Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

20200624. BÀN VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TIẾN SĨ NGUYỄN ĐỨC THÀNH, NÊN BÁN TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI - AMSTERDAM
 PHƯƠNG/ GDVN 22-6-2020
Đó là chia sẻ của Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trên tài khoản mạng xã hội của ông những ngày gần đây, tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này, đặc biệt là giữa những học sinh từng học ngôi trường này.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành xác nhận những gì ông đã viết trên mạng xã hội là suy nghĩ, quan điểm của mình một cách rất nghiêm túc.
Cũng theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) không chỉ nên làm như vậy với Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mà cả những trường chuyên khác.
Được biết, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành từng là học sinh Chuyên Vật Lý 1 Trường Hà Nội – Amsterdam khoá 1992-1995. Tiến sĩ Thành nằm trong Top đầu học sinh học giỏi gần nhất trường về môn Vật Lý.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay, quãng thời gian học ở Trường Hà Nội - Amsterdam là đẹp đẽ không khác gì những năm cấp 2 khi học chuyên toán hay các bạn học ở trường khác.
"Tinh thần tự do của chúng tôi được nuôi dưỡng từ đây. Là học sinh đội tuyển, chúng tôi được học thêm với những thầy giỏi nhất nước lúc bấy giờ.
Những người thầy đã già, họ thuộc về tầng lớp tinh hoa thời trước nhưng chỉ đi dạy học. Như vậy, việc tôi vào đội tuyển học sinh giỏi đã khiến tôi may mắn nhận được hai điều: nhìn thấy nhân cách của các thầy và không phải học các môn khác của chương trình phổ thông.
Đó là những hành trang tôi có được từ Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam. Và nhờ thế, giờ đây tôi có được niềm tin rằng nên giải tán trường này hoặc biến nó thành một trường tư thông qua bán đấu giá”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành kể.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Trường Đại học Kinh Tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nói về lý do nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra 4 lập luận.
Thứ nhất, mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu.
"Giả định bố mẹ các bạn học sinh nghèo lại học kém sẽ phải đóng thuế để cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được cho là học giỏi hơn và đó cũng đó là một giả định. Như vậy, mô hình này chủ động tái tạo và mở rộng bất công xã hội.
Những gia đình nhà giàu cho con vào học để sau này ngồi lên đầu các bạn nghèo và học kém hơn kia", ông Thành chia sẻ.
Thứ hai, mô hình này sẽ chấp nhận được nếu nó là một trường tư, như trường Olympia, nơi cha mẹ giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn.
Như mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là lấy từ tiền của các bố mẹ khác. Vậy là không công bằng.
Thứ ba, việc bố mẹ phải “tác động” để con mình có bảng điểm không thể đẹp hơn tức bảng điểm toàn điểm 10 hoặc làm cách nào đó để con mình đeo trên người đủ thứ giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu.
Không loại trừ có tiêu cực khi học tại Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam để cha mẹ đạt được mục đích cho con.
Điều này cho thấy việc lo cho con được học ở Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí đào tạo lớn hơn phần họ đã bỏ ra để nhờ vả. Việc này sẽ biến mất nếu thực hiện điều thứ hai ở trên.
Cuối cùng, mục đích của trường chuyên lớp chọn như Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam đã hết vai trò lịch sử của nó.
Trước đây trong lúc chiến tranh nghèo khổ, trường chuyên được mở ra để chọn được những người trí tuệ để xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Việc hình thành các trường chuyên đào tạo ra không ít gà nòi tham gia các cuộc thi trên thế giới như kỳ thi Toán, Lý quốc tế. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Những người này cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ đất nước vì đúng là họ có khả năng thật. Tuy nhiên, điều ấy chỉ đúng trong một xã hội thời chiến nghèo khổ và cũng mong muốn có nguồn tài trợ từ nước ngoài vào.
Đề xuất giải tán hoặc bán ngôi trường có nhiều thành tích này tạo ra một cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội. Ảnh: Vũ Phương.
Từ 4 lập luận trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, "niềm tin của tôi về sự vô dụng, lỗi thời và bất công của mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam được thực hành bằng việc tôi chưa bao giờ có ý định cho các con tôi học ngôi trường này.
Dù tôi biết một ít thuế của tôi, họ hàng tôi, các nhân viên của tôi, cũng như bạn bè tôi, vẫn âm thầm chảy ra mỗi ngày để duy trì mô hình đó cùng những đứa trẻ đang học trong đó - những học sinh tiết kiệm được phần lớn chi phí cho điều kiện học vượt trội của mình.
Với tất cả niềm tự hào là một học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, tôi kêu gọi xoá bỏ mô hình Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam thông qua việc đưa nó về thành một trường công bình thường hoặc bán đấu giá nó cho tư nhân để biến nó thành một trường tư".
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khi B52 dội xuống Hà Nội, nhân dân thủ đô Amsterdam, Hà Lan đã muốn làm một điều gì đó cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, ngài Thị trưởng - tiến sĩ Samkaden đã hăng hái vận động nhân dân Amsterdam quyên góp để xây cho Hà Nội một ngôi trường cấp III đàng hoàng, to đẹp sau ngày chiến thắng. [1]
Kết quả của nghĩa cử đó là trường Trung học phổ thông mang tên Hà Nội - Amsterdam ra đời, khai giảng năm học đầu tiên ngày 5/9/1985. Năm 2005, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đồng ý dành quỹ đất 5 ha ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính để xây trường mới, lễ khởi công xây dựng diễn ra ngày 19/5/2008 với tổng mức đầu tư 469 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD). [2]
Theo Báo Tuổi Trẻ, là một trường trung học phổ thông chuyên, nhưng từ nhiều năm nay, trường Hà Nội - Amsterdam mở thêm hệ trung học cơ sở với hình thức tự trang trải kinh phí với lý do "tạo nguồn" cho khối phổ thông chuyên và "khai thác tiềm năng đội ngũ giáo viên" còn dồi dào. Các thí sinh tham gia thi tuyển vào trường Hà Nội - Amsterdam thường phải trải qua kỳ thi cạnh tranh khá gay gắt. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://hn-ams.edu.vn/lich-su-phat-trien
[2]http://www.caugiay.hanoi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=507:ngay-49-trng-ams-gn-bin-cong-trinh-1000-nm&catid=98:tin-chung&Itemid=476
[3]https://tuoitre.vn/truong-ha-noi---amsterdam-nhan-them-hoc-sinh-qua-cong-phu-303051.htm
Vũ Phương
TIN LIÊN QUAN:
BÁN TRƯỜNG AMS LÀ ĐỀ XUẤT CHÍNH TRỰC SẼ LÀM LÀNH MẠNH  CHÍNH SÁCH
ĐỖ THƠM/ GDVN 23-6-2020

Vừa qua, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã nêu ra 4 lập luận lý giải cho đề xuất nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân.
Quan điểm này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tiến sĩ Đỗ Tiến Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của Tiến sĩ Đỗ Tiến Long – chuyên gia tư vấn về phát triển tổ chức và chiến lược.
Ông từng có 8 năm công tác tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, với vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị chiến lược.
Tiến sĩ Đỗ Tiến Long chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: “Đây là một đề xuất chính trực làm lành mạnh hóa chính sách quản lý và tâm hồn học sinh. Trước đây, con tôi được vào Amsterdam, tôi cũng khuyên con là không nên học.
Tôi thấy trường chuyên có thể tạo ra “gà chọi” để đi thi, còn tỷ lệ nhân tài trong xã hội thường tương đối ổn định.
Chưa thấy trường chuyên nào có thể đào tạo người kém thành tài. Tuy vậy mặt trái, khía cạnh hạn chế của trường chuyên, thì dễ nhận thấy”.
Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nêu ra 3 điểm cụ thể.
Thứ nhất, học lệch tạo nên sự thiếu hụt nền tảng, dễ lệch lạc về tính cách khi trưởng thành, mà họ thường không tự nhận ra.
Thứ hai, đeo huy chương "chuyên" dễ khiến họ ngộ nhận bản thân, tự xếp mình ở đẳng cấp khác, nặng tâm lý ganh đua, khó giao tiếp hòa đồng xã hội.
Thứ ba, sự đặc quyền dễ đẻ ra tha hóa xin cho, chạy chọt. Hơn nữa, trường chuyên tạo ra thi cử bất thường, bất bình đẳng học tập và đầu tư hạ tầng.
Tiến sĩ Long phân tích, bản chất của quản lý xã hội là phải đảm bảo hiệu quả của nguồn lực đầu tư mang lại được nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng.
Một trong những nguyên tắc của quản lý hệ thống là khi đối tượng quản lý đã trưởng thành thay vì bao cấp thì nên trao quyền, tăng tính tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm, sẽ phát huy khả năng và đóng góp xã hội.
Trong hệ thống như hiện nay, đối với các đơn vị, các trường chuyên tương tự như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, trao tính xã hội hóa sẽ giúp cho sự phát triển, cơ hội phát triển của trường tốt hơn.
Cùng với đó, việc này giúp lành mạnh hóa chính sách, đảm bảo nguồn lực đầu tư xã hội sẽ hiệu quả hơn.
Ông nhấn mạnh, vai trò quản lý của Nhà nước là phải tạo ra sự công bằng và tính lành mạnh cho cả đầu tư nguồn lực, cũng như sự ưu tiên chính sách, sự quan tâm của xã hội.
Tất cả học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông cần sự công bằng trong thi tuyển đại học.
Theo Tiến sĩ Đỗ Tiến Long: "Học sinh trường chuyên được luyện, được học trước. Họ được hưởng nhiều đặc quyền, cả về hình ảnh xã hội và đặc quyền được hưởng cơ hội, nguồn lực xã hội tốt hơn những người bình thường, dễ phát sinh nhu cầu chạy thủ tục, lo hồ sơ vào trường.
Thực tế, hiện nay trường chuyên không còn nhiều ý nghĩa về mặt phát triển giáo dục. Kiến thức chuyên sâu được học trước đôi khi là tự hại cho chính họ.
Học trước để đi thi 1, 2 cuộc thì lợi, nhưng đối với lộ trình suốt cuộc đời thì có thể không ổn.
Sự học cũng có thể ví như leo thang bộ tòa cao ốc, chạy nhanh chục tầng đầu rồi mất đà, chưa chắc nói lên điều gì. Vì tập trung học kiến thức trước, họ không được chuẩn bị đầy đủ các nền tảng tốt về cả phẩm chất, kỹ năng, và thái độ, cho sự nghiệp sau này".
Tuy chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nhận thấy, có một tỷ lệ khá cao người học chuyên nhưng không theo chuyên khi học lên đại học, trong khi sự chuyên sâu thật sự chỉ diễn ra từ bậc đại học.
Tỷ lệ người học chuyên Toán, Lý, Hóa ở cấp 3 rồi vào đại học đúng chuyên ngành rất nhỏ.
Bảng chi sự nghiệp giáo dục cấp học phổ thông theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.
Nếu họ theo ngành kinh tế, quản lý, chính trị…thì họ cần được chuẩn bị các phẩm chất theo nghề thay vì việc học trước kiến thức.
Việc học trước kiến thức Toán, Lý, Hóa,…khiến thiếu thời gian cho các kiến thức kỹ năng nền khác, tạo ra chính thiệt hại cho họ nhiều hơn.
“Nếu chỉ chạy theo điểm cao mà EQ hạn chế thì dễ nhận thấy là tâm lý bất thường sẽ kéo theo sự bất hài lòng cuộc sống, khó tìm tiếng nói chung.
Điểm cao chưa chắc đã hạnh phúc hay thành công.
Thực tế phần lớn những người thành công lại là những người có khả năng thích ứng hòa đồng với môi trường, tìm thấy sự trưởng thành thông qua tương tác tích cực.
Việc dồn người có IQ cao vào một nhóm chưa chắc tạo thêm nhân tài cho xã hội, nhưng lệch lạc tâm lý, cũng như sự đặc quyền thì dễ nhìn thấy hơn.
Học chuyên hay không chuyên nên là lựa chọn của cá nhân và theo đầu tư tư nhân”, Tiến sĩ Đỗ Tiến Long nêu quan điểm.
Trên trang cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã thành lập một nhóm thảo luận nghiêm túc đề xuất của ông về các trường chuyên công lập trên cả nước. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay:
"Mấy ngày qua mọi người đã trao đổi, tranh luận nhiều. Nhiều người nói về chất lượng của trường chuyên (gồm cả chất lượng của thầy và trò), ích lợi của việc học trường chuyên (ở cấp độ cá nhân học sinh), v.v... nhưng có vẻ chúng ta chưa nhìn hệ thống trường chuyên trong một tổng thể lớn hơn trên phương diện toàn bộ xã hội, bao gồm cả các dòng tài chính đến và đi khỏi các trường chuyên, ai là người thực chất chi trả, ai là người hưởng lợi (trực tiếp và gián tiếp), các dòng học sinh thi vào trường và ra trường, hệ quả xã hội của nó là gì, trong bối cảnh thời gian dài, v.v...."

Câu hỏi đầu tiên Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra để thảo luận là:

"Có bằng chứng cho thấy ngân sách HÀNG NĂM của TP Hà Nội cấp cho các trường chuyên, trong đó có Ams, tính bình quân đầu học sinh, cao hơn hẳn các trường công khác (cụ thể với trường Ams là khoảng 4 lần). Việc này có lẽ đúng với các trường chuyên khác trên cả nước. Theo bạn, LÝ DO CỦA VIỆC NÀY LÀ GÌ? Hay nói cách khác, AMS ĐƯỢC CẤP NGÂN SÁCH CAO HƠN ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU GÌ?"
Đỗ Thơm
TRƯỜNG AMS ĐƯỢC NGÂN SÁCH ĐẦU TƯ NHƯ THẾ NÀO ?
VŨ PHƯƠNG/ GDVN 24-6-2020
Đề xuất nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Đặc biệt, xung quanh đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến tán thành.
Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, hiện ngân sách chi rất nhiều tỷ đồng cho Trường Ams mỗi năm. Nếu kể cả giá trị đất, tiền xây dựng ngân sách chi ra xây Trường Ams như hiện nay biết bao tỷ đồng.
Bởi vậy, đề xuất bán Trường Ams cũng là một ý kiến rất hay và thẳng thắn. Nhà nước vừa có một khoản mà hàng năm không phải chỉ một khoản từ ngân sách không phải là ít.
Được biết, tổng mức đầu tư cả tiền đất và xây dựng cho Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam tại vị trí hiện tại trên đường Hoàng Minh Giám (Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) được công bố khi chuẩn bị khởi công lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Con số trên được ông Nguyễn Hiệp Thống (thời điểm đó ông Thống là Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin với nhiều cơ quan báo chí vào đầu năm 2010 về tổng mức đầu tư dự án xây dựng Trường Ams.
Dự án khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010. Đây là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu cho việc xây dựng trường Ams là 428,96 tỷ đồng, chủ đầu tư đã lập tổng quyết toán dự án với giá trị 379,74 tỷ đồng.
Có thể nói với khu đất 5 ha trên mặt đường Hoàng Minh Giám (Hà Nội) trong ngành giáo dục khó có trường nào có vị trí vàng như vậy.
Học phí hệ song bằng lớp 6 Trường Ams lên đến 7,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trường Ams.
Không chỉ được đầu tư về đất đai, xây dựng, Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam còn được Hà Nội phân bổ ngân sách đầu tư cho mỗi học sinh vào top đầu các trường phổ thông.
Cụ thể, Nghị quyết số 13 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 quy định:
Mức phân bổ ngân sách đầu tư cho mỗi học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam là 18 triệu đồng/học sinh mỗi năm.
Đây là một trong những mức cao nhất các bậc học.
Giả định con số gần 2.000 học sinh như hiện tại của Trường Ams với mức được đầu tư 18 triệu đồng/học sinh mỗi năm, ước tính với số học sinh hiện tại mức phân bổ ngân sách cho ngôi trường này lên đến khoảng 30 tỷ đồng năm học.
Còn giai đoạn trước đó, mức phân bổ dự toán chi ngân sách thuộc thành phố giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ban hành tháng 12/2010 thì mức phân bổ ngân sách đầu tư cho mỗi học sinh trường Ams là 15 triệu đồng/học sinh mỗi năm.
Theo thông tin Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam cập nhật trên website của trường năm học 2018-2019 có 215 giáo viên, chưa bao gồm ban giám hiệu nhà trường, nhân viên.
Mức phân bổ ngân sách đầu tư cho mỗi học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam là 18 triệu đồng/học sinh mỗi năm. Ảnh chụp văn bản.
Là một trường trung học phổ thông chuyên, nhưng nhiều năm nay Chuyên Ams đã tuyển sinh từ lớp 6 (khối trung học cơ sở) với lý do "tạo nguồn" học sinh chuyên phổ thông.
Ngày 19/5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thông báo về việc tuyển sinh vào lớp 6 chương trình thí điểm đào tạo song bằng và lớp 6 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam năm học 2020-2021.
Theo đó Trường Ams được tuyển sinh 2 lớp (50 học sinh) vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng trung học cơ sở Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambrigde tại các trường trung học cớ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Ngoài 2 lớp song bằng, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 của Trường Ams cho 4 lớp (khoảng 180 học sinh).
Để trúng tuyển vào lớp 6 Trường Ams, học bạ lớp 1 đạt, học bạ lớp 2, 3, 4, 5 học sinh phải đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”. Học sinh sẽ trải qua 2 vòng thi.
Được biết, hệ hệ song bằng lớp 6 trường Ams có mức học phí lên đến 7,5 triệu đồng/tháng, toàn khóa học 24 tháng là 180 triệu đồng.
Về quy hoạch kiến trúc chính của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam là khu nhà học được chia làm 3 dãy. Khu vực này gồm 5 tầng (kể cả tầng hầm và bãi đỗ xe) được dùng làm phòng học cho khối 6 đến khối 12.
Bên cạnh đó là hệ thống các phòng thí nghiệm Hóa – Sinh – Vật lý và các phòng đội tuyển. Trường có tổng cộng 71 phòng học. 12 phòng cho các đội tuyển Văn, Toán, Trung, Lý, Hóa, Sinh, Nga, Anh, Pháp, Sử, Địa, Tin. Còn có 15 phòng học riêng biệt cho từng bộ môn.
Cạnh dãy nhà học là thư viện, phòng vi tính và nhà ăn. Nơi đây cũng có một phòng họp hội đồng 700 chỗ dành cho các cuộc họp và sự kiện.
Khu thể chất trong nhà là một nhà thể thao đa năng có sân bóng rổ, sân cầu lông và bể bơi. Tại khu thể chất ngoài trời có 1 sân bóng đá, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ, một đường nhảy xa, chạy đà và đường chạy 100 mét.
Ngoài ra, nhà trường còn có một số khu vực khác: khu vực phòng y tế, bố trí các phòng làm việc, tra cứu cho từng chuyên ngành, phòng khảo thí với chức năng phục vụ việc ra đề, chấm bài cho các kỳ thi chuyên của nhà trường; khu thực nghiệm được dành riêng diện tích khoảng 1000 m2 để làm vườn thực nghiệm môn sinh học, địa lý; tháp truyền thống và khu vực căng tin.
Vũ Phương
CỐ VẤN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC HARVARD NÓI GÌ VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN ?
THUỲ LINH /GDVN 24-6-2020
Mô hình trường chuyên của Việt Nam được ra đời từ năm 1965, đã làm rất tốt trong một giai đoạn nhất định, có những thành tựu đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia, nay đã đến thời điểm chúng ta cần phải có thay đổi.
Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành. Trong đó, mỗi địa phương đều có một trường chuyên là nơi đào tạo và thu hút đầu vào gần như tốt nhất của mỗi tỉnh.
Thậm chí, có người nói rằng cuộc đua vào các trường chuyên nhiều khi còn cam go hơn cả giành được một tấm vé vào đại học.
Theo ghi nhận của Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng không nên duy trì mô hình trường công lập thu học phí cao, trường công ra trường công, trường tư ra trường tư, không nên duy trì mô hình trường công thu phí như trường tư như vậy.
Còn mô hình trường chuyên nếu tồn tại thì nên chăng để khối tư thục đảm nhiệm, Nhà nước tập trung ngân sách và nguồn lực để đảm bảo phúc lợi giáo dục cơ bản cho con em nhân dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Hiện nay, trường chuyên được đầu tư từ cơ sở vật chất, phụ cấp giáo viên… gấp 2-3 lần trường bình thường trong khi ở các đô thị lớn, con em nhân dân lao động vẫn thiếu chỗ học, sĩ số quá tải gấp đôi quy định thì không công bằng.
Không những thế, chương trình dạy và học trong các trường chuyên hiện nay khá dàn trải, em nào cũng phải học một chương trình như nhau và vẫn phải kiểm tra thi cử như các bạn khác; chưa có chế độ học cũng như kiểm tra đánh giá theo chương trình riêng cho từng học sinh; và cũng không dựa trên những tiêu chí khoa học về đánh giá "người tài".
Ngoài ra, mỗi mùa tuyển sinh trường chuyên đã và đang tạo ra những cuộc đua, có không ít phụ huynh muốn bằng mọi giá lo cho con mình được vào trường.
Họ không chỉ muốn con mình được học tập trong điều kiện thuận lợi mà còn coi đây như sự bảo đảm cho bước tiếp theo là du học, hoặc thi vào các trường đại học danh tiếng trong nước.
Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực chính quyền bang Massachusetts, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016 – 2021 cho rằng:
Khi dùng Ngân sách nhà nước thì không nên đầu tư mạnh vào một loại hình trường nào đó bởi nếu làm như vậy sẽ không công bằng, không bình đẳng nhất định trong thụ hưởng giáo dục của học sinh giữa trường chuyên và trường thường.
Tại cùng một thời điểm và một địa bàn, trường chuyên thường có đội ngũ giáo viên giỏi hơn (không chỉ cho các môn chuyên), có cơ sở vật chất tốt hơn các trường thường.
Tất cả đều là trường công, dùng tiền ngân sách, mà có trường được ưu tiên hơn các trường khác, như thế là không công bằng, không bình đẳng.
Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (Ảnh: Nguyễn Hoàng Group)
“Sau khi học phổ thông xong, em nào học giỏi, học kém, chọn đi đi du học hay đi làm thì tùy vào năng lực của các em cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Chứ đã là chính sách giáo dục thì phải bình đẳng, mọi cơ hội, chế độ của các em đều phải như nhau”, Tiến sĩ Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 đã cho thấy rõ:
Định mức phân bổ đối với học sinh trung học phổ thông học trường công lập bình thường là 7,3 triệu đồng/ năm trong khi đó học sinh chuyên Amsterdam và chuyên Nguyễn Huệ sẽ lên tới mức 18 triệu đồng/ năm.
Cụ thể:
Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp
ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức
phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 (ảnh chụp màn hình)
Riêng tại Hà Nội, theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2020-2021 có 4 trường trung học phổ thông chuyên do Sở quản lý có các lớp chuyên như sau:
Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam có 12 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung.
Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ có 11 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga.
Trường trung học phổ thông Chu Văn An có 10 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp.
Trường trung học phổ thông Sơn Tây có 9 lớp chuyên: toán, tin học, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh.
Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường trung học phổ thông chuyên năm học 2020 - 2021 như sau:


Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí: 2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố.
Giai đoạn I (2010 -2015) với mục tiêu 100% các trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế... Giai đoạn II (2015 - 2020), phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên một cách vững chắc.
Thùy Linh
TRƯỜNG CHUYÊN CHỈ ĐỂ ĐÀO TẠO 'GÀ NÒI' ?
THUÝ NGA ghi/ VNN 15-6-2020

Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đầu tư vào trường chuyên cũng như câu chuyện về đầu tư kinh tế, phải có những “đầu tàu” mới tạo ra sự đột phá.

"Trường chuyên" có ở nhiều nước
Hệ thống trường chuyên của Việt Nam đã có từ lâu. Năm 1965, Khối Chuyên Toán – Tin (A0) được thành lập. Nhưng phải nói, chính sách này không của riêng Việt Nam mà được học tập từ nước ngoài.
Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới vẫn giữ mô hình đào tạo những nhân tố xuất sắc. Họ không để những nhân tố này hòa chung vào mô hình đào tạo bình thường, dễ khiến tài năng bị thui chột.
Có thể kể tới như trong ĐH Tổng hợp Lomonoxop (Nga) vẫn tồn tại trường phổ thông chuyên thành lập từ 1964, tức là trước Việt Nam 1 năm. Trường này tập trung vào các lĩnh vực chuyên về khoa học tự nhiên. 5 năm trở lại đây, ngôi trường này còn “rẽ nhánh”, định hướng cho những học sinh có thiên hướng về kinh tế hoặc y dược ngay từ lớp 12.
Không chỉ ở Nga, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến khác cũng có hệ thống trường chuyên mạnh như Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Úc…
Còn trong khu vực, gần chúng ta có Singapore với ngôi trường chuyên nổi tiếng là Trường THPT Chuyên Toán và Khoa học (NUS) nằm trong ĐH Quốc gia Singapore. Hay như tại Thái Lan, trong các trường nổi tiếng như ĐH Mahidol hay ĐH Chulalongkorn cũng có hệ thống trường chuyên. Mặc dù đi sau nhưng hiện tại, những trường này đều phát triển rất mạnh.
Kể từ năm 2002, Nhật Bản bắt đầu có chiến lược xây dựng những trường THPT trọng điểm (Super Science High Schools) về khoa học tự nhiên. Đến nay, hệ thống đó đã lên tới khoảng 200 trường.
Trường chuyên chỉ để đào tạo 'gà nòi'?
Học sinh dự thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên
Nói trường chuyên chỉ "sản xuất gà nòi” là sai lầm
Có giai đoạn kinh tế chưa phát triển, mọi người thường đặt câu hỏi: “Tại sao phải đầu tư vào đỉnh cao của Olympic thể thao?”, “Đầu tư vào thể thao làm gì cho tốn kém?”, “Sao không đầu tư vào những cái khác hữu ích hơn?”...
Thực tế, tất cả các nước phát triển đều đầu tư cho thể thao, bởi điều đó sẽ tạo ra cú huých và là một thước đo nhằm chứng minh khả năng không giới hạn của con người.
Câu chuyện đầu tư của thể thao và trường chuyên tuy không hoàn toàn tương đồng nhưng cũng có điểm giống nhau về bài toán xã hội.
Những đối tượng tinh hoa của trường chuyên giống như GS Ngô Bảo Châu hay GS Đàm Thanh Sơn – vốn là những nhà khoa học đầu đàn - hiện đang đóng góp rất nhiều cho giáo dục nước nhà. Phải có những nhân tố như thế mới có thể khơi gợi nỗ lực, quyết tâm của giới trẻ và chứng minh được rằng người Việt Nam không thua kém bất cứ ai.
Còn nói trường chuyên chỉ để đào tạo "gà nòi” là sai lầm. Trước đây, mô hình trường chuyên có những lớp rất nhỏ, chủ yếu hướng tới giáo dục cá biệt nhiều hơn. Nói cách khác, mục tiêu khi đó là phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố xuất sắc trong một lĩnh vực hẹp.
Còn giờ đây, đối tượng học sinh của trường chuyên đã mở rộng hơn rất nhiều. Trong số đó cũng có những nhân tố xuất sắc, nhưng tỉ lệ không nhiều. Các trường chuyên hiện tại đã hướng tới việc đào tạo toàn diện.
Ví dụ, bây giờ học sinh chuyên Toán không chỉ giỏi mỗi Toán. Các bạn cũng giỏi Tiếng Anh, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, cũng có những trải nghiệm sáng tạo. Những bạn giành huy chương quốc tế có thể chơi tennis rất giỏi, hát và chơi đàn rất hay.
Mặt khác, nói học sinh chuyên học lệch cũng không phải là nhận định chuẩn xác. Bởi lẽ, học sinh chuyên vẫn phải tham gia các kỳ thi đánh giá bình thường của địa phương và của toàn quốc.
Thế nhưng, có một điều dễ dàng nhận thấy, thành tích học tập của học sinh chuyên vẫn luôn cao hơn so với mặt bằng chung.
Cần phát triển thành “đầu tàu” thay vì cào bằng
Một trong những vai trò của trường chuyên là khuyến khích, đào tạo những học sinh tinh hoa nhất, có năng lực xuất sắc để phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những mục tiêu chứ không phải là duy nhất.
Trường chuyên không chỉ là nơi đào tạo “gà chọi” đi thi giải quốc gia, quốc tế. Hệ thống trường chuyên giờ đây phải là “đầu tàu”, là một hình mẫu để lan tỏa những chính sách mới của giáo dục và thực thi những thay đổi giáo dục cơ bản, toàn diện. 
Chúng ta càng phải coi đây là hình mẫu để các trường khác nâng chất lượng giáo dục chứ không phải cào bằng hay xóa bỏ.
Cũng có giai đoạn, nhiều người cho rằng cần phải chia đều thầy giỏi cho các trường để đảm bảo công bằng trong giáo dục. Nhưng như đã nói, chúng ta không thể quên rằng trường chuyên vẫn có mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước. Một người có tài năng rất cần được học và tạo điều kiện để phát triển. Họ không thể vào môi trường kém cạnh tranh, thiếu đi động lực. Như vậy, sẽ không thể có những người thực sự giỏi để phát triển đất nước.
Điều này cũng giống như câu chuyện về đầu tư kinh tế. Tại sao đất nước vẫn cần phải có những vùng kinh tế trọng điểm để đầu tư thay vì cào bằng? Tất nhiên, chúng ta cần tới mặt bằng chung, nhưng để đột phá thì phải có những đầu tàu. Nếu đầu tư dàn trải, không có lộ trình từng bước, mọi thứ sẽ không thể phát triển.
TS. Lê Công Lợi (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên)

Thúy Nga(ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét