Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

20200610. QUANH TAI NẠN TỪ CÂY PHƯỢNG TRƯỜNG HỌC


ĐIỂM BÁO MẠNG
BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 8-6-2020
GDVN- Có mùa phượng hồng nào buồn như năm nay, cây bị cắt bỏ, cây bị cách ly. Tuổi học trò xa vắng cánh phượng hồng vì một số người có tư duy kỳ lạ.
Những ngày qua, hình ảnh thất thần của thầy hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng (Quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh) - ngôi trường có cây phượng vĩ già nua bật gốc khiến nhiều học sinh bị thương và học sinh bị thiệt mạng khiến nhiều người suy nghĩ.
Thầy đã chịu trách nhiệm và học sinh của thầy cũng chẳng thể quay về đùa vui với chúng bạn trong lớp học nữa.
Sau sự cố ấy, hàng loạt những cây phượng trong sân trường khác bị đối xử một cách “kỳ lạ”, cây thì bị đốn hạ, cây thì bị cách ly.
Có lẽ nhiều lãnh đạo nhà trường lo sợ trách nhiệm nên thay vì để các cơ quan chuyên môn rà soát xử lý thì họ nhanh chóng ra quyết định cắt cụt hết cả tán cây; thậm chí bứng hẳn những cây to ra khỏi sân trường. Chỉ còn lại nền bê tông bỏng rát, vô hồn.
Tai nạn ngoài ý muốn tại trường Trung học cơ sở Bạch Đằng đúng thời điểm đầu hạ, khi loài cây vốn là biểu tượng của tuổi học trò bắt đầu bung nở.
Phượng là loài cây làm thổn thức trái tim học trò biết bao thế hệ, vì một sự trùng hợp của một tai nạn không ai muốn, bỗng trở thành “tội đồ”.
Phượng hồng đã từng là nhân chứng của tuổi học trò. “Mùa phượng, mùa nắng, mùa xa vắng. Mùa phượng, mùa thi, mùa chia li”… hàng ngàn những câu thơ, lời hát của tuổi học trò mộng mơ được cất lên dưới mái trường phượng nở.
Hình ảnh cây phượng đi theo ta suốt quãng đời học sinh, ghi lại bao cảm xúc vui buồn của tuổi học trò.
Nơi còn đọng lại những gì đẹp đẽ nhất mà tưởng chừng như có thể bỏ quên.
Một chút lo lắng vì kì thi sắp đến. Một chút khẽ vui vì mùa hè về, kì nghỉ hè cũng đến.
Một chút lưu luyến, bâng khuâng vì sắp phải tạm biệt thầy cô, bạn bè, cả cây phượng thân quen là nơi tụ tập bạn bè mỗi giờ ra chơi.
Phượng cùng lũ học sinh ghi lại bao cảm xúc, phượng chứng kiến những khoảnh khắc dấu yêu của tuổi ô mai, mộng mơ.
Những cành phượng hồng được thể hiện cái lộng lẫy, kì diệu của mình một cách trọn vẹn nhất mà lại là lúc quyến luyến, bồi hồi, trìu mến của tình bạn, tình thầy trò giữa mùa hạ chia ly.
Nhưng tại sao, chỉ vì một tai nạn hy hữu mà lỗi ở đây vẫn thuộc về con người khi không kịp thời chăm sóc, thay thế cây phượng già, cây phượng đã đi qua vòng đời của thảo mộc, hoàn thành xứ mệnh của nó với thiên nhiên?
Dạy học sinh bảo vệ môi trường như thế nào? Ảnh: VOV
Để rồi năm nay khi Hạ về, sau mỗi giờ học là tiếng trống trường khô khốc hòa vào màu nắng gắt giữa cục bê tông bỏng rát.
Nhìn cách tàn phá những cây phượng phải rất nhiều năm mới có được bóng mát, có thể thấy nhiều lãnh đạo trường học đang tìm mọi cách tránh chịu trách nhiệm.
Trong cuộc họp giao ban thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ rất thẳng thắn: "Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nói rất nhiều về vấn đề này. Nếu giờ thống kê thì trên cả nước có hàng nghìn, hàng vạn cây phượng. Vụ việc xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh là sự cố hy hữu, lần đầu tiên xảy ra.
Cây phương này đổ vì gốc hỏng, không may làm học sinh bị thương và một em tử vong. Sau vụ việc này, nhiều nơi thái quá đi cắt sạch phượng là không được. Tội nghiệp cho cây phượng".
Thay vì cắt bỏ một cách tàn bạo cây xanh trong trường học việc cần làm của người lớn là ra soát, kiểm kê “sức khỏe” của chúng, tìm cách khắc phục những tồn tại, hạn chế rủi ro khi mùa mưa bão về.
Có thể nói, sợ trách nhiệm là căn bệnh phổ biến, đã tồn tại trong hệ thống hành chính từ rất lâu và cũng là căn bệnh rất dễ “lây nhiễm”.
Giáo sư Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân làm cho cây gãy đổ: “ Với các khu đô thị, trường học mới xây dựng, muốn cho đẹp mắt ngay nên người ta thường trồng cây lớn.
Tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ xây xước trong quá trình vận chuyển đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng.
Sau này, khi thấy cây sống, mọi người tưởng rằng đã an toàn nhưng khi gặp gió bão, những cây này dễ đổ, gãy.
Khi làm sân trường, người ta thường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây. Trong khi đó, đặc điểm của cây phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày từ 15 - 20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và chết dần, cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ”.
Từ ý kiến của các nhà chuyên môn cũng thấy rằng ngoài việc sợ trách nhiệm, một trong nhưng nguyên nhân gây gãy đổ nữa chính là tư duy nóng vội của con người khi muốn có cây mới ngay, muốn đẹp ngay.
Và ở đây, có thể thấy, ở trong trường học, người lớn đang vướng vào “mớ bòng bong” về bệnh “ăn xổi” khi muốn đẹp ngay và khi xảy ra chuyện thì “sợ trách nhiệm” loại bỏ toàn bộ cây xanh trong trường học một cách nghiệt ngã.
Phượng hồng bị chặt hạ ở nhiều nơi vì sự thiếu hiểu biết.
Trên thời báo Tài chính đăng tải ý kiến của Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Các ban ngành, địa phương nên thống nhất tiêu chí quản lý cây xanh trong các khuôn viên công sở, trường học.
Giao đầu mối cho một đơn vị chức năng, nghiên cứu phương án, cách làm hay ở một số đơn vị đã làm để chọn ra tiêu chí chung rồi phổ biến rộng rãi cho các địa phương, đơn vị. Việc kiểm tra, giám định cây xanh cũng nên theo một đầu mối để thẩm định loại cây nào cần duy trì hay phải chặt bỏ. Việc chăm sóc, cắt tỉa cũng nên theo quy trình chung.
Không thể viện lý do cây phượng bật gốc ở trường Bạch Đằng mà chặt những cây phượng và các loại cây khác một cách tự phát như ở nhiều nơi.
Việc đốn hạ cây phải do đơn vị chuyên môn đảm nhiệm, nhà trường có trách nhiệm chăm sóc cây khi phát hiện các hiện tượng bất thường cho đơn vị chuyên môn, đơn vị này phải có trách nhiệm giám định cây định kỳ để đưa ra quyết định sớm, chặt bỏ hoặc chỉ tỉa cành".
Nếu không quan tâm tới hệ thống cây xanh thì có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả học sinh và giáo viên. Nhưng quan tâm tới mức cắt cụt hết, chặt bỏ, chỉ để lại những cây nhỏ thì đó lại là lối hành xử quá cứng nhắc.
Còn rất nhiều ý kiến khác của các thầy cô giáo và nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng, không thể vì một vài cây phượng bị gãy đổ mà chặt hết, phá hết. Nếu vậy, cứ mỗi lần có loại cây nào bị bật gốc, bị gãy cành thì lại cưa hết, rồi bứng cả cây đi hay sao?
Cây xanh cũng như con người, chúng có sự sống và cần được chăm sóc để phát triển khỏe mạnh. Một vài cây phượng bị hỏng rễ thì đó không phải là bản thân loài cây này nguy hiểm mà do những người có trách nhiệm đã bỏ mặc nó nhiều năm, cũng có nghĩa là họ chẳng hề quan tâm tới sự an toàn cho tới khi xảy ra sự việc thì cuống cuồng chặt phá. Nói như Giáo sư Trần Văn Chứ thì, cây xanh không có lỗi mà lỗi là ở lối hành xử của con người.
Trần Phương 
TIN LIÊN QUAN:
CHẶT CÂY VÀ HAI TIẾNG 'TRÁCH NHIỆM' TRONG HỌC ĐƯỜNG!
NGUYỄN ANH THI/VNN 7-6-2020

Cây phượng vĩ có thể không có giá trị gì nhiều, song cây xà cừ 40 tuổi là gỗ nhóm 1, hay cây me tây hơn 100 tuổi hiện bán khá đắt trên thị trường. Vậy những cây này chặt xong thì gỗ của nó đi đâu? 

Mới đây, ngày 5/6/2020 đã có thêm một vụ cây phượng đổ tại một trường học ở Đồng Nai, khiến 3 học sinh bị thương nhẹ. Nhưng trước đó, cây phượng bị đổ đè 18 học sinh, trong đó có một em tử vong tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TPHCM đã làm dấy lên cả một “phong trào” chặt đầu cây tại nhiều trường học trong cả nước. Mặc dù nhiều chính quyền địa phương đã có khuyến cáo.
Những tấm hình lan truyền trên báo và mạng xã hội cho thấy rất nhiều điều đáng ngạc nhiên. Ví dụ như hình ảnh hàng phượng vĩ tại Giảng đường Phượng vĩ của Đại học Nông lâm TP.HCM bị đốn hạ.
Chặt cây và hai tiếng 'trách nhiệm' trong học đường
Sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ hình ảnh khoảng sân trước giảng đường Phượng Vỹ với những cây phượng bị cưa cụt
Nói về chuyên môn cây trồng, chắc chắn các chuyên gia của trường này là bậc thầy thiên hạ. Vậy mà họ cũng chặt bỏ cây phượng không thương tiếc. Tại Di Linh, facebook của Hội đồng hương Di Linh đã đăng tải hình ảnh cây Me Tây cổ thụ được cho là hơn 100 tuổi tại trường THCS Lê Lợi bị chặt đầu không thương tiếc. Tại Nghệ An, những cây xà cừ 40 tuổi trong trường học cũng bị đem ra chặt.
Cư dân mạng, chính là phụ huynh học sinh và các học sinh chỉ biết than thở trên mạng. Trong khi đó, không một hiệu trưởng hay trưởng phòng giáo dục, hay giám đốc sở giáo dục nào có ý kiến nào về vụ này.
Lý do của việc chặt cây được đưa ra ban đầu là do sợ trách nhiệm. Bởi vì rõ ràng khi cây đổ trong trường đè vào bất cứ ai thì trách nhiệm là của hiệu trưởng, do họ được giao quản lý mọi tài sản của trường học.
Trong khi các quy định, quy tắc và việc thực hành chăm sóc, quản lý cây tại từng trường hiện nay không chặt chẽ. Và vì sự kiện cây phượng đổ đè vào 18 học sinh là một sự kiện hy hữu, thành ra xưa nay cũng chưa ai coi lại việc chăm sóc và quản lý cây xanh trong học đường.
Khi sự vụ bung ra, thì mới thấy bao nhiêu là lỗ hổng. Tỷ như cái lỗ hổng trồng cây và quản lý cây, vốn là gốc rễ của việc cây có thể đổ do lỗi của con người hay không cũng khiến ta phải kinh ngạc.
Và giáo sư Trần Văn Chứ, hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp đã chia sẻ trên trang cá nhân thế này về thảm họa chăm cây của các trường học: “Khi làm sân trường, người ta thường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây. Trong khi đó, đặc điểm của cây phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày từ 15 - 20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và chết dần, cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây đổ cũng có thể đến từ việc xây bồn xung quanh gốc. Đa số trong trường học, thường xây bồn kết hợp với ghế ngồi nghỉ cho học sinh, giáo viên. Bồn cao khoảng 40 - 45 cm so với mặt đất cũ, rồi đổ một lớp đất mới vào sau khi xây bồn xong khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.
Cây không chết ngay, nhưng yếu dần do các rễ nhỏ bị hỏng. Ở những phần cổ rễ cũ chết đi sẽ mọc ra những rễ tơ mới để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây. Mắt thường nhìn thấy cây sống tươi tốt nhưng thực ra ở phía bên dưới đã bị mục rỗng rồi.”
Một cây phượng tại trường PTCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM được làm một cái khung sắt trị giá 6 triệu đồng để giữ lại dù nó đã mục cả rồi. Lý do mà trường đưa ra giải pháp này chính là vì rẻ hơn là chặt cây.
Tuy cây này mới chỉ trồng tại trường vẻn vẹn có 4 năm nhưng nó đã 33 tuổi. Tức là nó đã được bứng tới đây trồng khi 29 tuổi, đã là cổ thụ, độ tuổi mà phượng dễ bị mục rỗng (sau 20 tuổi), chưa kể những sai lầm khiến cây hư hại vì vận chuyển, trồng và chăm sóc. Mà theo giáo sư Chứ, cây cỡ này "tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ xây xước trong quá trình vận chuyển đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng"
Nghĩa là ở đây câu chuyện trách nhiệm ban đầu đã lòi ra thêm câu chuyện sâu xa hơn của tư duy và tầm nhìn. Một học đường mà không muốn trồng cây từ nhỏ lên, chỉ ưa dùng cổ thụ bứng về đem trồng ăn sẵn. Khi cây đã mục thì không muốn bỏ mà dùng khung sắt giữ lại. Trong khi cái khung sắt 6 triệu này có an toàn hay không thì chưa thấy ai dám đứng ra đảm bảo, nhất là vào thời điểm mưa bão và cây trồng chịu gió lùa từ 4 phía, với tán rộng.
Và cuối cùng, là sự trục lợi có thể xảy ra. Hãy nhìn vào những cây bị đốn hay bị cắt cụt tại trường học vào thời điểm này. Cây phượng vĩ có thể không có giá trị gì nhiều về tiền bạc, song cây xà cừ 40 tuổi là gỗ nhóm 1, hay cây me tây hơn cả 100 tuổi hiện bán khá đắt trên thị trường để làm bàn ghế bằng gỗ nguyên khối.
Vậy những cây này chặt xong thì gỗ của nó đi đâu? Liệu chúng có bị bán đi thu tiền bất chính hay tự xuất hiện dưới hình thức bàn ghế, lọ lộc bình phong thủy cỡ bự trong nhà một quan chức hay không?
Hậu quả của thảm họa này, là đánh thẳng vào giáo dục. Trẻ em, khi tới trường được học ra rả về trách nhiệm, về việc phải sống thẳng thắng đàng hoàng, liêm chính, phải bảo vệ môi trường. Sau những sự vụ này, chúng có tin nữa hay không?
Nguyễn Anh Thi
NHÌN SÂU VÀO 'GỐC PHƯỢNG' ĐỂ TRÁNH TỔN THƯƠNG NHAU
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/GDVN 8-6-2020
GDVN- Riêng trong chuyện phượng bật gốc, để tránh sa vào tranh cãi và chỉ trích là tổn thương nhau, thiển nghĩ chúng ta cần nhìn nhận và tư duy theo một trình tự logic.
Sự cố một cây phượng bật gốc làm chết một học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là việc một đốn hạ loại cây này ở nhiều nơi đã dấy lên những tranh luận trái chiều.
Theo dõi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội những ngày qua, tôi thấy có khá nhiều ý kiến phê phán và chỉ trích đã được buông ra.
Tôi không bênh vực cho những người đã ra lệnh việc hạ đốn những cây phượng trong sự nôn nóng theo kiểu “thà đốn lầm hơn bỏ sót” nhưng tôi nghĩ, riêng trong chuyện này những ý kiến phê phán chỉ trích cũng chưa hẳn đã thuyết phục.
Tôn trọng ý kiến và quan điểm cá nhân của mọi người tuy vậy, bài viết này tôi muốn góp thêm góc nhìn khác.
Sau sự cố cây phượng đầu tiên thì mấy ngày sau chúng ta lại chứng kiến thêm hàng loạt những sự cố tương tự ở Đăk Lắk, Bình Dương,… [1]. Hay mới đây nhất là ở Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo- Biên Hòa, Đồng Nai chiều ngày 04/06/2020. Tôi xin dẫn lại nguyên văn mà báo Tuổi Trẻ đã thuật lại sự việc này như sau:
“Chiều 4-6, sau cơn mưa lớn, cây phượng vĩ trên 20 năm tuổi bất ngờ bật gốc khiến 3 nữ sinh khối 8 của Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị sây sát.
Theo thông tin ban đầu, lúc 15h30 cùng ngày học sinh được ra chơi, một số em ngồi ăn xế tại ghế đá dưới gốc cây phượng trong sân trường thì bất ngờ cây ngã xuống, 3 nữ sinh lớp 8 vội chạy khỏi ghế đá thoát nạn kịp thời.
Tại hiện trường, cây phượng vĩ cao khoảng 15-20m, đường kính 40-50cm ngã đổ đè lên bàn và ghế đá phía dưới khiến bộ bàn ghế này sập đổ. Một sợi dây điện cũng bị đứt ngang. [2]

Cây phượng được dựng các trụ chắn ở Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh hoạ;: VOV)

Cũng theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ thì Cô Đỗ Thị Cao Sang - hiệu trưởng nhà trường - xác nhận thì trước đó nhà trường đã làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân Thành phố Biên Hòa và Phòng quản lý đô thị Thành phố Biên Hòa xin phép đốn hạ 4 cây xanh và cắt tỉa 22 cây khác, trong đó có cây phượng vĩ vừa ngã đổ.
Và “theo kế hoạch, chiều nay 4-6, Phòng quản lý đô thị TP Biên Hòa sẽ cử người xuống đốn hạ, cắt tỉa cây xanh trong trường. Song do trời mưa quá lớn, lực lượng chức năng chưa kịp xuống xử lý thì sự cố xảy ra.”
Thông tin trên cho chúng ta thấy điều gì? Tôi không dám tưởng tượng cảnh nếu cây phượng chưa kịp đốn hạ kia gây thêm nỗi bất hạnh cho các em học sinh ở Biên Hòa, Đồng Nai thì Ban giám hiệu và cá nhân cô hiệu trưởng ở trường này sẽ bị dư luận chỉ trích và lên án như thế nào?
Thế nên, câu chuyện hạ đốn phượng ở đây mà nhiều người bảo là “phong trào” hạ sát cây vô tội vạ trong trường học có nguyên nhân sâu xa từ tâm lý sợ trách nhiệm, sợ mất ghế của những hiệu trưởng có thể là không sai nhưng dường như vẫn đang thiếu một cái nhìn khách quan, toàn diện và nhất là đặt mình vào vị trí của “những người trong cuộc”.
Tôi đồng ý và cũng không phủ nhận ở Việt Nam, hoa phượng được xem là biểu tượng, là ký ức của tuổi học trò (đã đi vào thơ ca, nhạc, họa…).
Tuy vậy, xin hãy nhớ cho biểu tượng và ký ức ấy chỉ thuần túy mang tính cá nhân của những người đã từng “ngồi trên ghế nhà trường”.
Chúng ta nghĩ gì về ký ức (nếu có sau này) của những em học sinh đã may mắn thoát nạn trong những lần cây phượng giữa sân trường bật gốc những ngay qua?
Thế nên, phải chăng, ở đây đang có sự áp đặt và nhất là đang nhầm lẫn giữa cái ký ức của bản thân “những người đi trước” với cảm xúc của các em học sinh vẫn còn đang chạy nhảy trong sân trường hôm nay nhất là những em may mắn thoát nạn?
Ở một phương diện khác, có một thực tế là, nhiều cây phượng trong khuôn viên trường học hiện nay dù bề ngoài xanh mướt, tán rộng mát để học sinh vui đùa, hoa nở đẹp nhưng tiếc thay phần bên trong pần thân và gốc lại hư hỏng, mục ruỗng.
Những cây phượng như thế này nếu phải chờ “cái quy trình” (như bài báo đã dẫn ở trên) cắt tỉa, thăm khám, bảo dưỡng, chăm sóc; hay mua vật liệu về để chống đỡ hoặc thậm chí đốn bỏ trong bối cảnh mưa bão đang về thì có khi lại gây ra những sự bất trắc và nguy hiểm khác…
Từ đây, tôi cho rằng, nếu bình tâm để nhìn sâu vào sự mục ruỗng của những thân và gốc rễ một số cây phượng đã bị đốn bỏ thì biết đâu chúng ta sẽ hạn chế được những lời cay nghiệt với những người đề cao sự an toàn và tính mạng của các em học sinh khi đã vội vã cho hạ đốn luôn cả những cây phượng còn non tơ!?

Vì trong sự vội vã này phải chăng còn do sự chi phối của cái “quy trình” rà soát cây trong trường học hiện nay mà ra?
Đó là chưa kể đến cái cơ chế và kinh phí để thực hiện rất khác nhau giữa những trường công lập và tư thục.
Vậy nên, riêng trong chuyện phượng bật gốc này, trong bối cảnh và điều kiện cụ thể ở trường phổ thông trên cả nước hiện nay, để tránh sa vào tranh cãi và chỉ trích là tổn thương nhau, thiển nghĩ chúng ta cần nhìn nhận và tư duy theo một trình tự logic dưới đây:
Một là, mạng người là quan trọng nhất. Trong trường học, thì sự an toàn của các em học sinh phải được đặt lên hàng đầu.
Hai là, dù phượng đẹp, dù phượng có là biểu tượng, là ký ức của tuổi học trò (sau này) nhưng nếu phượng già, phượng không an toàn, có nguy cơ gẫy đổ ảnh hưởng đến tính mạng học sinh thì cũng không nên nuông chiều vào dung dưỡng phượng.
Cuối cùng, từ đây và lẽ ra vấn đề quan trọng cần bàn ở đây là: những quy định và cơ chế liên quan đến việc trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học ở Việt Nam hiện nay mới là điều đáng để bàn luận.
Hay nói khác đi đó là cái tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”.
Vì lẽ ra, những quy định cơ chế về việc những loại cây nào mới được phép trồng, cách thức trồng và quy trình chăm sóc; định kỳ “thăm khám”, bảo dưỡng ra sao?
Ai là người được quyền quyết định việc đốn bỏ những cây không an toàn. Và khi quyết định hạ đố một cây nào đó thì cần thống nhất trong nội bộ nhà trường ra sao… nên được ban hành cụ thể và rõ ràng.
Nói tóm lại, nhiều cây phượng đã bật gốc rồi, đã có một em học sinh không may ra đi vì sự cố này rồi; và cũng có nhiều em khác suýt là nạn nhân…
Vậy nên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất bây giờ là tìm giải pháp để hướng tới mục tiêu cao nhất “tất cả vì các em học sinh thân yêu” chớ không nên nhầm lẫn giữa ký ức cá nhân với cơ chế quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học.
Và thay vì dùng lý trí để nhìn nhận bản chất sư việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ không phải để cho cảm xúc cá nhân lấn át để rồi vô tình gây thương tổn cho nhau.
Tài liệu tham khảo
[1]: “Thêm một cây phượng bật gốc trong sân trường”. https://thanhnien.vn/thoi-su/them-mot-cay-phuong-bat-goc-trong-san-truong-1231680.html
[2]: “Phượng bật gốc giờ ra chơi, 3 nữ sinh ngồi ghế đá dưới gốc tháo chạy kịp”.
https://tuoitre.vn/phuong-bat-goc-gio-ra-choi-3-nu-sinh-ngoi-ghe-da-duoi-goc-thao-chay-kip-20200604174423928.htm
Nguyễn Trọng Bình 
NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO DỤC
NGUYỄN KIM HỒNG /VNN 6-5-2020

Trong lúc nhiều người lo lắng, thương hè tiếc phượng thì có nên nhìn nhận tai nạn này theo một góc khác là vấn đề an toàn trường học.

Không ai muốn cây phượng trong sân trường đổ. Nhất là cái sự đổ của nó đã gây ra một hậu quả không một ai mong muốn.
Nỗi buồn hoa phượng và sứ mệnh của giáo dục
Cây phượng thứ hai trong sân Trường THCS Bạch Đằng được đốn hạ
Cây phượng đó, trước khi đổ còn đang là chỗ trú nắng của trẻ đến trường sớm, chưa muốn vào lớp học. Nó còn là nơi hò hẹn của những mối tình học trò mơ mộng... vậy mà hôm nay nó là tội đồ.  
Vì nó, nhiều cây phượng khác cũng bị xén cành. Những cây nghi là có thể đổ thì bị đánh đến tận gốc. Nhiều người nghĩ “thôi cắt đi cho nó lành”, và họ cắt luôn cả nỗi buồn hoa phượng.
Trong lúc nhiều người lo lắng, thương hè tiếc phượng thì có nên nhìn nhận tai nạn này theo một góc khác là an toàn trường học. 
Một người làm giáo dục lâu năm nói rằng chỉ cần đóng cái đai cho cây là có thể giữ nó khỏi đổ. 
Rồi thì lại nổi lên phong trào hiến kế để giữ cây, giữ cho mùa hè đỏ rực hoa phượng. 
Thế đấy, thay vì trồng những cây phượng còn nhỏ, thay vì không đổ xi - măng khắp sân trường, hoặc ít ra là không xây bít gốc để bức tử cây, rồi còn phải làm giá đỡ thì sẽ không có chuyện phượng đổ sân trường.
Hoá ra làm phượng không đổ cũng chẳng khó. Chỉ cần các trường học mới xây đừng vội vã bứng các cây cổ thụ từ nơi khác đến. Rồi cũng nên tính đến việc trồng cây gì khó đổ mà lại nhiều màu xanh.
Trường học cũng nên được quy hoạch rộng rãi hơn để trồng cây xanh rủ bóng, để có phượng hồng báo hè.
An toàn trường học có nhiều thứ phải lo, đó là bữa ăn đủ dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ học bán trú. Đó là giấc ngủ quý hơn vàng của trẻ giữa trưa. Là sự an toàn khi thực hành, an toàn khi đi dã ngoại...
Tất cả những thứ đó có thể cần ở mọi nơi, nhưng chỉ ở trường học mới lại là nơi đáng chú ý nhất. Trường học là nơi trẻ em chuẩn bị cho mình hành trang vào đời, là nơi trẻ sớm tiếp thu và thực hành kiến thức. Mà những kiến thức được thực hành này sẽ là kĩ năng, là năng lực của trẻ để hoà nhập cộng đồng.
Chúng ta đã có những chương trình dạy kĩ năng sống trong trường học, nhưng bao nhiêu trẻ biết sơ cấp cứu cho mình, cho bạn học?. Bao nhiêu học sinh có thể nhận ra những dấu hiệu của sóng thần, động đất để có thể tự mình thoát nạn?.
Hiện chúng ta đang nặng về giảng dạy nội dung khoa học, chưa gắn nội dung khoa học với cuộc sống hàng ngày, nhất là hình thành năng lực ứng phó với những thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, dịch bệnh.  
Nhà trường với sứ mệnh cao quý của mình còn phải làm cho trẻ đủ sức đề kháng với mọi sự cố trong tự nhiên, trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Đó mới chính là sứ mạng của giáo dục, của mọi nhà trường.
Nguyễn Kim Hồng (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
CÁI LÝ CỦA NGƯỜI CHẶT PHƯỢNG
THUẬN PHƯƠNG/ GDVN 6-5-2020
Ngay sau khi xảy ra chuyện cây phượng đổ đè chết một học sinh, chúng tôi đã thật sự lo sợ nói với nhau rằng: “Chỉ ngày mai thôi, không chỉ một cây phượng đổ mà là cuộc “thảm sát” hàng loạt cây phương khác sẽ xảy ra ở nhiều trường học cho mà xem”.
Bao nhiêu cây phượng chết oan (Ảnh VOV)
Chúng tôi nghĩ thế vì quá hiểu những người lãnh đạo của mình. Không ít người nhát gan và sợ trách nhiệm nên sẽ chọn giải pháp an toàn cho chính mình đầu tiên.
Quả chẳng sai, sự lo lắng ấy chẳng khác gì những lời tiên tri được báo trước. Hiệu ứng phượng “đổ máu” đã nhuốm đỏ nhiều sân trường từ Bắc vào Nam, từ thành thị về vùng vùng nông thôn.
Người ta bắt đầu ra tay chặt hạ hàng loạt cây phượng mà bất chấp tuổi của chúng. Từ những cây phượng mới trồng được vài năm tuổi, cây đang thời kỳ phát triển tươi tốt, xanh um.
Họ chặt hạ luôn những cây phượng thiếu nữ như cô gái xuân thì đang bước vào tuổi trăng rằm căng tràn sức sống.
Đến các bác phượng già đã vững chãi nơi sân trường vài ba chục năm qua.
Những sân trường ngổn ngang xác phượng. Thân cây đổ xuống được xẻ ra từng khúc chất đống giữa sân trường.
Những sắc phượng như màu máu nhuộm đỏ dưới nền xi măng bỏng rộp.
Không chỉ phượng khóc bởi bị vạ lây mà học sinh, giáo viên trong trường ai nhìn cảnh ấy mắt cũng đỏ hoe, rưng rưng ngấn lệ.
Bởi, mới vài ngày trước đây, quanh nơi gốc phượng đang mùa trổ bông đỏ rực một góc trường, từng tốp học sinh cùng vui đùa dưới những tán lá mát rượi.
Những cô cậu học trò tuổi mới lớn, nhón chân bẻ vài bông phượng cài tóc, ép vào vở để đánh dấu kí ức tuổi thơ.
Phượng đã đi vào thơ ca, vào nhạc họa. Phượng đã gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp của lứa tuổi thần tiên.
Thì nay, phượng không còn nữa, cái nắng như thiêu của mùa hè đã lấn chiếm sân trường. Giờ ra chơi nhưng chẳng còn bóng học sinh nào xuống sân đùa vui như trước.
Có hiệu trưởng nhìn cảnh ấy cũng chia sẻ nỗi lòng: “Phải chặt đi những cây phượng ai chẳng thấy xót, thấy tiếc? Thế nhưng không chặt, nếu xảy ra chuyện gì với học sinh thì ai chịu trách nhiệm? Mạng xã hội bây giờ họ chẳng tha đâu?”
Rõ ràng, nghe thì có vẻ đang lo cho học sinh, lo cho sự an toàn của các em. Nhưng ngẫm lại chính là đang lo cho cái ghế của mình.
Nếu thật sự vì học sinh thì đâu cần thảm sát phượng một cách không thương tiếc như thế?
Chỉ cần kiểm tra xem thân phượng có bị rỗng, xem cành có quá cao để cắt tỉa cho nó gọn.
Những cây phượng mới trồng vài ba năm tuổi đâu cần phải ra tay đốn bỏ? Phượng được trồng từ nhỏ thì tuổi thọ bao giờ cũng cao.
Thế nhưng họ chọn cách đốn hạ cho nhanh, cho tiệt nọc và như thế đỡ phải lo lắng thêm gì cho mệt.
Thuận Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét