Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

20200625. BÀN VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHOÁ XV

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUỐC HỘI CỦA DÂN CHỨ KHÔNG PHẢI GẦN DÂN
NGUYỄN NGỌC CHU/TD/ BVN 24-6-2020
Chiều 19/6/2020, sau phiên bế mạc của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo, trong đó có thông báo về Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để tổ chức bầu cử Quốc hội khoá 15 nhiệm kỳ 2021- 2026.
D:\Downloads\BVN\24-6\1.jpg
Qua tất cả các kỳ họp của Quốc hội khoá 14 đã diễn ra, qua các vấn đề mà Quốc hội khoá 14 đã thảo luận, qua các quyết định mà Quốc hội khoá 14 đã bỏ phiếu, phải trung thực mà nhận định rằng Quốc hội khoá 14 còn xa mới đáp ứng được đòi hỏi của Nhân Dân.

I. QUỐC HỘI GẦN DÂN NHƯNG CHƯA PHẢI LÀ CỦA DÂN
1. Ngày 04/5/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ cử tri quận Ninh Kiều TP Cần Thơ để ứng cử vào ĐBQH khoá 14 đã hứa - nếu trúng ĐBQH thì “đưa Quốc hội gần dân hơn” (https://tuoitre.vn/ba-nguyen-thi-kim-ngan-hua-dua-quoc-hoi-…).
Ngày 12/6/2020, nhân kỷ niệm 95 ‘Ngày báo chí cách mạng Việt Nam’, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ: “Trong những năm qua hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân. Và chính báo chí là cầu nối để Quốc hội gần dân, một cầu nối hết sức quan trọng” (https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-bao-chi-la-cau-noi-qua…).
2. Như vậy, xuyên suốt trong suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khoá 14 là “đưa Quốc hội ngày càng gần với dân”. Điều này đồng nghĩa với “Quốc hội chưa phải Của Dân”.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUỐC HỘI LÀ CỦA DÂN?
1. Nhân dân đã chứng kiến nhiều vị ĐBQH phát ngôn những điều ngây ngô, không phải vì lỡ miệng, mà là hệ quả của một tầm nhận thức yếu kém. Trình độ hiểu biết của một bộ phận rất lớn các ĐBQH hiện nay thấp hơn trình độ nhiều cử tri.
2. Hậu quả là Quốc hội chưa đủ năng lực để giải quyết những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Trên thực tế, Quốc hội hiện nay chỉ giữ vai trò biểu quyết thông qua các quyết định của BCHTƯ Đảng ở một chiều chấp thuận. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Quốc hội chưa có được quyết sách nào mang tính sang tạo nổi trội để trợ giúp Chính phủ. Thậm chí có việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội như ra ‘Luật biểu tình’, mà Quốc hội lại ngồi chờ đề xuất của Chính phủ. Đó thực sự là chuyện lạ đời, không có ở Quốc hội nước nào ngoài ở Quốc hội Việt Nam.
3. Muốn Quốc hội là Của Dân thì điều đơn giản đầu tiên là ĐBQH phải Của Dân. Cho nên, câu hỏi làm thế nào Quốc hội trở thành Của Dân dẫn đến bài toán làm thế nào để ĐBQH là Của Dân.
Đến lượt mình, muốn giải quyết bài toán ĐBQH là Của Dân thì ĐBQH phải được Dân tự nguyện bỏ phiếu lựa chọn.

III. ĐỀ XUẤT CÁCH BẦU CỬ ĐỂ ĐBQH LÀ CỦA DÂN
Để ĐBQH là Của Dân thì trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 nhiệm kỳ 2021-2026 các ĐBQH phải được bầu cử với những đổi mới dưới đây.
1. Nguyên tắc “Mỗi khu vực bầu cử chỉ bầu một ĐBQH”
ĐBQH là đại biểu của dân. Cho nên, mỗi Khu vực bầu cử chỉ bầu ra 1 ĐBQH. Theo cách này, ĐBQH sẽ chịu trách nhiệm trước cử tri Khu vực bầu ra ĐBQH; Đến lượt mình, cử tri sẽ thực sự quan tâm đến việc bỏ phiếu chọn ai là người đại diện cho mình ở Quốc hội.
Đây là điều khác biệt, vì từ trước đến nay, mỗi Khu vực bầu cử đều bầu chọn nhiều ĐBQH. Kết cục là ĐBQH không chịu trách nhiệm cá nhân trước cử tri Khu vực bầu cử.
2.  Nguyên tắc  tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri để ứng cử ĐBQH
Mỗi Khu vực bầu cử chỉ có 1 ĐBQH nên mỗi cử tri chỉ được bầu cho 1 ứng cử viên duy nhất. Cho nên, trước khi ứng cử vào Khu vực bầu cử nào, ứng cử viên nhất thiết phải thu được chữ ký ủng hộ của cử tri Khu vực ứng cử. Đây là điều kiện bắt buộc để ra tranh cử ĐBQH.
Đề xuất phương án tối thiểu 25% chữ ký cử tri ủng hộ để ứng cử ĐBQH. Nghĩa là ứng cử viên muốn tranh cử ĐBQH ở Khu vực nào thì phải thu được 25% chữ ký ủng hộ của cử tri Khu vực bầu cử đó. Như vậy, mỗi Khu vực bầu cử sẽ không có quá 4 ứng cử viên cho 1 ghế ĐBQH.
Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri là lời giới thiệu tốt hơn mọi sự giới thiệu của bất cứ cơ quan đoàn thể nào. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri là phép lọc tốt hơn bất cứ sự hiệp thương nào. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri sẽ không cho phép có mặt trong Quốc hội các ông nghị ngớ ngẩn. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri cùng mỗi Khu vực bầu cử chỉ bầu 1 ghế ĐBQH là đảm bảo cho cuộc bầu cử ĐBQH trở thành một cuộc tranh cử ĐBQH. Điều kiện tối thiểu 25% chữ ký ủng hộ của cử tri sẽ biến Quốc hội thành Quốc hội Của Dân.
3. Đề xuất gợi ý cách chia khu vực bầu cử và xác định số lượng ĐBQH
Quốc hội khoá 14 có 500 ĐBQH được bầu từ khoảng 70 triệu cử tri. Như vậy bình quân mỗi ĐBQH đại diện cho 140.000 cử tri.
Cả nước có 63 tỉnh thành. Xác định số lượng ĐBQH theo tỉnh thành. Lấy số lượng cử tri trong một tỉnh chia cho chẳng hạn 140.000 cử tri, thì ra số lượng ĐBQH và Khu vực bầu cử trong tỉnh. Đó là phép tính đơn giản.
Nhưng các tỉnh miền núi đất rộng thưa dân, nếu áp dụng đằng sằng chỉ theo tiêu chí số lượng cử tri thì sẽ không công bằng cho vùng sâu vùng xa. Bởi vậy cần áp dụng nguyên tắc làm tròn cho khu vực vùng sâu vùng xa.
Ở mặt khác, do số lượng cử tri trong các huyện của mỗi tỉnh khác nhau, dẫn đến không dễ dàng đưa một phần cử tri huyện này vào một một Khu vực bầu cử của huyện khác. Bởi thế cũng cần có phép làm tròn. Dưới đây, giới thiệu một phép làm tròn dựa trên đa số ¾ để xác định Khu vực bầu cử như là một phương án để xem xét.
Hiện nay cả nước có 707 đơn vị hành chính, bao gồm 77 thành phố thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện.
Về huyện, thì có huyện đảo nhỏ và ít dân như Cồn Cỏ (83 dân, 2,2km2), có huyện lớn nhưng ít dân như Mường Tè (39.921 dân, 2.679,34 km2), và có huyện đông dân như Củ Chi (403.038 dân, 434,5km2). Về quận thì quận Bình Tân TP HCM là một quận đông dân (686.474 dân, 51,9 km2).
Sau khi lấy số lượng cử tri trong toàn tỉnh chia cho 140.000 cử tri thì ra Khu vực bầu cử. Sẽ xuất hiện những số lẻ. Có thể lấy phép chia như dưới đây để điều chỉnh số lượng Khu vực bầu cử trong một tỉnh.
3.1. Theo nguyên tắc làm tròn số lớn ¾: Các quận, huyện, thị xã, thành phố có dân số trong khoảng 105.000 - 140.000 cử tri sẽ là 1 khu vực bàu cử - ứng với 1 ĐBQH.
3.2. Các huyện, quận, thị xã, thành phố có dưới 105.000 cử tri được gộp lại theo địa lý hành chính cho đạt trong khoảng 105.000 - 140.000 cử tri để trở thành 1 Khu vực bầu cử với 1 ĐBQH. Đây là cách “đền bù” cho Khu vực bầu cử ở vùng sâu vùng xa.
3.3. Những huyện quận, thị xã, thành phố có số cử tri lớn hơn 140.000 thì lấy số lượng cử tri chia cho 140.000 sẽ ra số Khu vực bầu cử và số lượng ĐBQH.
3.4. Nguyên tắc làm tròn là lớn hơn ¾ (75%).
Với cách xác định như trên, cả nước sẽ có khoảng 500 Khu vực bầu cử - tương ứng khoảng 500 ĐBQH. Trong mọi cách chia Khu vực bầu cử, thì nhân tố đầu tiên là dựa vào địa lý hành chính, nhân tố thứ 2 là dựa vào số lượng cử tri, và nhân tố thứ 3 là điều chỉnh theo đặc thù. Trên đây mới chỉ là một đề xuất khung về cách chia Khu vực bầu cử, mà phương án cuối cùng phải được quyết định dựa trên các nghiên cứu chi tiết thực tế.
IV. GỬI GẮM
1. Việt Nam xứng đáng có một vị trí cao hơn trên trường quốc tế so với vị trí hiện tại của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân làm cho Việt Nam chưa có được vị trí tương xứng trên trường quốc tế là vì Quốc hội của Việt Nam mới Gần Dân mà chưa phải là Quốc hội Của Dân.
2. Đừng nghĩ rằng vấn đề của Quốc hội không phải là vấn đề của bạn. Đừng nghĩ rằng bạn không liên quan đến bầu cử QH. Đừng nghĩ rằng bầu ai làm ĐBQH cũng được. Đừng nghĩ rằng bạn không thể trở thành ĐBQH. Đừng nghĩ rằng đóng góp của bạn không giúp xoay chuyển được tình thế.
3. Không bầu được một Quốc hội Của Dân cho nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ làm chậm bước tiến của Dân tộc. Không bầu được một Quốc hội Của Dân cho nhiệm kỳ 2021-2026 là lỗi của mỗi công dân Việt Nam.
N.N.C.

BỘ CHÍNH TRỊ: KHÔNG GIỚI THIỆU NHỮNG NGƯỜI THAM NHŨNG, CHẠY CHỨC, XU NỊNH, KIÊU NGẠO ỨNG CỬ ĐBQH, HĐND 
PVCT/DV 21-6-2020
Trong Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo.
Ngày 20/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chỉ thị nêu rõ: Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.




Bộ Chính trị: Kiên quyết không giới thiệu những người tham nhũng, chạy chức, xu nịnh, kiêu ngạo ứng cử ĐBQH, HĐND - Ảnh 1.
Kỳ họp Quốc hội thứ 9 khóa XIV (ảnh quochoi.vn)

Để cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
Xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND.
Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách. 
Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các khoá gần đây.
Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.
Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở địa phương...
PVCT

BIỂU HIỆN XU NỊNH VÀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

THU HẰNG/ VNN 23-6-2020

Chỉ thị mới đây của Bộ Chính trị có nêu không giới thiệu người xu nịnh để bầu Quốc hội, HĐND các cấp. Thực tế, rất khó để phát hiện xu nịnh nhưng không phải là không thể...

Chia sẻ với VietNamNet, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa 13 Lê Như Tiến cho rằng: Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 rất là hợp với lòng dân và cũng rất đúng với tâm tư của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Ông Tiến nhấn mạnh, những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, tham vọng quyền lực là những người không xứng đáng làm cán bộ bình thường. 
Biểu hiện xu nịnh và công tác nhân sự
Ông Lê Như Tiến
“ĐBQH, đại biểu HĐND là những người được các cơ quan đảng, nhà nước giới thiệu và được cử tri tín nhiệm bầu thì phải là những người tiêu biểu”, ông Tiến nhấn mạnh.
Thậm chí, theo ông Lê Như Tiến, kể cả người thân của họ cũng có những biểu hiện xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, lối sống không lành mạnh, tham vọng quyền lực, … thì cũng không được đưa vào diện giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc ứng cử vào ĐBQH, đại biểu HĐND.
Xu nịnh không khác gì là một hình thức “chạy”
Chỉ thị của Bộ Chính trị có lưu ý “kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, trong đó có nhắc đến người xu nịnh”. Ông bình luận gì về điều này?
Trước hết phải khẳng định, những người xu nịnh, những người “đội trên, đạp dưới” là những người không trung thực, không đủ phẩm chất để đưa vào cơ quan dân cử.
Bởi vì đằng sau hành động xu nịnh chính là là lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Khi họ xu nịnh cấp trên, mục đích là để được cấp trên ban ơn một cái gì đó như chức quyền, dự án, hay quyết định có lợi cho họ. Đây không khác gì là một hình thức “chạy” để vụ lợi, làm lợi cho mình.
Vì vậy, việc giới thiệu người xu nịnh ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND chính là tiếp tay cho lợi ích nhóm, cho chạy chức, chạy quyền.
Nhưng điều nhiều người băn khoăn là làm thế nào phát hiện được những người xu nịnh để sàng lọc, chọn được đúng người giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND?
Đúng là rất khó xác định được ai là người xu nịnh. Tuy nhiên, bằng các biểu hiện như cứ thấy trên là bợ đỡ, ôm chân, đội lên đầu... thì có thể xác định những người đó là xu nịnh.
Nhiều người vẫn thường kể câu chuyện tếu, khi kiểm điểm cấp trên, anh cấp dưới lại nhận xét “anh chỉ có khuyết điểm duy nhất là anh làm việc hết mình không giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình”. Đó là sự xu nịnh một cách có nghệ thuật.  Và thường những người đã xu nịnh cấp trên thì hay “đạp”, hoạnh họe, ra oai với cấp dưới.
Ngoài ra, có nhiều biểu hiện khác cũng có thể dễ dàng nhận ra những người xu nịnh như: hôm nay là sinh nhật của anh thì có quà lớn, quà bé; thậm chí con mèo nhà anh đẻ thì phải mang chuột đến cho ăn; rồi mừng lên chức, mừng nhà mới, mừng thôi nôi của cháu, mừng đầy tháng của con, mừng không thiếu ngày gì…
Có rất nhiều biểu hiện như vậy mà chỉ có nhân dân và tai mắt của dân đó chính là cử tri nơi cư trú và cử tri nơi công tác người ta biết hết.
Tài sản gia tăng của người đó như thế nào, thay bao nhiêu lần nhà, từ nhà công vụ chuyển sang nhà đất, rồi lên biệt thự; đổi ô tô mấy lần người dân biết cả.
Tại sao chúng ta không dựa vào tai mắt của nhân dân để nắm thông tin. Đó cũng chính là kênh để đánh giá cán bộ đó có xu nịnh hay không. Ngoài ra, truyền thông cũng là kênh giúp Đảng phanh phui nhiều câu chuyện xu nịnh.
Trong quá trình làm ĐBQH 2 khóa (12, 13), ông thấy có trường hợp nào do xu nịnh mà bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH?
Tôi thấy những dấu hiệu như tham nhũng, tham ô, lãng phí, chạy chức, chạy quyền thì có nhưng xu nịnh thì rất khó phát hiện. Bởi khi xu nịnh họ không công bố cho mọi người biết, họ chỉ xu nịnh với cấp trên và đối tượng được xu nịnh là cấp trên nên khó phát hiện.
Tuy nhiên như tôi đã phân tích, biểu hiện của xu nịnh có thể biết được khi cấp trên nói câu gì thì họ lại xum xoe ca ngợi, thậm chí dùng nhiều thủ thuật kể cả vật chất lẫn tinh thần để tiếp cận với cấp trên.
Người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm
Như ông nói giới thiệu người xu nịnh là tiếp tay cho lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền một cách “có nghệ thuật”, rất khó phát hiện. Vậy cần có cơ chế nào ràng buộc để chính những người cấp trên không tiếp tay cho người xu nịnh lọt vào danh sách ứng cử?
Tôi thấy rằng người giới thiệu những kẻ xu nịnh ứng cử vào ĐBQH, đại biểu HĐND cũng phải chịu trách nhiệm với nhân sự mình giới thiệu. Điều này tôi đã phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng các cấp từ tỉnh thành bộ, ngành.
Nếu không ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu ngay từ ban đầu thì đến khi giới thiệu xong lại xảy ra tình trạng đại biểu này, đại biểu kia bị bãi nhiệm, hoặc là vào một vị trí rất to nhưng lại bị vướng vòng lao lý. Lúc ấy mới quay ra kiểm tra ai là người giới thiệu thì coi như không ai chịu trách nhiệm cả.
Trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng như thế. Quốc hội khóa 13, 14 đều có tình trạng Quốc hội phải bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH ngay đầu nhiệm kỳ hoặc bãi nhiệm một vài ĐBQH mà dân đã rất kỳ công để bầu. Ví dụ như Quốc hội khóa 13 có bà Đặng Thị Hoàng Yến, bà Châu Thị Thu Nga; Quốc hội khóa 14 có bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Những người này không trung thực với Đảng, có những biểu hiện vận động bầu cử, tranh cử không lành mạnh...
Để tránh tình trạng tương tự trong khóa tới, tôi đề nghị, người giới thiệu nhân sự ứng cử vào ĐBQH cũng phải chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình.
Vậy theo ông làm thế nào để chọn được người đại biểu thật sự đại diện cho dân?
Muốn chọn những ĐBQH xứng đáng thì phải qua rất nhiều kênh. Một trong những kênh quan trọng theo tôi là kênh nhân dân, cử tri nơi cư trú và nơi công tác.
Thứ hai, qua thông tin phản ảnh của các phương tiện truyền thông. Đây chính là tai mắt của các cơ quan bầu cử ở TƯ và địa phương, rồi các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng là kênh rất quan trọng.
Người ta biết hết, tại sao mình không dựa vào các kênh này mà chỉ dựa vào số ít, thậm chí chỉ dựa vào một người giới thiệu và người giới thiệu ấy lại có sự “nâng đỡ không trong sáng” như tình trạng thời gian qua, rồi tình trạng bổ nhiệm thần tốc… Đó chính là những kinh nghiệm quý báu để giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp trong khóa tới.
Theo tôi, ngoài những phẩm chất cần có của một cán bộ, đảng viên thì ứng cử vào ĐBQH cần nhấn mạnh thêm các yếu tố đặc thù. Đó là phải có năng lực lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, truyền tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri lên Quốc hội và các cơ quan nhà nước.
Thu Hằng
MỜ MỜ ẢO ẢO TRONG LÝ DO 'XIN THÔI CHỨC' CỦA LÃNH ĐẠO QUẢNG NGÃI
ĐINH DUY HOÀ /VNN 24-6-2020
Trong khi việc chạy chức, chạy quyền không còn là hiện tượng cá biệt, của hiếm, bao nhiêu đầu óc tinh hoa của đất nước chưa nghĩ ra nhiều biện pháp hữu hiệu để hạn chế việc này, lại bảo những người đương chức vì lý do nào đó tự nguyện xin từ chức, xin thôi nhiệm vụ đang làm thì đúng là dị biệt, khó khả thi. Cứ nghe ngóng, chờ đợi có ai đó xin từ chức xem sao!
Đùng một cái thấy ông Lê Viết Chữ đang là Bí thư và ông Trần Ngọc Căng đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có đơn gửi cấp trên xin thôi làm nhiệm vụ. Có thế chứ, ít ra thì cũng có hiện tượng cá biệt xin thôi làm nhiệm vụ, nói cách khác là xin từ chức của 2 ông.
Mờ mờ ảo ảo trong lý do 'xin thôi chức' của lãnh đạo Quảng Ngãi
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng
Ông Chữ với cương vị là ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn.
Ông cũng chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất... Với những vi phạm này, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Căng với nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ đã bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Đấy mới là hình thức kỷ luật của Đảng. Ông Căng chắc còn chịu hình thức kỷ luật từ phía nhà nước.
Với mức độ kỷ luật Đảng cao như vậy, về hình thức, việc 2 ông xin thôi làm nhiệm vụ quả là hợp tình, hợp lý. Cái đáng bàn ở đây lại chính là lý do mà  2 ông đưa ra. Theo báo chí đưa tin thì ông Chữ và ông Căng xin thôi giữ chức vụ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức vào thời gian tới.
Nếu đúng là như vậy thì lý do nghe mới hay, mới thuyết phục, mới cao thượng làm sao! Ai không biết 2 ông bị kỷ luật quả là sẽ nghĩ như vậy. Có sự mờ mờ, ảo ảo trong lý do đưa ra so với cái hiện thực là những vi phạm của 2 ông, so với hình thức kỷ luật cảnh cáo mà 2 ông phải gánh chịu.
Giá như 2 ông đủ dũng khí nhìn thẳng vào sự thật để nói rõ với những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng thì bản thân không còn đủ uy tín, không còn đủ khả năng tiếp tục làm nhiệm vụ là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi! Nếu được như vậy thì sự chia sẻ, cảm thông của người dân Quảng Ngãi với 2 ông biết đâu chẳng nhích lên một chút.
TỪ CHỨC: LẠ MÀ KHÔNG L
DOÃN HỮU TUỆ /TVN 24-6-2020
Thông tin ông Lê Viết Chữ (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) và ông Trần Ngọc Căng (Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ đang được dư luận quan tâm. 
Thông tin này lạ mà không lạ!
Từ chức: Lạ mà không lạ
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin thôi chức vụ
Lạ, vì dường như đây là lần đầu tiên, hai lãnh đạo cao nhất của một tỉnh cùng nộp đơn xin thôi chức vụ, mà nói nôm na là xin từ chức. Lạ, cũng vì ở nước ta, lâu lâu mới có chuyện từ chức, mà cũng chỉ với những chức quan nho nhỏ. Lạ, vì với nhiều người, làm cán bộ không phải là để cống hiến, phục vụ nhân dân mà là để “vinh thân, phì gia” khi nắm “quyền sinh, quyền sát” trong tay. Với những người này, từ chức là chuyện mà họ không bao giờ nghĩ đến.
Không lạ, vì trước đó, ngày 16/6/2020, ông Lê Viết Chữ đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ông này là người phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010- 2015, 2015- 2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Căng cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ. Điều đáng nói là hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài trong suốt 2 nhiệm kỳ qua khiến nhân dân Quảng Ngãi phải gánh chịu những hệ lụy không thể nào tính toán nổi. 
Với những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng như vậy, hai ông này đương nhiên không còn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân và không còn uy tín để tiếp tục nắm giữ chức vụ lãnh đạo. Họ thừa hiểu rằng nếu không xin thôi chức vụ, họ cũng chẳng thể nào ngồi được trên chiếc ghế đã bị mọt ruỗng, lung lay và sắp đến hồi đổ sập. Trong trường hợp này, xin thôi chức vụ cũng chỉ là để vớt vát chút thể diện còn sót lại trước khi “hoàn dân”. 
Từ chức được hiểu là việc rời bỏ chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ. Việc từ chức là quyết định cá nhân của một người giữ chức vụ nào đó, do tự nguyện hoặc do áp lực nào đó từ bên ngoài. Ở các nước châu Âu, từ chức được xem là “văn hoá chính trường”, là một điều rất bình thường đối với bất cứ vị trí nào, kể cả tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng.
Ở nước ta, vì nhiều lí do, lâu nay từ chức vẫn là một điều khá “xa lạ và hiếm hoi”, mặc dù trên thực tế, ngay từ năm 1997, Nghị quyết hội nghị Trung ương 3 khóa 8 của Đảng đã chỉ ra yêu cầu cần gấp rút “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. 
Ngày 25/10/2018, hội nghị Trung ương 8 khóa 12 của Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương”, trong đó có nêu rõ cán bộ, đảng viên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. 
Về mặt pháp lý, điều 7 luật Cán bộ, công chức năm 2008 qui định: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.
Như vậy, theo các quy định của Đảng và Nhà nước, từ chức là một hành động hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo. Đáng tiếc là trong thực tế, đại đa số những trường hợp từ chức vẫn là do “cực chẳng đã”, là khi ở vào thế không còn đường lùi. Viện lí do rằng việc ông Chữ và ông Căng xin thôi chức vụ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, “nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020- 2025” chỉ là ngụy biện và không có tính thuyết phục.
Nếu là người có lòng tự trọng và có bản lĩnh, hẳn là 2 vị lãnh đạo đầu tỉnh kia không phải chờ đến ngày hôm nay mới gửi đơn xin thôi chức vụ. Từ chức trong trường hợp này không phải xuất phát từ lòng tự trọng hay bản lĩnh của người lãnh đạo, mà đơn giản chỉ là không còn sự lựa chọn nào khác. 
Từ lâu, thành ngữ “Quan nhất thời, dân vạn đại” đã trở thành câu cửa miệng của  người dân khi muốn nhắc nhở rằng làm quan dù có oai đến mấy, quyền lực đến mấy rồi cũng chỉ có thời hạn nhất định, rằng “hết quan, hoàn dân” là lẽ đương nhiên; chỉ có cái danh xưng là “dân”, là người bình thường mới còn mãi với thời gian. “Quan” chỉ là cái hư danh tồn tại hữu hạn, nay còn, mai mất, cũng như cái áo, cái mũ, cởi bỏ ra là hết. Chỉ có “dân” là trường tồn, cũng giống như cái hồn, cái cốt hiện hữu đời đời, kiếp kiếp. Sâu xa hơn, thành ngữ này còn muốn nhắc nhở những ai đang làm quan hãy biết giữ gìn danh dự, uy tín để sau này khi trút bỏ “mũ áo” vẫn được nhân dân tôn trọng.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu trước thềm đại hội Đảng các cấp, sẽ có thêm nhưng lá đơn xin thôi chức vụ. Nhưng sẽ là điều đáng mừng nếu như có những cán bộ xin thôi giữ chức vụ vì tự nhận thấy mình không đủ điều kiện, năng lực, uy tín để làm lãnh đạo chứ không phải vì “bỏ của chạy lấy người”, cố vớt vát chút thể hiện cuối cùng hay đơn giản là vì chẳng thể “cố đấm ăn xôi” được nữa!  
Và khi đó, chuyện lãnh đạo từ chức mới không còn là chuyện lạ!
Doãn Hữu Tuệ

ĐIỀU GÌ SẮP XẢY RA VỚI ÔNG TẤT THÀNH CANG ?
TRÂN VĂN/ VOA/TD 22-6-2020


Ông Tất Thành Cang. Photo: VietnamNet
Hôm 21 tháng 6, tờ Tiền Phong công bố một thống kê, nhấn mạnh: Từ tháng 11 năm 2018 đến nay, ông Tất Thành Cang – Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM – không gặp gỡ cử tri.
Ngoài thống kê vừa kể, Tiền Phong còn dẫn các qui định pháp luật hiện hành để chứng minh, việc ông Cang sử dụng các lý do khác nhau để tránh né cử tri là vi phạm nhiều điều, khoản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (1)…
***
Không phải tự nhiên mà tờ Tiền Phong “vỗ” vào mặt ông Cang! Bốn ngày trước khi tờ báo này công bố thống kê vừa dẫn, nhiều tờ báo cho biết, công an “đã làm việc” với ông Tất Thành Cang vì những sai phạm xảy ra tại Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Thuận (IPC) và Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). IPC là doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM còn SADECO thì là doanh nghiệp của UBND TP.HCM và cả hai từng thi nhau bán rẻ cả công thổ lẫn công sản khiến công quỹ thiệt hại cả ngàn tỉ đồng (2).
Những dấu hiệu vừa kể khiến người ta tin rằng ông Tất Thành Cang sắp… bị bắt! Song cần phải lưu ý, cách nay hai năm rưỡi, nhiều người từng tỏ ra… ngây thơ, đoan chắc như thế sau khi Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN “nhất trí” loại bỏ ông (3).
Sở dĩ ông Cang mất tư cách Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN hồi cuối năm 2018 vì phê duyệt dự án, ký hợp đồng chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng bốn trục đường chính của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm trái thẩm quyền. Chỉ đạo cho IPC bán rẻ 320.000 mét vuông đất thuộc Khu Dân cư Phước Kiển ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai. Đồng thời vẽ đường để SADECO tiến hành chuyển nhượng vốn, giúp Công ty Nguyễn Kim trở thành chủ của doanh nghiệp nhà nước – được ví von là “gà đẻ trứng vàng” – này.
Đó là chưa kể đến những tố cáo của dân chúng quận 2, TP.HCM, kèm yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm ông Cang – nhân vật được xem là đồng phạm quan trọng trong việc tạo ra thảm nạn Thủ Thiêm – lợi dụng chủ trương xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, thu hồi đất vô tội vạ, sử dụng đất sai kế hoạch, biến vài chục ngàn người thành vô gia cư, sống vạ vật hơn hai thập niên, miệt mài kêu đòi nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được công lý!
Dẫu bị loại khỏi BCH TƯ đảng CSVN từ cuối năm 2018 đến nay, ông Cang vẫn là Thành ủy viên của Thành ủy TP.HCM và Đại biểu HĐND TP.HCM. Sau khi thôi làm Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy TP.HCM, ông Cang vẫn còn được giao – giữ vai trò Thành ủy viên và được điều sang Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” làm Phó ban Thường trực (4), vẫn cùng Thành ủy TP.HCM thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng tại TP.HCM!
Tháng 8 năm ngoái, báo chí Việt Nam tường thuật, nhiều cử tri ở TP.HCM đề nghị HĐND TP.HCM tổ chức miễn nhiệm ông Cang, không để ông giữ vai trò đại diện cho dân chúng TP.HCM tại cơ quan dân cử của thành phố này nữa (5).
Với nhiều người, việc ông Cang tiếp tục là đại diện cho họ tại HĐND TP.HCM là biểu hiện của việc “coi thường nhân dân, xúc phạm cử tri” nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không bận tâm.
***
Tuy là công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng ông Cang thuộc nhóm mà chỉ Bộ Chính trị, Ban Bí thư của đảng CSVN mới có quyền… định đoạt số phận. Những nơi này chưa… bật đèn thì hệ thống tư pháp chưa có quyền… thực thi pháp luật.
Hệ thống tư pháp đã xác định chuyện IPC bán rẻ 320.000 mét vuông đất thuộc Khu Dân cư Phước Kiển ở Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai và chuyện SADECO soạn kịch bản – tiến hành chuyển nhượng vốn, giúp Công ty Nguyễn Kim trở thành chủ của doanh nghiệp nhà nước này, có dấu hiệu “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và trên thực tế đã khởi tố, tống giam năm, bảy người nhưng chưa rờ tới ông Cang.
Tại sao BCH TƯ đảng CSVN đã xác định ông Cang có nhiều… “vi phạm rất nghiêm trọng cả điều lệ đảng lẫn các qui định pháp luật” đến mức cần tước bỏ vai trò Ủy viên BCH TƯ đảng và chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, mà ông Cang vẫn còn là Thành ủy viên TP.HCM? Tương tự, tại sao nhiều cử tri ở TP.HCM công khai bày tỏ sự phẫn nộ vì ông Cang tiếp tục “lãnh đạo một cơ quan, họp hành, phát biểu dõng dạc” mà ông Cang vẫn vô sự?
Câu trả lời dường như nằm ở chỗ quy hoạch nhân sự rất… nhạy cảm và phức tạp. Vì hai yếu tố này, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉnh đốn đảng tuy không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng công lý không như người Việt vẫn… mơ. Đừng ngây thơ!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét