Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

20200630. BÀN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
RỚT ĐẠI BIỂU THÌ LÀM SẾP ĐẠI BIỂU
TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH/ TD 28-6-2020

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Là nước văn minh tiến bộ, các hoạt động của Quốc hội ta đều vì nhân dân. Quốc hội ta có cơ chế để có thể lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ nhân dân phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật, bảo đảm các chính sách, pháp luật và các quyết sách đều có nguồn gốc, cội rễ từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Đây cũng chính là cơ chế để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát tối cao, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng, thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.Quốc hội muốn trở thành cơ quan quyền lực nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhất thiết phải làm tốt công tác dân nguyện. Điều đó cũng chính là sự thể hiện đúng đắn bản chất tiến bộ của chế độ dân chủ ở nước ta.
Cơ quan chuyên môn có đủ năng lực và địa vị pháp lý để giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ chính là Ban dân nguyện. Bất kỳ một cơ quan dân cử nào sau khi được nhân dân bầu ra cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, thực thi các chính sách bảo đảm quyền cơ bản của công dân. Những công việc mà Quốc hội hướng tới thực hành quyền của công dân, lợi ích của nhân dân chính là công tác dân nguyện của Quốc hội. Chức năng này của Quốc hội được pháp luật quy định ở nhiều khía cạnh khác nhau, như về quyền yêu cầu, thỉnh nguyện của nhân dân, trách nhiệm thực thi pháp luật để bảo đảm hiện thực hóa quyền dân nguyện v.v…
Ông Đỗ Văn Đương chính là lãnh đạo của Ban dân nguyện.
Năm 2016, nhân dân TPHCM sớm nhận ra bản chất, năng lực của ông nên gạt tên ông, không công nhận ông làm đại biểu quốc hội – dù cơ hội rớt khó hơn đậu (thông thường 6 – 7 người chỉ loại bỏ một người).
Sau khi bị rớt đại biểu quốc hội, ông Đương trèo lên ngồi ghế Phó Ban dân nguyện – làm sếp các vị đậu.
ĐỖ VĂN ĐƯƠNG-DÂN BIỂU KHÔNG AI BẦU
Cái Lư Hương /LK/ TD 28-6-2020
Đỗ Văn Đương từng là một vị đại biểu Quốc hội khá tai tiếng.
Và khi tôi nói về tai tiếng, tôi không nói về tai tiếng của những tranh cãi đa chiều, tôi nói về tai tiếng khá thống nhất dành cho một tư duy ngược ngạo, đi ngược lại sự phát triển của xã hội của vị này.
Từ “Một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn”, hay:
“Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”,
“Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa”, cho đến
“Quyền im lặng không phải quyền con người”… 
Từng làm đến Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Đương, trong con mắt của tôi, là gương điển hình của tất cả những gì sai lầm, lú lẫn trong quá trình đào tạo và tuyển chọn các chức danh tư pháp tại Việt Nam.
Nhớ đến hồi năm 2014, ông này phản đối rất quyết liệt việc công nhận quyền im lặng trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, khẳng định rằng “quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
Đây có lẽ là giọt nước làm tràn ly đối với những người theo học luật và các cử tri quan tâm đến khoa học pháp lý tại Việt Nam, khi mà một người từng giảng dạy pháp luật, làm đến Phó Viện trưởng và là Ủy viên của Ủy ban Tư pháp, lại có thể mù mờ cả về pháp luật nhân quyền quốc tế lẫn pháp luật quốc nội như thế.
Phản ứng của báo đài Việt Nam lẫn các luật gia tại Việt Nam là rất thống nhất: ông Đương nói rất nhiều, và hầu hết là nói sai.
Cho đến năm 2016 khi có tin ông này không trúng cử chức danh đại biểu Quốc hội, tôi từng gật gù tin rằng đây là lý do Đảng Cộng sản Việt Nam còn tiếp tục được một bộ phận người Việt Nam tin tưởng.
Mô hình chính trị của họ có thể phi dân chủ, nhưng điều này không có nghĩa là những kẻ ngông cuồng đến mức ngờ nghệch như ông Đương có thể khoa môi múa mép như thế nào cũng được. Bẵng đi một thời gian, cho đến mấy hôm nay, tôi nhận ra rằng ông Đương vẫn còn làm việc bên trong Quốc hội Việt Nam.
Ông đăng đàn nói về Hồ Duy Hải sau nhiều năm ở ẩn, tiếp tục tụng bài “đúng người đúng tội” và “Hải nhiều lần nhận tội”, bất kể những sai phạm khó hiểu và không thể lý giải về thủ tục tố tụng, nhưng đó không phải là những gì tôi muốn nói về ông Đương trong lúc này. Hiện nay, ông Đương không chỉ còn làm việc trong Quốc hội, mà còn đảm trách cả chức danh Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội.
Ban Dân nguyện lại là một cơ quan dưới quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các nghĩa vụ và công việc vô cùng có ý nghĩa.
Từ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân cho đến tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, rõ ràng Ban Dân nguyện cần được xem là một công tác chuyên môn nghiêm túc của cơ quan đại diện dân cử, phải được thực hiện bởi các đại biểu chuyên trách của Quốc hội, và quan trọng nhất là phải được cử tri bầu ra.
Hài hước thay, bằng cách thần kỳ nào đó, ông Đỗ Văn Đương, người trượt Quốc hội khóa XIV, lại đang được một Quốc hội “dân cử” trả lương, và làm công việc của một đại biểu “dân cử”.
Khi mà đại đa số các đại biểu trong Quốc hội vẫn tiếp tục làm kiêm nhiệm, với chất lượng và sự đầu tư thật sự của các đại biểu vào hoạt động “chuyên môn” của họ còn rất thấp, kỳ lạ thay, một người trượt chức danh có ý nghĩa này như ông Đương, lại nghiễm nhiên tiếp tục ngồi lại trong Quốc hội và làm đến tận Phó ban.
Cái công tác nhân sự quái lạ của Đảng, và cái lá phiếu của cử tri Việt Nam, cái nào thắng, cái nào thua, qua trường hợp của ông Đương thì thật đã quá rõ.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

20200629. TSKH ĐOÀN HƯƠNG NÓI VỀ MẠNG XÃ HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
TSKH ĐOÀN HƯƠNG NÓI VỀ 'LƯU MANH BÁO CHÍ' VÀ CHUYỆN TƯ LỢI BẰNG MXH
ANH LÊ&KHÁNH LINH /VietTimes 21-6-2020

Thiết kế ảnh: An Di.

LTS: Với chủ đề trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, VietTimes sẽ đối thoại với nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng, được nhiều người biết đến.
Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương - người từng giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên ở Khoa Văn và Khoa Báo chí Truyền thông (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - một lần nữa không ngại “vạ miệng” khi trao đổi riêng với VietTimes về chủ đề Trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội (MXH).
Rối loạn nếu không pháp trị
MXH ra đời đã làm thay đổi cách thức tương tác mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đến nay, sau một thời gian phát triển, MXH đang khiến nhiều người phản ứng tiêu cực, thưa Tiến sĩ?
TSKH. Đoàn Hương: MXH ra đời đã thiết lập một môi trường mới cho tất cả các hoạt động xã hội. Lúc đầu, hầu hết mọi người có xu hướng coi MXH là một thế giới ảo, xã hội ảo, muốn làm gì thì làm. Đây là một sai lầm. Bởi xã hội ấy đã ra đời, bất luận lớn hay nhỏ, thậm chí là một hội nhóm 2-3 người thì đều phải có quy tắc và kỷ luật, chưa kể MXH có đến hàng triệu người. Đó chính là vấn đề Việt Nam trước đó không lường được, trong khi thế giới đã áp dụng luật rất chặt chẽ về MXH. Giống như xã hội thực, MXH không có pháp trị sẽ gây ra rối loạn ngay.
Khi MXH vào Việt Nam, chúng ta chưa hình dung và lường hết hậu quả của nó. Kết quả, MXH tự phát trở thành sự hỗn loạn, nhất là thời kỳ đầu. MXH thực sự hỗn loạn, ai muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Bởi, mọi người tưởng rằng MXH như một chiếc mặt nạ để lẩn trốn.
Vì sao lại đến nỗi như vậy, thưa bà?
TSKH. Đoàn Hương: Phải thừa nhận rằng, đây là khuyết điểm của chúng ta khi không lường hết những hệ quả về sau. Có thể nói, ban đầu MXH tại Việt Nam phát triển rất ấu trĩ và tự phát, khiến hậu quả phải giải quyết rất lâu. Ở nước ngoài, bất cứ sự vật nào xuất hiện cũng bắt buộc phải có pháp chế, pháp trị.
Theo đó, MXH ở nước ngoài răm rắp theo pháp luật, bởi nó bị quy định giống như xã hội. Điều này còn hạn chế ở nước ta khi MXH có tính chất tự phát, pháp luật không có quy định ngay từ đầu, ví như chúng ta đi đường không có đèn xanh đèn đỏ, không cảnh sát thì sẽ ra sao?! Chắc chắn là tắc đường và nhiều vấn đề khác.
MXH cũng thế, vì vậy dù là người nổi tiếng hay những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội vẫn bắt buộc phải theo pháp luật, khi phạm tội họ vẫn bị trừng trị, thậm chí nặng hơn những người khác để không thể nêu gương xấu.
Chúng ta ngay từ đầu không có quy định khiến MXH giống như “cái chợ tự do”, nên khi nó biểu hiện ra các nhược điểm, khuyết điểm thì chúng ta mới phải chấp nhận và chấn chỉnh.
Bản thân tôi, trong thời gian sinh sống tại nước ngoài, tôi sử dụng MXH rất nghiêm túc, bởi sơ ý một chút cũng có thể phạm luật. Ví dụ, đăng ảnh của một người mà không xin phép hoặc những ý kiến trái chiều với người khác, nếu không chính xác bạn cũng có thể bị kiện.
Ví như một khu dân cư sống với nhau, không thể sang nhà hàng xóm chửi bới cãi cọ vô cớ được mà phải có lý do và dùng lời lẽ văn hóa nhẹ nhàng. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta quên thiết lập những điều đó trên MXH.
Phải có định hưng và phải có kiểm chứng
- Bà nhận định “MXH như cái chợ tự do” – Điều đó đúng thôi, vì quan điểm của các nhà cung cấp dịch vụ MXH, nền tảng giao tiếp hiện nay là chỉ cần hậu kiểm, nghĩa là đăng thông tin lên trước – kiểm tra sau. Đó là chưa kể, MXH được xây dựng trước nhất là nhằm tạo một không gian kết nối và tương tác, thưa bà?
TSKH. Đoàn Hương: MXH hiện nay chưa hề được định hướng và kiểm chứng và khi thông tin phát ra rồi mới lo kiểm chứng và định hướng. Đây là 2 khuyết điểm lớn của MXH Việt Nam khi phát triển tự phát, chưa có tính nguyên tắc và người dùng chưa được giáo dục.
Trong khi đó, báo chí có ưu điểm hơn MXH ở chỗ: Phải có định hướng và phải có kiểm chứng. Vì vậy, tôi luôn nói với các sinh viên rằng, thông tin chỉ nên đọc trên báo chí chứ không được theo luồng dư luận của MXH. Thế nhưng, đáng tiếc, nhiều khi báo chí của chúng ta lại chạy theo đuôi MXH, nhất là những tờ báo tạm gọi là “lá cải”.  Khi chạy theo MXH tức là theo những cái không kiểm chứng, không chính xác.
Theo tôi, đây là vấn đề của lãnh đạo các tòa soạn, đồng thời là sự lãnh đạo báo chí nói chung. Điều đó có nghĩa là, tất cả các cơ quan báo chí cần được kiểm chứng và định hướng, phạt nặng nếu sai định hướng ấy để tránh tung ra những tin chưa kiểm chứng trên MXH gây nhiễu loạn thông tin.
- Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với MXH, báo chí không còn được nhắc tới nhiều trong vai trò định hướng thông tin như trước đây. Vậy phải chăng, trong thời đại 4.0 hiện nay, chức năng này đã không còn quan trọng, thưa TS.?
TSKH. Đoàn Hương: Đó là một sự nhầm lẫn!
Nhìn lại những ngày cả xã hội rối loại vì mua đồ tích trữ đợt COVID-19 là thấy ngay. Trong khi ở nước ngoài, khi có việc bất thường, người dân thường bình tĩnh chờ những thông tin từ các trang báo lớn; Còn ở Việt Nam, ví dụ chỉ có tin đồn về giãn cách xã hội mà người dân đã đổ xô đi vét sạch hàng hóa trong siêu thị. Vì sao? Bởi MXH tung tin rằng sẽ không bán hàng trong mùa dịch trong khi chính phủ chưa hề lên tiếng, làm rúng động xã hội.
Chính vì vậy, chức năng định hướng của báo chí rất quan trọng, bởi một tin đồn có thể chấn động một xã hội. Ở nước ngoài, họ phạt rất nặng những tờ báo có ý kiến sai lệch đối với xã hội, thậm chí bắt đình bản.
Vai trò của báo chí khác MXH rõ rệt mà nhiều người lại nhầm lẫn MXH là một loại báo chí. Đây là nhận định sai lầm bởi báo chí là được đảm bảo bởi những người có chuyên môn báo chí, những lãnh đạo có năng lực, được định hướng bởi chính trị xã bởi cơ quan quản lý, chứ không tự phát theo kiểu MXH.
Tuy vậy, chính một số phóng viên, nhà báo chưa nhận ra được điều này. Họ vẫn làm theo kiểu đi vào MXH tìm những tin nóng giật gân để đưa lên mặt báo. Đó là nhầm lẫn rất nguy hiểm, vì thế nên phải khẳng định tính định hướng của báo chí rất quan trọng.
“Lưu manh báo chí” và chuyện tư lợi bằng MXH
Bà cảm nhận thế nào khi đọc thấy phóng viên, nhà báo thông tin trái chiều, thậm chí sai lệch trên MXH?
TSKH. Đoàn Hương: Việc quản lý nhà báo chặt chẽ là điều rất quan trọng. Nhà báo không thể nói tùy tiện mà phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên khi theo dõi MXH, tôi thấy một số nhóm nhà báo tự liên kết lại với nhau đưa thông tin trái chiều trên Facebook. Tôi cho rằng nếu đứng về quyền phát ngôn, họ có thể làm vậy nhưng xét về tư cách nhà báo, họ không được phép bởi họ tự biết rằng những phát ngôn này đi trái với xã hội.
Lenin nhấn mạnh rằng, đối với báo chí và các nhà báo, cần yêu cầu tính Đảng Cộng sản cao hơn bao giờ hết, bởi họ là một “đinh ốc”, một “bộ phận” trong cỗ máy của chuyên chính vô sản. Vì vậy, mỗi một nhà báo cần phải nêu cao tính Đảng Cộng sản trong báo chí. Đó chính là nguyên tắc tính Đảng trong báo chí.
- Có ý kiến cho rằng xuất hiện ngày càng nhiều phóng viên, nhà báo tham gia tổ “ngàn like” không phải để lan tỏa thông tin chính xác, khách quan mà nhằm tư lợi bản thân. Bà có đồng ý với nhận định này?
TSKH. Đoàn Hương: Tôi đã quan sát trên MXH, số phóng viên, nhà báo như vậy khá nhiều. Một số nhà báo với cái tâm “không trong sáng” ý định muốn kiếm chác bằng nghề này. Họ lập hội nhóm khi có việc gì xảy ra thì kéo đến áp chế nhằm trục lợi cá nhân. Thực ra, trong bất cứ ngành nghề nào cũng đều có cái xấu của nó, đều tồn tại những kẻ xấu, cho nên khi họ liên kết với nhau để làm ra những chuyện xấu thì lúc đó Luật Báo chí phải vào can thiệp.
Đối với những trường hợp đó, dân hay dùng từ “lưu manh báo chí”. Tôi cho rằng, sớm muộn những trường hợp đó phải bị trừng trị bằng pháp luật.
Thực tế cho thấy, gần đây có nhiều vụ nhà báo bị đưa ra pháp luật, đồng thời, chính lương tâm của họ cũng không yên. Nghề gì cũng phải xuất phát từ chữ “Đức”. Chưa kể, người bị hại thời nay cũng rất thông minh khi họ biết tìm đến các cơ quan công an trình báo. Số lượng các vụ trình báo và pháp luật can thiệp ngày càng nhiều là minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của việc giám sát xã hội.
“Ăn xổi” theo MXH, báo chí chắc chắn thất bại
Nhiều nghiên cứu gần đây về thói quen của độc giả chỉ ra độc giả ngày càng “gắn bó” với smartphone, MXH và lười truy cập trực tiếp vào các trang báo. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế này đã giúp sức cho MXH trở thành đầu ra cho các tác phẩm báo chí và nội dung trên báo chí cũng phải nắn theo xu hướng trên MXH. Bà có bình luận gì về quan điểm này?
TSKH. Đoàn Hương: Điều này chính là nhược điểm của những tờ báo hình Việt Nam ở các địa phương. Khi để câu view và câu like, họ đã mời những nhân vật “tai tiếng” chứ không phải có tiếng để thu hút theo dõi. Ví dụ, một đài truyền hình địa phương đã mời một cựu người mẫu nay đã chuyển sang bán hàng online vốn là một người có ngôn ngữ chanh chua, nanh nọc khi bán hàng để đối thoại với một trí thức về văn hóa ứng xử. Có vẻ như họ không chú ý đến sự phát triển đời sống tinh thần cho công chúng mà chỉ quan tâm đến lượng view, lượng tương tác.
Báo chí Việt Nam hiện nay đương đầu với những khó khăn về kinh tế, khả năng sập sàn, đóng cửa rất cao. Thế giới đã có nhiều trường hợp. Ngoài các kênh chính thống đưa tin đúng đắn, nghiêm chỉnh còn có những cơ quan chạy theo kinh tế, câu view, câu like để tồn tại. Nếu tiếp tục dùng bài rẻ tiền đó thì rất dễ đứng trước nguy cơ sập tiệm.
Khi công chúng dùng báo chí, truyền hình để tìm kiếm giá trị Chân – Thiện – Mỹ và phát triển đời sống tinh thần thì lại gặp phải đối tượng dân showbiz “nhảy” vào luận bàn các vấn đề văn hóa, tâm lý, có những hành xử lố bịch. Cách làm như vậy khiến công chúng quay lưng lại với báo chí và đến một ngày nào đó báo chí sẽ mất độc giả. Đó là chuyện tất nhiên. Vì sao ư? Vì người dân muốn xem nội dung cao cấp để phát triển tinh thần, để hiểu về xã hội nhưng lại vấp phải đối tượng “rẻ tiền”, không hiểu biết.
Một khi đã mất công chúng thì rất khó để xây dựng lại. Điều này thể loại báo chí nào cũng cần phải lưu ý. Nếu cứ chạy theo những tin tức rẻ tiền, lá cải, câu view, câu like thì phải trả giá đắt, việc xây dựng lại đội ngũ công chúng là rất khó.
Bà nghĩ sao khi hiện nay số lượng các cơ quan báo chí trên toàn quốc rất lớn và mỗi tờ báo phải tìm hướng đi cho riêng mình và mỗi tờ báo đều có một đối tượng độc giả riêng phù hợp?
TSKH. Đoàn Hương: Báo chí cũng như văn chương, phải phát triển đúng quy luật. Phải tìm thấy đường sống lâu bền và chắc chắn, đó là mang lại đời sống tinh thần, đời sống văn hóa cao cho công chúng. Còn tư tưởng “ăn xổi ở thì” khi báo chí chạy theo MXH thì chắc chắn thất bại.
Báo chí phát triển như phim ảnh, những cái gì chỉn chu, đứng đắn, định hướng tốt cho con người và xã hội sẽ tồn tại, tạm gọi là “văn hóa cao cấp”. Xét về định hướng lâu dài, trong sự phát triển của một tờ báo bao giờ cũng có 2 mặt: Mặt thứ nhất là tính chất cổ điển (chỉn chu, chuẩn mực, định hướng nghiêm túc, văn hóa cao cấp) để lan tỏa đến các thế hệ sau, cũng giống như cách sử dụng hàng hiệu trong thương mại.
Báo chí, nghệ thuật phải tiến đến gu cao cấp chứ không phải những thứ rẻ tiền. Nếu như hàng hiệu người ta thà đốt bỏ chứ không bao giờ hạ giá thì báo chí cũng vậy. Phải có những bài báo cao cấp để định hướng. Chúng ta hiện tại cần những tờ báo chính xác và chân thực về xã hội.
Tiến đến văn hóa cao cấp
Nếu xác định rõ rằng báo chí hay mạng xã hội phải tiến đến văn hóa cao cấp thì có nên cấm các nội dung mà như bà nói là rẻ tiền không?
TSKH. Đoàn Hương: Ngăn cấm là không được, bởi đó là một hiện tượng của xã hội. Quan trọng là chúng ta – mỗi độc giả phải có đủ bản lĩnh để phản ứng được trước những tiêu cực trên báo chí rẻ tiền cũng như mạng xã hội.
Thế giới đều hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, văn hóa mạng xã hội từ lớp nhỏ. Còn nước ta thì chưa dạy và nay đang buông lỏng MXH, vì thế cần có những quy chế để người dân đi vào luật. 
Thực ra mạng là một “đống rác” khổng lồ, nếu chúng ta không dạy trẻ con văn hóa mạng, rằng cái này được vào, cái kia không được xem thì dần dần tâm hồn trẻ sẽ bị vẩn đục, thậm chí ngập trong đống rác đó. Lúc ấy chúng ta không thể cứu vãn tâm hồn trẻ con.
Vì thế, tôi cho rằng phải xuất phát chương trình giáo dục chính thống trong nhà trường, với môn giáo dục văn hóa mạng để dạy cho trẻ khi vào mạng phải ứng xử như thế nào. Giáo dục là điều rất quan trọng, phải làm từ khi còn nhỏ, khi đã lớn thì việc giáo dục có thể sẽ trở thành muộn.
Là một người nổi tiếng vài chục năm nay, bà đã “hứng” nhiều đợt tấn công dữ dội từ mạng xã hội vì những phát ngôn đã bị “cắt gọt” trở nên gây sốc, khiến dư luận dậy sóng. Ít lâu sau mỗi lần bị miệng tiếng như vậy, độc giả, khán giả lại thấy bà tiếp tục phát biểu thẳng thắn trên báo trong khi một số người khác có biểu hiện lảng tránh truyền thông…
TSKH. Đoàn Hương: Nguyên tắc của văn hóa phương Đông là biến tất cả mọi điều không hay trong cuộc sống thành động lực cho chính mình, tránh áp lực của những điều không hay.
Với quan điểm đó, mỗi lần trở thành nạn nhân của MXH, tôi xem đó là sự đánh giá của xã hội, xã hội đã chú ý đến mình và làm mình càng nổi tiếng hơn (cười). Vì thế, đối với tôi, những việc đó không có ý nghĩa gì hết mà ngược lại, nó khẳng định rằng có nhiều người, có cả những đối tượng không hay trong xã hội vẫn để ý đến mình.
Thứ hai, qua những lời đả kích của họ, tôi cũng nghe kỹ xem họ muốn mình thay đổi cái gì và tự xem xét những điều ấy. Những điều họ nói đúng một phần thì mình cũng cố gắng để sửa chữa, còn những điều họ không nói đúng thì tôi bỏ qua.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
BÁO 'CÁCH' GÌ CŨNG  CÁ MÈ MỘT LỨA
PHẠM TRẦN/ BVN 26-6-2020
báo giấy
Sau 95 năm gào cùng một giọng nền Báo chí gọi là “cách mạng” của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vẫn trơn tru uốn lưỡi phóng ra câu giả dối rằng: “Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền”. (báo Quân đội Nhân dân (QĐND), ngày 15/6/2020).
Điều không thật này đã được Ban Tuyên giáo, tổ chức tuyên truyền và chỉ huy báo chí-truyền thông sử dụng từ lâu, nay được lập lại để kỷ niệm 95 năm ngày gọi là “Báo chí cách mạng Việt Nam” (21/6/1925-21/6/2020)
Lịch sử trắng-đen
Nhưng tại sao đã có ngày gọi là “Báo chí Cách mạng”?
Câu chuyện bắt đầu từ: “Báo Thanh niên là tờ báo bí mật đầu tiên của những người cộng sản Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, viết bằng chữ quốc ngữ. Báo là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trụ sở tại nhà số 13A đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo.
Tuần báo Thanh niên xuất bản cho đến tháng 8/1929, khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giải thể, kết thúc vai trò lịch sử của mình. Thanh niên ra hàng tuần vào ngày Chủ nhật, số 1 ra ngày 21/6/1925, in tại Quảng Châu.
Về nhân sự, Nguyễn Ái Quốc vừa là người chỉ huy điều khiển đồng thời là cây viết chính”.
Báo Thanh niên “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm ánh sáng chỉ đường đấu tranh thực hiện mục đích giải phóng dân tộc, giành chính quyền” (theo Zing.VN, ngày 20/6/2020)
Báo nhà nước CSVN viết rõ như thế để phân biệt với tờ Gia Định báo, không có gốc rễ Cộng sản, là tờ báo quốc ngữ đầu tiên, ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn.
Theo tài liệu Bách khoa Toàn thư mở (BKTT) thì: “Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ.
Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm “Chánh Tổng tài” (tiếng Pháp: rédacteur en chef), nay gọi là Giám đốc; Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút. Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn thì một cứ liệu xác định Gia Định báo (ra hàng tuần) vẫn còn tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910.
Sau Gia Định báo, nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)”.
Tài liệu của BKTT cũng cho biết dưới thời Pháp thuộc, ở miền Bắc (Bắc kỳ) tuần tự có các báo:
Đại Nam đồng văn nhật báo: ra mắt năm 1892 nhưng là báo in chữ Nho
Đại Việt tân báo: tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, phát hành năm 1905. Đúng ra đây là tờ báo song ngữ, có phần Quốc ngữ và phần Hán văn
Ðăng cổ tùng báo: số ra mắt ngày 28 tháng 3 năm 1907 do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.
Như vậy rõ ràng lịch sử đã chứng minh Việt Nam có hai nền báo chí: Tiên khởi là nền báo chí do các nhân sỹ, trí thức không Cộng sản thành lập. Nền báo chí này hoạt động tự do và tồn tại cho đến năm 1954 ở miền Bắc. Và, đến ngày 30/4/1975 ở miền Nam thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa.
Báo chí tự do ở miền Bắc chấm dứt hoạt động sau khi Hiệp định Geneve chia đôi Việt Nam được ký ngày 21/7/1954 tại Thụy Sỹ. Chế độ mới ở miền Bắc, do Đảng CSVN độc quyền cai trị, đặt tên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng kể từ đây, báo chí và mọi phương tiện truyền thông ở miền Bắc đều do Đảng, hay các Tổ chức của Đảng thành lập và chỉ huy cho đến ngày nay.
Do đó, hàng năm, nhà nước CSVN đã chọn ngày ra đời của báo Thanh niên (21/6/1925) làm “ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Trong khi đó ở miền Nam, dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa từ 1954 đến 1975, đã có một nền báo chí tự do “trong hoàn cảnh chiến tranh” chống quân Cộng sản, nhưng nhân bản được thành hình. Nền báo chí này đã không ngừng phát triển hài hòa liên tục và được Hiến pháp và luật pháp bảo vệ cho đến ngày 30/4/1975, khi miền Nam bị Quân đội Cộng sản miền Bắc chiếm đóng và cai trị cả nước.
Như thế ngày gọi là “Báo chí cách mạng Việt Nam” chỉ là “một nửa sự thật” của toàn diện Lịch sử báo chí Việt Nam. Nhưng một nửa này, rất tiếc, lại là một nửa không có tự do, do đảng chỉ huy và phải làm theo chỉ thị của Ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của Đảng. Những người được gọi là làm báo, phóng viên, biên tập viện là cán bộ hay viên chức đảng và của các tổ chức chính trị, xã hội do đảng thành lập và chỉ huy.
Báo của ai - viết cho ai?
Với thành phần nhân sự như thế thì họ làm báo cho ai và vì ai?
Luật Báo chí 103/2016/QH13, ban hành ngày 05 tháng 4 năm 2016 đã trả lời rõ ở Điều 4:
“1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trong khi đó, nghĩa vụ của nhà báo được quy định trong Điều 25, là phải: “Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…”
Như vậy, có phải “Báo chí cách mạng” chỉ là những tờ truyền đơn được đảng sử dụng để tuyên truyền bằng tiền của dân? Trong khi đội ngũ 22.000 người làm báo, đang phục vụ trong 868 cơ quan báo chí in, 66 đài phát thanh, truyền hình và một hãng thông tấn quốc gia (Thông tấn xã Việt Nam, TTXVN), tuy một phần được đào tạo bài bản, nhưng tất cả đều là công cụ của đảng.
Sợ báo tư nhân – Sợ đảng đối lập
Đó là lý do tại sao Đảng CSVN đã không dám cho tư nhân ra báo để dành độc quyền thông tin, nhưng mặt khác lại sợ báo Tư nhân sẽ qua mặt báo đảng, và lo báo đảng và người làm báo cũng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để thoát gông cùm đảng.
Việc này, cũng giống như Đảng đã chỉ thị cho Công an phải làm tốt “công tác bảo vệ an ninh chính trị” và “không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa” để bảo đảm quyền cai trị độc tôn cho Đảng. Cả hai việc này đều phản dân chủ, nhưng cả làng “Báo chí Cách mạng” đã không dám hé răng phản biện, dù chỉ khiêm tốn hay nhẹ nhàng bóng gió, hoặc nửa đùa nửa thật để không mất nồi cơm.
Lý do vì Ban Tuyên giáo đã chỉ thị: “Báo chí có trách nhiệm góp phần làm cho thế giới quan Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, động viên toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, năng động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa”. (Tạp chí Tuyên Giáo, ngày 9/6/2020)
Tại Đại hội Đảng VII, họp từ ngày 24-6-1991 đến ngày 27-6-1991, Văn kiện quan trọng nhất được chấp thuận là
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (được bổ sung, phát triển năm 2011 tại kỳ Đại hội Đảng XI).
Cương lĩnh đã khẳng định 2 điều cốt lõi:
- “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
và:
- “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Sau Cương Lĩnh, bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng lập lại trong khoản 1, Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Rõ ràng là Đảng đã “ăn của dân không từ một cái gì” (lời Bà Nguyễn Thị Doan, khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Nước năm 2013). Vì ai cũng thấy Đảng đã áp đặt Chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh lên đầu dân. Đảng cũng tự phong cho mình quyền lãnh đạo, dù chưa bao giờ được dân bỏ phiếu ủy quyền bằng bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra Đảng còn nhét chữ vào miệng dân khi viết bịa đặt rằng: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Thế rồi, Đảng lại nói dối mà không sợ bị Thánh Thần cắt lưỡi, khi phô diễn trong Cương lĩnh rằng: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Dân xa Đảng - bỏ báo
Chuyện Đảng CSVN nói những điều không thật lúc nào cũng có và đây rẫy trong đời sống hàng ngày, năm sau cao hơn năm trước, nhưng báo đài “cách mạng” chỉ biết hùa theo cho đẹp lòng Đảng để được nuôi ăn.
Bằng chứng là chuyện Quân đội và Công an tấn công vào Đồng Tâm giết cụ Lê Đình Kình sáng ngày 9/01/2020 đã bị báo Công an Nhân dân bóp méo, xuyên tạc và bịa đặt đổ tội cho dân làng. Thế nhưng, tất cả hệ thống báo-đài phải đăng bản tin duy nhất của Công an đưa ra để đánh lừa dư luận. Rất may, một số nhà báo tự do (Bloggers) và hoạt động xã hội dân sự đã nhanh chóng đưa được những thông tin chính xác về cuộc tấn công dã man này để giúp dự luận trong và ngoài nước có được những thông tin trung thực hơn.
Trong quá khứ, báo-đài nhà nước đã từng: Ngoảnh mật làm ngơ trước các vụ người dân xuống đường biểu tình chống Tầu xâm lược đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông; Tưởng niệm các chiến sỹ của hai miền đất nước đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tầu bảo vệ Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988), và, cuộc chiến chống Tầu xâm lược biên giới trong 10 năm (1979-1989).
Bên cạnh thái độ về hùa với nhà nước, báo đài cũng không bênh vực dân oan đi khiếu kiện đòi công bằng, đền bù và công lý từ Nam ra Bắc.
Do đó, số người đọc báo Đảng đã sa sút thê thảm trong diện rộng. Thậm chí Đảng đã phải ra chỉ thị cho các cấp bộ đảng xuất qũy mua báo, đặc biệt đối với các báo “chính thống” như Nhân dânQuân đội Nhân dânSài Gòn Giải phóng và các Tạp chí Cộng sảnXây dựng ĐảngTuyên giáoQuốc phòng Toàn dân v.v…
Liên hệ giữa Đảng và dân cũng mỗi ngày một mờ nhạt. Hàng ngũ đảng viên trí thức, đặc biệt nhiều người đã nghỉ hưu và cựu chiến binh đã bỏ sinh hoạt Đảng, không thèm báo cáo cho Chị bộ khi đến địa chỉ mới.
Ngược lại, tập thể cán bộ báo chí, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã ngoan ngoãn làm những việc Đảng chỉ đạo nên được khen:
- “Đưa tin kịp thời, cập nhật, chính xác, khách quan và đầy đủ các thông tin về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng… đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng”
- Là lực lượng tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… tích cực trong đấu tranh phản bác, chống lại các quan điểm sai trái, phản động, luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, ngăn chặn các thông tin xấu độc hại…”
- Thành công trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, quy định… của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, cũng như ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
(Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương, báo Nhân dân, ngày 20/6/2020)
Ông Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, kết luận: “Tóm lại, trong tình hình hiện nay, báo chí không chỉ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói riêng, mà báo chí còn tích cực, chủ động tham gia góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Ðại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Ðảng. Vì vậy, thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Ðảng sâu rộng, kịp thời, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan thông tấn, báo chí”.
Tính “công bộc” của Báo chí Cách mạng, một lần nữa, còn được minh thị trong phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sáng 13/6 (2020).
Ông Vượng nói: “Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta”.
Ông Vượng, 67 tuổi được coi là ứng viên sáng giá nhất thay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng XIII (đấu năm 2021).
Mắng mỏ báo chí
Đó là mặt Đảng thì làng báo “cách mạng” đã “cách miệng” chu toàn nhiệm vụ, nhưng bên cạnh, cũng có lúc không làm vừa ý Đảng nên bị quở trách. PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương đã vạch lá tìm sâu như thế này: “Công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói riêng, nhìn chung còn khô cứng, sáo mòn, không sáng tạo, thiếu phong phú, hấp dẫn…”
Ông nói: “Không ít cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hóa; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ mục đích; một số bài báo có thông tin không trung thực, thiếu chính xác. Một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, đã tác động tiêu cực, bức xúc trong xã hội…
Ông Phúc, từng một thời là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Đảng còn phê bình: “Bản lĩnh nghề nghiệp, tính trung thực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo thời gian qua cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do bản lĩnh nghề nghiệp kém, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không được thường xuyên trau dồi, rèn luyện nên đã có không ít nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, đưa và nhận hối lộ, bị đồng tiền bẻ cong ngòi bút, đưa tin sai sự thật… Vấn đề cần báo động về đạo đức nghề nghiệp của báo giới; đồng thời, cũng cho thấy những khó khăn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay”. (theo báo Nhân dân, ngày 20/6/2020)
Lạ chưa? Báo Đảng từng được khen “đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng” rồi lại bị chỉ trích ngay đã “sa sút đạo đức nghề nghiêp, trục lợi và nhận hối lộ” thì cái làng “báo chí cách mạng” cũng nham nhở không thua gì các ban, ngành khác của chế độ. Cho nên tình trạng nhiều báo điện tử đã giăng ra cái bẫy làm tiền bẳng chiêu trò “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và “ra giá” với các Doanh nghiệp để lấy quảng cáo hoặc nhận “phong bì” cũng đã được thảo luận ở Quốc hội từ năm 2019.
Do đó, Giáo sư triết học Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản mới phê bình: “Tôi cho rằng báo chí của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không hề là “cách mạng”. Họ đã đánh tráo khái niêm để lừa mị. Có chăng chỉ có thể gọi là Báo chí của Đảng Cộng sản mà thôi. Gọi ngày báo chí cách mạng thật giả dối”. (Nguyễn Khắc Mai, 20/6/2020)
Giả dối vì chưa bao giờ những cán bộ báo chí của Đảng CSVN dám sống và phục vụ người đọc và Tổ quốc như những chiên sỹ cách mạng muốn thăng tiến xã hội và con người bằng lòng ngay, ý thẳng.
Lý do họ không dám đứng thẳng và ngẩng mặt lên vì trong 95 năm qua, họ đã bằng lòng với thân phận cá mè một lứa để cho Đảng xỏ mũi dẫn đường.
(6/2020)
P.T.
VNTB gửi BVN