Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

20191124. HỘ KINH DOANH TRONG SỬA LUẬT DOANH NGHIỆP

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐƯA HỘ KINH DOANH VÀO LUẬT SẼ KÉO LÙI LUẬT DOANH NGHIỆP

 LÊ DUY BÌNH/ TVN 21-11-2019

Luật Doanh nghiệp được đánh giá là một trong những luật trong lĩnh vực kinh tế có chất lượng tốt nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu Đổi mới.
Tuy nhiên, ý tưởng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi này, nếu thành hiện thực, sẽ làm sứt mẻ hình ảnh đẹp đẽ của Luật Doanh nghiệp.
Phá vỡ cấu trúc, tư tưởng và logic của Luật Doanh nghiệp
Đưa hộ kinh doanh thành một loại hình doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp và vỡ cấu trúc và logic của luật, khiến bộ luật rất tiến bộ này trở thành một luật chứa đựng đầy mâu thuẫn về phương diện khoa học pháp lý và về thực tiễn.
Điều đó có thể đe dọa tới sự phát triển bền vững của khu vực hộ kinh doanh cá thể và không thể hiện được một triết lý và một phương pháp luận đầy đủ, tổng thể nhằm hỗ trợ sự phát triển của khu vực này. Thậm chí, ngáng đường cho những cải cách của khu vực hộ kinh doanh bởi những luật và quy định khác trong thời gian tới do đặt vị thế của hộ kinh doanh vào “một sự đã rồi”.
Luật Doanh nghiệp đã quy định đầy đủ các hình thức pháp lý như pháp nhân kinh doanh với các hình thức như cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và thậm chí rất mở với các hình thức như doanh nghiệp TNHH một thành viên.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định các hình thức cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân (đáng nhẽ ra phải được gọi là doanh nghiệp cá thể hoặc doanh nghiệp một chủ). Nếu đưa hộ kinh doanh vào luật, câu hỏi đặt ra là bản chất về tư cách pháp lý của hộ kinh doanh sẽ là gì.
Đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ kéo lùi Luật Doanh nghiệp
Đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ kéo lùi Luật Doanh nghiệp
Khi phát sinh các các giao dịch pháp lý, trách nhiệm và quyền lợi theo pháp luật, chúng ta cần phải định danh rõ ràng là hộ kinh doanh sau khi đưa vào luật sẽ có tư cách pháp lý như thế nào? Họ sẽ là pháp nhân kinh doanh hay cá nhân kinh doanh? Họ có trách nhiệm nhiệm hữu hạn hay vô hạn? Nếu là cá nhân kinh doanh và với trách nhiệm vô hạn thì hô kinh doanh sẽ khác gì so với hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp?
Những câu hỏi này sẽ khiến cho ngay cả giới luật sư, các chuyên gia luật pháp bối rối khi giải thích về bản chất pháp lý của hộ kinh doanh cá thể khi được đưa vào Luật Doanh nghiệp và về mâu thuẫn không giải thích được về giữa hộ kinh doanh và hình thức doanh nghiệp tư nhân vốn đã được quy định trong luật. 
Nếu chỉ thuần túy bằng cách ghi tên hộ kinh doanh vào luật, vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh chắc chắn vẫn không được làm rõ về phương diện khoa học pháp lý nếu không trả lời được một cách dứt khoát, rõ ràng những câu hỏi này.
Khiến Luật Doanh nghiệp kém tiến bộ hơn so với các luật khác
Các luật khác tại Việt Nam đang có các quy định và ứng xử với khu vực hộ kinh doanh một cách phù hợp hơn, tiến bộ hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Các luật này kiên trì theo phương pháp tiếp cận tách bạch giữa pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Ví dụ, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận hộ kinh doanh là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Cũng từ nguyên tắc này, các đối tượng không phải là pháp nhân, ví dụ như hộ kinh doanh, sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, ví dụ như vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Tương tự như vậy, các luật khác như Luật Sở hữu Trí tuệ cũng không khẳng định một cách rõ ràng về việc hộ kinh doanh cá thể có thể là một chủ thể được quyền sở hữu tài sản sản trí tuệ. Ngành thuế hiện cũng đang hoàn thiện hệ thống thuế theo nguyên tắc về các pháp nhân kinh doanh, các cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh.
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, và khẳng định một cách chắc chắn là qua việc này, hộ kinh doanh có địa vị pháp lý mặc dù chưa rõ là địa vị pháp lý gì như đề cập ở trên rõ ràng khiến cho Luật Doanh nghiệp kém tiến bộ hơn so với các cải cách đang được thực hiện ở các luật khác. Thậm chí điều này gây mâu thuẫn và cản trở cho những cải cách về quy định pháp luật mà dường như hợp lý hơn hiện đang diễn ra ở các ngành khác.
Xói mòn nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh vốn là nền tảng của Luật Doanh nghiệp
Một trong những tiến bộ của Luật Doanh nghiệp là tôn trọng quyền tự lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không giúp cho việc kéo hộ kinh doanh lên cùng đẳng cấp với doanh nghiệp. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp với quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của các hộ kinh doanh. Gần 5 triệu hộ đang rất yên ổn với hình thức kinh doanh hiện tại. Sự yên ổn và sự lựa chọn hình thức kinh doanh sẽ bị xáo trộn mạnh mẽ nếu đề xuất này thành hiện thực.
Các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động, có mức rủi ro cao về thuế cần phải được chuyển đổi thành doanh nghiệp để trở nên minh bạch hơn. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu vì lý do không thể chuyển đổi các hộ kinh doanh lớn này thành doanh nghiệp mà bắt cả cộng đồng gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể chịu cùng một biện pháp hành chính là không hợp lý.
Luật Doanh nghiệp hiện nay đã có quy định chặt chẽ về vấn đề các hộ có quy mô lớn phải bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Vấn đề nằm ở việc thi hành. Bắt buộc tất cả các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là một đơn thuốc sai cho vấn đề hạn chế về thi hành luật.
Điều đáng nói là đơn thuốc đó được kê cho toàn bộ khu vực hộ kinh doanh vốn đang rất yên ổn với hình thức kinh doanh mà họ đã lựa chọn.
Khiến Luật Doanh nghiệp cập kênh so với thông lệ quốc tế
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm thui chột và phủ nhận lợi thế của một hình thức doanh nghiệp đã được quy định trong luật và là hình thức doanh nghiệp rất phổ biến trên thế giới: doanh nghiệp tư nhân (có bản chất là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ).
Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao hình thức doanh nghiệp một chủ (đã có trong Luật Doanh nghiệp với tên gọi doanh nghiệp tư nhân) tại các quốc gia khác lại vô cùng phổ biến nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại.   
Tại Liên minh Châu Âu (EU), trong số 2,3 triệu doanh nghiệp được thành lập trong năm 2012, 1,6 triệu hay 70% được đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp một chủ. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại một số quốc gia, ví dụ như tại Pháp là 92,3%, Ba Lan 86,9%, Hà Lan 86,4%, và Cộng hòa Séc là 86,1% (EuroStat, 2013). Tại Hungary, trong số 450.733 doanh nghiệp đang hoạt động có tới 53% là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (OECD, 2016). 73% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (US Small Business Administration, 2013).
Trong khu vực Đông Nam Á, trong số 907.065 doanh nghiệp đăng ký tại Malaysia, có 554.900 doanh nghiệp hay 61,2% là dưới hình thức doanh nghiệp một chủ (SMECorp Malaysia, 2017).
Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/ doanh nghiệp một chủ) chỉ chiếm vỏn vẹn khoảng 2,5% vào năm 2017 và 2018. Cũng trong năm này, tỷ lệ người khởi nghiệp lựa chọn hình thức hộ kinh doanh để khởi nghiệp đạt gấp 45 lần so với những người lựa chọn hình thức doanh nghiệp tư nhân.
Chính thức hóa hộ kinh doanh: Không chỉ có một con đường duy nhất
Tại sao các hộ kinh doanh đã không đăng ký theo hình doanh nghiệp một chủ hay các hình thức doanh nghiệp khác? Tại sao chúng ta không tìm cách thực hiện các cải cách để khiến hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ) này hấp dẫn hơn, phù hợp hơn để hộ kinh doanh khi đi đăng ký, sẽ lựa chọn hình thức này?
Tại sao chúng ta không nghiên cứu sâu hơn hướng tiếp cận hiện này của ngành tư pháp, ngành thuế với khu vực hộ kinh doanh và thực hiện các điều chỉnh cần thiết về đăng ký kinh doanh, về quy định đối với chế độ thuế, quy định về quản trị đối với doanh nghiệp tư nhân để đạt được các mục tiêu về chính thức hóa khu vực hộ. Những câu hỏi đó không phải quá khó để trả lời.
Nhưng lựa chọn trả lời các câu hỏi này và tìm các giải pháp phù hợp với các nguyên tắc thị trường thì thường đòi hỏi nhiều hơn thời gian, công sức và trí tuệ.
Đi tắt, đón đầu bằng cách đổi tên hộ kinh doanh thành doanh nghiệp qua việc đưa họ vào Luật doanh nghiệp sẽ dễ dàng giúp chúng ta có được gần 5 triệu doanh nghiệp sau 1 đêm, thậm chí giúp chúng ta vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản về số lượng doanh nghiệp đăng ký chính thức.
Nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất của khu vực hộ kinh doanh, không làm khu vực doanh nghiệp của chúng ta mạnh hơn khu vực doanh nghiệp của các nước khác. Nó thậm chí sẽ tạo ra những hệ lụy mà khoảng 5 hoặc 10 năm nữa nếu chúng ta mới có cơ hội sửa chữa nếu như chu kỳ Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được lặp lại như thời gian qua.
Cần thực sự thận trọng trước ý tưởng vô tiền khoáng hậu này. Chúng ta hoàn toàn có thể chính thức hóa khu vưc hộ kinh doanh cá thể bằng các biện pháp khác, hợp lý hơn với khu vực hộ kinh doanh, phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường và các luật khác mà không cần phải đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp.
Đừng phá vỡ tư tưởng, logic và làm hỏng cấu trúc của Luật Doanh nghiệp!
TS. Lê Duy Bình

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

CHÚNG TA ĐANG 'CHẶT TAY, CHẶT CHÂN ' HỘ GIA ĐÌNH

TƯ GIANG ghi/ TVN 23-11-2019


Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp nói: 
Đối với hộ kinh doanh, điều quan trọng là Nhà nước ứng xử như thế nào với họ, còn việc đưa vào hay đưa ra khỏi Luật Doanh nghiệp là không quan trọng và không phải là mục tiêu của việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này. 
Nhà nước ứng xử với họ theo nghĩa họ là hình thức kinh doanh, họ tồn tại một cách chính danh, và được gỡ bỏ khỏi nhiều những hạn chế trong kinh doanh. 
Như vậy, Luật Doanh nghiệp khẳng định mô hình hộ kinh doanh và không tạo thêm chi phí hành chính cho họ. Giấy chứng nhận kinh doanh tiếp tục tồn tại nhưng giấy ghi thêm một số quyền mới, tạo cơ hội kinh doanh cho họ.
Chúng ta đang ‘chặt tay, chặt chân’ hộ gia đình
Hộ gia đình được đưa vào Luật Doanh nghiệp, nhưng họ không bị bắt lên doanh nghiệp
Những rào cản hiện nay 
Quy định pháp lý hiện nay (ở cấp Nghị định) đang hạn chế quyền kinh doanh của hộ kinh doanh: họ chỉ được đăng ký tại một địa điểm; hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện; không mở chi  nhánh, văn  phòng đại diện; khi muốn hoạt động trong một số ngành nghề thì phải lên mô hình doanh nghiệp. 
Bên cạnh đó, họ bị hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên; hạn chế huy động vốn, chủ yếu là vay hoặc từ chính thành viên tham gia hộ. 
Tuy nhiên, với các hộ kinh doanh, thủ tục thành lập, giải thể, quản trị doanh nghiệp dễ dàng, đơn giản hơn. Ngay cả chế độ sổ sách kế toán cũng đơn giản hơn: họ chỉ cần tuân thủ 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ thực hiện nghĩa vụ thuế gồm môn bài, VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp; nộp kê khai hoặc thuế khoán. Việc thuê, tuyển lao động đơn giản hơn. 
Tất nhiên, khu vực kinh tế hộ gia đình có vị trị, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế; có lợi thế nhất định trong một số hoạt động kinh doanh. 
Tinh thần sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp 
Với quy định như hiện nay của Luật kinh doanh có một số điều cần sửa: 
1. Địa vị pháp lý không rõ. 
Điều này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, gây rủi ro cho hộ kinh doanh khi giao dịch với bên thứ ba. Ví dụ, về trách nhiệm dân sự, chủ hộ và những người có liên quan trong gia đình được chia sẻ, phân định như thế nào? Bên thứ ba khi gặp rủi ro trong kinh doanh với hộ gia đình thì sẽ kiện ai, các thành phần trong gia đình có liên quan của các bên ra sao?  
2. Bị hạn chế nhiều về thương quyền, quyền kinh doanh. 
Chúng ta, có cách tiếp cận theo hướng ‘chặt tay chặt chân’ kinh tế hộ gia đình. Ví dụ, hạn chế họ chỉ được sử dụng dưới 10 lao động. Vì sao hộ gia đình không được  thuê 100 công nhân, thậm chí hơn? Đó là do ta hạn chế chứ không phải do họ không muốn thuê, thậm chí có những hộ gia đình có nhu cầu phải sử dụng nhiều người lao động hơn. 
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cũng hạn chế phạm vi kinh doanh, họ chỉ được kinh doanh trong địa bàn quận, huyện; họ không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện;… 
Chúng ta gọi họ là hình thức kinh doanh nhưng đã hạn chế đi tất cả các quyền khiến nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không có cơ hội để phát huy đầy đủ. 
Vì thế, nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ không được phát huy. Nếu phát huy đầy đủ thì khu vực kinh tế này còn đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Khi quy mô kinh doanh lớn lên đến mức nhất định thì nhu cầu quản trị chuyên nghiệp, minh bạch để thu hút vốn cũng xuất hiện. Đó là quyền lựa chọn cho họ chuyển lên doanh nghiệp. 
Khẳng định pháp lý mô hình hộ kinh doanh
Vì thế, các quy định trong Luật Doanh nghiệp về hộ kinh doanh (Gồm tất cả các chương 7A) chỉ sửa những hạn chế hiện nay đang làm cho nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ bị hạn chế, không có cơ hội được phát huy. Các quy định này có nguyên tắc: 
-  Tiếp tục thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp; thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của hộ đối với nền kinh tế 
-  Tiếp tục thúc đẩy phát triển hộ. 
-  Phát huy tối đa mọi nguồn lực đầu tư, không phân biệt hình thức kinh doanh. 
-  Đơn giản, thuận lợi cho gia nhập và rút lui khỏi thị trường. 
Lâu nay, các hộ kinh doanh luôn lo nơm nớp một ngày nào đó có thể bị xoá sổ và ép lên thành doanh nghiệp. Tôi xin phải khẳng định, đây là một hình thức kinh doanh tồn tại bên cạnh các hình thức kinh doanh khác và được pháp luật bảo hộ đầu tư, vậy họ mới yên tâm đầu tư dài hạn. 
Tiếp nữa, Luật Doanh nghiệp xoá bỏ những hạn chế với họ; làm rõ hơn địa vị pháp lý để họ có thể yên tâm kinh doanh để được bảo hộ. Các đối tác sẽ tin tưởng hơn để kí hợp đồng. 
Các hộ kinh doanh khác nhau nhắm đến các hình thức kinh doanh khác nhau; mỗi loại hình có đặc điểm khác nhau. Hộ kinh doanh được nới lỏng nhất về quản trị, nhanh nhạy nhất trong việc gia nhập thị trường nên các quy định về hộ kinh doanh trao cho nó thứ tạm gọi ‘sáng kinh doanh, chiều giải thể’. Nếu là công ty không thể làm được chuyện đó. Nhưng hộ kinh doanh phải có cơ hội như thế và phù hợp với tính chất như vậy. 
Vì thế, lần sửa đổi này không có mục tiêu gì khác, không ép hành chính buộc họ lên doanh nghiệp, không phải chuyển đổi hộ lên doanh nghiệp mà thừa nhận nó là một hình thức kinh doanh được bảo hộ dài hạn bởi luật pháp, tạo sự yên tâm cho hộ kinh doanh. Hiện nay vẫn gọi nó là hộ, hình thức kinh doanh vẫn là hộ. 
Luật Doanh nghiệp chỉ xoá bỏ những hạn chế về thương quyền kinh doanh, quản trị, thành lập, trách nhiệm dân sự. Toàn bộ các quy định hiện hành ngoài địa vị pháp lý, quyền kinh doanh về chế độ trách nhiệm của luật được hoàn thiện. Còn lại hệ thống khung pháp luật áp dụng cho các luật kinh doanh vẫn áp dụng. Toàn bộ hệ thống của họ vẫn giữ nguyên, nên chúng tôi đánh giá, là không có tác động tiêu cực đối với hộ kinh doanh. 
Tư Giang lược ghi  
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận: 
-  Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.
-  Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
-  Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp.
-  Có ý kiến đề nghị nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới. 
Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

KHÔNG CÓ CHUYỆN 'ÔNG CHỦ QUÁN PHỞ THÀNH GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP PHỞ'

LAN ANH ghi/ TVN 24-11-2019

Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nói: Khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp sẽ giúp họ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn.
Tại kì họp lần này, quốc hội thảo luận Luật doanh nghiệp sửa đổi theo hướng: đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, chứ không chỉ quan tâm tới 700 ngàn doanh nghiệp có đăng ký chính thức. Cách tiếp cận  như vậy của Luật Doanh nghiệp là phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn: đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng? Liệu hộ kinh doanh có bị thui chột không khi được chính danh trong Luật doanh nghiệp? Và tại sao lại không trình ra Quốc hội ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh?
Không có chuyện 'ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp phở'
Luật Doanh nghiệp không ép hội kinh doanh lên doanh nghiệp
Nhìn chung, trên thế giới, khi làm kinh doanh thì có hai hình thức phổ biến là cá nhân tự kinh doanh và lập công ty. Ở nhiều nước có Luật riêng về các chủ thể này. Trước đây, ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta đã có hai Luật: Luật Công ty (1990) điều chỉnh các chủ thể có tư cách pháp nhân và Luật về cá nhân kinh doanh không có tư cách pháp nhân với tên gọi Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991).
Nhưng từ năm 1999 đến nay, hai Luật này được tích hợp thành một gọi là Luật Doanh nghiệp. Đây là một quyết định đúng đắn của Quốc hội. Vì vậy, suốt 30 năm qua, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được quan niệm bao gồm cả hai loại hình: loại hình công ty (có tư cách pháp nhân) như công ty TNHH, công ty Cổ phần và cá nhân kinh doanh (không có tư cách pháp nhân), được đặt tên riêng là doanh nghiệp tư nhân.
Hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty nhưng với cơ cấu sơ khai nhất).
Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý: trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành. Theo Nghị định này, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành.
Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Cần lưu ý, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh là hình thức phổ biến nhất đang được cả thế giới quan tâm. Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ ở Việt Nam, vừa là bước tiến mới đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, chấp nhận sự linh hoạt và đa dạng của các mô hình kinh doanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập.
Với việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng sẽ không làm thay đổi kết cấu và quan niệm về doanh nghiệp tại luật này. Như đã nói ở trên doanh nghiệp vẫn bao gồm hai chủ thể: chủ thể có tư cách pháp nhân là các công ty và chủ thể không có tư cách pháp nhân là cá nhân kinh doanh và nay bổ sung thêm hộ kinh doanh.
Được chính danh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật. Hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác có liên quan.
Đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh không thay đổi vì vẫn giữ nguyên hệ thống đăng ký ở cấp huyện như hiện nay. Hơn nữa, tạo điều kiện để thống nhất hệ thống đăng ký doanh nghiệp bảo đảm yêu cầu kết nối và minh bạch.
Chế độ ghi chép sổ sách kế toán và nghĩa vụ thuế với hộ kinh doanh cũng không thay đổi. Thanh tra kiểm tra và thủ tục hành chính cũng không nặng thêm, vì vẫn thực hiện bình thường theo các quy định tại pháp luật chuyên ngành.
Thứ hai, về phía quản lý Nhà nước, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý. Bởi vì vẫn duy trì phân cấp đăng ký và quản lý hộ kinh doanh như hiện nay.
Thu ngân sách nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn thì sẽ giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.
Quản trị của hộ kinh doanh sẽ được tăng cường vì luật hoá sẽ tạo động lực để các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.
Lần này, đưa những chế định quan trọng nhất về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng là để thực hiện chủ trương của Quốc hội là thể chế hóa tối đa trong văn bản luật những quy định ổn định và hợp lý đã được thể nghiệm qua thực tiễn thực thi các Nghị định của Chính phủ. Đây cũng là căn cứ pháp luật để tiếp tục hoàn thiện các quy định khác có liên quan về hộ kinh doanh sau này.
Có ý kiến tại sao lại không ban hành luật riêng về hộ kinh doanh? Như trên đã phân tích: hộ kinh doanh chính là một loại hình doanh nghiệp nên không nhất thiết phải xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh. Do đó, chỉ cần bổ sung thêm một chương quy định những vấn đề cơ bản về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp là phù hợp. Sau đó các hướng dẫn chi tiết sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ.
Cuối cùng, xin nhắc lại, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật. "Không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.
Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. Tuyệt đối không có chuyện “Qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay”.
Nhưng khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn, có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Lan Anh ghi


Không có chuyện ép hộ kinh doanh đang hoạt động phải thành lập doanh nghiệp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét