Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

20200618. BÀN VỀ 'LỖ HỔNG' LUẬT BÁO CHÍ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÁO CHÍ VÀ QUYỀN ... IM LẶNG
XUÂN DƯƠNG / GDVN 15-6-2020

GDVN- Liệu có phải văn bản của Tỉnh ủy Lai Châu nhắc khéo, rằng tạp chí Ngày mới Online đã vi phạm “tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí”?
Ngày 14/05/2020 Tạp chí “Ngày mới Online” (còn có tên khác là “Tạp chí Người cao tuổi”) đăng bài: “Tỉnh Lai Châu: Cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát Nhân dân đánh bạc tại trụ sở”.
Cùng ngày Tạp chí Ngày mới Online có Văn bản số 25/CV-BNCT gửi Bí thư Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu về 13 cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu đánh bạc tại phòng bảo vệ, công sở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh.
Trong những người đánh bạc có ông Nông Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, một số lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và ba vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện. [1]
Ngày 19/05/2020, Tỉnh ủy Lai Châu có công văn số 1342-CV/TU trả lời Tạp chí Ngày mới Online về vụ việc này. Công văn có đoạn:
“Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu trân trọng đề nghị Tạp chí tiếp tục quan tâm phối hợp với tỉnh trong công tác thông tin tuyên truyền theo quy định của Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh”. [1]
Theo một vị lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu: “Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu sẽ không chuyển hồ sơ, vụ việc 13 cán bộ, nhân viên đánh bạc sang Công an tỉnh”. [1]
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu (Ảnh: ngaymoionline.com.vn)
Tại Thanh Hóa, cán bộ đánh bạc bị công an bắt và khởi tố vụ án ngay còn Lai Châu thì ngược lại.
Liệu có chuyện Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu đứng trên pháp luật khi tự cho mình quyền xử lý vụ việc mà không giao cho công an xử lý?
Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, vậy Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu là tổ chức của Đảng hay cơ quan thực thi pháp luật?
Quyết định khởi tố vụ án hay xử lý hành chính có phải là chức năng của Tỉnh ủy?
Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) trong bài “Phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” viết:
“Tham nhũng, tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội có giai cấp.
Do vậy, việc chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, vừa là trách nhiệm chính trị, bổn phận của những người làm báo chân chính”. [2]
Bài báo đánh giá: “Nhiều “ung nhọt” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong một số cơ quan công quyền cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời nhờ những thông tin được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Tạp chí Danvan.vn (Ban Dân vận Trung ương) trong bài “Báo chí và cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” viết:
“Cùng với những chức năng được coi như “thiên chức” của báo chí, thì việc góp phần lên án những thói hư tật xấu, phê phán những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong “cuộc chiến” chống tham nhũng là rất rõ nét.
Việc khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là điều không cần phải bàn cãi”. [3]
Trong suốt một tháng, kể từ ngày tạp chí Ngày mới Online đăng bài (14/05/2020), điểm qua hệ thống báo điện tử, không thấy có bất kỳ tờ báo nào đưa thông tin về vụ việc này.

Những tờ báo nổi tiếng, với “thiên chức lên án những thói hư tật xấu, phê phán những hiện tượng tiêu cực” không biết đến vụ việc, chưa đủ thông tin để đăng bài hay có những lý do nào đó khiến phải đồng loạt im lặng?

Với những gì xảy ra tại Lai Châu, với sự im lặng của nhiều cơ quan báo chí trong vụ việc này, nhận định trên Tạp chí Danvan.vn “Vai trò của báo chí chống tham nhũng, tiêu cực là điều không cần phải bàn cãi” liệu có cần phải … bàn cãi?
Phải chăng sự im lặng này có liên quan đến văn bản phản hồi của Tỉnh ủy Lai Châu với tạp chí Ngày mới Online, rằng công tác thông tin tuyên truyền phải “theo quy định của Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí”?
Hoạt động của tạp chí, được diễn giải trong một bài báo:
“Tạp chí sử dụng các thể loại chính như chuyên luận, bình luận, tin tức khoa học, điều tra khoa học; chứ không sử dụng các thể loại báo chí như tin tức thông tấn, phóng sự, điều tra, phản ánh… như một tờ báo”. [4]
Liệu có phải văn bản của Tỉnh ủy Lai Châu nhắc khéo, rằng tạp chí Ngày mới Online đã vi phạm “tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí”?
Nói cách khác, có phải Tỉnh ủy Lai Châu cho rằng tạp chí Ngày mới Online chỉ nên tập trung vào “chuyên luận, bình luận, tin tức khoa học, điều tra khoa học” về người cao tuổi chứ đừng lấn sân sang “phóng sự, điều tra, phản ánh” chuyện đánh bạc của các quan chức kiểm sát tỉnh nhà?
Từng có doanh nghiệp kiện một tờ báo vì lý do báo này viết bài không phù hợp với tôn chỉ mục đích, Tòa án đồng tình với doanh nghiệp và phạt tờ báo nọ hơn chục triệu đồng.
Tòa án khi đó, bỏ qua tất cả tài liệu, chứng cứ cho thấy Báo đưa tin hoàn toàn đúng sự thật, mà chỉ căn cứ vào tôn chỉ mục đích-một thứ giấy phép con, dưới luật và xử báo thua.
Như vậy, nếu Tỉnh ủy Lai Châu cho rằng Tạp chí Ngày mới Online viết sai “tôn chỉ, mục đích” thì cơ quan này hoàn toàn có quyền kiện tạp chí này ra tòa và với tiền lệ đã dẫn, biết đâu phần thắng sẽ nghiêng về phía Tỉnh ủy Lai Châu nghĩa là tạp chí Ngày mới Online cũng sẽ bị phạt hơn chục triệu đồng!
Và người viết cho rằng, khi đơn thương độc mã trong loạt bài chống tiêu cực ở Lai Châu, Ban biên tập tạp chí Ngày mới Online hẳn đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối chất tại tòa cũng như dự liệu số tiền có thể bị phạt.
Có một câu hỏi cũng cần đặt ra, Cục Báo chí - cơ quan quản lý thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - có cần vào cuộc xem xét và xử phạt việc tạp chí Ngày mới Online đã “vội vàng” đăng bài chống tiêu cực, chỉ làm theo “thiên chức không cần bàn cãi của báo chí” mà quên đi tôn chỉ mục đích của mình?
Tuy nhiên theo thông tin tạp chí Ngày mới Online đăng tải, Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Lai Châu đã có ý kiến về việc 13 cán bộ chủ chốt của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu đánh bạc tại phòng bảo vệ trụ sở cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân dân tỉnh.
Cụ thể là “Các cá nhân này vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Vi phạm của các cá nhân nêu trên làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu, vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý, kỉ luật”. [1]
Đánh bạc tất nhiên phải có tiền và liệu tiền lương công chức có đủ cho 13 cán bộ kiểm sát tỉnh Lai Châu đánh bạc trong thời gian dài (từ tháng 5/2019 đến tháng 2/2020)?
Nếu tiền lương không đủ thì phải chăng người ta cũng “buôn chổi đót, làm thối móng tay” để có tiền sát phạt nhau ngay tại trụ sở?
Liệu có chuyện thay vì đưa hối lộ cho “Sếp”, cấp dưới sẽ cố tình chịu thua trong sới bạc?
Khi đó cả người thua và “Sếp” đều tránh được tội danh đưa và nhận hối lộ, một tội danh phải xử lý hình sự trong khi tội đánh bạc có thể chỉ bị xử lý hành chính.
Sự thận trọng trong việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng tin, bài thể hiện đạo đức nhà báo, cũng thể hiện thái độ tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật của cơ quan báo chí.
Dựa trên những thông tin tạp chí Ngày mới Online đăng tải, có lý do để cho rằng những thông tin này đã được kiểm chứng và đúng sự thật, còn có vượt khỏi khuôn khổ “tôn chỉ mục đích” mà tạp chí này được cấp phép hay không thì người viết không dám khẳng định.
Thật lạ lùng, vì sao một vụ việc xảy ra với nhiều người, liên quan đến cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có cả người đứng đầu ngành Kiểm sát một tỉnh, đã được Tỉnh ủy Lai Châu xác minh, kết luận nhưng hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng lại im lặng?
Chẳng lẽ có sự liên hệ nào đó giữa các Tổng Biên tập khiến hầu hết các tờ báo phải “gác lại chính kiến, hướng tới bình yên”?

Hay là nghĩ vậy mà không phải vậy?

Phải nêu câu hỏi này bởi những vụ việc hoàn toàn tương tự đã được hàng loạt tờ báo khai thác “hết công suất”, chẳng hạn vụ một số cán bộ tỉnh Thanh Hóa đánh bạc, xảy ra vào tháng 02/2020, cùng thời điểm với vụ đánh bạc tại Lai Châu.
Có thể tìm thấy thông tin vụ việc này trên rất nhiều tờ báo như: Plo.vn, Vov.vn, Vtv.vn, Laodong.vn, Vietnamnet.vn, Baotintuc.vn, Baovephapluat.vn, Thanhnien.vn, Daidoanket.vn, Tuoitre.vn,…
Một số vụ việc khác liên quan đến chủ đề cán bộ đánh bạc:
“Công an tỉnh Quảng Ninh vừa bắt một nhóm đối tượng đánh bạc ăn tiền, trong đó có nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh và giám đốc Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP Hạ Long”. [5]
“Viện phó Kiểm sát thành phố Yên Bái bị bắt tại ổ bạc”. [6]
Người viết đã có một buổi “trà lá” thú vị với một vị Tổng Biên tập, vị này cho biết khi về địa phương, được một số người cao tuổi đề cập đến chuyện cán bộ xã “bán đất” lấy tiền chia nhau và đề nghị đăng bài phản ánh.
Vị Tổng Biên tập trả lời không thể đăng vì không phù hợp với “tôn chỉ, mục đích” tờ tạp chí mà ông ấy làm Tổng Biên tập!
Các tạp chí phải tuân thủ “tôn chỉ, mục đích” theo những quy định hiện hành, vậy không đả động gì đến một sự kiện “tầm cỡ” như vụ đánh bạc tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu có phải là có những tờ báo đã không tôn trọng “tôn chỉ mục đích của báo chí”?
Hay là báo (chứ không phải tạp chí) đôi khi cũng phải phải tuân theo một tôn chỉ, mục đích bất thành văn nào đó?
Cách xử sự của báo chí trong vụ việc ở Lai Châu có phải là thể hiện quyền tự do của báo chí, muốn đăng thì đăng, không muốn đăng thì … im lặng?
Nếu “việc chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, vừa là trách nhiệm chính trị, bổn phận của những người làm báo chân chính” đã bị gác sang một bên vì những lý do nào đó trong vụ việc tại Lai Châu thì có nên đặt câu hỏi về “bổn phận của những người làm báo chân chính”?
Và đương nhiên cũng phải hỏi về “bổn phận của những tờ báo chân chính”.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://ngaymoionline.com.vn/tinh-lai-chau-phai-xu-ly-nghiem-vien-truong-vien-ksnd-tinh-cung-cap-duoi-danh-bac-tai-tru-so-19139.html
[2]http://tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-trong-phat-hien-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-122142
[3]http://danvan.vn/Home/Dien-dan/10130/Bao-chi-va-cuoc-dau-tranh-chong-giac-noi-xam
[4]http://nguoilambao.vn/xa-roi-ton-chi-muc-dich-nguy-co-lam-xoi-mon-ban-chat-bao-chi-cach-mang-n16175.html
[5]https://nld.com.vn/phap-luat/nguyen-pho-giam-doc-so-kh-dt-quang-ninh-bi-bat-tai-chieu-bac-20180906204108713.htm
[6]https://dantri.com.vn/xa-hoi/giam-doc-so-tn-mt-yen-bai-ne-chuyen-bi-bat-vi-danh-bac-nam-2005-20170710112013667.htm
Xuân Dương
TIN LIÊN QUAN:
NHÀ BÁO QUỐC DOANH-LÀM SAO ĐỂ TỒN TẠI  CÓ ÍCH CHO NHÂN DÂN, TỔ QUỐC ?
NGUYỄN ĐÌNH ẤM/ BVN 16-6-2020
Theo tôi, hiện nay quá nhiều nhà báo quốc doanh không đáng bưng bát cơm của dân, cầm trên tay cây bút vì họ vô cảm trước rất nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Phải khẳng định rằng, bất kỳ ở chế độ nào dù dân chủ, độc tài hay phát xít thì người dân vẫn phải làm việc gì đó kể cả trực tiếp làm việc cho nhà cầm quyền để sinh sống. Trừ những người cầm đầu, trực tiếp gây tội ác, việc chế độ sau kỳ thị, trả thù những người đã làm việc cho chế độ cũ là sai trái, vô lý, tàn ác.
Bản thân tôi đã đi bộ đội, chiến đấu ở mặt trận miền Bắc 3 năm, ở chiến trường 559 gần 6 năm, làm báo quốc doanh phụng sự nhà cầm quyền hơn 30 năm. Đó là điều tự nhiên vì tôi phải đi bộ đội để “bảo vệ tổ quốc” và làm việc cho nhà cầm quyền để sinh sống. Vì vậy tôi không trách bất cứ ai đang làm việc trong các cơ quan như công an, truyền thông quốc doanh phụng sự đảng trên hết. Tuy nhiên, tôi muốn nói với các bạn:
- Tất cả những gì nuôi sống các bạn từ nghề nghiệp đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Nhân dân làm việc nộp thuế cho nhà nước và nhà nước trích ra một phần nuôi sống các bạn. Vì vậy, khi bưng bát cơm, cầm cây bút các bạn phải nhớ đó là mồ hôi nước mắt của bà con đang cặm cụi ngoài đồng, trong nhà máy, những nẻo đường, biển cả…trên đất nước do ngàn đời xương máu ông cha tạo lập, giữ gìn.
Thế nhưng lâu nay nhiều bạn, nhiều tờ báo làm việc có lợi cho dân, cho nước, đúng sự thật, đúng pháp luật nhưng trái ý quan chức mà vẫn gặp khó khăn, rắc rối, bị gỡ bài, bị sa thải, có thể phải vào tù. Từ đây dẫn đến hai cách tồn tại:
1- Chỉ một ý chí ca ngợi bảo vệ quan chức đảng, chính quyền theo nguyên tắc “cái gì dù sai sự thật nhưng có lợi cho cấp trên thì cũng có thể đăng” để nhận được sự ưu ái, phần hơn trong việc phân phối lợi ích, tránh xa những vụ việc có thật nếu nêu ra thì có lợi chung  nhưng làm mất lòng quan chức địa phương, trung ương để hưởng bình an, bổng lộc…
Đây là cách tồn tại, phát triển theo “bản năng sinh tồn”, không có ích gì cho xã hội ngược lại có hại của rất nhiều các nhà báo quốc doanh hiện nay.
Ở các xứ dân chủ cơ quan truyền thông không có nghĩa vụ thậm chí không được đứng về phía nhà cầm quyền vì họ đã nắm quá nhiều lợi thế, sức mạnh rồi.

2- Vẫn phải phụng sự nhà cầm quyền trước tiên để tồn tại nhưng vẫn có ích cho nhân dân, tổ quốc ở mức độ nhất định.
Đây là cách tồn tại khó khăn, nguy hiểm nhưng nếu bạn có lương tâm, nhân cách, yêu dân, yêu nước, muốn cho cuộc đời mình khỏi phí hoài, vô tích sự thì bạn phải lựa chọn.
Tôi xin mạn phép nêu chút kinh nghiệm nhỏ nhặt có thể là thừa dành cho những ai chọn cách tồn tại này.
Trong 33 năm làm báo quốc doanh ở ngành hàng không VN, (làm báo ngành, địa phương khó hơn báo TW) , tôi đã:
  • Tôi trân trọng nâng niu tất cả những việc làm tốt, đúng của bất cứ ai  xây dựng, phát triển ngành Hàng không Việt Nam;
  • Bảo vệ những người lương thiện trước bất công, sai trái;
  • Chống tham nhũng “không có vùng cấm” bảo vệ lợi ích, tài sản của ngành hàng không Việt Nam.
Thực hiện những điều này tôi được tất cả những cán bộ, nhân viên lương thiện trong ngành HKVN tin tưởng, yêu mến nhưng cũng bị không ít cán bộ xấu kể cả chóp bu thù ghét. Từ đây ngoài các việc tốt, thành tích của ngành tôi cũng nắm được hầu hết những hành vi bất chính, tiêu cực, tham nhũng ở ngành HKVN rất kịp thời.
Ví dụ vụ một quan chức văn phòng chính phủ bỏ quên cặp đầy phong bì ở Nội Bài chỉ hai giờ sau tôi đã có bản copy biên bản, vụ HKVN được phép của chính phủ, các cơ quan liên quan rất “hùng mạnh” như Bộ Tài chính, Nội vụ (Bộ Công an ngày nay) mua hai máy bay Fokker 70 bất chính (Fokker đã phá sản) chỉ 5 ngày sau tôi đã có bản sao hợp đồng…từ đó mà tôi sớm cảnh báo ngăn chặn được nhiều vụ tham nhũng rất bí mật, tinh vi. Tôi khẳng định, sự tin tưởng của nhân dân mới là chiếc thẻ nhà báo hiệu lực nhất.
Từ các nguồn thông tin này tôi có hai cách xử lý:
- Đăng báo nếu có thể với cách viết trung thực, khách quan, có thực tế, bằng chứng, chỉ sử dụng tối đa 70% tài liệu chứng minh. Tất nhiên sau bài báo sẽ bị thế lực tham nhũng phản ứng, trả thù nhưng họ rất khó chiến thắng.
- Nếu không thể đăng báo  thì tôi thông báo hoặc xin làm việc với những quan chức làm sai để họ dừng lại việc trù dập cấp dưới hoặc hành vi sai trái, tham nhũng... Hầu hết các vụ việc tôi ngăn chặn đều thành công, có một số quan chức thù ghét nhưng phần lớn là cam chịu, có người trở thành thân thiết vì họ thấy nhờ tôi mà không sa đà vào tội lỗi mất chức, quyền.
Theo tôi, hiện nay quá nhiều nhà báo quốc doanh không đáng bưng bát cơm của dân, cầm trên tay cây bút vì họ vô cảm trước rất nhiều vụ  việc nghiêm trọng.
Ví dụ vụ Đồng Tâm lớn, liên quan đến cả vạn dân như vậy nhưng trong khi những người như đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang (nguyên bảo vệ phái đoàn VN ở liên hợp quốc) 77 tuổi tuổi về tận nơi điều tra, viết bài nói lên sự thật thì trừ  đài truyền hình VTC có hai lần về phản ánh sơ sài sự thật ở đây còn hầu hết truyền thông quốc doanh không dám về gặp dân để biết sự thật. Nhẫn tâm hơn họ lại ngồi ở phòng lạnh, phát, đăng lại thông báo của thế lực là một bên trực tiếp tranh chấp với dân xuyên tạc, vu khống họ.
Không dám đòi hỏi các bạn phải đăng sự thật có lợi cho dân, cho nước nhưng trái ý quan chức “khủng” trong thời buổi hiện nay nhưng các bạn có thể bí mật về tận Đồng Tâm gặp những người đấu tranh giữ đất, khảo sát thực tế, tài liệu, nắm rõ sự thật báo cho các lãnh đạo đảng, nhà nước thì thảm họa ngày 9/1/2020 với dân Đồng Tâm (và cả các lãnh đạo đảng, nhà nước, thành phố Hà Nội - lịch sử muôn đời sẽ phán xét) có lẽ không xẩy ra.
Chúng tôi đã về Đồng Tâm viết bài phản  ánh trung thực, có bằng chứng, thực tế vụ này hy vọng cấp trên biết chỉ cần người có trách nhiệm về gặp dân phán xét công tâm là xong, tội ác bị loại trừ, uy tín của nhà cầm quyền không bị mất nhưng xem ra thiện tâm của chúng tôi không thấu “thiên đình” hoặc thế lực nào đó muốn cố tình khiêu khích diệt  dân Đồng Tâm để “giết gà dọa khỉ”?
Tất nhiên, việc chống lại tham nhũng ở một xã hội mà “nhìn dâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” (lời ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng) không chỉ nghèo mà còn nguy hiểm. Trong vụ trù dập tôi năm 1994-1998, lãnh đạo ngành HKVN đã công khai yêu cầu an ninh “gỡ cái camera Nguyễn Đình Ấm ra khỏi ngành HKVN”. Từ năm 1994-1998 tôi bị treo bút, bắt đi bán báo dạo cho cơ quan, cắt gần hết lương phải làm báo tự do bên ngoài để tồn tại, rồi bị khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa(1996) suýt vào nhà đá. Thế nhưng, nhưng cái gì cũng có giá của nó, cuộc sống, nghề nghiệp của tôi không phí hoài, đã có ích ít nhiều cho ngành Hàng Không Việt Nam.
N.Đ.Â.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét