Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

20191122. PHẢN ỨNG DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT LÀO CAI-HẢI PHÒNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

XÂY ĐƯỜNG SẮT LÀO CAI-HÀ NỘI -HẢI PHÒNG 100.000 TỶ ĐỒNG: 'TẠI SAO LẠI CÓ THỂ THAM LAM NHƯ VẬY?'
TRẦN LƯU/ VNF/ BVN 20-11-2019

(VNF) – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí, vừa vô lý, vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước.
Xây đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng: 'Tại sao lại có thể tham lam như vậy?'
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Như VietnamFinance đã thông tin, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã có buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là 160 km/h, mang nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian từ Lào Cai đi Hà Nội mất 3 giờ, Lào Cai đi Hải Phòng mất 4 giờ.
Trao đổi với VietnamFinance về dự án này, bà Phạm Chi Lan khẳng định: “Dù trước hay sau, tôi đều không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng 100.000 tỷ đồng”.
Theo bà Lan, thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư này dù có huy động ở đâu thì rốt cục dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả.
“Thứ hai là việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?”, bà Lan đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
“Vậy, Việt Nam có cần bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?”, bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Điều thứ ba theo bà Lan, nếu tính về góc độ kinh tế, sử dụng 100.000 tỷ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam? Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư về giao thông cho miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP. HCM với đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Lan nhận định, mạng lưới giao thông khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang bị thiếu hụt hết sức nặng nề và nó làm cản trở sự phát triển của toàn TP. HCM khi phát huy vai trò như đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam.
“Với những đóng góp lớn về mặt kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long mà lại không đầu tư hạ tầng chính đáng cho khu vực này so với các khu vực khác thì không công bằng”, bà Lan nói.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng việc đầu tư hạ tầng kéo lên phía Bắc hiện nay là quá đủ rồi bởi trên thực tế giữa Lào Cai qua các tỉnh về Hà Nội và ra Hải Phòng đã có các tuyến đường có sẵn, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.
Vị nữ chuyên gia này cũng cho rằng đối với việc phát triển hệ thống đường sắt, hiện Bộ GTVT đã có đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỷ USD.
“Tại sao lại có thể tham lam như vậy, vừa muốn 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, lại vừa muốn 100.000 tỷ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng vừa lãng phí vừa vô lý vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước”, bà Phạm Chi Lan nhận định.
Bà Lan cho rằng đối với việc đề xuất về các dự án giao thông, Bộ GTVT nên “mở mắt” ra để nhìn rộng ra cả nước chứ đừng cắt riêng cho từng đoạn. Hiện, số tiền đổ vào lĩnh vực giao thông đã quá nhiều so với chi tiêu của ngân sách, gánh nặng người dân phải chi trả là rất lớn, trong khi giao thông lại có rất nhiều dự án chưa hiệu quả.
“Bộ GTVT nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế hơn là việc đề xuất thêm dự án này hay dự án khác. Việc ‘đẻ’ thêm các dự án chỉ làm tăng thêm mối nghi ngờ về các nhóm lợi ích muốn đạt được qua đầu tư”, bà Phạm Chi Lan nói.
T.L.


KHÔNG LÀM ĐƯỜNG SẮT LÀO CAI-HẢI PHÒNG CHO TRUNG QUỐC!
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 21-11-2019
1. Liên tục mấy ngày qua hàng triệu người Việt Nam đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì số phận người Hong Kong. Qua mạng xã hội, hàng triệu người Việt Nam đã lên tiếng, bày tỏ thiện cảm, ủng hộ người Hong Kong và lên án chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man sinh viên Hong Kong.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn thua kém người Hong Kong nhiều lần, nhưng người Việt Nam lại lo lắng cho số phận người Hong Kong sẽ bị xấu đi khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt dần sự cai trị lên Hong Kong. Đó là bằng chứng đẹp cho thấy người Việt Nam yêu mến người Trung Quốc, rằng giữa nhân dân các nước không bao giờ có thù hận.
Điều mà người Việt Nam thù hận đó chính là nhà cầm quyền Trung Quốc dã tâm xâm chiếm Việt Nam. Người Hong Kong cũng thù hận và không chịu cùng đợi trời chung với là nhà cầm quyền Trung Quốc. Tội lỗi không phải từ người dân mà là từ nhà cầm quyền.
2. Điều giận dữ và đau xót khác của người Việt Nam là hiện nay có một nhóm người Việt Nam cam tâm chịu sự sai khiến của nhà cầm quyền Trung Quốc. Biết hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc là mang tai họa cho Việt Nam mà họ vẫn liều lĩnh tiến hành. Họ đã mang về cho nhân dân Việt Nam bao nhiêu dự án đại họa từ nhà cầm quyền Trung Quốc mà họ chưa sáng mắt, lại còn tiếp tục rước về Việt Nam những dự án đại họa khác.
3. Đoàn công tác của Bộ GTVT mới đây vừa làm việc với UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Hải Dương và UBND tỉnh Hưng Yên về phương án xây đựng đường sắt khổ 1,435m Lào Cai – Hải Phòng dài 392 km. Đoạn Hà Khẩu – Lào Cai sẽ do Trung Quốc xây dựng.
4. Nhân dân Lào Cai không có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa và du lịch qua cảng Hải Phòng. Tuyến đường sắt hiện hữu Lào Cai – Hải Phòng hàng ngày hiện nay đang không khai thác đến 1/10 công suất.
Tại sao phải xây thêm đường sắt mới khổ 1,435m dài 392 km, tốn 1 650 ha đất, mất 100 000 tỷ đồng, với 39 nhà ga, 73 chiếc cầu dài 130 km, và 25 tuyến đường hầm chui 25km từ Lào Cai đến Hải Phòng?
5. Đồng bằng sông Cửu Long với 20 triệu dân mà không có 1 m đường sắt. Điều cần trước hết là xây tuyến đường sắt từ đồng bằng sông Cửu Long đến TP HCM.
Cần thiết tiếp theo là đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP HCM. Đây là cột sống giao thông của đất nước. Hãy dùng 392 km định xây dựng từ Lào Cai đi Hải Phòng để nối TP HCM với Nha Trang ngàn lần hiệu quả hơn.
6. Xây đường sắt Lào Cai – Hải Phòng là xây đường sắt cho Trung Quốc vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa và vũ khí từ các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương – chiếm 1 nửa lãnh thổ Trung Quốc – xuất khẩu đi ra thế giới. Lúc đó hàng chục tàu vận tải Trung Quốc ngày đêm tấp nập ở cảng Hải Phòng, hàng trăm tàu chiến Trung Quốc bao vây vòng ngoài chiếm trọn cả vịnh Bắc bộ và thâu suốt biển Đông để bảo vệ. Đừng nghĩ là thổi phồng. Nhìn xa mới thấy hết hậu họa. Xây đường sắt Lào Cai – Hải Phòng là xây cho Trung Quốc. Là kéo dài cánh tay thống trị của Trung Quốc lên thế giới. Đó là một cung đoạn trong chiến tuyến “một vành đai một con đường “ của Trung Quốc.
7. Không vay tiền của Trung Quốc để xây đường sắt Lào Cai – Hải Phòng cho Trung Quốc sử dụng.
Trung Quốc viện trợ không hoàn lại thì cũng dứt khoát không xây tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Đây là tuyến đường phục vụ cho Trung Quốc, làm cho Trung Quốc giàu có, giúp cho Trung Quốc bành trướng, bắt nạt nước bé, toan tính thống trị cả thế giới.
Trung Quốc có thể dùng cả chục đoàn tàu chứa bom nguyên tử, vũ khí hóa học, sinh học, chở qua, dừng lại trên lãnh thổ Việt Nam mà Việt Nam không thể hay biết!
8. Vấn đề xây mới tuyến đường sắt khổ rộng 1,435m Lào Cai – Hải Phòng không chỉ là vấn đề nội bộ của Bộ GTVT, cũng không chỉ là vấn đề của Chính phủ, đây là vấn đề của cả Dân Tộc.
Các nhóm lợi ích đừng nghĩ rằng đang có quyền thì cứ lấn tới. Đây không đơn thuần là tội sai phạm về kinh tế.
N.N.C.

ĐƯỜNG SẮT LÀO CAI-HÀ NỘI-HẢI PHÒNG: CÓ LIÊN QUAN ĐẾN KẾ HOẠCH 'VÀNH ĐAI-CON ĐƯỜNG' ?
LAM THANH/ BVN 22-11-2019
https://images.motthegioi.vn:8443/media/trilam/ZHVvbmctc2F0LWxhby1jYWktaGEtbm9pLWhhaS1waG9uZy1jby1saWVuLXF1YW4tZGVuLWtlLWhvYWNoLXZhbmgtZGFpLWNvbi1kdW9uZw==.jpg
Bộ GTVT muốn làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Ảnh: Cafeland
“Việt Nam chưa cần thiết làm tuyến đường này. Nhu cầu vận chuyển của mấy tỉnh từ Lào Cai, Yên Bái cho đến Hải Phòng có thực sự cần đến đường sắt này hay không, họ sẽ vận chuyển gì trên con đường này? Hay chúng ta đem số tiền đó đầu tư vào nơi khác cần thiết hơn?”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nói.
Bộ GTVT muốn làm tuyến đường sắt 100.000 tỉ
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn mới đây đã có buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100.000 tỉ đồng.
Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn là 160 km/h.
Tại địa phận Hưng Yên, tuyến đường sắt sẽ có lộ trình qua huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào, chiều dài tuyến 19,4km. Điểm đầu là Km280+000 thuộc xã Lạc Đạo và điểm cuối là Km299+400 thuộc xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào. Dự kiến, sẽ có 2 nhà ga trên lộ trình qua tỉnh Hưng Yên.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhất trí với phương án của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh một số vị trí, hướng tuyến để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Tại Hải Phòng, tuyến đường sắt đi qua thành phố có điểm đầu tại xã Quang Trung (huyện An Lão), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải) với chiều dài tuyến khoảng 50,3km, có 3 ga trung gian và 1 ga nhường tránh.
Cơ bản thống nhất với hướng tuyến đề xuất, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho rằng, tuyến đường sắt này không chỉ đơn thuần vận chuyển hàng hóa mà còn phục vụ vận chuyển cả hành khách, nên việc lựa chọn hướng tuyến phải đáp ứng các yêu cầu trên, bảo đảm kết nối một cách thuận tiện, hợp lý, đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.
Còn tại Hải Dương, theo quy hoạch đoạn qua tỉnh có chiều dài gần 39km, qua các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà. Theo thiết kế có 3 ga gồm 2 ga trung gian ở huyện Bình Giang, thành phố Hải Dương và 1 ga nhường tránh ở huyện Thanh Hà.
Tại Yên Bái, tuyến đường sắt qua tỉnh sẽ có lộ trình qua các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái; chiều dài tuyến khoảng trên 76km. Dự kiến, sẽ có 6 nhà ga với diện tích đất sử dụng khoảng 30ha; trong đó có 2 ga trung gian và 4 ga nhường tránh.
Chuyên gia nói chưa cần thiết
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải rất quan trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể vẫn cần xây dựng tuyến đường này, nhưng thời điểm hiện tại thì chưa cần thiết.
Ông Thịnh nêu nhiều băn khoăn về tính hiệu quả cũng như việc bố trí vốn cho dự án: “Rất nhiều người nói Bộ GTVT là Bộ tiêu tiền mà không quan tâm tiền đó lấy từ đâu. Kể cả có đi vay được thì chúng ta cũng không thể cứ thế mà đi vay mãi. Trong khi, 100.000 tỉ là một khoản đầu tư rất lớn đối với nền kinh tế. Nhà nước cần phải cân nhắc, đắn đo như một nhà đầu tư thực thụ, phải tính đến hiệu quả”.
“Về nhu cầu vận chuyển của mấy tỉnh từ Lào Cai, Yên Bái cho đến Hải Phòng, họ thực sự có nhu cầu với đường sắt này hay không, họ vận chuyển gì trên con đường này? Hay chúng ta đem số tiền đó đầu tư vào nơi khác cần thiết hơn? Rõ ràng trước mắt chúng ta chưa cần thiết phải làm con đường này, nhu cầu vận chuyển hàng hóa không lớn để phải đầu tư”, ông Thịnh nêu.
Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang rất thiếu vốn, hàng năm phải đi vay rất nhiều. Với số tiền 100.000 tỉ này thì nguồn vốn lấy đâu ra? Nếu đi vay tiếp thì đẩy nợ vay nước ngoài đến mức nào? Trong khi, chúng ta cũng đang cần vốn để đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, như một số ngành công nghệ cao, chế tạo, chế biến tạo đà tăng trưởng, xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, về góc độ kinh tế, tại sao không sử dụng 100.000 tỉ đồng này đầu tư về giao thông cho miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hiện nay, mạng lưới giao thông khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang bị thiếu hụt hết sức nặng nề?
Liên quan đến “Vành đai – con đường” của Trung Quốc?
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, trong việc phát triển chiến lược “Vành đai – con đường” của Trung Quốc, họ đã đề cập đến vấn đề này. Họ muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai – Hải Phòng để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam của họ; thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía nam.
“Nếu chúng ta cứ vay vốn Trung Quốc để làm các dự án này thì chúng ta có thể trở thành con nợ, rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chúng ta đã tránh vấn đề này, bây giờ lại đề xuất ra thì tôi thấy về mặt chiến lược là có vấn đề. Tôi cho rằng cần hết sức cần nhắc với dự án này, vì chính chúng ta, vì chính nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
“Vậy, Việt Nam có cần bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?”, bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Trước đó, vào đầu tháng 4 vừa qua, Phó tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Tống Quốc Anh trong chuyến thăm Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ Việt Nam các giải pháp để hai bên thúc đẩy quan hệ. Trong đó có việc cải tạo tuyến đường sắt trung chuyển nối từ Lào Cai tới Hải Phòng để thúc đẩy hơn nữa giao thương của Vân Nam và thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc với các tỉnh của Việt Nam và giúp đưa hàng hóa của Vân Nam ra thế giới.
>L.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét