Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

20191118. NGHĨ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG

THÁNG 11 NGHĨ VỀ SỰ TÔN VINH NHỮNG NGƯỜI THẦY NGÀY NAY

NGUYỄN CAO/ GDVN 13-11-2019

Tháng 11, xã hội thường hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam với nhiều hoạt động để tôn vinh người thầy nhưng đâu đó thì hình ảnh người thầy đang bị đối xử một cách thê thảm.
Năm nào bước vào đầu năm học cũng hàng loạt giáo viên bị cắt hợp đồng, vẫn có hàng ngàn giáo viên đang dạy học mà hưởng đồng lương hợp đồng chỉ đủ để đổ xăng nhưng tình yêu nghề vẫn níu chân nhiều thầy cô ở lại.
Nhiều thầy cô bị phụ huynh xúc phạm, nhiều sinh viên sư phạm vẫn sống lay lắt để chờ một cơ hội việc làm…Nỗi buồn ấy càng minh chứng cho hình ảnh người thầy chưa bao giờ được đối xử là một “nghề cao nhất trong những nghề cao quý”.
Nghề giáo đã thực sự là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý? (Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Phận giáo viên hợp đồng...
Những ngày qua, câu chuyện giáo viên hợp đồng lại nóng nghị trường Quốc hội khi hàng loạt giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc. Ngay tại Thủ đô Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển viên chức và có nhiều người rớt ngay từ vòng 1 dù họ đã có nhiều năm công tác. 
Nhiều thầy cô đã lỡ dở tuổi xuân của mình bởi khi vào nghề thì họ đang là những người thanh niên trẻ, khỏe, cống hiến hàng chục năm trong ngành, đến khi luống tuổi bị mất việc, giờ họ không biết đi đâu, làm gì khi tuổi xuân đã qua đi!
Sống giữa đất Thủ đô giữa thời điểm bây giờ mà lương tháng chỉ hơn một triệu đồng thì nuôi thân còn không đủ nói gì đến giúp đỡ gia đình, nuôi vợ, nuôi con. Vậy mà có nhiều giáo viên vẫn bám trụ được nhiều năm với một hy vọng sẽ được ký hợp đồng dài hạn, được yên ổn để gắn bó với ngành giáo dục.
Thế nhưng, dù Bộ Chính trị đã đồng ý, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn về việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng trước năm 2015 nhưng địa phương vẫn quyết tâm thi, quyết tâm thanh lọc đội ngũ giáo viên hợp đồng không một chút xót xa…
Và đâu chỉ Thủ đô Hà Nôi, nhiều địa phương khác cũng trong trường hợp tương tự, có những giáo viên mầm non lương tháng chỉ 700 ngàn đồng mà làm việc cả ngày, kín cả tuần thử hỏi tình yêu nghề có trọn vẹn được mãi hay không?
Đất nước nghèo nhưng không nghèo đến nỗi chỉ đủ tiền trả cho giáo viên hợp đồng ngày vài chục nghìn đồng để được gọi là…lương. Số lương này tồn tại đã khó chứ nói gì đến chuyện "sống được bằng 
Trong khi, số tiền ấy nếu là lao động phổ thông, không cần trình độ cũng chỉ 2-3 ngày công cũng bằng tiền giáo viên cả tháng. Như vậy, nghề giáo đã thực sự là nghề cao quý hay chưa?
Đó là chưa kể một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua ở một số địa phương là các giáo sinh khi ra trường đều phải tất bật đi tìm việc làm. Dù là trong đơn viết “đơn xin việc” nhưng nếu chỉ có mỗi cái đơn này thì không mấy khi tìm được việc làm.
Vì thế, nhiều người nói vui rằng phải là “đơn mua việc” mới đúng với những gì đang xảy ra trong việc tuyển dụng hay thuyên chuyển giáo viên. Bởi, nếu người đi xin việc mà không phải người thân của những người có thế lực, địa vị hoặc không có tiền thì cơ hội được đứng trên bục giảng mong manh lắm.
Nhiều nhà giáo đang phải co mình lại
Có một thực tế là xã hội luôn kỳ vọng vào đội ngũ nhà giáo, muốn nhà giáo hết lòng vì giáo dục, muốn thầy luôn đối xử tốt với con mình nhưng nếu khi nhà giáo có một hành động chưa phù hợp lại xem họ như là tội đồ.
Mới đây nhất là vào ngày 5/10/2019, trước cửa lớp mầm non Trường tư thục Tuổi Thơ Xanh, thuộc tổ 2, khu 2, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra sự việc phụ huynh Đỗ Thanh Toàn đã có hành vi chửi bới, dùng tay tát vào mặt và bắt các cô giáo: Hà Thị H, Ngô Vân K, Đặng Thị L. quỳ gối trước cửa lớp học.
Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do phụ huynh này cho rằng các cô giáo này đã đánh và bạo hành với con gái của Toàn là cháu Đỗ A.T- đang học tại lớp mầm non ở trường này.
Đầu năm 2018, dư luận cũng một phen bàng hoàng khi phụ huynh Võ Hòa Thuận (SN 1984) cư trú tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng ép buộc cô giáo B.T.T.N (giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh) quỳ gối xin lỗi mình…
Dù biết rằng những giáo viên này đã có hành động không phù hợp khi bạo lực với học sinh- đó là điều đáng trách vô cùng.
Nhưng, hành động của phụ huynh như vậy là thực sự phản cảm và đặt cái tôi của mình quá lớn. Họ có thể bắt các nữ giáo viên này quỳ, đánh các giáo viên này nhưng sau mỗi hành động như vậy xã hội có chấp nhận được hay không? Và, họ đã giáo dục được gì cho con mình?
Nhiều giáo viên bị đuổi việc vì có những hành động không phù hợp khi gặp học trò hỗn láo hoặc không chịu học bài. Nhiều giáo viên bị trù dập, hoặc bị đẩy vào đường cùng, thậm chí bị buộc thôi việc khi đứng lên tố cáo lãnh đạo nhà trường khiến cho nhiều giáo viên khác co mình lại.
Những sự cố giáo dục xảy ra, điều đầu tiên để trấn an dư luận là lãnh đạo nhà trường và địa phương tìm cách buộc thôi việc giáo viên để làm dịu dư luận mà không thấy được những khó khăn hàng ngày thầy cô phải đối mặt. Nhiều trường hợp giáo viên không bao giờ có cơ hội sửa sai cho việc làm của mình.
Giáo dục sẽ đi về đâu khi thân phận người thầy chưa được đối xử công bằng trong việc tuyển dụng, thuyên chuyển, điều động công tác?
Thế hệ công dân tương lai sẽ ra sao khi mà giáo viên đang đơn độc trong giáo dục học trò của mình. Mọi thứ cứ “trăm sự nhờ thầy” nhưng thầy gặp một sơ sẩy, sai sót trong phương pháp giáo dục thì phụ huynh đe nạt, dọa thầy, kiện thầy, tẩy chay thầy và mong thầy bị đuổi việc….
Tháng 11, nhiều người nghĩ về tính “tôn sư trọng đạo”, dùng nhiều từ hoa mỹ, tổ chức rình rang để hô hào suông rồi mọi chuyện cũng sẽ nhanh chóng qua đi. Cái cần nhất của người thầy đứng lớp là nhận được sự cảm thông, chia sẻ, chung tay giáo dục học trò từ phía phụ huynh.
Và, họ cần một công việc lâu dài cho mình, họ cần có môi trường bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau chứ không phải vừa dạy, vừa lo sợ không biết ngày nào mình bị cắt hợp đồng, không phải lúc nào cũng lo đối phó với cấp trên về văn bằng, chứng chỉ, thanh tra, kiểm tra và đầy phiền nhiễu như những gì đang diễn ra.
NGUYỄN CAO

GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHẤT ĐỊNH PHẢI DỠ RA LÀM LẠI
QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 13-11-2019

Những điều không mới
Những ngày đầu năm học mới 2019-2020, báo Tuổi Trẻ có thực hiện bài phỏng vấn ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Bài báo có tựa đề: “Bộ trưởng Bộ giáo dục – đào tạo: năm học mới ưu tiên “dạy người” [1]. Trước hết, xin được nói ngay là tôi không có ý bắt bẽ câu chữ mà rất chia sẻ với vị “tổng tư lệnh” ngành giáo dục về “thông điệp” của ông bằng tinh thần và cái nhìn tích cực nhất. Nghĩa là, tôi hiểu ý của ông Bộ trưởng muốn nói rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành giáo dục trong năm học này là phải ưu tiên việc “dạy cho học sinh làm người” hay chính xác hơn nữa là “dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam Nên Người”, thành những con người đàng hoàng, tử tế… (chứ không như những gì tôi biết thì ngay sau đó cộng đồng mạng cũng đang phân tích và diễn giải theo hướng hài hước và tếu táo: “ông Bộ trưởng nói năm nay“ưu tiên dạy người” vậy những năm trước đây ngành giáo dục ưu tiên dạy ai, chẳng lẽ không phải người”).
Tuy vậy, như ông bà ta thường nói “danh có chính thì ngôn mới thuận”, hay nói khác đi, ngôn ngữ là sự phóng chiếu, phản ánh tư duy và nhận thức của mỗi cá về một vấn đề nào đó. Thế nên, sau khi đọc đi đọc lại bài trả lời phỏng vấn của ông Bộ trưởng không hiểu sao tôi lại thấy hoang mang hơn cho cái sứ mệnh “trồng người” của ngành giáo dục hiện nay (và có lẽ sẽ còn kéo dài trong tương lai)?
Tôi hoang mang vì những điều ông Bộ trưởng nói tuy không hẳn là sai nhưng với tôi đó vẫn là cách nói chung chung về một vấn đề hoàn toàn chẳng có gì mới mẽ. Nếu tôi nhớ không lầm thì vấn đề ưu tiên dạy làm người cho thế hệ trẻ đã được rất nhiều các nhà giáo, nhà văn hóa tâm huyết đã đau đáu và trăn trở cũng như nhiều lần lên tiếng cảnh báo cách nay cũng có hơn 30 năm. Trong tư cách của một Bộ trưởng – “tổng tư lệnh” của toàn ngành giáo dục, tôi nghĩ GS-TS Phùng Xuân Nhạ hẳn cũng đã từng nghe phát biểu rất chân thành, thẳng thắn và nổi tiếng của cố Giáo sư Hoàng Tụy – một nhà giáo đáng kính vừa mới tạ thế cách đây không lâu – rằng: “Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường!” [2]. Cách nói “lạc đường” này của cố Giáo sư Hoàng Tụy theo tôi hiểu cũng bao hàm vấn đề “dạy làm người” mà ông Bộ trưởng đã nói ở trên. Nghĩa là, thời gian qua nền giáo dục nước nhà đã thay vì chú trọng đến việc dạy cho thế hệ trẻ những giá trị làm người cốt lõi và mang tính phổ quát nhất của nhân loại chỉ chăm chăm hướng đến việc nhồi nhét kiến thức một chiều; hoặc không thì chỉ hướng đến việc thi cử và báo cáo thành tích về trên…Và tiếc thay sự cảnh báo này của cố Giáo sư Hoàng Tụy và rất nhiều người nữa từ đó đến nay dường như rất ít được “những người có trách nhiệm” chân thành lắng nghe để điều chỉnh, thay đổi dù rằng trong nhiều năm qua Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều kinh phí cho các đề án, dự án nhằm “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục…”
Ai sẽ là người tiên phong hành động?
Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ông Bộ trưởng có nhắc lại và đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm giáo dục “toàn diện”, “vừa giỏi vừa ngoan”“vừa hồng vừa chuyên” cho thế hệ trẻ… Những điều này, theo ông đang được những người tổ chức xây dựng và biên soạn chương và sách giáo khoa mới quán triệt, vận dụng và sẽ triển khai đại trà trong thời gian tới:
“Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Mọi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới, ở các mức độ khác nhau đều có nhiệm vụ phát triển năng lực, bồi đắp tâm hồn, giá trị sống cho học sinh thông qua nội dung và phương pháp giáo dục truyền cảm hứng, tạo động lực để học sinh "học qua làm" mà phát triển phẩm chất, năng lực”.
Ngoài ra, ông Bộ trưởng cũng không quên đặt vấn đề “nêu gương của đội ngũ thầy cô giáo”, đặc biệt là “vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt” như một giải pháp nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ dạy làm người của toàn ngành giáo dục trong năm học này.
Những điều ông Bộ trưởng nói quả rất hay nhưng rất tiếc tôi phải nói rằng tất cả vẫn chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Hay nói khác đi, nghe ông Bộ trưởng nói, tôi chỉ thấy băn khoăn và tự hỏi trong điều kiện và bối cảnh của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay ai sẽ là người tiên phong hành động nhằm cụ thể hóa vấn đề này? Quan trọng hơn nữa là sẽ bắt đầu từ đâu và như thế nào để mang lại kết quả cao nhất?
Bằng trải nghiệm và sự quan sát của cá nhân về những gì đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục nhiều năm qua, tôi rất đồng cảm và chia sẻ quan điểm của nhiều nhà giáo, nhà văn hóa tâm huyết, rằng giáo dục Việt Nam để không còn “lạc đường” (như cách nói của cố Giáo sư Hoàng Tụy ở trên) nữa thì nhất định phải dũng cảm “dỡ ra” để “làm lại”. Đặc biệt là phải xuất phát từ điểm mấu chốt nhất đó là thay đổi tư duy về các vấn đề liên quan đến BỘ MÁY LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ các cấp trong toàn ngành giáo dục. Cụ thể hơn là cần có sự đột phá trong VẤN ĐỀ LỰA CHỌN CON NGƯỜI để giao trọng trách tổ chức và điều hành nhằm cụ thể hóa những chủ trương chính sách giáo dục của Nhà nước. Những con người được lựa chọn nhất định ngoài năng lực về chuyên môn thì SỰ TRUNG THỰC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG – những phẩm chất hàng đầu có tính phổ quát trong đạo lý làm người – phải là tiêu chí quan trọng nhất.
Có một logic thông thường và cũng là một quy luật không thể chối cãi là chúng ta không thể “cho”, không thể dạy người khác những gì mà mình không có.
Một nền giáo dục mà sinh viên sư phạm khi ra trường muốn được hành nghề phải lót tay, chung chi…
Một nền giáo dục bị chi phối bởi căn bệnh phong trào và thành tích năm này qua năm khác;
Một nền giáo dục mà các thầy cô giáo muốn đủ điều kiện để “thăng hạng” phải đi “mua chứng chỉ ngoại ngữ” trong sự dối trá vì những quy định trên trời của người làm chính sách từ phòng lạnh…
Một nền giáo dục mà những người đứng đầu và chịu trách nhiệm tổ chức thi cử nhưng đã vì tiền mà sẵn sàng thay đổi kết quả sao cho có lợi cho con em mình;
Một nền giáo dục mà thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh xông vào trường nhục mạ, xúc phạm thậm chí hành hung giáo viên…
Một nền giáo dục mà một vị Thứ trưởng một ngày nọ đến văn phòng làm việc rồi không hiểu sao lại “rơi tự do” từ tầng 8 xuống đất chết không một lời trăn trối nhưng tuyệt đại đa số dân chúng chẳng ai biết được nguyên nhân chính xác là gì…
Một nền giáo dục mà bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…được ngã giá và mua bán theo “đúng quy trình”…
Một nền giáo dục mà những kẻ bán phá giá tri thức trên giảng đường cũng được gọi là Giáo sư; hay một nền giáo dục mà nạn “đạo văn” hoành hành đến nỗi một ông GSTS bị phát hiện gian dối trong nghiên cứu khoa học trong suốt một thời gian dài (trở thành “vụ án thế kỷ”) nhưng vẫn hoàn toàn bế tắc trong khâu xử lý… thì có phải nền giáo dục ấy đang cố tình chà đạp, coi thường, rẻ rúng sự trung thực và lòng tự trọng của con người hay không?
Một nền giáo dục bầy hầy, tan hoang, nát bét như vậy thì có gì mà tự hào về “những thành tựu vượt bật”. Và thay vì tự hào, tự sướng như thế sao không chân thành tự vấn xem còn có mấy ai trong bộ máy giáo dục hiện nay (từ những người lãnh đạo, quản lý cao nhất đến các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp…) đủ trong sạch để “nêu gương” trước những mầm xanh của đất nước? Ai có thể dõng dạc, đường hoàng nói với thế hẹ trẻ hôm nay về những bài học làm người đặc biệt là về LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ TRUNG THỰC trong cuộc sống mà sau đó không phải xấu hổ khi đối diện với LƯƠNG TÂM mình?
Thay lời kết
Người xưa nói, “nhân vô thập toàn”, điều này có nghĩa là không ai “toàn diện” về mọi mặt vì đơn giản tất cả là con người chứ không phải “thần thánh”. Và cho dù có hấp thu, thụ hưởng bất kỳ một chương trình giáo dục nào đi nữa thì sau đó vẫn cứ là con người không toàn diện.
Một nền giáo dục mà ở đó những người đang được giao trọng trách “trồng người” khác nhưng trên thực tế chính những con người ấy tự “trồng mình” còn chưa/không xong nhưng lại ôm đồm và tham vọng biến thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai thành “thần thánh” thì có ảo tưởng và trái khoái lắm không?
Liệu chúng ta sẽ hi vọng gì về khả năng thành công với cái “dự án” “dạy làm người” nhất là với quan điểm và cách tiếp cận vấn đề này của ông Bộ trưởng hay cụ thể hơn là nguyên cái đề án “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” đã và đang được triển khai bởi những con người cũ? Tại sao ông Bộ trưởng và những người có trách nhiệm trong bộ máy điều hành, chỉ đạo không tiếp cận vấn đề dựa trên thực tế những tồn tại và bất cập của ngành giáo dục hiện nay để có những bước đi phù hợp và hiệu quả nhất? Hay nói khác đi, tại sao “thế giới người lớn” hôm nay không thể hiện sự trung thực của bản thân qua những việc làm cụ thể để thế hệ trẻ được tận mắt chứng kiến thay vì cứ hô hào, nói về những điều to tát, lớn lao trong khi bản thân lại thiếu hụt hay thậm chí là hoàn toàn không có?
Các vị đã và đang phá nát nền giáo dục này, đã và đang làm cho nền văn hóa của dân tộc này suy đồi đến tận đáy rồi, tay đã nhúng chàm quá nhiều lần rồi mà vẫn chưa chịu tỉnh thức sao? Bao giờ thì các vị mới chịu quay đầu và sám hối đây?
------
Nguồn tham khảo:
[1]: “Bộ trưởng Bộ giáo dục – đào tạo: năm học mới ưu tiên “dạy người”. https://tuoitre.vn/bo-truong-gd-dt-nam-hoc-moi-uu-tien-day-nguoi-20190903215410621.htm
[2]: “Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường”https://tuoitre.vn/giao-duc-dang-di-lac-duong-513748.htm


 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-11-19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét