Ngày 4-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Phương án phân vùng là tiền đề để lập các quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết để có cơ sở kịp thời triển khai lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề xuất 2 phương án
Hiện nước ta được phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội gồm vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh), vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng ĐBSCL (13 tỉnh, thành phố).
Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030. Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ 2 phương án phân vùng như sau:
Phương án 1: Giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL). Tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ), điều chỉnh tỉnh Bình Thuận sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung 2 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận.
Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, phương án này được 1 bộ và 4 địa phương đồng thuận.
Phương án 2: Được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ; mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Cụ thể:
Phân chia lại các vùng kinh tế trên cả nước - Ảnh 1.
Phương án 2 được đa số các bộ, ngành, địa phương đồng thuận. (Nguồn: Bộ KH-ĐT)
Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố: TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố: TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Phương án 2 được đa số các bộ, ngành, địa phương đồng thuận. Tính đến ngày 4-6, phương án này được 10/14 bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn. Đây là phương án do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Theo ý kiến các bộ - ngành, phương án 2 được đánh giá là có tính kế thừa phương án phân vùng trước đây, tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng để hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn.
Việc tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng được đánh giá là hợp lý, do diện tích vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện đến hơn 1.300 km, làm hạn chế các hoạt động giao lưu, kết nối. Vùng này lại sở hữu nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau, có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Về vùng Tây Nguyên, phương án 2 cho rằng cần phải giữ quy hoạch vùng, không thể ghép với vùng Nam Trung Bộ. Lý do là Tây Nguyên có những đặc trưng văn hóa, dân tộc và đời sống xã hội cần được gìn giữ để phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Bên cạnh đó, về điều kiện tự nhiên, địa hình vùng Tây Nguyên khác so với các tỉnh Nam Trung Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, đa số chuyên gia ủng hộ phương án 2 với nhiều yếu tố hợp lý hơn, góp ý điều chỉnh một số nội dung, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề về phân vùng, quy hoạch. Theo GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, việc phân vùng phải gắn kết các tỉnh - thành, gắn kết nguồn lực, nếu không thì phân vùng, quy hoạch chỉ là sự cộng dồn của các địa phương. PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng đã có những quy hoạch, nhưng thiếu 3 vấn đề về thể chế rất lớn, đó là: cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng, chính sách liên kết vùng. Trong đó, cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng thì không hiện diện trong các văn bản pháp luật, còn vấn đề liên kết vùng được đề cập nhiều nhưng thực hiện còn mờ nhạt. Ông kiến nghị chuyển Long An về với miền Đông Nam Bộ, gắn kết hơn với vùng kinh tế trọng điểm mà TP HCM là trung tâm.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH-ĐT bỏ phương án 1, lấy phương án 2 làm cơ sở, xây dựng thêm phương án mới để có cơ sở so sánh, hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6-2020.

TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội - đề nghị cần có các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc thù để tạo ra động lực cho phát triển. Trong đó, vùng Thủ đô và vùng TP HCM là 2 vùng đặc thù.

V.D
XIN THƯA VỚI PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG: BẢY VÙNG KINH TẾ KHÔNG PHẢI LÀ ÁT CHỦ BÀI!

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 5-6-2020

I. Con kiến mà leo cành đa
1. Hôm nay (04/6/2020), đọc tin Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật Quy hoạch mà trăn trở. Không biết bao giờ chúng ta mới tránh được những ‘vi phạm tiên đề’ sơ đẳng.
2. Chính Bộ KHĐT trong quy hoạch 2011- 2020 đã đề xuất để Chính phủ chia 6 vùng kinh tế. Đó là:
1/. Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh).
2/. Vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố).
3/. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố).
4/. Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh).
5/. Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố).
6/. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Nay lại cũng chính Bộ KHĐT đề nghị chia thành 7 vùng cho giai đoạn 2021-2030. Từ 6 phương án rút xuống còn 2 phương án .
PHƯƠNG ÁN 1:
1/. Đông Bắc (7 tỉnh – Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang).
2/. Tây Bắc (7 tỉnh – Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình).
3/. Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh/thành phố – Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
4/. Bắc Trung bộ (5 tỉnh – Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
5/. Nam Trung bộ (11 tỉnh/thành phố – Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
6/. Đông Nam bộ (9 tỉnh/thành phố – Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh).
7/. Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố – Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
PHƯƠNG ÁN 2:
1/. Vùng Miền núi phía Bắc (10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
2/. Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ (15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh).
3/. Vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế).
4/. Vùng Nam Trung Bộ (8 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
5/. Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).
6/. Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).
7/. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
3. Chỉ đưa tên một số tỉnh từ vùng này sang vùng kia, chia thành 7 vùng, đổi tên gọi – mà xem là
Thế hóa ra việc phân thành 6 vùng kinh tế trước đây là sai lầm? Bộ KHĐT cho rằng “phương án 6 vùng hiện nay, “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng có nhiều nhược điểm”! Nhiều nhược điểm như thế sao bộ KHĐT trước đây vẫn đề xuất cho Chính phủ để thành lập? Ai đảm bảo 7 vùng kinh tế do Bộ KHĐT đề xuất bây giờ sau ít năm nữa lại không bị chê là “có nhiều nhược điểm”? Chỉ riêng 2 phương án đang đưa ra xem xét (trong 6 phương án đề xuất) cho thấy chẳng có gì “đột phá” ở đây cả. Tách 6 vùng thành 7 vùng hay 12 vùng đi nữa – không làm cho kinh tế Việt Nam lớn nhanh như Thánh Gióng. Phép tách – nhập vùng đang lâm vào tình cảnh “con kiến mà leo cành đa”.
II. Tách – Nhập: Hại nhiều hơn lợi
1. Chúng ta đã chứng kiến đợt nhập tỉnh lớn năm 1975. Đó là thời kỳ có các tỉnh như Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, Gia Lai Kontum… Để rồi sau đó lại tách tỉnh – trả lại các tỉnh như trước lúc nhập. Cũng như thế, là tách – nhập các các bộ. Chẳng hạn Bộ Công Thương thành lập ngày 14/5/1951, sau bao nhiêu lần thay đổi lòng vòng, lại quay trở lại Bộ Công Thương ngày 31/7/2007.
2. Việc tách – nhập tỉnh và bộ đưa đến thiệt hại là do các nhân tố hạn chế. Trong đó, một mặt là cách nhìn chủ quan, sau nữa là bị chi phối bởi lợi ích về quyền lực và kinh tế. Việc tách – nhập có khi tồi tệ đến mức chỉ vì ghế ngồi cho một ai đó. Điển hình nhất là ở các Ban. Sự di chuyển cả những cán bộ bị kỷ luật, hay đang chờ bị kỷ luật, đến các Ban trong thời gian vừa qua đã cho thấy nhiều điều phải suy nghĩ.
3. Nói thêm về đợt sát nhập các tỉnh năm 1975. Đây là đợt sát nhập tỉnh xuất phát từ ‘luận cứ’ lấy huyện làm “pháo đài” quản lý (cựu TT Nguyễn Tấn Dũng đã “khởi nghiệp” nhờ chính sách “pháo đài” huyện). Nghĩa là trung ương nắm quyền quản lý trực tiếp đến cấp huyện. Đó là một ‘vi phạm tiên đề’ sơ đẳng. Chính vì ‘phi phạm tiên đề’ nên phải trở về theo cách chia tỉnh cũ. Tác hại của tách – nhập tỉnh và bộ không phải là đối tượng chính của bài viết này nên sẽ không đi vào chi tiết nữa.
III. Vùng kinh tế không phải là át chủ bài
1. Phân chia lại các vùng kinh tế – cũng là một sự ‘vi phạm tiên đề’. Vì nó không mang lại sự “biến đổi chất” trong phát triển kinh tế đất nước.
Vùng kinh tế không phải là một đơn vị hành chính. Vùng kinh tế không phải là một tiểu quốc gia, không phải là một quốc gia tự trị, không phải là một bang, không phải là một đơn vị hành chính trên cấp tỉnh. Do vậy, các vùng kinh tế không có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế, trong bảo vệ an ninh, trong quản lý đất nước. Việc chia Việt Nam thành 6 hay 7 vùng kinh tế không mang lại ý nghĩa gì đặc biệt.
2. Không phải chia vùng, mà cơ chế quản lý mới là chìa khóa số 1 để phát triển kinh tế của các tỉnh. Tỉnh nằm vào vùng này hay vùng kia, không quan trọng bằng cơ chế quản lý. Cho nên, điều đầu tiên chính là cách mạng về cơ chế quản lý cho các tỉnh. Vì thế, đề xuất đưa tỉnh Long An từ miền Tây Nam Bộ về miền Đông Nam Bộ không phải là thần dược làm cho Long An giàu lên.
3. Chìa khóa tiếp theo là cách lựa chọn người đứng đầu tỉnh. Nếu có người đứng đầu tỉnh giỏi thì tất tỉnh sẽ phát triển. Vai trò tỉnh trưởng là vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi tỉnh.
4. Vấn đề tiếp theo là phân chia vùng xong để làm gì? Không có chính sách cho vùng thì chỉ là hình thức. Nhưng có chính sách cho vùng thì điều hành thế nào? Vùng không phải là một đơn vị hành chính. Không có lẽ lại thành lập một ban quản lý vùng? Ban quản lý này có điều khiển được cấp tỉnh không? Ban quản lý vùng không phải như quân khu trong quân sự. Cuố cùng thì ban quản lý vùng sẽ trở thành một khâu trung gian tiêu tốn tiền bạc mà không đem lại lợi ích gì đáng kể.
5. Cho nên, như đã nói ở trên, chìa khóa số 1 là cải cách cơ chế quản lý cho cấp tỉnh, chìa khóa số 2 là cải cách phương thức chọn tỉnh trưởng. 2 chìa khóa này mới giải phóng được nội lực để các tỉnh trở nên giàu có.
IV. Kế hoạch hóa tập trung là một công cụ đã thất bại
1. Ai cũng phải có kế hoạch. Doanh nghiệp nào cũng phải có kế hoạch. Đó là điều đơn giản.
2. Nhưng kế hoạch hóa tập trung ở các nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa đã hoàn toàn thất bại. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của phe Xã hội Chủ nghĩa chính là vì kế hoạch hóa tập trung. Điều này ai cũng rõ.
3. Cho nên Luật quy hoạch vùng rồi sẽ chẳng mang lại được các hiệu quả về kinh tế cho đất nước, ngoài sự tranh cãi, tạo thêm sự lãng phí về thời gian và tiền bạc. Chia Việt Nam từ 6 vùng kinh tế thành 7 vùng kinh tế không phải là phép màu làm cho Việt Nam giàu có.
4. Việt Nam chỉ có 330 km2. Quản lý qua các tỉnh là phép quản lý kinh điển. Đừng bày vẽ tách – nhập và “sáng tạo” ra các đơn vị trung gian.
5. Hãy bỏ mọi thứ kế hoạch hóa tập trung. Kế hoạch hóa tập trung đã thất bại khắp mọi nơi. Đã đến lúc đào sâu chôn chặt nó.
Nhắn gửi
Xin thưa với PTT Trịnh Đình Dũng rằng – phân chia thành 7 vùng không phải là giải pháp làm cho kinh tế Việt Nam phát triển thần tốc. Quy hoạch thành bao nhiêu vùng cũng không mang lại ý nghĩa gì đáng kể. Biện pháp mà Chính phủ cần làm là cởi trói cho các tỉnh được tự do phát huy nội lực. Trong số đó, rất cấp thiết là cải cách cơ chế quản lý và cải cách thể thức lựa chọn người đứng đầu cấp tỉnh. Còn nữa, xin hãy bỏ bớt quy hoạch tập trung đi – Nhất là quy hoạch nhân sự.

7 VÙNG TRÊN CẢ NƯỚC KHÔNG NÊN CHỈ LÀ CÂU LẠC BỘ VUI VẺ
TƯ GIANG/ TVN 8-6-2020

Chủ trì cuộc thảo luận về quy hoạch lại vùng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Nhiều vùng hiện nay là câu lạc bộ vui vẻ…”.

Câu nói của Phó Thủ tướng pha chút hóm hỉnh nhưng lại rất nghiêm túc về thực trạng chia tách, thiếu liên kết vùng và mỗi tỉnh đang cạnh tranh nhau quyết liệt về nguồn lực như là một nền kinh tế độc lập.
Không ít ví dụ cho thực tế này. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước và giàu có về nông sản chỉ có 40km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đi về TP.HCM và miền Đông Nam Bộ. Bế tắc về giao thông và cơ sở hạ tầng đã làm cho vùng đất nhiều tiềm năng và lợi thế này thành điểm nghẽn, chậm phát triển so các vùng miền khác.
Một ví dụ khác. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xây dựng rất quy mô ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng lại thiếu đường liên kết với các tỉnh trong vùng và với miền Tây. Trước đây, người ta hi vọng cụm cảng này sẽ thay thế các cảng đã chật ních tại TP.HCM.
Cụm cảng Cát Lái ở quận 2, TP.HCM ngày nào cũng gặp tắc đường bởi các container và xe tải đông cứng mà dù có xây thêm đường, thêm cầu cũng khó giải quyết được nhưng vẫn phải duy trì. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ từng kiến nghị Thủ tướng cho xây cầu Phước An kết nối với miền Tây thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… để kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
7 vùng trên cả nước không nên chỉ là câu lạc bộ vui vẻ
Kẹt xe như cơm bữa trên tuyến đường vào cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM. Ảnh: Như Sỹ
Sau nhiều thăng trầm, hiện nay cả nước chia làm 6 vùng kinh tế là trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Sự phân tán, chia rẽ giữa các tỉnh, các vùng là thực tế mà ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập. Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm gần đây, ông nói: “Lãnh đạo các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không nên coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương. “Không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển”.
Đó là điều mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lo ngại. Ông nói: Chúng ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế nhưng vẫn còn những bất cập. Có người nói, chúng ta phân vùng chỉ để phân vùng chứ chả có ý nghĩa nào về chính sách đầu tư, xã hội, cơ chế hợp tác…
Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì triển khai luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, đang nghiên cứu các phương án phân chia lại các vùng trong cả nước. Phương án được nhiều đồng thuận nhất là chia lại cả nước thành 7 vùng, trong đó tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng là vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, ngay cả phương án này vẫn có sự băn khoăn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nhận xét, mục tiêu phân vùng là thực hiện luật Quy hoạch, làm quy hoạch vùng, và rồi lấy đó làm căn cứ trung gian để làm quy hoạch tỉnh. Chẳng hạn, tỉnh Long An, Tiền Giang đưa về vùng Đông Nam Bộ hay không tùy thuộc vào định hướng của Chính phủ với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long - tiếp tục là nông nghiệp hay chuyển dịch sang hướng công nghiệp hóa. “Long An, Tiền Giang đã được công nghiệp hóa mạnh rồi mà chuyển về vùng Đông Nam bộ thì chính là giữ cho đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào nông nghiệp”.
Quy hoạch tỉnh về nguyên tắc là theo quy hoạch vùng. Chẳng hạn, vùng này được quy hoạch phát triển nông nghiệp, nhưng có tỉnh trong đó lại đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tức là vỡ quy hoạch vùng. Vì thế phải có kỷ luật quy hoạch. “Chúng ta không có chính quyền vùng. Vậy phải có thể chế nào đó để đảm bảo kỷ luật. Nếu không thì tỉnh theo, tỉnh không và rồi tất cả cùng thua vì mất tính đồng bộ”, ông nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê nhận xét, lịch sử phát triển vùng thường bám theo lưu vực các dòng sông, thế núi nhưng đến nay còn có yếu tố giao thông, cảng biển, hàng không. Có những khu vực kinh tế phát triển cất cánh nhờ hạ tầng ấy. “Tôi cho là cần có tổng kết lại xem thành công, thất bại như thế nào. Chẳng hạn, chúng ta vẫn nói Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tam giác phát triển, vậy trên thực tế kết quả như thế nào? Liệu có vì chiến lược phát triển công nghiệp ấy mà mất đứt đất lúa Hưng Yên, Hải Dương?”.
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương Dương Đình Giám cho rằng, nói về liên kết kinh tế thì doanh nghiệp và người dân đã tự thân vận động chứ không cần Chính phủ và không cần quy hoạch vùng. Có không ít quốc gia không có vùng nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn liên kết tốt. Ông nói: “Mình cứ giao chỉ tiêu kinh tế cho các địa phương thì không có ông nào nhường nhau cả. Họp với nhau thì uống rượu vui vẻ, nhưng thực chất sẽ cạnh tranh đến mức không liên kết. Tư duy nhiệm kỳ ảnh hưởng tới mục tiêu liên kết”.
Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, do trong Hiến pháp năm 2013 không có chính quyền vùng mà chỉ có chính quyền địa phương nên Chính phủ cần xây dung một khung cơ chế để phát triển vùng. “Tôi kiến nghị phải có cơ quan điều phối phát triển vùng, có bộ phận văn phòng, có cơ quan chuyên môn giúp phối hợp để ra quy chế hợp tác với nhau”, ông nói và cho biết gần đây Hà Nội muốn xây đường vành đai đi qua đất Bắc Ninh nhưng chính quyền Bắc Ninh không đồng ý nên không xây được.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Thái nói, phân chia vùng lần này cần có thể chế, pháp luật và có nguồn lực kèm theo để kết nối các vùng. “Có thể chế, có người điều hành vùng là rất quan trọng vì chúng ta không có đảng bộ vùng, không có chính quyền vùng nên rất khó liên kết”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoàn toàn đồng tình: “Quy hoạch vùng tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Vì vậy, quy hoạch vùng cần có chính sách, cơ chế đi kèm”. 
Tất nhiên, các phương án quy hoạch vùng vẫn đang được bàn thảo và tiếp thu. Song câu hỏi đặt ra, liệu khi thêm các vùng mới thì các tỉnh có kết hợp tốt với nhau hay vẫn là 63 nền kinh tế cạnh tranh nhau và khá chia cắt? 
Phương án đang được đa số ý kiến ủng hộ là phương án phân thành 7 vùng trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (6 vùng) và tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ. Cụ thể:
         + Vùng Miền núi phía Bắc (10 tỉnh);
         + Vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ (15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang);
         + Vùng Bắc Trung Bộ (5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế);
         + Vùng Nam Trung bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận);
         + Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh);
         + Vùng Đông Nam bộ (6 tỉnh);
         + Vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh).
         Một số điểm hợp lý của phương án này:
          1. Về mở rộng Vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ:
a. Các tỉnh miền núi phía Bắc có sự khác biệt rất lớn so với 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, cụ thể:
         - Về địa hình: Các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình núi cao, dốc khó khăn cho phát triển hạ tầng (như làm đường, làm cầu) và phát triển kinh tế (các tỉnh lân cận như Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Lạng Sơn phần lớn đều có độ cao trung bình trên 600m).
         Trong khi đó, 4 tỉnh nêu trên có địa hình núi, đồi và có đồng bằng, độ cao phần lớn ở mức 200m, thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế.
         - Về kinh tế: Các tỉnh miền núi phía Bắc kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp, nông nghiệp, chế biến, khai thác tài nguyên nước (thủy điện), khai thác khoáng sản. Là các địa phương khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, luôn ở tốp cuối, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, cần có chính sách riêng chăm lo đời sống người dân và phát triển kinh tế.
         Trong khi đó, 4 tỉnh nêu trên phát triển mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ du lịch, bất động sản. Là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư, dòng vốn dịch chuyển đầu tư; là địa phương đang phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người đang tăng ở tốp cao.
b. Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, cụ thể:
         - Về địa hình: phần lớn 04 tỉnh có phần đồng bằng, và đồi thấp, chênh lệch cao độ không quá lớn so với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh do đó các giải pháp phát triển hạ tầng cơ bản không nhiều khác biệt.
         - Về kết nối giao thông: giữa Thủ đô Hà Nội và 04 tỉnh giao thông rất thuận lợi, thời gian di chuyển không quá 2 giờ.
         - Về kinh tế: Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng có mối quan hệ gắn kết hữu cơ, hai chiều về các hoạt động kinh tế - xã hội như: Hòa Bình – Hà Nội gắn kết về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng; Phú Thọ, Thái Nguyên – Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như: Gang thép Thái Nguyên, Samsung, Giấy Bãi bằng,...; Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp xuất khẩu,...
         - Về khai thác tài nguyên nước và bảo vệ môi trường: 04 tỉnh nêu trên và các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức nhiều hoạt động kinh tế xã hội trong phạm vi lưu vực các con sông: sông Hồng, sông Đà, sông Thương, sông Cầu,... do đó, có sự gắn kết về lợi ích và trách nhiệm trong việc bảo vệ, khai thác và phát huy tối đa nguồn lợi từ các dòng sông này.
         c. Mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:
         - Hiện tại, vùng Đồng bằng sông Hồng có số dân đông nhất (21.566.000 dân, bằng 22,78% so với cả nước), tuy nhiên diện tích nhỏ nhất (21.258 km2, bằng 6,42% so với cả nước). Do đó, cần thiết phải mở rộng để có thêm không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển của các tỉnh mở rộng.
           2. Về việc tách Vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung thành hai Vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ:
         - Lý do cần chia tách:
         + Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện quá dài, đến hơn 1.300km do đó các hoạt động giao lưu, kết nối hạn chế;
         + Có diện tích quá lớn (95.650km2, bằng 28,9% so với cả nước), trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau (như Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Định, Phú Yên...)
         + Có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội.
         - Phương án chia tách:
         Chia thành 2 Vùng: Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) và Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng  đến Bình Thuận).
         3. Về Vùng Tây Nguyên, cần giữ quy hoạch vì:
         - Tây Nguyên có những đặc trưng văn hóa, dân tộc và đời sống xã hội cần được chú trọng để phát huy.
         - Tây Nguyên có nhiều yếu tố về an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa.
         - Kinh tế còn chưa phát triển tương ứng với tiềm năng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn do đó cần có những chính sách riêng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Tư Giang