Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

20191126. TRUNG QUỐC ĐANG 'XÂM LĂNG VĂN HOÁ' VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

ÁO DÀI VIỆT NAM VÀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ VĂN HOÁ

NHẬT LỆ/ DV 24-11-2019


(Dân Việt) Trong những trang sử Việt, chiếc áo dài và đàn bầu luôn là hai biểu tượng gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa và tinh thần. Chiếc áo dài là một "quyền lực mềm" bảo vệ mọi sự xâm nhập và đồng hóa đến từ phương Bắc suốt  ngàn năm bị đô hộ. Thử tưởng tượng một ngày, cả hai biểu tượng đó đều “biến mất”, hoặc trở thành di sản văn hóa phi vật thể của một dân tộc nào khác?

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Mượn cách nói của một nhạc sĩ, cũng giống như tiếng Việt, áo dài còn, đàn bầu còn thì dân tộc ta còn.
Nhưng có những vật báu, những di sản mà nếu như không biết trân trọng và gìn giữ, kẻ khác sẽ chiếm giữ. Chiếc áo dài Việt cũng có cơ bị mất nguồn gốc “made in Việt Nam”, khi một nhà thiết kế  (NTK) Trung Quốc làm một bộ sưu tập thời trang có “tiếp biến”, có “học hỏi” và đặc biệt, “copy” y chang áo dài của các NTK người Việt, mà lại tự nhận là “trang phục Trung Quốc”, hay mang “phẩm giá Trung Quốc” (!).


ao dai viet va "duong luoi bo van hoa" hinh anh 1
 

Áo dài của Thủy Nguyễn bị NTK Trung Quốc copy thành "trang phục Trung Quốc".
Điều này họ cũng từng làm với chiếc đàn bầu, khi làm bộ hồ sơ dày cộp đăng ký lên UNESCO để xin công nhận nhạc cụ thuần Việt này là “di sản văn hóa phi vật thể” của họ.

Kịch bản lặp lại, liệu có đến lúc chiếc áo dài Việt cũng nằm trong hồ sơ tương tự kiểu như vậy không?
Muốn vậy, không ai hết, ngoài các NTK Việt, các nhà quản lý văn hóa và cả người dân nữa, phải tự cứu lấy di sản của mình.
Áo dài là của người Việt, điều đó không thể chối cãi, nhưng làm sao gìn giữ trang phục truyền thống đó như một di sản phi vật thể là điều cần làm ngay bây giờ, trước khi quá muộn.
Khi chưa công nhận áo dài là quốc phục trên mặt giấy tờ thì những tranh cãi sẽ còn kéo dài. Chính vì thế, chúng ta cần củng cố chứng cứ về mặt pháp lý, rằng chiếc áo dài là của người Việt.


ao dai viet va "duong luoi bo van hoa" hinh anh 3


 
Thời trang áo dài của Sỹ Hoàng với họa tiết hoa sen tao nhã.
Điều đó có nghĩa rằng, Chính phủ và Quốc hội nên chăng thông qua hồ sơ công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thuộc sở hữu của Việt Nam tại UNESCO. Thậm chí, đăng ký bản quyền áo dài với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, là của người Việt.
Điều này từ lâu đã được các NTK Việt xúc tiến thực hiện, nhưng kéo dài nhiều thời gian và gặp không ít trở ngại. Điển hình, những NTK tâm huyết như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng và lớp NTK sau này vẫn luôn đau đáu làm được điều gì đó cho áo dài khi đi ra thế giới. Là bởi, họ ý thức rõ, “văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho người Việt?”, như câu hỏi mà NTK Sỹ Hoàng đặt ra hôm nay.
Chuyện di sản phi vật thể Việt bị nước khác “nhận vơ” thành của mình từ lâu không mới, nhưng vấn đề then chốt là làm sao để tránh được tình trạng bị xâm thực về văn hóa, và cảnh báo về “đường lưỡi bò văn hóa” phi pháp thứ hai.


ao dai viet va "duong luoi bo van hoa" hinh anh 5


 
Thời trang áo dài của Minh Hạnh giới thiệu ở Nga.
Ở trận địa này, các nhà thiết kế Việt phải ý thức về tính dân tộc sâu sắc thì mới đủ sức mạnh để bảo vệ hình tượng chiếc áo dài Việt. Khó có thể chấp nhận việc thiếu ý thức đến mức thiết kế trang phục áo dài cách tân kết hợp với váy đụp vì đó là ảnh hưởng từ thời trang của Trung Quốc. Hơn nữa, áo dài có chuẩn mực của truyền thống, không thể dễ dãi mang ra phá vỡ một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết. Cũng không để cho những người ngoại quốc vì cơn cớ gì đó mà “phá nát” áo dài, biến áo dài thành “thảm họa”, như trường hợp cô ca sĩ Mỹ mặc áo dài nhưng kèm với quần tất, dẫn đến làn sóng phản đối của cư dân mạng gần đây.

Là bởi, đúng như NTK Minh Hạnh cảnh báo, “sự chiếm dụng văn hoá nguy hiểm hơn sự chiếm dụng thực địa, chúng ta sẽ mất cả lịch sử”!
Vậy trọng trách đặt lên những NTK, khi đi ra nước ngoài giới thiệu một bộ sưu tập, phải khiến người ta nhận ra đâu là bản sắc, đâu là sự tự tôn của chiếc áo dài. Và đặc biệt, phải trân trọng cả câu chuyện về chất liệu, về truyền thống. Không thể lấy chất liệu của các nước, dù cao cấp mấy đi chăng nữa, để thiết kế nên chiếc áo “hồn Trương Ba da Hàng Thịt”. Bởi câu chuyện chất liệu áo dài còn chứa đựng hồn Việt, chứa đựng văn hóa và tâm thức Việt.
Hàng năm, hàng chục cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ trong và ngoài nước, tại sao có người chọn áo dài làm quốc phục dự thi như một cách truyền bá vẻ đẹp của trang phục truyền thống, nhưng lại có những NTK “cách điệu” thành những bộ trang phục “ráp ghép” mỗi nơi một ít, không rõ xuất xứ từ dân tộc nào? Tất cả đều nên xuất phát từ ý thức giữ gìn vẻ đẹp và bản sắc của chiếc áo dài, để tôn vinh tinh thần dân tộc.
Điều gì xảy ra khi người Việt mất chiếc áo dài? Đó là trách nhiệm không riêng của một ai. Bởi đằng sau đó còn là câu chuyện của  lòng tự tôn, câu chuyện lãnh thổ, cương vực, văn hóa và lịch sử.



KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ ĂN CẮP  MÀ LÀ XÂM LĂNG VĂN HOÁ

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 25-11-2019

Báo Thanhnien.vn trong bài “Biến áo dài Việt thành 'phong cách Trung Quốc': Khác nào ăn cắp!” cho biết:
“Công chúng không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước bài đăng của China Daily về bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 diễn ra hồi tháng 10.2018.
Tờ nhật báo nói tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè).
Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này là phong cách của Trung Quốc”. [1]
Thông tin trên Bách khoa toàn thư mở Wikipediacho biết “China Daily là một nhật báo nhà nước bằng tiếng Anh phát hành tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ sở hữu: Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện”. [2]
Tìm vào địa chỉ của China Daily, dưới hình người mẫu mặc áo dài (Việt Nam) tờ báo này còn viết:
“A model displays a new creation at the fashion show of Ne·Tiger during the China Fashion Week Spring/Summer 2019 in Beijing, China”.
(Dịch: Một mẫu (áo, trang phục- người viết) thể hiện một sáng tạo mới tại buổi trình diễn thời trang của Ne • Tiger trong Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân / Hè 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc).
Khoan nói về “sáng tạo mới” của Ne • Tiger với mẫu áo dài (của Việt Nam), ngược dòng thời gian một chút, vào năm 2016, báo Vietnamnet.vn cho hay:
“Một hướng dẫn viên trẻ đang thuyết minh trên xe thì bị người Trung Quốc giật mic, bảo "Biển Đông là biển Nam Trung Quốc".
Một người Hoa khác giới thiệu "cố đô Huế giống kiến trúc Trung Quốc vì trước đây khu vực này là của Trung Hoa". [3]
Không thể phủ nhận người Trung Quốc cổ đại đã để lại cho nhân loại những di sản văn hóa, khoa học vĩ đại như phát minh cách làm giấy, thuốc nổ,… nhưng những người có lòng tự trọng không bao giờ nhận vơ thứ của người khác làm của mình.
Kiến trúc Việt Nam giống kiến trúc Trung Quốc hay ngược lại chỉ cần tìm hiểu trong kho tàng sách do chính người Hoa biên soạn và hiện còn lưu trữ.
Chính người Trung Quốc đã thừa nhận vị Tổng công trình sư thiết kế Tử cấm thành tại Bắc Kinh ngày nay là một người Việt tên là Nguyễn An.
Nghiên cứu của tác giả Phạm Minh Thảo trình bày trong cuốn “Chuyện về các quan thái giám trong lịch sử phong kiến Việt Nam”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2010 trích dẫn:
“Sách “Kinh thành ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ mô tả rằng: 
“Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế.
Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng”. 
Những người hiểu biết tại Trung Quốc không phản đối Dương Sĩ Kỳ, những người bình thường không biết đến Nguyễn An, phải chăng người ta ngại nói đến một người Việt đã để lại cho Bắc Kinh một di sản không nơi nào trên thế giới 
Tuy nhiên vẫn có người Trung Quốc lên tiếng thừa nhận sự thật lịch sử này.
“Nhà sử học Trương Tú Dân ở Thư viện Bắc Kinh đã nhận xét:
“Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một.
Còn Nguyễn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh.
Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ.
Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay.
Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên”. (Sách đã dẫn)
Trở lại 11 mẫu trang phục áo dài được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân / Hè 2019, có hai mẫu (số 1 và 4) áo dài kết hợp với nón lá.
Từ điển tiếng Anh trực tuyến Lexico.com (English Dictionary, Thesaurus, & Grammar Help) trích nguồn từ Oxford(Powered by Oxford) giải thích khái niệm “ao dai” (áo dài) như sau:
“A Vietnamese woman's long-sleeved tunic with ankle-length panels at front and back, worn over trousers”. [5]
(Dịch: Ao dai là loại áo dài tay của phụ nữ Việt Nam với thân áo dài đến mắt cá chân ở phía trước và sau, mặc trùm phía ngoài quần).
Ảnh chụp màn hình Lexico.com
Một từ điển trực tuyến khác (Online dictionaries by bab.la)  đặt bên cạnh từ “áo dài” biểu tượng sao vàng trên nền đỏ - quốc kỳ của Việt Nam - kèm lời giải thích như sau:
“Áo dài”: traditional Vietnamese dress. [6]
(Dịch: Áo dài: Trang phục truyền thống của người Việt Nam)
Ảnh chụp màn hình từ điển bab.la
Trong bộ từ điển tiếng Anh uy tín thế giới Oxford, có ba từ tiếng Việt, bên cạnh từ “ao dai” (áo dài) còn hai từ “pho” (phở) và “banh mi” (bánh mì).
Trước sự việc trên, báo chí nước ngoài nêu câu hỏi: “Trình diễn áo dài, nón lá: Trung Quốc có “xâm lấn” Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa”?
Ngoài “kiến trúc”, “áo dài”, cũng cần phải nói thêm về “đàn bầu”. Một tác giả người Việt cho biết:
“Trung Quốc đã lập xong hồ sơ để trình lên UNESCO để yêu cầu công nhận đàn bầu là một di sản văn hóa của họ”. 
Đây là “sáng tạo” trang phục Trung Quốc của Trương Chí Phong?
Xin nhấn mạnh việc đưa hai bức hình về “sáng tạo” của Trương Chí Phong, người viết quyết định không gạch chéo bởi nó làm mất đi vẻ đài các, kiêu sa của tấm áo dài Việt Nam dù người ta ngộ nhận đó là “Chinese style”.
Đồng hóa, nô dịch là bản chất của kẻ xâm lược, mất văn hóa là mất nước, điều này những người bình thường nhất cũng biết.
Trung Quốc đang cố tình cài cắm “Đường lưỡi bò” vào các sản phẩm văn hóa tuồn sang Việt Nam. Có thể tìm thấy đường lưỡi bò trong phim ảnh, hộ chiếu, sách giáo khoa, quả địa cầu, bản đồ chỉ đường trên ô tô,…  
Giờ đây, tờ báo của nhà nước Trung Quốc chính thức đưa những mẫu áo dài của Việt Nam thành “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc), phải chăng tất cả đều nằm trong một chiến lược tổng thể theo triết lý của Gơ ben:
 “Nếu cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, người ta rồi sẽ tin lời nói dối đó”.
Một cơ quan truyền thông nước ngoài viết:
“Dù bộ sưu tập thời trang hoàn toàn mang phong cách Việt Nam, nhưng trang Xinhuanet lại trích lời nhà sáng lập thương hiệu thời trang Ne Tiger, ông Trương Chí Phong, rằng:
“Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.
Thế nào gọi là “sáng tạo” nếu sản phẩm sao chép hoàn toàn kiểu dáng, mẫu mã của áo dài Việt Nam ít nhất là trong các thiết kế số 1 và số 4? 
Phải chăng cách làm của tác giả Trương Chí Phong lấy cảm hứng từ đường lưỡi bò chứ không phải cảm hứng từ những nét văn hóa đặc trương của các nước láng giềng? 
Nếu tác giả Trương Chí Phong chịu khó xem các phim cổ trang (thời nhà Thanh) do Trung Quốc sản xuất như Diên hy công lược, Hậu cung như ý,… liệu có tìm thấy bộ trang phục nào có nón lá áo dài như thiết kế hay không?
Chống lại cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài không thể chỉ dựa vào sự cảnh giác của người dân mà trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo,...
Có phải các cơ quan quản lý nhà nước đã có chỉ đạo quyết liệt để chống lại sự xâm lăng văn hóa ngày một mạnh hơn, thâm hiểm hơn đến từ phía Trung Quốc?
Tài liệu tham khảo:
[1] //thanhnien.vn/van-hoa/bien-ao-dai-viet-thanh-phong-cach-trung-quoc-khac-nao-an-cap-1151192.html
[2] //www.chinadaily.com.cn/a/201810/26/WS5bd2ba7da310eff303284c9a.html
[3] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/huong-dan-vien-nguoi-hoa-noi-co-do-hue-thuoc-tq-313329.html
[4] //www.dkn.tv/van-hoa/tu-cam-thanh-la-niem-tu-hao-trung-hoa-nhung-duoc-xay-nen-boi-mot-nguoi-viet.html
[5] //www.lexico.com/en/definition/ao_dai
[6] //en.bab.la/dictionary/vietnamese-english/%C3%A1o-d%C3%A0i

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét