Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

20170517. BÀN VỀ DỰ ÁN 'MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG ' CỦA TRUNG QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHỤC HƯNG 'CON ĐƯỜNG TƠ LỤA'
LONG NAM /TTT/ BVB 16-5-2017
Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu.
Trong năm 2015, cả thế giới xôn xao về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và băn khoăn nước này có thể duy trì đà cải cách và hoàn thành quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và mở rộng dịch vụ hay không. Tuy nhiên, ở Trung Quốc niềm tin về triển vọng dài hạn của nền kinh tế vẫn không hề suy giảm. Thực vậy, mặc dù lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ được sự giảm tốc tăng trưởng, họ vẫn tập trung thực hiện sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này sẽ vẫn đúng cho năm 2016.
Gần bốn thập kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chiến lược "cải cách và mở cửa," Trung Quốc đã đạt được vị thế nước thu nhập trên trung bình. Hiện nay Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (lớn nhất tính theo ngang giá sức mua). Nhưng lãnh đạo Trung Quốc biết rằng vẫn còn chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "Cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Để gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế thu nhập cao của thế giới, Trung Quốc phải sử dụng thị trường và nguồn lực, cả trong và ngoài nước hiệu quả hơn nữa. Và nước này phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn để có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên đấu trường quốc tế.
Không còn nghi ngờ gì nữa trật tự quốc tế hiện nay đang ưu đãi cho lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh. Điều này cũng dễ hiểu khi trật tự này được thiết lập sau Thế Chiến Thứ hai. Nhưng cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi. Nếu Trung Quốc muốn được kỳ vọng là một "tay chơi có trách nhiệm" trong các vấn đề của thế giới, nước này cần phải có vai trò nổi trội hơn trong quy trình ra quyết định trên quốc tế.
Đó chính là bối cảnh ra đời sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Tập Cận Bình.
Ý tưởng này tương đối rõ ràng. Được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa có từ xa xưa dùng cho thương mại và giao lưu, "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21" của Tập Cận Bình sẽ nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và cuối cùng là Châu Âu. Bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cấp thiết dọc theo Con đường Tơ lụa - từ các tuyến đường bộ và đường sắt tới các hải cảng và đường ống dẫn dầu, Trung Quốc hy vọng xây dựng "một cộng đồng chung lợi ích, vận mệnh và trách nhiệm."
Không có nước nào thích hợp hơn Trung Quốc để dẫn đầu công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng. Vì sự phát triển của chính nước này được thúc đẩy một phần bởi những khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước, Trung Quốc có thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đấy là chưa kể đến ngành vật liệu xây dựng lớn mạnh của nước này. Ngoài ra, khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD của nước này sẽ còn tăng nữa, giúp cung cấp nguồn vốn cần cho các dự án trên.
Trung Quốc đã dành một phần trong khoản dự trữ của mình để thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - một sáng kiến mà Trung Quốc dùng để hỗ trợ tham vọng Con đường Tơ lụa. Với sự tham gia của 57 nước từ năm châu lục - gồm cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Pháp và Đức, AIIB là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho thế giới đang phát triển, và đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Lợi ích thu được từ sự đầu tư này sẽ rất lớn. Kinh nghiệm từ Thế Chiến Thứ hai cho thấy các nước đang phát triển có khả năng nắm bắt cơ hội chuyển giao quốc tế của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động có thể đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 20-30 năm. Điều này sẽ tiếp sức cho sự nổi lên của những thị trường mới được các nước phát triển thèm muốn - gồm cả Trung Quốc trong khi tạo ra không gian phát triển cho các ngành có giá trị gia tăng cao hơn ở Trung Quốc.
Khi mà lương nhân công gia tăng làm xói mòn lợi thế cạnh tranh trong ngành sản xuất thâm dụng lao động của Trung Quốc, các nước có thu nhập thấp hơn mà cụ thể là các nước được kết nối bởi Con đường Tơ lụa, hầu hết trong số này có GDP đầu người thấp hơn một nửa của Trung Quốc, sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn. Với việc cơ sở hạ tầng được cải thiện, những nước này sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đón làn sóng thâm nhập của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động của Trung Quốc.
Và số công ăn việc làm được tạo ra sẽ rất lớn. Trong thập niên 1960 khi Nhật Bản bắt đầu chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động ra nước ngoài, ngành sản xuất nước này đã tuyển dụng 9,7 triệu người. Trong thập niên 1980, khi bốn con rồng của Châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) trải qua quá trình tương tự, ngành sản xuất của các nước này đã tuyển dụng tổng cộng 5,3 triệu người. Để so sánh, ngành sản xuất của Trung Quốc tuyển dụng 125 triệu lao động, trong đó 85 triệu người làm các công việc có kỹ năng thấp. Số này là đủ để làm cho gần như toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển dọc theo Con đường Tơ lụa mới đạt được công nghiệp hóa và hiện đại hóa cùng một lúc.
Trong khi cả thế giới lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng, giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái giảm của Trung Quốc, nước này đang thúc đẩy một sáng kiến mà có thể đem lại những lợi ích không thể đong đếm cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh việc tạo ra những cơ hội chưa từng thấy cho các nước đang phát triển, chiến lược "một vành đai, một con đường" sẽ cho phép Trung Quốc tận dụng thị trường và nguồn lực trong nước và quốc tế tốt hơn, nhờ đó củng cố năng lực nhằm duy trì vị thế động lực tăng trưởng toàn cầu của mình.
Long Nam (Theo Trí thức trẻ/Project Syndicate)
----------/
'MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG'- DỰ ÁN MỞ KINH TẾ TOÀN CẦU Ở TRUNG QUỐC
THU HƯƠNG / TTT/ BVB 16-5-2017
Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón 28 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Chính phủ các nước tới Bắc Kinh để tham dự sự kiện kỷ niệm sáng kiến này. Đây là sự kiện thu hút được nhiều nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh nhất kể từ Olympics 2008.
Trong những cánh rừng của nước Lào, những công nhân và kỹ sư người Trung Quốc đang đào hàng trăm đường hầm và xây những cây cầu để hỗ trợ cho dự án đường sắt dài 260 dặm có giá trị 6 tỷ USD sẽ giúp kết nối 8 quốc gia châu Á với nhau.
Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng tạo nên những nhà máy điện ở Pakistan, giúp nước này giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa cao điểm. Theo dự tính Trung Quốc sẽ đầu tư vào quốc gia này 46 tỷ USD.
Trung Quốc còn lên kế hoạch cho tuyến đường sắt đi từ thủ đô Budapest của Hungary đến Belgrade, Serbia, tạo ra một con đường mới để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu, thông qua một bến cảng ở Hy Lạp mà Trung Quốc đã mua lại.
Trên đây là một vài trong số hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai ở trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, tạo thành xương sống của tham vọng nâng tầm ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi.
Có tên gọi "Một vành đai, một con đường", sáng kiến mà ông Tập công bố năm 2013 được đánh giá là có quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại với lời hứa sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón 28 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Chính phủ các nước tới Bắc Kinh để tham dự sự kiện kỷ niệm sáng kiến này.
Đây là sự kiện thu hút được nhiều nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh nhất kể từ năm 2008, khi Thế vận hội Olympics diễn ra ở đây. Nhưng có khá ít lãnh đạo châu Âu tới tham dự sự kiện và có vẻ như châu Âu cũng không mặn mà với sáng kiến này.
“Một vành đai, một con đường” cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại của ông Tập. Trước đây, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng quả quyết rằng “Trung Quốc sẽ che giấu tiềm năng và chờ đợi thời cơ, không bao giờ ngồi vào vị trí dẫn đầu”. Trong khi đó, Diễn đàn The Belt and Road Forum (BARF) là sự kiện lớn thứ hai kể từ đầu năm đến nay chứng kiến tham vọng dẫn đầu thế giới của Trung Quốc. Hồi tháng 1, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Tập đã có bài phát biểu kêu gọi thế giới đoàn kết trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ.
Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sáng kiến này là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục tiêu của nó là hình thành một khu vực kinh tế và thương mại Á – Âu để cạnh tranh với hiệp định xuyên Thái Bình Dương.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác cũng là một cách để Trung Quốc tìm ra nơi sinh lợi cho kho dự trữ ngoại hối khổng lồ (mà chủ yếu đang đầu tư vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ). Bên cạnh đó cũng là kỳ vọng có thể tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đang bị dư thừa công suất như xi măng, sắt thép… Ông Tập Cận Bình cho rằng, dòng vốn đầu tư cũng có thể giúp ổn định phần nào tình hình ở những nước Trung Á vốn khá bất ổn về chính trị.
Thu Hương/Theo Trí thức trẻ/Economist
HÀNG TRĂM TỶ USD CHO 'MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG'
BÌNH MINH/ VNE/ BVB 16-5-2017
Con đường tơ lụa xưa (truyền thống) của Trung Quốc 
qua các sa mạc sang Trung Á, Tây Á và Châu Phi
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và quốc gia đông dân nhất hành tinh, đang muốn gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế bằng sáng kiến “con đường tơ lụa”.
Mạng lưới khổng lồ
Vào cuối tuần này, đông đảo quan chức ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều quốc gia mà “con đường tơ lụa” dự kiến đi qua sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày về sáng kiến này. Hãng tin CNBC cho biết, đây là sáng kiến nhằm kết nối giữa châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển.
“Con đường tơ lụa”, còn có tên “một vành đai, một con đường” là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu công bố vào năm 2013, sau đó được coi là một trong ba chiến lược quốc gia chính và trở thành một chương trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của nước này.
Mục tiêu của “con đường tơ lụa” là tạo một tuyến thương mại từ châu Á, qua châu Âu và Trung Đông và tới châu Phi, với một mạng lưới hậu cần và giao thông khổng lồ, sử dụng đường bộ, cảng biển, đường sắt, đường ống, sân bay, các mạng lưới điện xuyên quốc gia, và thậm chí cả các tuyến cáp quang.
Kế hoạch này bao hàm 65 quốc gia, chiếm tổng cộng 1/3 GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới, tức vào khoảng 4,5 tỷ người - theo ước tính của Oxford Economics.
Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, bởi thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, Bắc Kinh có thể giúp các quốc gia nằm trên tuyến thương mại này thu hút thêm vốn đầu tư và gia tăng hoạt động giao thương.
Ngoài ra, “con đường tơ lụa” được dự báo sẽ mang lại lợi ích cho khu vực phía Tây còn kém phát triển của Trung Quốc thông qua kết nối với các quốc gia láng giềng. Trong dài hạn, “con đường tơ lụa” sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tiếp cận với các nguồn năng lượng ở nước ngoài.
Trước mắt, sáng kiến này có thể tạo một “cú hích” cho nền kinh tế Trung Quốc nhờ nhu cầu ở nước ngoài, hút bớt một phần công suất dư thừa của ngành công nghiệp nặng Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng đây chỉ là những lợi ích phụ.
Thay vào đó, quan trọng hơn cả, “con đường tơ lụa” là một cơ hội để Trung Quốc nắm bắt vai trò lãnh đạo toàn cầu - một vai trò vốn trước đây thuộc về Mỹ và giờ có thể đang bị bỏ ngỏ, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong bối cảnh Mỹ dường như muốn co cụm, Trung Quốc rõ ràng muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ hồi tháng 1 năm nay. Trong đó, ông Tập ca ngợi những lợi ích của toàn cầu hóa và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế.
Hàng trăm tỷ USD chờ đợi?
Theo dự kiến, hầu hết vốn đầu tư cho “con đường tơ lụa” được cấp bởi các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, các ước tính về chi phí cho sáng kiến này rất khác nhau.
Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cho biết đã dành riêng 890 tỷ USD cho hơn 900 dự án thuộc sáng kiến trên. Đầu năm ngoái, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố đã bắt đầu cấp vốn cho hơn 1.000 dự án. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng cung cấp vốn cho “con đường tơ lụa”.
Theo ước tính của Oxford Economics, 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã cấp 90 tỷ USD vốn vay cho các nước trên tuyến “con đường tơ lụa” trong năm 2016. Ngân hàng Credit Suise dự báo Trung Quốc có thể đầu tư tới 500 tỷ USD vào 60 quốc gia trong sáng kiến này 5 năm tới.
Đến thời điểm này, một số dự án đã được khởi động, bao gồm một tuyến đường sắt dài 418 km nối giữa Trung Quốc với Lào, cùng một loạt dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư 46 tỷ USD mang tên hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Một dịch vụ tàu hỏa chở hàng sẽ nối giữa Trung Quốc và châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc và Pháp đang cùng phát triển nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 24 tỷ USD ở Anh.
Mặc dù vậy, cũng đã có những thông tin về sự trì hoãn và nhập nhằng của các dự án. Đã xuất hiện những lo ngại quanh việc vốn đầu tư có được sử dụng đúng mục đích - một vấn đề không rõ theo dõi ở nhiều quốc gia nơi có dự án được đầu tư.
Các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân của Trung Quốc từ lâu đã đầu tư ra nước ngoài. Các chuyên gia tại công ty nghiên cứu IHS nói rằng trên một phương diện nào đó, sáng kiến “con đường tơ lụa” chỉ là một cách xây dựng thương hiệu thông minh cho những gì Trung Quốc đang làm.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh dùng ảnh hưởng chính trị bằng cách đưa ra một kế hoạch lớn như vậy sẽ giúp các công ty nước này giành hợp đồng nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Giới phân tích nhận đinh, “con đường tơ lụa” sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty quốc doanh Trung Quốc, từ các công ty dầu khí tới đường sắt. Trong dài hạn, sáng kiến này cũng có thể giúp thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thông qua khuyến khích sử dụng đồng tiền này trong các giao dịch thương mại và tài chính trên tuyến thương mại được thiết lập.
Bình Minh/VnEconomy
---------/
VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG 'VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG' CỦA TRUNG QUỐC
BBC Pv ts NGUYỄN HỮU QUYẾT/ BVB  16-5-2017
Chủ tịch Trần Đại Quang được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón hôm 11/5/2017 tại Bắc Kinh
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới thăm Trung Quốc 
trong thời gian 11-15/5/2017 và tham dự Diễn đàn cấp cao
 hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường"
Ông Trần Đại Quang sẽ dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một vành đai, Một con đường", tổ chức tại Bắc Kinh.
BBC đặt câu hỏi với Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết từ Đại học Vinh, một chuyên gia chuyên theo dõi tình hình chính trị khu vực, về sáng kiến này.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Đằng sau sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" là sự thể hiện 'sức mạnh mềm' của Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là sáng kiến liên kết và hội nhập. Sáng kiến này nhằm tạo 'Một Trục, Hai Cánh', kết nối Con đường Tơ lụa trên biển và Con đường Tơ lụa trên đất liền.
Đây là một sáng kiến rất hay trong xu thế hội nhập và liên kết khu vực cũng như quốc tế, nhưng cũng là cách để thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có sức mạnh về kinh tế và kết nối để các nước khác trên thế giới xoay trục về phía Trung Quốc, tạo lưu thông kết nối hàng hóa, dịch vụ, thương mại,
Sâu hơn nữa, nó thể hiện tiềm ẩn chính sách của Trung Quốc trong việc bành trướng sức mạnh mềm chứ nó không đơn thuần mang ‎ý nghĩa tích cực.
BBC:Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này vào năm 2013, người ta cho rằng sẽ có hàng chục quốc gia trên thế giới liên quan hoặc được Trung Quốc mời tham gia chung. Trên thực tế, đến thời điểm này, đã có bao nhiêu nước tỏ ý‎ quan tâm và sẵn sàng tham gia?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Các nước ở Trung Á và Tây Á, tức là các nước trong khuôn khổ Shangri-la, hầu như đều đồng thuận ủng hộ sáng kiến này. Ở châu Âu thì có một số nước, trong đó có cả một số thành viên của EU.
Tuy nhiên, các đồng minh chiến lược của Mỹ hầu như đều đang bỏ ngỏ vì áp lực từ chính sách tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã thành lập được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng Cơ sở châu Á, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia. Các nước này về cơ bản đều đồng thuận với Trung Quốc về dự án 'Một vành đai Một con đường', cùng muốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng trên tuyến đường 'Giấc mộng Trung Hoa' đó.

GREG BAKER/AFP/Getty Images
Bản quyền hình ảnhGREG BAKER/AFP/GETTY IMAGES

BBCTrung Quốc nay muốn mở một tuyến đường trên biển và một tuyến đường trên bộ nhằm làm sống lại quá khứ Con đường Tơ lụa trước kia. Việt Nam nằm sát bên Trung Quốc, có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, lại có những bất đồng, tranh chấp trên biển nữa. Vậy vai trò của Việt Nam trong sáng kiến này là gì? Việt Nam có thể được coi là một mắt xích quan trọng, hay có giá trị chiến lược gì trong sáng kiến này của Trung Quốc không?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Tuyến đường này [ở khu vực] sẽ đi qua Jakarta, Kuala Lumpur, quay về Hà Nội rồi nối với các khu vực của Trung Quốc, với điểm đến cuối cùng là cảng Thượng Hải.
Vành đai rộng lớn được tạo ra, nối từ châu Á sang châu Âu. Nhưng xét về địa chính trị, địa kinh tế cũng như địa chiến lược thì Việt Nam không nằm trong toan tính của Trung Quốc để giữ vị thế quan trọng.
Khi kết hợp chiến lược thâu tóm toàn bộ tuyến đường cả trên đất liền lẫn trên biển với chiến lược thôn tính Biển Đông thì Bắc Kinh có lợi thế rất lớn. Bởi sáng kiến này còn kết nối với chiến lược 'Một Trục Hai Cánh' của Trung Quốc.
"Một Trục" là hành lang kinh tế Nam Ninh thuộc Quảng Tây, nối đến Singapore. Hiện họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và đường cao tốc cùng tuyến đường sắt cao tốc.
Còn 'Hai Cánh' thì gồm 'cánh trái' và 'cánh phải'.
'Cánh trái' là hợp tác tiểu vùng sông Me-kong mở rộng, với cơ sở hạ tầng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, đầu tư, với các nước tham gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar, Thái Lan cùng tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc, đã bắt đầu từ 2004.
'Cánh phải' là hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, với các nước tham gia là Lào, Campuchia, Thái Lan, hầu hết 10 nước trong khối ASEAN, cùng các tỉnh của Trung Quốc Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông và Hong Kong.
Việt Nam tham gia sáng kiến này sẽ chỉ hưởng lợi trong khía cạnh hội nhập và kết nối, nhưng sẽ phải chịu nhiều bất lợi khác.
BBC: Ông nói rằng nếu tham gia, Việt Nam sẽ được lợi về kết nối và hội nhập, nhưng lại bị những chuyện tổn hại khác, nhất là trong vấn đề Biển Đông?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Đúng vậy. Chính xác là các thiệt hại sẽ lớn hơn những điều có lợi.

Biển Quy Nhơn - ảnh của Xinhua
Bản quyền hình ảnhXINHUA
Image captionTân Hoa Xã: Quy Nhơn là nơi dừng chân đầu tiên của Đô đốc Trịnh Hoa thời Minh khi đi viễn du. Con đường Tơ lụa trên biển của TQ ngày nay lấy cảm hứng từ các chuyến hải hành thời đó

BBC:Nếu hại nhiều hơn lợi thì Việt Nam có thể đứng ngoài mà không tham gia'Một vành đai, Một con đường' không?
TNguyễn Hữu Quyết: Chiến lược 'Một Trục Hai Cánh' đã được ASEAN đón chào rất nồng nhiệt. Việt Nam, với tư cách là một nước thành viên có vị thế trong ASEAN, không thể không ủng hộ được.
Mà 'Một vành đai Một con đường' thì rộng hơn là 'Một Trục Hai Cánh', một là quy mô quốc tế, một là ở tầm khu vực, giữa Trung Quốc với khối ASEAN.
Chưa kể trong xu thế kết nối và hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhìn vào tương lai của tuyến đường biển chiến lược, các nước rất được lợi từ sáng kiến này, qua việc giúp trung chuyển hàng hóa, tự do dịch vụ, thương mại, nguồn lực v.v...
Cho nên về tầm nhìn chiến lược thì Việt Nam buộc phải tham gia. Tuy ở trong thế bất lợi nhưng Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi được.
BBC: Nếu buộc phải tham gia vì quyền lợi cũng như áp lực của khối ASEAN thì Việt Nam nên đàm phán với Trung Quốc trong tư thế là một thành viên của ASEAN hay với tư cách riêng của mình, một quốc gia độc lập?
TNguyễn Hữu Quyết: Cả hai. Về mặt đa phương, Việt Nam sẽ nói theo quan điểm của ASEAN đối với chiến lược 'Một Trục Hai Cánh'. Chiến lược này có lợi hơn cho Việt Nam nhưng nó lại nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc 'Một vành đai Một con đường'. Cho nên rất khó để đánh giá được vấn đề này.
Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ dựa trên lập trường của cả hai, cả ASEAN và của riêng Việt Nam. Nhưng nhiều khả năng là Việt Nam ủng hộ mạnh hơn quan điểm của ASEAN. Trong quan hệ song phương thì vẫn còn những vấn đề phức tạp, không minh bạch thông tin được, nhất là trong những chủ đề liên quan tới Biển Đông.
Nên lưu ý tới toan tính của Trung Quốc trong chuyện bành trướng ra Biển Đông. Nếu không thâu tóm được Biển Đông thì rõ ràng Giấc mộng Trung Hoa, đặc biệt là con đường tơ lụa trên biển sẽ thất bại.

WANG ZHAO/AFP/Getty Images
Bản quyền hình ảnhWANG ZHAO/AFP/GETTY IMAGES

BBC: Tức là Việt Nam đang rất lép vế trước Trung Quốc, dù là đàm phán trực tiếp hay đứng chung khối với ASEAN để thương thuyết với Bắc Kinh?
TNguyễn Hữu Quyết:Thực chất thì Việt Nam lâu nay luôn kiên định với chính sách tự do độc lập, nhưng sống bên một nước láng giềng khổng lồ và luôn có những toan tính chiến lược thì Việt Nam cũng phải chọn bước đi hòa hiếu. Có những vấn đề buộc phải nhượng bộ, nhưng tôi tin rằng không thể nhượng bộ trong chuyện Biển Đông.
Nói về vấn đề chủ quyền trên biển, lâu nay Việt Nam vẫn ở thế yếu hơn.
Chính sách của Trung Quốc là tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực với ASEAN và có nhiều sáng kiến để kết nối ASEAN. ASEAN cũng được lợi từ việc hội nhập kinh tế cùng TQ. Cạnh đó, Trung Quốc đang tận dụng lợi ích song phương lẫn nhau giữa các quốc gia đơn lẻ trong ASEAN với Bắc Kinh để áp dụng biện pháp 'chia để trị'.
Đó là điều bất lợi rất lớn cho Việt Nam.
BBC:Nếu Việt Nam không thể đứng ngoài 'Một vành đai Một con đường'thì vấn đề chi phí của việc tham gia này sẽ thế nào? Khi dự án triển khai trong phần lãnh thổ của Việt Namngân khoản thực hiện sẽ lấy từ đâu?
TNguyễn Hữu Quyết: Theo tôi hiểu, nguồn đầu tư cho dự án Một vành đai Một con đường', với mục tiêu chủ yếu để phát triển cơ sở hạ tầng, phần lớn sẽ từ nguồn quỹ của Ngân hàng Phát triển và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á mà Trung Quốc có vốn đầu tư lớn nhất và cũng là nước có sáng kiến thành lập.
Ngoài ra còn có các nguồn đầu tư từ bên ngoài nữa, và nguồn từ các nước ASEAN nữa. Đó là ba nguồn chính. (BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét