Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

20191116. BÀN VỀ QUY HOẠCH CÁN BỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG

QUY HOẠCH THẢM HOẠ

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 15-11-2019


Đảng Cộng sản Việt Nam lại đang bước vào một mùa đại hội mới, Đại hội 13. Lại một dịp đảng ngốn vô tội vạ tiền của dân của nước. Ngân sách nghèo của nước, tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân lại thêm một lần ào ạt chảy máu hàng ngàn tỉ đồng chi cho đại hội đảng các cấp từ đại hội chi bộ ấp, phường ở địa phương, phòng, ban ở cơ quan nhà nước đến đại hội đảng toàn quốc.
Ở nhà đỏ Ba Đình, những nhà lí luận giáo điều cộng sản tập trung dồn tâm sức đánh bóng lại những ngôn từ mĩ miều, sáo rỗng, mòn cũ, đại ngôn, khuếch đại thành tích kinh tế xã hội để có bản báo cáo chính trị rực rỡ màu hồng, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng đã đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kì đại hội này Đảng Cộng sản cầm quyền còn gấp gáp, tất bật làm một việc thể hiện não trạng chủ quan, duy ý chí muôn đời của người cộng sản là qui hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Như trước đây họ đã chủ quan duy ý chí vẽ ra những kế hoạch kinh tế 5 năm, 10 năm, kế hoạch hóa hổ, hóa rồng:“Đến 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Nhưng cuối năm 2019 rồi, đất nước vẫn tan hoang bởi bô xít Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng, điện Vĩnh Tân, đạm Ninh Bình… Bởi làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỉ tiền của những quả đấm thép, những tổng công ty kinh doanh của nhà nước như Vinashine, Vinalines… Dân càng è cổ gánh khối nợ quốc gia ngày càng lớn, dòng người  đói ăn, đói tự do ùn ùn bỏ nước ra đi kiếm sống ngày càng đông để rồi phải nhận những số kiếp bi thảm như cái chết trong thùng xe container không có không khí để thở của 39 người Việt Nam trên đường trốn vào nước Anh ngày 23 tháng mười, năm 2019. Những kế hoạch kinh tế chủ quan duy ý chí đều đã chết thảm kéo theo sự thua lỗ, đổ bể cả nền kinh tế, kéo theo sự yếu hèn của nước, sự khốn cùng của dân.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lại đi theo lối mòn dẫn đến vực thẳm của những kế hoạch kinh tế viển vông không thể tránh khỏi thất bại ê chề vì không những thiển cận, chủ quan, duy ý chí mà còn dại dột và hỗn xược loại bỏ vai trò nhân dân, những người chủ thực sự của đất nước. Nhân dân mới là những người thực sự có đủ quyền, có đủ tư cách, có đủ sự công tâm và có đủ hiền tài để tiến cử và bầu chọn người thay mặt dân quản trị đất nước. Đảng áp đặt những nhân cách nhem nhuốc của đảng không được dân tin cậy, không được dân bầu chọn ngồi vào ghế cai trị dân là cướp quyền dân, sẽ thất bại nặng nề.
Cán bộ cấp chiến lược là những phương diện quốc gia, những chính khách trên chính trường quốc tế, trong đảng là thành viên nhà đỏ, ủy viên Trung ương Đảng. Trong chính quyền nhà nước là thành viên Chính phủ, đứng đầu vùng lãnh thổ, đứng đầu các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Trong đảng bày đặt, sắp xếp đảng viên vào các cấp ủy là việc riêng của đảng, là quyền của đảng, nhưng chọn người vào ghế quan chức nhà nước đứng đầu các cơ quan cai trị dân là quyền của dân, do lá phiếu của người dân bầu chọn. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược chỉ là trò gian lận ngôn từ, gian lận khái niệm của việc cướp quyền dân mà thôi, chỉ là trò biến dân thành bầy cừu và trò giật dây cho quốc hội diễn màn múa rối hợp thức hóa việc cướp quyền dân của Đảng Cộng sản.
Là nhà báo có hạng của Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, suốt mấy chục năm làm báo, nhà báo Lê Phú Khải vào ra chốn thâm nghiêm, tiếp cận với những vai vế cao nhất trong cung đình cộng sản. Nhà báo quá lọc lõi và rành rẽ cung đình cộng sản Lê Phú Khải đã có khái quát chí lí về việc chọn người, dùng người của nhà nước cộng sản là: Thu hoạch xong, trước khi cho thóc vào bồ, người làm ruộng phải sàng xảy loại bỏ rơm rác, thóc lép, thóc hư, chỉ giữ lại những hạt thóc mẩy. Mỗi kì đại hội đảng cộng sản cũng là một lần sàng xảy. Nhưng với cộng sản phản con người, phản tự nhiên, phản tiến hóa nhân loại, cái gì cũng khác người và sàng xảy cộng sản cũng khác dân gian là cộng sản sàng xảy để loại bỏ tinh hoa, giữ lại cặn bã. Sàng xảy loại bỏ tinh hoa đến lần thứ mười ba thì chỉ còn cặn bã của cặn bã!
Sự phản dân hại nước của Đảng Cộng sản ngày càng lồ lộ. Những người Việt Nam ưu tú lầm tưởng cộng sản là yêu nước và đã đi với cộng sản thời chiến tranh cách mạng đến nay nếu chưa bị cộng sản sàng xảy loại bỏ thì họ cũng đã lần lượt tự rời bỏ cộng sản. Lớp người trẻ của văn minh tin học có tài năng và nhân cách, có lòng tư tin và có đủ độ lùi về thời gian lịch sử để nhận ra tội ác ghê tởm của Đảng Cộng sản với nhân dân, đất nước Việt Nam, không khi nào những tài năng và nhân cách đó chịu đánh mất mình để vào đảng không có tính người và đang cản trở sự phát triển của đất nước, cản trở sự đi tới của nhân dân hòa nhập với nhân loại văn minh.
Từ nhiều năm qua, vào Đảng Cộng sản chỉ còn ba hạng người:
Một là, những quan chức cộng sản ăn trên ngồi trốc, cả đời hưởng đặc quyền đặc lợi đều đã tự qui hoạch tương lai cho con cháu bằng cách đưa chúng vào đảng, đặt chúng lên bệ phóng quyền lực. Khi cộng sản bố về hưu rời ghế quyền lực thì cộng sản con đã có vị trí tiếp cận quyền lực, tiếp nối cuộc đời ăn trên ngồi trốc, tiếp nối hưởng thụ đặc quyền đặc lợi.
Như cộng sản con Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Công thương là sự tiếp nối của cộng sản bố Trần Đức Lương, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước;
Như cộng sản con Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch quận là sự nối tiếp của cộng sản bố Lê Thanh Hải ủy viên bộ Chính trị, bí thư Sài Gòn;
Như cộng sản con Nguyễn Việt Quế Sơn, phó bí thư quận ủy là sự tiếp nối cộng sản bố Nguyễn Văn Đua, phó bí thư thành ủy Sài Gòn;
Như cộng sản Nguyễn Thị Kim Tiến từ phó giám đốc rồi giám đốc viện Pasteur Sài Gòn nhảy lên thứ trưởng, rồi bộ trưởng bộ Y tế, chỉ còn vài ngày cuối cùng ngồi ghế bộ trưởng Y tế, cộng sản mẹ Nguyễn Thị Kim Tiến liền kí quyết định đề bạt cộng sản con trai Hoàng Quốc Cường lên chức phó giám đốc viện Pasteur Sài Gòn để nối tiếp con đường công danh, tiếp nối  quyền cai trị và quyền hưởng thụ đặc quyền, đặc lợi của cộng sản mẹ;
Như vợ con, cháu chắt bí thư tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, như con cháu bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đều phải là đảng viên cộng sản mới có thể chiếm lĩnh đúng qui trình những chiếc ghế quan chức trong tỉnh. Đây sẽ là nguồn lớn, ưu tiên hàng đầu của lò qui hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đại hội 13.
Hai là, hơn nửa thế kỉ cai trị đất nước bằng bạo lực và lừa dối, bằng giáo dục nhồi sọ, ngu dân, nhà nước cộng sản đã tạo ra được loại người cuồng cộng sản, cuồng cách mạng, cuồng đảng, cuồng bác. Hạng người này được mạng xã hội gọi là bò đỏ. Đàn bò đỏ khá đông và điều đáng buồn là lứa tuổi nào cũng có. Điều này cho thấy giáo dục ngu dân và tuyên truyền nhồi sọ của nhà nước cộng sản khá thành công và giải thích vì sao nhà nước cộng sản đã thối nát đến như ngày nay mà vẫn tồn tại được.
Thời gian và cuộc sống đã chứng minh rành rành rằng lí thuyết cộng sản là sai lầm, thực tế cộng sản là tội ác mà vẫn có những người cuồng tín cộng sản thì chỉ là những người trì trệ, tối tăm, chưa tách ra khỏi bầy đàn, chưa có cá nhân thì đương nhiên cũng không thể có cá tính sáng tạo, mọi hành vi đều theo bầy đàn, theo chỉ đạo. Trì trệ, tối tăm nhưng cuồng đảng trong khi đảng cũng đang rất cần những người như vậy và nhiều người đã leo khá cao trên bậc thang công danh cộng sản. Đây là nguồn thứ hai khá dồi dào cho lò qui hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Ba là, hạng người không phải là hậu duệ để được ông bố, bà mẹ cõng vào chính trường, không có tài năng, trí tuệ để đua tranh quyền lực nhưng đầy tham vọng quyền lực. Hạng người này đủ tỉnh táo nhận ra tội ác đảng cộng sản gây ra với dân với nước và sự khốn cùng của nhà nước cộng sản ở buổi chiều muộn, chút ánh sáng yếu ớt cuối cùng của triều đại cộng sản sắp tắt lịm. Nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để biết rằng dù đảng cộng sản cầm quyền đang chìm sâu vào thoái trào tiêu vong nhưng đảng cộng sản còn cầm quyền thì vẫn phải là đảng viên cộng sản mới hanh thông trên con đường công danh. Hãnh tiến và xôi thịt, họ phải vào đảng bằng được.
Chẳng vì lí tưởng Mác Lê, chẳng vì chủ nghĩa xã hội, họ vào Đảng Cộng sản cầm quyền chỉ để hát câu mê li nhất trong bài ca quốc tế cộng sản:“bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Đi chuyến tàu vét với đảng cầm quyền thì phải mau lẹ leo nhanh trên bậc thang đặc quyền đặc lợi cộng sản mà vinh thân phì gia. Đây là mạch ngầm âm thầm nhưng nóng bỏng, dữ dội, quyết liệt và đầy kịch tính của nguồn qui hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Đúng như nhà báo lão làng Lê Phú Khải phát hiện, ba hạng người đó chỉ là cặn bã của cặn bã. Qui hoạch cán bộ cấp chiến lược từ con người của ba nguồn đó là qui hoạch thảm họa cho đất nước.
Đất nước chỉ giầu mạnh và người dân chỉ có hạnh phúc khi mỗi cá thể người dân được sống đúng mình, được thể hiện hết cá tính sáng tạo và người dân được thực sự làm chủ đất nước của mình. Nhà nước cộng sản mặc sức tham nhũng quyền lực của dân cũng mặc sức tham nhũng tài sản của nước. Đất nước tan hoang bởi sự xâu xé, vơ vét của đám quan chức cộng sản tham nhũng tài sản của nước. Lòng dân đau đớn tột cùng bởi đảng cộng sản cầm quyền tham nhũng quyền lực của dân.
Người dân Việt Nam dù là trí tuệ tinh hoa, dù là tài năng suất chúng tạo được cuộc sống giầu sang cũng không có hạnh phúc khi sống trên đất nước Việt Nam không có tự do, không có quyền con người. Vì vậy từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đã tạo ra dòng chảy xối xả, bất tận, dòng người Việt Nam bất hạnh bỏ nước ra đi.
Hàng trăm người chồng chất trên những con thuyền gỗ bé nhỏ, mỏng manh ồ ạt vượt biển những năm bảy mươi, tám mươi thế kỉ hai mươi. Đi công cán đối ngoại quốc gia, đi du lịch, đi xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại nước ngoài sống chui lủi bất hợp pháp cũng chấp nhận để được rời bỏ kiếp sống hợp pháp nhưng phải làm nô lệ cộng sản. Không ồ ạt như dòng thuyền nhân vượt biên bất hợp pháp, dòng người đi công cán hợp pháp rồi trốn ở lại nước ngoài diễn ra âm thầm nhưng kéo dài suốt hơn nửa thế kỉ qua và còn tiếp diễn khi nhà nước cộng sản còn cai trị trên đất nước Việt Nam.
Cả những quan chức cấp cao trong triều đình cộng sản như Võ Kim Cự khi đương chức cũng đã có tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, có nhà, có đất, có con cháu ở nước ngoài chuẩn bị sẵn cơ ngơi và điều kiện cho họ định cư ở nước ngoài khi họ rời quyền lực về làm dân. Cả quan chức nhà nước cộng sản cũng đã bỏ nước lưu vong ngay khi đang cai trị dân, cướp quyền dân.
Cướp quyền dân, mặc sức vơ vét, tàn phá đất nước, quan chức cộng sản dù có cuộc sống đế vương, sống trên đất nước mà họ vơ vét, tàn phá cũng không thể có hạnh phúc. Trả lại quyền dân, trả lại quyền qui hoạch cán bộ các cấp cho dân, đất nước mới hết thảm họa, đất nước mới giầu mạnh, người dân Việt Nam mới có hạnh phúc được sống trên đất nước Việt Nam thân yêu của mình.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN
VIỆT NAM: NGHỊ TRƯỜNG BỘC LỘ NĂNG LỰC QUAN CHỨC
PHẠM QUÝ THỌ/ BBC 15-11-2019
Năm chủ tịch quốc hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm hôm 21/10
Năm chủ tịch quốc hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm hôm 21/10
Nghẽn nhân lực khu vực công là nghiêm trọng. Phẩm chất và năng lực quan chức thường được che đậy bởi các quy định của tổ chức và sự thích nghi của cá nhân họ.
Chính họ tạo ra cơ chế, và rồi trở thành 'nạn nhân' của nó. Trong chiến dịch chống tham nhũng họ biết 'giấu mình chờ thời'. Tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' phản ánh 'sự ứng phó' của quan chức với cơ chế.
Nguyên nhân chủ yếu là thể chế không kịp thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi sang thị trường. Tuy nhiên, có những tình huống, như trên nghị trường, quan chức đã bộc lộ phẩm chất và năng lực quan chức bởi họ đã không thể che giấu được con người thật.
Để nâng cao chất lượng quan chức, cải cách tổ chức, bộ máy hành chính trở nên cấp bách, song trước hết phải thay đổi tư duy.
'Xin lỗi' ngày càng nhiều hơn
Các quan chức 'xin lỗi' ngày càng nhiều hơn trên nghị trường. Trong một kỳ họp Quốc hội thường chọn 4 vị bộ trưởng đăng đàn trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, và trong quá trình đó có thêm một vài vị bộ trưởng liên quan hoặc các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực 'làm rõ' thêm các vấn đề… Trong phiên chất vấn ngày 7/11/2019 tại Kỳ họp 8 Quốc hội khoá XIV có vị đại biểu QH 'đếm' số lần 'xin lỗi' của vị Bộ trưởng Nội vụ là 5 lần…
Lời xin lỗi của quan chức là cực kỳ hiếm hoi và khó khăn, đặc biệt với dân chúng, nếu có thì chỉ từ tập thể đơn vị trực tiếp gây ra sự cố, và chỉ khi mọi việc đã rồi, hậu quả có thể nặng nề. Đơn cử, như sự cố ô nhiễm nước sạch ở Hà Nội vừa qua khiến cho hàng trăm nghìn cư dân khốn khổ vì nước ăn bị nhiễm dầu mỡ hàng tuần. Sau đó thủ phạm 'Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà' qua truyền thông gửi "lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ". Ông Chủ tịch thành phố phát biểu vô cảm: "Qua sự việc này, chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm và trong thời gian tới TP sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm".
Xin lỗi là một phẩm chất cá nhân tốt đẹp, thể hiện bản lĩnh dám nhìn vào sự thật, tôn trọng những người chịu ảnh hưởng bởi hậu quả có liên quan đến trách nhiệm hay hành vi gây nên. Tuy nhiên, đối với hành vi xin lỗi của quan chức có nhiều nghĩa hơn thế. Họ ít khi 'áy náy' về nhân cách bởi vì họ được cơ chế 'bảo lãnh' về quyền và lợi.
Trên nghị trường các quan chức nhận trách nhiệm về hành vi của mình thường dễ được các đại biểu QH cảm thông và tha thứ. Cả quan chức chính phủ và đại biểu QH đều thuộc hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Trong hệ thống chính trị dựa trên nền tảng chủ nghĩa tập thể, coi chế độ như một tổng thể và luôn quan trọng hơn những cá nhân cán bộ đảng viên cấu thành nó. Các quan chức và đại biểu QH cần phải tuân theo các nguyên tắc tổ chức của Đảng và cách tiếp cận tập thể, thứ bậc trong hành vi ứng xử. Họ thấu hiểu điều đó và cố né những phát biểu mang tính cá nhân, nếu không sẽ bị coi là vị kỷ hay chủ nghĩa cá nhân và sẽ khó tránh bị kỷ luật bởi quyền lực nhân danh 'lợi ích chung' hay lợi ích tập thể'. Bởi vậy, họ che giấu được con người thật.


Quốc hội Việt Nam được trang bị đầy đủ thiết bị để làm việcBản quyền hình ảnhEPA
Image captionQuốc hội Việt Nam được trang bị đầy đủ thiết bị để làm việc

Miễn nhiễm 'văn hoá từ chức'

Không hoặc không thể công khai nhận xét về năng lực của quan chức chính phủ trên nghị trường Quốc hội, gần đây xuất hiện ý kiến về 'văn hoá từ chức'.
Từ chức là việc rời bỏ chức vụ của cá nhân quan chức trước khi hết nhiệm kỳ. Đó là quyết định tự động hay do áp lực nào đó từ bên ngoài do mức độ không hoàn thành chức trách gây hậu quả, sự cố mà quan chức đó trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan.
Văn hóa từ chức là một văn hoá chính trị phổ biến ở các nước châu Âu, ảnh hưởng tới các nước đang phát triển với quan niệm đó là hành vi "đúng đắn cùng lương tri". Văn hoá từ chức có thể được tiếp nhận ở các chế độ dựa trên chủ nghĩa cá nhân, trong đó trách nhiệm về hành vi của quan chức được nhìn nhận, nhưng không được thừa nhận bởi chế độ chính trị với nền tảng chủ nghĩa tập thể. Trong thời kỳ chế độ tập trung, bao cấp với hình thức phân biệt đối xử giữa tập thể, như nhà nước hay biên chế và cá nhân, như cá thể hay 'làm ngoài', thậm chí chia dân chúng thành 'chúng ta' và 'chúng nó'.
Chia sẻ về văn hoá từ chức có đại biểu QH từng nói: "Thời nào cũng vậy, quan chức gắn với trách nhiệm. Có người chức càng to thì hy sinh càng lớn, đứng mũi chịu sào nhưng bây giờ quan chức trong thời đại này có hai mặt: Có quyền hành và quyền lợi. Điều này, ngăn cản quan chức trong quyết định có từ chức hay không từ chức.
Hiện nay, họ luôn dựa vào, họ nằm trong một tổ chức họ chỉ tuân thủ quyết định của tổ chức mà thôi". Phát ngôn này từ hơn 5 năm trước, năm 2014, nhưng đến nay vẫn đúng.
Bản chất chế độ chính trị hiện hành tạo ra sự miễn nhiễm 'văn hoá từ chức' đối với quan chức, bởi vì công tác cán bộ là công việc nội bộ của Đảng CS mang tính nguyên tắc mà mọi đảng viên, lãnh đạo phải tuân thủ. Ngoài ra, cơ chế hiện hành tạo ra một bộ máy quan chức đặc quyền đặc lợi. Từ đó một hành lang răn đe cho hành vi 'bất tuân' được thiết lập. Nếu vị quan chức nào đó 'có gan' từ chức thì sự nghiệp chính trị của ông ta coi như kết thúc. Ngoài ra, ông ta không những mất đi đặc lợi cho bản thân và gia đình, mà còn có thể chịu rủi ro về đạo đức.


Đường hướng phát triển Việt Nam đang cần sự sáng suốt của đội ngũ cán bộBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionĐường hướng phát triển Việt Nam đang cần sự sáng suốt của đội ngũ cán bộ

'Che giấu năng lực yếu kém'

Quan chức 'xin lỗi', 'xin nhận trách nhiệm' khi những thiếu xót và hậu quả là rõ ràng. Tuy nhiên, trước những câu hỏi khó, vấn đề mới hay 'nhạy cảm' được đại biểu QH nêu lên, thì cách ứng xử tốt nhất của quan chức trên nghị trường là 'xin lĩnh hội'. Nó có thể giúp che đậy năng lực yếu kém.
Thể chế chính trị không tương thích với sự chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Thái độ của nhiều quan chức là 'vừa muốn nhưng lại vừa sợ' thị trường. Họ muốn bởi vì thị trường sẽ là công cụ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm đặc lợi cho vị trí quyền lực.
Họ sợ vì những tác động phụ, không mong muốn có thể tuột khỏi tầm kiểm soát, tạo nguy cơ sụp đổ chế độ tạo ra đặc quyền đặc lợi cho họ. Thái độ 'nước đôi' như trên là do nhận thức và diễn giải sai lệch về thị trường. Thí dụ, khái niệm 'nền thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' được giải thích một cách nguỵ biện làm hạn chế về thái độ và hành động của quan chức.
Bất kỳ chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội đều là phương tiện đạt mục đích thịnh vượng của đất nước và người dân. Xã hội tư bản chủ nghĩa với kinh tế thị trường có nền tảng là chủ nghĩa cá nhân, vốn coi động cơ cá nhân là cơ sở của mọi hoạt động xã hội. Phương thức này đang thắng thế.
Trái lại, xã hội chủ nghĩa được thiết lập bằng cách mạng bạo lực, nền kinh tế tập trung dựa trên chủ nghĩa tập thể đã sụp đổ ở Đông Âu. Việt Nam chọn cách duy trì chế độ đảng toàn trị tiến hành chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường 'định hướng xã hội chủ nghĩa'.
Đặc trưng này thách thức năng lực của bất kỳ quan chức nào. Theo quan sát của tôi, trong nhiều phiên chất vấn trên nghị trường các đời bộ trưởng Bộ Nội vụ đều không thể hoặc không giải thích sự tác động của việc chuyển đổi kinh tế sang thị trường đến tổ chức, bộ máy và chính sách nhân lực khu vực công một cách rõ ràng, thuyết phục, cụ thể, câu hỏi như công cụ thị trường để tinh giản biên chế là gì và sử dụng như thế nào trong các bản giải trình trước Quốc hội.

'Thay đổi tư duy cải cách'

Đảng CS xác định nghẽn nhân lực làm đất nước tụt hậu. Nghẽn nhân lực khu vực công, đặc biệt trong hệ thống chính trị, là trở ngại chính cho cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' khiến Đảng phải hành động để 'giải toả' điểm nghẽn này, mà trước hết là thay đổi tư duy cải cách.
Bị níu kéo bởi ý thức hệ CNXH giáo điều, quan niệm rằng tinh giản bộ máy và nhân sự như 'tự lấy đá ghè chân mình' khiến cho nhân lực khu vực công vẫn có xu hướng phình to, hiệu quả công việc thấp và các biểu hiện tiêu cực của quan chức đặc quyền đặc lợi.
Không ai phủ nhận việc nhà nước phải bảo vệ người dân từ ngoại xâm, từ tội phạm ở trong nước, vì vậy cần phải có cảnh sát, tòa án và những dịch vụ công thiết yếu như phòng cháy nổ, cứu nạn… Tuy nhiên, thực tế từ các nước tiên tiến chỉ ra rằng khi bộ máy đảng, nhà nước phình to thì không chỉ phẩm chất và năng lực quan chức giảm đi, mà quyền tự do sẽ nhỏ hơn, cá nhân sẽ nhỏ hơn, lòng tốt và nhân cách con người cũng sẽ nhỏ đi.
Cần tạo ra cơ chế sao cho nhà nước phải luôn là 'chỗ dựa cuối cùng' chứ không phải là 'chỗ dựa đầu tiên' mà nhân dân tìm đến khi 'có vấn đề' như hiện nay.
Ngoài ra, khi nhà nước bành trướng, thì nạn tham nhũng, trục lợi và lợi ích nhóm sẽ tăng lên, bởi vì quyền lực chính trị có sức thu hút vô cùng mạnh, và nhiều người khi có quyền lực vô hạn và tiền bạc vô hạn sẽ lạm dụng những quyền lực, đúng ra, thuộc về nhân dân.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của PGS. TS Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam.
NGUYỄN MẠNH HÙNG- 'NGÔI SAO CHÍNH TRỊ' BAO NHIÊU NGÀN TỶ ?
TRÂN VĂN/ BBC 14-11-2019
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Photo CAND
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT) 
Việt Nam, nhân vật từng được xem như một “ngôi sao chính trị”, lại làm nhiều người thở dài!
Nếu nhận định của ông Hùng: Hiện nay nói gì, thậm chí yêu ai cũng nằm trên mạng xã hội, thành ra nếu chỉ dùng mạng xã hội, não người Việt sẽ nằm ở nước ngoài và điều này sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia (1) – được giới thiệu rộng rãi, chắc chắn sẽ gây hoang mang trên… toàn thế giới!
Làm sao các chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, kinh tế, khoa học – kỹ thuật) có thể chứng minh mạng xã hội là… não và não có thể trở thành một bộ phận… ngoại thân không chỉ của một… cá nhân mà còn của cả một… dân tộc?
Nếu nhìn “não” theo nghĩa… bóng, nhận định của ông Hùng cũng vẫn là một kiểu ví von điển hình chỉ có giá trị đối với các chuyên gia chuyên nghiên cứu về… tâm thần khi cần khảo sát để bổ sung thêm cách nhận biết, lập phác đồ điều trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt!
Làm gì có chuyện người Việt kém cỏi đến mức để mạng xã hội chuyển hóa nhận thức, điều khiển toàn bộ hành vi thay não của họ! Xem mạng xã hội là “não”, cảnh báo về những… nguy cơ khi “não” của một dân tộc nằm ở bên ngoài… biên giới là sự miệt thị đồng bào của mình.
Dùng “an ninh quốc gia” như một lý do nhằm dọa dẫm, tìm kiếm thêm nguồn đầu tư cho mạng xã hội… thuần Việt, nhằm kéo “não” của người Việt về lại Việt Nam, hứa hẹn khả năng kiểm soát “não” của người Việt theo hướng có lợi nhất cho… đảng ta là một kiểu ngụy biện tội nghiệp, chỉ gian mà không khôn!
Nếu đọc kỹ các tường thuật về cuộc đối thoại giữa ông Hùng với các đại biểu Quốc hội Việt Nam hôm 8 tháng 11, có thể nhận ra ngay rằng ông Hùng hoặc là hết sức bất thường về khả năng tư duy và nhận thức, hoặc là hết sức bất lương khi bất chấp thực tế tuyên bố, năm tới, sẽ có… 90 triệu người Việt dùng mạng xã hội Việt Nam!
Thật đáng tiếc khi không có đại biểu nào đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, yêu cầu ông Hùng giải thích thêm, tại sao sau khi ông trở thành Bộ trưởng TTTT, tỉ lệ người Việt sử dụng mạng xã hội thuần Việt đã đạt đến… 65 triệu, tăng 30% so với trước ngày ông nhậm chức mà “não người Việt” vẫn còn “nằm ở nước ngoài”?
***
Ông Hùng, 57 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, kiêm Phó Ban Tuyên giáo, kiêm Bộ trưởng TTTT, từng là thiếu tướng quân đội. Ông Hùng thành tướng không phải do cầm quân mà vì đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Viettel đã và đang được xem là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Quốc phòng, đồng thời còn được xem như điển hình tích cực, biện minh cho việc dốc toàn bộ nguồn lực quốc gia nhằm phát triển các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh và sự đúng đắn trong việc giữ vững chủ trương tạo điều kiện để… “quân đội làm kinh tế”.
Hệ thống truyền thông chính thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng dành rất nhiều giấy, mực ca ngợi Viettel và ca tụng ông Hùng như một ông tướng giỏi… kinh doanh, một doanh nhân nhân tài ba khoác áo lính, một cá nhân có viễn kiến có thể… truyền cảm hứng cho đám đông, đặc biệt là giới trẻ (2)…
Chưa cơ quan truyền thông nào trong hệ thống truyền thông chính thức thử tìm hiểu và công bố, Viettel đã sử dụng bao nhiêu phần trăm hệ thống hạ tầng thông tin dành cho quốc phòng để kiếm tiền (?), hệ thống này trị giá bao nhiêu (?), bao nhiêu phần trăm ngân sách dành cho quốc phòng đã được rót vào Viettel (?),…
Cũng chưa có cơ quan hữu trách nào thử so sánh và trả lời cho công chúng, nếu tính đúng, tính đủ, liệu doanh thu và lợi nhuận của Viettel có tương xứng với nguồn lực dành cho quốc phòng mà Viettel đang tận tình khai thác (?), khai thác như thế có làm suy yếu khả năng quốc phòng và “mượn đầu heo nấu cháo” như Viettel có hợp lý (?)…
Một trong những lý do khiến ông Hùng được đánh giá cao, Bộ Quốc phòng và nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “nở mày, nở mặt” là Viettel Global – doanh nghiệp đảm trách đầu tư, phát triển các thị trường bên ngoài Việt Nam của Viettel.
Viettel Global đã đầu tư vào chín quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, ở châu Phi và ở Nam Mỹ. Bên cạnh vô số “những lời có cánh” dành cho Viettel và ông Hùng về Viettel Global, một vài nguồn tiết lộ: Năm 2016, Viettel Global lỗ 3.475 tỉ đồng. Năm 2016 lỗ 481 tỉ đồng. Năm 2018 lỗ 797 tỉ đồng (3).
Liệu các dự án đầu tư vào thị trường viễn thông bên ngoài Việt Nam của Viettel có giống như các dự án đầu tư vào thị trường dầu khí bên ngoài Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – 11/13 dự án thua lỗ và khiến PVN (xét về bản chất là chính người Việt) mất trắng nhiều ngàn tỉ đồng (4)?..
***
Con đường đưa ông Hùng trồi lên như một “ngôi sao chính trị”, kiểu tư duy và các chiêu, trò mà ông Hùng thể hiện qua những tuyên bố - nhận định từ khi ông được chọn để thay thế ông Trương Minh Tuấn, đảm nhận cả vai trò Phó Ban Tuyên giáo BCH TƯ đảng CSVN lẫn Bộ trưởng TTTT, khiến người ta nhớ đến hai “ngôi sao chính trị”: Đinh La Thăng và Nguyễn Bá Thanh.
Hai “ngôi sao chính trị” đã tắt vừa “trảm tướng”, thề “hốt liền, không nói nhiều”,… vừa lấy của người Việt nhiều ngàn tỉ liệu đã đủ để người Việt cảnh giác với những “ngôi sao chính trị” khác của đảng ta? Thay vì trầm trồ hãy chú ý nhiều hơn đến Viettel, tuy so sánh “mạng xã hội – não” ngớ ngẩn nhưng đó là so sánh trị giá nhiều ngàn tỉ!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét