Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

20181223. THẢO LUẬN KINH TẾ CUỐI NĂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
KIỀU HỐI NĂM 2018 DỰ KIẾN ĐẠT 15,9 TỶ USD

HÀ THU / TPO 19-12-2018

TPO - Ngày 20/12, tại cuộc họp báo tổng kết công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2018, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, kiều hối năm 2018 ước tính có thể đạt 15,9 tỷ USD. 
Ông Nghị cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, mức tăng trưởng kiều hối của Việt Nam đạt 10% mỗi năm. Lượng kiều hối năm 2016 là 11,88 tỷ USD, năm 2017 là 13,8 tỷ USD . Dự báo Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018, ước tính đạt 15,9 tỷ USD.
Ông Nghị cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, kiều bào đang có xu hướng trở về nước, đóng góp và sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng rộng mở hơn, chính sách trọng dụng người tài bắt đầu phát huy hiệu quả.

Kiều hối năm 2018 dự kiến đạt 18,9 tỷ USD - ảnh 1
Ngày càng nhiều doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư và đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây đựng đất nước. Ảnh: Uyên Phương.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), cộng đồng NVNONN là nguồn lực quan trọng, có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Số chuyên gia, tri thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nạm duy trì ở mức 300 lượt/năm ( chưa bao gồm số người về Việt Nam dự hội nghị, hội thảo, và các đoàn trao đổi ngắn hạn).
Hiện có 4 chuyên gia trí thức NVNONN ( GS.TS Nguyễn Đức Khương ( Việt kiều Pháp), GS.TS Trần Văn Thọ ( Việt kiều Nhật), PGS.GS Trần Ngọc Anh ( Việt kiều Mỹ), PGS. TS Vũ Minh Khương ( Việt kiều Singapore)) đang tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong năm 2018, các nhóm và cá nhân trí thức kiều bào có nhiều hoạt động sôi nổi, kết nối nguồn lực quốc tế; ngoài các lĩnh vực truyền thống, nhuwgnx dóng góp về tri thức của kiều bào đã đi vào những vấn đề nóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD.
Những trọng tâm công tác của Ủy ban NVNONN trong năm 2019 là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách hiện có, kiến nghị những chinh sách, biện pháp đột phá mới nhằm tạo điều kiện hơn nữa và khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giảm thiểu các hoạt động chống phá đối với trong nước của các tổ chức, cá nhân người Việt cực đoan.
Ngoài ra, Ủy ban NVNONN sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài ( đặc biệt là các địa bàn quan trọng, có đông NVNONN) đổi mới, đa dạng hình thức vận động, chú trọng tập hợp thu hút các thế hệ kiều bào trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa công tác dạy và học tiếng Việt đi vào chiều sâu.
Một số hoạt động nổi bật do Ủy ban NVNONN đứng ra tổ chức hoặc phối hợp thực hiện của năm 20018 có thể kể đến: Diễn đàn” Kết nối Starup Việt trong và ngoài nước” tháng 6/2018 tại TP HCM, chương trình gặp mặt người Việt làm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trong và ngoài nước tháng 8/2018 và sắp tới là Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương diễn ra từ 26/12 đến 29/12 tại Nghệ An, Hà Tĩnh…
TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Thủ tướng mong bà con kiều bào chung tay dựng xây Tổ quốc
  • Kiều bào khắp thế giới vượt 1.000 hải lý thăm Trường Sa
  • Hành trình từ trái tim của kiều bào tới Trường Sa
  • Hơn 120 thanh niên kiều bào về dự “Trại hè Việt Nam 2018”
  • Gian nan kết nối kiều bào với doanh nghiệp Việt

 'VIỆT NAM NHẬN 15,9 TỶ USD KIỀU HỐI NĂM 2018' : THỰC HAY GIẢ ?

PHẠM CHÍ DŨNG / BVN 21-12-2018

Hình minh họa.
Hình minh họa.
Một hiện tượng tiền tệ và có thể mang cả tính chính trị rất đáng mổ xẻ và truy xét về nguồn cơn thật sự của nó đã hiện ra: trong hai năm 2017 và 2018, Ngân hàng Thế giới đã làm thay phần việc của các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… ở Việt Nam trong việc công bố kết quả kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
Ngân hàng Thế giới làm thay cho Việt Nam?
Trong lúc các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam vẫn như cấm khẩu trong cả hai năm trên, thì Ngân hàng Thế giới đều đặn công bố “Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước” và “Việt Nam đã nhận tổng cộng 15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018”.
Ngay lập tức, các tờ báo Đảng và ‘thân Đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ Ngân hàng Thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của Đảng và Nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng Thế giới về lượng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng nhưng đã không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng Thế giới…
Trong thực tế, số liệu của Ngân hàng Thế giới về kết quả kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 là rất đáng nghi ngờ về tính chính xác, nếu không muốn nói là đáng nghi ngờ về tính trung thực.
Phản biện với Ngân hàng Thế giới
Từ nhiều năm qua, một thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã thường xuyên xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối: Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Vào năm 2017 khi các cơ quan Việt Nam không chịu công bố con số tổng kiều hối trên bình diện quốc gia, chỉ duy nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM công bố kết quả kiều hối về Sài Gòn là khoảng 5,2 tỷ USD.
Khi năm 2018 đã gần trôi qua, trong khi các cơ quan Việt Nam vẫn im bặt mà không chịu công bố bất cứ con số kiều hối tổng nào, thì cũng lại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đưa ra con số kiều hối mà Sài Gòn dự kiến thu hút trong năm 2018 là khoảng 5,2 tỷ USD.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn - nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5,2 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ USD.
Nhưng vì sao các cơ quan Việt Nam cố giấu diếm công bố về kiều hối của vào năm 2017 và 2018? Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ “kiều bào ta?” Liệu đã xảy ra một “sự cố” đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối trong hai năm 2017 và 2018?
Cạn kiệt ngoại tệ!
Trong liên tiếp 23 năm trước năm 2016, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 140 USD triệu năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; 11 tỷ USD năm 2013; 12 tỷ USD năm 2014, và hơn 13,2 tỷ USD năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền cho biết trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.
Hẳn nhiên, kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì “máu” để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng kinh tế không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để “gom” USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều trong những năm tới.
Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015.
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 10 năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5-6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi đô la ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7 năm 2017, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Khi kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
Sẽ không ngạc nhiên khi từ năm 2016 trở đi bắt đầu một chu kỳ suy giảm đáng kể của dòng kiều hối của “kiều bào ta” về miền đất đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ 10 liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.
Vào cuối năm 2018, một lần nữa chính sách vừa ngấm ngầm vừa công khai về ‘tìm cách huy động vàng và ngoại tệ’ trong dân lại được chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia được tuyên truyền đạt hơn 60 tỷ USD đang nhanh chóng rơi vào cảnh cạn kiệt.
Hàng loạt cú bắt và phạt tiền đối với người đổi USD và cơ sở kinh doanh đổi USD trong những tháng cuối năm 2018 tại Cần Thơ và Nghệ An cho thấy các cơ quan ‘có trách nhiệm’ đang cố làm nhiều cách để buộc người dân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại phải bán lại ngoại tệ theo ‘giá nội bộ’ cho Ngân hàng Nhà nước để Chính phủ có thêm ngoại tệ trả nợ cho nước nước ngoài.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

TS LƯU BÍCH HỒ : 'CẦN THẬN TRỌNG VỚI VẤN ĐỀ NỢ CỦA NỀN KINH TẾ'

PHƯƠNG DUNG/DT 19-12-1028

Dân trí: Chuyên gia TS Lưu Bích Hồ cho rằng, không chỉ có hơn 60% nợ công mà nợ của chúng ta còn bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia.

TS Lưu Bích Hồ:  “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế” - Ảnh 1.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng, bức tranh nền kinh tế vẫn còn nhiều "tảng băng chìm".
Phát biểu tại toạ đàm về triển vọng nền kinh tế diễn ra sáng ngày 19/12, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng: "Vẫn còn một số vấn đề lớn. Tất cả những gì xuất hiện trước mắt là phần nổi của tảng băng chìm, dù đã có nhiều điểm sáng mới”. Theo TS Lưu Bích Hồ, năm 2018, chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn, nhưng chưa đủ. Ông cho rằng, nếu không tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn, toàn diện hơn thì sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
“Gần đây, có đánh giá của một tổ chức quốc tế là chất lượng nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 48/149 quốc gia và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cũng khá. Nhưng tôi thấy không hoàn toàn đúng về nền tảng tăng trưởng. Một số tổ chức nước ngoài họ hay khen chúng ta quá mức nữa”, ông Hồ nói.
Vị chuyên gia cũng thẳng thắn: "Chúng ta xếp hàng đầu về độ mở trong những nước có 50 triệu dân trở lên, trong đó kinh tế FDI chiếm trên 70% xuất khẩu thì chúng ta làm được bao nhiêu”.
Về nợ, chúng ta đang sống và làm ăn trên một núi nợ, không chỉ có hơn 60% nợ công / GDP, mà nợ của chúng ta bao gồm cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia, nợ của cả nền kinh tế rất lớn. “Cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế. Sống trên núi nợ thì phải tính làm ăn ra sao đây?”, ông Hồ nói.
Phát biểu thảo luận tại buổi Tọa đàm, TS. Ngô Trí Long cho rằng, chúng ta cần phải đi vào bản chất, không đi vào số lượng, phải đi vào chất lượng.
"Ngay bội chi ngân sách, do cách tính khác nhau nên bội chi giảm. Độ mở nền kinh tế cũng chúng ta là trên 200%, cao nhất thế giới nên tác động khó dự báo từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, năng suất lao động thấp, cạnh tranh còn yếu, phụ thuộc vào nước ngoài. Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng", ông Long nói.
Ông Long đánh giá, mặc dù thu ngân sách năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nhưng chi cũng nhiều. Ông cũng đặt câu hỏi về sức bật của nền kinh tế, thay đổi đột phá chiến lược và cải cách phát triển về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...
"Hai động lực mới là phát triển kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng quan điểm của chúng ta vẫn mơ hồ về cách mạng 4.0, trong đó có những loại hình kinh tế mới, khi ra đời mâu thuẫn với kinh doanh truyền thống, làm sao để vận dụng linh hoạt, phù hợp nhằm tạo ra sức bật cho nền kinh tế", ông Long nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, sự dịch chuyển cấu trúc nền kinh tế chưa có tiến bộ nào đáng kể. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu thực hiện từ năm 1995 theo hướng dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp nhưng xét về tăng trưởng GDP, chế biến chế tạo không thay đổi, hàm lượng nước ngoài trong công nghiệp chiếm quá nửa.
"20 năm qua Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự. Vốn dành cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp so với dịch vụ là 50 – 50. Đến thời điểm này dịch chuyển theo tỷ lệ 40 - 60. Giá trị gia tăng trên 1 lao động của nông nghiệp vẫn đang tăng lên, trong khi khu vực công nghiệp lại giảm. Đặc biệt từ năm 2008 khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI tốc độ giảm nhiều hơn", ông nói.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, những con số trên cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu.
"Tuy nhiên, đây lại được xem là tín hiệu tích cực bởi thực tế tại 25 nước phát triển đều nằm trong xu hướng này. Theo tôi, chúng ta nên nghiên cứu phát triển kinh tế hướng này bởi thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch, đây cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019", ông nói và dự báo, GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
DƯƠNG HƯNG/ TPO 19-12-2018
TPO - Tại tọa đàm "Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông" do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 19/12, các chuyên gia cho biết, kinh tế Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng tốt, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào FDI, nợ quốc gia chiếm tỷ trọng cao.

Nhiều chuyên gia lo ngại sức bật kinh tế 2019
Nhiều chuyên gia lo ngại sức bật kinh tế 2019 

Kinh tế phụ thuộc vào FDI, nợ quốc gia lớn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng tưởng cao, đạt mức gần 7% năm, nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị FDI thấp, chủ yếu là gia công, không có nhiều sản phẩm thể hiện sự chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Đối với các nước công nghệ phát triển, trừ Hàn Quốc có chuyển giao công nghệ chút ít còn các nước phát triển khác hầu như không có chuyển giao. Tính bền vững của nền kinh tế thấp.
“Nếu có biến cố xảy ra, FDI rút đi, chúng ta tăng trưởng dựa vào gì?”, ông Tuyển đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, tăng trưởng GDP trong 20 năm qua của Việt Nam trong ngành chế biến, chế tạo không có sự thay đổi nhiều, phần lớn nằm ở các doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt Nam rất ít.
“Trừ ô tô của VinFast xuất hiện thì hơn 20 năm qua chưa có 1 sản phẩm nào của ngành chế tạo thực sự. Nếu xét về cơ cấu lao động và giá trị gia tăng trên 1 lao động, trong 20 triệu lao động chỉ có 5,5 triệu lao động dành cho lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt từ năm 2008 khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI tốc độ giảm nhiều hơn”, TS Nghĩa cho hay.
Sống trên núi nợ, chuyên gia lo sức bật kinh tế 2019 - ảnh 1
 Ông Lê Xuân Nghĩa
Trước sự phụ thuộc vào FDI, TS Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đánh giá mới đây của một tổ chức quốc tế  phản ánh chất lượng kinh tế Việt Nam xếp thứ 42/149 quốc qua là không thực chất.
Trái lại, Việt Nam đang đối mặt với một núi nợ. Không chỉ có nợ công, mà cả nợ của doanh nghiệp, người dân với khoảng 235% GDP.
“Sống trên khoản nợ lớn thì làm ăn ra sao? Tiếp sau đây, nếu chịu thêm tác động của chiến tranh thương mại thì chúng ta ứng phó thế nào? Tôi lo rằng sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước thì e là khó thoát khỏi vùng trũng tăng trưởng, khó đạt được mức 7%", vị chuyên gia nói.
Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nhận định năm 2018, điểm nhấn quan trọng nhất là Chính phủ đã lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh thay vì cố gắng tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
Trong những năm tới, nếu Chính phủ nhất quán, kiên định về chủ trương, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tương đối cao, trên 7%. Dù không đạt được mức 8-9% như trước đây nhưng cái giá phải trả cho tăng trưởng là thấp nhất.
Về nợ, TS Ánh cho rằng Việt Nam đã siết khá chặt, không để phát sinh nợ mới. Phần trả nợ lãi đưa vào chi ngân sách hàng năm.
Năm 2017, Việt Nam bắt đầu bỏ phần trả nợ gốc ra khỏi ngân sách. Nếu bỏ 1-2% GDP để trả nợ gốc, khối lượng trả nợ gồm nợ gốc và nợ lãi tăng khoảng 2-3% so với trước đó. Nghĩa vụ trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi của Việt Nam đã tăng vọt. Phần nợ sẽ chiếm hết phần ngân sách vốn dùng để chi đầu tư nhưng nếu không trả nợ được, sẽ liên quan tới vấn đề nặng nề hơn rất nhiều.
Sống trên núi nợ, chuyên gia lo sức bật kinh tế 2019 - ảnh 2
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm
Theo ông Ánh, dù mức thu thường vượt dự toán ngân sách, nhưng nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý.
Động lực phát triển năm 2019
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fubright Việt Nam cho rằng, Việt Nam có 3 đông lực để phát triển kinh tế trong thời gian tới là cải thiện vốn đầu tư; cải thiện năng suất lao động, chuyển biến từ năng lao động truyền thống sang công nghiệp tiêu dùng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu tiếp tục cải thiện kinh tế như năm 2018, ba động lực trên sẽ tạo những hiệu quả kinh tế mới trong năm 2019.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho biết, từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI, tốc độ giảm nhiều hơn. Những con số này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu. Tuy nhiên, đây lại được xem là tín hiệu tích cực bởi thực tế tại 25 nước phát triển đều nằm trong xu hướng này.
"Chúng ta nên nghiên cứu phát triển kinh tế hướng này bởi thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Nông nghiệp và du lịch cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019", ông Nghĩa nêu quan điểm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • “CPTPP là chất kích thích với nền kinh tế Việt Nam”
  • Kinh tế Việt Nam ra sao thời hậu 'TPP không có Mỹ'
  • Cầu nối kinh tế Việt Nam với thế giới
  • WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên 6,8%
  • Giám đốc khu vực châu Á - TBD của WEF: Ấn tượng với kinh tế Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét