Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

20170513.BÌNH LUẬN VỀ CHỨC VỤ MỚI CỦA ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÂN BÍ THƯ THÀNH ỦY SÀI GÒN, MỘT GƯƠNG MẶT CŨ
KÍNH HÒA/RFA/ BVB 12-5-2017
Ngày 10 tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị được chính thức giao nhiệm vụ Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thay ông Đinh La Thăng bị kỷ luật đảng, được điều về Ban kinh tế trung ương.
Một nhân vật của thời cuộc?
Sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân chính thức có quyết định làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc Hội Việt Nam, hiện đang sống tại Sài Gòn,  nói với chúng tôi:
 “Ông Nguyễn Thiện Nhân trưởng thành từ thành phố Hồ Chí Minh, từ một thầy giáo, chuyển sang công tác đoàn, Phó bí thư thành đoàn, Giám đốc sở, rồi vào Thành Ủy, rồi Phó Chủ tịch thường trực, rồi đi vào Trung Ương. Như vậy ông ấy có một quá trình cũng khá. Điều kiện để những người làm ở Thành phố và Hà Nội phải là Ủy viên Bộ chính trị, người ta đánh giá chọn người này người kia, và có lẽ cho rằng ông Nhân là người thích hợp nhất.”
Một người quan sát chính trị Việt Nam là nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, cũng sống tại Thành Phố Hồ Chí Minh, đưa ra một số lý do khác khiến Bộ Chính trị đưa ông Nhân về thành phố Hồ Chí Minh. Đó là ông Nhân là một người trung lập, không thuộc một phe phái nào, và mặc dù ông Nhân nói giọng Bắc nhưng lại là một người gốc Nam bộ:
“Ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể hoàn toàn thờ ơ trước sự phản ứng của nhiều cán bộ lão thành Nam bộ, rằng ông ấy cứ muốn đưa những người từ miền Bắc vào, những người không hiểu thực tế Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí là người ta còn nói rằng ông ấy muốn những người có lý luận, phải là người Bắc, vào để nắm giữ một không gian trong này mà không nắm vững tình hình thực tế, và do đó là dân Nam bộ phản ứng. Có lẽ sau bài học Đinh La Thăng, ông Nguyễn Phú Trọng đã chùn tay và đã không đưa bà Tòng Thị Phóng vào Sài Gòn, nếu như ông ấy đã có phương án đó.”
Bà Tòng Thị Phóng hiện là Ủy viên Bộ chính trị, từng là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La ở miền Bắc. Sau khi có quyết định chính thức về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng tại Hội nghị trung ương lần thứ năm của đảng Cộng sản Việt Nam, đã có nhiều lời đồn về những nhân vật khác nhau sẽ đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có ý kiến cho rằng bà Tòng Thị Phóng sẽ thay vị trí của ông Thăng ở Sài Gòn
Thách thức chờ đón ông Nhân tại Sài Gòn
Khi có tin ông Nhân được điều về đứng đầu thành phố Sài Gòn, một người dân tên Huy, nói với đài RFA
Ông Nhân cũng tốt chứ, như trước đây ổng là phó Chủ Tịch thành phố này lâu rồi. … ổng tốt mà!
Nhưng một người dân khác tên là Trung, thì nói:
- Một con người đâu đại diện cho cả hệ thống, ai lên giờ, anh không quan tâm nữa. Khi em thay đổi cốt lõi vấn đề thì mới nói chuyện được.­ Người lên thay cũng chẳng làm được gì hết.
Ông Trung cho biết thêm là ông không quan tâm lắm chuyện thay đổi lãnh đạo ở thành phố Hồ  Chí Minh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân rời thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2006, trên cương vị Phó Chủ tịch thường trực, sau đó vào Trung ương đảng, làm Bộ trưởng giáo dục, kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng. Trước khi có quyết định về làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nhân phụ trách Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc.
Ông Phạm Chí Dũng nói rằng nhìn lại quá trình làm việc của ông Nguyễn Thiện Nhân, có nhiều người vốn rất ủng hộ ông Nhân nhưng bây giờ đâm ra hoài nghi về năng lực của ông. Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp: “Tôi biết ông Nhân khi ông ấy còn ở thành phố Hồ Chí Minh, và tôi cũng biết là khi ông ấy làm Phó chủ tịch thường trực thành phố Hồ Chí Minh, thì quan hệ của ông ấy với ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch thành phố, là cơm không lành canh không ngọt. Nói cụ thể là ông Hải siết ông Nhân, và gần như là ông Nhân bị cô lập. Thành ra lúc đó có một lý do là ông Nhân bị cô lập, không có đất dụng võ nên phải ra trung ương. Khi ra trung ương rồi, ông Nhân có cả một mình một cõi, vừa Bộ trưởng, vừa là Phó Thủ tướng, tức là toàn quyền. Thế mà trong suốt một thời gian dài ngành giáo dục không được cải thiện.”
Ông Phạm Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến một yếu tố là với vị trí một người coi như trung lập, mà được phân công phụ trách Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan không có thực quyền, thì điều đó đặt dấu hỏi về năng lực thực sự của ông Nhân.
Ông Trần Quốc Thuận nhận định về vị trí đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất nước: “Thành phố Hồ Chí Minh vốn năng động sáng tạo, thì đó là sức mạnh vốn có của thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên người nào lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng được hưởng cái bổng lộc đó. Điều đó làm cho một người có nhận thức tốt dễ phát huy. Người phát huy tốt nhất trước đây là ông Võ Văn Kiệt. Sau này thì có những người lãnh đạo không được sáng chói lắm. Ông Nguyễn Thiện Nhân là một người công tác lâu năm ở Trung ương, thì cũng hy vọng là ông ấy về cũng phát huy được.”
Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng rất nghi ngại về khả năng ông Nhân sẽ có thể làm tốt công việc mới. Ông nói rằng ông Nhân sẽ không chịu trách nhiệm một chuyện riêng biệt có tính cách chuyên môn như giáo dục, môi trường, như trước đây ông từng làm, mà sắp tới ông sẽ phụ trách cả một thành phố lớn với tất cả những vấn đề chính trị xã hội phức tạp của nó. Ông kết luận: “Nếu mà ông Nhân không khắc phục những nhược điểm cố hữu của ông ấy trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác nhân sự, công tác hậu kiểm, ông không có một chút cam đảm để thẳng tay xử lý tiêu cực, thì ông sẽ lại ứng xử với Sài Gòn theo cái cách mà ông làm phong trào hai không ở Bộ giáo dục trước đây, nhưng chỉ đạt được kết quả không không thấy.”
Phong trào hai không, đã thất bại mà ông Dũng đề cập là tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân khi ông làm Bộ trưởng Bộ giáo dục,đó là nói không với hai vấn đề tiêu cực trong giáo dục, đó là bệnh thành tích và gian lận thi cử.
Cách đây gần tròn 4 năm, tại Hội nghị trung ương lần thứ 7 của Đại hội đảng toàn quốc khóa trước, khi ông Nguyễn Thiện Nhân bước chân vào Bộ chính trị, đã có lời đồn đoán ông sẽ về làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, để ông Lê Thanh Hải ra trung ương. Lời đồn thứ hai lúc ấy là là ông sẽ làm Phó Thủ tướng, kiêm Bộ Ngoại giao, rồi sẽ lên Thủ tướng. Lúc đó Tiến sĩ Vũ Tường, một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Đại học Oregon Hoa Kỳ có nói với Đài RFA rằng ông Nhân không có đủ cơ sở chính trị trong đảng để làm việc ấy và cũng không có tham vọng để làm chuyện đó.
Kết quả là sau lần ấy ông Nhân về phụ trách Mặt trận Tổ quốc, tháng 9 năm 2013.
Kính Hòa/RFA
ĐIỀU GÌ ĐANG ĐÓN ĐỢI TÂN BÍ THƯ THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GDVN 12-5-2017
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quyết định phân công nhiệm vụ cho ông Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: P.L)
Sau khi ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, cho thôi Uỷ viên Bộ Chính trị và hết đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/5 Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất thành ủy thành phố này.

Thông tin này nhận được sự quan tâm rộng rãi từ dư luận trong nước lẫn quốc tế, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - nơi đóng góp tới 31,8% ngân sách quốc gia; mỗi ngày thu về hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế.

Là đầu tàu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, khoa học công nghệ, bộ mặt của đất nước...
Vậy nên, sự quan tâm của dư luận là điều dễ hiểu, nhưng mặt khác sự quan tâm này đồng thời phản chiếu một vài góc khuất mà ở đó có những vấn đề muôn thuở - nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ là “điểm nghẽn” khiến cho thành phố khó hóa rồng.
Một địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng, nên lãnh đạo phải xứng tầm, điều này không thể bàn cãi với một người dày dặn kinh nghiệm chính trường như ông Nhân. 

Ông có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, được đào tạo bài bản ở những nền giáo dục hàng đầu như Đức và Mỹ.

Từng kinh qua nhiều vị trí như lãnh đạo đoàn thanh niên, giáo dục, lĩnh vực khoa học công nghệ, nhà nước, Chính phủ... thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Một trí thức hàng đầu và hoàn toàn phù hợp với một địa phương đa ngành, đa lĩnh vực như Thành phố Hồ Chí Minh.

Không nói ai cũng biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang nắm giữ nhiều lợi thế - nơi tập trung chủ yếu nguồn lực chất lượng cao của cả nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh, có cơ chế riêng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào dạng tốt nhất nước, có lịch sử phát triển năng động…

Nhưng, bên cạnh đó còn nhiều thách thức đón đợi tân Bí thư, những vấn đề cũ phát sinh và tồn đọng hàng chục năm nay.
Chướng ngại nằm ngay trước mắt và dễ thấy nhất là sự quá tải hạ tầng giao thông – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là những khu vực trung tâm và xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Phải làm thế nào để giải quyết? Liệu có phá ra làm lại tất cả hay cải thiện từng phần?
Hàng thế kỷ nay, thành phố được quy hoạch nhiều lần, nhưng chứa ai dám “làm lại từ đầu”.
Còn nếu giải pháp manh mún rời rạc đã áp dụng nhiều nhưng không mấy mang lại kết quả, thậm chí khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Ví dụ, mới đây một vài chuyên gia đề xuất cấm xe máy, lập tức dân chúng đặt câu hỏi: “Cấm xe máy thì đi bằng gì?”.
Câu hỏi này các vị chuyên gia chưa thể trả lời nên một lần nữa giải pháp chống ùn tắc lâm vào ngõ cụt. Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ tắc cả trên trời lẫn dưới mặt đất, tắc từ trong ra ngoài…
Đi kèm với tình trạng tắc người là tắc nước, đây là hệ quả của các khu đô thị mọc lên ngay vùng thoát nước ở ngoại thành cùng với tư duy quy hoạch mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn.
Nhiều vùng ở Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ chỉ cần một trận mưa lớn hoặc triều cường là tất cả bị xáo trộn, mọi thứ cứ loạn lên như gà mắc tóc, đại lộ biến thành sông, giao thông tắc nghẽn.

Nước không chừa nơi nào từ khu ổ chuột đến biệt thự, khu đô thị sang chảnh…

Người viết cho rằng: Vấn đề lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh lúc này là hạ tầng giao thông, chỉ cần thành phố giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập cục bộ thì không cần chính sách đặc thù kinh tế vẫn phát triển nhanh chóng.

Hãy cứ tưởng tượng, một người trung bình mỗi ngày mất 10 phút vì kẹt xe, tính ra hàng triệu người năm này qua năm nọ là bao nhiêu thời gian?
Trong khi đó, đặc tính của một thành phố công nghiệp, hiện đại là tính kỷ luật trong lao động, đúng giờ giấc.

Máy móc, công nghệ và cuộc cách mạng 4.0 không thể sống chung với nạn lãng phí thời gian, tính tùy tiện bất kể giờ giấc. 
Xem ra hạ tầng giao thông có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phồn thịnh của một vùng miền, nó được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Dĩ nhiên, khi tắc nghẽn sẽ làm xuất hiện những cơn tai biến, thậm chí chết người.

Thành phố Hồ Chí Minh đã là một “siêu đô thị”, hiện có gần 8,5 triệu dân, số dân này còn nhiều hơn dân số của không ít quốc gia trên thế giới, có chuyên gia nói rằng, giá như hiện tại thành phố bớt đi khoảng 3 triệu dân thì sẽ lý tưởng biết bao.
Có nghĩa là, phải có tính toán để giới hạn dân số nhằm nâng cao chất lượng sống, sự gia tăng dân số ở đây chủ yếu do lao động tự do khắp nơi đổ về.
Tất nhiên là họ sẽ đóng góp cho sự phát triển nhưng phần nào đó cũng là gánh nặng lên hệ thống hạ tầng giao thông, an sinh, phúc lợi xã hội và cả an ninh trật tự…

Một trong những điều làm nên sự năng động, đa dạng và hấp dẫn của thành phố này chính là người nhập cư, nhưng đây cũng là nguyên nhân hàng đầu làm mất đẳng cấp của thành phố, kéo giảm chất lượng sống. 
Thực tế có một bộ phận không nhỏ đến đây chỉ để tìm cơ hội phạm tội chứ chẳng đóng góp gì.

Hiện nay, nhân loại đang rục rịch với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khái niệm “công nghiệp 4.0” được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức. 
Sau đó, nó được định hình để trở thành một xu hướng phát triển của nhân loại, tiếp nối 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong lịch sử.
Điểm cốt lõi của cuộc cách mạng lần này là trí tuệ nhân tạo, kết nối và số hóa ở phạm vi rộng…Nước ta không thể nằm ngoài xu hướng này, nếu không muốn nói đây là cơ hội hiếm có để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Ở Việt Nam, nhìn đi nhìn lại thì có người bảo Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tốt nhất để tiếp nhận thành quả của cuộc cách mạng 4.0.
Với nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất hiện có, thành phố phải là nơi đi đầu để tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp này.
Với ước muốn biến Quận 1 thành Singapore thu nhỏ, việc đầu tiên mà chính quyền thành phố tiến hành là dọn dẹp vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Công việc này đã ngốn của báo chí và dư luận không biêt bao nhiêu là giấy mực.
Nhưng rồi, nay có vẻ chùng xuống, chẳng hiểu vì lý do gì!?
Bao nhiêu năm nay, dọn dẹp vỉa hè vốn không phải là việc hệ trọng của thành phố này, nhưng bản chất vấn đề là khi có niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân rồi thì làm sao để giải quyết rốt ráo vấn đề mới là chuyện đáng nói ở đây.
Từ việc không lớn có thể suy ra việc lớn nhưng từ việc lớn không thể quy kết việc cỏn con.
Người viết tin rằng, với một con người có tâm và tầm như Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn phù hợp với vị trí lãnh đạo một địa phương có thế mạnh về công nghiệp dịch vụ, khoa học và công nghệ.
Tiềm năng của thành phố là tài nguyên có sẵn, vấn đề là khơi nó lên như thế nào.
Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vấn đề không thể giải quyết nếu cứ sử dụng các giải pháp xưa cũ.
Liệu rằng thành phố có dám “làm lại từ đầu” ở một vài lĩnh vực “nóng” hay vẫn loay hoay với mớ giải pháp nhỏ. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và góp ý của riêng tác giả. 
Trương Khắc Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét