Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

20200607. NỖI NIỀM ÔNG VŨ MÃO VÀ BÀI THƠ 'PHỦI TAY'

ĐIỂM BÁO MẠNG

NỖI NIỀM ÔNG VŨ MÃO VÀ BÀI THƠ 'PHỦI TAY' (*)
LƯU TRỌNG VĂN/ TD/ BVN  5-2-2020

Ông Vũ Mão qua đời ở tuổi 81 tuổi - Báo Người lao động
Xin trân trọng đăng bài viết dưới đây của nhà báo Lưu Trọng Văn nhân dịp ông cựu Chánh văn phòng Quốc hội Vũ Mão mất, mặc dù theo chúng tôi, việc đánh giá con người Vũ Mão như thế nào thì không phải đã có thể khép lại như một định luận chung cục, sau bài báo này.
Bauxite Việt Nam
Lâu không thấy ông vào bình luận hoặc like những bài viết của gã như mọi khi, nghĩ, ông muốn né ai đó "kiên định lập trường" chọc ngoáy ông một lãnh đạo của đảng lại vào hùa cùng bọn "gây rối" như gã.
Nhưng rồi cũng ngày này năm ngoái nhạc sĩ Phó Đức Phương từ Hà Nội vào Sài Gòn bàn với gã việc lấy chữ ký của văn nghệ sĩ Sài Gòn kiến nghị không cho Trung Quốc đầu tư và tổng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam.
Phó Đức Phương nói: Bản kiến nghị này được ông Vũ Mão đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và bày cách làm sao tác động tới chính phủ và BCT. Gã nghĩ ông Vũ Mão chả sợ sất gì đâu, chắc vì sức khoẻ thôi.
Và đột ngột nhận tin ông ra đi.
Buồn!
Thương!
Tiếc!
Điều tai tiếng duy nhất mà ông vướng phải và đau lòng cho đến khi giã biệt cõi đời là lễ tang Trần Độ, ông là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn. Gã chứng kiến lễ tang ấy và là người đứng cạnh ông khi ông bị các lão thành cách mạng công kích việc đọc cả thiếu sót của người quá cố. Gã chứng kiến ông đau khổ thế nào, mồ hôi vã đầm đìa. Gã hỏi, anh viết điếu văn đó à? Ông lắc đầu bảo Ban Tư tưởng VH viết. Gã hỏi ai chỉ đạo? Ông chỉ ngón tay trỏ lên cao quá đầu.
Sau lễ tang, gã lên Nà Rì, Bắc Cạn với GS. Nguyễn Lân Dũng gặp nhà văn Trịnh Đình Khôi chuyên viên Ban TTVH, gã hù Khôi: Hà Nội đồn rầm lên là ông viết điếu văn ông Trần Độ đấy. Khôi tái mặt kéo gã ra một góc nói thầm: đúng là tôi được phân công viết, nhưng tôi thề, đoạn nói về thiếu sót sai lầm của ông Trần Độ tôi không viết.
- Vậy ai viết?
- Ông đi mà hỏi mấy bố lãnh đạo ấy!
- Phải chăng ông Vũ Mão thêm vào?
- Không! Ông Vũ Mão còn không chịu làm trưởng ban lễ tang cơ mà. Ông ấy bị ép. Tôi biết chắc chắn người chỉ đạo việc viết thêm sai lầm của ông Trần Độ là cấp trên của ông Vũ Mão.
Trước khi ra đi ông Vũ Mão đã kịp viết lại sự thật về đám tang Trần Độ và nhờ Phạm Đức Bảo một người bạn của ông công bố trên mạng.

Việc lực lượng an ninh dưới sự chỉ huy của đại tá Trần Đại Quang phó tổng cục trưởng an ninh đại diện của bộ CA trong ban lễ tang được lệnh từ hai lãnh đạo cao nhất của đảng là không để bất cứ băng rôn nào có chữ "thương tiếc" và cấp bậc của Trần Độ vào viếng. Và đó là lý do mà vòng hoa của tướng Võ Nguyên Giáp, của gia đình tướng Lê Trọng Tấn và nhiều tướng lĩnh khác bị ách lại, bắt viết lại.
Cũng trong bản công bố này, ông Vũ Mão đã nói thẳng người ép mình làm trưởng ban tang lễ mà ông một mực từ chối là Nguyễn Văn An lúc đó là chủ tịch QH. Và hai lãnh đạo cao nhất của đảng đã chỉ đạo tang lễ cũng như ép phải có phần kể tội Trần Độ là Nông Đức Mạnh và Phan Diễn.
Ông Vũ Mão đau xót với những gì mình vướng phải vì ông là người luôn kính trọng Trần Độ. Ông cũng thẳng thắn phê phán ông Mạnh là "phủi tay" để mình ông lãnh đủ làn sóng phẫn nộ của dư luận.
Gã viết những dòng này để mong bạn đọc gần xa chia sẻ phần nào nỗi lòng của ông Vũ Mão và cầu mong hương hồn của ông được thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Và bài thơ “Phủi tay”
Mậu tuất 2018 ông Vũ Mão nhận thấy sức khoẻ có vấn đề do bước qua tuổi 80 thay vì làm thơ vịnh xuân như mọi năm ông viết bài thơ "Phủi tay" để giãi bày nỗi lòng của mình về một trang đau buồn, áy náy nhất đời ông là tiếng xấu trong lễ tang Trần Độ.
Bài thơ cũng nói rõ sự thật về ông Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm là thủ phạm chính việc gây tiếng xấu đối nhân xử thế trong đám tang Trần Độ nhưng lại phủi tay để mình ông Vũ Mão lãnh đủ. Trong chính trường VN hiếm có một lãnh đạo cao cấp của đảng vạch mặt các vua quan thiên đình như thế này.
Phải nói rằng đây là hành động dũng cảm của ông Vũ Mão và trước khi lìa đời ông muốn để lại bài học cay đắng cho bao vị quan công quyền khác: Hãy dũng cảm ngăn chặn điều xấu xa, thất đức, vi phạm pháp luật của bất cứ ai, đừng ngu xuẩn như ông để kẻ ăn ốc kẻ bỏ vỏ mang tiếng xấu xuống mồ.
Vụ Đồng Tâm cũng vậy. Kẻ nào bắn chết cụ Lê Đình Kình sẽ đền tội và bị muôn đời lên án. Nhưng thực ra kẻ ăn ốc, kẻ chủ mưu ra lệnh thì vẫn yên vị và phủi tay...
PHỦI TAY
Nhức nhối trở trăn tháng năm dài
Đã từng có chuyện một không hai
Lễ tang ngày ấy gây căng thẳng
Thiên hạ tiếu đàm quá mỉa mai
Chỉ đạo "tận tình" ông M... ấy
ĐM ... ông "cố" quá chi li
Vô cùng thương tiếc không cho để
Quyết đoán vội vàng hóa sầu bi
Kỳ cục Điếu văn chưa từng có
Trước sau ngụy biện: phải công bằng?!
Hành văn bắt buộc nêu ưu khuyết
Cạn tình vơi nghĩa gây thế căng
"Sáng kiến" việc này ông D... đấy
Ông Đ... trực tiếp soạn Điếu văn
Gia đình xin sửa, không cho sửa
Lệ khúc để đời nỗi trở trăn
Còn đó, tâm tôi buồn đau thắt
Trưởng ban tang lễ buộc phải làm
Xua tay tôi cự - không chấp nhận
Họ nói: Anh đừng ngựa bất kham!
Thượng cấp tái bàn thêm lần chót
Mọi người phát biểu vẻ nghiêm trang
Dặn dò khi đọc diễn trầm bổng:
Cao giọng "công lao"; "khuyết" - nhẹ nhàng
Chuyện ấy ngẫm sâu sao hài hước
Việc làm không sạch muốn che đi
Đang thời đổi mới sao làm thế?
Bia miệng để đời mãi tạc ghi
Tôn kính tướng quân giàu bản lĩnh
Lòng tôi đau quặn những hao gầy
"Công lao" - giọng đọc dâng hào khí
"Khuyết điểm"... đau lòng đàn đứt dây
Giây phút lắng trầm bỗng căng thẳng
Gia đình tỏ rõ không đồng tình
Điếu văn như thế không chấp nhận
Chuyện trái lẽ đời ắt phát sinh
Hệ lụy lễ tang gây bức xúc
Ai người chỉ đạo phủi liên quan
Tâm xà che đậy, dương khẩu phật
Ném đá giấu tay - xin miễn bàn...
Quyền chức lạm sang điều thất đức
Điếu văn chê trách thật lầm sai!
Muôn đời nghĩa tử là nghĩa tận
Nhân quả khôn lường chuốc mỉa mai
An giấc ngàn thu hồn thanh thoát
Vĩnh hằng ghi khắc bậc tướng quân
Dương gian hậu thế rèn nhân đức
Non nước nghĩa tình thắm vạn xuân
Mậu Tuất 2018
Vũ Mão
Chú thích: ông D là Phan Diễn, ông Đ là Nguyễn Khoa Điềm, (thực ra người chấp bút cho ông Điềm viết điếu văn là Tr. Đ. Khôi ). M... là Nông Đức Mạnh, ĐM... là Đỗ Mười.
Theo ông Phạm Đức Bảo thì khi làm xong bài thơ này ông Vũ Mão đã trao tận tay cho người bạn thân của mình là ông Đoàn Duy Thành và gửi nhiều bản cho bạn bè, người thân như ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Phạm Đức Bảo.
L.T.V.
Tác giả gửi BVN
(*): Tựa do BVN đặt

TIẾP LỜI NHÀ BÁO LƯU TRỌNG VĂN VỀ ÔNG VŨ MÃO

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 7-6-2020
Tôi không có điều kiện gần gũi nhiều với ông Vũ Mão như bạn tôi - nhà báo Lưu Trọng Văn, nên trước những xì xèo không đẹp về người đã khuất, tôi không nói nhiều, chỉ dám đưa ra đôi lời thô thiển, phụ họa thêm với bạn tôi nhằm đem lại thêm chút công bằng cho ông…
Tôi vốn không thích quan hệ với những chính khách, kể cả những chính khách có tâm hồn nghệ thuật như ông Vũ Mão… Nhưng hai năm trước, trong khi làm bộ phim tài liệu về Biển Đảo, một người chuyên làm sách về chủ quyền Biển Đảo cộng tác với tôi, có bảo: «Ông Vũ Mão có viết mấy bài hát về đề tài này đấy, cậu có đến thăm ông ấy cùng tôi?» Thế là, vì tò mò, tôi đã «theo đóm ăn tàn» ông bạn lớn tuổi, tới gặp cựu chính khách kiêm nhạc sĩ, thi sĩ Vũ Mão.
Chỉ một lần gặp gỡ, trong một ngôi nhà khiêm tốn được trang hoàng bằng sách vở và những bức ảnh kỷ niệm, tôi đã thay đổi cơ bản ấn tượng cố hữu về một nhân vật như ông Vũ Mão.
Ông tặng tôi tập sách bìa cứng trang trọng : «Dấu son nghị trường», cùng các tập photo những bài  thơ, nhạc của ông.
Tập sách tôi để dành làm tư liệu, chưa đủ dũng cảm để đọc hết những ghi chép, nghiên cứu, tổng kết khá kỳ công của một người có 15 năm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người gắn liền với quá trình đổi mới của Quốc hội Việt Nam…
Bởi tôi quan tâm trước hết tới thơ và nhạc của ông. Thực ra, thơ và các ca khúc của ông, vốn không phải là của một tác giả chuyên nghiệp, phần lớn không vượt qua khỏi sáng tác của các CLB thơ & CLB âm nhạc quần chúng. Nhưng nghe ông vất vả son-phe bản nhạc mới, tự đọc say sưa bài thơ vừa làm, tôi chợt hiểu rằng: thơ ca và âm nhạc đối với ông là nhu cầu tự bên trong, khi mạnh mẽ sục sôi, lúc thầm thì day dứt, không phải là thứ để trang trí, làm sang cho mình như không ít người hiện nay… Ông làm thơ, viết ca khúc, cũng để «phục vụ cho những yêu cầu mới của Cách mạng »- như ông từng nói, nhưng trước hết là để ông giãi bày những tâm tư, cảm xúc của một công dân mà khi ở cương vị Nghị sĩ, ông chưa kịp/ hay không thể giãi bày được; một cách để ông tự thanh minh về «tư cách nhân sĩ» của ông khi buộc phải «lấm bùn máu» của những âm mưu, thủ đoạn chính trị mà ông không thể thoát ra được… Sự «Sám hối» bằng thơ ca đó cũng đáng trân trọng, có ý nghĩa không kém ở các bậc «mũ cao áo dài» chuyên nghiệp trong văn học nghệ thuật… *
Và tôi quan tâm tới ông, bởi một lý do khá «riêng tư»: Thời gian qua, tôi chú ý đặc biệt tới cuộc đời của những Thiếu sinh quân tại trường TSQ ở ATK Thái Nguyên mà tôi nghĩ đó là chất liệu rất sinh động, lý thú cho một bộ phim Điện ảnh dành cho thiếu nhi & thiếu niên - cái mảng đã bị bỏ quên rất lâu trong Điện ảnh vì lý do thương mại. Trong cuốn ký sự tiểu thuyết mới nhất : «Mãi mãi một thời Thiếu Sinh Quân», nhà văn Ma Văn Kháng, một cựu TSQ đã để anh trạm trưởng nhớ lại về một tốp TSQ mới nhập trường «độ chín mười tuổi, mũm mĩm như búp bê», trong đó có chú bé Vũ Mão, quê Thái Bình qua đoạn thoại :
  • Hừ, tai to mặt lớn. Mắt mũi cân bằng sáng sủa. Chắc chắn chú mày sẽ là một chính trị gia có hạng đây.
  • Em chỉ thích đi bộ đội thôi ạ.
  • Tốt. Sau này là un grand mandarin (quan to) thì nhớ lời anh tiên tri, Vũ Mão nhớ.
Lời tiên tri của anh phụ trách dạo đó đã đúng, nhưng chưa đủ: ông Vũ Mão đã trở thành “quan to” ( thực ra chỉ là chức “Bật mã ôn” mà thôi), nhưng ông đã không trở thành “quan tham”. Ông Vũ Mão và nhiều đồng đội của ông đã mang trong mình phẩm chất của những TSQ, của những anh bộ đội thời kháng Pháp gian khổ trập trùng nhưng yêu dân, thương dân tận đáy lòng, thực sự đã “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”… Sau này, khi nhà đã “Lộng gió”, phần lớn TSQ - trong đó có ông Vũ Mão vẫn giữ được cái phẩm chất “Thương Dân hơn thương mình”, “Còn Dân còn mình” ấy để đi qua bao sóng gió thử thách của chính trường, thương trường… Tâm sự của ông Vũ Mão qua thơ văn, âm nhạc, chứa đựng bao nỗi đau, trăn trở của một thế hệ “Cách mạng nòi”, đáng để làm bài học trong các cuộc “chỉnh huấn tư tưởng”- nếu như chúng cần phải tồn tại- vốn xưa nay chỉ nặng về khẩu hiệu suông…
Trong một lần “tháp tùng” các cựu TSQ về ATK tìm lại những dấu tích cũ của trường TSQ, tôi đã nhớ lại câu chuyện về ông Vũ Mão lúc mới nhập trường, rồi lên kế hoạch sẽ xin gặp lại ông để hỏi nhiều về “cái buổi ban đầu lưu luyến” ấy của các ông đến với cội nguồn của Lý tưởng mà các ông theo đuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, kể cả khi chúng đã bị phản bội ít nhiều.
Nhưng chưa kịp thực hiện ý định, ông đã về với “Thế giới người hiền”…
Mấy dòng này như một nén nhang muộn mằn tưởng nhớ hương hồn ông - nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Mão!
_________________

M.A.N.A.T.


Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét