Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

20191130. CÁC GÓC NHÌN VỀ KHỦNG HOẢNG HỒNG KÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

LỢI DỤNG BẤT ỔN Ở HỒNG KÔNG ĐỂ XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ VIỆT NAM

LÊ THẾ CƯƠNG/ CAND 25-11-2019


Cảnh sát Hong Kong trấn áp để giữ gìn trật tự ngày 18-11.


Thời gian qua, cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng vào tình hình chính trị bất ổn ở đặc khu này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã có những suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam, kích động, cổ suý, tập hợp lực lượng, gia tăng chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nước.
Biểu tình ở Hồng Kông gây hậu quả nghiêm trọng
Biểu tình tại Hồng Kông khởi nguồn từphong trào chống dự luật dẫn độ - giọt nước tràn ly làm bùng phát hoàng loạt cuộc biểu tình kéo dài liên tiếp sang tháng thứ sáu. Mặc dù dự luật này đã được chính quyền Hồng Kông chính thức hủy bỏ để trấn an tình hình, tuy nhiên cuộc biểu tình chuyển sang vấn đề đấu tranh dân chủ và diễn biến hết sức phức tạp, gây ra tình hình bất ổn, xã hội hỗn loạn, nhiều lĩnh vực có thời điểm tê liệt, kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong tuần qua, Hồng Kông chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực. Nhiều trường đại học tê liệt, đã phải kết thúc học kỳ sớm. Sinh viên thuộc chương trình trao đổi với nước ngoài hối hả về nước. Ngành giáo dục cũng hủy các lớp học ở tất cả các trường trên toàn thành phố vài ngày qua. Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cho biết, loại trừ bất kỳ phương án nhượng bộ nào với người biểu tình trong bối cảnh bạo lực leo thang. Bà này tuyên bố: “Đã nhiều lần nói rằng bạo lực không mang lại giải pháp, mà chỉ gây ra nhiều bạo lực hơn, việc nhượng bộ chỉ vì bạo lực đang leo thang sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Mặt khác, chúng ta nên xem xét mọi biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực”. Tình trạng đổ máu, thậm chí chết người đã xảy ra. Trong bối cảnh đó, chính quyền thể hiện các quán điểm cứng rắn, trong khi các cuộc biểu tình, bạo lực ngày càng gia tăng làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, Hồng Kông tiếp tục rơi vào suy thoái khi nền kinh tế suy giảm 3,2% trong quý III so với quý trước. Cục Thống kê Hồng Kông cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ đã giảm 2,9% trong quý thứ ba, đây là suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Trên chuyên trang kinh tế của Bloomerrg, chuyên gia kinh tế Eric Lam và Enda Curran đánh giá: Các cuộc biểu tình kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế Hồng Kông tăng trưởng âm trong năm 2019, thị trường việc làm bắt đầu suy yếu khi suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc, tình trạng bất ổn đã làm gián đoạn nghiêm trọng, có giai đoạn làm tê liệt đối với ngành dịch vụ, bán lẻ. Phân tích tình hình Hồng Kông thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó dự đoán các cuộc biểu tình sẽ còn kéo dài đến bao giờ và có kết quả đến đâu, chính quyền sẽ có giải pháp gì tiếp theo, nhưng rõ ràng tác động của nó đến đặc khu từng là trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á và thế giới là hết sức bất ổn.
Mượn cớ suy diễn, xuyên tạc tình hình
Lợi dụng tình hình bất ổn ở Hồng Kông, thời gian qua, thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, phản động mượn cớ, liên hệ để suy diễn xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
Trên các đài BBC, RFA, VOA, các trang hải ngoại đăng tải nhiều bài viết liên hệ vấn đề Hồng Kông, các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng núp bóng “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước xuyên tạc rằng “chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam thì hoàn toàn không tự do, dân chủ”. Họ hô hào, tình hình ở Hồng Kông sẽ lan tỏa, rồi đưa ra những đánh giá có tính kích động như “càng đàn áp thì khao khát dân chủ càng lớn, mưu cầu tự do càng cao”, “tự do hay là chết”, “quyết tử cho tự do dân chủ”! Họ xuyên tạc nhà cầm quyền Việt Nam “không coi người dân ra gì”, rồi cáo buộc “chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái của họ mà thôi”. Vì vậy, trước những vấn đề xã hội, họ kích động người dân “noi gương Hồng Kông”, cần xuống đường biểu tình “đòi tự do, dân chủ, chống toàn trị”! Họ phân tích sự “im lặng” của giới trẻ Việt Nam rồi châm chọc, kích bác rằng, các bạn trẻ Việt Nam “phải mạnh dạn, không có gì lo sợ khi chính quyền đàn áp lúc tham gia các cuộc biểu tình” và rằng, nếu chúng ta không lên tiếng phản đối  thì chúng ta không còn là chúng ta nữa, chúng ta sống nhưng chúng ta không có một cái quyền gì cả!
Cũng trong những ngày vừa qua, các phần tử phản động hải ngoại lưu vong của “phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền” thông báo, kêu gọi giới trẻ tham gia Đại hội lần thứ 2 vào tháng 4-2020 tại Nhật Bản. Các đối tượng cầm đầu của tổ chức này âm mưu tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở trong nước “thấu hiểu các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, tự do”, qua đó hướng dẫn cái gọi là “vượt thoát các ngục tù tư tưởng” do Đảng Cộng sản Việt Nam uốn nắn từ tuổi thơ qua hệ thống giáo dục “thui chột, một chiều”, tạo ý thức thế hệ trẻ về tình trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Theo thông báo, trong đại hội này có sự tham gia, hướng dẫn phương thức hành động của các diễn giả là những cá nhân đứng đầu phong trào biểu tình ở Hồng Kông để truyền bá kinh nghiệm, cách thức tổ chức biểu tình. Từ đó, họ thảo luận, tìm ra cách thức hành động, liên kết thành lập mạng lưới liên minh các đối tượng hoạt động trong nước và quốc tế núp bóng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những đối tượng “lựa gió bẻ măng”, lợi dụng vấn đề Hồng Kông để suy diễn, xuyên tạc tình hình Việt Nam đều là những phần tử có bề dày thành tích bất hảo chống đối trong nước, phối hợp với các phần tử phản động lưu vong, các hội đoàn chống cộng, trong đó có nhiều đối tượng có những hoạt động mà họ cho là “yêu nước”, thực chất là các phần tử, từng bị xử lý tội “hoạt động chống phá chính quyền nhân dân” theo pháp luật Việt Nam và nhiều đối tượng là phần tử của các tổ chức phản động, tổ chức khủng bố Việt Tân.
Thủ đoạn diễn biến, chống phá nhà nước Việt Nam
Về vấn đề dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... Cụ thể hóa tư tưởng tiến bộ này cũng như những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền trên thế giới, vấn đề dân chủ, quyền con người được thể chế hóa, nội địa hóa trong hệ thống pháp luật hiện hành và thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam. Ngay trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14 – Hiến pháp 2013).
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ngay tại Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận, quyết định thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam. Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn sinh động đó là minh chứng phản bác luận điệu quy kết Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, phản động. Họ cố tình suy diễn vấn đề Hồng Kông để xuyên tạc, hòng tạo ra nhận thức sai lệch thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Thủ đoạn của họ là làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình trái pháp luật gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống phá cách mạng Việt Nam, thúc đẩy “xã hội dân sự”, dân chủ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo kiểu phương Tây, tiến tới lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thủ đoạn nguy hiểm cần nhận diện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.
TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)

TIN LIÊN QUAN:

TẠI SAO HỒNG KÔNG ?

MẠC VĂN TRANG/ BVN 29-11-2019

Những cuộc biểu tình liên miên diễn ra suốt mấy tháng qua, nhất là tháng 11/2019 tại Hồng Kông (HK) ngày càng trở nên bạo lực dữ dội khiến cả thế giới phải quan tâm.
Ai có lòng đồng cảm, nhìn những cảnh đàn áp tàn bạo của cảnh sát (CS), cảnh người biểu tình tay không chống đỡ với những khí cụ hiện đại và lực lượng CS được trang bị đầy mình, đông nhung nhúc cũng cảm thấy vô cùng lo lắng. Đỉnh điểm là những hình ảnh lửa cháy, súng nổ, vây ráp, truy đuổi, bắt bớ, đánh đập, máu chảy, tan hoang ở ĐH Bách khoa HK (Polytechnic University) diễn ra những ngày qua. Riêng ngày 18/11/2019 CS đã bắn 1.458 viên đạn hơi cay, 1.391 viên đạn cao su, 325 viên đạn đậu và 265 quả lựu đạn… Tại đây, 280 người đã bị thương được đưa đi các bệnh viên cấp cứu và hơn 1.100 người bị bắt,
Biết bao cung bậc cảm xúc và nghĩ suy…! Tôi cố thoát ra khỏi hiện trạng, thử nhìn lại HK một cách thật khái quát, xem vì đâu nên nỗi?
1. NHƯ CHUYỆN CỔ TÍCH
Hồng Kông (香港) còn gọi là Hương Cảng, có nghĩa đen là “Cảng Thơm”. Các phát hiện khảo cổ cho rằng, loài người đã sinh sống ở HK từ 5.000 năm trước. Các công cụ bằng đồng của người Bách Việt Thời kỳ đồ đồng đã được khai quật ở đảo Lantau và đảo Lamma.
Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng đã chinh phục các bộ lạc Bách Việt tại khu vực Lưỡng Quảng và lần đầu tiên sáp nhập các lãnh thổ này vào đế quốc Trung Hoa. Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 204 TCN, khu vực được hợp nhất vào vương quốc Nam Việt do tướng Triệu Đà lập ra. Khi Hán Vũ Đế tiến hành chinh phục Nam Việt vào năm 111 TCN, khu vực này được quy thuộc vào Giao Chỉ bộ của Nhà Hán. Cho đến thời nhà Thanh cai quản, khu vực HK vẫn chỉ là vùng đảo sinh sống của các ngư dân, người làm muối, trồng trọt, buôn bán nhỏ.
Vào thế kỷ XVII, XVIII người Bồ Đào Nha, rồi người Anh đến giao thương, khiến HK ngày càng phát triển trở thành thương cảng sầm uất. Việc lấn át của người Anh đối với nhà Thanh đã dẫn tới 2 cuộc chiến tranh (1840-1843 và 1856-1860) khiến nhà Thanh thất bại, phải từng bước nhượng bộ. Cho đến ngày 29 tháng 8 năm 1842, thì hòn đảo này chính thức nhượng lại vĩnh viễn cho nước Anh theo Điều ước Nam Kinh. Người Anh đã thiết lập nên một thuộc địa vương lĩnh bằng việc bắt đầu xây dựng Victoria City vào năm sau.
Năm 1898, theo các điều khoản của Hiệp định về Mở rộng chỉ giới HK, nước Anh được quyền thuê đảo Lạn Đầu và các vùng đất lân cận ở phía bắc trong vòng 99 năm, các khu vực này được gọi chung với tên là “Tân Giới”.
Dưới sự cai quản của người Anh, dân số đảo HK tăng từ 7.450 cư dân người Hán (chủ yếu là ngư dân) vào năm 1841 lên 115.000 người Hán và 8.754 người Âu tại HK vào năm 1870. Đến thập niên 1990, dân số HK đã lên tới hơn 7 triệu người.
Trong vòng 100 năm, dưới sự cai quản của Anh quốc, HK từ một vùng đảo hoang sơ, nghèo nàn đã trở thành một Trung tâm Tài chính – Thương mại hàng đầu thế giới. Đây là nơi tập trung nhiều đại bản doanh công ty của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. HK nổi tiếng là một trong những trung tâm đô thị giàu có, phồn hoa trên thế giới. Tính đến năm 2017, GDP của Hồng Kông đạt 320,9 tỉ USD, đứng thứ 34 thế giới và đứng thứ 11 châu Á. GDP bình quân đầu người 46.193,61 USD ‎(xếp thứ 15/187 nước). Cùng với Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan, Hồng Kông được gọi là một trong Bốn con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990. Hồng Kông được xếp hạng nhất thế giới (1/157 quốc gia) về tự do kinh tế trong 13 năm liên tục; Sân bay HK được xếp là số 1/155 quốc gia; Cảng container HK xếp thứ 2/50 nước có cảng lớn; Chỉ số tính cạnh tranh du lịch xếp 6/124 quốc gia. Hộ chiếu HK xếp thứ 19 (miễn thị thực vào 168 nước); HK có tiền riêng là Dollar Hongkong…
Văn hóa HK thường được mô tả là nơi phương Đông gặp phương Tây; người HK đã tiếp thu nhưng tinh hoa văn hóa hiện đại Tây phương, đồng thời vẫn gìn giữ những nét truyền thống văn hóa lâu đời của phương Đông, tạo nên nền văn hóa HK đa dạng, hấp dẫn, rất đặc sắc, không lẫn với bất cứ đâu.
Giáo dục của HK theo hệ thống của Liên hiệp Anh, học sinh Trung học đã thạo tiếng Anh. HK có 9 trường đại học công lập và một số cơ sở giáo dục bậc đại học tư. Các Đại học theo truyền thống Anh, pha trộn những yếu tố hiện đại Mỹ. ĐH Bách khoa HK được thành lập từ 1937 và gần đây sinh viên ĐH Bách khoa HK đã trở thành tâm điểm chú ý của cuộc biểu tình HK 2019.
HK không phải là một quốc gia nhưng có hệ thống luật pháp riêng. HK có Hiến pháp riêng, gọi là Luật Cơ bản (Basic Law). HK giữ nguyên hệ thống pháp luật Anh từng được sử dụng ở vùng lãnh thổ này. Các thẩm phán HK có thể viện dẫn án lệ từ các nước thông luật khác như Anh, Mỹ để xét xử.
Nhờ hệ thống pháp luật này mà Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ), dù bị mật thám Đông Dương và HK biết rõ là ai, nhưng không thể dùng “án bỏ túi” để kết tội được. Và tại phiên tòa xét xử năm 1932, luật sư Loseby đã “cãi” và cùng các cộng sự của ông giúp Nguyễn Ái Quốc thoát tội.
Hệ thống Tư pháp độc lập, văn minh cùng các giá trị Tự do, Dân chủ, Nhân quyền… đã thấm sâu thành nếp nghĩ, lối sống của người HK, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Tóm lại, nói theo cách của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ một vùng đảo hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, sau 100 năm trong tay người Anh, HK đã trở thành Cô gái giàu có, sang trọng mang đậm những giá trị Tự do, Dân chủ, Văn minh… hấp dẫn muôn phương. Đó quả là thần kỳ như câu chuyện cổ tích!
2.TAN GIẤC MƠ HOA
Với sự ranh mãnh, xảo quyệt của Đặng Tiểu Bình và tính chân thật, cả tin của bà Thatcher, cùng với nhiều yếu tố khác nữa, HK đã được trao trả về cho Trung Quốc với quy chế “Một quốc gia, hai chế độ” mà không trưng cầu dân ý. Bà Thatcher đã bỏ ngoài tai lời khuyên của ông Lý Quang Diệu là không nên nhượng bộ Bắc Kinh.
Không ít người dân HK, nhất là người già, trước những lời ngon ngọt của Đặng Tiêu Bình “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là tốt” và chiêu bài “Một nước, hai chế độ”, cũng mơ màng “được trở về với vòng tay của Mẹ Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại”. Nhiều người còn mơ Trung Hoa đại lục đang biến màu sắp thành tư bản và dân chủ hóa như HK.
Vào giữa đêm ngày 1 tháng 7 năm 1997, đã diễn ra lễ chuyển giao HK về cho Trung Quốc với cam kết theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”, nơi thành phố này sẽ hưởng “một mức độ tự trị cao, trừ các vấn đề về quốc phòng và ngoại giao” cho 50 năm sau. Sau này bà Thatcher nhớ lại đêm hôm đó mưa tầm tã, bà đã ghi trong hồi ký những dòng nói lên nỗi buồn khôn tả.
Nhưng ngay khi đó, khoảng 10% người dân HK đã rời bỏ HK di cư sang nước khác, vì không tin tưởng, không muốn sống dưới quyền cai trị của Trung cộng.
Quả nhiên, ngay từ 2003, một nửa triệu người HK đã phải xuống đường biểu tình phản đối Đổng Kiến Hoa định sửa Luật cơ bản của HK theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Sau đó ông này phải từ chức. Năm 2012 Phong trào học sinh, sinh viên biểu tình phản đối Bắc Kinh định áp đặt giáo dục Đại lục vào trường học HK. Lớp trẻ HK bắt đầu nêu cao ý thức cảnh giác chính trị từ đây. Tiêu biểu là cậu Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) khi đó mới 15 tuổi, đã phản đối kịch liệt đề xuất của Bắc Kinh đưa chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học ở HK.
Wong nói “Có một sự thức tỉnh khi vấn đề giáo dục nảy sinh. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị”. Wong nhận tức rõ rằng, Bắc Kinh đang làm cho HK nhanh chóng trở nên “không khác so với các thành phố khác của Trung Quốc”…
Đại học Hồng Kông đã tiến hành một cuộc thăm dò vào cuối tháng 12 năm 2012 cho thấy hơn 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng họ tự nhận là người HK chứ không phải là người Trung Quốc. Tình hình đó càng làm Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt HK hơn bằng cách thực hiện “sàng lọc ứng cử viên trước khi cho phép cuộc bầu cử Đặc khu trưởng”. Vậy là nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 2014, được gọi là Cuộc “Cách mạng ô dù”.
Và cứ thế người dân HK ngày càng thấy rõ nguy cơ và ý thức rằng, HK phải quyết giữ cho được quyền tự chủ. Điều đó lại càng làm cho Trung cộng lo ngại và càng muốn xiết chặt lấy HK, bất chấp những gì họ đã cam kết. Đó mới là bản chất của Trung cộng.
Thực chất “Một nước, hai chế độ” chỉ là chiêu lừa mị, vì cộng sản bao giờ cũng chỉ áp đặt sự toàn trị độc đoán, duy nhất, không chấp nhận sự khác biệt, đa nguyên, đa dạng, phong phú, phát triển tự nhiên của đời sống xã hội. Không thể có một hệ thống khác lại ưu việt hơn, cạnh tranh với sự sống còn của họ ở trong cùng một quốc gia. Đông Đức không thể thống nhất với Tây Đức, nếu họ không sụp đổ; Bắc Triều Tiên muốn thống nhất với Nam Triều Tiên theo chế độ của họ; miền Nam Việt Nam khi thống nhất, buộc phải “cải tạo” để trở thành XHCN như miền Bắc… Vậy thì HK có một chế độ Tự do, Dân chủ ưu việt, khác nào một thách thức, luôn “chọc ngoáy” vào nỗi nhức nhối của Đại lục, sao Bắc Kinh chịu được. Vì thế Bắc Kinh không thể chờ đợi 50 năm mà muốn “cải tạo”, “xiết chặt” HK vào khuôn phép của họ càng sớm càng tốt.
Người HK đã nhận rõ bản chất và ý đồ thâm độc của Trung cộng và phẫn nộ cao độ. Đỉnh điểm là ngày 1/10/2019 kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, người HK đã xuống đường đốt các băng rôn kỷ niệm và cờ Trung Quốc, ném gạch đá, chất bẩn vào ảnh chân dung Tập Cận Bình, viết các khẩu hiệu “Đả đảo Đảng CSTQ”, “Trời diệt Trung cộng” khắp nơi tại HK.
Nay người HK đã hết mơ màng “Một quốc gia, hai chế độ”, thay vào đó là họ đang dặn nhau: “Đừng tin Đảng CSTQ”!
3. TRUNG CỘNG KHÔNG BIẾT ĐỐI THOẠI ÔN HÒA
Vào những tháng đầu năm 2019, các cuộc biểu tình lớn nổ ra, không chỉ sinh viên mà các tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông để phản đối “Dự luật Dẫn độ” nghi phạm từ HK về Trung Quốc đại lục. Người ta lo ngại dự luật sẽ đặt người HK và du khách vào quyền tài phán của Trung Quốc đại lục do Trung cộng kiểm soát.
Thoạt đầu các cuộc biểu tình diễn ra rất ôn hòa, trật tự làm cả thế giới khâm phục trình độ văn minh của người HK. Mấy trăm ngàn người biểu tình buổi tối mà sáng ra đường phố sạch bong; đoàn người biểu tình đứng kín mặt đường, nhưng khi thấy xe cấp cứu đi tới, tất cả đều giãn ra cho xe đi; người biểu tình chiếm sân bay, làm tê liệt nhiều chuyến bay, họ đã viết lời xin lỗi hành khách và phục vụ thức ăn, nước uống cho khách. Ai chứng kiến những cách hành xử của người biểu tình HK cũng cảm phục, ước mong sao dân mình cũng làm được như thế trong các cuộc biểu tình ôn hòa.
Nhưng tất cả những yêu sách của người biểu tình về hủy bỏ “Dự luật Dẫn độ”; đảm bảo tự do bầu cử… đã không được đáp ứng, yêu cầu đối thoại không được chấp nhận. Thay vào đó là CS đàn áp bằng vòi rồng, lựu đạn hơi cay, dùi cui, còng số 8; hàng trăm người bị thương, một số người bị bắt rồi chết một cách mờ ám và người biểu tình bị chính quyền vu cáo là bị nước ngoài kích động “gây bạo loạn”! Như lửa cháy đổ thêm dầu, người HK càng xuống đường phản kháng dữ dội; người ta tính vào tháng 10/2019 đã có cuộc biểu tình thu hút 2 triệu người xuống đường… Và yêu sách càng cao hơn: Rút lại hoàn toàn dự luật ra khỏi quá trình lập pháp; Rút lại mô tả các cuộc biểu tình là “bạo loạn”; Phóng thích và miễn trừ những người biểu tình bị bắt giữ; Thành lập một ủy ban điều tra độc lập về hành vi của CS; Quyền phổ thông đầu phiếu cho Hội đồng Lập pháp và bầu lại Đặc khu trưởng Hồng Kông; Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức…
Không có đối thoại và yêu sách không những không được thực hiện, thay vào đó là các cuộc bắt bớ, đàn áp càng dã man hơn, biến thành cuộc đối đầu, bạo lực khốc liệt. Thực chất là Trung cộng phi nghĩa, dối trá, nên không thể, không dám đối thoại, mà chỉ có lấy thịt đè người mà thôi!
Trả lời hãng Reuters, Slaine Lai, sinh viên ngành tâm lý học, 22 tuổi, cho rằng: “Người gây bất ổn ở HK không phải là người biểu tình, sinh viên hoặc các đảng ủng hộ dân chủ, mà là chính quyền Đặc khu Hành chính HK. Từ Tháng Sáu đến nay, họ không sẵn lòng lắng nghe yêu sách của người biểu tình cũng như của công chúng. Người gây bất ổn cho HK chính là chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.
Bà Helen, một người dân Hồng Kông lớn tuổi xúc động nói: “Tôi không lanh lẹ như những bạn trẻ đó. Tôi mà ra phía trước thì sẽ cản chân họ. Tôi chỉ có thể ở phía sau hỗ trợ họ thôi, phát nước miễn phí cho họ… Nếu bây giờ mà không đứng lên phản đối thì tương lai chúng ta cũng không có quyền đứng lên phản đối nữa. Và tình hình càng tệ hơn nếu khi chúng ta xuống đường, chính quyền cứ muốn bắt ai thì bắt, không cần lý do, giải thích gì cả. Chúng tôi rất buồn vì điều này”.
“Chính quyền mà không đáp ứng hoặc hiểu được nguyện vọng của công chúng thì mâu thuẫn sẽ thường xuyên xuất hiện. Theo tôi, đây là chuyện không thể tránh khỏi trên con đường theo đuổi dân chủ. Nhưng tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng”.
Một bạn trẻ bảo, cảnh sát vũ trang đầy mình đi đàn áp dã man những sinh viên tay không thì tất nhiên họ thắng, họ chẳng cần luật pháp gì nữa! Cứ như Mỹ, mỗi người dân đều có súng thì cảnh sát có dám đàn áp dã man thế kia không?…
Nghe giật mình, kinh quá. Nếu thế thì giết nhau chết hết à?
Nhưng nghĩ lại thấy đúng: Khi chỉ Chính quyền có sức mạnh bạo lực và pháp luật cũng ở trong tay họ, thì cái ác không có giới hạn! Người dân chỉ có vũ khí duy nhất là hệ thống pháp luật đảm bảo quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và sức mạnh đoàn kết với sự ủng hộ quốc tế để chống lại cường quyền, đảm bảo cuộc sống làm người. Cho nên người HK ý thức rõ, phải quyết bảo vệ hệ thống pháp luật của HK và đấu tranh để thượng tôn hệ thống pháp luật đó, để bảo vệ bằng được những giá trị Tự do, Dân chủ, Nhân quyền đã gây dựng được suốt 100 năm qua. Đó mới là sức mạnh để đoàn kết, đấu tranh đến cùng, chứ không phải vì cái “Sổ hưu” hay “Nồi cơm” như mấy nhà “lý luận” xứ ta quen thuyết giảng!
Vì thế cuộc đấu tranh này sẽ vô cùng dai dẳng, gay go, phức tạp, giữa một bên duy ý chí của Trung cộng, quen dùng tuyên truyền dối trá cộng với bạo lực cưỡng chế bằng mọi mưu sâu, kế hiểm, mọi thủ đoạn hèn mọn nhất để đạt mục đích, với một bên là hàng triệu người dân đã giác ngộ, nhận rõ dã tâm của Trung cộng, quyết đoàn kết đấu tranh bảo vệ những giá trị của HK đã chắt chiu hàng 100 năm mới có được.
THAY LỜI KẾT
Chắc là Trung cộng sẽ dẹp tạm yên, khôi phục lại trật tự HK và tuyên truyền đã “giành được thắng lợi lịch sử, trước âm mưu xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm gây bạo loạn ở HK”… Nhưng ngay cả những “ngu dân” ở Hoa lục cũng chẳng còn mấy ai tin. Xem những thông điệp người đại lục gửi đến HK thì rõ.
Thực chất, dân HK mới là người chiến thắng, dù trải qua những thương đau, vì họ đã cho toàn dân HK, đại lục và thế giới thấy rõ mặt thật của Trung cộng; người HK đã chứng tỏ cho Trung cộng và Thế giới biết, họ một lòng đoàn kết, đấu tranh, dù phải hy sinh, quyết bảo vệ những giá trị HK đã có. Người HK, đặc biệt tuổi trẻ HK đã nêu một tấm gương tuyệt vời về về ý thức chính trị, phương pháp đấu tranh ôn hòa, văn minh, nhưng khi cần, chấp nhận hy sinh, và tình yêu thương, đoàn kết che chở nhau trong cuộc chiến đầy khốc liệt.
HK đã cho người Đài Loan thấy, sẽ chiến đấu đến cùng chứ không bao giờ sa vào cái bẫy “Một quốc gia, hai chế độ” của Trung cộng nữa.
Những kẻ còn u mê, cố bấu víu vào những lời cam kết, hứa hẹn của Trung cộng liệu có tỉnh ra chút nào chăng?
(Ảnh lấy từ Google)
D:\Downloads\BVN\29-11\1.jpg
D:\Downloads\BVN\29-11\2.jpg
D:\Downloads\BVN\29-11\3.jpg
D:\Downloads\BVN\29-11\4.jpg
D:\Downloads\BVN\29-11\5.jpg
27/11/2019
M.V.T.
Tài liệu tham khảo chính



Tác giả gửi BVN

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

20191129. THỐNG KÊ VÀ NÓI DỐI

ĐIỂM BÁO MẠNG

THỐNG KÊ VÀ NÓI DỐI

HUỲNH THẾ DU/ TBKTSG  25-11-2019


(TBKTSG) - Câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Mark Twain: “Có ba loại nói dối: nói dối, nói dối chết tiệt và thống kê” phản ánh rất đúng tình hình thống kê và phân loại đô thị ở Việt Nam. Nghịch lý thay, chỗ là đô thị trên thực tế thì vẫn đang được xếp là nông thôn; trái lại, nhiều chỗ được xếp hạng đô thị thì không đủ tiêu chuẩn. Kết quả điều tra dân số và nhà ở vừa được công bố cho thấy điều này.
Hai xã Vĩnh Lộc A và B (huyện Bình Chánh) và một phần xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Nguồn: Chụp từ Google Map ngày 30-10-2019

Nông thôn hóa thành thị?
Trong 17 đô thị loại I hiện nay, chỉ duy nhất Biên Hòa đạt chỉ tiêu dân số (trên 500.000 người). Còn lại, rất nhiều đô thị phải vài thập niên sau khi được nâng hạng may ra mới đạt chỉ tiêu này và nhiều thành phố không đạt tiêu chuẩn về mật độ. Được nâng hạng đô thị là khao khát của rất nhiều địa phương do căn bệnh thành tích và những lợi lộc liên quan.
Trái lại, khi người dân ùn ùn đổ về TPHCM thì kết quả điều tra và thống kê lại là tiến trình nông thôn hóa thành thị. Tỷ lệ dân số thành thị ở TPHCM đã giảm từ 83,6% năm 1999, xuống 83,3% năm 2009 và 79,2% năm 2019. Hiện vẫn còn hơn 1,8 triệu người được tính là dân số nông thôn.
Rất nhiều nơi ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cao hơn tiêu chuẩn đô thị loại I, nhưng vẫn đang được xếp hạng nông thôn. Tại sao điều này lại xảy ra?
Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 định nghĩa: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Tiêu chí xác định đô thị như bảng 1.
Với tỷ trọng nông nghiệp chỉ khoảng 0,8% GRDP, theo định nghĩa và các tiêu chí trên thì gần như toàn bộ TPHCM đã là đô thị. Tuy nhiên, thống kê chính thức thì gần 21% dân số vẫn đang ở nông thôn.
Nguyên nhân là do thống kê xác định dân số thành thị theo định nghĩa: “Dân số thành thị là dân số các đơn vị lãnh thổ được Nhà nước quy định là khu vực thành thị (phường và thị trấn)”. Cứ gọi là xã thì xếp vào dân số nông thôn.
Ba huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè có diện tích 462 ki lô mét vuông, dân số 1,455 triệu người. Diện tích ba huyện này chỉ bằng 36% diện tích của Đà Nẵng, nhưng dân số cao hơn 28%. Mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số trên đất xây dựng ở mức đô thị đặc biệt.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, ba huyện này chỉ có 86.000 người ở thành thị (thuộc ba thị trấn), còn lại là nông thôn. Những người đang sống trong rừng cao ốc ở góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được thống kê là dân số nông thôn.
Vĩnh Lộc A và B (huyện Bình Chánh), mỗi xã có hơn 120.000 người, thấp hơn một chút so với 142.000 người của quận 1; 160.000 người của quận 3 và 180.000 người của quận 2 một chút nhưng vẫn là nông thôn.
“Nông thôn” so với “thành thị”?
Hiện tại, Việt Nam có 17 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, gồm: Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, và Hải Dương. Bảng 2 so sánh “nông thôn” Bình Chánh, Hóc Môn và hai xã Vĩnh Lộc với 17 đô thị này.
Trong 17 đô thị loại I, chỉ duy nhất Biên Hòa đảm bảo chỉ tiêu dân số. Có tám thành phố vừa không đảm bảo chỉ tiêu dân số tối thiểu 500.000 người và mật độ 2.000 người/ki lô mét vuông. Cập nhật đến năm 2019 có Vinh trên 500.000 người, nhưng bao gồm cả người không đăng ký cư trú.
Trái lại, tại “nông thôn” Bình Chánh, dân số đã vượt quá 500.000 từ rất lâu và đến nay đã hơn 705.000 người, với mật độ gần 2.800 người/ki lô mét vuông; và “nông thôn” Hóc Môn hiện cũng đã trên 500.000 người với mật độ dân số gần 5.000 người/ki lô mét vuông.
Chỉ gộp riêng hai xã Vĩnh Lộc A và B với tổng diện tích hơn 37 ki lô mét vuông thì quy mô dân số đã là 246.000 người, cao hơn thành phố xếp thứ 17 trong 102 thành phố và thị xã thuộc các tỉnh ở Việt Nam (trừ năm thành phố trực thuộc trung ương). Nếu tách riêng từng xã thì vị trí dân số mỗi xã trong khoảng 50-55 và mật độ dân số nằm trong nhóm 10.
Bảng 2 còn một con số đáng chú ý nữa là nhiều thành phố đang có tình trạng xuất cư ròng, trong khi vùng “nông thôn” TPHCM có tốc độ tăng dân số gần 5%/năm. Nhiều người đang bỏ đô thị loại I để đến với “nông thôn”. Nghịch lý thay!
Một số thành phố có tốc độ tăng trưởng dân số rất cao như Quảng Ngãi, Thanh Hóa là nhờ mở rộng địa giới hành chính trong khi dân số ở hai tỉnh này xuất cư rất nhiều. Một chiêu thức rất ưa dùng đối với nhiều nơi muốn nâng cấp đô thị là “mượn dân” bằng cách nhập các xã lân cận để mở rộng địa giới và quy mô.
Thống kê và điều tra cho các kết quả như trên thì chất lượng của việc hoạch định và thực thi chính sách như thế nào là có thể đoán được. Do vậy, việc cần làm đối với Việt Nam là làm tốt những thứ căn bản nhất. Nếu Việt Nam bớt bệnh thành tích, bớt nói về những điều to tát mà tập trung làm những thứ cơ bản cho tốt lên thì đường đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh sẽ nhanh và sáng hơn rất nhiều. 



KINH TẾ VIỆT NAM LÚN SÂU VÀO PHỤ THUỘC TRUNG QUỐC

NGUYỄN QUANG THÁI& BÙI TRINH/ TBKTSG 27-11-2019

(TBKTSG) - Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai nước.
Tuy nhiên, trong quan hệ này phía Việt Nam luôn bị thâm hụt thương mại và tình trạng ngày càng trầm trọng, do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào.

Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế của Việt Nam dường như là không hiện thực. Nguồn: Petsourcing.com
So sánh một số chỉ số kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên bảng cân đối liên ngành input - output (I/O) của hai nước (bảng 1) cho thấy trong 100 đồng giá trị sản xuất thì Trung Quốc tạo ra được 32 đồng giá trị tăng thêm, trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Tỷ lệ này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam không hiệu quả bằng Trung Quốc hoặc là một nền kinh tế gia công “sâu” hơn Trung Quốc.
Tỷ lệ sản phẩm đầu vào là nhập khẩu trong chi phí trung gian của Việt Nam lớn hơn hẳn tỷ lệ này của Trung Quốc (0,29 so với 0,08), nghĩa là Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất.
Trong khi Việt Nam, ngoài những sản phẩm đầu vào là dịch vụ, điện nước, hầu như không có bao nhiêu sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất của mình. Điều này cho thấy lan tỏa từ cầu cuối cùng đến phía cung của Việt Nam thấp hơn so với lan tỏa đến nhập khẩu.
Bảng 1 còn chỉ ra trong quan hệ thương mại giữa hai nước, ở khía cạnh sản xuất, cũng có sự khác biệt rất rõ và khá lớn. Trong chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1 % đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đối với nền sản xuất của Việt Nam là lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng được lưu tâm.
Xem xét về hệ số co giãn giữa lao động và vốn của hai quốc gia thông qua bảng cân đối liên ngành của hai nước cho thấy Việt Nam cần một lượng vốn cao hơn Trung Quốc khá nhiều mới tạo ra được tăng trưởng.
Có một nghịch lý là tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (22% so với 44%), nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao, không kém Trung Quốc bao nhiêu.
Mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam giai đoạn 2010-2015 khoảng 6,1% trong khi của Trung Quốc trong giai đoạn này ước tính khoảng 7%. Điều này chỉ có thể lý giải là do năng suất nhân tố tổng hợp (total factor productivity - TFP) của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, nhưng đó dường như lại là một nghịch lý. Những nhân tố nào ảnh hưởng tới năng suất nhân tố tổng hợp? Điều này cho thấy phải chăng tăng trưởng của Việt Nam dựa khá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)?
Xét về các yếu tố của cầu cuối cùng (Final demand), có thể thấy chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình ở Việt Nam chiếm tỷ trọng trong GVA(1) cao hơn Trung Quốc đến 20 điểm phần trăm (56% so với 36%), bù lại chi tiêu dùng cuối cùng chính phủ của Trung Quốc cao hơn Việt Nam 8 điểm phần trăm (14% và 6%).
Tuy nhiên tổng tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc trong GVA vẫn khá thấp so với Việt Nam (50% so với 62%); tỷ trọng xuất khẩu thuần trong GVA của Việt Nam thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.
Như vậy, để đạt được tăng trưởng Trung Quốc phần lớn dựa vào vốn. Tỷ trọng đầu tư trong GVA của Trung Quốc là rất cao, khoảng 44% GVA, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ là 22% GVA. Tình hình này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương một khi thu từ sở hữu gặp trục trặc và tiết kiệm (saving) luôn nhỏ hơn đầu tư.
Tính toán các kịch bản khi có sự tổn thương về thương mại giữa hai quốc gia (bảng 2) cho thấy phía Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều. Bảng 2 đưa ra các giả định khi giảm sút thương mại với Trung Quốc xảy đến, trong điều kiện hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như thế nào. Trường hợp xấu nhất, GVA/GDP của Việt Nam có thể giảm đến 5,9%.
Điều này cho thấy Việt Nam đã lún rất sâu vào sự phụ thuộc trong quan hệ thương mại với Trung Quốc từ rất nhiều năm nay. Đến thời điểm này ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế dường như là không hiện thực. Như vậy, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi gì trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào, đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi.
(1) GDP = GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản xuất