Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

20191108. QUỐC HỘI BÀN VỀ 'CHỢ ĐEN' MUA QUAN BÁN CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG

DƯ LUẬN RÂM RAN 'CHỢ ĐEN' MUA QUAN BÁN CHỨC NHỘN NHỊP DỊP ĐẠI HỘI

 Nhóm pv /VNN 5-11-2019

Thảo luận về tình hình tội phạm và công tác tư pháp sáng nay, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) ghi nhận công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 đã có nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN chưa được ngăn chặn hiệu quả, còn gây bức xúc. 
Tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng
Theo ông, một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ nhũng nhiễu thì có thể là hành vi tham nhũng vặt. Nhưng nếu hành vi này là có chỉ đạo, có sự ăn chia của lãnh đạo quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện đấu tranh ngăn chặn vô cùng khó khăn.
ĐB nhấn mạnh tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng về tình hình tham nhũng, thực tế còn rất nghiêm trọng.
"Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo của nhà nước thì sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái biến chất, năng lực hạn chế.
Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, nếu không phải là tham nhũng, là làm ngơ trong công tác quản lý?", ĐB tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Dư luận râm ran 'chợ đen' mua quan bán chức nhộn nhịp dịp đại hội
ĐB Nguyễn Tiến Sinh: Tham nhũng có hệ thống thì rất khó phát hiện, ngăn chặn
ĐB Nguyễn Tiến Sinh dẫn hàng loạt số liệu sai phạm được nêu trong báo cáo Tổng kiểm toán, báo cáo Thanh tra 2019 và lưu ý: "Mặc dù tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và thuyên giảm nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi, được che đậy bằng nhiều thủ đoạn và có hệ thống, có tổ chức".
Công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm, bầu cử cán bộ
"Lĩnh vực lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng song nhiều người coi là vùng cấm, bởi vì chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
"Chợ đen" mua quan bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua, ai bán, chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử, Đại hội", ĐB Nguyễn Tiến Sinh nói.
ĐB cho rằng, tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Theo ông, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục, không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế hóa các quy định của pháp luật.
ĐB kiến nghị QH, Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của TƯ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo.
Đồng thời, xây dựng quy trình, quy định thu hồi, hủy bỏ giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức chạy quyền...
Cán bộ hay tới hỏi thăm sức khỏe
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng cũng nhìn nhận thời gian qua cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên ông cho rằng vẫn chưa triệt để, còn vùng cấm “giơ cao đánh khẽ”. 

Dư luận râm ran 'chợ đen' mua quan bán chức nhộn nhịp dịp đại hội
Thượng tướng Nguyễn Văn Được: Đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh, giáo dục thật kỹ cán bộ của mình để lấy lại lòng tin của người dân
"Đề nghị cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm minh, nhất là trong thu hồi tài sản tham nhũng. Kể cả những trường hợp xử lý nội bộ, cũng phải công khai minh bạch mức xử lý, số tiền thu hồi để nhân dân được biết”, ông Được nhấn mạnh.
Đề cập thực trạng nhiều dự án xây trái phép, cán bộ sở tại "làm ngơ như không biết gì", theo tướng Được, đây là điều “không chấp nhận được”.
Ông dẫn chứng nhiều trường hợp người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh dịch vụ buôn bán dù được cơ quan chức năng cho phép nhưng vẫn có nhiều lực lượng chức năng khác đến “hỏi thăm sức khoẻ”, nêu điều kiện nếu không đáp ứng “sẽ thế này, thế khác”.
“Đây là vấn đề nhức nhối, đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh, giáo dục thật kỹ cán bộ của mình để lấy lại lòng tin, tín nhiệm của người dân”, ĐB Nguyễn Văn Được nói.
ĐB Ngô Sách Thực (Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam) đề cập đến tội phạm môi trường và cho rằng xử lý chưa đủ sức răn đe.
Việc xử lý có nơi xử lý nghiêm, có nơi còn né tránh, thậm chí xử phạt cho tồn tại. Một số nơi cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời, dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân.
Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì

KHÔNG DỄ TRẢ LỜI ĐƯỢC AI MUA QUAN, AI BÁN CHỨC
ĐỖ THƠM /GDVN 6-11-2019

Trong 2 ngày 4, 5/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019;
Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Đại biểu Nguyễn Văn Được. Ảnh: Quochoi.vn
Cá nhân toàn cỡ bự có dã tâm tham nhũng
Phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Được – đoàn Thành phố Hà Nội – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, đây là điều đáng mừng, nhưng chưa triệt để.
Đại biểu nêu, nhân dân cả nước nói chung, cựu chiến binh nói riêng đã hiến hàng triệu m2 đất, hàng triệu ngày công để đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình công cộng cho đất nước.
Vậy mà có những lợi ích nhóm, có những cá nhân, cá nhân ở đây là các loại cỡ bự chứ không phải vừa đâu, thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn, còn dã tâm tham nhũng của nhà nước, của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng.
“Tôi đề nghị nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Tôi đề nghị phải công khai, minh bạch trường hợp xử lý nội bộ", ông Được đề nghị.
Về vấn đề tham nhũng vặt và nhũng nhiễu, đại biểu chia sẻ, lâu nay người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh, dịch vụ buôn bán, được cơ quan chức năng cho phép, nhưng nhiều lực lượng chức năng khác nhiều lần “hỏi thăm sức khỏe”, đặt vấn đề này, vấn đề khác, nêu điều kiện nếu không sẽ thế này, sẽ thế khác, chưa nói chuyện phong bì, chưa nói chuyện bữa ăn.
“Đây là một vấn đề nhức nhối, do vậy người dân rất bức xúc nhưng không dám phản hồi, không dám phản ánh.
Vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giáo dục cho lực lượng chức năng này thật tốt, thật kỹ để thực thi nhiệm vụ của từng ngành để lấy lại lòng tin và tín nhiệm với dân”, đại biểu nói
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Quochoi.vn
Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ trong thực thi công vụ nhũng nhiễu thì gọi là tham nhũng vặt, loại tham nhũng này tạo nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Nhưng nếu hành vi này có sự chỉ đạo, làm ngơ, thậm chí có sự ăn chia của người lãnh đạo, quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn gặp vô cùng khó khăn.
Đại biểu muốn nhấn mạnh tham nhũng vặt được nêu trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tình hình tham nhũng mà thôi, thực tế tệ nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng.
Điều gì tạo nên hiện trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ?
“Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý?
Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tràn lan đâu chỉ là quản lý yếu kém. Gian lận trong thi cử, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua cũng là hậu quả của nạn tham nhũng mặc dù cơ quan điều tra chưa thể kết luận một cách rõ ràng”, đại biểu Sinh nói.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn giải, trong báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy đã kiến nghị xử lý 61.732 tỷ đồng, trong đó thu là 6.917 tỷ đồng, giảm chi trên 12.000 tỷ đồng.
Báo cáo thanh tra năm 2019 phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, 819 héc-ta đất. Xuất toán kiến nghị xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904 héc-ta đất có phải bắt đầu từ tham nhũng vặt?
“Tôi cho là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức”, đại biểu nêu.
Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quy định số 205 quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch đội ngũ cán bộ đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền mà bản chất là tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ.
Lĩnh vực lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song vẫn nhiều người coi là vùng cấm bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
Chợ đen của việc mua quan, bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua và ai bán", đại biểu nêu.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có.
Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền, thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ, công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát.
Đỗ Thơm
'CHỢ ĐEN MUA QUAN BÁN CHỨC' SẼ CÒN NÁO NHIỆT ?
LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 7-11-2019
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Bà nói:
"Đối với lĩnh vực nội vụ, cử tri đang rất quan tâm đến các quy định về đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ, việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ chủ chốt gây ra sai phạm hoặc có liên quan đến những vụ sai phạm gây chú ý dư luận. Liệu đang có lỗ hổng nào về pháp luật hay do lỗ hổng về nhận thức, tư duy của những người đang được trao m quyền thực thi chính sách pháp luật?".
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cảnh báo:
“Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song nhiều người vẫn coi là vùng cấm bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ. "Chợ đen mua quan, bán chức" không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội”.
Năm 1987 tại Đại hội Nhà báo TP.HCM gã phát biểu oang oang:
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân về sự hư hỏng của cán bộ là do Ban Tổ chức Trung ương – Cái máy cái sản xuất ra các máy con bị hỏng. Máy cái hỏng thì máy con không thể là cái máy tốt được.
Gã nhớ một lần tại nhà ông Tố Hữu, ông Tố Hữu tiếp gã ở phòng khách của ông nhìn ra hàng cây sấu đẹp nhất phố Phan Đình Phùng nhưng ông lại tự mình đóng hai lớp cửa sổ lại. Ông nói chuyện thì thầm ngay trong ngôi nhà của một lãnh đạo quyền uy.
Gã hỏi: sao vậy?
Ông nói nhỏ: sợ Lê Đức Thọ ghi âm.
Lê Đức Thọ là ai? Ai cũng biết – Người nắm Ban Tổ chức TƯ.
Trong câu chuyện ông Tố Hữu kể gã nghe là ông ba lần khuyên TBT Lê Duẩn hãy nắm lấy Ban Tổ chức TƯ nhưng cả ba lần TBT đều nhún vai lắc đầu.
Thời ông Lê Đức Thọ, Ban Tổ chức TƯ là siêu quyền lực của QG chứ không phải QH hay Chính phủ gì sất.
Còn bây giờ?
Gã nghĩ ĐB Phạm Thị Minh Hiền muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về lỗ hổng nhân sự lãnh đạo vẫn trật địa chỉ đó.
Còn ĐB Nguyễn Tiến Sinh rất dũng cảm khi dám đưa vấn đề "tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ "vì đã động đến hai chữ "tổ chức" quyền lực rồi.
Không những thế ĐB Nguyễn Tiến Sinh còn dám lên án sự thật "chợ đen mua quan bán chức " ông đặt câu hỏi "ai mua, ai bán" mà ai cũng hiểu ai mua và ai bán rồi.
Bởi thị trường mà, kẻ nào cần chức để làm điểu bẩn thỉu mới cần mua. Bọn tham quan tài hèn, đức mỏng muốn tham nhũng mới cần chức để mua.
Kẻ bán thì chỉ là kẻ có quyền cho chức, ban phát chức mới có cái để bán.
Nhưng chức to lộc to bây giờ ở một tỉnh thôi ông trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ không một mình quyết định để bán được mà phải cả thường vụ tỉnh uỷ, trong đó có bí thư và các phó bí thư tỉnh uỷ cùng bỏ phiếu thống nhất.
Việc mua chức phải rải tiền khắp, tốn kém vô cùng nên khi có chức rồi kẻ mua được chức ăn tàn bạo để vừa đòi lại vốn vừa nhanh có lời. Còn khi có chuyện gì thì để lọt kẻ xấu xa vào bộ máy lãnh đạo do lỗi cả tập thể chứ đâu phải lỗi một cá nhân.
Ở tỉnh là vậy. Ở cấp cao hơn cũng vậy.
Tìm ra kẻ bán để tóm vào lò bác chủ tịch Trọng không dễ vì đó là sự biểu quyết đa số trong đó ai bảo đảm rằng mình vô can?
Chừng nào còn cái gọi là "chế độ chịu trách nhiệm tập thể "mà những người trong cái tập thể quyền lực ấy không do Dân thực sự bầu thì sẽ còn "tham nhũng tổ chức cán bộ”, và sẽ còn náo nhiệt cái chợ đen mất dạy nhất đối với sự phát triển QG là "chợ đen mua quan bán chức”.
L.T.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét