo ở tỉnh Vĩnh Long, ông Thưởng vào đại học khi nhà nước phải bãi bỏ chế độ bao cấp cho người học.
Trước đó trúng tuyển vào đại học sinh viên không những không phải đóng học phí mà còn được giải quyết chỗ ở, được cấp gạo, một số nhu yếu phẩm và học bổng. Đến thời ông Thưởng vào đại học không còn chế độ này nữa. Chỉ một số ít ngành học cơ yếu với chế độ thì nhà nước mới bảo đảm mức chu cấp này. Ngành học Mác Lê hẳn nhiên được nhà nước bao cấp. Ông Thưởng chọn vào học ngành triết học Mác Lê của đại học Tổng hợp TPHCM có lẽ cũng chính từ ưu đãi này. Ở trường, ông tham gia các hoạt động đoàn và trở thành một cán bộ đoàn chuyên nghiệp. Từ vị trí này ông được điều về trong bộ máy lãnh đạo thành đoàn.
Có sự điều động này là bởi trước khi ông Thưởng tham gia, ban lãnh đạo thành đoàn tuyệt đại đa số là các cán bộ trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn, các cán bộ đoàn trong phong trào thanh niên, nhất là thanh niên xung phong và từ bộ đội về học ở các trường đại học. Nói nôm na là họ là những cán bộ cách mạng, phần nhiều là cách mạng 30.4, theo nhận diện của dân Sài Gòn. Do những qui định về tuổi, cùng lúc hầu hết 15 thành viên ban thường vụ thành đoàn hết tuổi làm cán bộ thanh niên. Để bao đảm tinh liên tục của bộ máy, các bí thư đoàn trường đại học dễ ở trong tầm ngấm của công tác cán bộ. Nhất là khi phải "đôn" nhân sự.
Nghề cán bộ đoàn từ thời ông Thưởng chinh thức có giá, nhất là với các sinh viên có hộ khẩu ở tỉnh. Tham gia thành đoàn, có một chân thường vụ là tự động có vị trí của một cán bộ cấp sở. Đây là con đường trẻ hoá công tác cán bộ và cũng "hoá trẻ" bộ máy. Thấy được lợi điểm này, ở TPHCM, thành đoàn tự bao giờ đã trở thành nhà trẻ của thành uỷ. Con cháu các cụ thành phố đều kinh qua môi trường này mà đột phá quan lộ. Ở thành đoàn thời nay, một sinh viên nghèo, con một cán bộ nghèo như ông Võ Văn Thưởng không chắc giành được hanh thông trên đường hoạn lộ nữa. Nhân đây cũng truyền lai thông tin ông Võ Văn Thưởng không có máu mủ ruột rà dây nhợ gì với ông Võ Văn Kiệt, tuy hai ông cùng quê Vĩnh Long. Ông Kiệt họ Phan, Phan Văn Hoà.
Trở lại với chuyện đối thoại. Có lẽ chính ông Thưởng cũng chưa chắc biết để một sinh viên trong tuổi đoàn trở thành bí thư đoàn ở cấp khoa, cấp trường lại là kết quả đấu tranh không chỉ bằng đối thoại. Chinh cuộc đấu tranh đó đã dọn chiếc ghế bí thư thành đoàn theo hai niềm tin khác nhau cho ông Võ Văn Thưởng và một đàn anh của ông Thưởng, giờ là chủ tich UBNDTP Nguyễn Thành Phong.
Đối thoại sinh ra cán bộ Võ Văn Thưởng
Đó là cuối những năm 80 thế kỉ trước, trước ảnh hưởng của chính sách công khai và cải tổ của Liên Xô, sinh viên Sài Gòn như sôi nổi với các sinh hoạt chinh trị. Thường vụ thành đoàn lúc bấy giờ đã ban hành chỉ thị 08 "trả đoàn về cho sinh viên", thực chất là để ban chấp hành đoàn trường đại học và trung học chuyên nghiệp chỉ gồm các sinh viên, thông qua ứng cử, có cả cho liên danh ứng cử, để bầu ra những thủ lĩnh thật sự.
Để có chỉ thị này, ban trường hoc thành đoàn do ông Lê Xuân Khuê, một giảng viên môn tiếng Anh, bí thư đoàn trường đại học tổng hợp được điều lên tham gia thường vụ thành doàn, đóng vai trò chủ chốt. Không biết có ai chống lưng, ông Khuê tổ chức một cuộc đối thoại táo bạo nhưng vô cùng sinh động, giữa các cán bộ đoàn là sinh viên và các bí thư đảng ủy các trường đại học, tại số 3 Võ Văn Tần, viện Đại học Sài Gòn cũ. Không nhớ rõ lập luận của các cán bộ đoàn sinh viên thời ấy nhưng có lẽ lần đầu tiên các bí thư đảng ủy các trường giật mình thấy như đám trẻ làm loạn, cả một đám gân cốt "cãi " yêu cầu phải chọn sinh viên làm bí thư chứ không phải là giáo viên hay cán bộ chính trị trong trường.
Trước đó như một thói quen chứ chả có qui định nào của đảng, bí thư đoàn thường được các đảng ủy cơ cấu là đảng viên và thường là một giảng viên trẻ hoặc cán bộ chinh trị cua trường. Theo giải thích là để bao đảm sự lãnh đạo của đảng.
Hai mặt đối thoại
Tôi tin chắc là chẳng phải trả đoàn về cho chủ nhân chính trị của nó mà sau đó Sài Gòn có lại các cuộc biểu tình của sinh viên.
Ở thời điểm đó, an ninh rất điểm đạm, mực thước, it thấy các hình ảnh sử dụng bạo lực hay các trò chọc phá rẻ tiền như gần đây thấy ở các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Lãnh đạo TP, lãnh đạo CATP kiên trì thực hiện đối thoại. Tất nhiên người ta cũng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác, chủ yếu là kèm chặt đối tượng. Không khí có những lúc rất căng thẳng. Sinh viên khi kết lại bằng sợi dây đám đông đã không dừng lại ở mức độ tranh luận, yêu sách, mà gần như đều giải tán mình bằng một chút hân hoan bao lực hoặc bằng sự huyễn hoặc về cái gọi là đám đông khuyết danh.
Có lần ở ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo, giám đốc công an TP, bí thư quận Ị, bí thư thành đoàn xuống đối thoại với sinh viên. Sinh viên hỏi thẳng bí thư thành đoàn, đoàn ở đâu trong sinh viên? Bí thư thành đoàn trả lời đại ý, đoàn luôn bên cạnh sinh viên. Cả hội trường đối thoại ầm ầm tiếng hô của sinh viên: Ở bên cạnh thì...cút!. Sinh viên lên bục micro dõng dạc: chúng tôi muốn tổ chức đoàn là của chính chúng tôi, chúng tôi không cần đoàn ở bên cạnh. Cả đám đông với khí thể tưởng có thể nghiêng đổ toà nhà 135. Hôm sau cả ky túc xá xôn xao vì nhiều lời kể không hiểu sao công an lai "chộp" được đúng mình mời lên "đối thoại" (thời đó, thật là chỉ có đối thoại chứ không phải đối "thọi"). Ít lâu sau, ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo được cải tổ, không còn trực thuộc bộ Đại học mà giao về trường quản lý. Các ký túc xá chung ở TP cũng vậy, trước không trực thuộc trường, sunh viên ở ký túc xá "quậy" khó bị kỉ luật nhà trường kềm chế, giờ trả về trường kỉ luật "liên thông" ngay.
Thành đoàn trả tổ chức đoàn trong trường học về cho chủ nhân sinh viên của nó, thì người ta cũng lập tức trả sinh viên ký tũc xá về cho chủ nhân kỷ luật là nhà trường, "phong trào" tạm lắng..cho đến tận bây giờ. Đến nỗi, ở trường đại học sư phạm ban chấp hành đoàn trường ra hẳn công văn tổ chức cho sinh viên bãi thi kỳ thi hết món môn thi điều kiện tốt nghiệp là chủ nghĩa cộng sản khoa học. Luận bàn trong sinh viên thi sôi nổi như sắp xuống đường. Văn phòng đoàn trường đỏ đèn như trụ sở bộ chỉ huy khởi nghĩa. Mờ sáng đã thấy đông đen người lạ vào trường. Sáng, những tưởng sẽ thưa văng các tốp xe đạp đến trường dự thi. Ai dè thí sinh cứ một đông dần và đầy đủ, chỉ có các lãnh đạo doàn trường gương mẫu bỏ thi, sau đó bị cấm thi tốt nghiệp. Sau này hỏi ra mới biết, có ai đó truyền cho sinh viên năm cuối, rằng bãi thi sẽ bị "treo hồ sơ" khi ra trường, không lấy được hồ sơ để chuyển về địa phương, hoặc về nơi công tác. Các bạn đoàn trường thì phân tích tâm lý quần chúng "năm cuối không còn sợ". Vậy mà quần chúng vẫn sợ vì cuộc đời còn lại của họ còn trong cái hồ sơ ấy.
Tất nhiên ngay sau đó chỉ thị 08 lẳng lặng kết thúc nhiệm vụ. Thường vụ thành đoàn nhiều vị bị kỉ luật. Trưởng ban trường hoc Lê Xuân Khuê được chuyển về văn phòng sở kinh tế đối ngoại. Các đoàn trường lại trở về phương thức cũ, giao chức bí thư đoàn cho cán bộ giảng dạy.
Ở đại học Kinh tế vốn rất sôi nổi đối thoại, bầu cử hiệu trưởng, ông Nguyễn Thành Phong, một giảng viên trẻ, vừa làm phó tiến sĩ, được phân công làm bí thư đoàn trường. Nhưng hoạn lộ của ông bất ngờ đột phá, được điều tham gia lãnh đạo thành đoàn rồi ra TƯ đoàn.
Còn không có truyền thống tin cậy sinh viên của đại học Tổng hợp, đã không có hoạn lộ của ông Võ Văn Thưởng. Đại học Tổng hợp sau này là dại học kHXH&NV vẫn lặng lẽ thực hiện phương án trả tổ chức quần chúng về cho đôi tượng của nó.
Đối thoai và tự do thông tin
Không có ảnh hưởng của Perestroika va Glasnost sẽ không có không khí chính trị đối thoại trong phong trào sinh viên nơi ông Thưởng xuất thân. Khi Gorbachev thất bại, đối thoại chịu số phận của người lĩnh xướng nó. Chỉ thị 08 của thành đoàn làm hé lộ tương lai chính trị Võ Văn Thưởng, nhưng vì nó, nhiều cán bộ thành đoàn đã chịu thân phần sồi sụp. Đối thoại không dễ là một kết quả đương nhiên trong chinh trị. Nó là một cuộc đấu tranh không đơn giản.
Người ta có thể chấp nhận đối thoại như một phương pháp công tác. Còn đối thoại, trong hy vọng update được chế độ, được tiến hành như một phương thức chinh tri, có lẽ phải nhin lại tấm gương Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và nhà lãnh đạo đòi đa nguyên Trần Xuân Bách để hình dung các giải pháp tổ chức mà ông Thưởng và ban bí thư của ông định "cho phép".
Bởi đối thoại thực chất là quá trình trao đổi thông tin. Nhưng chinh quá trình trao đổi thông tin trong thời đại tương tác cũng lại tạo ra thông tin mới. Bởi vậy khuôn khổ nào định dạng một đối thoại chinh trị để ý kiến không bị điều luật hình sự hiện hành qui kết thành phản động, lật đổ, khi đối thoại chính trị không được bao đảm bằng quyền tự do thông tin.
Đối thoại chinh trị xét cho cùng là quyền lợi của đảng.
Trong khi đảm bảo quyền tự do thông tin mới chính là quyền lợi của dân!
ĐỐI THOẠI: 'TÍN HIỆU MỚI ĐÁNG KHÍCH LỆ'
BBC 22-5-2017

Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ

Dự định đề nghị xem xét mở 'đối thoại' với bất đồng chính kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, ông Võ Văn Thưởng, là tín hiệu mới, đáng khích lệ và là 'lời mời rất quý báu', một 'cơ hội' cần được 'chớp lấy', theo một số ý kiến bình luận, quan sát của khách mời tại Tọa đàm cuối tuần của BBC Việt ngữ.
Hôm thứ Bảy, 21/5/2017, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị của Việt Nam từ Hoa Kỳ nói với BBC ông ủng hộ động thái mà ông gọi là sự 'ngỏ lời' này của đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, ông nói:


"Ngỏ lời đối thoại với những người bất đồng chính kiến Việt Nam từ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ở đây là thông qua phát biểu của ông Võ Văn Thưởng... là một tín hiệu mới và rất đáng khích lệ.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự là những người đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, những người bất đồng chính kiến mà có kinh nghiệm, đồng thời bản lĩnh, thì không đời nào chúng ta lại đòi hỏi nhà cầm quyền tự nhiên lại có cuộc đối thoại sòng phẳng với những người bất đồng chính kiến được.
"Tôi nói như vậy để nói rằng cứ mở ra đối thoại đi đã, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể mời những người có quan điểm khác biệt theo mức độ của Đảng CSVN muốn đi đã.
"Để mà khơi mào, để mở đầu, người ta gọi là 'vạn sự khởi đầu nan', mọi cái chưa xảy ra, mà mình có quan điểm bi quan, thậm chí quan điểm bác bỏ, bảo là Đảng CSVN lừa đấy, thì bản thân chúng ta trong cuộc sống mà lúc nào chúng ta cũng không nhìn hướng về cái tốt, kể cả trong tình huống xấu nhất..."

'Đối thoại phải trực tiếp'

Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ làm rõ thêm quan điểm của mình từ kinh nghiệm và niềm tin cá nhân cho đến cách hiểu về lý thuyết đối thoại, và cho rằng đối thoại phải là 'trực tiếp', ông nói với Tọa đàm cuối tuần của BBC:
"Tôi cũng xin nói ngay, tôi bị tù, trong khi đang bị cầm tù rất khắc nghiệt như thế, nhưng tôi luôn có một niềm tin rằng cuộc đấu tranh của bản thân tôi cũng như bao nhiêu người bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam là chính nghĩa, Đảng CSVN trước sau và thậm chí trong một thời gian ngắn, rồi cũng phải nghe...


"Bởi không phải Đảng CSVN sống một mình ở trên cõi đời này, còn có thế giới, còn có các nước công nghiệp phát triển mà Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, để mà phát triển kinh tế, có Mỹ mà Việt Nam rất cần để có thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
"Thành ra sự thay đổi phải đến, cho nên tôi khẳng định lại là việc Đảng CSVN ngỏ lời đối thoại như thế là chúng ta phải ủng hộ, còn chúng ta... từ cá nhân, cho đến nhóm người, chúng ta đừng tự xếp mình là 'tôi mới là bất đồng chính kiến', 'tôi mới là nhân vật quan trọng nhất' để ĐCS đối thoại, nhưng vì tôi có quan điểm quá ngược với ĐCS đi, tôi cần phải có người trung gian.
"Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như thế vừa không khoa học theo con đường phát triển của xã hội, đặc biệt lý thuyết về đối thoại, nó phải đi từ ít đến nhiều. Thứ hai, tôi nghĩ đối thoại là trực tiếp giữa Đảng CSVN và những người có quan điểm chính trị khác biệt với Đảng CSVN, thì phải là đối thoại trực tiếp.
"Phải đối thoại trực tiếp cho dù những người ban đầu mà Đảng CSVN ngỏ ý muốn đối thoại không phải bao hàm tất cả những người bất đồng chính kiến, ví dụ như tôi từ năm 2010, tôi yêu cầu phải hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp (nước CHXHCNVN) quy định độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN để thiết lập một chế đọ dân chủ, đa đảng, rồi một nhà nước tam quyền phân lập, tức là nhà nước pháp quyền...
"Quan điểm của tôi có thể nói là đi đến tận cùng để Việt Nam có được một chế độ dân chủ đa đảng, tuy nhiên để đi đến chỗ mà đất nước VN có được một chế độ... như thế, thì chúng ta phải tiến hành đối thoại."

'Tránh quan điểm cực đoan'

Nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị Việt Nam từ Mỹ nhân dịp này cũng nhấn mạnh việc tránh mọi quan điểm cực đoan có thể gây ra xung đột nghiêm trọng, để hướng đến một cuộc đối thoại mà ông kỳ vọng, ông Cù Huy Hà Vũ nói:
"Chúng ta phải loại bỏ mọi quan điểm, tư tưởng cực đoan để có thể dẫn đến việc Đảng CSVN co cụm lại, bảo thủ và quyết chí giữ quyền lợi của mình, đến cùng, bằng mọi phương tiện kể cả bằng máu lửa, cái đấy tôi thấy hoàn toàn có hại cho dân tộc Việt Nam.


"Chúng ta đã có cuộc chiến tranh, cuộc nội chiến trong giai đoạn trước năm 1975 rồi, chúng ta phải rút kinh nghiệm chuyện đấy, không để Việt Nam rơi vào vòng nội chiến, những người Việt đánh nhau nữa, mà chúng ta phải hướng đến làm thế nào giải quyết những bất đồng, cho dù sự bất đồng ấy gần như có thể gọi là 'nước với lửa'...
"Nhưng tôi nghĩ rằng, với thời gian, mọi bất đồng và với một tâm muốn vì dân vì nước, chứ đừng vì cá nhân mình, đừng vì gia đình mình, đừng vì lợi ích cục bộ của bè nhóm mình, thì mọi cái đều có thể đặt lên trên bàn đối thoại và đều có thể giải quyết được," ông Hà Vũ nói với BBC.
Cũng tại Bàn tròn hôm thứ Bảy, Luật sư Lê Công Định, một nhà bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị chia sẻ với BBC quan điểm của mình qua bút đàm, về ý tưởng của ông Võ Văn Thưởng đề nghị Ban bí thư của Đảng CSVN xem xét 'tổ chức đối thoại', đề cập khía cạnh hình thức và nội dung 'của đối thoại' nếu có, ông Định viết:
"Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại.
"Chủ đề ưu tiên nên là quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Tôi tin nếu có đối thoại, nhà nước sẽ bảo đảm an toàn cho người đối thoại, vì họ đang làm PR (tuyên truyền, quảng cáo) nên cần giữ hình ảnh."
Luật sư Định cũng bày tỏ quan điểm cho rằng ông không tin sẽ diễn ra 'đối thoại' thực sự, ông viết: "Giả sử lời ông Thưởng nói là đúng và cuộc đối thoại diễn ra, tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ lựa chọn người dễ bảo và dễ đồng ý những gì họ áp đặt, chứ không phải sẽ đối thoại với ai mà phía bất đồng chính kiến muốn.
"Nói cách khác, họ sẽ đặt ra thể lệ đối thoại, chọn người đối thoại, nêu ra đề tài đối thoại và chỉ đưa lên truyền thông nội dung đối thoại nào có lợi và họ muốn. Đây là một chiến dịch PR không hơn không kém nếu nó diễn ra. Tuy nhiên, tôi không tin nó sẽ diễn ra. Bởi như tôi đã nói, phát biểu của ông Thưởng nhằm mục đích duy nhất là cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào tuần sau."
'Cơ hội cần được chớp'
Ngay tại Bàn tròn, một khách mời khác, nhà báo Lương Đình Cường, Tổng Biên tập báo điện tử Nguoiviet.de từ Cộng hòa Liên bang Đức đưa ra quan điểm của mình, ông nói:
"Cá nhân tôi không chia sẻ và không nhất trí với một đề nghị hay dự kiến của ông Lê Công Định nói rằng trong cuộc đối thoại này cần phải có trung gian, theo tôi toàn là người Việt Nam cả, chúng ta tại sao lại phải cần có trung gian? Tôi cho rằng sẽ không cần và không nên có trung gian.


"Thứ hai là chúng ta phải như thế này, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay nắm trong tay toàn bộ lực lượng công an, quân đội, tòa án, (kiểm) sát... nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, còn chúng ta là những người lực lượng dân chủ, xã hội dân sự v.v... Chúng ta tuy là lực lượng mạnh mẽ, nhưng chúng ta đừng đòi hỏi một sự bình đẳng, từ tín hiệu như ông Cù Huy Hà Vũ đã phân tích là lời mời rất là quý báu, là một chuyển biến rất lớn, thì chúng ta cần phải chớp lấy cơ hội dù cho rằng trong quá trình đối thoại ấy lãnh đạo Việt Nam chọn những đối tượng đối thoại theo họ muốn.
"Tức là trong số mấy chục tổ chức xã hội dân sự, họ không mời tất, mà họ lựa chọn một số nào đó. Tôi cho rằng cũng là tốt thôi. Những người chưa được đối thoại thì cứ chờ đó, những người được đối thoại trước cũng không nên vì quyền lợi của riêng tổ chức của mình mà khi vào đối thoại cũng nên nói lên tiếng nói của chung, của dân tộc, của các hội đoàn khác. Chứ không nên chúng ta đòi hỏi là phải được đông đảo, hoặc phải được ra điều kiện phải những hội đoàn này được vào đối thoại, theo tôi là không cần thiết, mà chúng ta thấy rằng đấy là một tiến bộ."
Về chủ đề đối thoại, nhà báo Lương Đình Cường nêu quan điểm:
"Chủ đề đối thoại cũng vậy, theo tôi chúng ta cũng không thể nào sòng phẳng quá mà đòi hỏi một sự bình đẳng quá mà chúng ta cứ đối thoại đi, chọn một số đề tài nào đó, mà có thể lãnh đạo Việt Nam chọn trước đi, chúng ta cứ đối thoại đi và dần dần chúng ta sẽ thêm những đề tài khác và những điều kiện khác.
"Chứ không nên nghi ngờ quá và đòi hỏi nhiều quá và lại làm khó khăn cho đối thoại, vạn sự khởi đầu nan, chúng ta cứ đối thoại và... trong quá trình đối thoại đó, thành công lớn nhất tôi cho là lãnh đạo Việt Nam sẽ bỏ chuyện ngăn cản, cấm đoán các nhà hoạt động dân chủ ra khỏi nhà mình (nơi cư trú) để đi hoạt động ở nơi này, nơi khác.
"Nhưng bây giờ, các nhà hoạt động dân chủ, cứ có một sự kiện gì là bị công an, an ninh canh cửa, gác cổng, rồi cấm đoán, theo tôi, nếu xảy ra đối thoại, hiện tượng đó đương nhiên sẽ được giảm bớt hoặc là hoàn toàn gỡ bỏ, sẽ là thành công lớn nhất. (Thêm) nữa là việc đối thoại sẽ còn là khởi đầu cho cả một quá trình giải quyết những bức xúc của xã hội, như tôi nói... sẽ là một sự kiện rất lớn mà đây là chúng ta phải chớp cơ hội, chứ không nên nghi ngờ quá, dè dặt quá, rồi đòi hỏi bình đẳng quá mà nó mất cơ hội này đi...


"Bởi vì tương quan lãnh đạo ở trong Đảng CSVN (hiện nay), (nên cần) chớp cơ hội để đối thoại, mà cứ dùng dằng, nêu điều kiện nọ kia mà bỏ lỡ, thì đến một lúc nào đó tương quan lực lượng nó khác đi, có thể cơ hội đối thoại không còn nữa, sẽ là một cơ hội rất uổng phí," nhà báo Lương Đình Cường từ CHLB Đức nói với Bàn tròn Cuối tuần của BBC Việt ngữ.
Ngay sau Tọa đàm, khi được hỏi liệu có muốn phản hồi ý kiến của các khách mời khác tại Bàn tròn hay không, Luật sư Lê Công Định chia sẻ bằng bút đàm với BBC, ông viết: "Tôi không bình luận gì về nhận định của hai vị khách mời đối với quan điểm của tôi, vì tôi nghĩ hai vị đã nói hết suy nghĩ của mình một cách rất rõ ràng."
Khi được hỏi liệu các ý kiến khách mời khác có lạc quan quá hay không hay là có sự 'ngây thơ chính trị' nào đó, hoặc có thể các ý kiến này đang có tính toán nào đó khi coi đây là một cơ hội thật sự, ông Định trả lời:
"Mỗi người đều đứng ở góc độ riêng để tiếp nhận và phản hồi lại thông tin về việc ĐCSVN chuẩn bị đối thoại với người có ý kiến khác với họ. Ai cũng có những kinh nghiệm và lý do riêng để đưa ra quan điểm của mình. Tôi rất tôn trọng điều này," ông trả lời BBC.
Quý vị có thể bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn về Chủ đề 'Thực chất đối thoại của Đảng với giới bất đồng?'của BBC Việt ngữ hôm 20/5/2017.
ĐẢNG  CÓ THẬT TÂM MUỐN ĐỐI THOẠI VỚI GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN?
TRƯƠNG DUY NHẤT/ BVN 23-5-2017
Nếu đủ tự tin và thật lòng muốn đối thoại, ông Võ Văn Thưởng, hay bất kỳ một Uỷ viên Bộ Chính trị nào (hoặc toàn thể 18 Uỷ viên BCT) có thể mời tôi. Hãy đối thoại với tôi, mời Trương Duy Nhất đối thoại cùng quí vị.
Đừng dựng kịch, cài “quân xanh”, hay lôi mấy cụ hưu hết thời, hoặc vài gã ất ơ nào đó ngồi giữa Ba Đình ê a diễn thuyết, rồi gọi đấy là “đối thoại”.
Hãy bắt đầu bằng tôi, hoặc những người như tôi, chúng tôi.
Tại sao không?
Tôi nghĩ, không ít nhân vật bất đồng chính kiến vẫn chưa hẳn mất hết niềm tin. Thậm chí ngược lại, trong họ vẫn còn cháy bỏng ước mong được đối thoại, phải đối thoại.
Chỉ còn chờ phía đảng. Các vị có thật tâm và đủ dũng cảm kéo ghế ngồi cùng chúng tôi?
Đối thoại, thay vì trấn áp – Tại sao không?
"Đảng là đạo đức, đảng là văn minh". Lịch sử, chưa thấy một đảng nào dám tự vỗ ngực xưng mình "đạo đức, văn minh" như cái đảng Cộng sản này.
"Đạo đức văn minh" gì mà toàn đi trấn áp, không dám đối thoại, không chịu lắng nghe?
Tôi chìa tay chờ quí vị đấy!
T.D.N.
ĐỐI THOẠI THẬT HAY GIẢ ?
BÙI QUANG VƠM/ BVN 23-5-2017
BBC ngày 19/05/2017 đưa tin, theo báo Pháp luật TPHCM, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 18/05, ông Võ Văn Thưởng, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương có tuyên bố: "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận".
BBC còn viết: “Ông cho biết ngành tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "trao đổi và đối thoại" với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản”.
Tuy nhiên, BBC không dẫn link tới nguồn của báo Pháp luật. Tìm trên mạng với những câu trích dẫn trên thì chỉ dẫn tới các tờ báo không chính thống, chép lại BBC.
Đối thoại là vấn đề tối quan trọng nhưng nhạy cảm.
Nếu đúng là Đảng cộng sản, qua lời một uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TW, là cơ quan cao nhất phụ trách lĩnh vực lý luận và tư tưởng của Đảng, quyết định mở cửa tiếp nhận đối thoại với “những người có quan điểm khác với Đảng cộng sản”, thì đây quả thật là một cuộc cách mạng tư tưởng của Đảng cộng sản, cụ thể là của ban lãnh đạo.
Đối thoại với các đối tượng khác chính kiến nhằm tìm kiếm chân lý, chính là tư tưởng bình đẳng chính trị, một biểu hiện cụ thể của sinh hoạt có tính đa nguyên.
Nếu chúng ta đã từng thống nhất với nhau một nguyên tắc chung là phấn đấu cho một nền dân chủ đích thực bằng con đường ôn hoà, phi bạo lực, thông qua đối thoại giữa đảng cầm quyền với các tiếng nói chính trị khác đã và đang trở thành lực lượng vật chất trong xã hội, thì quyết định mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền chính là một mục tiêu đã đạt được bước đầu của phong trào quần chúng và của tiến trình dân chủ hoá xã hội Việt Nam.
Và nếu hình dung rằng đây là bước khởi đầu của một cuộc đối thoại chân thành và thực chất, thì con đường dẫn tới dân chủ đích thực, con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam đang đứng trước một sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử 4000 năm, cuộc cách mạng một lần cho vĩnh viễn.
Có thật như vậy không?
Có thật là Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi nhận thức không?
Sự kiện này diễn ra ngay sau khi kết thúc hội nghị Trung ương 5/XII với tinh thần kiên định lập trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” và kiên quyết chặn đứng “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, vốn vẫn là tư tưởng của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng từ trước tới nay, khiến người ta nghi ngờ tính trung thực của mẩu tin của BBC, và nếu tin của BBC là có thật, thì sự nghi ngờ hướng tới tính trung thực của tín hiệu mở cửa đối thoại của đảng cầm quyền.
Đây là thủ đoạn lươn lẹo vốn đã thành bản tính của các nhà chỉ đạo chính sách của Đảng cộng sản? Họ tung tin để đánh làm mất hướng phong trào đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là quần chúng công giáo khu vực miền Trung đang có biểu hiện bất tuân dân sự, vô hiệu hoá quyền lực của chính quyền, và có xu hướng tiến tới giành quyền? Từ kinh nghiệm đối thoại với Đồng Tâm, nhà cầm quyền bắn tin đối thoại với những thành phần đứng sau phong trào?
Đây là con bài sẽ được sử dụng để tiếp tục thủ đoạn đánh tráo mặt nạ mà Đảng đã từng sử dụng và đã từng tưởng rằng đánh lừa được Tổng thống Obama.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền với phái đoàn nhân quyền Mỹ vào ngày mai, 23/05/2017 tại Hà Nội, kết quả và kết luận của phái đoàn Mỹ sẽ quyết định thái độ của Tổng thống Mỹ Donald TRUMP trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Mỹ sắp tới, với ý nghĩa quá quan trọng quyết định thành bại của chuyến đi và ấp ủ quá nhiều hy vọng lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam. Trump không phải là Obama, lập lờ, không trung thực sẽ không tránh được thất bại.
Con bài đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập có thể chỉ được sử dụng như một thứ hàng trang trí, hoặc như một nơi trú ẩn khi còn đường lùi cho cuộc gặp ngày mai.
Nhưng con bài này có thể cũng được những người chủ trương cải cách thật sự sử dụng để lật thế cờ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giả hoá thật. Đối phó với Mỹ, nhưng phải chứng tỏ thành tâm. Bởi vì Tổng thống Mỹ Donald TRUMP đã không lạ gì thói đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc của cộng sản Việt Nam (xem bài viết “Nghề làm… mười phương”).
Nếu đây là tín hiệu có thật thì Hội nghị TW 5 vừa rồi đã thất bại, chứ không phải “kết thúc tốt đẹp” như ông Trọng nói trong diễn văn bế mạc.
Có thể hình dung cuộc tranh luận nảy lửa trong hội nghị và chắc chắn bất phân thắng bại giữa hai tư tưởng cải cách thật sự và cải cách nhưng giữ nguyên vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng.
Ông Trọng dựa vào nguyên tắc cổ điển trung thành với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội để giành ưu thế chính thống, nhưng ông Trọng đã không có đa số. Ba nghị quyết được ông Trọng tuyên bố thông qua ngay trong Hội nghị, nhưng đến nay chưa được phổ biến. Cái không nhất trí chính là hai chữ “định hướng” bỏ hay không bỏ ra ngoài văn bản.
Có thể phỏng đoán sự phân hoá trong Bộ Chính trị như thế này: những kẻ theo đuôi ông Trọng chỉ có bà Ngân, bà Phóng; phần còn lại trong Bộ Chính trị sẽ chia làm hai phần, phần cải cách thực sự chắc chắn sẽ có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Đinh Thế Huynh, cùng gần toàn bộ uỷ viên Bộ Chính trị thuộc chính phủ, nhóm này do ông Đinh Thế Huynh dẫn nhịp. Phần còn lại là vài nhân vật cơ hội, chờ ngã ngũ cuộc cờ, trong đám này có thể có ông Trần Quốc Vượng và ông Phạm Minh Chính.
Việc Ban bí thư có thể thông qua bản hướng dẫn đối thoại hay không, và nội dung chính thức của đối thoại là gì sẽ cho biết sự thật mối tương quan lực lượng và sẽ quyết định cuộc cách mạng “đẫm máu” trong nội bộ Đảng sắp tới.
Nếu những phỏng đoán trên đây là đúng thì phỏng đoán sự thất bại cuả ông Trọng cũng sẽ đúng. Điều này có nghĩa rằng, nếu tín hiệu mở cửa cho đối thoại với các tư tưởng khác quan điểm của Đảng là có thật, thì phái bảo thủ kiên cố chủ nghĩa Mác, chống đa nguyên chính trị của ông Trọng sẽ thất bại. Hội nghị Trung ương 6 sắp tới sẽ là hội nghị kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Trọng, nếu ông không còn khả năng thích ứng vói sự phát triển của lịch sử.
Những bước đi tiếp theo của lộ trình đối thoại sẽ trở thành hiện thực.
Về chủ đề “Đối thoại”, từ tháng 9/2016, tác giả có viết một bài có tựa đề “ Đối thoại và lựa chọn” trong đó có thể có một vài ý tưởng góp ích cho tham khảo.
Chưa có gì có thể giúp cho việc xác định, nhưng dù tín hiệu mở cửa cho đối thoại của Đảng cộng sản là thật hay giả, cũng không thể bác bỏ một thực tế là thông điệp “đối thoại hoà bình” để đến một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam bằng con đường bất bạo động của các tiếng nói dân chủ, đã đến và đang được Đảng cộng sản tìm kiếm đối sách. Đó là một bước thắng lợi của dân chủ, và thắng lợi cuối cùng là không thể đảo ngược.
22/05/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
THƯ GỞI ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
NGUYỄN BÙI AN/ BVN 23-5-2017
Thưa Ông,
Ngày 18 tháng 5, trong một hội nghị trực tuyến trong Đảng, báo Pháp Luật đã dẫn lại lời phát biểu của ông "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Nếu đây là một sáng kiến cho thêm một phong trào như phong trào “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trước đây thì xem như tôi hiểu lầm ý ông và lá thư này vô nghĩa. Bởi vì tôi nghĩ ông phát biểu những lời mà tôi thượng dẫn nó bao hàm một ý nghĩa rộng lớn hơn: khởi đầu cho công cuộc mới để đi tìm sinh lộ cho dân tộc.
Ông có nhận ra rằng “Đối thoại” là một khái niệm ám ảnh dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 và đè nặng hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21 này? Năm 1945 và năm 1975, “Đối thoại” đã không được vận hành trong tiến trình sinh tồn của đất nước, để rồi nó trở thành khái niệm bẽ bàng và hoài nghi trong con mắt nhiều người khi ông và Đảng khởi xướng.
Tôi cũng nói rõ quan điểm của tôi với ông rằng: tôi luôn đứng trong xã hội mà nhận thức xã hội. Tôi luôn xem những nguy cơ và bế tắc của đất nước là của hơn 87 triệu đồng bào và hơn 3 triệu đồng chí của ông. Không phải hơn 87 triệu đồng bào cần giải phóng mà còn hơn 3 triệu đồng chí của ông cũng rất cần giải phóng. Để Việt Nam thực sự tự lực, tự cường, tự tôn và tự tồn. Để Việt Nam đồng hành với tiến bộ của nhân loại và có trách nhiệm trong phần lớn cộng đồng thế giới đã và đang sống theo những giá trị phổ quát.
Đảng và chính quyền hiện hành là một thực thể chính trị rất mạnh bởi quyền lực chính trị được tập trung trong tay của Đảng. Và tôi cũng thừa nhận chính quyền do Đảng lãnh đạo cũng chính danh trên chính trường quốc tế. Nhưng nếu ông và Đảng của ông không xem hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt Nam đang lên tiếng và dấn thân cho sự thay đổi lớn lao của đất nước, và hàng triệu ước vọng đổi thay chưa dám nói ra cũng là một thực thể chính trị, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Nếu ông và Đảng của ông không chút hoài nghi và luôn cho sự đúng đắn và tính hợp lý tuyệt đối về sự tồn tại của Đảng như là một tiên đề không cần chứng minh, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Nếu ông và Đảng của ông không chấp nhận chung sống như là một thành tố trong một thực thể chính trị toàn vẹn - Một thực thể chính trị theo các giá trị phổ quát của nhân loại, thì “Đối thoại” làm sao thưa ông?
Và nếu “Đối thoại” không được xem như là một trong các Phương thức trong quá trình sinh tồn của dân tộc, và nó không trở thành một tập tính căn bản cho thế hệ mai sau, thì bây giờ xin cơ chế “Đối thoại” để làm gì thưa ông?
Xin ông đừng hiểu nhầm những lời của tôi là mỉa mai, hoài nghi hay thách thức. Tôi tin lòng yêu nước của ông, cũng như tôi tin vào lòng yêu nước của một số tiền bối của ông trong đó có tướng quân Trần Độ và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và khi lòng yêu nước bị tổn thương thì tiền bạc, danh vọng và tính mạng trở thành vô nghĩa, phải không ông? Ông có thấy ở đâu trong thế kỷ 21 này mà những người con của một quốc gia lại hiểu lòng yêu nước bằng hai hay nhiều cách khác nhau? Đó là bi kịch, thưa ông.
Chúc ông nhiều sức khỏe.
Sài Gòn ngày 22 tháng 5 năm 2017
N.B.A.
Tác giả gửi BVN
NHỜ PHE ÔNG THƯỞNG TRẢ LỜI GIÚP*
Nguyễn Thông / BVN 23-5-2017
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, vừa nói rằng đảng đang nghiên cứu việc có thể đối thoại với những người không cùng quan điểm, không chung đường lối.
Bây giờ mới nghĩ (nghĩ chứ chưa thực hiện) là quá muộn rồi, ông Thưởng ạ. Đối thoại, đó là biểu hiện rõ nhất của dân chủ và tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, quan điểm. Còn rụt rè, chần chừ gì nữa mà không làm ngay đi.
Những kẻ cùng đinh như tôi, ban tổ chức sẽ cho rớt ngay từ vòng gửi xe nên cũng chẳng ham đối thoại. Ghế ấy để dành cho những đấng bậc hào kiệt, trượng phu, thông tỏ sự đời. Tuy nhiên, từ bãi xe, tôi đề nghị các ông phe ông Thưởng trả lời giùm cho tôi câu hỏi:
Trong những nước giàu có, dân hạnh phúc sung sướng, có nước nào theo chủ nghĩa xã hội không? Trong những nước theo chủ nghĩa xã hội, có nước nào sớm thoát khỏi nghèo đói, nội chiến không? Bây giờ thế giới có gần 200 quốc gia, còn mấy nước bám vào thứ chủ nghĩa này?
Ông giả nhời được một cách thuyết phục tức là đối thoại đã thành công.
N.T.
* Tên bài do BVN đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét