Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

20170519. QUANH ĐỀ TÀI THUẾ VÀ PHÍ

ĐIỂM BÁO MẠNG
THUẾ, PHÍ VÀ 'TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC'
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GDVN 19-5-2017
Đề xuất của Hiệp hội dầu khí về lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Tienphong.vn)
Câu chuyện trách nhiệm với đất nước bỗng chốc được bàn tán nhiều sau phát biểu của một vị lãnh đạo Hiệp hội dầu khí về lộ trình tăng thuế, phí môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu: 
Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế.
Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.
Có người suy ngược lại, cắc cớ kiểu như: Nếu phản đối việc tăng phí môi trường có bị coi là không có trách nhiệm với đất nước?
Lập luận của lãnh đạo Hiệp hội dầu khí quả là đứng trên muôn người, nó bó buộc người khác vào một điều xưa nay được coi là thiêng liêng cao cả - lòng yêu nước. 
Tin rằng, không một người dân nào không yêu thương quê hương đất nước, không yêu thương gia đình, làng xóm của mình.
Nhưng, không có kiểu suy luận rằng, nếu như phản biện, đóng góp các chủ trương, chính sách đều bị quy không yêu nước.
Dĩ nhiên, phát biểu ấy không có vế thứ hai nhưng nó có sợi dây thòng lọng để buộc người ta khó cất lên tiếng nói.
Mỗi công dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S này hàng ngày hàng giờ đã thực hiện trách nhiệm với đất nước, điều đó có thể làm ngay ở những hoạt động tối thiểu: hít thở không khí, ăn uống, đi lại…
Trách nhiệm của công dân với nhà nước còn cao cả hơn vạn lần chuyện đóng thêm mấy nghìn đồng tiền thuế, có thể là hy sinh cả tính mạng, bỏ lại một phần thân thể nơi rừng thiêng biển thẳm… 
Thật sự mà nói, nếu giá xăng tăng thì người dân vẫn phải sử dụng như thường, vì xe máy và động cơ đốt trong đang là phương tiện duy nhất của hàng chục triệu người. Không có xe máy chẳng khác nào... chặt chân!
Nhà nước hoạt động bằng gì? Dĩ nhiên là từ tiền thuế của nhân dân. Ở ta cũng vậy mà tây cũng thế.
Tử hỏi nếu nhân dân không có trách nhiệm với Tổ quốc thì liệu đất nước có được như ngày hôm nay?

Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân với đất nước, điều này chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng phải để người dân biết được đồng tiền của mình được dùng vào việc gì, ý nghĩa ra sao, rồi qua đó họ sẽ đóng thuế với tinh thần tự nguyện; thậm chí còn nỗ lực để có thể đóng thuế nhiều hơn.

Vậy thì người dân có quyền tham gia thảo luận về việc tăng thuế hay không tăng thuế?

Thời phong kiến, mỗi khi đổi ngôi vua, chính sách đầu tiên để “khoan thư sức dân” là giảm hoặc bãi miễn một số loại sưu thuế. Cách làm này được áp dụng khá phổ biến trong lịch sử, chứng tỏ sưu thuế không phải chuyện đùa.
Ngày nay, ở những quốc gia phát triển mức độ đóng thuế là thước đo của chất lượng sống. Một đất nước mà ở đó người dân “nhẹ gánh” các khoản đóng góp dĩ nhiên là văn minh tiến bộ hơn những nơi thuế phí bủa vây.
Thiết nghĩ, cũng không nên cho rằng, vì giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn nước ngoài nên phải tăng cho bằng. Vì rằng nếu lý sự cùn kiểu ấy thì sao không so sánh với các nước có giá xăng dầu thấp hơn mà giảm cho dân được nhờ?
Đó là chưa kể, Việt Nam thuộc vào những nước có nguồn dầu khí phong phú, đáng ra giá xăng dầu phải rẻ hơn nhiều nước khác mới đúng.
Mấy chục năm qua chúng ta chủ yếu hút lên bán thô, lợi nhuận phải san sẻ cho các đối tác nước ngoài. Vậy, trách nhiệm với nhân dân ở mức nào?
Câu chuyện xăng dầu tăng giá vốn xưa như trái đất, xăng dầu tăng giá mọi thứ đều đeo bám tăng theo, thậm chí đi xe ôm cũng nghe câu: “Cho xin thêm chút ít vì xăng mới tăng hôm qua…”. 
Vậy nhưng khi xăng dầu giảm chẳng thấy nơi nào bớt lại cho khách hàng chút ít, chứng tỏ khả năng điều tiết vĩ mô có vấn đề.
Với xăng dầu, bốn, năm lần giảm không bằng một lần tăng, tăng bậc “nghìn” nhưng chỉ giảm bậc “trăm”.
Không biết lần này đề xuất tăng 8.000 đồng/1 lít xăng đã có tính toán gì hay chưa?
Liệu sử dụng một lít xăng có phải mất đến 8.000 đồng để xử lý các vấn đề môi trường mà nó được coi là nguyên nhân!? 
Thực tế, chuyện ô nhiễm môi trường do xăng dầu chưa là gì so với các nhà máy công nghiệp, nên nỗi lo lớn lao cho môi trường ở đây há chăng đặt nhầm chỗ?
Để huy động sức dân, cần có cách làm “đắc nhân tâm” chứ không chỉ nhằm vào thuế, đó là câu chuyện của niềm tin, làm sao cho dân tin vào nhà nước, khi ấy mọi chuyện chẳng khó khăn.
Thời gian gần đây Thành phố Hồ Chí Minh bỗng nhiên “sốt đất” một cách bất thường, người ta ồ ạt đổ về đây mua – bán náo loạn. Hiện tượng này có thể rút ra mấy điều cho các nhà hoạch định chính sách.
Cơn “sốt đất” này cho thấy trong dân còn ẩn chứa nhiều tiềm lực tài chính không biết đầu tư vào đâu và nó cũng gián tiếp cho thấy những kênh đầu tư do nhà nước nắm đầu mối không thực sự an toàn.

Cả tài chính, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và huy động tiết kiệm ngân hàng không mang lại độ an toàn cần thiết để người dân an tâm giao phó tài sản của mình.

Vậy nên, điều cần tính toán ở đây là nhà nước cần “thiết kế” các chương trình đầu tư, huy động thật sự an toàn, đặc biệt là đừng để người dân thấy không an toàn vì có bóng dáng của “lợi ích nhóm”.
Có các kênh đầu tư đảm bảo an toàn sẽ là mối lợi nhiều mặt cho nhà nước, đỡ phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao, phải đánh đổi các điều kiện về kinh doanh, thương mại, tài nguyên thiên nhiên và hơn hết là áp lực trả lãi, gốc hàng năm.

Về bản chất, việc tăng giá xăng dầu và huy động nguồn lực trong dân chỉ là hai cách làm cho một mục đích.
Thay vì “cố đấm ăn xôi” – tăng giá xăng dầu làm ồn ào dư luận thì tại sao không nên tìm cách khác để huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân?

Giữa “quy trách nhiệm” và “phát huy trách nhiệm” cách làm nào hay hơn?

Tài liệu tham khảo:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/hiep-hoi-xang-dau-nguoi-dan-co-trach-nhiem-dong-them-thue-moi-truong-3585573.html
http://nld.com.vn/kinh-te/sep-hiep-hoi-xang-dau-ung-ho-tang-thue-moi-truong-8000-dong-lit-20170516110242466.htm
Trương Khắc Trà

CẦN ĐỔI TƯ DUY 'LO SỢ HỘI NHẬP' VÀ 'TẬN THU THUẾ'

ĐINH KHƯƠNG DUY/BBC/ BVN 17-5-2017
Nghiên cứu sinh Luật Kinh tế quốc tế, ĐH Bocconi
Giao thông ở Việt NamGetty Images
Khi đọc phát biểu của người đứng đầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ủng hộ việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu, và khẳng định mỗi công dân phải có nhiệm vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách(**), quả thực tôi cảm thấy uất nghẹn.
Cái uất nghẹn đó không phải là một thứ tình cảm cảm tính, hay sự lo sợ sẽ thiệt hại thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng khi xăng tăng giá.
Thứ nhất, hội nhập thương mại quốc tế ở cả cấp độ đa biên (tham gia WTO) và hội nhập khu vực (tham gia các hiệp định thương mại tự do - FTA), điều mà tất cả các nhà đám phán, doanh nghiệp và người dân đều biết trước đó là các cam kết về cắt giảm thuế quan.
Hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn khi xuất khẩu sang nước bạn, thì ở chiều ngược lại chúng ta cũng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu. Việc thuế giảm dần về 0% là một xu hướng tất yếu của thương mại, và khi tham gia vào sân chơi đó chúng ta đều biết.
Điều tôi thật sự thất vọng là cách một số nhà làm chính sách ứng xử với xu hướng này. Họ không nhìn nhận nó như một thời cơ lớn cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng mà chỉ lo sợ thất thu thuế và tìm mọi cách để làm sao cho nguồn thu thuế không bị hụt.
Thử hỏi nếu như ta tham gia hội nhập quốc tế trong tâm thế đó thì có phải nửa đời nửa đoạn không? Một bên ta cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, một bên ta lại tăng thuế nội địa để sao cho không thất thu thuế, vậy thì chẳng phải đã triệt tiêu đi tác dụng của việc giảm thuế?
Vậy thì gia nhập WTO, ký kết các FTA cuối cùng để làm gì nếu như chúng không giúp người dân được hưởng hàng hóa, dịch vụ phong phú hơn, ở mức giá hợp lý hơn?
Thứ hai, lối tư duy đó bộc lộ một tầm nhìn rất ngắn hạn. Việc cắt giảm thuế quan, nhất là ở những mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế như xăng dầu, là cơ hội lớn chứ không phải chỉ có cái hại là thất thu thuế.
Xăng dầu giảm giá sẽ kích thích nền kinh tế phát triển bởi nó là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Chi phí của doanh nghiệp giảm thì doanh thu, lợi nhuận của họ tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thu được cũng sẽ nhiều hơn.
Người dân tăng chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ nhờ xăng dầu giảm thì thuế giá trị gia tăng họ nộp cũng nhiều hơn. Đó là viễn cảnh trong dài hạn mà những người làm quản lý kinh tế phải hình dung.
Ta hãy xem cắt giảm thuế như việc đào một cái hố để trồng cây. Cái cây lớn lên sẽ ra hoa, kết trái. Nhưng nếu ta chỉ sợ đào hố sẽ để một lố trống trên đường và lập tức lấp ngay lại bằng việc tăng thuế nội địa thì sẽ không bao giờ có cái cây nào mọc lên cả.
Thứ ba, chưa cần là những người có thu nhập cao để nộp thuế thu nhập đi chăng nữa, bất cứ người dân bình thường nào trong xã hội này cũng hàng ngày, hàng giờ nộp thuế.
Từ cân đường, hộp sữa đến chiếc vé tàu, vé xe mà họ bỏ tiền ra mua hàng ngày đều có thuế giá trị gia tăng. Đến những người buôn gánh, bán bưng ngoài chợ cũng nộp phí chợ, rồi cũng phí đó cũng tính vào từng mớ rau, con cá mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả.
Cho nên tôi không nghĩ người dân cần được giáo huấn về nghĩa vụ nộp thuế. Thậm chí người dân có quyền hỏi lại, liệu những người có trách nhiệm đối với việc thu và sử dụng những đồng thuế kia đã tôn trọng mồ hôi, công sức của người dân?
Cho nên, vấn đề không nằm ở vài ngàn đồng, mà xót xa hơn nó thể hiện rõ tư duy của không ít người cầm cân nảy mực nền kinh tế.
Nền kinh tế chỉ thay đổi khi tư duy lo sợ hội nhập và tận thu thuế đó thay đổi mà thôi.
__________
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
(**) Trước đó, tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế” diễn ra sáng 16/5/2017, ông Phan Thế Ruệ Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam nói: “Về động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu Ngân sách Nhà nước”, đồng thời nhấn mạnh: “Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách. Khi thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào”, dẫn lại theo http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tang-thue-xang-len-8000-dong-lit-la-trach-nhiem-cua-cong-dan-20170516103901678.htm (BBT BVN chú giải).

VIỆT NAM THẤT THU THUẾ VÌ CHUYỂN GIÁ 

TÔ HÀ /NLĐ 18-5-2017

Việt Nam thất thu thuế vì chuyển giá - Ảnh 1.

Bên cạnh các nhà đầu tư có hiện tượng chuyển giá được đề cập thời gian qua như CocaCola, Kangnam... thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam cũng đang có hoạt động chuyển giá 

Ngày 18-5 tại Hà Nội, Oxfam Việt Nam đã có cuộc chia sẻ với các chuyên gia kinh tế và báo giới về công bằng thuế. Đây là một trong những nội dung của chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách" mà Oxfam đang nỗ lực thực hiện.
Chạy đua ưu đãi xuống "đáy"
Theo công bố của Oxfam, các tập đoàn đa quốc gia lớn đang dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính của mình để tránh thuế với số tiền vận động hành lang đã chi lên đến 2,5 tỉ USD. Ước tính, cứ 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế, họ giảm được mức đóng thuế xuống 1.200 USD. Các công ty lớn nhất thế giới đang mở chi nhánh tại ít nhất một thiên đường thuế. Hiện mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế được quy định trong luật.
Cũng theo Oxfam, mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.
Theo Oxfam, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mỗi năm thất thu đến 100 tỉ USD hoạt động tránh né thuế. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo báo cáo tài khoản quốc gia của Bộ Y tế Việt Nam, năm 2014, cứ 2 đồng chi ra cho y tế thì có gần 1 đồng được trả từ tiền túi của người dân. Việc này gây nên những tổn thất về tài chính, khiến khoảng 600.000 hộ gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở nên nghèo khó sau khi mắc bệnh hiểm nghèo và chi trả chi phí y tế. Tình hình có thể cải thiện nếu nguồn ngân sách nhà nước không bị mất đi từ các hoạt động thất thu thuế và được chi tiêu một cách có hiệu quả.
Song song với các hoạt động tránh thuế của tập đoàn đa quốc gia thì những nước phát triển đang thực hiện các ưu đãi thuế có hại, thậm chí giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) xuống bằng 0%. Đây được xem là một cuộc đua ưu đãi xuống "đáy". Để cân bằng lại những thất thu từ thuế, chính phủ các nước đang tăng áp dụng biện pháp thuế lũy thoái (như thuế GTGT) chi cho dịch vụ công. Điều này làm tăng gánh nặng thuế đối với những người yếu thế.
Liên hệ thực tế ở Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết giai đoạn đầu những năm 2000, Việt Nam có cuộc đua xuống "đáy" rất mạnh mẽ khi 36 tỉnh, thành có văn bản phá rào ưu đãi thuế, đất đai để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nay, về mặt pháp lý không còn những văn bản như vậy nhưng vẫn duy trì những hình thức ưu đãi khác. Chỉ cần xem lịch làm việc của lãnh đạo địa phương là biết tâm lý này vì dành quá nhiều thời gian tiếp nhà đầu tư nước ngoài. Nắm được tâm lý đó, nhà đầu tư đến Việt Nam thường đem dự án "dạo" các nơi, thấy đâu tốt nhất thì mới vào.
Chống chuyển giá chưa hiệu quả
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc, cho biết Việt Nam đã có các quy định ngăn ngừa chống chuyển giá từ năm 2010 (Thông tư 66/2010 TT-BTC của Bộ Tài chính) nhưng trong thực tế không có tác dụng.
Ngày 24-2, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-TTg quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5. Quy định mới này khá chặt chẽ so với thông lệ thế giới vì yêu cầu các công ty đa quốc gia phải cung cấp 3 loại báo cáo trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, gồm: báo cáo quốc gia, báo cáo tập đoàn và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao. Về bản báo cáo thứ 3, thông lệ các nước chỉ cần công bố báo cáo cho nước sở tại, còn Việt Nam yêu cầu phải cung cấp bản sao báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao.
"Quy định này khiến các công ty nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam đang "náo loạn" để tìm cách đáp ứng. Nó có thể tạo ra một gánh nặng về tuân thủ" - ông Long nhận xét.
Theo ông Long, động lực của vấn đề chuyển giá liên quan đến kỹ thuật và ngành hàng hơn là yếu tố quốc gia. Bên cạnh các nhà đầu tư có hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam được đề cập thời gian qua như CocaCola, Kangnam... thì hiện nay, nhiều DN khác cũng đang có hoạt động chuyển giá. Ví dụ, các nhà thầu của các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, hoạt động chuyển giá của các tập đoàn lớn cũng có thể có mặt tích cực là tạo ra sức ép phải thay đổi, nâng cao trình độ quản lý thuế. Song, vấn đề lớn hơn là tạo ra sự mất công bằng về thuế. Hiện nay, khu vực FDI đang tạo ra 73% xuất khẩu cho Việt Nam và cũng chiếm tỉ lệ cao trong giá trị sản xuất nội địa. Các DN nhỏ và vừa ít có khả năng chuyển giá nhưng khả năng này đối với các DN lớn là rất cao.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam, qua đánh giá 30 DN tại Việt Nam, FDI là khu vực ít được ghi điểm nhất về minh bạch thông tin so với nhóm DN nhà nước và nhóm DN niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân là vì ít có văn bản pháp luật quy định cho DN FDI về vấn đề này. "Điều này cũng tương đồng với quan điểm cho rằng Việt Nam quá sùng bái FDI" - bà Viễn nhìn nhận.
15 thiên đường thuế trên thế giới
Theo công bố của Oxfam, Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sĩ, Singapore, Ireland, Luxembour, Curacao, Hồng Kông - Trung Quốc, Cyprus, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius, quần đảo Virgin - Anh là những thiên đường thuế trên thế giới.
TÔ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét