Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

20200616. TƯỞNG NHỚ NHÀ TÌNH BÁO MƯỜI HƯƠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
MƯỜI HƯƠNG- NGƯỜI TẠO NÊN ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO PHẠM XUÂN ẨN
HÀ HƯƠNG&THU HẰNG /ZING 14-6-2020


Đại tá tình báo Tư Cang, nhân chứng hiếm hoi cuối cùng của mạng lưới tình báo Sài Gòn, kể về cuộc giải cứu người thầy tình báo Mười Hương và những kỷ niệm của ông với điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn.

Trong ngôi nhà ở con hẻm nhỏ thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM), đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) dành những ngày tháng tuổi 92 của mình với khóm mai chiếu thủy, con thỏ đi lạc ông nuôi vì thương, mấy con chim cảnh.
Ông Tư Cang nói nghe tin ông Mười Hương ra đi, ngày nào ông cũng tiếp cánh phóng viên đến hỏi chuyện. Không tìm ông sao được vì ông là nhân chứng hiếm hoi cuối cùng của mạng lưới tình báo làm rung chuyển chế độ Sài Gòn. Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn rồi Mười Hương giờ đã thành người cõi khác.
“Mấy nay, tôi nhớ cái dáng ông Mười Hương đạp xe từ Củ Chi đi Trảng Bàng. Đó là năm 1964, ông mới ra tù, người nhỏ thó, ốm o mà đạp khỏe dữ. Có lẽ vì ông ấy được tự do”, đại tá tình báo Tư Cang bắt đầu câu chuyện về người được mệnh danh là “người thầy của những huyền thoại tình báo” Trần Quốc Hương - bí danh Mười Hương.
1. BẰNG MỌI GIÁ PHẢI CỨU ĐƯỢC MƯỜI HƯƠNG: VỤ 'LO LÓT' GIÁ 100.000 ĐỒNG
- Ông Mười Hương giờ đã thành người thiên cổ. Trong các kỷ niệm của ông với ông Mười Hương, ông nhớ nhất điều gì?
- Điều tôi nhớ nhất về ông Mười Hương đó là một người nhiệt tình với công tác tình báo. Ông ấy được Trung ương phái vô để xây dựng ngành tình báo trong Nam sau Hiệp định Geneve 1954. Còn tháng 10/1954, tôi đã tập kết ra Bắc rồi nên chúng tôi chưa có dịp gặp nhau.
Lần đầu tôi gặp Mười Hương là lúc đưa ông ấy ra khỏi tù năm 1964. Tôi được biết từ 1954, ông ấy gây dựng mạng lưới tình báo trong này. Khoảng năm 1957, ông ấy kêu Phạm Xuân Ẩn đi học ở Mỹ. Một năm sau, năm 1958, ông ấy bị bắt, ở Huế một thời gian rồi lại chuyển vào Sài Gòn.
Phải nói thêm rằng ông Mười Hương bị bắt bởi Ngô Đình Cẩn và Dương Văn Hiếu. Thời đó, Dương Văn Hiếu là Trưởng đoàn Công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn, là trùm mật vụ, cực kỳ nguy hiểm. Hiếu đã bắt rất nhiều cán bộ thuộc nhánh tình báo trong Sài Gòn, trong đó có Mười Hương.
chi huy tinh bao Muoi Huong anh 1
Đại tá tình báo Tư Cang hồi tưởng lại lần đầu gặp gỡ người thầy tình báo Mười Hương. Ảnh: Văn Nguyện.
Năm 1961, sau khi được phong đại úy, tôi từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn 100 ngày vào Nam để tham gia mạng lưới tình báo ở Sài Gòn. Từ tháng 4/1962, trên giao cho tôi nhiệm vụ tổ chức đường dây vận chuyển thông tin tình báo do điệp viên có bí danh X6 cung cấp. Đó chính là Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung). Không lâu sau đó thì xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm.
Tôi cũng làm thư ký trong cuộc họp kiểm điểm của ông Mười Hương trước Bộ Tư lệnh miền. Thủ tục lúc đó là vậy, ai ra tù, trở về căn cứ cũng phải làm kiểm điểm hết. Thành ra, tôi nắm khá rõ quãng thời gian ông ấy bị bắt. Địch cũng tra tấn ông ấy dữ lắm nhưng không bằng các tù nhân khác. Chúng biết ông ấy là trí thức, là lãnh đạo nên tra tấn kiểu khác.
Ấn tượng nhất có lẽ là chuyện ông ấy kể về cuộc đấu tranh lý luận giữa ông ấy với Ngô Đình Nhu. Ngô Đình Nhu (em trai Ngô Đình Diệm) là nhà lý luận của chế độ Sài Gòn, Nhu theo thuyết cần lao nhân vị. Còn ông Mười Hương là cộng sản. Chủ yếu Ngô Đình Nhu thuyết phục ông Mười Hương về phe Sài Gòn. Tôi cũng là thư ký nên chỉ biết vậy thôi.
- Kế hoạch đưa ông Mười Hương ra khỏi nhà tù được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Năm 1963, sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, tình hình ở Sài Gòn thay đổi rất nhiều. Ông Tám Mỹ (Chính ủy phòng tình báo lúc đó) nhận được lệnh của cấp trên là bằng mọi giá nhân lúc tình hình đảo chính rối ren phải đưa ông Mười Hương ra. Ông Tám Mỹ kêu tôi, lúc đó là Cụm trưởng Cụm tình báo A.18 (sau này mới đổi tên thành H.63 năm 1968), hội ý xem có cách nào không.
Lúc đó, tôi vào thành trao đổi với Phạm Xuân Ẩn. Ẩn nói địch giam ông Mười Hương trong phòng biệt giam nên giờ chỉ có cách thuyết phục cai ngục. Cách duy nhất là phải chồng thật nhiều tiền cho nó. Tôi hỏi Ẩn là cần khoảng bao nhiêu, Ẩn nói cỡ 100.000 đồng. Hồi đó giá một lượng vàng là 3.000 đồng. 100.000 tức là 33 lượng vàng.
Ông Tám Mỹ chạy về kiếm nhà tư sản yêu nước là bà Võ Thị Quê. Bà Quê cho mượn 100.000 đồng. Bà Quê biết ông Mười Hương thành ra thương ông ấy nên mới dám cho vay số tiền lớn như vậy. Bà Quê sau này cũng tham gia mạng lưới tình báo, bị tra tấn rất dữ trong tù và hy sinh.
Kiếm được tiền rồi thì Phạm Xuân Ẩn vô thuyết phục cai ngục. Ông Ẩn kể có nói với nó: “Mày chịu làm như vậy, mày sơ hở trong 15 phút thì mày lấy 100.000 tiêu xài, mua xe Mercedes chạy”. Khi Mười Hương ra khỏi cổng nhà tù, chiếc Renault của Phạm Xuân Ẩn đã chờ sẵn và đón đi luôn. Chạy được tầm 2 km về tới ngã tư Bảy Hiền thì sang xe taxi của ông Nguyễn Văn Huỳnh, là giao thông liên lạc của cụm tình báo, ông Huỳnh chở Mười Hương chạy một mạch về xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Ở Củ Chi, chúng tôi đã bố trí bà Nguyễn Thị Đệt chờ sẵn và chở về căn cứ Bến Đình. Ông Mười Hương ngồi sau, ôm eo bà Đệt chạy ngang bốt kiểm tra khỏe re. Bến Đình là căn cứ của đội võ trang cụm tình báo A.18.
2. 'ĐÂY LÀ TƯ CANG, NGƯỜI CỨU TÔI RA KHỎI TÙ MỸ DIỆM'
- Ấn tượng của ông về cuộc gặp đầu tiên với ông Mười Hương như thế nào?
- Mấy năm tù tội, ông Mười Hương ốm gầy. Hồi nào tới giờ chúng tôi đâu biết nhau. Thế mà cũng ôm nhau mừng hoàn thành nhiệm vụ. Về tới đó coi như ngon rồi.
Bữa đó, tôi kêu bà mẹ Củ Chi nấu cơm trưa cho ăn. Bà nấu cơm trắng với lươn kho sả ớt. Ông Mười Hương ăn dữ lắm. Cái không khí giải phóng mà, ông ấy khoái nên ăn khỏe. Sau này gặp lại nhau ông Mười Hương vẫn nhắc lại bữa cơm ấy và tình thương của bà mẹ Củ Chi.
Mọi việc đều phải gấp rút vì địch truy theo. Quả nhiên, 15 phút sau dưới (trung tâm thành phố - PV) báo động. Ăn xong bữa cơm với bà mẹ thì trên cấp cho ông Mười Hương chiếc xe đạp mới, tôi một chiếc, bảo vệ một chiếc. Bảo vệ mang súng trường chạy đằng trước, ông Mười Hương đi giữa, tôi chạy sau cùng.
Lúc đó, ông bịt khăn rằn, mặc áo ngắn tay. Chúng tôi đạp xe tầm 50 km đưa ông ấy về Bời Lời ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) (lúc đó là căn cứ chính của cụm tình báo A.18 - tiền thân của H.63). Dọc đường ông ấy đạp xe phấn khởi lắm. Cuộc tẩu thoát khỏi nhà tù của ông Mười Hương chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 1 ngày.
Hàng chục năm sau gặp lại, ông Mười Hương vẫn giới thiệu tôi với mọi người: “Đây là Tư Cang, người cứu tôi ra khỏi tù Mỹ Diệm”. Lúc đó tôi chỉ là anh đại tá về hưu làm tổ trưởng tổ bột giấy của Thanh niên xung phong ở TP.HCM, còn ông ấy là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM.
chi huy tinh bao Muoi Huong anh 3
- Phạm Xuân Ẩn trong vỏ bọc phóng viên tờ Time đã lái chiếc Renault đợi Mười Hương ngay cổng nhà tù rồi chở về tới ngã tư Bảy Hiền. Làm như vậy lẽ nào không bị nghi ngờ gì?
- Không. Cai ngục ăn ý với Phạm Xuân Ẩn rồi. Nó lấy 100.000 đồng thì còn nói gì nữa. Số tiền đó lớn lắm, nó đâu dám hé ra, vừa mất hết lộc lại khéo bị liên lụy.
Việc cứu ông Mười Hương, ngoài chỉ thị của cấp trên là bằng mọi giá thì còn có những tình cảm riêng. Giữa Phạm Xuân Ẩn và ông Mười Hương có thể coi như tình cha con. Người chở ông Mười Hương khi ra khỏi tù chỉ có thể là Phạm Xuân Ẩn bởi ông ấy là nhà báo, có thẻ nên đi lại dễ dàng. Mà cũng chỉ dám chở 2 cây số rồi chuyển qua xe mình. Kế hoạch chúng tôi chuẩn bị cũng tươm tất lắm, tập qua tập lại mấy lần.
- Các đầu mối ông Mười Hương xây dựng có ý nghĩa sao với ngành tình báo miền Nam sau này?
- Mạng lưới do ông Mười Hương xây dựng thì người thành công nhất là ông Phạm Xuân Ẩn. Ông ấy chính là người phân tích cho ông Phạm Xuân Ẩn vì sao phải đi học nghề báo bên Mỹ. Bởi chỉ phóng viên là được len lỏi khắp nơi lấy tin. Ông thuyết phục Phạm Xuân Ẩn ra đi.
Khi ông Mười Hương bị bắt, người em của Phạm Xuân Ẩn gửi thư qua Mỹ nói có một ông già dắt chim đi vô rừng thì bị bắt. Nói lóng lóng vậy nhưng đọc thư ở bên đó, ông Ẩn biết Mười Hương bị bắt. Cấp trực tiếp bị bắt rồi, giờ phải tính làm sao? Nếu ở lại Mỹ, cuộc sống của Phạm Xuân Ẩn sẽ dễ dàng và sung sướng hơn rất nhiều. Nhưng sự kiện Mười Hương bị bắt cũng khiến Phạm Xuân Ẩn quyết tâm dứt bỏ mọi thứ và trở về.
chi huy tinh bao Muoi Huong anh 4
Ông Phạm Xuân Ẩn (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Tàu (thứ 3 từ trái qua) phối hợp tổ chức giải cứu Mười Hương. Ảnh tư liệu Cụm tình báo H.63
- Một số người gọi ông Mười Hương là Hương sự thật. Chính ông Mười Hương cũng từng nói: Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng. Liệu sự thành thật có mâu thuẫn với cuộc sống của một chỉ huy tình báo lão luyện không?
- Chân thật thì tôi với ông Phạm Xuân Ẩn rất chân thật. Nhưng tôi thấy ông Ẩn là người nhiều chiêu dữ lắm. Nội việc ông ấy nuôi con chó mà biết nghe điều khiển bằng tiếng Pháp, tôi thấy cha đó có tài ghê. Mà việc gì vô nói với ông ấy cũng hoàn thành.
Ví dụ, năm 1968, chuẩn bị bước vô đợt 2 trận Mậu Thân, tay trung tá của mình tên là Tám Hà ra hàng. Trên gọi điện cho tôi phải lấy bằng được bản khai của Tám Hà đem về. Tôi xuống gặp Phạm Xuân Ẩn, ông ấy nói có thể lấy được. Thường Phạm Xuân Ẩn hay mua chuộc mấy người giữ hồ sơ để cung cấp tài liệu cho ông. Họ chỉ biết ông ấy là nhà báo, viết rồi cho tiền chứ đâu biết ông ấy là cộng sản. Dáng ông ấy đi sành điệu quá mà.
Phạm Xuân Ẩn lấy được bản khai. Tám Hà khai ráo không sót gì, có cả việc vũ khí tích trữ gần Tân Sơn Nhất. Lấy được tài liệu tôi mới nói với Phạm Xuân Ẩn: "Nhiệm vụ chính hoàn thành rồi. Giờ ông lên lầu 3, chỗ cục tình báo nước ngoài hay họp, hỏi coi bên Mỹ tính sao với thông tin này".
Thế rồi tôi ngồi dưới Givral uống cà phê chờ. Một hồi, ông ấy xuống nói: "Hay lắm anh Tư. Bên Mỹ nghe mình chuẩn bị đánh sợ quá. Tổng thống nói với các phóng viên nếu mà Việt Cộng đánh đợt 2 thì chỉ có thương lượng rút quân".
3. NGƯỜI VẠCH RA TƯƠNG LAI CHO PHẠM XUÂN ẨN
- Ông Phạm Xuân Ẩn được coi là điệp viên hoàn hảo trong suốt 15 năm với vỏ bọc một nhà báo. Thời kỳ đầu tiên ông Mười Hương nhìn thấy tư chất gì ở ông Phạm Xuân Ẩn?
- Tôi nghĩ ông Mười Hương thấy lòng yêu nước khi ông Ẩn cầm cờ đi biểu tình năm 1950. Hai là ông Ẩn nói tiếng Anh trôi chảy. Trình độ của ông Mười Hương phát hiện người như vậy là giỏi.
Người tình báo số 1 là người lấy được tin quan trọng. Trong mạng lưới tình báo, tôi chỉ là người phụ trách, tổ chức đường dây. Nhiệm vụ chính của tôi là làm sao đưa tin ông Ẩn lấy được về bên kia an toàn và nhanh nhất. Còn Phạm Xuân Ẩn mới là người lấy tài liệu. Số tài liệu ấy mà rơi vào tay đối thủ thì ông ấy cũng chết.
Phạm Xuân Ẩn xây dựng một vỏ bọc hoàn hảo cho mình giữa Sài Gòn. Ông đi lại có con chó Becgie lững thững đi theo. Xuống ôtô là nắm lấy dây da. Con chó biết nghe lời bằng tiếng Pháp.
chi huy tinh bao Muoi Huong anh 5
Đám sĩ quan Mỹ thấy Phạm Xuân Ẩn cũng rất vồn vã mời lên nói tình hình Sài Gòn trong lúc chúng đi vắng. Nói chuyện có trả tiền nhé. Nói 1 tiếng trả tiền 1 tiếng, rất sòng phẳng. Phạm Xuân Ẩn cũng là người có khiếu hài hước, ông vào quán Givral nói chuyện tiếu lâm là phóng viên nước ngoài cười lăn.
Tìm được người như ông Ẩn, định hướng đi Mỹ học, hòa nhập vào xã hội Sài Gòn lúc bấy giờ để hoạt động tình báo là cái tài tình của ông Mười Hương.
- Sau này trong thời gian làm việc và kể cả chơi với ông Ẩn, ông Ẩn nói gì về ông Mười Hương?
- Ông ấy kể lại đứa em viết thư qua bển (Mỹ - PV), ông đọc cái là hiểu. Rồi ông ấy đấu tranh tư tưởng, quyết định về. Lúc ông Mười Hương bị bắt thì ông Ẩn cũng thương lắm nhưng biết là mình không thể cứu ông ấy ra được.
Sau này thì ông Ẩn vẫn nhắc ông Mười Hương với lòng tôn trọng vì thấy ông ấy chỉ cho con đường đi đúng. Ông Mười Hương là người vạch tương lai cho ông Ẩn.
Tương lai đó là để phục vụ tổ quốc, trở thành một điệp viên tầm cỡ thế giới.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Trần Văn Quang, Tư Cang) sinh năm 1928 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1945, ông tham gia cách mạng. Ông là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là cấp trên trực tiếp của những điệp viên nổi danh như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy… Cụm H.63 đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971.
Ông Tư Cang đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhì, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006...

ẤN TƯỢNG ĐẶC BIỆT VỀ NHÀ TÌNH BÁO HUYỀN THOẠI MƯỜI HƯƠNG QUA LỜI KỂ CỦA ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC
LƯƠNG KẾT / DV 14-6-2020

Thưa ông, nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương (Mười Hương) vừa qua đời ở tuổi 97. Là người làm công tác lịch sử, được biết ông đã nhiều lần gặp gỡ cụ Mười Hương, ông có cảm nhận thế nào?
- Sự nghiệp và sự cống hiến lớn nhất của cụ Mười Hương là trong lĩnh vực tình báo, an ninh quốc gia trong thời kỳ lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất cụ có giữ một số chức vụ trong Đảng và Nhà nước.
Có lẽ công tác trong lĩnh vực tình báo đã mang lại cho cụ Mười Hương tính cách của người từng trải, người chấp nhận mọi sự hy sinh, đặc biệt là tình thương yêu đồng đội. Tôi có cơ hội gặp nhiều nhân chứng, họ vừa là đồng đội, vừa là cấp dưới của cụ trong lĩnh vực tình báo như ông Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn… 


Ấn tượng đặc biệt về nhà tình báo huyền thoại Mười Hương qua lời kể của ông Dương Trung Quốc - Ảnh 1.
Cụ Mười Hương và nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Qua những nhân chứng và qua gặp gỡ trực tiếp, tôi thấy cụ Mười Hương là người hết sức tình cảm. Cụ thấu hiểu sự hy sinh của những đồng đội, không phải chỉ là sự hy sinh trước sự nguy hiểm của công việc và sự cả sự hy sinh sau này khi đã thành công.
Có lẽ từ đặc điểm công việc tình báo nên cụ Mười Hương rất kín đáo. Tôi có cơ hội gặp cụ vì liên quan đến vấn đề lịch sử. Từ những câu chuyện liên quan đến việc bảo vệ an toàn cho ngày Độc lập, cụ Mười Hương lúc đó với tư cách là thanh niên sống ở Hà Nội (cụ quê Hà Nam), cho đến việc sau này cụ hoạt động trong lĩnh vực tình báo.
Trong quá trình gặp gỡ, làm việc với cụ Mười Hương, có câu chuyện, kỷ niệm nào mà ông thấy ấn tượng nhất?
- Có một câu chuyện về cụ Mười Hương, tôi ấn tượng lớn nhất. Cách đây rất nhiều năm, một hôm cụ cho người gọi điện hỏi tôi đang ở đâu, ra gặp cụ ngay. Tôi lúc đó đang ở TP.HCM, còn cụ lại ra Hà Nội vì có một số công việc ngoài Bắc. Tôi vội đi máy bay ra Hà Nội để gặp.
Gặp tôi, cụ rất xúc động báo tin: "Anh bạn Nguyễn Hữu Đang của tôi đã mất rồi!". Sự xúc động không chỉ vì có người bạn, vào thời điểm đó đã ngoại bát tuần qua đời mà còn vì, như cụ nói: "Tôi đang muốn làm rõ những đóng góp của anh Đang trước những gì đã xảy ra với anh ở ngoài Bắc, khi tôi đang công tác ở trong chiến trường miền Nam".
Như chúng ta đã biết, ông Nguyễn Hữu Đang là người hoạt động rất sôi nổi trong những phong trào của Đảng, của giới trí thức Hà Nội, đặc biệt việc truyền bá quốc ngữ. Chính vì thế ông Đang có uy tín rất cao, được Bác Hồ hết sức tin cậy giao nhiệm vụ Trưởng Ban tổ chức Ngày Độc lập. Sau này ông Nguyễn Hữu Đang bị xét xử trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.
Trở lại câu chuyện của cụ Mười Hương, cụ bảo đang làm tất cả mọi cách để có thể làm cho rõ nhân vật Nguyễn Hữu Đang. Mặc dù thời điểm trước đó, Đảng và Nhà nước cũng có sự thay đổi trong chính sách đối với ông Nguyễn Hữu Đang, kể cả một số yếu tố liên quan đến đời sống của ông. 
Cụ bảo, khi đang ở trong chiến trường, nghe tin câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Đang, cụ không bao giờ tin được, bởi với người ấy, tính cách ấy (chỉ ông Đang), đã được thử thách trong thời điểm lịch sử thì không bao giờ có thể chống lại cách mạng. Họ có thể có sai lầm, nhưng không bao giờ phản bội. Chính vì thế cụ Mười Hương vận động để Nhà nước tặng một tấm huân chương để ghi nhận đóng góp của ông Đang.
Câu chuyện đó của cụ Mười Hương chỉ là một chi tiết nhỏ trong đời sống. Cụ trăn trở không phải chỉ vì vấn đề ngày hôm nay mà kể cả vấn đề quá khứ, vấn đề liên quan đến đồng đội, những vấn đề mà chúng tôi hay gọi là vấn đề lịch sử. 
Có lẽ đó là duyên cớ mà tôi có nhiều cơ hội được gặp cụ sau này. Gặp gỡ nhiều càng thấy cụ có trí nhớ tuyệt vời mặc dù đã tuổi cao, điểm nổi bật nữa là tình cảm. Cụ có tình cảm rất trong sáng. Cụ có nói với tôi một ý, đồng đội đã trải qua những thử thách của lịch sử thì họ hiểu nhau hơn rất nhiều so với cách nhìn thuần túy của những cơ quan chức năng, cho nên phải đi sâu vào vấn đề lịch sử, chính lịch sử đã tạo những con người được xem là huyền thoại.
Nhiều người đã nói cụ Mười Hương là thầy của những nhà tình báo huyền thoại như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ấn, ông thấy sao?
- Ai cũng biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp chẳng qua một trường lớp nào về quân sự nhưng ông vẫn trở thành một vị tướng huyền thoại. Trường hợp Cụ Mười Hương chắc cũng chẳng được đào tạo qua một trường lớp tình báo nào cả. Nhưng có lẽ ở đây là lòng yêu nước đã đánh thức rất nhiều năng lực và sự trung thành một lý tưởng đã dẫn tới thành công của những nhân vật lịch sử.
Nói tới nhân vật như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Cụ Mười Hương, chúng ta phải nói tới vai trò của Hồ Chủ tịch. Cụ Mười Hương là người đã tham gia vào những ngày đầu xây dựng chế độ, cụ là người được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ.
Tôi có đọc trong hồi ký của cụ Mười Hương thấy cách giao nhiệm vụ của Hồ Chủ tịch rất giản dị, chả có chuyện gì ghê gớm cả. Hồ Chủ tịch giao cho cụ Mười Hương vào Nam nhập cuộc cùng các đồng chí chia sẻ gánh vác, mong sao làm xong nhiệm vụ rồi trở về.
Cách đặt vấn đề trên của Hồ Chủ tịch rất thâm thúy, phát huy được tính năng động của mỗi người, đặc biệt là sự tin cậy của người lãnh đạo với cấp dưới. Tôi nghĩ chắc điều đó cũng diễn ra trong quan hệ của cụ Mười Hương – với tư cách chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam với các chiến sĩ của mình.
Xin cảm ơn ông (!)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Trần Quốc Hương (tên khai sinh là Trần Ngọc Ban); bí danh Mười Hương (các bí danh khác: Lý, Trang); sinh ngày 20/12/1924; quê quán xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam); thường trú tại số nhà 204/19 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng năm 1943. Đồng chí đã giữ các chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ); Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 10 giờ 10 phút ngày 11/6/2020 tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hưởng thọ 97 tuổi.
Trên 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 75 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của đồng chí Trần Quốc Hương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Trần Quốc Hương với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban lễ tang Nhà nước gồm 21 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
- Linh cữu đồng chí Trần Quốc Hương quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM.
- Lễ viếng từ 14 giờ, thứ Hai, ngày 15/6/2020; Lễ truy điệu vào hồi 9 giờ ngày 17/6/2020; sau đó là Lễ di quan, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét