Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

20191121. NGHĨ VỀ VỊ TRÍ CHỦ TỊCH VIỆN HLKHXH

ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI LÀ UỶ VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 13-11-2019


Image result for bùi nhật quang


1. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học, dù là Tự nhiên hay Xã hội, đều phải là những nhà khoa học giỏi đứng đầu một hay nhiều ngành. Đó là những trí tuệ tạo nên những công trình khoa học giá trị manh tính mở đường cho những hướng nghiên cứu mới, hay phát minh ra những sáng chế đột phá, tạo nên những bước tiến dài cho kỹ thuật, công nghệ và sản xuất. Nhờ trí tuệ sáng láng mà họ trở thành thủ lĩnh xác định hướng nghiên cứu và dẫn dắt đội ngũ các nhà khoa học đi đúng hướng đến thành quả cuối cùng.
2. Bởi thế, bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học phải lấy tiêu chí khoa học là đầu tiên và duy nhất. Các nhà khoa học vĩ đại luôn là những người vĩ đại về khoa học và thừa vĩ đại về lòng yêu nước và tình yêu nhân loại, nên không cần phải lo lắng về phương diện đạo đức, nhân văn.
3. Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là Giáo sư Trần Đại Nghĩa – không phải là UVTƯ Đảng.
Từ sau đó, không biết do ai mách bảo, mà theo cơ cấu thì Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học (cả Tự nhiên và Xã hội) phải là UVTƯ Đảng hoặc là UV Dự khuyết TƯ. Hậu quả là không phải các nhà khoa học giỏi dẫn dắt Viện Hàn lâm Khoa học. Và điều đó đã làm cho nền khoa học nước nhà không bắt kịp với các nước trong châu lục.
Những nhà khoa học chân chính sẽ từ chối chức vụ nếu nhận thấy không xứng đáng hay không thể đảm đương.
4. Tối qua nghe VTV đưa tin ông Bùi Nhật Quang, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận năm 2014-2015, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mà lo lắng cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bởi vì ông Bùi Nhật Quang được cơ cấu vào UVTƯ để về lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nghĩa là ông Bùi Nhật Quang được bổ túc về chính trị để dẫn dắt Khoa học Xã hội, chứ không phải nổi lên từ Khoa học mà dẫn dắt Khoa học.
5. Chính sách “quy hoạch cán bộ” của Đảng áp dụng vào Viện Hàn lâm Khoa học là không phù hợp, nếu không nói là có hại.
Nếu Lãnh đạo Đảng muốn Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học là UVTƯ Đảng để nắm bắt chủ trương của Đảng thì không khó. Bằng cách quy định, bất cứ ai được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học thì tự động là UVTƯ. Lúc đó các nhà khoa học sẽ tự chọn được người cầm lái xứng đáng.
6. Bài viết này không nhằm vào cá nhân ông Bùi Nhật Quang. Mà bài viết nhằm góp ý cho Lãnh đạo nhà nước với mong muốn hai Viện Hàn lâm Khoa học là Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có được các vị Chủ tịch xứng tầm, để chung tay đưa nền khoa học nước nhà tiến kịp dần với châu lục.
N.N.C.

GÓP PHẦN THẢO LUẬN BÀI VIẾT "CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI LÀ UỶ VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG" CỦA NGUYỄN NGỌC CHU
VŨ CAO ĐÀM/ BVN 20-11-2019
Quan trường hóa và chính trị hóa khoa học là một dị tật quái đản, một hiện tượng phổ biến tại các nước theo chế độ cộng sản, mặc dầu các ông tổ cộng sản, khi viết ra những nguyên lý triết học về các hình thái ý thức xã hội đã đưa ra hàng đống lý thuyết về tính độc lập giữa các hình thái ý thức xã hội, trong đó có mối quan hệ giữa ý thức hệ chính trị với khoa học. Khó phân tích được động cơ của các nhà lãnh đạo cộng sản khi họ chủ trương quan trường hóa và chính trị hóa khoa học.
Quan trường hóa và chính trị hóa khoa học, một mặt khác, cũng mở ra một cửa ngõ hấp dẫn cuốn hút một số nhà khoa học vào chốn “vinh quang”, tiếp cho họ những thứ quyền lực trời cho mà khoa học không thể mang lại cho họ.
Tôi tóm lược hai bài báo đăng trong các số Tháng 8 và 9/1986, Tạp chí xô-viết “Tia lửa nhỏ” (Огонёк) để gửi một thông điệp  tới các nhà lãnh đạo và cộng đồng khoa học, rằng khi quyền lực quan trường vào tay một số nhà khoa học thì có sức tàn phá các nền tảng của khoa học tới chừng nào.
Hai bài báo này nói về vụ án Lưxenkô nổi tiếng thế kỷ 20, trong khoảng thập niên 1930-1940, trên đất nước xô-viết. Lưxenkô khi đó là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô. Câu chuyện bắt đầu khi Vavilov, viện trưởng Viện Di truyền học khởi xướng truyền bá học thuyết di truyền của Menđen-Morgan vào Liên Xô. Sức hấp dẫn của thuyết Menđen-Morgan đã có sức lan tỏa nhanh chóng trong giới sinh học Xô-viết, Lưxenkô hoảng hốt, vì lo sợ uy tín của Vavilov sẽ đưa ông vào thay thế Chủ tịch Viện Hàn lâm. Với danh nghĩa đảng, Lưxenkô đã phê phán học thuyết Manđen-Morgan là một học thuyết duy tâm tư sản phản động, mặt khác Lưxenkô đã đề cao ông lão nông dân làm vườn Mitchurin, chuyên nghề cấy ghép cây thành một tượng đài của nền sinh học xô viết, còn những người truyền bá thuyết Menđen-Morgan được xếp vào nhóm “Thế lực thù địch”, thời đó gọi là “Kẻ thù của nhân dân”
Vavilov và hàng loạt nhà sinh học truyền bá học thuyết Menđen-Morgan bị khai trừ đảng, bị xử bắn và bỏ tù. Số khác thì bị đuổi khỏi các viện nghiên cứu và các trường đại học. Vavilov bị đái ra máu và chết trong tù vào năm 1942. Chỉ trong vòng 3 tháng, Lưxenkô đã loại khỏi ngành sinh học Liên Xô trên năm nghìn nhà nghiên cứu sinh học, kéo lùi nền sinh học Liên Xô ước khoảng nửa thế kỷ.
Có thể nói vụ án Lưxenkô là một vụ án khoa học đẫm máu nhất trong lịch sử khoa học vào những thập niên giữa thế kỷ 20.
Hàng loạt lĩnh vực khoa học khác đã cùng số phận với di truyền học. Có những lĩnh vực đã không đóng vai trò như một lĩnh vực khoa học nữa, mà trở thành linh hồn của đảng, những người vốn là các nhà nghiên cứu đã được đưa vào Trung ương, rồi họ dựa trên lập trường đảng mà phê phán tùy tiện các lĩnh vực khoa học khác nhau. Cộng đồng khoa học gọi đó là nhóm “Học phiệt”, là nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc hủy hoại các giá trị của khoa học. Tôi xin liệt kê vài sự kiện.
Logic học bị xem là một mớ lập luận siêu hình, bị loại khỏi chương trình giáo dục. Hàng loạt nước XHCN đã hùa theo Liên Xô, trong đó có Việt Nam. Đến thập niên 1960 Liên Xô phục hồi logic học, thì Việt Nam vẫn bảo hoàng hơn vua, vẫn không đưa logic học vào chương trình giáo dục, trong khi, chúng ta nhớ rằng, thời Pháp logic học được dạy ở lớp Đệ nhị (Lớp 11 phổ thông), còn thời Việt Nam Cộng hòa logic học được dạy ở lớp 12.
Toán kinh tế, lý thuyết hệ thống và điều khiển học cũng bị phê phán khi những lĩnh vực này thâm nhập Liên Xô. Hồi đầu thập niên 1970 tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Trong một buổi học triết học, tôi được giáo sư triết học giảng giải trên lớp như thế. Giờ giải lao, tôi hỏi thày, vì sao giới triết học Liên Xô phê phán lý thuyết hệ thống và điều khiển học? Những thứ lý thuyết này có cái gì sai phạm về tính giai cấp và tính đảng đâu mà phê phán? Thì tôi được thày nói một cách châm biếm… Triết học chỉ mặt Lý thuyết hệ thống nói “Mày láo, sao mày dám vỗ ngực xưng là lý thuyết khái quát cho tất cả các hệ thống kỹ thuật, hệ thống sinh học, hệ thống xã hội và các hệ thống trừu tượng”. Tôi đang ngơ ngác, thì thày cười lớn và vỗ ngực: “Chỉ có tao, Triết học, mới là lý thuyết về quy luật phổ quát của các sự vật”, mới là “Tâm điểm” của mọi khoa học. Câu nói của thày thật thú vị, khiến sau đó tôi quyết định chọn làm chuyên đề triết học về “Những vấn đề triết học của Lý thuyết hệ thống và điều khiển học”
Rồi đến xã hội học, tâm lý học hiện đại, … cũng đều chịu chung số phận như sinh học, logic học, toán kinh tế, lý thuyết hệ thống và điều khiển học.
Chúng ta còn có thể nhận ra được một sự thực đau xót hơn: Trong lịch sử khoa học của thế giới, kể từ ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cho đến khi Liên Xô sụp đổ, không có một ngành khoa học mới nào được ra đời từ các nước XHCN.
Những sự thực đau buồn được viện dẫn trên đây rất đáng để các nhà lãnh đạo và cộng đồng khoa học suy ngẫm.
V.C.Đ.
Tác giả gửi BVN

BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG: 'HẦU HẾT THỨ TRƯỞNG VỀ HƯU ĐỀU XIN LẬP HỘI'
TIẾN LONG, NGỌC HIẾN/ TT 19-11-2019
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Hầu hết thứ trưởng về hưu đều xin lập hội’ - Ảnh 1.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ như vậy tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, sáng 18-11.
Ông Dung nêu thực trạng: "Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng thưa thật với các anh chị, không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn. Rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng hiện nay luật về hội chưa được ban hành nhưng vấn đề về hội rất đa dạng, phức tạp. Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước nhưng xét quá trình tổ chức, hoạt động thì rất nhiều chuyện phải bàn. Các hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động.
Mặt khác, quy định hội trực thuộc sự quản lý cơ quan nhà nước nhưng hầu hết các hội sau khi thành lập đều "tách ra" hoạt động riêng. Mặt khác, còn đề nghị bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử thứ trưởng sang làm thành viên hội đó.
Từ thực trạng trên, ông Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức hội.
"Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho cho trung ương và địa phương", Bộ trưởng Dung đề nghị.
Nói thêm về vấn đề quỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị không nên đưa các loại quỹ vào luật.
Theo ông Dung, Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội. Nhiều hội thu quỹ lớn, bao gồm quỹ quốc tế, quỹ trong nước nhưng hoạt động như thế nào không ai biết.
"Bộ tôi hiện nay có 38 loại quỹ nhưng bộ trưởng không nắm được quỹ gì. Nghị định quy định bộ trưởng làm quản lý nhà nước nhưng quy định quản lý hội, quỹ thế nào không có. Muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền", ông Dung nêu thực trạng "loạn quỹ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét