Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

20200617. BÀN VỀ BẦU CỬ TRỰC TIẾP

ĐIỂM BÁO MẠNG

DÂN CÓ 'NGHÌN TAI VẠN MẮT', LÁ PHIẾU CỦA HỌ LÀ KHÁCH QUAN ĐỂ CHỌN CÁN BỘ
VŨ NGỌC HOÀNG/TVN 15-6-2020
Tuần Việt Nam trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam 2 nhiệm kỳ về việc chọn cán bộ thế nào cho nhiệm kỳ tới được "đúng" và "trúng".
hưa ông, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ, ông có trăn trở như thế nào về cán bộ nguồn cũng như quy trình tìm kiếm các “hạt giống đỏ”?
Tôi không làm Bí thư đã lâu rồi. Bây giờ tình hình đã khác, nhiều cái mới, có khi mình đã lạc hậu một phần. Tuy nhiên, việc quy hoạch cán bộ, tôi nghĩ không phải là để xếp hàng, giữ chỗ, mà chủ yếu là để phát hiện người có triển vọng phát triển tốt hay còn gọi là nhân tài.
Sau khi phát hiện thì có kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, tư duy sáng tạo của họ. Chứ không phải để tạo khuôn mẫu cứng nhắc, giáo điều, lúc ấy họ sẽ không dám hành động đổi mới, mà trở nên bảo thủ và cản trở.
Nên đưa họ ra thực tiễn tiếp cận với công việc, rồi chính kết quả công việc sẽ là cơ sở để đánh giá họ.
Dân có 'nghìn tai vạn mắt', lá phiếu của họ là khách quan để chọn cán bộ
Ông Vũ Ngọc Hoàng
Cái khó lâu nay trong công tác cán bộ là việc đánh giá con người. Nếu cán bộ chỉ có những tiêu chuẩn mang tính trừu tượng thì họ nói rất hay, nhưng vào thực tế thì làm không được.
Tốt nhất, cán bộ cần có sự tín nhiệm của nhân dân. Dân có “nghìn tai vạn mắt” ở khắp mọi nơi, lá phiếu của họ là khách quan và toàn diện nhất để lựa chọn cán bộ.
Ngoài ra, chọn cán bộ còn cái khó là liên quan đến nhận thức và tư duy của lãnh đạo. Ví dụ: Người lãnh đạo công tác cán bộ theo phương pháp dân chủ thì tốt. Nhưng theo kiểu áp đặt nhân sự vào các vị trí theo ý chủ quan của lãnh đạo, thì khi thoái hóa sẽ dẫn đến lây lan nhanh, thoái hóa cả hệ thống.
Cần khuyến khích cán bộ tự ứng cử
Vừa rồi Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương được thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội. Theo ông đề nghị này có khả thi? Ở Quảng Nam đã tính đến phương án này chưa?
Tốt quá, tôi nghĩ việc Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy (kể cả Bí thư các cấp) như Quảng Ninh đề nghị là việc nên làm và hoàn toàn khả thi.
Đó cũng là cách mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng và tăng vai trò của Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ. Nếu Đại hội bầu trực tiếp Bí thư thì dân chủ hơn so với Ban chấp hành bầu Bí thư Tỉnh ủy như hiện nay hay làm.
Ở Quảng Nam, tôi chưa biết ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như thế nào. Câu hỏi này nên dành cho các đồng chí lãnh đạo đương chức.
Còn nhìn chung với tình hình cả nước thì không chỉ riêng Quảng Ninh mà rất nhiều tỉnh thành khác cũng có thể bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, nếu Ban lãnh đạo tỉnh đó có quyết tâm đổi mới.
Ông có đồng tình với đề xuất, nhân sự bầu cử - kể cả vị trí chủ tịch hay bí thư tỉnh đều phải chuẩn bị dư ra - ít nhất là 1 người thì việc bầu mới cho kết quả tâm phục khẩu phục? 
Tôi hoàn toàn đồng tình, cần bầu cán bộ chủ chốt các cấp có số dư. Như thế sẽ có thêm phương án lựa chọn, dân chủ hơn, tiến dần đến tranh cử thực chất và bình đẳng
Lúc này, các ứng viên cần trình bày phương án của mình như: Nếu trúng cử thì trong nhiệm kỳ sẽ tập trung giải quyết chuyện gì, giải quyết như thế nào và bằng cách nào... Họ sẽ tranh luận với nhau công khai trước những người tham gia bầu, để mọi người có nhiều phương án lựa chọn.
Trước đây, cấp ủy thường hay bầu tròn và không có số dư, bây giờ đã tiến bộ hơn, bắt buộc phải có số dư, thậm chí có số dư nhiều, kể cả bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng riêng bầu chủ chốt thì chưa có quy định và hầu hết vẫn bầu không có số dư.
Tranh cử thay cho sắp đặt sẽ tạo ra sự tiến bộ đáng kể trong công tác cán bộ. Vì sắp đặt sẽ không tránh khỏi yếu tố chủ quan của những người tham gia sắp đặt và phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu.
Nhiều nhiệm kỳ, ta chưa làm được việc tổ chức tranh cử, dẫn đến công tác cán bộ bị trì trệ. Để có tranh cử thì phải có nhiều phương án, thực hiện ứng cử, đề cử dân chủ.
Đặc biệt, lâu nay các cán bộ không tự ứng cử, lâu dần thành bệnh. Cá nhân nào đứng lên tự ứng cử dễ bị xem như “bị tâm thần”, nên cần khuyến khích việc này.
Nhân tài đừng để đến sắp hưu mới đề bạt
Từ kinh nghiệm quản lý nhiều năm, theo ông việc chọn nhân sự khóa mới ở Quảng Nam phải như thế nào để chọn được cán bộ có thể đưa tỉnh đi lên góp phần vào sự phát triển chung của đất nước?
Quảng Nam có nhiều lợi thế như: Địa kinh tế, biển rừng, đầu mối giao thông và vùng đất mở… để trở thành một vùng phát triển mạnh mẽ và năng động. Với các lợi thế đó, Quảng Nam mà không thể phát triển thì tiếc lắm, phí lắm.
Theo tôi, chọn cán bộ cho Quảng Nam cần phải nhằm hướng đến mục tiêu phát triển lớn cho vùng đất này.
Cán bộ đó cần có tâm huyết, thật sự cầu thị, có tầm nhìn, tư duy thoáng mở, quyết tâm đổi mới. Ngoài ra, họ cần biết và ra sức xây dựng cơ chế, môi trường đầu tư cùng với chăm lo sự phát triển của con người cho sự nghiệp lâu dài.
Từ thực tế một số cán bộ trẻ ở một số tỉnh “ngã ngựa” do quy trình bổ nhiệm thần tốc, cá nhân ông có tiếc nuối điều gì không? Vì có thể cán bộ trẻ có năng lực thực sự, nhưng quy trình hay vì một khâu nào đó khiến họ chưa phát huy được khả năng và cần phải có điều chỉnh?
Tôi chưa biết ai có năng lực thật sự nhưng do quy trình mà dẫn đến “ngã ngựa”. Ngày tôi làm ở địa phương không có ai như vậy, nên cũng không tiếc nuối về việc này.
Theo tôi, sự nghiệp phát triển đất nước rất cần cán bộ trẻ, tương lai sự nghiệp thuộc về họ, chứ không phải các cụ.
Đối với nhân tài thì nên có vượt cấp, đừng để đến khi già rồi, sắp nghỉ hưu họ mới được đề bạt, dẫn đến làm lãng phí nguyên khí của quốc gia.
Nhưng cán bộ đó phải thật sự là nhân tài, chứ không phải do ai có quyền lực đứng phía sau đẩy lên vì động cơ cá nhân nào đó. Đồng thời, cũng nên hiểu trẻ già không phải chỉ tập trung vào tuổi tác, cái quan trọng nhất là đầu óc, tư duy của họ. Cán bộ trẻ thì thường chưa có nhiều kinh nghiệm, nên giúp đỡ họ chứ đừng cố chấp, miễn rằng họ là người tốt.
Còn việc bố trí họ sai chỗ thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về người đề bạt chứ không phải lỗi của họ.
Lê Bằng - Kiều Oanh
TIN LIÊN QUAN:

'CHẠY ĐỊA PHƯƠNG, NHỮNG CÁI ĐẦU TÀU VÀ NỖI LO MẤT CÁN BỘ
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 12-6-2020
GDVN- Có một nhận xét khá tế nhị, đó là tâm lý sợ “mất cán bộ” chỉ là tâm tư của một số “cán bộ” chứ không phải là của dân chúng hoặc đảng viên thường.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, những người sẽ làm công bộc của dân, Hồ Chủ tịch nói:
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.
Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi.
Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. [1]
Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết công tác chuẩn bị nhân sự khóa 13 “560 cán bộ diện Trung ương quản lý, 184 cán bộ cấp chiến lược đã được phê duyệt quy hoạch”. [2]
Do không tìm thấy số liệu cán bộ diện Trung ương quản lý khóa 12 nên giả thiết là tương đương khóa 13, nghĩa là cũng trên dưới 600 người.
Số cán bộ diện Trung ương quản lý (khóa 12) bị kỷ luật là gần 100 người (chiếm khoảng 17%), trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị (ông Hoàng Trung Hải) và 2 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng, ông Lê Thanh Hải).
Số lượng, chức vụ và hình thức xử lý gần 100 cán bộ nêu trên thực sự là một cú sốc với toàn xã hội chứ không chỉ trong nội bộ Đảng.
Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo - đã yêu cầu trong năm 2020 phải sớm đưa ra xét xử 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp nhất.
Phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo yêu cầu từ nay đến cuối năm tập trung điều tra, xử lý 5 vụ án lớn, nếu kế hoạch hoàn thành, số lượng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật sẽ giữ nguyên hay tăng thêm?
Đặt câu hỏi này bởi gần đây, xuất hiện một luồng ý kiến lo lắng vì … mất cán bộ.
Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, Đại biểu Quốc hội đoàn Lạng Sơn phát biểu: “Quá đau lòng khi chúng ta mất cán bộ nhiều quá”. [3]
Một đại biểu Quốc hội cũng là nhà báo có tiếng cho rằng “Các dự án yếu kém hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu, trùm mền. Không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ…”. [3]
Ý kiến tương tự cũng đã có thể tìm thấy trong một số phát biểu khác.
Không nhanh chóng “tháo gỡ” thì mất cán bộ, mất nhiều thứ, thế có phải nếu nhanh chóng “tháo gỡ” thì sẽ chẳng mất cái gì?
Kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa 12 về kỷ luật cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng:
“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.
Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.” [4]
Vậy vì sao giờ đây lại có chuyện sợ mất cán bộ?
Phải chăng vấn đề sợ mất cán bộ đang thực sự nóng ở giai đoạn “nước rút” này?
Có một nhận xét khá tế nhị, đó là tâm lý sợ “mất cán bộ” chỉ là tâm tư của một số “cán bộ” chứ không phải là của dân chúng hoặc đảng viên thường.
Dân chúng chỉ mong “lò nóng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cháy liên tục, càng nhiều “củi” bị cho vào lò càng tốt cho dân, cho nước.
Tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có chuyện “chạy”.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng điểm một loạt hình thức chạy: “Chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,…”, gần đây trong dân chúng có sự râm ran về một hình thức mới “Chạy địa phương”.
Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc,… chọn các tập đoàn kinh tế tư nhân làm đầu tàu kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ một vị trí khiêm tốn kể cả trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Tại Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế gia đình (Chaerbol) được cho là nắm giữ 80% nền kinh tế quốc gia này.
Chỉ riêng 5 Chaerbol lớn là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte đã chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc trong đó Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. chiếm đến 1/5 nền kinh tế của đất nước kim chi.
Tại Mỹ, các hãng tư nhân như Boeing, Lockheed Martin,… là doanh nghiệp cung cấp chủ yếu khí tài chiến tranh cho Bộ Quốc phòng,…
Bên cạnh đó, các hãng hàng đầu thế giới như MicroSoft, Apple, Google,…đều không phải là doanh nghiệp nhà nước.
Tại Việt Nam, sau nhiều nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ khu vực chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, VietJet Air, Masan,…
Dẫu có nổi tiếng tại Việt Nam thì các doanh nghiệp trên cũng chưa trở thành tầm cỡ thế giới.
Tại sao có tình trạng này?
Có vẻ như chiến lược của Việt Nam lại không như các nước phát triển, nhiều thông tin cho thấy Việt Nam chọn địa phương làm đầu tàu kinh tế chứ không phải doanh nghiệp.
Và phải chăng hơn chục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn làm “đầu tàu” là kết quả của quá trình “Chạy địa phương”?
Điểm qua báo chí có thể thấy cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Bắc Ninh, Bình Dương,… đều được gắn nhiệm vụ phải trở thành “Đầu tàu kinh tế” cả nước.
Cũng có ý kiến nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn với Nghệ An cũng được yêu cầu: “Nghệ An cần bứt phá mạnh mẽ, là đầu tàu ở khu vực Bắc Trung bộ”.
Các vụ việc nổi cộm khiến hàng loạt quan chức và cựu quan chức cấp tỉnh, huyện, sở (cả chính quyền và Đảng) tại các “đầu tàu” Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc,… bị kỷ luật liệu có làm các “Đầu tàu kinh tế” này chạy chậm hơn hoặc tạm dừng chờ “tháo gỡ”?
Không ít người nghi ngờ liệu Đà Nẵng có còn là “Thành phố đáng sống”?
Nhiều đầu tàu kinh tế như vậy, đoàn tàu kinh tế Việt Nam sẽ chạy theo hướng nào?
Một nghiên cứu của David Robson trình bày trong bài viết “Nên dựa vào cá nhân giỏi hay tập thể trung bình để thành công?” đưa ra kết luận khi làm việc tập thể:
“Mọi người không động não một cách hiệu quả - họ sẽ không đi chệch phương hướng của cả nhóm”.
Điều đặc biệt nguy hại khi “phương hướng của cả nhóm” lại do một “tập thể trung bình” thống nhất đưa ra và hậu quả là “Các thành viên trong nhóm nhanh chóng quy về đồng thuận mà không thực sự tìm tòi các khả năng khác” – kết luận của tác giả.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu hàng loạt câu hỏi với các Ủy viên Trung ương Đảng:
“Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp?
Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?
Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”. [5]
Một trong những ví dụ được đa số các tờ báo đề cập là kê khai tài sản.
Tính từ năm 2016, khi bắt đầu nhiệm kỳ trung ương khóa 12, số lượng người kê khai tài sản hàng năm xấp xỉ một triệu người, số trường hợp kê khai thiếu trung thực dao động từ 3 (năm 2016) đến 6 người (năm 2018), riêng năm 2019 “qua xác minh 46 người về kê khai tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ phát hiện 10 trường hợp vi phạm”.
Thế có nghĩa là số người vi phạm bị phát hiện đã “tăng gần gấp đôi”!
Thành tích ấn tượng này là do sự nghiêm túc của công tác thanh tra hay do số người thoái hóa, biến chất càng ngày càng nhiều?
Trong 04 năm 2016-2019, tổng số người có vi phạm kê khai tài sản đã bị xử lý là khoảng 25 người.
Cùng thời gian đó gần 100 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật và hình như ít thấy nói về tài sản của họ mặc dù có vị cựu Bộ trưởng chỉ một vụ nhận hối lộ đã bỏ túi 3 triệu USD – tức là gần 70 tỷ đồng.
Vậy số cán bộ “bị mất” ấy có oan không, có đáng tiếc không, có thể “tân trang” để tiếp tục sử dụng không?
Nói đến “tân trang” bởi từ phát biểu của vị đại biểu Quốc hội [3], chỉ có thể hiểu là nếu nhanh chóng tháo gỡ các dự án đắp chiếu, trùm mền thì sẽ “không mất lao động, cán bộ và rất nhiều thứ khác”.
Liệu có còn cách hiểu nào khác, chẳng hạn sau “tháo gỡ” vẫn mất nhiều thứ?
Đây là một ý kiến đáng suy ngẫm nhưng thực ra nó đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất từ trước, bộ này đã đề xuất lấy ngân sách nhà nước mua lại các dự án BOT giao thông làm ăn bết bát.
Nếu điều này được thực hiện thì những cán bộ đã phê duyệt hoặc ký văn bản nghiệm thu các dự án liệu có nên bị làm khó dễ.
Tháo gỡ các dự án thua lỗ có phải chỉ cần cơ chế hay cũng phải có tiền?
Trường hợp phải bơm thêm tiền để “tháo gỡ” thì có phải để giữ được “cán bộ” ngân sách – tức là tiền thuế của dân - đành phải bỏ thêm nhiều tỷ đồng?
Nếu điều này là đúng thì nói theo cách dân gian, để giữ được “cán bộ”, để khỏi mất “cán bộ” phải bỏ tiền ra.
Và như vậy, có nên nhắc đến bài đồng dao không phải của trẻ con:
Tiền là tiên là phật
Là sức bật cho ông già
Là giỏ quà cho ông trẻ
Là miếng giẻ để lau chàm
Là cái vàm (vam) để mở khóa
Tiền … tuyệt quá.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=6725&print=true
[2]https://vnexpress.net/184-nhan-su-duoc-quy-hoach-can-bo-cap-chien-luoc-4032725.html
[3]https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/dung-de-tiep-tuc-mat-can-bo-do-so-suat-van-dung-phap-luat-166567.html
[4]http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bai-hoc-sau-sac-bai-hoc-dat-gia-trong-cong-tac-can-bo-539158.html
[5]https://moha.gov.vn/dmkstthc/baocao/tong-bi-thu-khac-phuc-tinh-trang-chay-chuc-than-quen-canh-hau-38066.html
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
AI ĐANG LÀM SUY YẾU ĐẢNG ?
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 16-6-2020
1. Giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng là nỗi lo lắng của lãnh đạo Đảng. TBT Nguyễn Phú Trọng trong bài viết gần đây đã đề cập đến “suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”: “Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý đã bị kỷ luật; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi”.
“Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng,… làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.
2. Đảng đang nỗ lực mở rộng dân chủ trong Đảng như là phương thuốc lấy lại niềm tin của Đảng trong nhân dân.
Đảng đã thử nghiệm bầu cử trực tiếp bí thư cấp huyện, quận. Đây là một bước mở rộng người tham gia bầu cử rộng lớn hơn so với bàu từ Ban chấp hành. Dẫu có định hướng thế nào, hình thức thế nào, thì đây vẫn là một bước tiến về mở rộng dân chủ.
Hiện thời mới chỉ có một đề cử viên duy nhất. Nhưng tiếp theo sẽ là 2 đề cử viên cho một vị trí. Tiếp theo nữa sẽ là tự ứng cử.
Chỉ có mở rộng dân chủ trong Đảng mới làm cho Đảng mạnh. Người tài trong Đảng không thiếu. Nếu được tự do tranh cử đích thực, khắp mọi cơ sở của Đảng sẽ có người giỏi đứng đầu. Lúc đó, như một võ sĩ chân chính, khắp mọi nơi người của Đảng có thể thách thức tranh cử tự do sòng phẳng với bất cứ đối thủ nào. Lúc đó Đảng sẽ tự động có được lòng tin của nhân dân.
3. Thế nhưng ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đang làm suy yếu nỗ lực mở rộng dân chủ của Đảng. Ông Nguyễn Văn Hùng đã làm cho cuộc bầu cử chọn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thành cuộc “răn đe bầu cử”.
Nggày 8/6/2020, tại cuộc bầu cử vào chức Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị (về mặt Đảng), để sau đó sẽ bầu vào vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (về mặt chính quyền) – tuy là đề cử viên duy nhất, nhưng ông Võ Văn Hưng chỉ được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị bàu với 26 phiếu thuận – trên 44 đại biểu có mặt và trên tổng 47 đại biểu Ban chấp hành (55,3%).
Lo lắng cho cuộc bầu cử vào chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ngày hôm sau của ông Võ Văn Hưng có thể đối mặt với khó khăn, ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc nói chuyện mang tính răn đe nhằm vào 18 đảng viên không bỏ phiếu thuận cho ông Võ Văn Hưng.
Sau cuộc nói chuyện răn đe của ông Bí thư tỉnh Nguyễn Văn Hùng, ngày 9/6/2020 ông Võ Văn Hưng đã được HĐND tỉnh Quảng Trị bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị với 89,5% phiếu thuận (43/48). Video về cuộc nói chuyện răn đe của ông Nguyễn Văn Hùng có thể tìm thấy trên internet.
4. Bộ chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng không thể thờ ơ trước sự vi phạm nghiêm trọng về dân chủ trong bầu cử của ông Nguyễn Văn Hùng. Vi phạm của ông Nguyễn Văn Hùng không thể chỉ rút kinh nghiệm hay tự phê bình.
Bởi vì, hành động của ông Nguyễn Văn Hùng không chỉ làm mất dân chủ trong Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mà còn làm suy yếu công cuộc lấy lại niềm tin trong nhân dân của Đảng. Không chỉ nhân dân tỉnh Quảng Trị, mà nhân dân cả nước biết được cách hành xử của ông Nguyễn Văn Hùng sẽ nghi ngờ các cuộc bầu cử khác của Đảng.
Ai đang làm suy yếu Đảng? Gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện TƯ quản lý bị kỷ luật đã làm suy yếu Đảng. Ông Nguyễn Văn Hùng đang làm suy yếu Đảng.
5. Người Quảng Trị bất khuất. Tính bất khuất di truyền cuộn chảy trong máu Người Quảng Trị. Tính bất khuất của Người Quảng Trị đã được minh chứng qua ngàn đời, mà đỉnh cao chói sáng là những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất của lịch sử dân tộc ở thế kỷ 20.
Ông Nguyễn Văn Hùng muốn thành công thì đừng quên truyền thống bất khuất của Người Quảng Trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét