Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

20200627. LẠI BÀN VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRƯỜNG CHUYÊN ĐÀO TẠO GÀ NÒI LÀ MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐÃ LỖI THỜI 
VŨ NINH /GDVN 26-6-2020
“Tôi cho rằng những chia sẻ thật lòng, thẳng thắn của Phó giáo sư Nguyễn Đức Thành về mô hình trường chuyên, lớp chọn cần được xã hội và những nhà quản lý nghiền ngẫm, lắng nghe.
Vì đây là chia sẻ của những người trong cuộc, những người phải đánh đổi cả một cuộc đời hoặc một đoạn đường đời mới đúc rút ra được điều này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nói một câu rất nổi tiếng: Tôi phải mất 10 năm mới rũ bỏ được giọng văn dạy trong nhà trường để trở lại là chính mình”.
Trên đây là những chia sẻ của cô Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie, Hà Nội, xoay quanh vấn đề mô hình trường chuyên, lớp chọn đang được dư luận chú ý thời gian gần đây.
Trường chuyên, lớp chọn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình
Tham khảo nhiều mô hình giáo dục tại quốc gia trên thế giới, cô giáo Phạm Thái Lê chỉ ra điểm mâu thuẫn trong việc đào tạo trường chuyên, lớp chọn tại Việt Nam:
“Xu hướng giáo dục hiện nay là đào tạo con người toàn diện, có kỹ năng mềm tốt tức là có EQ cao.
Trong khi đó, trường chuyên, lớp chọn lại đi theo hướng chú trọng vào phát triển năng lực IQ.
Thực tế cuộc sống đã có nhiều minh chứng những người học khá, đều, thường thành công hơn những người học giỏi một môn chuyên biệt.
Tôi hay dẫn chứng cho phụ huynh trường hợp: Học sinh chuyên Toán, từng tham gia đội tuyển Toán quốc tế nhưng không phân biệt nổi rau ngót và rau thơm, 30 tuổi mà không thể đi chợ, không tự lo nổi cho mình một bữa cơm.
Một học sinh chuyên Văn khác thì luôn bị lừa ở ngoài đời, mua bán gì cũng hớ hênh…
Tất nhiên những trường hợp ấy không hẳn là tiêu biểu nhưng đó là dẫn chứng cho thấy EQ có vai trò quan trọng trong cuộc sống đời thường.
Gần 10 năm dạy trường chuyên, tôi biết các bạn ấy rất thông minh, mọi vấn đề tiếp cận nhanh.
Nhưng như phân tích của Phó giáo sư Nguyễn Đức Thành, sứ mệnh lịch sử của trường chuyên đã hoàn tất”.
Lý giải vì sao trường chuyên, lớp chọn vẫn là mục tiêu của nhiều phụ huynh, học sinh, cô Phạm Thái Lê cho biết:
“Sở dĩ phụ huynh muốn con cái thi vào trường chuyên, lớp chọn là có 2 lý do:
Thứ nhất, việc muốn trẻ vào được trường chuyên là được học thầy cô giỏi, có bạn bè giỏi.
Tiêu chuẩn học giỏi và khái niệm ngoan ngoãn vâng lời vẫn còn là tiêu chuẩn hàng đầu của rất nhiều người.
Học trường chuyên, trẻ sẽ có động lực học, đua nhau học, sẽ có lý lịch học tốt, có bệ phóng tốt để vào đại học, đi du học, vân vân.
Điều này là mong muốn chung của cả bố mẹ và con trẻ.
Bên cạnh đó việc phụ huynh muốn con vào trường chuyên còn là để thỏa mãn tâm lý của chính cha mẹ.
Bố mẹ tự hào và kiêu hãnh với bạn bè đồng nghiệp vì con học trường chuyên này, trường chuyên kia.
Điều này quan trọng với rất nhiều người.
Chưa cần biết đứa trẻ như nào nhưng khi nghe nói cháu học trường chuyên A trường chuyên B là có sự xuýt xoa trầm trồ.
Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường chuyên lớp chọn không hẳn là động lực hay sự yêu thích của đứa trẻ mà nhiều khi chỉ bởi niềm kiêu hãnh, là ước muốn, ý chí của chính cha mẹ”.
Cô Phạm Thái Lê cho rằng: Mô hình giáo dục trường chuyên đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình (Ảnh: NVCC)
Mô hình trường chuyên là biểu hiện “tính đồng phục” của giáo dục công lập
Bàn sâu về mô hình giáo dục trường chuyên, lớp chọn, cô Phạm Thái Lê chia sẻ:
“Mô hình trường chuyên, lớp chọn vẫn nằm trong hệ thống giáo dục công lập.
Và tính hạn chế lớn nhất của giáo dục công lập đó là tính đồng phục, quy tất cả về một tiêu chuẩn.
Đó là học giỏi và học chuyên sâu vào một môn nào đó để thi lấy giải, là điểm số và thành tích học tập.
Tiêu chuẩn này không còn đáp ứng đủ vì xã hội cần ở con người những chuẩn khác nữa.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều có một giá trị riêng, một năng khiếu, một sự đặc sắc riêng.
Ngoài việc trang bị kiến thức nền tảng, giáo dục còn có sứ mệnh giúp học sinh phát lộ được năng khiếu, đi tìm giá trị riêng của bản thân.
Đấy là giáo dục khai phóng.
Khái niệm năng khiếu ở nhiều nước là năng khiếu về là âm nhạc, hội họa, nghệ thuật… chứ không phải là những môn khoa học phổ thông như ở Việt Nam”.
Cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh: “Trường chuyên đã đến lúc phải đặt lại vấn đề về sự vận hành cũng như cách thức nó tồn tại.
Một cái móng sâu được đào sâu đến mấy mà hẹp thì cũng không thể xây được một tòa lâu đài.
Nhưng nếu một cái móng sâu và rộng thì có thể xây được một tòa lâu đài.
Đây chính là hình ảnh phản ánh thực tế mô hình giáo dục trường chuyên”.
“Mỗi con cá đều có vẻ đẹp của mình, cho dù không phải là con cá bơi nhanh nhất”
Cô Phạm Thái Lê cho rằng: “Học sinh khi đã thi được vào trường chuyên bằng năng lực của bản thân đều là những người có tố chất (hay còn được gọi là tinh hoa).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương ví von: Học sinh chuyên giống như những chú cá đó lại bị nhốt chung vào một cái hồ, dành cả tuổi xuân để cố gắng bơi vượt lên đầu.
Nhưng mỗi chú cá đều có một vẻ đẹp khác nhau kể cả một chú cá bơi chậm rãi, vừa bơi về suy ngẫm cũng có vẻ đẹp của nó, không nhất thiết chú cá bơi vượt lên đầu tiên là chú cá đẹp nhất”.
Qua hình ảnh này cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn trong giáo dục trường học để đánh giá một con người.
Mà tiêu chuẩn trong trường học chính là điểm số, thành tích, học lực.
Thế nhưng tiêu chuẩn này hiện nay không còn đúng nữa vì xã hội đánh giá một con người bằng hệ thống tiêu chuẩn riêng.
Nói cách khác, chuẩn trong xã hội không cần đến cái chuẩn của trường học nữa.
Vì thế có rất nhiều học sinh, sinh viên trong trường đạt giải cao, bằng giỏi nhưng ra ngoài xã hội phải học lại, rèn luyện tại từ đầu, các em cảm thấy rất sốc.
Ngoài ra việc đào tạo học sinh gà nòi sẽ dẫn đến sự ganh đua trong nhà trường, méo mó về quan điểm giáo dục.
Những điểm này là biểu hiện của căn bệnh thành tích, của những kỳ thi học sinh giỏi thành phố, học sinh giỏi Quốc gia được đề cao quá mức.
Học sinh trường chuyên phải sống trong một môi trường đặt nặng tính ganh đua nên nhiều em có cái nhìn chưa toàn diện về cuộc sống, con người.
Trong khi đó sứ mệnh của giáo dục chính là sắp xếp đúng con người vào môi trường phù hợp và phát lộ hết khả năng của họ chứ không phải chăm chăm đào tạo gà nòi”.
Ảnh minh họa, nguồn: toquoc.vn
Chốt lại vấn đề, cô Phạm Thái Lê cho rằng: Mô hình trường chuyên, lớp chọn đã kết thúc sứ mệnh của mình.
Sự hiệu quả của mô hình này không thể bàn dựa trên số tiền đầu tư, học phí mà phải bàn ở chất lượng của sản phẩm đào tạo.
Để giải quyết được bài toán này không thể giải quyết trong một sớm một chiều vì bản chất trường chuyên, lớp chọn chỉ là một biểu hiện của một mô hình giáo dục có triết lý không còn phù hợp như đã phân tích ở trên.
Đã đến lúc trường chuyên cần vận động thuận theo quy luật của tự nhiên và được xã hội đánh giá một cách khách quan, công bằng.
"Nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới, từng bước bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục."

Theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư
Vũ Ninh
TIN LIÊN QUAN:

PHÓ GIÁO SƯ TRẦN XUÂN NHĨ, TRƯỜNG CHUYÊN LÀ ĐÀO TẠO MŨI NHỌN, KHÔNG THỂ BÁN
ĐỖ THƠM /GDVN 26-6-2020
Những ngày qua, đề xuất đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gây nên những tranh luận gay gắt.
Đề xuất này của Tiến sĩ Thành nêu ra không chỉ với trường hợp của Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam mà còn mở rộng ra với trường chuyên trên cả nước. [1]
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. ảnh: Thùy Linh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ quan điểm với Giáo dục Việt Nam về đề xuất trên.
Theo thầy Nhĩ, việc xã hội hóa giáo dục, người dân góp phần vào là đúng nhưng không phải cái gì cũng xã hội hóa hết được.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, trong đào tạo, đào tạo đại trà, ta có thể xã hội hóa nhưng trường chuyên là đào tạo mũi nhọn thì không nên xã hội hóa.
Trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, bất cứ lĩnh vực nào, chính bộ phận mũi nhọn sẽ có vai trò đầu tàu kéo sự nghiệp chung đi. Đất nước Singapopre khi cải cách ở thời Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng tiến lên như vậy.
Trong lĩnh vực nhân lực cũng như vậy, tôi cho rằng không thể nào bán các trường chuyên đó được”, Phó Giáo sư Nhĩ nói.
Theo thầy Nhĩ, trường chuyên đào tạo một lực lượng cốt cán cho đất nước. Do đó, Nhà nước phải đầu tư.
Xã hội có thể góp phần thêm để trường chuyên phát triển tốt hơn, còn quan điểm đem bán trường chuyên hoặc để tất cho xã hội làm, cá nhân thầy không đồng ý với việc đó.
“Nếu bán thì sẽ khó có thể giữ hoặc thể hiện được đường lối như mục tiêu hoạt động của trường chuyên nữa”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.
Đáng nói, ngay khi đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành được chia sẻ rộng rãi, dư luận quan tâm đến mục tiêu của các trường chuyên là gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/6/2010, Chính phủ có Quyết định Số: 959/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020" với kinh phí thực hiện đề án là 2.312,758 tỷ đồng, trong đó:
Ngân sách nhà nước:
+ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo: 1.295,417 tỷ đồng;
+ Vốn vay ODA: 953,65 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 63,792 tỷ đồng.
Đề án với 6 mục tiêu cụ thể:
a) Củng cố, xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô;
Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố;
b) Tập trung đầu tư nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2015, có 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế;
c) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp;
Nâng tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trườngtrung học phổ thông chuyên.
Đến 2015, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp;
d) Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2015, có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học;
30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành.
Đến năm 2020, có ít nhất 70% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 90% học sinh giỏi, khá về tin học; 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành;
đ) Tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học;
Lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.
Đến năm 2015, có khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học trong nước và tại các trường đại học có uy tín ở nước ngoài và đạt 50% vào năm 2020.
e) Tăng cường khả năng hợp tác giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh; đồng thời thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên.
Đến năm 2020, mỗi trường trung học phổ thông chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế. [2]
Vào cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông Chuyên giai đoạn 2010-2020.
Tại hội thảo, đã nêu ra một số bộc lộ, hạn chế, tiêu chí khó hoàn thành theo mục tiêu của đề án ở thời điểm đó.
Theo đánh giá, việc xây dựng các trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt.
Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia còn cao (chiếm tỉ lệ 25,3 %);
Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục;
Việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế;
Việc triển khai thí điểm dạy học môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh còn nhiều hạn chế; thí điểm dạy học nội dung giáo dục tiên tiến của nước ngoài chỉ thực hiện tại một vài trường chuyên;
Việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên kết giữa các trường trung học phổ thông chuyên với các trường đại học và các cơ sở giáo dục có uy tín nước ngoài vẫn còn rất hạn chế. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-si-nguyen-duc-thanh-nen-ban-truong-chuyen-ha-noi-amsterdam-post210264.gd
[2]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=95359
[3]http://sesdp2.edu.vn/de-an-phat-trien-he-thong-truong-thpt-chuyen-giai-doan-2010-2020/
Đỗ Thơm 
'KẺ ĐỐT ĐỀN' TRƯỜNG AMS: TRƯỜNG CHUYÊN ĐANG TỒN TẠI KHÔNG MỤC ĐÍCH
THÚY NGA/ VNN 26-6-2020

Là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là “kẻ đốt đền” với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận, “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay.

TS Nguyễn Đức Thành đã chia sẻ thêm với PV VietNamNet về cuộc tranh luận này.
Trước hết, tôi không phê phán chất lượng của trường Ams. Tôi vốn là cựu học sinh chuyên Lý. Quãng thời gian học ở trường Ams những năm 1992-1995 luôn là thời kỳ đẹp đẽ nhất của đời tôi.
Tôi được học ở ngôi trường trong điều kiện vật chất ưu việt thời ấy, có bạn bè tốt và giỏi, thầy cô tuyệt vời như thể thuộc về tầng lớp tinh hoa vậy. Và hẳn bây giờ, trường Ams vẫn là có chất lượng đào tạo tốt hơn một trường công trung bình và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, gia đình.
Nhưng chúng ta cần đánh giá sự tồn tại của mô hình trường Ams trong tổng thể xã hội hiện nay có hợp lý hay không. Ở đây, tôi chỉ làm rõ thêm một phần trong những lập luận của tôi về sự bất cập của mô hình trường Ams và các trường chuyên khác.
‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích
TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh: Thúy Nga)
Chi tiền cho "nhân tài" làm gì?
Là một người làm chính sách kinh tế-xã hội, tôi quan tâm tới việc các trường chuyên sử dụng nguồn lực và tài chính của nhà nước để phục vụ cho mục đích gì?
Nếu như những ngôi trường này được tài trợ bởi tư nhân - nơi cha mẹ có điều kiện trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn, điều đó không có gì để bàn.
Hoặc nếu như những trường này là trường công thuần túy, nhận tiền từ ngân sách nhà nước như mọi trường công khác và giảng dạy với chất lượng vượt trội, thì điều đó càng không có gì để bàn, nếu không muốn nói là cần khuyến khích.
Nhưng có một vấn đề, trường Ams hiện nay (cũng như mọi “trường chuyên” khác) đang nhận ngân sách tính trên đầu học sinh cao hơn khoảng 2,5-2,7 lần các trường công khác.
Ở đây, tôi chỉ muốn làm rõ logic của vấn đề, chứ tôi không quan tâm lắm đến số tiền cao hơn 2-3 lần hay 5 lần. Vấn đề chỉ là, nếu đã được tài trợ cao hơn thì phải có một mục đích rõ ràng cho việc đó.
Có mấy mục đích được nêu ra nhằm biện minh cho sự tồn tại của các trường chuyên.
Thứ nhất, có người nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra những người ưu tú đi thi quốc tế nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, mang lại sự vẻ vang cho tổ quốc. Nếu thế thì có cần thiết phải xây dựng tốn kém một hệ thống dàn trải các trường chuyên trên khắp cả nước như vậy hay không? 
Thứ hai, có người lại nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra “nhân tài”. Tôi thấy hoài nghi về mục đích này.
Nếu nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng “nhân tài” và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp, thì những “nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân - những người đã đóng tiền cho họ ăn học.
Còn nếu không, chúng ta chi tiền cho “nhân tài” làm gì? Bản thân những người có tài đã có thể tự lo liệu cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường rồi, sao phải đầu tư thêm cho họ?
Nhiều người viện dẫn, các nước vẫn đang có những ngôi trường đặc biệt để rèn luyện người có năng lực. Tôi cho rằng, đó là trường đào tạo những người ở độ tuổi lớn hơn tuổi học phổ thông.
Nếu có đào tạo ở độ tuổi phổ thông thì cũng rất hãn hữu và trong những hoàn cảnh đặc biệt. Điểm cốt yếu là những người ấy sau khi được đào tạo xong thì phải phục vụ bộ máy nhà nước.
Điều này giống như trong các trường công an, quân đội hiện nay. Khi nhận sự tài trợ đặc biệt từ nhà nước để phát triển, họ đã chấp nhận một thỏa ước rằng phải phục vụ cho nhà nước, phục vụ cho những người đã đóng thuế để tài trợ cho việc học của họ.
Vậy những học sinh ở Ams hoặc các trường chuyên, học xong họ có chấp nhận như vậy không? 
Tôi nghĩ rằng những học sinh muốn vào Ams chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục cao hơn trung bình mà tiền học thì lại thấp. Như vậy, mục đích “đào tạo nhân tài” theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại, cũng chưa bao giờ được thực hiện.
Thứ ba, có người nói mô hình trường Ams hoặc các trường chuyên ở các tỉnh thành là để thử nghiệm một loại trường tiên tiến, chất lượng cao trong giảng dạy. Mục đích của thí điểm là để nhân rộng ra nhằm giúp toàn bộ hệ thống giáo dục cũng có chất lượng cao như thế.
Nếu vậy, trường ấy phải nhận các học sinh đa dạng về thành phần (trí tuệ, thu nhập,…), tức phải có em giỏi, em dốt, em ngoan, em chưa ngoan, em có điều kiện, em không có điều kiện,... Có như thế mới bảo đảm đó là một thí nghiệm trên một môi trường giống như môi trường thực tế và khi thành công mới có thể nhân rộng.
Nếu chúng ta xây dựng một ngôi trường kiểu mẫu mà chỉ dạy các em học sinh ngoan, giỏi trên mức trung bình thì làm sao có thể bảo đảm mô hình ấy sau này áp dụng cho toàn xã hội được. 
Như vậy, với những mục đích nêu trên, tôi thấy không cần thiết phải dùng tiền của số đông để tài trợ cho một nhóm nhỏ học sinh ở trường Ams hay trường chuyên, trường điểm.
Cá nhân tôi đã từng được học ở trường Ams. Trường Ams đã không đạt được mục đích nào trong số các mục đích nêu trên khi đào tạo tôi. Thế nhưng, tôi vẫn được hưởng một sự giáo dục rất tốt với chi phí cao do người khác – những người có con không học trường Ams - chi trả.
Tôi thấy đó là điều không công bằng và muốn điều ấy chấm dứt. Tôi nghĩ đây là cách tôi trả ơn những người đã tài trợ cho tôi trong những năm tháng đẹp đẽ học ở trường này.
Thúy Nga(ghi)

BỘ GIÁO DỤC NÊN ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VỀ TRƯỜNG CHUYÊN, CHO TƯ THỤC THAM GIA
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 27-6-2020
Trường chuyên nên giao cho tư thục làm, còn nhà nước tập trung nguồn lực mở thêm nhiều trường học cho con em nhân dân lao động. Cũng có ý kiến cho rằng nên tư thục hóa hệ thống trường chuyên của Hà Nội.
Thầy Võ Thế Quân: "Bộ Giáo dục nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho hệ thống này tham gia vào các trường chuyên hiện nay”. Ảnh : Tùng Dương.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), chia sẻ:
“Trước tiên chúng ta phải xem xét vấn đề này xuất phát từ luật.
Hiện nay theo Luật Giáo dục thì hệ thống các trường công lập vẫn có sự đầu tư của ngân sách, có hệ thống trường chuyên để đào tạo nhân tài cho đất nước.
Việc đào tạo nhân tài là một vấn đề luôn cấp bách và nhất là trong giai đoạn hiện nay, một đất nước hùng cường thì luôn đi liền với những công dân xuất sắc, những nhà khoa học giỏi…
Việc đào tạo này không phải đến bậc đại học mới làm, quá trình đào tạo nhân tài phải bắt đầu từ bậc phổ thông, chính vì tư duy như vậy nên hiện nay chúng ta có một hệ thống trường chuyên từ bậc Trung học phổ thông.
Thực tế hiện nay có một số trường điểm của các quận với mô hình giống như trường chuyên để đào tạo những học sinh xuất sắc cho các trường chuyên.
Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là quy trình đào tạo, tuyển chọn nhân tài của chúng ta bắt đầu từ bậc phổ thông như đã làm trong nhiều năm qua, nhưng lại chưa hề có đánh giá hiệu quả đến mức độ nào của mô hình đào tạo ấy.
Cần phải có đánh giá cụ thể thì chúng ta mới đi tới việc định hướng phát triển tiếp theo của hệ thống này nên như thế nào cho hiệu quả.
Cho đến nay cũng chưa có đánh giá khoa học thật chuẩn xác về vấn đề trường chuyên, lớp chọn này.
Lâu nay chúng ta vẫn nói tới câu chuyện những em học sinh xuất sắc đạt giải quốc gia, quốc tế… và điều mọi người dễ nhận thấy các em này đều từ các trường chuyên mà ra.
Sau đó các em lên đại học, đi du học nước ngoài, rồi tỷ lệ bao nhiêu % quay lại cống hiến cho đất nước ra sao? Chúng ta hoàn toàn chưa có tổng kết, thống kê nghiên cứu một cách chuẩn xác”.
Theo thầy Quân: “Chúng ta muốn định hướng phát triển hệ thống trường chuyên như thế nào cho nó khoa học, cho hợp lý, đúng với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước thì việc đầu tiên phải làm là có sự đánh giá khách quan, tổng thể toàn bộ hệ thống trường chuyên này trong suốt những năm qua cho đến thời điểm hiện nay, rồi căn cứ vào đó mới điều chỉnh nên xóa bỏ hay tồn tại, phát triển.
Theo tôi đây là một nghiên cứu rất cấp bách cần phải làm ngay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa việc này thành đề tài cấp Bộ, sở Giáo dục các tỉnh, thành phố cũng phải triển khai nghiên cứu ngay trong năm học 2020 - 2021 này.
Bao lâu nay chúng ta duy trì hệ thống trường chuyên này theo thói quen, tùy hứng không có nghiên cứu gì cụ thể, cứ như vậy thì không thể được.
Hiện nay Hà Nội có một loại trường nữa là trường công lập chất lượng cao và đồng nghĩa với việc thu học phí cũng rất cao, thậm chí có trường còn thu cao hơn trường tư thục trong khi lại không phải đóng thuế, được nhà nước bao cấp về cơ sở vật chất, lương giáo viên…
Xuất phát từ Luật Thủ Đô quy định trường chất lượng cao, như vậy ở Việt Nam chỉ Hà Nội có mô hình này.
Luật Thủ Đô có hiệu lực được một thời gian rồi, và cũng không nằm ngoài quy luật là chúng ta phải đánh giá lại một cách thật khoa học việc thực hiện giáo dục trong Luật Thủ Đô.
Với hệ thống trường chất lượng cao này đã đạt được ưu điểm gì, thành công thế nào và cái gì còn hạn chế, việc gì cần phải khắc phục.
Từ đó chúng ta mới có đề xuất giải pháp làm sao cho hợp lý, và giải pháp này nó lại phải phù hợp với Luật. Vấn đề ở đây là Luật và cuộc sống.
Nếu như Luật đi sau cuộc sống thì chúng ta phải sửa Luật sao cho thích ứng với cuộc sống phát triển.
Còn chúng ta làm chưa đúng Luật thì phải trở lại việc đầu tiên là làm cho đúng Luật đã, rồi từ đó mới đề xuất sửa Luật.
Tất cả cần phải được nghiên cứu, đánh giá tổng kết chính xác để có một định hướng mới rõ ràng, mạch lạc hơn về giáo dục trong giai đoạn tới”.
Theo thầy Võ Thế Quân: "Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ cần tháo gỡ cơ chế, điều kiện hoạt động cho hệ thống trường tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng". Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Cho tư thục mở trường chuyên?
Thầy Quân nêu quan điểm: “Việc này cũng liên qua đến các văn bản pháp quy, hiện nay các văn bản về trường chuyên thì chỉ cho phép trường công lập, những trường ngoài công lập không được tổ chức trường chuyên.
Nhưng thực tế các trường ngoài công lập thừa sức để đào tạo mô hình này, họ có cơ sở vật chất tốt hơn, đội ngũ giáo viên tư thục cũng có trình độ cao.
Nhưng vấn đề hiện nay trong quy chế, văn bản pháp quy không có một chữ nào về việc trường tư thục được mở trường chuyên.
Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉnh sửa lại quy chế về hệ thống trường chuyên, bên cạnh hệ chuyên của công lập thì nên mở rộng ra cho các trường tư thục có đủ điều kiện được phép mở trường chuyên.
Cả hai hệ thống này hỗ trợ cho nhau sẽ rất tốt và còn thực hiện tốt vấn đề xã hội hóa giáo dục, tiết kiện được ngân sách cho nhà nước.
Từ nguồn ngân sách tiết kiệm được đó nhà nước sẽ mở rộng hơn hệ thống trường lớp cho vùng khó khăn hơn.
Nếu tư thục được mở trường chuyên sẽ phải tuân thủ quy chế quản lý của Bộ, Sở một cách chặt chẽ và trường nào đạt được đầy đủ các quy định thì mới được triển khai”.
“Hơn nữa Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục cũng phải ủng hộ, tạo điều kiện cho hệ thống tư thục vì đây cũng là một kênh hỗ trợ rất tốt cho hệ thống giáo dục công lập.
Nhà nước không phải chi ngân sách mà chỉ cần tháo gỡ cơ chế, điều kiện hoạt động cho hệ thống trường tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng.
Bộ Giáo dục nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho hệ thống này tham gia vào các trường chuyên hiện nay”, thầy Quân nhấn mạnh.
Tùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét