Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

20181218. KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG GDP NĂM 2018 VÀ 2019

ĐIỂM BÁO MẠNG
HAI KỊCH BẢN CHO TĂNG TRƯỞNG GDP NĂM 2018 VÀ 2019

LAM THANH/ MTG 17-12-2018


2 kịch bản cho tăng trưởng GDP - Ảnh: minh họa
Kịch bản 1 cho năm 2018 là tăng trưởng GDP 6,83%, CPI bình quân 4% và năm 2019 GDP 6,9%, CPI bình quân 4%. Kịch bản 2 là năm 2018 tăng trưởng GDP 7,01%, CPI bình quân 4 - 4,2% và năm 2019 GDP tăng 7,1%, CPI bình quân 4,5%.
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), trong tháng còn lại của năm 2018, nền kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 11 tháng đầu năm.
Sang năm 2019, với mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Mặt khác, tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kỳ kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được kỳ kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Do đó, cùng với những nỗ lực của chính phủ trong việc ký kết ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại FTA, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất - nhập khẩu.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Chính phủ đang nỗ lực “kiến tạo” để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, cùng với niềm tin đang được khơi dậy từ công cuộc chống tham nhũng của Đảng hiện nay sẽ có những tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng.
Về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Chiến tranh thương mại cùng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
Bên cạnh đó, giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008-2010), gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng,...).
Cùng với đó, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc - EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.
Tiếp theo, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài: thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém, nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao (về công nghệ, giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn về môi trường,...) khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới như sau:
Kịch bản 1: Năm 2018 tăng trưởng GDP 6,83%, CPI bình quân 4% và năm 2019 GDP 6,9%, CPI bình quân 4%.
Kịch bản 2: Năm 2018 tăng trưởng GDP 7,01%, CPI bình quân 4-4,2% và năm 2019 GDP tăng 7,1%, CPI bình quân 4,5%.
Lam Thanh

CHẤM DỨT 'DẤU ẤN NGUYỄN TẤN DŨNG': CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG  TIẾN VÀO 'VÙNG TỬ ĐỊA'

THIÊN ĐIỂU / VNTB 17-12-2018

Sáu tháng cuối năm 2018, chính trường Việt Nam chao đảo với hàng loạt sự kiện liên quan các vụ án nhắm vào giới quan chức nắm giữ các ảnh hưởng quyền lực lẫn đầu dây mối nhợ của các nhóm lợi ích hàng đầu Việt Nam. Có thể là ngẫu nhiên, cũng có thể là một kịch bản “hợp lý” khi ông Trần Đại Quang đột ngột từ trần đã tạo một bước ngoặt cho việc thống nhất quyền lực về tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sau khi kiêm chức Chủ tịch nước, 2 trong số 6 cựu tướng lĩnh cấp tổng cục và Tổng cục của Bộ công an bị bắt trước đó do liên quan vụ án tổ chức đánh bạc là Phan Văn Vĩnh và một Nguyễn Thanh Hóa ra tòa. Một động thái trước đám tang Trần Đại Quang, thái độ lừng khừng và nhiều thông tin manh nha cho thấy khả năng vụ án sẽ chuyển sang :xử lý nội bộ”. Đây cũng là 2 trong số 4 tướng được ông Nguyễn Tấn Dũng thăng cấp và bổ nhiệm cùng lúc trước khi rời ghế Thủ tướng không lâu. Dư luận vẫn âm ỉ đồn đoán mục tiêu cuối cùng của công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ thành công và chỉ kết thúc khi đạt đến đích là chính Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật quyền lực bất ngờ ngã ngựa vào phút cuối năm 2016, để lại câu nói để đời là khuyên các quan chức ở lại hãy “là người tử tế”.
Trên mặt trận kinh tế, việc bắt ông trùm ngân hàng Trần Bắc Hà được xem như cú đốn hiểm và ngoạn mục nhất từ khi phát động cuộc chiến chống tham nhũng. Những người quan tâm tới hiện tình chính trị Việt Nam thì ai cũng biết tầm vóc của Trần Bắc Hà lớn đến mức nào. Có thể nói rằng: Nếu gom hết tất cả các vụ đại án kinh tế đình đám trong khoảng 10 năm trở lại đây cộng lại thì may ra cũng chỉ bằng 1/3 qui mô ảnh hường kinh tế của Trần Bắc Hà. Một nhân vật được xếp vị trí “chỉ dưới một người” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương chức.
Song song với đó, dư âm vụ án quan chức Bộ công an bảo kê đánh bạc vừa tạm lắng thì vụ qui hoạch Thủ Thiêm đột ngột bùng lên dẫn đến lệnh bắt, tạm giam hai cựu Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài. Tiếp tục, ngày 14/12/2018, Bộ công an ra thông báo khởi tố vụ án và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai tướng công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Đây chính là 2 trong số 4 tướng được nói ở trên. Như vậy: Việc khởi tố đối với Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, tuy liên quan các vụ án khác nhau nhưng chỉ rõ một sự thật là các vị trí quyền lực nhất mà ông Dũng để lại trong Bộ công an đã bị đánh bại hoàn toàn. các ảnh hưởng còn lại của ông Dũng trong Bộ công an nếu có cũng không còn đáng kể.
Việc khởi tố đối với các cựu quan chức Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận đồn đoán là nhằm vào cựu Bí thư thành phố Lê Thanh Hải, hỗn danh là “Hải Japan; Hải heo..”. Tuy nhiên, nếu chỉ nói đích đến là Lê Thanh Hải thì chỉ là xét đoán trên dấu hiệu bề nổi. Vì sớm hay muộn, chắc chắn Lê Thanh Hải không thể thoát khi mà chỗ dựa quyền lực lẫn dòng chảy kinh tài liên quan “gia tộc Lê Thanh Hải” đã bị đốn hạ. Ẩn phía sau cái tên Lê Thanh Hải là câu chuyện khác hơn nhiều mà điểm bắt đầu phải kể đến là liên minh đứng sau để Lê Thanh Hải dám chống lại cả lệnh điều động của TW, không chịu ra Hà Nội để bàn giao ghế Bí thư thành phố cho Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (sau lên Chủ tịch quốc hội) cách đây gần 20 năm. Thế lực liên minh này phải đủ mạnh để khiến ngay cả bóng dáng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương quyền cũng không đủ để Lê Thanh Hải phải quá e dè khi vẫn ung dung tự tại khiến Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông Dũng chịu thất bại ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 2007-2009. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân tạo nên tên tuổi Trần Bắc Hà, từ một Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tỉnh Bình Định, nhảy lên Chủ tịch BIDV, bất ngờ và nhanh chóng vươn tới vị trí mà dư luận còn có đánh giá khác là có thể “phớt lờ cả Ngân hàng nhà nước” (!)
Hướng tiến công của mặt trận mới đã hé lộ khi một nhân vật liên quan đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài đã bị bắt và cả các đường dây mối nhợ liên quan Vũ “nhôm” sắp đưa ra xét xử sẽ lộ rõ, bất chấp mọi suy đoán và cái thế hừng hực đang có vẻ dồn vào hai cái tên Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng. Rất nhiều khả năng hướng tiến công không nhằm vào 2 ngọn cờ đã trong tình thế chơ vơ không có cả chân lẫn người bảo vệ. Hướng tấn công này khó khăn và nguy hiểm hơn cả cuộc chiến vừa qua ở Bộ công an.
Năm 2018 có thể sẽ kết thúc bằng lệnh bắt 2 thứ trưởng công an vừa bị khởi tố, nhưng năm 2019 ngọn lửa dữ dội sẽ không chỉ cháy trong “lò chống tham nhũng” mà cả bên ngoài lò, nơi cuộc chiến mặt trận mới đụng tới các chân tay của nhóm quyền lực bao trùm lên nền chính trị Việt Nam qua nhiều thế hệ chứ không đơn giản ở một số cá nhân mang tính biểu tượng. Chưa phải mặt trận cuối cùng, nhưng đây mới chính là mặt trận cam go, mang tính sinh tử lớn nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng phải chiến thắng hoặc thất bại hoàn toàn.

CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC ...TIỀU PHU

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 18-12-2018

Ảnh minh họa: pixabay.com
Phần mở đầu bộ phim truyền hình “Tương dạ” theo thể loại “Huyền huyễn” đang chiếu trên màn ảnh nhỏ đề cập đến lực lượng biên phòng thời nhà Đường bên Trung Quốc.
Những lính biên phòng ở một tiền đồn phía Bắc tiếp giáp với hoang nguyên (thảo nguyên hoang dã) được gọi là “Tiều phu”.
“Củi” mà lực lượng “tiều phu” này đốn không phải là cây rừng mà là bọn trộm cướp hoặc quân binh ngoại bang thường xuyên quấy nhiễu dân chúng. “Đốn củi” không phải là ngăn chặn, phòng ngừa, cảm hóa mà là tiêu diệt.
Tuy khác nhau về nhiều phương diện song người viết có liên tưởng thế này: Có thể nói nước Việt ngày nay cũng có lực lượng “Tiều phu” với nhiệm vụ thu gom củi cho vào “lò” mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lửa.
Dân chúng cả nước đều có chung nhận định, rằng lực lượng “Tiều phu” trong chiến dịch “gom củi” đang có những hoạt động nổi bật, rất nhiều “củi” đã bị đốt và cũng không ít “củi” đang để cạnh lò chờ đến lượt.
Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng “Tiều phu” cũng vẫn có chỗ mà dân chúng muốn góp ý, xin cầm đèn chạy trước các bác “Tiều phu” một tí thế này:
Hình như “Tiều phu” nhà mình mới dành thời gian phân loại “củi” theo hàm lượng nước chứa trong gỗ, nghĩa là “củi khô, củi vừa vừa, củi tươi”, dân chúng chưa thấy sự đa dạng của “củi”, sự đa dạng muốn nói ở đây là nguồn gốc xuất xứ các chủng loại “củi”.
Sự đa dạng của củi theo nghĩa đen, chẳng hạn củi vớt từ sông mùa lũ, củi từ rừng ngập mặn, củi từ phá rừng phòng hộ xây biệt phủ,…
Theo nghĩa bóng thì có thể là “Củi Gộc, Củi Tướng, Củi Tá, Củi Tổ, Củi Thanh,...”.
Riêng về “Củi tướng” thì đã có không ít bình luận, tính từ khi cuộc chiến chống xâm lược biên giới phía Bắc và phía Tây Nam kết thúc, thời gian cũng đã mấy chục năm. Không ngờ hòa bình mà đất nước lại “mất” nhiều tướng đến thế?
Theo thống kê (có thể chưa đầy đủ), cho đến nay đã có tới 21 tướng bị kỷ luật, giáng cấp, tước quân tịch hoặc phạt tù, cụ thể gồm 2 thượng tướng (Phương Minh HòaTrần Việt Tân), 11 trung tướng, 8 thiếu tướng.

Nhiệm vụ mà các tướng này được giao phụ trách liên quan đến những lĩnh vực tối quan trọng như tình báo, an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm,…

Địa bàn làm việc của những tướng bị kỷ luật trải từ Trung ương xuống địa phương (Trần Quốc Cường - Đắk Lắk, Hoàng Công Hàm - Quân khu 1, Phan Tấn Tài - Quân khu 7 ) có 2 người đang là thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Lê Đình Nhường, Đặng Ngọc Nghĩa),…
“Lò nóng” thì băng tất phải tan, băng tan thì mới lộ ra phần chìm phía dưới. Thế có phải chưa bao giờ phần chìm của tảng băng tham nhũng trong lực lượng vũ trang lộ rõ như bây giờ?
Nếu đúng là như vậy thì cũng có nghĩa là chưa bao giờ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt như năm 2018 này.
Tuy nhiên, có lẽ “xót xa” vì “Củi Tướng” bị đốt nhiều mà ít thấy “Củi Tá, Củi Sở, Củi Vụ,…” bị cho vào lò nên tác giả Bùi Hoàng Tám báo Dantri.com.vn phải nhắc khéo thế này:
Rất ngạc nhiên là gần đây, ông Lê Văn Tam, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng có căn biệt thự trị giá cả 100 tỉ đồng lại bị “bỏ quên” trong bản kê khai tài sản theo qui định để rồi sau đó, phải (hay là được nhỉ?) nhận hình thức kỷ luật mang tên: Khiển trách!”. [1]
Được biết cấp hàm đại tá có hệ số lương 8,0, quy thành tiền khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp có lẽ sẽ vào khoảng 200 triệu đồng một năm.
Con số 100 tỷ đồng mà Dantri.com.vn nêu trên tương đương với 500 năm thu nhập của đại tá, mà đây mới chỉ là phần nổi, phần mà giới báo chí có thể quay phim, chụp ảnh.
Vậy nếu cho rằng đang có sự chọn lọc, phân cấp các loại “củi” cho vào chiếc “lò nóng” mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã nhóm là đúng cao, đúng hay không đúng?
Đặt vấn đề như vậy bởi Hồ Chủ tịch từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Bài viết trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân: “Góp phần đưa công tác cán bộ thực sự trở thành “then chốt của then chốt” dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:
Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế”. [2]
Vì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, quyết định thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nên nếu có điều gì đáng nói thêm, đáng góp ý thêm với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước và lãnh đạo các cơ quan liên quan trong việc “chọn củi” chính là lĩnh vực “Công tác cán bộ”.
Liên quan đến việc giới thiệu, đánh giá năng lực, đạo đức và bổ nhiệm hơn 20 vị tướng cùng những lãnh đạo từ địa phương đến trung ương đã bị kỷ luật không thể không có vai trò “then chốt của then chốt”, vậy có bao nhiêu “then” và “chốt” được xem là “củi”?
Ông Trần Văn Minh (người đã bị khai trừ khỏi Đảng và bị khởi tố, bắt tạm giam) từ 2006 đến 2011 là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, tháng 8/2011 ông được cử giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho đến khi nghỉ chế độ năm 2016.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của ông Minh như sau:
Trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai, về quản lý, sử dụng tài sản công, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
"Vi phạm của ông Trần Văn Minh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng, gây bức xúc trong xã hội”. [3]
Cần phải đặt ra hai câu hỏi:
Thứ nhất, “Vi phạm của ông Trần Văn Minh là rất nghiêm trọng” (trong thời kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng), vì sao ông Minh lại được đưa về trung ương mà lại làm lãnh đạo cơ quan có vai trò “then chốt của then chốt”?
Thứ hai, có thật là ông Minh trong suốt 5 năm làm công tác tổ chức (từ 2011 đến 2016) không phạm bất kỳ khuyết điểm nào?
Muốn chống tham nhũng thành công thì phải bắt đầu từ “then chốt của then chốt”, nghĩa là phải trả lời bằng được câu hỏi: “Liệu có tồn tại những “Củi Then, Củi Chốt” và nếu có phải xử lý những “củi” này thế nào?”.
Xử lý người thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, tự chuyển hóa,… chỉ là xử lý phần ngọn, xử lý chuyện đã rồi.
Xử lý người/cơ quan giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm và những người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát để xảy ra tham nhũng mới là xử lý phần gốc, mới đúng phương châm: “Phòng hơn chống”.
Những lãnh đạo từng giữ trọng trách khá cao mới bị xử lý như cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu TínNguyễn Thành Tài hay Phó Bí thư Tất Thành Cang đều phải qua một “quy trình” rất chặt chẽ mới ngồi được vào chiếc ghế quyền lực ở hai thành phố này.
Vậy chẳng lẽ người/cơ quan đề cử, bổ nhiệm họ không phải liên đới chịu trách nhiệm?
Góp ý cho Trung ương trong việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng lần thứ 13, nhiều cán bộ đương nhiệm và lão thành đã nói đến trách nhiệm của người/cơ quan giới thiệu nhân sự.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Không trừng trị sẽ cẩu thả trong việc giới thiệu nhân sự rồi cố ý đưa vây cánh, ruột rà, bán chức, bán tước rồi đặc biệt đưa cả đệ tử điếu đóm vào. Như vậy chỉ có phá hoại thôi”. [3]
Nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã khẳng định: “Chống tham nhũng không có vùng cấm”.
Vậy năm 2019 tới có phải là thời điểm các bác “Tiều phu” nên dành thời gian quan tâm đến những loại “củi” khác, nhất là “Củi Then”, “Củi Chốt”.
Tìm các “củi” này chắc không khó lắm bởi từ câu châm ngôn: “Chân cột đèn là nơi tối nhất”, báo Nhandan.com.vn diễn giải:
Câu nói "khoảng tối dưới chân đèn" để ám chỉ những chuyện trớ trêu, oái oăm ở đời theo kiểu "nơi tưởng nhiều ánh sáng nhất hóa ra lại tối nhất" thí dụ như ngay cạnh nhà máy điện lại không có điện để dùng”.[4]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://dantri.com.vn/blog/thuong-thuong-ong-chu-nha-bang-qua-ngheo-20181216070415988.htm
[2]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/gop-phan-dua-cong-tac-can-bo-thuc-su-tro-thanh-then-chot-cua-then-chot/12492.html
[3] https://vov.vn/nhan-su/ong-tran-van-minh-cuu-chu-tich-da-nang-bi-de-nghi-khai-tru-dang-812723.vov
[4] http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/1510202-.html
Xuân Dương

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét