Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

20200603. THÔNG TIN VỤ ÁN BỊ BỊA ĐẶT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁC VỤ ÁN BỊ MÉO MÓ VÌ THÔNG TIN BỊA ĐẶT
TRẦN ANH TUẤN/ QĐND/ GDVN 2-6-2020


Ảnh minh họa: tuyengiao.vn.

Trên internet xuất hiện khá nhiều trang báo mạng với đủ các thể loại (viết, hình, nói) đề cập đến một số vụ án hình sự vừa được các cấp tòa của Việt Nam xét xử.
Chưa bàn đến tính chất, nội dung của các bản án, bởi để có được một bản án công minh, đúng người, đúng tội thì phải có một quá trình thực hiện tố tụng, xét xử chặt chẽ, khoa học, theo đúng luật định.
Nhưng cái cách tiếp cận vụ án của một số trang mạng xã hội rõ ràng là “có vấn đề”, bởi dường như họ muốn dẫn dắt dư luận theo cách nghĩ của họ, khiến dư luận nhìn nhận các vụ án một cách méo mó, đầy nghi ngờ.
Mục tiêu cuối cùng của nhiều trang mạng là hướng tới xuyên tạc, phủ nhận nền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiểu cho đúng về một nền tư pháp dân chủ xã hội chủ nghĩa
Nền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trước đây là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) hình thành sau khi nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại chính quyền, thiết lập một nhà nước Việt Nam tự do, độc lập.
Năm 1946, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Đây là văn bản luật đầu tiên của nước Việt Nam mới, thể hiện đầy đủ quyền tự do, dân chủ mà người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng và được Nhà nước bảo hộ.
Cũng từ văn bản luật gốc này, từ thực tiễn cuộc sống, nhu cầu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, các văn bản luật khác dần được hình thành, ra đời.
Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật (gọi chung là các luật) được tiến hành chặt chẽ, khoa học, được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và được tiếp thu, chỉnh sửa một cách hợp lý theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua.
Điều đó thể hiện tính dân chủ rất cao trong quy trình xây dựng các luật.
Trong số 230 bộ luật, luật đang có hiệu lực thi hành và sắp có hiệu lực thi hành thì có hai bộ luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc khởi tố, xét xử các vụ án hình sự đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm, đó là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các điều, khoản trong hai bộ luật nêu trên vừa khái quát đầy đủ các lĩnh vực, vừa cụ thể hóa rõ ràng các hành vi, dấu hiệu vi phạm hình sự của mọi cá nhân, tổ chức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc áp dụng các điều, khoản trong quá trình tố tụng và xét xử được các cơ quan tư pháp tiến hành độc lập, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, do đó về mặt nguyên tắc là rất chặt chẽ, không có chuyện vi phạm dân chủ như một số trang mạng cố tình đoán mò rồi dẫn lái dư luận.
Trong điều kiện hiện nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ nên thông tin được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi.
Trong lĩnh vực điều tra, xét xử các vụ án cũng có quy trình rất minh bạch, công khai, thông tin đầy đủ, điều đó không cho phép các cá nhân tham gia vào quy trình xử lý các vụ án có thể cố tình làm sai lệch kết quả điều tra, xét xử.
Thế nên có thể khẳng định, việc sai sót trong điều tra các tình tiết cụ thể, có thể xảy ra, nhưng đó là do sai sót của từng khâu, thuộc về từng cá nhân tham gia vào quy trình điều tra, xét xử.Tuy nhiên, trong thực tiễn, có những vụ án rất phức tạp, nhiều tình tiết, chứng cứ khó có thể làm rõ trong một thời hạn nhất định, chính vì thế mới xảy ra các lỗi trong quá trình điều tra, xét xử dẫn đến hiện tượng lọt người, sót tội ở một vài vụ án trong số hàng nghìn vụ án mà các cấp tòa phải xét xử hằng năm.
Còn về mặt nguyên tắc tổng thể của quá trình điều tra, xét xử các vụ án hình sự là hoàn toàn chặt chẽ, minh bạch, thể hiện rõ sự nghiêm minh, ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Thế nên, không thể lấy một vài sai sót từ một số vụ án để quy chụp và xuyên tạc cả nền tư pháp của Việt Nam.
Đó là tư duy và cách hiểu của những người cố tình phủ nhận sạch trơn hệ thống pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm vào những mưu đồ và lợi ích cá nhân.
Lấy mạng xã hội làm tấm bình phong
Công nghệ viễn thông phát triển là cơ hội để truyền thông lan tỏa, đó là một trong những điều kiện để mở rộng dân chủ.
Thế nhưng hiện nay, một số cá nhân đã lợi dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt, bịa đặt các tình tiết về các vụ án hòng "câu view", "câu like", hướng lái dư luận và mục đích cụ thể, thực dụng hơn cả là kiếm tiền từ trên mạng.
Chẳng hạn khi mở trang Youtube, gõ từ khóa “vụ án Hồ Duy Hải”, người dùng sẽ thấy xuất hiện hàng trăm clip liên quan đến vụ án.
Trong số ấy có nhiều video clip với những thông tin kiểu dựng chuyện, bịa chuyện, trộn lẫn thật với giả khiến cho người xem như lạc vào mê cung, không thể phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai.
Cũng có những video clip lợi dụng các tình tiết của vụ án để bôi nhọ, nói xấu người này, chĩa mũi dùi vào người khác.
Nghe các câu, từ bình luận trong clip, những người ít thông tin cứ ngỡ tác giả của video clip là những “nhà điều tra” tội phạm thực thụ, hoặc chí ít họ cũng có những “nguồn thông tin đáng tin cậy” như họ nói.
Nhưng thực ra những người làm ra các video clip này hầu hết chỉ là những kẻ lừa bịp về truyền thông trên mạng xã hội.
Tất cả thông tin mà họ đăng tải đều là do cóp nhặt trên mạng, kết hợp với sự bình luận bạt mạng, vô căn cứ, hoàn toàn theo ý chủ quan của bản thân người làm ra sản phẩm video clip.
Hình ảnh trong các video clip này hầu hết là hình ảnh tĩnh mà họ nhặt nhạnh từ đâu đó, rồi gán ghép bằng những lời bình luận vô lối.
Những trang mạng mang màu sắc phản động và có sự thù địch với Việt Nam, như: Việt Tân, BBC, RFA... thì có thêm các đoạn “phỏng vấn” truyền thanh một vài nhân vật đang có thiên hướng, hoặc đã từng thực hiện các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, hòng làm ra vẻ sản phẩm của mình là “vô tư”, là “minh bạch”.
Nhưng xâu chuỗi các video clip của họ lại thì thấy rõ, họ luôn hướng lái người nghe/xem đến mục tiêu chính trị, đó là xuyên tạc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội Việt Nam.
Hầu hết nhân vật trong các video clip của các trang mạng nói trên đều cố “bày trò”, ra vẻ “vì sự dân chủ, công bằng”, nhưng cuối các đoạn phỏng vấn, bao giờ họ cũng lòi “cái đuôi cáo” về chính trị của mình ra.
Cũng trong môi trường mạng, hiện nay còn tồn tại một dạng thông tin thất thiệt, biến không thành có, dựng đứng nhiều chuyện.
Thậm chí trong một số vụ án hình sự, họ còn sẵn sàng bịa thêm các chi tiết, nhân vật, hòng làm cho vụ án thêm ly kỳ, mục đích cuối cùng là để trang của mình có nhiều người quan tâm, theo dõi.
Điều tai hại là sự bịa đặt này được phát đi phát lại, kiểu “mưa dầm thấm lâu”, khiến cho người nghe/xem chuyển từ phân vân đến nghi ngờ, rồi tin tưởng vào những điều không có thật.
Đối với các vụ án quan trọng, có sự ảnh hưởng lớn, được dư luận quan tâm thì những thông tin giả này có thể sẽ làm cho xã hội nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn sai lệch về quy trình điều tra, xét xử, khiến cho các tầng lớp nhân dân hiểu không đúng về bản chất vụ án, từ đó biểu hiện thái độ thiếu tin tưởng vào sự công minh của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa.
Đó là điều mà thế lực thù địch và những kẻ giả mạo thông tin mong muốn, bởi họ sẽ đạt được hai mục đích, tức là vừa thực hiện được âm mưu xuyên tạc nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, đồng thời lại đạt được một yếu tố có tính cốt lõi, đó là lấy được tiền của nhà mạng nhờ vào những trang, những sản phẩm có nhiều người theo dõi.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều kẻ đã bất chấp đạo đức và luật pháp để bịa đặt thông tin hòng trục lợi, kiếm tiền từ sự tò mò, thiếu tỉnh táo của cộng đồng mạng.
Giải quyết nạn thông tin giả - cần sự quyết liệt
Sở dĩ thông tin bịa đặt, thông tin giả về các vụ án còn tồn tại trên không gian mạng và luôn phát triển với cấp số nhân là vì mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, còn nhiều người tin vào những sự “bịa như thật” trên mạng.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng nhận xét:
Ở Việt Nam, tốc độ phát triển của internet khá nhanh và lượng người sử dụng rất cao (khoảng 64 triệu người), trong khi trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn có những hạn chế nên khó phân biệt được tin thật với tin giả lan truyền trên mạng.
Vì vậy, việc nâng cao dân trí thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục... là rất cần thiết, đây chính là cái gốc sâu xa nhằm giải quyết vấn đề dư luận sẽ đi theo chiều cạnh nào khi tiếp nhận biển cả thông tin mênh mông.
Đối với các vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận, tâm lý xã hội, nhất là các vụ án trọng điểm thì càng cần được định hướng, tuyên truyền sâu rộng để đông đảo các tầng lớp nhân dân được biết, được hiểu, từ đó tự xây dựng nhận thức đúng đắn khi tiếp nhận các thông tin trái chiều.
Một quy luật tất yếu là nếu lúa tốt thì cỏ dại khó mọc và ngược lại.
Thứ hai, còn nhiều nhà mạng thiếu trách nhiệm với những thông tin mà mình cung cấp, điều nguy hại hơn là họ còn trả tiền cho cả những thông tin giả, thông tin bịa đặt.
Với vai trò là cung cấp nền tảng hơn là vai trò của nhà xuất bản, các nhà mạng lớn trên thế giới hiện nay có vẻ không quan tâm đến độ chính xác của các thông tin, vì thế các thông tin thất thiệt hầu như không bị can thiệp, mặc sức hoành hành trên mạng.
Thực tế hiện nay, mạng xã hội không khác gì "chợ truyền thông", trong đó lẫn lộn cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu độc.
Có lẽ đã đến lúc cần phải nghiên cứu xây dựng các đạo luật, hoặc các công ước có tính quốc tế nhằm quản lý tình trạng trên, không thể để tình trạng vì tiêu chí tự do ngôn luận mà xâm hại các quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là quyền lợi chính đáng của một quốc gia.
Mục tiêu của các nhà mạng là kiếm tiền từ thông tin thì dứt khoát phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin mà mình đóng vai trò hỗ trợ cung cấp.
Trong một cái chợ thì ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng trộm cắp, bất lương của cái chợ đó.
Thứ ba, việc cung cấp thông tin chính thống có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Về vấn đề này, có lần trao đổi với chúng tôi, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng:
Cơ chế thông tin của Nhà nước ta là dân chủ và minh bạch, tuy nhiên đối với từng cơ quan cụ thể, có lúc chưa làm tốt vấn đề này, chính vì vậy mới tạo ra kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân có dã tâm lợi dụng, hòng trục lợi và mưu đồ chống phá.
Do đó, việc thông tin những vấn đề quan trọng có liên quan tới quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa... của các tầng lớp nhân dân cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện và sâu kỹ.
Khi có thông tin đích thực, chính thống, có nghĩa là dư luận đã được định hướng, không còn sự ngả nghiêng, nghi ngờ giữa cái thật và không thật.
Báo chí chính thống, cách mạng phải giữ vững vai trò chủ đạo trong thông tin chân thực, tuyệt đối không để lợi ích cục bộ che lấp bản chất cách mạng của các nhà báo, cơ quan báo chí.
Giải quyết được 3 vấn đề trên có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được những yếu tố cơ bản, góp phần làm trong sạch môi trường truyền thông, tạo điều kiện tốt nhất để dư luận tiếp cận các thông tin đúng, chân thực, loại bỏ các thông tin xấu độc, giả mạo để người dân hiểu đúng bản chất sự việc, sự thật.
Theo TRẦN ANH TUẤN/Qdnd.vn

VỤ ÁN HỒ DUY HẢI: VIỆC RÚT 4 BÚT LỤC KHỎI HỒ SƠ NẾU CÓ THẬT SẼ NGHIÊM TRỌNG THẾ NÀO ?
ĐÌNH VIỆT/ BVN 3-6-2020
Ngày 27/5 vừa qua, luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia hỗ trợ gia đình tử tù Hồ Duy Hải kêu oan, tiếp tục có đơn kiến nghị gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Long An để đề nghị giải thích.
Ông Phong cũng gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để cung cấp thêm thông tin về vụ án Hồ Duy Hải mà ông mới thu thập được.
Vụ án Hồ Duy Hải: Nếu việc rút 4 bút lục khỏi hồ sơ là thật sẽ rất nghiêm trọng? - Ảnh 1.
Luật sư Trần Hồng Phong mới đây đã gửi kiến nghị đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Long An giải thích có hay không việc 4 bút lục bị rút khỏi hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải.
Theo đó, ông Phong cho rằng sau phiên xét xử giám đốc thẩm, ông tiếp tục thu thập nhiều tài liệu khác chứng minh còn có nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết trong các bản án của tòa.
Đặc biệt, ông Phong nghi ngờ "một số bút lục rút ra khỏi hồ sơ vụ án cho thấy các bút lục này bị rút ra nhằm chứng minh Hồ Duy Hải là hung thủ của vụ án".
Cụ thể, bút lục số 139, 140, 141, 142 là lời khai của nhân chứng Đinh Văn Còi (ông Còi khi đó đang là công an tỉnh Long An) và ông Lê Thanh Trí.
Tuy nhiên, do bút lục về lời khai của ông Còi và ông Trí đều không có trong hồ sơ xét xử của vụ án nên những vấn đề này chưa từng được nêu ra.

Ông Phong đặt câu hỏi với Giám đốc Công an tỉnh Long An rằng việc rút các bút lục này ra khỏi hồ sơ vụ án có phải là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không?
Bình luận về việc này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong vụ án Hồ Duy Hải, thời gian gần đây có rất nhiều điểm chưa được làm rõ, còn nhiều tranh cãi, vì vậy vụ án đã gây xôn xao dư luận. 
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh, là những người ngoài cuộc, không nắm rõ hồ sơ vụ án vì vậy chúng ta không nên vội vàng đưa ra những quan điểm, nhận định mang tính chủ quan về việc liệu 4 bút lục có bị rút khỏi hồ sơ vụ án hay không? Tại sao lại bị rút khỏi hồ sơ vụ án? Cá nhân, tổ chức nào rút 4 bút lục này ra khỏi hồ sơ vụ án? Viện kiểm sát, tòa án có được tiếp cận với những chứng cứ này hay không?...
"Cần có sự điều tra, xác minh làm rõ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì mới có hướng xử lý, giải quyết", ông Tuấn Anh nói.
Vụ án Hồ Duy Hải: Nếu việc rút 4 bút lục khỏi hồ sơ là thật sẽ rất nghiêm trọng? - Ảnh 2.
Bưu điện Cầu Voi nơi xảy ra vụ án. Ảnh: Đình Việt
Dưới khía cạnh pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích, theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ, cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định việc tranh tụng trong xét xử phải được bảo đảm, mọi tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án khi được chuyển đến tòa phải đầy đủ và hợp pháp để từ đó tòa án căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ mới đưa được ra một bản án đúng người, đúng tội.
Vì vậy, nếu có việc rút 4 bút lục ra khỏi hồ sơ vụ án nhằm bất kỳ mục đích gì có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và khiến hoạt động tố tụng, thi hành án bị cản trở, uy tín của các cơ quan tư pháp bị giảm sút.
"Hành vi này là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng tố tụng và hoạt động tư pháp và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Anh nhận định.
Động cơ, mục đích của cá nhân thực hiện hành vi này có thể vì vụ lợi, vì các động cơ khác tuy nhiên đây không phải dấu hiệu bắt buộc mà chỉ cần có hành vi xảy ra, cá nhân đó sẽ phải bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án mà thêm bớt, sửa đổi, đánh tráo, tiêu hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch nội dung vụ án thì có thể bị phạt tù từ 1 năm 5 năm.
Nếu hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mà dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch, khung hình phạt là từ 5 năm đến 10 năm tù. Nếu dẫn đến án oan sai, khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù giam.
"Trong trường hợp có căn cứ vững chắc khẳng định hành vi này đã được thực hiện một cách cố ý, Cục Điều tra hình sự Viện KSND Tối cao cần phải ngay lập tức vào cuộc điều tra, xác minh, cần thiết thì khởi tố vụ án để thực hiện các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự để xử lý nghiêm hành vi trên, nhằm đảm bảo tính đúng đắn tuyệt đối trong các hoạt động tư pháp - một hoạt động rất dễ xâm phạm trực tiếp đến sinh mạng pháp lý của mỗi công dân.
Tránh tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương coi việc "có sai sót về mặt thủ tục tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" như "nguyên tắc cứu cánh" cho mình mỗi khi làm ẩu, làm bừa, bởi đã là "sai sót" sẽ không bao giờ phản ánh đúng "bản chất" vụ án được", vị luật sư nhấn mạnh.
Đ.V.
Nguồn: danviet.vn
CẦN KHỞI TỐ CHÁNH ÁN NGUYỄN HOÀ BÌNH, TỘI 'BỎ LỌT TỘI PHẠM' THEO ĐIỀU 369 BLHS 2015 ?
THẢO NGỌC/ TD 2-6-2020

Trong phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Bưu điện Cầu Voi, ngày 8/5/2020 Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã y án tử hình Hồ Duy Hải. Cho tới nay vụ án này đã phát sinh nhiều tình tiết mới bất ngờ và vô cùng ly kỳ.
Ngày 27-5, luật sư Trần Hồng Phong có đơn kiến nghị gửi Giám đốc Công an tỉnh Long An, đề nghị trả lời những nội dung sau đây:
1.- Ai đã rút các bút lục số 139, 140, 141, 142, ghi lời khai của nhân chứng Đinh Văn Còi (anh Còi từng là sĩ quan cảnh sát, công tác tại Công an tỉnh Long An) và anh Lê Thanh Trí ra khỏi hồ sơ vụ án? Việc rút các bút lục này ra khỏi hồ sơ vụ án có phải là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không, vì các bút lục này đã chứng minh Hồ Duy Hải vô tội? Công an tỉnh Long An có biết việc này không?
LS Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng, việc 4 bút lục bị rút ra khỏi hồ sơ nhằm chứng minh Hồ Duy Hải là hung thủ của vụ án là vi phạm rất nghiêm trọng, bởi nó làm thay đổi bản chất vụ án. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng tố tụng và hoạt động tư pháp và sẽ phải bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.
2.- Nạn nhân Vân đi mua trái cây lúc nào?
Theo hồ sơ vụ án, thời gian sát hại hai nạn nhân Hồng và Vân tại Bưu điện Cầu Voi vào lúc 20h30. Việc xác định thời gian này chỉ căn cứ vào lời khai của Hồ Duy Hải và chị Huỳnh Thị Kim Tuyền, người sống phía sau Bưu điện Cầu Voi.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Bích Ngân, người bán trái cây cho Vân khai: “Vào khoảng 20g45 – 21g ngày 13/1/2008, tôi đang bán trái cây thì có 1 cô gái ốm, cao mặc áo sơ mi màu trắng, tóc ngang vai đi bộ lại chỗ tôi mua trái cây. Tôi biết cô gái này làm ở Bưu điện Cầu Voi”. Cô gái này chính là nạn nhân Vân.
Anh Long, chồng chị Ngân, cho biết: Trong khi vợ anh bán trái cây cho Vân, thì anh đi đến cây xăng Cầu Voi cách đó 50m, để bán xăng. Hình ảnh camera tại cây xăng Cầu Voi ghi lại, đó là lúc 21h1’40” ngày 13/1/2008.
Như vậy, hồ sơ vụ án xác định hai nạn nhân Hồng và Vân bị sát hại lúc 20h30’ là không chính xác. Việc xác định thời gian gây án sai lệch đến hơn 30 phút có thể dẫn đến khả năng sẽ bỏ lọt hung thủ thật sự của vụ án.
3.- Có 2 thanh niên đến Bưu điện Cầu Voi buổi tối xảy ra án mạng
Kết luận Điều tra và Cáo trạng cho biết, nhân chứng Đinh Vũ Thường đến bưu điện để gọi điện thoại vào lúc 19h39’. Ông Thường thấy một thanh niên mặc áo ngắn tay, màu trắng đang ngồi trong ghế sofa (có thể đang bấm điện thoại).
Còn anh Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí đến bưu điện sau anh Đinh Vũ Thường. Theo anh Còi thì lúc này khoảng 19h43 hoặc trễ hơn. Cả hai anh đều có thời gian đứng sát quầy lâu hơn, nhìn rõ mặt và trang phục của người thanh niên hơn. Người thanh niên này mặc áo thun màu vàng, khoảng 28 đến 32 tuổi (1).
Chỉ riêng với lời khai của Đinh Văn Còi tại bút lục 139,140… cũng đủ lật lại vụ án này (2).
4.- Nhân vật Nguyễn Văn Nghị là ai?
Nguyễn Văn Nghị là người mà ngay sau khi vụ án xảy ra, báo chí đưa tin, đây chính là nghi can số 1, là bạn trai của nạn nhân Ánh Hồng và đã bị CQĐT tạm giữ, lấy lời khai. Tuy nhiên, sau đó trong hồ sơ vụ án hầu như không có bất kỳ một thông tin nào về người này.
Từ năm 2015, gia đình Hồ Duy Hải có đơn tố giác đối với Nguyễn Văn Nghị, vì hàng loạt dấu hiệu liên quan hoặc ít nhất cũng là nhân chứng rất quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, Công an tỉnh Long An chỉ trả lời đơn giản là: Không có ai tên Nguyễn Văn Nghị, mà chỉ có một người tên là Nguyễn Hữu Nghị và người này không liên quan gì đến vụ án.
Thế nhưng, trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSND Tối cao đã nêu rõ: “Đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol chưa được làm rõ“.
Trong phiên tòa Giám đốc thẩm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đều trình bày và xác định có đối tượng Nguyễn Văn Nghị (nhưng không có chứng cứ xác định là nghi can nên không đưa vào hồ sơ vụ án). Ngay trong quyết định Giám đốc thẩm của TAND Tối cao cũng nêu tên đối tượng Nguyễn Văn Nghị.
Qua đó, có thể khẳng định Nguyễn Văn Nghị là một nhân vật có thật, đã được CQĐT mời làm việc, lấy lời khai, lấy dấu vân tay … Thế nhưng, theo đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An: “Người từng liên quan đến vụ án trên tên thật là Nguyễn Hữu Nghị, sinh năm 1984”, không phải Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1979.
Công an tỉnh Long An cần làm rõ: Nếu người liên quan đến vụ án là Nguyễn Hữu Nghị (sinh năm 1984), không phải Nguyễn Văn Nghị (sinh năm 1979), thì tại sao trong phiên tòa Giám đốc thẩm vừa qua, CQĐT Công an tỉnh Long An không nêu vấn đề này, mà vẫn cung cấp thông tin và trình bày về đối tượng có tên Nguyễn Văn Nghị? Vì sao 12 năm gọi tên “Nguyễn Văn Nghị”, bây giờ lại là “Nguyễn Hữu Nghị”?
5.- Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói rằng, mặc dù quá trình tố tụng có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Và phiên tòa này cũng kết luận rằng, chính Hồ Duy Hải là hung thủ vì anh ta đã nhận tội giết người, nhưng nay đã xuất hiện lá đơn kêu oan từ trong tù của Hồ Duy Hải nhiều năm trước, chứng tỏ Hồ Duy Hải đã bị bức cung nhục hình và phải nhận tội để bảo toàn mạng sống và kêu oan.
Theo Báo Sạch, trong đơn gửi Quốc hội đề ngày 21/12/2011, Hồ Duy Hải viết: “Hôm nay tôi làm đơn này với hy vọng Quốc hội yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét vụ án thật nhiều để đưa vụ án ra ánh sáng pháp luật, nhằm tìm ai là người gây ra vụ án thật sự dựa trên những bằng chứng để lại hiện trường (như vân tay nếu có), nhằm đem lại công bằng cho gia đình người bị hại.
Riêng tôi lúc nhận tội do tinh thần không tốt, do các yếu tố gia đình và xã hội tác động, nhưng tôi không gây ra vụ án. Với chức năng của mình, tôi hy vọng Quốc hội có thể giúp tôi làm rõ mình vô tội. Thời gian xảy ra vụ án đã lâu nên tôi mong tất cả sẽ sớm kết thúc cũng như mong nhận được sự phản hồi của Quốc hội Việt Nam”.
Trong câu “Riêng tôi lúc nhận tội do tinh thần không tốt, do các yếu tố gia đình và xã hội tác động”, chứng tỏ Hồ Duy Hải không dám nói thẳng rằng phải nhận tội do bị tra tấn cực hình, mà phải nói tránh ra là do tinh thần không tốt, do các yếu tố gia đình và xã hội”. Dù vậy, Hải vẫn khẳng định mình không gây ra vụ án đó.
Như vậy, cục diện vụ án Bưu điện Cầu Voi năm 2008 đến nay đã xoay sang một chiều hướng mới, và trách nhiệm thuộc về Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đề nghị Cục Điều tra hình sự Viện KSNDTC, cần vào cuộc điều tra, xác minh, và khởi tố CQĐT Công an tỉnh Long An ngay lập tức, tội “Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”, quy định tại điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với Cơ quan điều tra công an tỉnh Long An. Điều 375 quy định:
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán… mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội có tổ chức, dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
3. Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, nếu tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, đề nghị Cục Điều tra hình sự Viện KSNDTC khởi tố ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, quy định tại điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015: “Hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, là hành vi của “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng không khởi tố, không truy tố người mà mình biết rõ là có tội”.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã biết rất rõ những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng vụ án của Điều tra viên tỉnh Long An như chính ông đã thừa nhận, nhưng ông đã cố tình bỏ lọt tội phạm, không truy tố (5).
Nhà báo Vũ Hữu Sự cho rằng, câu nói của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình: “Trong quá trình tiến hành tố tụng vụ án có một số sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”, là câu nói ngu nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Và với câu nói này cũng đã đủ yếu tố để Cục Điều tra hình sự Viện KSNDTC truy tố ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình về tội “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, và phải bị xử lý theo Bộ luật hình sự năm 2015.

TOÀ NÓI XỬ CÔNG TÂM NHƯNG VÌ SAO NGƯỜI BỊ TUYÊN ÁN NHẢY LẦU TỰ TỬ? 
NGUYỄN HUY VIỆN/ TVN 2-6-2020

Với những tình tiết còn mâu thuẫn trong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước, cùng dòng trạng thái ông Lương Hữu Phước để lại trên facebook và đặc biệt là việc ông tự tử, vụ án này chưa thể khép lại.

Theo hồ sơ vụ án, trưa 15/1/2017, ông Lương Hữu Phước (52 tuổi, ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài) được người bạn mời đến nhà ăn cơm, trong số khách mời có ông Trần Hữu Quý (36 tuổi). Trong bữa cơm, ông có uống 3 ly rượu. Sau khi tàn cuộc, cả nhóm rủ nhau đi hát karaoke. Trước khi đi, ông Phước chở ông Quý về nhà lấy mũ bảo hiểm.
Lúc đến trước nhà ông Quý trên đường Nguyễn Huệ, ông Phước dừng lại, rồi rẽ trái sang đường. Khi xe ông Phước đến phần đường chiều ngược lại thì bị xe máy do Lâm Tươi (20 tuổi) chở anh rể đâm phải, khiến ông Phước và ông Quý bị thương.
Qua kiểm tra của Công an, Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe; đo nồng độ cồn của ông Phước 0,69 mg/l khí thở; của anh Lâm Tươi 0,57 mg/l khí thở. Hai ngày sau, ông Quý tử vong do chấn thương sọ não. 
Tháng 5/2017, ông Phước bị Công an TP Đồng Xoài khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn Lâm Tươi bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng. 
Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 1, đã hủy bản án sơ thẩm lần 1 do có tới 11 điểm thiếu sót trong điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong đó có một chi tiết rất quan trọng là không có vết thắng (phanh) xe của Lâm Tươi. 
Ngày 6/12/2019, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm lần 2, giữ nguyên mức án 3 năm tù với ông Phước. Không chấp nhận bản án, ông Phước tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 26/5 của TAND tỉnh Bình Phước, bị cáo Phước vẫn tiếp tục kêu oan, cho rằng mình qua đường đúng luật, đoạn đường thẳng, không có chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nên nguyên nhân gây tai nạn là do Lâm Tươi chạy tốc độ cao, quay đầu lại phía sau không quan sát.
Sau 3 ngày nghị án, sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Chiều 29/5, sau khi nghe tòa tuyên án, ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử. 
Nhiều tình tiết chưa sáng tỏ
Trả lời trước báo giới, thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm khẳng định vụ án này xét xử công tâm, vô tư. Tuy nhiên, có nhiều tình tiết của bản án chưa được làm rõ. 
Thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho rằng: “Công an và Viện kiểm sát TP Đồng Xoài đã làm tất cả các biện pháp trong khả năng để khắc phục những thiếu sót mà bản án phúc thẩm đã nêu ra”.
Lập luận này của bà Chánh án chưa có sức thuyết phục, vì không nêu ra được những chứng lý cụ thể, có tính thuyết phục để làm sáng tỏ 11 điểm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vụ án mà tòa phúc thẩm lần 1 đã chỉ ra. Trong đó có nhiều tình tiết rất quan trọng có thể làm thay đổi bản chất vụ án:
1. Thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho rằng “Đúng là trong vụ án này, Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, do cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Tươi lúc xảy ra tai nạn và Tươi không lấn đường nên cơ quan điều tra không khởi tố Tươi. Do đó, không có việc bỏ lọt tội phạm”.
Nhưng khi “cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn” có nghĩa không thể khẳng định Tươi không điều khiển xe với tốc độ rất nhanh. Điều này đồng nghĩa không thể khẳng định Lâm Tươi không gây tai nạn, để kết luận “không có việc bỏ lọt tội phạm”. Vì đi quá tốc độ trong sử dụng phương tiện cơ giới là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Vì vậy, từ tình tiết này chưa thể khẳng định ông Phước là người gây tai nạn. 
Theo khẳng định của vợ ông Quý, ngồi nhặt rau trước nhà, bà thấy chồng mình chồm lên vai ông Phước khi qua đường. Đồng thời bà cũng thấy Lâm Tươi quay mặt lại nói chuyện với người ngồi sau xe trước khi xảy ra va chạm. Tại các phiên tòa, ông Lương Hữu Phước cũng đã khẳng định điều này. Trong biên bản khám hiện trường không phát hiện có vết thắng (phanh) xe của Tươi, đây là chi tiết rất quan trọng để có thể khẳng định Tươi đã không làm chủ được tốc độ nên đã tông vào xe ông Phước với tốc độ cao.
Ông Phước cũng đã nhiều lần khẳng định trước tòa mình qua đường đúng luật, nguyên nhân gây tai nạn là do Lâm Tươi chạy tốc độ cao, quay đầu lại phía sau không quan sát phía trước.
Tại sao cả sao tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm bỏ qua lời khai của nhân chứng và lời khai của bị cáo (lời khai đó cũng phù hợp với biên bản hiện trường - xe Lâm tươi không có vết thắng), để khẳng định Lâm Tươi không gây tai nạn? 
2. Thẩm phán Hạnh cho rằng qua điều tra, chúng tôi đã xác định được lỗi là do bị cáo Phước qua đường nhưng không quan sát. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo đã khai có quan sát và đã bật đèn xi nhan. Nhưng qua lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường, đoạn đường xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất. Nếu bị cáo quan sát kỹ thì không xảy ra va chạm. 
Lập luận trên đây của bà Hạnh chưa thuyết phục. Thừa nhận “đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”. Nhưng hãy đặt tình huống Lâm Tươi điều khiển xe chạy với tốc độ rất nhanh như lời khai của ông Phước (khả năng xảy ra tình huống này rất cao, vì trong người Tươi có nồng độ cồn 0,57mlg/l khí thở, lại là người không có bằng lái, tức chưa học lái xe theo đúng quy định), không làm chủ được tốc độ và lao thẳng vào xe ông Phước. Trong tình huống như vậy, dù ông Phước có quan sát thì khó có thể tránh được một cú tông chí mạng.
3. Hội đồng xét xử nhận định lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mâu thuẫn. Theo lời khai của ông Phước, trước khi chuyển hướng, ông đã bật đèn xi nhan. Trong khi các nhân chứng Trần Thị Hằng, Trần Thị Kim Liên khai không thấy. Tại phiên tòa, chị Hằng, chị Liên khai không thấy chứ không khẳng định Phước không bật đèn. Nhưng kết quả điều tra cũng như trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm vẫn khẳng định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan. 
Trong khi đó, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông không thể hiện vị trí công tắc đèn xi nhan, không ghi rõ tình trạng ổ khóa điện khởi động xe ở vị trí mở hay tắt (đây là tình tiết rất quan trọng, rất hiếm khi cán bộ điều tra bỏ sót). Vì vậy chưa đủ cơ sở để tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết luận khi sang đường ông Phước không bật xi nhan. 
4. Trong biên bản đối chất tại phiên tòa, Lâm Tươi khai nhận khi xe cách 50m, anh ta nhìn thấy ông Phước dừng xe ở lề đường bên trái. Khi cách 30m, Tươi thấy ông Phước băng qua đường và "đi từ từ". Lời khai này rất mâu thuẫn với lời khai của chính Tươi về tình huống bị bất ngờ khi cách xe ông Phước 5m nên không kịp xử lý, để phương tiện tông xéo vào giữa xe của bị cáo. Trong khi đó, bị cáo Phước khai nhìn thấy xe Tươi đi tốc độ rất nhanh và ông Phước cùng nhân chứng (vợ ông Quý) đều khẳng định trước khi xảy ra tông xe, Tươi quay mặt lại nói chuyện với người ngồi sau xe mình. 
5. Đặc biệt, cần xem xét người bị hại là ông Quý có lỗi hay không. Kết quả điều tra đã thể hiện khi ông Phước cho xe rẽ qua đường, ông Quý ngồi sau, chồm người ghì tay ông Phước (lời khai của nhân chứng - vợ ông Quý). Ông Phước cũng khai ông Quý chồm người ghì tay ông Phước. Vì vậy, không thể không đánh giá hành động này của ông Quý có ảnh hưởng hay không với việc điều khiển xe lúc sang đường của ông Phước.
Từ những tình tiết trên đây chưa thể khẳng định ông Lương Hữu Phước là thủ phạm gây ra vụ tai nạn. Vì vậy, trong vụ án này cần vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội (theo điều 13 bộ luật Tố tụng hình sự) đối với ông Phước.
LS Dương Vĩnh Tuyến - người bào chữa cho ông Phước, cho rằng bản cáo trạng của Viện KSND TP Đồng Xoài không đúng với biên bản thực nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm ban đầu. LS cũng cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do Tươi chạy sai làn đường, bất ngờ rẽ trái và do Tươi đã uống rượu, lái xe với tốc độ cao nên đã tông vào xe của bị cáo. 
Vụ án chưa thể khép lại
Trước khi nhảy lầu tự tử, ông Lương Hữu Phước viết trên Facebook cá nhân: "Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ".
Với những tình tiết còn mâu thuẫn trong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước kết tội ông Lương Hữu Phước, cùng dòng trạng thái ông để lại trên facebook và đặc biệt là việc ông Phước tự tử vì cho rằng mình bị xử oan thì vụ án này chưa thể khép lại. 
Bởi vậy, ngành tư pháp tỉnh Bình Phước, nếu cần thiết cả Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao cần tiếp tục vào cuộc để làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn trong vụ án Lương Hữu Phước. 
Nguyễn Huy Viện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét