Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

20181231. NHỮNG SỰ KIỆN QUỐC TẾ NỔI BẬT NĂM 2018 VÀ DỰ BÁO NĂM 2019

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÌN LẠI 5 VẤN ĐỀ QUỐC TẾ NỔI BẬT NĂM 2018 VÀ DỰ BÁO NĂM 2019

THANH BÌNH/ GDVN 31/12/2018

Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Viễn cảnh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã có những bước đột phá ngoạn mục nhưng vẫn để lại nhiều dấu hỏi.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm chao đảo nền kinh tế thế giới, viễn cảnh chính trị u ám ở châu Âu và chiến lược cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông được dự báo có thể là ngòi nổ cho những xung đột vũ trang trong thời gian tới.

Dưới đây, chúng tôi xin được tổng hợp lại 05 vấn đề quốc tế nổi bật trong năm 2018 và đưa ra một số dự báo năm 2019 để chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày cuối năm 2018.

1. Đột phá về ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên


Năm 2018 được cho là một năm thành công đối với tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.
Từ việc liên tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã chuyển sang thử nghiệm các triển vọng ngoại giao.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) tại Singapore ngày 12/6/2018 (Ảnh: CNN).
Sau khi tuyên bố chuyển từ việc cùng phát triển kinh tế và hạt nhân sang việc chỉ tập trung duy nhất vào phát triển kinh tế tại phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên, cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến một loạt các Hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un:
3 lần với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; 3 lần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6/2018 tại Singapore.

Bằng cách giảm bớt sự thù địch với Mỹ và Hàn Quốc, 2 quốc gia mà Triều Tiên coi là mối đe dọa lớn nhất đối với họ, Triều Tiên dường như cho thấy nỗ lực thay đổi môi trường an ninh bên ngoài.

Mỹ và Triều Tiên đống vai trò chủ chốt về trạng thái khủng hoảng của bán đảo Triều Tiên.
Cho nên việc hai nước quay trở lại quỹ đạo đối thoại không những đánh dấu điểm cao nhất về chuyển biến tốt của tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm nay, mà còn là điểm cao nhất trong quan hệ Mỹ-Triều sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un đã có 03 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2018. (Ảnh: AP).
Từ đầu năm 2018 đến nay, sự hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ hai miền Bắc-Nam nhưng nhìn từ lịch sử, bàn cờ nước lớn luôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hòa bình và phát triển của bán đảo này.

Việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn là nhiệm vụ khó khăn nặng nề và lâu dài.

Dự báo trong thời gian tới, sự tương tác xoay quanh bán đảo Triều Tiên của các nước lớn có tạo ra động lực thống nhất phương hướng hay không vẫn cần phải tiếp tục theo dõi.

2. Căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2018 khởi đầu vào ngày 22/3/2018.
Đó là ngày Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Ngày 6/7/2018 được xem là phát súng đầu tiên khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đúng 0h sáng ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.

Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng.

Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng quốc tế (Ảnh: TTXVN).
Bất chấp việc thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 01/12/2018, các mâu thuẫn chồng chất giữa hai bên sẽ không thể hóa giải được bởi sự khác biệt quá lớn.

Những biến động đã khiến năm 2018 trở thành một năm vô cùng khó khăn cho các nhà đầu tư.
Theo khảo sát của tờ The Wall Street Journal, đến 85% các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ cho rằng rủi ro đến với nền kinh tế Mỹ được đánh giá là nặng nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là một yếu tố rủi ro rất lớn với các nhà đầu tư vì nó ảnh hưởng và đe dọa đến dự báo kinh tế của rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ngày 26/12/2018, tạp chí Nikkei Asian Review cho biết các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến cho nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 thập niên tới.

Trước đó, Sách xanh về kinh tế của Trung Quốc năm 2019 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố đã thừa nhận, mặc dù bất đồng có thể cản trở tăng trưởng kinh tế tại cả 2 nước, song Trung Quốc sẽ bị tác động lớn hơn nhiều so với Mỹ. 

Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Argentina (Ảnh: Reuters).
Dự báo năm 2019, Mỹ sẽ tăng sức ép về thương mại, đầu tư và nói chung là kinh tế đối với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục tranh thủ các bạn hàng và đồng minh chiến lược như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ để dựng lên rào cản chung cho các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến là trí tuệ nhân tạo và mạng công nghệ 5G.

3. Biển Đông vẫn là nơi cạnh tranh chiến lược của các nước lớn

Tàu khu trục Benfold (ảnh) vừa cùng một chiếc Mustin ngang qua eo biển Đài Loan - Ảnh: US Navy
Năm 2018, cộng đồng quốc tế tiếp tục chứng kiến sự can dự của các nước lớn tại vùng biển được cho là nhộn nhịp nhất thế giới này.
Mặc dù ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về  “Văn bản Đàm phán Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” nhưng nhìn lại năm 2018, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington mới đây đã nhấn mạnh:
2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một “giai đoạn” mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa vấn đề Biển Đông thành một trong ba vấn đề mấu chốt của xung đột Mỹ-Trung, phối hợp với vấn đề Đài Loan và đối đầu thương mại.

Washington ngày càng chỉ trích gay gắt đối với các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đặc biệt, Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence thẳng thừng lên án hành vi hung hãn của Bắc Kinh trong vụ chạm trán nguy hiểm giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ hôm 30/9/2018.

Thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng bắt đầu can dự vào các hoạt động có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Đây cũng được cho là chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng liên minh 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia có tính trình tự và tổ chức chặt chẽ nhằm tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trên mọi mặt, trong đó có vấn đề về Biển Đông

Tại Diễn đàn An ninh châu Á (Shangri-La) 2018 ngày 3/6/2018, 2 vị Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để thách thức hành vi tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên hai cường quốc hàng hải, đồng thời là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cử tàu chiến tới Biển Đông tuần tra, khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Chiến hạm USS Chancellorsville, Hoa Kỳ (Ảnh:Reuters).

Dự báo năm 2019, khu vực Biển Đông sẽ tiếp tục chứng kiến sự đo sức gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các nước đồng minh.

Theo đó, biện pháp xây dựng lòng tin là điều cần thiết để các bên giảm bớt sự thù địch, tăng cường nhận thức chung và ngăn ngừa xung đột quân sự có thể xảy ra.

4. Dấu hỏi cho tiến trình Brexit

Ngày 25/11/2018, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Anh diễn ra ở Brussels, Bỉ đã đạt được thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Một bản “ly hôn” dài 585 trang với một tuyên bố chính trị kèm theo các phụ lục là kết quả của các cuộc đàm phán chật vật kéo dài 1,5 năm giữa các bên.

Ảnh minh họa (British Vetenary Association).

Với EU, thỏa thuận Brexit này là minh chứng cho sự đoàn kết giữa 27 nước thành viên, ngay từ những thời điểm đầu tiên của cuộc đàm phán.

Với London, dù chưa thể coi thỏa thuận Brexit này là “thắng lợi” nếu so sánh với các đòi hỏi và quan điểm cứng rắn ban đầu của Thủ tướng Anh, Theresa May, nhưng việc có được thỏa thuận này cũng tránh cho nước Anh một điều tồi tệ nhất là ra đi trong hỗn loạn.

Tuy nhiên, trở ngại phía trước vẫn còn rất nan giải cho cả EU và Anh khi hai bên cần phải đảm bảo được sự chấp thuận cần thiết từ Nghị viện châu Âu và một Nghị viện Anh ngoan cố.

Thực tế là, Thủ tướng Anh, Theresa May đã phải hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Nghị viện, dự kiến tổ chức vào ngày 11/12/2018 với lý do có mối quan ngại về vấn đề “chốt chặn” ở Bắc Ireland.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May tại buổi họp báo ngày 26/11/2018 (Ảnh: BBC).
Dự báo năm 2019, tiến trình Brexit sẽ tiếp tục tạo nên sự hỗn loạn chính trị và ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của London.
Theo đó, tham vọng về các cuộc triển khai quân sự ở nước ngoài có thể sẽ bị suy giảm khi chính phủ Anh bị “bội thực” bởi các vấn đề nội bộ cũng như vấn đề châu Âu.

5. Làn sóng biểu tình “Áo ghi-lê vàng” tại châu Âu chưa có hồi kết

Từ ngày 17/11, các cuộc biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu do phong trào “Áo ghi-lê vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào các ngày cuối tuần ở Pháp.

Cuộc biểu tình hàng loạt, được cho là tồi tệ nhất ở Pháp, biến thành bạo động làm gần 10 người chết, 500 người bị thương, hàng ngàn người bị bắt, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ euro.

Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi chính sách tăng thuê nhiên liệu được chính phủ Pháp công bố (Ảnh: Le Monde).
Trong khi phong trào biểu tình “Áo ghi-lê vàng” ở Pháp còn đang tiếp diễn, biểu tình ở Brussles (Bỉ) cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, thì người dân Hungary cũng xuống đường bất chấp mùa đông giá rét để phản đối chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban.

Ở Italia và Áo, hàng vạn người cũng đã đổ xuống các con phố ở Rome và Vienna để phản đối chính sách nhập cư và di cư.

Tổng thống Pháp, Emanuel Macron đang đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: Washingtonpost).
Tuy chính quyền các nước có cách xử trí khác nhau, nhưng các cuộc biểu tình tương đồng ở chỗ: các chính sách của chính phủ không hợp lòng dân.

Nếu như chất xúc tác cho phong trào nổi dậy “Áo ghi-lê vàng” nằm ở vấn đề thuế nhiên liệu thì những yêu sách đã nhanh chóng mở rộng sang vấn đề thuế khóa, sức mua và các điều kiện sống trong một xã hội ngày càng chia rẽ.

Trong thời gian tới, tìm kiếm một sự thỏa hiệp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng là điều rất khó đạt được một cách nhanh chóng.
Thanh Bình
TIN BÀI LIÊN QUAN:
DONALD TRUMP RÚT QUÂN KHỎI SYRIA, AFGHANISTAN  ĐỂ TẬP TRUNG ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC

NGUYỄN QUANG DY/ GDVN 29-12-2018

Câu chuyện Mỹ-Trung tranh giành ngôi bá chủ thế giới như một vở kịch lớn nhiều tập vẫn đang tiếp diễn, với những màn kịch vẫn còn chưa biết (như “parts unknown”).
Tuy Mỹ-Trung ngừng bắn đã gần một tháng (từ 1/12/2018), nhưng con đại bàng Mỹ và con rồng Trung Quốc vẫn đang vờn nhau (vừa đánh vừa đàm) tại ngã ba đường (giữa năm cũ và năm mới).
Ngừng bắn 90 ngày để đàm phán thương mại như một khoảng lặng trước một cơn bão lớn. 
Trước khi Noah Harari bàn về hiện tại (trong “21 bải học của thế kỷ 21”), anh ấy phải tìm hiểu về quá khứ và tương lai (trong “Homo Spiens & Homo Deus”).
Trước thềm năm mới (2019), chúng ta thử điểm lại năm cũ (2018), vì câu chuyện năm mới thường bắt đầu từ năm cũ.
Trong thế giới “hậu sự thật” đầy biến số, bàn cờ Mỹ-Trung càng khó lường. Ông Donald Trump thường dậy từ lúc gà gáy để tweet, làm thiên hạ bất ngờ. Trong khi người ta chúc nhau Giáng sinh vui vẻ và Năm mới bình an, thế giới vẫn bất an. 
Cuối năm cũ có gì mới? 
Trong thế giới bất an đó, Nhà Trắng chưa bao giờ được bình an.

Tướng James Mattis bị Tổng thống Donald Trump yêu cầu rời Lầu Năm Góc trước 2 tháng, ảnh ABC News.
Hai năm qua, đã có 12 quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump từ chức (hoặc bị sa thải). Bộ trưởng quốc phòng James Mattis là “người lớn” và vị tướng cuối cùng ra đi, sau H.R. McMaster (cố vấn An ninh Quốc gia) và John Kelly (Chánh văn phòng Nhà Trắng).
Tuy tin này không bất ngờ, nhưng Mattis từ chức vì bất đồng quan điểm với Trump về quyết định rút quân khỏi Syria là “giọt nước tràn li”.
Điều đó càng bộc lộ tình trạng bất ổn trong Nhà Trắng, như cuốn sách của Bob Woodward đã kể.  Đơn từ chức của Mattis đã nói lên nhiều điều (speaks volumes).
Tại Lầu Năm góc, trong khi mọi người nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, James Mattis phải dọn văn phòng để nghỉ việc luôn từ 1/1/2019 (chứ không phải 28/2/2018 như ông dự định).
Donald Trump đã nổi giận buộc James Mattis nghỉ sớm 2 tháng chỉ vì ông đã chỉ trích Tổng thống trong đơn từ chức, lại còn in ra 50 bản như truyền đơn để phân phát trong Lầu Năm Góc.
James Mattis được nhiều người khen ngợi và nuối tiếc càng chọc tức Trump. Tuy Mattis ra đi là một điều đáng tiếc đối với nhiều người, nhưng nó phản ánh xu thế Trumpism.
Trước mắt quyết định rút 2.000 quân khỏi Syria có vẻ gây sốc, nhưng về lâu dài nó phản ánh một tầm nhìn mới.  

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria gây ra nhiều hoài nghi và đồn đoán, ảnh: Military Times.
Trong bối cảnh tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung, Donald Trump buộc James Mattis ra đi sớm hơn dự kiến, có thể để lại một lỗ hổng trong Nhà Trắng vì ông là tác giả chính của Chiến lược Quốc phòng (NDS) và tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific” (FOIP).
Donald Trump đã bổ nhiệm Patrick Shanahan (Thứ trưởng Quốc phòng) là cánh tay phải của James Mattis trong việc soạn thảo NDS.
Tuy Shanahan cũng có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng ông ủng hộ Donald Trump về chủ trương lập Bộ Tư lệnh Không gian (mà James Mattis không tán thành).
Trong khi nước Mỹ phân hóa và chia rẽ về mọi vấn đề, hầu như tất cả đồng thuận chống Trung Quốc. Trump quyết định rút quân khỏi Syria (và Afghanistan) cũng nhằm mục đích tập trung chống Trung Quốc.
Quyết định này có vẻ gây sốc (trước mắt), nhưng nó phản ánh một tầm nhìn mới (về lâu dài).  
Tại Biển Đông, hôm 18/12/2018, mấy ngư dân miền Trung đã tình cờ (hay may mắn) vớt được một quả ngư lôi (giống loại “Yu-6” của tàu ngầm Trung Quốc) trôi dạt cách bờ biển Phú Yên 7km.
Sau khi tin này lan truyền, hải quân Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận họ “thất lạc” một quả ngư lôi (vì trên “vật thể lạ” có chữ Trung Quốc).
Tuy đây không phải là trò đùa ngày 1/4, nhưng chưa biết mấy ngư dân nghèo này được thưởng bao nhiêu tiền cho mẻ lưới cuối năm như một món quà bất ngờ từ Biển Đông (trước lễ Giáng sinh và Năm mới).   
Trong khi Biển Đông trở thành tâm điểm (và “thùng thuốc súng”) trong tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung, Việt Nam dễ bị mắc kẹt vào trò chơi quyền lực giữa hai siêu cường (hay “cái bẫy Thucydides”).
Dù Biển Đông dậy sóng hay tạm lắng thì đất liền vẫn không yên tĩnh.
Vừa đánh vừa đàm
Ngoài những vấn nạn phải đối phó thường xuyên như biến đổi khí hậu (do thiên tai) và tham nhũng (do nhân họa), câu chuyện đầu năm đang làm thiên hạ đau đầu là cuộc chiến Mỹ-Trung.
Trước thềm năm mới, Mỹ-Trung vừa hòa hoãn về thương mại, với “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” tại Buenos Aires (1/12/2018), vừa triển khai chiến tranh lạnh về kinh tế, với vụ bắt “công chúa Hoa Vi” (Mạnh Vãn Chu) tại sân bay Vancouver (1/12/2018).    
Nếu 2018 là năm bản lề, đã mở ra bước ngoặt chiến lược (turning point) trong quan hệ Mỹ-Trung, từ hợp tác chuyển sang đối đầu, năm 2019 có thể kích hoạt cuộc chiến thương mại tới điểm bùng phát (tipping point), làm thay đổi bàn cờ Mỹ-Trung và trật tự thế giới.
Tuy chưa biết Mỹ-Trung có bị xô đẩy vào “bẫy Thucydides” hay không, nhưng sang năm 2019, hình thái “vừa đánh vừa đàm” chắc vẫn là đặc trưng của trò chơi quyền lực Mỹ-Trung.  
Khi cuộc chiến Mỹ-Trung leo thang và mở rộng, người ta mới nhận ra chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tùy tùng trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20, ảnh: Minh Kính.
Những góc khuất của “tảng băng chìm” đầy ẩn số và biến số đang lộ dần như các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể mà Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc.
Nếu ta chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, thì chỉ “thấy cây mà không thấy rừng” và bỏ qua bức tranh lớn.
Sau một thời gian dài nước Mỹ như ngủ quên, nay đã thức tỉnh và điều chỉnh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ số một (theo NDS). 
Trong khi thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày có thể đem lại “thế thượng phong” cho Donald Trump, nó như “chiếc phao cứu sinh” đối với Tập Cận Bình.
Nhưng có một sự kiện nằm ngoài dự kiến của Tập Cận Bình là Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) bị bắt tại sân bay Vancouver (1/12/2018), là một đòn bất ngờ làm Tập Cận Bình và Bắc Kinh mất mặt.
Tuy không rõ Donald Trump có biết hay không, nhưng Tập Cận Bình và các cố vấn chắc bị động và lúng túng nên mấy ngày sau mới có phản ứng. Quyết định bắt 2 công dân Canada là nhằm trả đũa và trấn an dư luận (để gỡ thể diện). 
Như “họa vô đơn chí”, ngày 1/12/2018, giáo sư vật lý Trương Thủ Thịnh (Zhang Shou Cheng) đã bất ngờ nhảy lầu tự vẫn.
Ông Trương và quỹ đầu tư Danhua Capital đang bị FBI điều tra vì liên quan đến chương trình “Hàng Nghìn Nhân tài” (Thousand Talents program), nhằm thu hút công nghệ và nhân tài về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), người máy (robotics) và blockchain. 
Robert Lighthizer khẳng định (30/11/2018) Danhua Capital (vốn ban đầu US$434,5 triệu) liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025”. (Physicist linked to China program, Bill Gertz, Washington Times, December 12, 2018). 
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, nếu Trung Quốc muốn vượt ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” (hiện nay là $8.000) phải có 3 yếu tố:
(1) Khả năng hấp thụ khoa học kỹ thuật và tự nghiên cứu phát triển, (2) khả năng vốn tự có, và (3) thị trường đủ rộng cho phát triển, đặc biệt là đẩy khu vực phát triển thấp bắt kịp khu vực phát triển cao trong nội địa.
Nhưng nay cả 3 yếu tố này đang phụ thuộc nhiều vào hệ quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ. 
Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi tiếp phần sau của bài viết, Chớ đặt vấn đề Việt Nam hưởng lợi gì trước phần nổi của tảng băng chìm Trung-Mỹ, vào ngày mai 30/12/2018.
Nguyễn Quang Dy
CHỚ NÊN ĐẶT VẤN ĐỀ VIỆT NAM HƯỞNG LỢI GÌ TRƯỚC PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM TRUNG- MỸ

NGUYỄN QUANG DY/ GDVN 30-12-2018

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: The Independent.


Chiến lược hay chiến thuật?
Trong bối cảnh cả 3 yếu tố giúp Trung Quốc vượt bẫy thu nhập trung bình đều phụ thuộc cuộc chiến thương mại với Mỹ, Tập Cận Bình đã tách vụ Mạnh Vãn Chu ra;
Trung Quốc trả đũa Canada, nhưng cố tránh gây căng thẳng với Mỹ vì ngừng bắn 90 ngày với Mỹ lúc này là nước cờ chiến lược quan trọng, nên Tập Cận Bình phải nuốt giận nhượng bộ Donald Trump. 
Ngoài quyết định mua 500.000 tấn đậu tương (trị giá $180 triệu) và giảm 25% thuế nhập khẩu ô-tô Mỹ (từ 40% xuống còn 15%), Bắc Kinh còn cấm bán sang Mỹ chất fentanyl (gây nghiện) và phạt thật nặng những ai vi phạm, đồng thời hứa xem xét lại vụ Qualcomm mua công ty NXP, và sẵn sàng mở cửa thị trường.  
Tuy chưa rõ như vậy đã đủ thuyết phục Donald Trump hay vẫn “quá ít và quá muộn” (too little too late), nhưng qua vụ phạt ZTE (đã thành án lệ) và xử lý tiếp Hoa Vi (đang diễn ra), Trump muốn tăng sức ép lên “chuỗi cung ứng” (như công nghệ 5G) là gót chân Asin của Trung Quốc.
Hoa Vi và ZTE là 2 chủ bài về công nghệ cao của Trung Quốc (Hoa Vi lớn hơn ZTE 5 lần), nên chắc Tập Cận Bình phải cứu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: barrons.com.

Tuần trước, Bắc Kinh có dấu hiệu điều chỉnh kế hoạch “Made in China 2025”, tuy chưa rõ đây là điều chỉnh chiến lược hay chỉ là chiến thuật.
(Beijing no longer requires local governments to work on Made in China 2025, SCMP, December 14, 2018). 
Theo báo SCMP, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các địa phương không tuyên truyền rầm rộ về “Made in China 2025” như trong ba năm vừa qua.
Tuy Tập Cận Bình không dễ dàng đầu hàng Mỹ và bỏ kế hoạch chiến lược mang dấu ấn của mình, nhưng có thể ông đã nhận ra sai lầm và phải điều chỉnh.
Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch mới để thay thế (vào đầu tháng 3/2019) chậm lại một thập kỷ (tới 2035).
Tuy chưa rõ Henry Kissinger và Henry Paulson có thuyết phục được Tập Cận Bình đáp ứng các yêu sách của Donald Trump không, nhưng theo yêu cầu của Tập Cận Bình, yêu sách 142 điểm của Mỹ được hai bên giữ kín (để giữ thể diện).  
Trong khi đó, một số quan chức trong chính quyền Trump như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (có quan điểm ôn hòa) cũng nghi ngờ kế hoạch mới của Bắc Kinh và cho rằng họ chỉ xuống thang để hoãn binh chứ chưa chịu từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”.

Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, ảnh: The Standard.

Nên nhớ rằng báo cáo điều tra của USTR theo luật 301 (từ  8/2017) là chỗ dựa cho cuộc chiến thương mại và danh sách 142 điểm mà Trump yêu cầu Bắc Kinh phải đáp ứng.
Tháng trước, báo cáo cập nhật của văn phòng Lighthizer (USTR) vẫn khẳng định “Bắc Kinh chưa biết sợ (undaunting) và chưa làm gì để cải thiện tình hình”.
(Trump names hard liner Lighthizer to be vigilant in China talks, Megan Casella & Catlin Oprysko, Politico, December 3, 2018). 
Quyết định của Trump cử Robert Lighthizer làm Trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc chắc làm Bắc Kinh đau đầu. Vậy Lighthizer là ai?
Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng (8/2017), Robert Lighthizer đã lý giải đầy sức thuyết phục tại sao phải cứng rắn với Bắc Kinh, nên Donald Trump đã lệnh cho ông điều tra và đề xuất các phương án triển khai.
Trước đây, trưởng đoàn đàm phán thường là Bộ trưởng Tài chính (Steven Mnuchin) hoặc Bộ trưởng Thương mại (Wilbur Ross);
Nay Trump coi đàm phán với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu, vì cơ hội tái cử năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề này. Vì vậy, đây là một canh bạc lớn đối với Trump.

Tổng thống Donald Trump và cộng sự trong buổi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20, ảnh: TribLIVE.
Về con người và phong cách, Lighthizer và Trump tuy khác hẳn nhau, nhưng tư tưởng lớn gặp nhau (như “ideological soulmates”).
(Ideological soulmates: How a China skeptic sold Trump on a trade war, Andrew Restuccia & Megan Casella, Politico, December 26, 2018).  
Phần nổi của tảng băng chìm
Để tránh nhầm lẫn về khái niệm, trước hết “ngừng bắn tạm thời” là Mỹ tạm dừng chưa đánh thuế  25% như là “hưu chiến” (truce) để đàm phán tiếp (và nghỉ Giáng Sinh), chứ không phải “đình chiến” (ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh).
Thứ hai, “ngừng bắn tạm thời” chỉ liên quan đến thương mại là “phần nổi của tảng băng chìm”, trong khi Mỹ-Trung xung đột trên nhiều lĩnh vực.
Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là “hoãn binh” (chiến thuật), nhưng quá ngắn để Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ cấu (structural changes) như Mỹ đòi hỏi.  
Khi cuộc chiến leo thang, Tập Cận Bình và Donald Trump đều cần hoãn binh để đối phó với những vấn đề nội bộ.
Trong khi Donald Trump bị sức ép từ thị trường chứng khoán và mấy bang trồng đậu tương, Tập Cận Bình phải đối phó với những vấn đề cấp bách trong nước tiềm ẩn rủi ro.
Tuy Mỹ và Trung Quốc đã thông tin và lý giải khác nhau về thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi trong 15 tháng qua thì làm sao họ có thể thay đổi trong 3 tháng tới.  
Nói cách khác, trong khi Mỹ-Trung “đối đầu” (về chiến lược) thì họ “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật).
Trong bối cảnh đó, Mạnh Vãn Chu đã bị mắc kẹt trong trò chơi quyền lực mới (new game of thrones) như một tù binh hay con tin chờ quyết định dẫn độ.
Mạnh Vãn Chu và Hoa Vi bị cáo buộc đã gian lận để cung cấp thiết bị viễn thông cho Iran qua Skycom (một công ty con của Hoa Vi) nên đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ (từ 2009 đến 2014).
Theo các luật sư, một toà án tại New York đã có trát bắt Mạnh Vãn Chu từ 22/8/2018.  
Theo Bloomberg (7/12/2018) nếu đàm phán thương mại đổ vỡ, và Donald Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc (tổng cộng $517 tỷ), thì Trung Quốc có thể nguy to.
Trong cuộc chiến thương mại “bất cân xứng” (asymmetric) Donald Trump tin rằng sau “hiệp hai” Bắc Kinh sẽ “hết đạn” và tổn thất nặng nề.
Các chuyên gia kinh tế dự báo sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,5% xuống còn 5%, và chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%.
Có lẽ Tập Cận Bình và các cố vấn chủ chốt đã tính toán lại, thấy cần phải xuống thang và đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, nhằm điều chỉnh kế hoạch trước khi quá muộn. 
Gần đây, Viện Hoover (Standford University) phối hợp với George Washington University và Asia Society, đã quy tụ được một nhóm (working group) gồm 33 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và một số nước khác;
Mục đích là để phân tích những hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đối với các lĩnh vực (quốc hội, chính quyền bang, cộng đồng Hoa kiều, trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí, doanh nghiệp, và công nghệ) tại Mỹ và các nước khác.
Đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện, về thách thức của Trung Quốc trong hơn một năm qua.
Tuy hầu hết các chuyên gia này trước đây đều ủng hộ chủ trương hợp tác với Trung Quốc (Constructive Engagement), nhưng nay đề xuất phải cảnh giác với Trung Quốc (Constructive Vigilance).
(Chinese Influence & American Interests: Promoting Constructive Vigilance, Report by Hoover Institution, Stanford University, November 29, 2018).   
Lợi bất cập hại
Tại diễn đàn “Vietnam Business Outlook 2019” (2/11/2018), Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh (đại học Fulbright, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng) đã nhận xét thẳng thắn “triển vọng kinh tế năm 2019 khá ảm đạm”.
Nguyên nhân chủ yếu vừa do suy thoái kinh tế toàn cầu, vừa do tác động khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo Vũ Thành Tự Anh, không nên đặt vấn đề “Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” (vì lợi bất cập hại).
Một là, cuộc chiến này của Donald Trump được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hai là, cuộc chiến này không chỉ về thương mại mà là cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới.
Ba là, còn nhiều rủi ro ở phía trước nên chớ vội lạc quan, vì “bên ngoài đang có bão” (Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019, Vũ Thành Tự Anh, the Leader, 04/11/2018).  
Theo Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao, nhưng khi thực hiện thì lưng chừng, nên kết quả cũng chỉ ở mức lưng chừng.
Cứ sau 10 năm, lại có bất ổn vĩ mô xảy ra một lần. Năm nào kết thúc bằng số 9, thì kinh tế lại trục trặc do nền tảng tăng trưởng vĩ mô có vấn đề.
Các bất ổn vĩ mô đã xảy ra trong các năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 chắc cũng không ngoại lệ (tuy đã ký CPTP và có thể ký EVFTA).
Đối với các hiệp định thương mại, ký kết và thực hiện không tương xứng.
Ký hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn tranh thủ được cơ hội hay không lại là chuyện khác (như bài học AFTA và WTO). Nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa được chuẩn bị, “như bị trói chân tay rồi thả xuống nước để bơi”. 
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và cơ hội mới. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được nguy hay cơ, và khôn ngoan “biến nguy thành thời cơ”. 
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có mấy rủi ro lớn:
Một là độ mở cao và quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; Hai là nhập siêu quá lớn (đặc biệt là với Trung Quốc); Ba là quá lệ thuộc vào đầu tư FDI như “bẫy gia công” (chiếm 50% tổng thu nhập và 70% hàng xuất khẩu);
Bốn là bội chi ngân sách quá cao (tới 6% GDP); Năm là vay mượn quá nhiều (mắc vào “bẫy nợ công”). 
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/9/2018), Việt Nam nợ Trung Quốc hơn $6 tỷ trong tổng số nợ nước ngoài gần $100 tỷ.
Tuy khoản nợ này không lớn bằng các nước khác, nhưng đủ lớn để gây sức ép với Việt Nam như “bẫy nợ”, trong bối cảnh tài khóa bất ổn hiện nay.
Gần đây, Trung Quốc tăng cường ép Việt Nam “gác tranh chấp để cùng khai thác dầu khí tại Biển Đông”, như ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói hôm 16/9/2018:
“Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển là hợp tác khai thác trên biển”.
Đó là cái bẫy mà Philippines và Việt Nam cần tránh, như Malaysia gần đây đã tỉnh ngộ và gọi đó là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”.
Trong khi đó, Mỹ rất cảnh giác và sẵn sàng đánh thuế cao (tới 25% -35%) lên các mặt hàng của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng đối với thép Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam (như Formosa), Mỹ có thể đánh thuế tới 256%.  
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết, đến nay, Trung Quốc làm chủ thầu 49/62 dự án xi măng; 16/27 dự án BOT, 90% dự án EPC tại Việt Nam.
Năm 2017 Việt Nam nhập từ Trung Quốc $57 tỷ hàng hóa (bằng 30% tổng giá trị nhập khẩu), đưa mức nhập siêu lên $26.3 tỷ (bằng 10% GDP).
Hệ thống viễn thông của Việt Nam cũng dựa vào vào công nghệ của Trung Quốc.
Trong khi Viettel dựa vào Hoa Vi để xây dựng hạ tầng viễn thông 3G, và dựa vào ZTE vể điện thoại, thì VNPT cũng dùng công nghệ ZTE, trong khi ZTE và Hoa Vi đang bị các nước Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Canada tẩy chay (hoặc cấm) vì an ninh quốc gia. 
Tuy chưa biết xu thế đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng xu thế hợp tác đã kéo dài bốn thập kỷ (quá lâu).
Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ không kết thúc ngay cả khi Donald Trump và Tập Cận Bình ký hiệp định hòa hoãn, vì đây là cuộc chiến của thế kỷ 21 để định hình lại trật tự thế giới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: The Independent.
Trong khi một số nước xoay trục để “thân Trung” (như Philippines) là hiện tượng nhất thời (có thể đảo ngược), các nước khác xoay trục để “thoát Trung” (như Malaysia) là hiện tượng phản tỉnh (backlash) nên là xu hướng khó đảo ngược.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần cải cách thể chế và điều chỉnh chiến lược để kiến tạo một “không gian sinh tồn” an toàn hơn.
Lời cuối
Trong khi thiên hạ chúc nhau Giáng sinh vui vẻ và Năm mới bình an, chắc “công chúa Hoa Vi” cảm thấy bất an, tuy được tại ngoại trong ngôi biệt thự đắt tiền nhưng lãnh lẽo tại Vancouver.
Bà chủ tương lai của đế chế công nghệ Hoa Vi đầy quyền lực (là chủ bài của chương trình “Made in China 2025”) chắc rất khó chịu khi cổ chân phải đeo không phải đồ trang sức mà là cái vòng định vị GPS, như cách một động vật quý hiếm được bảo vệ quá chu đáo.   
Chắc Mạnh Vãn Chu không ngờ mình phải đón lễ Giáng sinh và Năm mới 2019 tại một nơi bà chỉ định quá cảnh, nhưng nay phải chờ quyết định dẫn độ sang Mỹ (như một tội phạm).
Như sự trớ trêu của định mệnh (và hệ quả không định trước), công chúa Hoa Vi đầy quyền lực nay bỗng trở thành nạn nhân của trò chơi quyền lực (game of thrones).
Đây có thể là chủ đề hấp dẫn cho một cuốn tiểu thuyết hay bộ phim hành động và khoa học viễn tưởng.    
Trong cuộc đọ sức để tranh giành vị trí bá chủ thế giới giữa con đại bàng Mỹ và con rồng Trung Quốc, công chúa Hoa Vi đã trở thành biểu tượng (và nạn nhân) của cuộc chiến tranh thương mại My-Trung, liên quan đến chiến lược “Made in China 2025”.
Chính Hoa Vi đang vận dụng công nghệ cao (như AI & big data) vào “hệ thống cho điểm xã hội” (social credit system) như một nguy cơ mới đối với loài người, mà sử gia Noah Harari đã đề cập tới.   
Nguyễn Quang Dy
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

20181230. NHẬN ĐỊNH KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018

ĐIỂM BÁO MẠNG
10 DẤU ẤN KINH TẾ NỔI BẬT NĂM 2018

PV CP/ cafef 29-12-2018
10 dấu ấn kinh tế nổi bật 2018

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều kỷ lục mới được thiết lập, không chỉ ghi nhận những thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định những cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của Chính phủ. Báo điện tử Chính phủ phối hợp với Báo Đầu tư lựa chọn những dấu ấn nổi bật của kinh tế Việt Nam 2018.

1. Tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2008, sau khi Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới lại chạm ngưỡng 7%, cho thấy nền kinh tế đã từng bước hồi phục vững chắc hơn.
Có được mức tăng trưởng ngoạn mục này là nhờ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết số 01, sát sao trong xây dựng và thực hiện các kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, hoặc điều hành chung chung, không cụ thể…
Điều đáng ghi nhận là, dù tăng trưởng GDP ở mức cao, song nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3,54% - đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017...
2. Kim ngạch xuất nhập khẩu thiết lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm ước đạt trên 482,23 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức xuất siêu 7,2 tỷ USD.
Đây là con số mà trước nay Việt Nam chưa bao giờ đạt được. Như vậy, Việt Nam đã có 3 năm liên tục xuất siêu với con số năm sau luôn cao hơn năm trước, là kết quả ấn tượng so với mục tiêu cân bằng cán cân thương mại đặt ra cho năm 2020. Xuất siêu lớn không chỉ góp phần quan trọng gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mà còn góp phần ổn định tỷ giá hối đoái.
Có được kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục này là nhờ thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo cơ hội để thúc đẩy dòng chảy thương mại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo toàn cầu của mình ở Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng xuất siêu cho Việt Nam.
Nhưng không chỉ là các mặt hàng chế biến, chế tạo (ngành tăng trưởng lớn nhất với mức 12,3%, đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp), năm 2018 cũng ghi nhận kỷ lục mới của xuất khẩu nông sản với giá trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính đạt trên 40 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông sản.

3. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 60 tỷ USD, tăng 3,3 lần so với cách đây 3 năm, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới
Có rất nhiều nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2018 tăng mạnh, như vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, làn sóng cổ phần hóa diễn ra mạnh mẽ, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, kiều hối tăng mạnh…
Nguồn dự trữ ngoại tệ kỷ lục đã giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong can thiệp thị trường tỉ giá. Nhờ vậy, dù năm 2018, thị trường tài chính thế giới biến động rất mạnh, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra..., khiến nhiều nước trong khu vực phải điều chỉnh mạnh giá đồng nội tệ, song tỉ giá đồng Việt Nam chỉ tăng hơn 2%. Tỉ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng Việt Nam ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tiền đề cho kinh tế nước ta tiếp tục phát triển.
Một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối tăng vọt là kiều hối về nước cũng đạt kỷ lục. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối của Việt Nam năm 2018 đạt 15,9 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam tăng 10% (năm 2017, kiều hối của cả nước đạt 13,8 tỷ USD).

4. Môi trường kinh doanh, đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, thúc đẩy các kế hoạch đầu tư lớn của khu vực kinh tế tư nhân
Sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã ghi các dấu ấn đặc biệt trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đưa niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lên cao. Năm 2018 ghi nhận kỷ lục về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành sau gần 20 năm thực hiện. Đây cũng là năm đầu tiên, Chính phủ có nghị quyết riêng về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 xác lập kỷ lục mới, với 131.275 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, năm 2018 là năm của các dự án quy mô lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, quy mô 335 ha, đã đi vào hoạt động sau hơn 1 năm xây dựng. Sân bay Quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã chính thức đón chuyến bay thương mại đầu tiên…

5. Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài
, Chính phủ khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của khu vực này đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, bổ sung vốn cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra chiến lược mới trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới, với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, tập trung thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, gia tăng liên kết với doanh nghiệp trong nước để tạo sức lan tỏa đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, năm 2018 cũng tiếp tục ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là trên 35,46 tỷ USD. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó. Cuối năm, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, đã chính thức vận hành thương mại. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam chính là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
6. Việt Nam đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN)
Đây là dấu ấn quan trọng nhất trong công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2018. Hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở, hiếu khách và tràn đầy cơ hội đầu tư - kinh doanh đã được lan tỏa rộng rãi.
Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”, chủ nhà Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thiết thực, như xây dựng quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu, hòa mạng di động một giá cước của ASEAN; kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời cho các nước ASEAN, xây dựng chuẩn kỹ năng chung trong ASEAN về công nghệ thông tin…
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn chính sách liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hoàn tất. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được ra mắt với sự tham gia của 100 trí thức người Việt trên toàn cầu. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang được xây dựng với thể chế vượt trội...
Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong vai trò nhà đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển...

7. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc đã có 7 thành viên thông qua, trong đó có Việt Nam, CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, với nội dung gần như giữ nguyên so với TPP dù 22 điều khoản được hoãn thực thi chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.

8. Kinh tế nông thôn phát triển với nhiều kết quả tích cực

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2018, cả nước đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc thù (Mỗi xã một sản phẩm - OCOP), hướng đến mục tiêu hoàn thành toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020.
Nhờ có Nghị quyết mà xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, được người dân ủng hộ. Đến nay, cả nước đã có 42% số xã đạt tiêu chí là xã nông thôn mới. Cũng nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết, năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh và tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm. Riêng miền núi, vùng đồng bào dân tộc những năm gần đây giảm 4%/năm. Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người nông dân được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và cả nước ngoài cũng đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những chuyển biến tích cực này đã mang lại thành tựu lớn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là con số kỷ lục 40 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2018. Nông nghiệp cũng đã thực sự trở thành bệ đỡ, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

9. Kỷ lục đón 15 triệu lượt khách quốc tế
Đây là lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt được con số này, đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch. Sau 3 năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi (tăng 3 triệu lượt so với năm 2017 và 5 triệu lượt so với năm 2016), duy trì mức tăng xấp xỉ 22% so với năm 2017.
Năm 2018, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá xếp thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam cũng được ghi nhận là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á trong lễ trao giải của World Travel Awards và là điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á trong lễ trao giải của Golf World Travel Awards.
Cùng với dấu mốc đón 15,5 triệu lượt khách, năm 2018, ngành du lịch cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (26 tỷ USD). Điều này góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
10. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động, trở thành đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng.
Sau 20 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời Ủy ban là bước đi quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong Lễ ra mắt Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với việc Ủy ban chính thức đi vào hoạt động, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ cao hơn, hoạt động doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Hoạt động hiệu quả của Ủy ban cũng là chìa khóa cho việc khơi thông, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Theo PV
Chinhphu.

NHỮNG KỶ LỤC KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 QUA NHỮNG CON SỐ

N.DƯƠNG/ trithuctre/ cafef 28-12-2018

GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây


Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 1.
Tốc độ tăng của chỉ số IIP thấp hơn năm 2017
Ngành chế biến chế tạo tiếp tục vai trò chủ chốt, tăng trưởng thấp hơn năm 2017 nhưng cao hơn các năm 2012 – 2016


Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 3.
Ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm, đạt -2%
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 4.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động gây chú ý khi tăng gần 50% so với năm 2017
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 5.
Đơn vị: %
Đa số doanh nghiệp ngành công nghiệp lạc quan về sản xuất kinh doanh trong quý I/2019 
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 6.
Tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm 13,9% so với năm 2017
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 7.
Đơn vị: triệu USD
Đầu tư nước ngoài tại 38 quốc gia, vùng lãnh thổ
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 8.
Ngân sách thặng dư lần đầu tiên trong 13 năm
Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 9.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục


Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 10.
Đơn vị: tỷ USD
5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Đơn vị: tỷ USD
4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD


Những kỷ lục của kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số  - Ảnh 12.
N.Dương
Theo Trí thức trẻ

VIỆT NAM: NHÌN NHẬN KINH TẾ CHÍNH TRỊ 2018 VÀ DỰ BÁO 2019

TS PHẠM QUÝ THỌ/ BBC/ BVN 1-1-2019
 

Biển hiệu chào mừng ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam được dựng lên hàng năm. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Chuyển động kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay được phản ánh bởi hai hướng có vẻ trái ngược về tính chất: kinh tế theo hướng thị trường hơn và chính trị theo hướng tập trung quyền lực cao hơn.
Hai xu hướng này khởi đầu từ việc ứng phó với suy giảm kinh tế trong các năm 2009 - 2015, mạnh lên từ 2016 và hỗ trợ nhau để tạo nên tăng trưởng kinh tế cao năm 2018, sẽ giao động không lớn năm 2019. Việc phân tích khái quát về hai hướng này được minh chứng bằng những sự kiện và số liệu gần nhất, cải cách thể chế thực chất cần được nhấn mạnh là dư địa tiềm tàng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Về kinh tế
Tăng trưởng GDP không chỉ là thước đo về thành tích kinh tế mà còn là sự biểu thị tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và nỗ lực điều hành của Chính phủ, nên nó đặc biệt quan trọng thu hút sự quan tâm.
Tổng cục thống kê vừa công bố tỷ lệ tăng GDP của cả nước là 7,08% với tỷ trọng vượt trội của nhóm ngành sản xuất, chế biến. Một số số liệu liên quan như chỉ số giá, tín dụng, tăng thu ngân sách… cũng được đưa ra để phản ánh sự thay đổi tích cực của chỉ tiêu này. Truyền thông nhà nước bình luận đây là một trong 10 sự kiện kinh tế đáng chú ý của năm sau một thập kỷ tính từ 2008.
Ngay sau đó, trong phiên họp cuối năm ngày 28/12/2018 của Chính phủ có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo chủ chốt các ban ngành và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "… niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng … chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này". Sự phấn khởi này là có thể hiểu được.
Kết quả tăng GDP cao năm 2018 là sự tiếp nối của xu hướng khắc phục sự suy giảm trong giai đoạn trước và ứng phó với tình hình mới. Sự điều hành tích cực của Chính phủ bởi chính sách kinh tế thích ứng đã tạo nên động lực thúc đẩy. Chính sách này được vận hành từ đầu năm 2016 với sự cam kết mạnh mẽ của 'Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp'.
Các hoạt động của Chính phủ theo hai hướng chính, một là khuyến khích tự do kinh kinh doanh, từ khởi nghiệp doanh nghiệp đến thúc đẩy đầu tư tại các địa phương trong nước và nước ngoài, và hai là giảm thiểu, loại bỏ các rào cản từ bộ máy hành chính quan liêu trong điều kiện thể chế còn nhiều bất cập.
Chính sách nêu trên với nội hàm kinh tế trọng cung và mang tính thực dụng có ba đặc điểm chủ yếu. Thứ nhất, nó không những tạo được sự khác biệt với người tiền nhiệm với cách tiếp cận thực tế hơn mà còn hướng tới khắc phục những hậu quả nặng nề về kinh tế và thể chế do khủng hoảng từ thập kỷ trước. Thứ hai, nó phần nào 'tránh' được sự ảnh hưởng của tư tưởng ý thức hệ giáo điều về chủ nghĩa xã hội, quan niệm về bóc lột lao động, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân… còn nặng nề trong hệ thống chính trị hiện hành. Thứ ba, nó khơi thông các nguồn nội lực, đặc biệt từ kinh tế tư nhân, các hộ cá thể và phát huy những lợi thế từ nông nghiệp, du lịch… hướng tới tăng trưởng.
Thời kỳ 30 năm đổi mới, trong đó có thập kỷ 'bất ổn' vừa qua ở Việt Nam và sự vận hành của chính sách kinh tế hiện nay cho thấy kinh tế thị trường là sản phẩm quá trình phát triển tất yếu của nhân loại với những tính quy luật và các nguyên tắc nội sinh. Chúng không ngừng được khám phá và áp dụng vào thực tiễn bởi con người để tạo sự thịnh vượng cho mình. Việc chuyển đổi kinh tế sang thị trường đòi hỏi sự nhận thức đúng và tuân thủ các quy luật và nguyên tắc của nó. Quan niệm thị trường chỉ là 'cứu cánh' tạm thời cho chế độ là nguyên nhân chủ yếu của những chính sách sai lầm, duy ý chí và quản lý yếu kém trong một số giai đoạn. Bởi vậy, chính sách kinh tế thích ứng đang thúc đẩy xu hướng thị trường mạnh lên. Xu hướng này cần được hỗ trợ bởi cải cách thể chế mới có thể đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Tổng thống Vladimir Putin đón TBT Nguyễn Phú Trọng ở Sochi hôm 06/09/2018. MIKHAIL KLIMENTYEV
Về chính trị
Chuyển động chính trị chủ đạo là sự tập trung quyền lực của Đảng Cộng sản. Đây là sách lược được ưu tiên thực hiện để củng cố chế độ và ổn định xã hội. Giải pháp chính trị này được đánh giá là thực tế ở Việt Nam khi không có sự lựa chọn khác để tránh khủng hoảng. Sự ảnh hưởng của yếu tố Trung Quốc, quốc gia có hệ thống chính trị tương tự với Việt Nam cũng được tính đến. Ngoài ra, một số quốc gia chuyển đổi sang chế độ theo kiểu phương Tây kiểu 'cách mạng cam' cũng là những bài học kinh nghiệm.
Chống tham nhũng 'không vùng cấm' và các nhóm lợi ích, cải tổ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cải cách hành chính… là các động thái mạnh và được nhìn nhận ở cả hai phương diện. Một là, tham nhũng đang là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, chống tham nhũng để lấy lại niềm tin. Hai là, trong Đảng đã và đang hiện diện các phe nhóm chia rẽ sự thống nhất mang tính nguyên tắc, chống tham nhũng là cách loại bỏ chống đối nhằm tập trung quyền lực.
Trong chiến dịch chống tham nhũng này đã có 40 vụ án và 500 bị cáo trong tổng số gần 60 vụ việc tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ khoá 12 đến nay đã xét xử sơ thẩm 21 vụ với 263 bị can, trong đó 3 bị cáo bị kết án tử hình, 9 bị cáo án chung thân. Hơn nữa, 60 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý, trong đó có 5 uỷ viên trung ương đương nhiệm cũng đã bị thi hành kỷ luật. Việc cách chức Uỷ viên trung ương đối với ông Tất Thành Cang tại Hội nghị TƯ 9 ngày 26/12/2108 dự báo các đại án sẽ vẫn tiếp tục trong năm tới.
Sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khoá 14 bầu làm Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời được giới truyền thông bình chọn là tiêu biểu năm 2018. Sự kiện này được bình luận sẽ thúc đẩy nhất thể hoá, vốn đang có chủ trương thí điểm ở cấp địa phương.
Một số hoạt động lập pháp của Quốc hội như ban hành Luật An ninh Mạng, đồng thuận tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và đặc biệt việc hoãn thông qua Dự luật về ba đặc khu không những chỉ thể hiện ý chí của Đảng và nhà nước, mà phần nào phản ánh ý kiến của người dân. Trước đó, các đợt biểu tình của đông đảo nhân dân phản đối dự luật này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. AFP
Một số điểm đáng chú ý được rút ra từ xu hướng chuyển động chính trị là:
Một, những bất cập của thể chế kể cả về các quy tắc, luật lệ, tổ chức, nhân sự đang được bộc lộ, phản ánh sự không phù hợp, trì trệ của thể chế hiện hành với sự chuyển đổi kinh tế sang thị trường;
Hai, các giải pháp mạnh về chống tham nhũng tạo phản ứng tích cực về niềm tin từ nhân dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ chính sách kinh tế thích ứng để tăng trưởng;
Ba, việc củng cố tổ chức, nhân sự của Đảng theo hướng tăng quyền lực cho Bộ Chính trị, Ban bí thư thể hiện sự thận trọng, cân nhắc về đề cao, sùng bái cá nhân khi chưa có cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu khác;
Bốn, một số nội dung trong lĩnh vực tư tưởng như 'tự chuyển hoá', 'tự diễn biến', 'tự nêu gương'… mang tính đức trị, khó áp dụng trong thực tế. Việc kỷ luật khai trừ GS Chu Hảo gây hiệu ứng trái chiều, đặc biệt trong giới trí thức.

Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành. HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Chính phủ Việt Nam đã loan báo năm 2018 có tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra. HOANG DINH NAM
Dự báo 2019
Nhận định về bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2019 là phức tạp, thay đổi nhanh và khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các lãnh đạo 'không ngủ quên trên vòng nguyệt quế' và tìm kiếm cách thức tăng trưởng nhanh và bền vững dựa vào ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông 'đặt bài' Tổ tư vấn kinh tế "làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy 'thiên đường ô nhiễm'", thậm chí đề nghị nghiên cứu về mối quan hệ giữa 3 trụ cột gồm "nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân chủ".
Tuy nhiên, dựa vào những phân tích tình hình năm 2018 những dự luận về chuyển động kinh tế chính trị năm 2019 có một số điểm chú ý sau:
Một là, tăng GDP năm 2019 vẫn là khả quan, gần đạt 7% chủ yếu nhờ quán tính của chính sách kinh tế thích ứng của Chính phủ và 'sự nhượng bộ' của Đảng trong lĩnh vực kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.
Hai là, chính sách kinh tế trọng cung sẽ gặp khó khi lượng cầu trên thế giới và trong nước sẽ suy giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lan rộng. Các nhận định về tác động đối với Việt Nam và sự chuẩn bị đối phó là chưa có phương án rõ ràng, cụ thể.
Ba là, cải cách thể chế, mặc dù được cho là quan trọng, thậm chí coi là dư địa của tăng trưởng, song không thể có đột phá theo hướng thúc đẩy mạnh thị trường, mà tuỳ thuộc vào những cân nhắc thận trọng của Đảng về tăng trưởng kinh tế và tăng cường tập trung quyền lực.

Bốn là, sẽ không thể tập trung quyền lực vào tay cá nhân và được thể chế hoá theo kiểu Tập Cận Bình ở Trung Quốc, nhưng xu hướng tập trung quyền lực của Đảng mạnh lên. Nhất thể hoá sẽ vẫn là sự cân nhắc thận trọng.

Việt Nam đang cải tổ ngành công an. GETTY IMAGES
Tóm lại, mức tăng trưởng cao trong năm 2018 tạo nên sự phấn khích chính trị, xã hội, nhưng để có tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài, như 'điều thần kỳ' từng diễn ra trước đây đối với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…, kể cả Trung Quốc đối với Việt Nam là hy vọng. Các cải cách trong giai đoạn tới, kể cả năm 2019 sẽ rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
P.Q.T.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46716174

"GDP 2018 VIỆT NAM TĂNG KỶ LỤC TRONG MỘT THẬP NIÊN: SỐ LIỆU RẤT ĐÁNG NGHI NGỜ"

HÒA ÁI/ RFA/ BVN 1-1-2019

ố liệu thống kê GDP Việt Nam trong một thập niên 2008-2018.
Số liệu thống kê GDP Việt Nam trong một thập niên 2008-2018. Courtesy: Ảnh chụp màn hình vov.vn
Tổng cục Thống kê, vào chiều ngày 27 tháng 12 công bố Tổng sản phẩm trong nước-GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới-World Bank ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008.
Đài RFA có cuộc trao đổi với Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng xoay quanh thông tin vừa nêu để tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2018.
Trước hết, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định về con số GDP tăng trưởng ngoạn mục ở mức 7,08%:
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Điều đầu tiên có thể khẳng định là con số đó không trung thực. Tại vì rất nhiều người đánh giá là tình hình kinh tế Việt Nam cho đến giờ chưa có gì sáng sủa, và một số chuyên gia phản biện độc lập còn đánh giá kể từ năm 2008, tức là thời điểm kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào suy thoái cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào thời điểm đó, cho đến nay đã 10 năm thì kinh tế Việt Nam vẫn hoàn toàn suy thoái. Do đó, một nền kinh suy thoái thì không thể có GDP tăng trưởng vượt bậc như vậy.
Vào năm 2017, vào khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ và các bộ, ngành hào hứng tuyên bố là GDP đã vượt lên đến 6,7% nguyên năm và 7% cho Quý IV của năm 2017. Trong khi đó, một chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì ông tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khoảng 3%. Và, theo tôi thì những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì khó mà tin cậy được. Cho nên nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn nữa thì GDP thực của Việt Nam có khi còn giảm dưới 3%.
RFA: Thưa tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông nhận định số liệu GDP 2018 của Việt Nam tăng 7,08% do Tổng cục Thống kê công bố là không trung thực. Vậy những phản biện của ông là gì?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu rủi ro của bộ ba bao gồm nợ công, nợ xấu và tình hình ngân sách.
Nợ công thực hiện nay đã lên đến 210% GDP, tức là lên tới ít nhất 431 tỷ đô la Mỹ (USD). Nhưng vào năm 2018 thì có lẽ lên phải tới 450 tỷ USD, tức là gấp đôi GDP; nghĩa là bao gồm cả nợ của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước mà Luật Nợ công Việt Nam không chịu tính vào. Tuy nhiên, nếu chiếu theo tiêu chuẩn, theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thì phải tính vào luôn thì nợ công của Việt Nam sẽ lên rất cao, ít nhất ở mức 210% GDP.
 
Chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì ông tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khỏang 3%. Và, theo tôi thì những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì khó mà tin cậy được. Cho nên nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn nữa thì GDP thực của Việt Nam có khi còn giảm dưới 3%
TS. Phạm Chí Dũng
Trong khi đó, nợ xấu thì hình như vẫn chưa giải quyết được một khoản đáng kể nào cả. Và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có thể lên đến hàng triệu ngàn tỷ đồng, rất cao.
GDP được cấu thành chủ yếu từ giá trị sản lượng của ba thành phần kinh tế lớn của Việt Nam, gồm thành phần kinh tế doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trong năm 2017 và năm 2018 thì thu thuế từ ba thành phần kinh tế này đều giảm khá mạnh và không đạt được dự toán. Cụ thể, thu từ khối doanh nghiệp nhà nước là giảm 2,9%; thu từ khối doanh nghiệp tư nhân giảm 2,2%; và thu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm đến 15,1%. Khi nhìn vào tỷ lệ thu thuế bị sụt giảm từ ba thành phần kinh tế tạo ra sản lượng thì lấy đâu ra cho việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7%, là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm?
Phản biện thứ hai là một nền kinh tế tăng trưởng thì không thể có số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động cao. Vào tháng 10 năm 2018, Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và phải giải thể nhiều bất thường, lên đến 24.500 doanh nghiệp, tức là tăng 76% so với cùng kỳ năm 2017. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp ‘bị chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy thì làm sao có thể nói nền kinh tế tăng trưởng mạnh?
RFA: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam sẽ ở mức 7% và Ngân hàng Thế giới-World Bank dự báo ở mức 6,8%, tương đương như năm 2018 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại. Quan điểm của ông thế nào?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Dự báo cho kinh tế năm 2019 của Việt Nam vừa rồi được phát ra bởi một số bộ, ngành và kể cả từ tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp vào cuối tháng 12 năm 2018. Trong đó đưa ra ba kịch bản kinh tế và đều có chỉ số tăng trưởng GDP cao, từ 6,5-7%. Thế thì tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lấy cơ sở dữ liệu ở đâu mà có thể đánh giá được việc tăng trưởng như vậy? Hay thuần túy đây là một động cơ chính trị và phục vụ cho những mục đích chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đánh bóng, tô hồng và hô hào?
Nền kinh tế đã suy thoái như những yếu tố mà tôi nêu ra và nhiều chuyên gia khác góp ý thì không thể có tăng trưởng kinh tế mạnh đến mức như vậy?
Một vấn đề khác là tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đánh giá xuôi chiều theo đánh giá của một số cơ quan nhà nước, như Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước về chỉ số lạm phát ở Việt Nam, chỉ ở mức 4%. Tôi không hiểu nỗi họ tính như thế nào trong khi lạm phát thực tế ở Việt Nam mỗi năm, trong những năm vừa qua đã lên đến vài ba chục phần trăm, chứ không phải được kiềm chế dưới 4% hay 5%.
Chúng ta chỉ cần đưa ra một so sánh vào thời điểm năm 2008 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay chỉ là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 thì tổng dư nợ tín dụng cho vay đã lên đến 7 triệu tỷ đồng, tức là gấp hơn 3 lần. Có nghĩa là trong khoảng thời gian một thập niên qua thì Bộ Chính trị, Đảng và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính rất có thể đã phải cho in tiền và in tiền rất ghê gớm từ 400-500 ngàn tỷ đồng/năm. Và chính việc in tiền như vậy tạo ra lạm phát tăng vọt.
Thực tế bây giờ bất kỳ người dân nào phải đi mua sắm thì đều thấy các mặt hàng tăng giá rất nhanh, chưa kể là được kích thích, kích hoạt bởi những yếu tố tăng giá điện, tăng giá xăng dầu, tăng giá y tế, tăng giá khám chữa bệnh… và tất cả đè lên đầu lên cổ người dân Việt Nam.

ổng cục Thống kê Việt Nam họp báo công bố GDP 2018 vào ngày 27/12/18.
Tổng cục Thống kê Việt Nam họp báo công bố GDP 2018 vào ngày 27/12/18. Courtesy: gso.gov.vn
RFA: Trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Việt Nam vào hạ tuần tháng 12, ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhắc đến một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2019 là chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và chủ trương của Chính phủ là kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế? Ông có nghĩ rằng thời điểm năm 2019, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ được đặc biệt chú trọng và trở thành nội lực của nền kinh tế?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Tại Nghị quyết 5 vào tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn công nhận kinh tế nhà nước là chủ đạo, chứ không phải kinh tế tư nhân và vẫn duy trì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không phải kinh tế thị trường. Cho nên mâu thuẫn với lấy kinh tế tư nhân làm nội lực là chính.
Thứ hai, kinh tế tư nhân chỉ chiếm được có 1/3 số tài sản so với 2/3 giá trị tài sản mà kinh tế nhà nước chiếm. Và, kinh tế tư nhân bị hạn chế bởi nhiều chính sách, không có đặc thù được nhiều ưu đãi như kinh tế nhà nước. Thế nhưng, kinh tế tư nhân từ nhiều năm qua đã chiếm hơn 2/3 giá trị tổng sản lượng của Việt Nam, trong khi kinh tế nhà nước chỉ chiếm có 1/3. Về việc này thì lại mâu thuẫn vô cùng lớn vì Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng chỉ đánh giá cho đến nay giá trị sản lượng của kinh tế tư nhân tạo ra chiếm có 8% mà thôi, trong khi thực chất là hơn 2/3.
Như vậy, tôi gọi những con số của Tổng cục Thống kê là những con số rất đáng bị nghi ngờ và nói thực chất ra đó là những con số giả. Tổng cục Thống kê, một cơ quan thống kê lớn nhất của Nhà nước mà đưa ra số liệu thống kê giả thì ai có thể tin được?
Thêm nữa là các cơ quan nhà nước có nêu thành tích của giá trị xuất khẩu của Việt Nam, cho rằng đây là thành tố chính để kích thích GDP tăng trưởng.
Quả thực giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là tăng và tăng gấp đôi GDP, ước khoảng từ 430 đến 440 tỷ USD trong năm 2018. Nhưng, hơn 70% giá trị xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, Việt Nam có thể xuất siêu, có thể tăng giá trị sản lượng xuất khẩu, nhưng về mặt thực chất là ngân sách nhà nước chỉ thu được thuế từ xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thôi. Còn lãi ròng qua xuất nhập khẩu thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng. Điều này có nghĩa là kinh tế Việt Nam chẳng được hưởng lợi gì cả ngoài thuế.
Từ đó có thể thấy là hai thành phần kinh tế chính tạo ra nội lực kinh tế ở Việt Nam gồm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước. Cho nên Việt Nam có một mâu thuẫn vô cùng lớn. Trong nước về mặt phổ biến nghị quyết, chủ trương thì luôn luôn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi các quan chức cao cấp đi nước ngoài để xin tiền, vay tiền thì luôn luôn chỉ nói kinh tế thị trường và đề nghị Mỹ, các nước Phương Tây-Liên minh Châu Âu linh hoạt cho Việt Nam sớm được chấp nhận quy chế kinh tế thị trường, bỏ luôn cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’.
RFA: Đài RFA ghi nhận tại các diễn đàn về kinh tế ở Việt Nam, một số giới chức và chuyên gia nhấn mạnh mặc dù GDP tăng trưởng kỷ lục, nhưng phải lưu tâm đến phát triển bền vững. Qua phân tích của ông vừa rồi, có phải yếu tố ‘phát triển bền vững’ cho nền kinh tế Việt Nam là một khái niệm xa vời?
 
Một nền kinh tế phát triển bền vững làm sao có thể dựa trên cơ sở dữ liệu của quá khứ và hiện tại mang tính chất là bị nghi ngờ và không trung thực, thậm chí là giả tạo?
TS. Phạm Chí Dũng
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Một nền kinh tế phát triển bền vững làm sao có thể dựa trên cơ sở dữ liệu của quá khứ và hiện tại mang tính chất là bị nghi ngờ và không trung thực, thậm chí là giả tạo?
RFA: Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2018 và đang chờ đợi ký Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu trong tương lai gần. Qua việc ký kết hai hiệp định này, Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, ông có nhận thấy dấu hiệu Việt Nam buộc phải chuyển sang cơ chế thị trường của thế giới và sẽ có cơ hội tạo ra đà phát triển kinh tế thật sự, chứ không phải là ‘ảo’ theo như nhận định của ông là GDP tăng nhưng kinh tế lại suy yếu?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Sẽ có bước chuyển dần, chuyển chậm, nhưng bắt buộc phải chuyển. Bởi vì nếu không chuyển thì sẽ không thể đáp ứng được những điều kiện của CPTPP; đặc biệt là những điều kiện về đầu tư, vay tín dụng và xuất khẩu. Nếu không có ‘kinh tế thị trường’ thì không được đáp ứng những điều kiện đó đâu.
Việt Nam bây giờ bắt buộc phải chuyển. Vấn đề là ông Nguyễn Phú Trọng chuyển hay ông Nguyễn Xuân Phúc chuyển hoặc cả hai ông cùng chuyển?
Nếu ông Trọng không chịu chuyển thì làm sao ông Phúc chuyển được? Ông Trọng cứ khư khư giữ ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Còn ông Phúc cứ khư khư giữ kinh tế nhà nước làm chủ đạo và vẫn say sưa với thành tích của GDP tăng trưởng kỷ lục thì làm sao nhìn vào thực chất của nền kinh tế để phát triển được?
RFA: Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dành thời gian cho cuộc trao đổi này với Đài RFA.
H.A. – P.C.D.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-2018-GDP-increases-highest-within-a-decade-suspicious-record-12282018130807.html