Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

20191125. VỀ LUẬT SƯ HOÀNG DUY HÙNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỀ LUẬT SƯ HOÀNG DUY HÙNG

NGÔ THẾ BÍNH/ NTB Blog 25-11-2019


Image result for luật sư hoàng duy hùng

 Thời gian qua nếu ai vào Youtube sẽ được nghe nhìn những video của đài 'Phố Bolsa TV' của cộng đồng người Việt tại Mỹ, tường thuật các buổi tranh luận của các nhà trí thức, chuyên gia về các vấn đề kinh tế, chính trị mang tính thời sự quốc tế và Việt Nam. Rất đáng chú ý là những buổi tranh luận có sự tham gia của LS Hoàng Duy Hùng. Ông sinh năm 1962, là con của một sĩ quan VNCH , di tản và học tập tại Mỹ với ngành Luật Quốc tế. Lớn lên trong bối cảnh gia đình và chiến tranh, được trưởng thành trong xã hội Mỹ, ông đã từ người có tư tưởng 'chống cộng ' và từng ngồi tù 15 tháng tại VN khi trở về VN  (1992) với tư cách người của đảng Đại Việt tham gia hoạt động chống phá. Những bài viết được 'sưu tầm' dưới đây cho biết chi tiết các hoạt động của ông từ khi sang Mỹ đến nay, bao gồm cả những bài viết phê phán ông. Tuy chưa được tiếp xúc trực tiếp, nhưng qua bài viết và phát biểu của ông tôi có một số thiện cảm, suy nghĩ:
1- Có thể coi Hoàng Duy Hùng là con người yêu tổ quốc, nhờ có trí tuệ của một luật gia được đào tạo tốt nên đã tự chuyển hoá mình từ tư tưởng chống cộng cực đoan sang con người tôn trọng công lý, tôn trọng quy luật, có phương pháp tư duy khoa học, tranh luận có lý lẽ và thái độ hợp lý.
2- Tôi đánh giá cao những phân tích có tính thuyết phục về các vấn đề: chính sách 'ba không' của VN (mà ông đồng tình); bản chất 'không tin  cậy' của Mỹ trong liên minh; chính sách đối ngoại đa phương và mềm dẻo của VN  trong vấn đề Biển Đông(mà ông ca ngợi); tình hình chính trị của cộng đồng người Việt tại Mỹ (mà ông cho loạn đa đảng, người cầm đầu  không đủ  tư cách...)
3- LS Hoàng Duy Hùng không thể xem là 'hiện tượng cơ hội' mà là sự chuyển hoá có quy luật của quá trình nhận thức phù hợp với dòng chảy tiến bộ của nhân loại, đáng trân trọng. Bài viết của ông về cộng đồng người Việt được báo Nhân Dân đăng tải có thể coi là sự ghi nhận của ĐCSVN.


HOÀNG DUY HÙNG THEO WIKIPEDIA HÔM NAY

Hoàng Duy Hùng (tên tiếng AnhAloysius Hoang,[1] gọi tắt là Al) sinh năm 1962, là một luật sư người Mỹ gốc Việt; ông đắc cử nghị viên hội đồng thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas trong cuộc bầu cử ngày 12 tháng 12 năm 2009.
Ông sinh ra tại Việt Nam, theo gia đình sang tỵ nạn ở Mỹ năm 1975 khi 13 tuổi.

Hoạt động chính trịSửa đổi

Về Việt NamSửa đổi

Trưởng thành ở Mỹ, Hoàng Duy Hùng trở về Việt Nam hoạt động năm vào năm 1992. Vì từng sinh hoạt với đảng Đại Việt, Hoàng Duy Hùng bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam 15 tháng[2] với tội vận động chính trị bên ngoài phạm vi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được thả vào Tháng Bảy năm 1993.[3] Năm 2001, lần thứ hai Hoàng Duy Hùng về Việt Nam dự tính tổ chức đánh bom ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau cùng ông đã quyết định từ bỏ kế hoạch này. Khi quay trở về Hoa Kỳ, Hoàng Duy Hùng gặp các nhân viên tình báo Hoa Kỳ ở sân bay Los Angeles và phía Hoa Kỳ đã yêu cầu ông ngưng các kế hoạch tấn công khủng bố vì Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao.[4]

Tại MỹSửa đổi

2003-2013Sửa đổi

Sau khi sang lại Mỹ ông hoạt động trong cộng đồng người Việt và dần làm Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia. Năm 2003 Hoàng Duy Hùng ra tranh cử nghị viên hội đồng thành phố Houston nhưng thất bại, chỉ đạt được 7,7% số phiếu. Năm 2008 thì tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa Hoa Kỳ[5] để làm thẩm án tiểu bang khu vực 190 nhưng cũng thất cử.[1] Đến năm 2009 Hoàng Duy Hùng trong cuộc bầu cử để giành lấy một trong 14 ghế nghị viên hội đồng thành phố ông mới thành công, lần này đánh bại đối thủ với 53% số phiếu trong khu vực F của Houston; khu vực này có 350.000 dân và trong đó cử tri gốc Việt chiếm khoảng 10%.[2] Vì Houston là thành phố hơn hai triệu dân, lớn thứ tư trên nước Mỹ, nên đây là một vị trí chính trị quan trọng.[6]
Hoàng Duy Hùng cũng là tác giả của khoảng 10 cuốn sách về các vấn đề Việt Nam.[cần dẫn nguồn]
Sau lần đánh bom không thành năm 2001, Hoàng Duy Hùng thay đổi lập trường. Ông chuyển sang đối thoại với Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt Nam. Ông cùng với Thị trưởng Houston thu xếp cuộc nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và dàn xếp buổi đối thoại giữa thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Tháng 3 năm 2013, Hoàng Duy Hùng là một thành viên trong đoàn nghị viên Hội đồng thành phố Houston đến thăm Việt Nam theo lời mời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.[4]
Năm 2013 Hoàng Duy Hùng, nghị viện của thành phố Houston đã thua cuộc ngay trong vòng đầu một nhân vật trẻ tuổi hơn trong cộng đồng, ông Richard Nguyễn, với vốn liếng chính trị khiêm tốn, trong cuộc tái bầu cử nghị viện. Nguyên nhân được nêu ra là Hoàng Duy Hùng đã coi thường đối thủ, và mất đi sự tin cậy của cộng đồng người Việt khi ông thoả hiệp với phía cộng sản Việt Nam.[7][8]

2014 - hiện naySửa đổi

Trong cuộc bầu cử dân biểu tiểu bang Texas, Địa Hạt 149 vào tháng 11 năm 2014, luật Sư Hoàng Duy Hùng (Cộng Hòa) lại thua dân Biểu Hubert Võ (Dân Chủ) với tỷ số 45%-55% số phiếu.[9]
Đơn kiện nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh tội phỉ báng của Luật Sư Hoàng Duy Hùng (Al Hoàng), tại tòa 215th District Court, Harris County, Texas, đã bị Thẩm phán Elaine H. Palmer ngày 18.11.2014 quyết định hủy bỏ. Ngoài ra ông còn bị buộc trong vòng 30 ngày phải bồi thường cho ông Nguyễn Đạt Thịnh số tiền $5,000 để trang trải tiền luật sư, và tiền thông dịch.[10]

Chú thíchSửa đổi



Bình luận - Phê phán

MỘT GÓC NHÌN VỀ TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở HẢI NGOẠI

 BÁO NHÂN DÂN Thứ Ba, 29/10/2019, 03:20:15

Luật sư Hoàng Duy Hùng là người Mỹ gốc Việt ở Houston (Hiu-xtơn, Mỹ) và là cựu Ủy viên Hội đồng của thành phố này. Như đã đôi lần công khai tâm sự, ông cho biết mấy chục năm trước từng hoạt động chống đối Việt Nam, song từ khi nhận ra lòng yêu nước của mình đặt không đúng chỗ, ông đã tự điều chỉnh và thay đổi.

Trong bài viết gửi Báo Nhân Dân mới đây, ông phác họa bức tranh về các tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại, hy vọng qua đó mong giúp các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm, đồng thời có thể rút ra một số bài học, tránh đi vào vết xe mà ông đã trải qua. Báo Nhân Dân coi đó là thái độ chân thành và có trách nhiệm, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Năm 1975, khi đang là cậu bé 13 tuổi, tôi cùng gia đình sang Mỹ. Là hậu duệ của “Việt Nam cộng hòa” (VNCH) nên lúc đó tôi suy tư theo cách suy tư của người VNCH chống lại cộng sản. Năm 1983 vào đại học, tôi tiếp xúc với nhiều đảng phái, tổ chức của người Việt ở hải ngoại. Tổ chức đảng phái nào cũng mong muốn có những người “trẻ” như tôi lúc đó tham gia để phát triển tổ chức. Cuối cùng tôi tham gia “Mặt trận Việt Nam tự do” của các ông Hà Thúc Ký, Nguyễn Văn Kim. Đến năm 1996, tôi gia nhập “Đại Việt cách mạng đảng” của ông Hà Thúc Ký. Cuối năm 1999, tôi chính thức rời khỏi đảng này vì thấy lãnh đạo của tổ chức “tranh giành quyền lực” hơn là “lo cho nước, cho dân” như họ vẫn tuyên truyền. Những gì tôi viết trong bài này là trải nghiệm của bản thân tôi trong hơn 30 năm để chia sẻ với các bạn trẻ, ngõ hầu giúp các bạn tránh đi vào vết xe mà tôi đã đi, tốn biết bao nhiêu công sức, thời giờ, tâm huyết, tưởng là mình đóng góp xây dựng đất nước mà trên thực tế lại làm công cụ cho những mưu đồ tham vọng của nhóm này, người nọ.
Về các đảng phái trước năm 1975: Các đảng phái thành lập trong thời chống Pháp dù chưa đi đúng hướng như “Việt Nam Quốc dân đảng” với người sáng lập như Nguyễn Thái Học đều là những người yêu nước, nhưng khi ra hải ngoại, những người kế thừa lại phân hóa trầm trọng. Họ sử dụng tổ chức và đảng phái làm công cụ cho mưu đồ tranh giành quyền lực cá nhân, phe nhóm. “Đại Việt” có chủ trương “lãnh tụ chế” với lý do cộng sản là tổ chức chặt chẽ thì đấu tranh chống cộng cần có một lãnh tụ để bảo vệ bí mật. Điều này là nghịch lý và gây phân hóa trầm trọng để rồi ngày càng tách thành nhiều hệ phái, nhiều lãnh tụ, ai cũng cho rằng chỉ có họ mới giỏi nhất, mới làm đúng đường lối nhất, những người khác là sai, hoặc là theo “đơn đặt hàng của cộng sản”, dẫn tới mâu thuẫn và hệ lụy như:
- Họ kêu gọi đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhưng lại coi cá nhân lãnh tụ là quyền lực tối thượng như thần thánh, bất khả xâm phạm, hầu như kế sách vạch ra chỉ để chiều theo ý muốn của lãnh tụ. Tôi từng góp ý với ông Hà Thúc Ký để phê phán tiêu cực, hoặc góp ý xây dựng ý tưởng tích cực mà không theo bè phái thì lập tức bị trù dập, bị chụp “cái nón cối”, vì thế tôi quyết định lập tức rời khỏi tổ chức này. Trước khi ra khỏi tổ chức, tôi viết thư gửi ông Hà Thúc Ký, đóng dấu văn phòng của tôi để chứng nhận điều tôi viết, đề nghị trong lúc ông Hà Thúc Ký còn sống thì công khai trực diện với tôi, còn không thì sau khi ông mất, những gì tôi viết về ông là từ lương tâm của tôi chứ không phải từ động lực nào khác. Và tôi không có chút áy náy.
- Vì xây dựng trên quan niệm “lãnh tụ chế” nên lãnh đạo các đảng phái của người Việt ở hải ngoại sống trong ảo tưởng, họ nghĩ rằng một ngày nào đó mình nắm quyền điều hành đất nước, quyền sinh sát trong tay, nên, dù chưa nắm quyền hành gì, cách hành xử của các vị này rất trịch thượng, kiêu căng, vì sống trong ảo mộng. Ai không làm theo ý thì tìm cách triệt hạ, dù người bất đồng là thành viên đóng góp tâm huyết một cách không vụ lợi; do vậy, nạn quăng “nón cối” lên đầu thành viên lại từ lãnh đạo, và đảng phái bị tách ra làm 2, rồi làm 4, rồi làm 8.
Hiện nay, mỗi đảng phái như vậy chí ít cũng có 5 hệ phái, có hệ phái chỉ vài người, hệ phái khá nhất cũng chỉ khoảng trăm người. Năm 1990, trong cuộc họp ở San Francisco (San Phran-xít-cô), lãnh đạo “Đại Việt cách mạng” và “Đại Việt quốc dân” quyết định hợp nhất, nhưng vì quan niệm “lãnh tụ chế” nên không ai chịu nhường ai, để rồi cả hai trở thành “đồng chủ tịch” trong thời gian ngắn, sau đó thì lại tách ra, làm trò cười cho thiên hạ. Điều này làm cho tôi hiểu tại sao trước năm 1975, “Việt quốc” chủ trì vùng Quảng Nam, “Đại Việt” chủ trì ở Thừa Thiên, thành viên nào bước qua vùng bên kia thì bị trù dập không nương tay. Nên tôi tự hỏi, họ lo cho dân cho nước hay lo cho quyền lợi và quyền lực cá nhân, phe nhóm?
- Đa phần thành viên các đảng phái này lúc đầu muốn cống hiến tâm huyết cho việc chung, nhưng qua thời gian, bị lãnh đạo lạm dụng và qua bao biến thiên, họ thấy không đi về đâu nên nản chí, quay về sống thụ động, không dám nói gì hết, vì nói ra thì bị kết án là phản đảng, bị cộng sản mua chuộc; ai không khuất phục, quyết tìm con đường hợp với suy tư của mình thì trở thành kẻ thù, và bị thù còn hơn thù cộng sản. Tôi là một trong các nạn nhân của bối cảnh và mâu thuẫn này trong 20 năm qua.
2 Về các tổ chức, đảng phái sau năm 1975: Sau chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30-4, nhiều quân nhân của “quân lực VNCH” di tản sang nước ngoài, họ quây quần lại với nhau, lúc đầu thành lập nhóm sau dần thành “mặt trận”, có nhóm thành lập tổ chức, trong đó phải kể đến “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (“mặt trận”) của Hoàng Cơ Minh. Với thành viên lúc đầu là cựu quân nhân của “quân lực VNCH”, tổ chức của Hoàng Cơ Minh chủ trương bạo lực, và khi Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt tại Lào năm 1987, thì “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” đã biến hình, để tới năm 2001 thành “đảng Việt tân” (chính quyền Việt Nam coi “Việt tân” là tổ chức khủng bố).
“Việt tân” có nguồn lực tài chính vì trước đó “mặt trận” đã quyên góp được chút tiền bạc rồi kinh doanh có lời, nên tài chính là huyết mạch giúp “Việt tân” có thể sống tới ngày hôm nay, cho dù bị chính người hải ngoại đã có nhiều đợt và nhiều cao trào tẩy chay. Khi tẩy chay “Việt tân”, họ cho rằng tổ chức này có quá nhiều thủ đoạn, không thành thật trong vụ quyên tiền, không thành thật về cái chết của Hoàng Cơ Minh, gian dối tuyên truyền thổi phồng lực lượng, thủ đoạn với chính các thành viên... thậm chí nhiều người còn khẳng định rằng, nếu “Việt tân” may mắn được nắm quyền chắc chắn sẽ đưa đất nước vào nội loạn, nồi da xáo thịt. “Việt tân” chủ trương “đa đảng” nhưng kiểu dân chủ đa đảng vô trật tự, tiêu biểu nhất là tại Hội đồng TP Westminster (Oét-min-tơ) hiện nay lục đục, nát như tương.


Về các thứ “chính phủ”: Một số người Việt ở hải ngoại hám danh sống trong ảo tưởng, tự lập “chính phủ” và tự phong mình làm “thủ tướng”, có “chính phủ” chỉ có một người nhưng dành cả thời giờ lên mạng tung đủ tin giả ồn ào chỉ đánh bóng cái danh hão của bản thân. Có “chính phủ” quy tụ vài trăm người. Như “chính phủ” của ông Nguyễn Hữu Chánh, được dư luận gọi là “chú phỉnh”, vì ông Nguyễn Hữu Chánh lập “chính phủ” chỉ để ai nhẹ dạ nghe theo thì mất tiền. Hết năm 2001, đến năm 2002, đến năm 2008,... Nguyễn Hữu Chánh tuyên bố về tiếp thu “chính quyền”, rồi không có gì, nay lại nói là đã thành lập “đảng dân tộc” có khoảng hơn vài chục người với những ông già trên 80 tuổi, tuyên bố sẽ dẫn phái đoàn đi Hoàng Sa, Trường Sa. Nói mãi ai nghe cũng sượng sùng, vì bịp quá trắng trợn.

Gần đây ồn ào nhất là “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” phường chèo của Đào Minh Quân (chính quyền Việt Nam cũng coi “chính phủ” này là một tổ chức khủng bố). Đào Minh Quân không có thực lực như Nguyễn Hữu Chánh, nhưng có khả năng phịa chuyện trên mạng, một số người dân trong nước không biết lại tưởng là thật, liền bị sập bẫy giống như gia đình ông Vương Văn Thả ở miền tây. Đào Minh Quân bỏ ra ít tiền thuê mấy em trẻ đặt bom khủng bố ở phi trường Tân Sơn Nhất, các em trẻ bị bắt, bị kết án ở tù, Đào Minh Quân phủi tay. Bà Angel Phan ở San Diego (San Đi-ê-gô), nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Đào Minh Quân, lò mò về Việt Nam theo chỉ đạo từ Đào Minh Quân. Angel Phan bị bắt và phải nhận án tù, Đào Minh Quân lập tức tránh xa gia đình bà, tảng lờ như không biết. Ở Nam California (Ca-li-pho-ni-a), Đào Minh Quân tới đâu đều bị coi như “ghẻ”, các tổ chức và hội đoàn biết Đào Minh Quân chuyên môn chơi trò “chôm credit (tín dụng)” nên tẩy chay, và đuổi Đào Minh Quân như đuổi tà.
Vì một số người muốn được làm “thủ tướng, tổng thống” mà bây giờ tại hải ngoại “chính phủ” mọc ra như nấm, tựu trung chỉ vì muốn làm “lãnh tụ” để khoe trên mạng, không cần biết hệ lụy tới đâu, như “nhà tiên tri vũ trụ”, “chính phủ pháp định”,... rồi nay “chính phủ” này ra thông báo đánh nhau với “chính phủ” kia, mai “chính phủ” kia ra tuyên bố kết án “chính phủ” nọ làm tay sai cho nước này nước khác. Họ tính truyền bệnh tâm thần vào người dân Việt Nam ở trong nước, nên mong bà con hãy tỉnh táo. Mấy cái thứ “chính phủ” này về Việt Nam thì không biết đâu mà lần, và sẽ loạn ngay.
Lời kết: Chuyện đất nước là chuyện hệ trọng, phải cân nhắc kỹ lưỡng, và không phải là chuyện đùa, hoặc vô tổ chức. Người Việt ở nước ngoài có quá nhiều đảng phái, tổ chức, hội đoàn, chính phủ, nhóm, không ai phục ai, ai cũng muốn làm “lãnh chúa trong giang san CÁI TÔI” đầy kịch tính của họ, mà họ còn muốn mang cái quan niệm này về áp dụng cho đất nước, thì đó là mầm họa loạn lạc của dân tộc đưa đến mất nước. Sự loạn lạc đó đã và đang được chứng minh qua hoạt động chính trị của một số người trong các cộng đồng Việt Nam trên thế giới, không có quyền, không có tài chính, chỗ nào cũng phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia hằng ngày. Chỗ nào có chút thực quyền và lợi ích như hội đồng thành phố thì nạn chụp mũ, phân hóa như đang xảy ra ở Westminster, làm ô nhục cộng đồng gốc người Việt. Đa đảng dân chủ kiểu này mang về áp dụng cho Việt Nam thì đất nước sẽ loạn, nước ngoài sẽ lợi dụng phân hóa, nguy cơ mất nước không còn là giả thuyết. Vì thế tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy cảnh tỉnh cao độ trước cảnh đa đảng, dân chủ loạn cào cào này, vì đó sẽ là sự tiêu vong của dân tộc Việt.


HOÀNG DUY HÙNG
(Houston, ngày 21-10-2019)


VÌ SAO BÁO 'NHÂN DÂN' ĐĂNG BÀI HOÀNG DUY HÙNG VIẾT ?

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 15-11-2019


Có bạn đọc thắc mắc luật sư Hoàng Duy Hùng từng nổi tiếng chống cộng, ông từng là đảng viên Đảng Đại Việt Cách Mạng và là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia ở Houston, vậy vì sao báo Nhân Dân ngày 29/10/2019 cho đăng bài viết “Một góc nhìn về tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại”?

Ông nổi tiếng chống cộng là nhờ năm 1992 về nước bị bắt và bị kết án 15 tháng tù. Đến năm 2001, ông lại về nước với ý định đặt bom tại Sài Gòn nhưng không thành, phải trốn sang Thái Lan.
Ông càng “nổi tiếng” khi chuyển sang hoạt động chính trị Mỹ trở thành nghị viên thành phố Houston. Tháng 12/2012, ông đại diện thành phố Houston tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Sang đến tháng 3/2013 ông hướng dẫn một phái đoàn nghị viên thành phố Houston thăm Việt Nam.
Ông nhiều lần được báo chí và truyền hình cộng sản ca ngợi như một khuôn mặt chống cộng nay thay đổi lập trường.
Trên diễn đàn PhobolsaTV (trước khi bài viết được đăng) ông Hùng công khai tuyên bố ông cộng tác với báo Nhân Dân và cộng tác với nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.
Nội dung bài viết
Ông Hùng chỉ trích Đảng Đại Việt Cách Mạng xây dựng trên quan niệm “lãnh tụ chế”, Đảng Việt Tân sống nhờ tiền quyên góp và kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Hữu Chánh Đảng Dân Tộc là “bịp”, ông Đào Minh Quân là “phịa”, lập “chính phủ phường chèo” và các “chính phủ” mọc ra như nấm… bài viết đi đến kết luận:
“Chuyện đất nước là chuyện hệ trọng, phải cân nhắc kỹ lưỡng, và không phải là chuyện đùa, hoặc vô tổ chức.
“Người Việt ở nước ngoài có quá nhiều đảng phái, tổ chức, hội đoàn, chính phủ, nhóm, không ai phục ai, ai cũng muốn làm “lãnh chúa trong giang san CÁI TÔI” đầy kịch tính của họ, mà họ còn muốn mang cái quan niệm này về áp dụng cho đất nước, thì đó là mầm họa loạn lạc của dân tộc đưa đến mất nước.
“Sự loạn lạc đó đã và đang được chứng minh qua hoạt động chính trị của một số người trong các cộng đồng Việt Nam trên thế giới, không có quyền, không có tài chính, chỗ nào cũng phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia hằng ngày.
“Chỗ nào có chút thực quyền và lợi ích như hội đồng thành phố thì nạn chụp mũ, phân hóa như đang xảy ra ở Westminster, làm ô nhục cộng đồng gốc người Việt.
“Đa đảng dân chủ kiểu này mang về áp dụng cho Việt Nam thì đất nước sẽ loạn, nước ngoài sẽ lợi dụng phân hóa, nguy cơ mất nước không còn là giả thuyết.
“Vì thế tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy cảnh tỉnh cao độ trước cảnh đa đảng, dân chủ loạn cào cào này, vì đó sẽ là sự tiêu vong của dân tộc Việt”.
Lên tiếng về bài viết
Được chương trình Nửa Vòng Trái Đất phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Chánh Đảng Dân Tộc cho biết ông phải lên tiếng vì bài viết đã xúc phạm đến tổ chức của ông, đến những người đấu tranh và những người hoạt động cộng đồng.
Ông Chánh cho biết Đảng Dân Tộc và những người chống cộng đều là những người yêu nước.
Ngược lại, Hoàng Duy Hùng “thiếu đạo đức chính trị”, phản lại lời thề trung thành với Đảng Đại Việt Cách Mạng, với Chủ Tịch đảng ông Hà Thúc Ký đã đỡ đầu chính trị cho ông Hùng.
Ông Hùng ngây thơ tin rằng “buông đao thành Phật” có khả năng thuyết phục nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi.
Ông Hùng phản bội cộng đồng người Việt quốc gia, tuyên truyền cho nhà cầm quyền cộng sản nhằm thực hiện Nghị Quyết 36.
CÁI TÔI của ông Hùng
Trên diễn đàn PhobolsaTV ông Hùng cho biết trước đây ông như con tàu nhỏ “đối đầu” với con tàu lớn cộng sản, còn ngày nay ông thay đổi chiến thuật áp sát con tàu nhỏ của ông vào chiếc tàu lớn để đẩy nó đi đúng hướng.
Ông Hùng không phải là thuyền nhân tỵ nạn, chưa từng lênh đênh trên biển nên không lượng được sức của con tàu nhỏ, chỉ cần va nhẹ vào tàu lớn là vỡ tan tành.
Ông Hùng cũng chưa từng sống với cộng sản nên chưa biết trên con tàu cộng sản chỉ vì không làm vừa lòng tầng lớp lãnh đạo nhiều đảng viên bị thanh trừng, đến đời con, đời cháu vẫn còn bị ảnh hưởng. Nhiều người bị thủ tiêu hay bị chết trong tù.
Bởi thế đến nay người dân vẫn tiếp tục rời bỏ con thuyền cộng sản liều chết tìm cách thay đổi cuộc đời, như trường hợp 39 nạn nhân trên chuyến xe tìm đường sang Anh Quốc.
Ông Hùng may mắn từ nhỏ được cha mẹ đưa sang Mỹ một xứ sở tự do muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói miễn là tôn trọng luật pháp Hoa Kỳ.
Nhưng việc ông Hùng công khai cộng tác với báo Nhân Dân và nhà cầm quyền Hà Nội cho thấy giá trị của tự do mà các thế hệ trước đây phải hy sinh bảo vệ nay bị CÁI TÔI của ông Hùng phản bội.
Chính trị người Mỹ…
Ông Hùng cho rằng người Việt hải ngoại khi có chút thực quyền và lợi ích là xảy ra phân hóa như đang xảy ra tại hội đồng thành phố Westminster.
Là người học ngành luật có tham gia chính trị Mỹ, ông Hùng quên rằng chuyện phân hóa đang xẩy ra ngay tại Hạ Viện Liên bang nơi Tổng thống Trump đang bị tiến hành luận tội và đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Tranh cãi, luận tội và truất phế dân cử là thủ tục dân chủ tuyệt vời được những nhà lập quốc Hoa Kỳ nghĩ ra và ghi vào Hiến pháp.
Nhờ đó nước Mỹ mới giảm thiểu được tệ nạn lạm quyền, tránh được độc đảng và độc tài xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Việt Nam.
Sinh hoạt người Việt hải ngoại
Sau 30/4/1975, người Việt bỏ nước ra đi, nơi nào có đông người Việt nơi đó có các sinh hoạt cộng đồng dựa trên tinh thần và nguyên tắc bất vụ lợi hay không vì quyền lợi cá nhân.
Các sinh hoạt cộng đồng bao gồm các tổ chức tôn giáo, từ thiện, đồng hương, đồng nghiệp, phụ nữ, cao niên, dạy tiếng Việt, hướng đạo, văn nghệ, võ thuật, văn hóa, yểm trợ đấu tranh… và hầu hết người Việt hải ngoại đều có đóng góp tốt cho các sinh hoạt nói trên.
Đương nhiên chính trị là lý do người Việt phải bỏ nước ra đi, chính nhờ ý thức chính trị luôn gắn liền với sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại, mà hơn 44 năm qua Đảng Cộng sản đã tốn bao công sức nhưng vẫn không kiểm soát được người Việt tự do.
Nghị Quyết 36 tự nó chính là một dấu hiệu nhìn nhận sự thất bại của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc kiểm soát người Việt hải ngoại.
Chính Nghị Quyết 36 đã cho người Việt tự do thấy rõ hơn Hà Nội luôn rình mò mọi sinh hoạt của họ và vì thế càng phải chống cộng và yểm trợ đấu tranh quốc nội ngày một tích cực hơn.
Cách mạng và chính trị
Một tỷ lệ rất nhỏ những người sinh hoạt cộng đồng tham gia vào các đảng phái hay tổ chức cách mạng hải ngoại.
Các tổ chức như Đảng Đại Việt Cách Mạng, Đảng Việt Tân, Đảng Dân Tộc, bao gồm cả Đảng Cộng sản đều là các đảng cách mạng.
Bản chất các đảng cách mạng là đối đầu hay đối kháng đến cùng nên đương nhiên đa đảng cách mạng dễ dẫn đến loạn lạc chiến tranh. Lịch sử tranh quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều này.
Bài viết của ông Hùng trên báo Nhân Dân là một bằng chứng mới nhất. Cộng tác với Đảng Cộng sản, ông Hùng sẵn sàng tập trung vào góc nhìn tiêu cực nhất của các đảng cách mạng quốc gia để chỉ trích sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại.
Nếu Đảng Cộng sản không thay đổi, tiếp tục đối đầu với dân chúng thì cuối cùng số phận của nó cũng như số phận của các Đảng Cộng sản ở Nga và Đông Âu.
Và nếu các đảng cách mạng quốc gia không chịu thay đổi để trở thành các đảng chính trị, tiếp tục chủ trương đối đầu tranh giành quyền lực thì cũng sẽ bị lịch sử đào thải.
Bỏ Điều 4 Hiến pháp Cộng sản
Trên diễn đàn PhobolsaTV ông Hùng cho biết: tổ chức Phục Hưng đấu tranh ôn hòa đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp nên trong bài viết khi chưa bị kiểm duyệt ông có ý muốn nói tốt cho tổ chức này nhưng bị báo Nhân Dân cắt bỏ.
Báo Nhân dân không đăng phần này là vì trong Cương Lĩnh tổ chức Phục Hưng đã nói rõ “…chủ trương tiến hành công cuộc phục hưng đất nước trên căn bản xây dựng Dân chủ Hiến định, Pháp trị và Đa nguyên…”  như thế Việt Nam cần có một hiến pháp mới, do một quốc hội lập hiến được toàn dân bầu lên và soạn thảo.
Mục đích của tổ chức Phục Hưng là Việt Nam phải có tự do chính trị, còn đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp chỉ là mục tiêu đấu tranh ngắn hạn.
Ông Hùng đã lầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích nên mới bị báo Nhân Dân kiểm duyệt đục bỏ phần này.
Kết luận
Mục đích của bài ông Hùng viết là chứng minh đa đảng gây phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia, không có lợi gì cho dân tộc, đất nước sẽ loạn, đưa đến việc mất nước.
Bài viết được đăng trên báo Nhân dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản, xưa nay chỉ được cán bộ đảng viên xem.
Người dân nhất là người trẻ không đọc báo Nhân Dân, như thế bài viết không phải để “cảnh tỉnh cao độ” các bạn trẻ “đa đảng là rối loạn” như câu cuối cùng của bài viết mà mục tiêu chính là để Hà Nội răn đe và ngăn cản cán bộ đảng viên đang tự diễn biến, tự chuyển hóa đòi đa nguyên, dân chủ dẫn đến sụp đổ thể chế độc đảng cộng sản tại Việt Nam.
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét