Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

20181228. BÌNH LUẬN VỤ KỶ LUẬT ÔNG TẤT THÀNH CANG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ẢO TƯỞNG QUYỀN LỰC, 'HẠT GIỐNG ĐỎ' BỊ HẠ BỞI 'MỒI PHÚ QUÝ, BẢ VINH HOA'
THIỆN VĂN/ TVN 28-12-2018
 - Thăng tiến nhanh, thành danh sớm, không ít người, nhất là người trẻ từng được đặt kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” được “gieo trồng” đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại nhiều “thành quả” cho quốc gia, xã hội đã không lo tu dưỡng nên nhanh chóng bị gục bởi “mồi phú quý, bả vinh hoa”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ.

Ảo tưởng quyền lực, 'hạt giống đỏ' bị hạ bởi “mồi phú quý, bả vinh hoa”
Việc kỷ luật nghiêm khắc này đối với ông Tất Thành Cang, thêm một lần cảnh tỉnh, cảnh báo về việc tự tu dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo trẻ. Ảnh: PLO
Thành danh sớm, “ngã ngựa” nhanh
Thăng tiến nhanh, thành danh sớm, không ít người, nhất là người trẻ từng được đặt kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” được “gieo trồng” đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại nhiều “thành quả” cho quốc gia, xã hội đã không lo tu dưỡng nên nhanh chóng bị hạ gục bởi “viên đạn” lợi ích.
Vụ việc kỷ luật ông Tất Thành Cang khiến nhiều người nhớ lại cách đây hơn một năm, ngày 6/10/2017, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Ít lâu sau đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng bị HĐND Thành phố Đã Nẵng bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND Thành phố này.
Trong khoảng hơn một năm, việc Đảng ta kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang, những người giữ trọng trách ở hai thành phố lớn, thêm một lần minh chứng Đảng ta đang rất nỗ lực quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó cũng cho thấy kỷ luật Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã và đang được thực hiện nhất quán, kiên quyết, triệt để.  
Cả hai ông được bầu chức danh Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội XI của Đảng năm 2011, khi đó ông Anh mới 35 tuổi, còn ông Cang vừa tròn tuổi 40. Đến Đại hội XII của Đảng năm 2016, hai ông tiếp tục có “bước phát triển về chất” khi được Đại hội tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nhớ lại lời cổ nhân “Tam thập nhi lập” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 30 thì sự tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn, vững vàng) và “Tứ thập nhi bất hoặc” (nghĩa là khi người ta ở độ tuổi 40 có thể thấu hiểu mọi đạo lý trong thiên hạ, phân biệt được hay- dở, phải- trái, đúng- sai, biết được cái gì nên hay không nên).
Tuổi trẻ, chí lớn, tài cao, lại có thêm chút may mắn trên con đường công danh sự nghiệp, đáng ra cả hai cán bộ ở lứa tuổi U40 này với cương vị trọng trách của mình phải thể hiện đúng nghĩa “Tứ thập nhi bất hoặc”, thì hai người lại sớm ảo tưởng quyền lực, để cho “mồi phú quý, bả vinh hoa” làm hoa mắt, từ đó trượt dài trên con đường sai phạm.
Từ chỗ đứng trên “đỉnh cao” quyền lực khi tuổi đời còn khá trẻ, điều gì đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh, ông Tất Thành Cang “ngã ngựa” một cách đau đớn như vậy?
Thật không khó để nhìn nhận ra vấn đề. Vì sớm tiếp xúc với quyền lực, bị quyền lực “chi phối, điều khiển” khiến cả hai người đã ít nhiều bị quyền lực tha hóa. Đều là những người học cao, hiểu rộng, nắm chắc nguyên lý, nguyên tắc, cương lĩnh, điều lệ, quy định, kỷ luật của Đảng, đáng ra hai ông phải tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, nhưng cả hai người đều có chung một khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thuộc về bản chất của Đảng
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu và thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là vi phạm một trong những vấn đề có tính đặc trưng cốt lõi, từ đó dễ làm suy yếu Đảng từ bên trong.
Từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đã khiến ông Nguyễn Xuân Anh tiếp tục “Vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền”; còn ông Tất Thành Cang sa vào “Vi phạm quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố”.
Tóm lại, từ vi phạm nguyên tắc đặc biệt quan trọng này trong tổ chức, sinh hoạt Đảng, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang đã trượt dài, lún sâu vào nhiều sai phạm hơn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong xã hội, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến những khuyết điểm, vi phạm của hai cán bộ lãnh đạo trẻ này là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không giữ được bản lĩnh chính trị, để cho “quyền lực” cám dỗ rồi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không làm tròn cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nhưng mặt khác, cũng phải nói rằng, nếu như có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả hơn; nếu như cấp ủy, tổ chức đảng nơi ông Nguyễn Xuân Anh và ông Tất Thành Cang sinh hoạt duy trì nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; nếu như công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp làm đến nơi đến chốn ngay từ đầu thì cũng có thể kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những khuyết điểm của hai người, từ đó có thể giữ được cán bộ.
Phải luôn “Nghĩ mình phương diện quốc gia”…
Đảng đang có chủ trương “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, mạnh dạn cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ trẻ được học hành, đào tạo bài bản, có trình độ cao, năng lực chuyên môn, nhiều triển vọng phát triển vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì thế, hai nhiệm kỳ Đại hội XI, XII Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng đã bầu các cán bộ trẻ vào vị trí Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đó là một chủ trương đúng và trên thực tế, phần lớn những cán bộ được bầu vào chức danh quan trọng này cơ bản đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và cống hiến tài năng, công sức của mình vào sự nghiệp chung.
Tuy vậy, nhân dân đòi hỏi những người được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội của Đảng nói chung, những cán bộ trẻ nói riêng, phải luôn nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng bản thân ở mọi lúc mọi nơi. Bất cứ một sự chểnh mảng, lơ là, buông lỏng, dễ dãi nào với chính mình, tự mình “thỏa hiệp” với những “cạm bẫy” vật chất và tinh thần thì đều có thể đưa đẩy cán bộ trẻ sa ngã vào con đường thoái hóa, biến chất.
Quan chức thời nào cũng vậy, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều là “hình ảnh đại diện” của một thể chế chính trị, xã hội ấy. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo các cấp lúc nào cũng phải “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống người ta trông vào” (Nguyễn Du), để từ đó chú trọng giữ gìn phẩm giá, uy tín và hình ảnh cá nhân xứng đáng với trọng trách được giao.
Chỉ khi cán bộ lãnh đạo giữ được hình ảnh tích cực cho bản thân thì mới giữ được tình cảm, giữ được niềm tin trong xã hội.
Thiện Văn

ÔNG ẤY CÀNG ĐAU DÂN CÀNG SƯỚNG

TRÂN VĂN / VOA 27-12-2018

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, lại vừa than… “đau”. Nguyên nhân khiến ông Trọng than “đau”, vẫn là đảng viên hư hỏng đến mức đảng CSVN phải kỷ luật và càng ngày càng nhiều cá nhân bị kỷ luật nằm trong nhóm có thể khuynh đảo chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội trên bình diện quốc gia.
Xem xét – quyết định kỷ luật đảng viên giờ đã lên đến những cấp mà trước kia dân chúng không thể tin là có thể. Chỉ trong vòng hai năm, Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) kỷ luật 60 cá nhân mà chỉ cơ quan này mới có quyền định đoạt số phận.
Có một nghịch lý là ông Trọng càng than… “đau” thì dân chúng càng… sướng! Muốn biết dân chúng sướng cỡ nào, cứ vào mạng xã hội tiếng Việt xem cảm xúc của thiên hạ trước tin đồng chí Tất Thành Cang, bị loại ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN. Chẳng riêng dân chúng, báo giới cũng rung bần bật vì… sướng!
Diễn biến vừa kể cho thấy dường như cảm xúc của giới lãnh đạo đảng CSVN và dân chúng Việt Nam chuyển động ngược chiều nhau: Giới lãnh đạo đảng CSVN càng tỏ ra… “đau” thì dân chúng càng cảm thấy… sướng và ngược lại. Tuy nhiên xét kỹ sẽ thấy, cảm giác sung sướng mà dân chúng Việt Nam vừa đạt được ấy hết sức phù phiếm!
Nỗi đau mà ông Cang gây ra cho dân chúng Thủ Thiêm, dân chúng Sài Gòn nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung, vốn phải tính bằng thập niên. Nỗi đau ấy lồ lộ giữa thanh thiên, bạch nhật nhưng không những vô sự, ông Cang còn được đẩy tới, nâng lên để khả năng gây đau đớn cho thiên hạ của ông Cang rộng hơn, sâu hơn.
Tại sao ông Trọng không làm gì cả ngay từ đầu? Tại sao trong khi tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, BCH TƯ đảng CSVN khóa trước và khóa này vẫn tiếp tục lôi ông Cang vào, thậm chí còn chuyển ông Cang từ Ủy viên dự khuyết sang Ủy viên chính thức?
Tại sao chỉ tới khi đèn xanh đã bật, báo giới mới dám phơi bày sai phạm của ông Cang? Tại sao phải để cả năm vừa ủ, vừa lật trái, xới phải để toàn dân thấm thía nỗi đau, đến kỳ họp lần thứ 9 của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13, các Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN mới quyết định cho dân chúng Việt Nam cảm thấy… sướng thêm một lần nữa?
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN, ngay cả những cảm xúc vốn dĩ hết sức tự nhiên như “đau” và sướng cũng theo… kế hoạch. Tổng Bí thư công khai bày tỏ nỗi đau thêm một lần nữa ngay sau khi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 thông qua quy hoạch nhân sự của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 (2021 – 2026).
Bởi cảm thấy rất sướng vì ông Tất Thành Cang bị loại ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12, dân chúng Việt Nam quên rằng, quy hoạch nhân sự lãnh đạo mà BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 vừa thông qua, chính là con đường giúp ông Cang vừa đi tới, vừa gieo rắc chông gai, khiến cuộc sống của họ thêm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.
Đó cũng là con đường giúp những Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Trương Minh Tuấn, Trần Quốc Cường,… trở thành các Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, vào Bộ Chính trị, trở thành Bộ trưởng, Bí thư tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Đắk Lắk),… khiến kinh tế liên tục suy thoái, quốc gia nợ nần chồng chất, xã hội phải đối diện đủ loại vấn nạn...
***
Có thể vì dân chúng Việt Nam dễ… sướng và lúc sướng… dễ mụ mẫm nên ông Trọng nói riêng và BCH TƯ đảng CSVN luôn luôn chủ động trong việc tỏ ra… “đau” để làm thiên hạ… sướng. Một Tất Thành Cang chỉ bị loại ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12, cách chức Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đủ làm nhiều triệu người sướng.
Sướng quá nên người ta quên tại sao những Anh, Tuấn, Cường, Cang “sai phạm rất nghiêm trọng” nhưng đến giờ vẫn chưa bị khởi tố để xem xét trách nhiệm hình sự? Tại sao “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” và “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” mà hệ thống tư pháp chỉ chuyển động khi BCH TƯ đảng CSVN gật đầu?
Trong tương lai, những Anh, Tuấn, Cường, Cang có thể trở thành bị can, pháp đình có thể luận tội – kết án cả những cá nhân như: Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua,… nhưng chẳng lẽ sướng quá, có thể cho qua trách nhiệm của hệ thống đã lựa chọn, sắp đặt những cá nhân nay đã rõ ràng là bất lương, bất tài ấy vào vị trị có thể phát huy tối đa tác hại?
Nỗi… “đau” của ông Trọng và của BCH TƯ đảng CSVN dẫu rất khác với niềm đau của dân chúng Việt Nam nhưng ít người để ý. Ông Trọng và BCH TƯ đảng CSVN “đau” để củng cố, tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Cảm thấy sướng với nỗi “đau” ấy sẽ lệch lạc về cội rễ của niềm đau thật…
Tại sao nhà cửa, ruộng vườn, tài sản có thể dễ dàng bị cưỡng đoạt, trở thành cơ hội làm giàu của một số cá nhân và nhóm đến như vậy? Tại sao sinh kế bế tắc, môi trường sống ngột ngạt, hỗn loạn, hiện tại tăm tối, tương lai mờ mịt mà vẫn không đau, không lo, vẫn mãn nguyện, sung sướng, thậm chí biết ơn vì có “lò” và dăm thanh “củi” bị đốt?
Tại sao độc lập, chủ quyền như chỉ mành treo chuông, nội lực quốc gia kiệt quệ, những lĩnh vực vốn là nền tảng cho tương lai của một dân tộc như giáo dục, y tế nát bét, vẫn không đáng bận tâm bằng đồng chí nào lên, đồng chí nào xuống cho dù xét về bản chất, chẳng đồng chí nào khác đồng chí nào?

SAU ÔNG TẤT THÀNH CANG RỒI SẼ ĐẾN AI ?

SPUTNIK 26-12-2018
Chiều 16/12, sau 2 ngày làm việc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng và Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM vì đã có những vi phạm rất nghiêm trọng.
 
Trước đó, ngày 19/12, Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM đã ký thông báo về việc ông Tất Thành Cang xin nghỉ phép từ 17/12 đến ngày 3/1/2019. Trong thời gian này, Thành ủy TP HCM phân công Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung xử lý công việc của Thường trực Thành ủy thay ông Cang.
Từ ngày 3 đến 6/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 32, xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp trước đó.
Ngày 15/11, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
"Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật" — kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Ngoài ra, trong thời gian là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Xây dựng 4 con đường đắt đỏ ở Thủ Thiêm
Ngày 12/11/2013, UBND TP HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng xây dựng — chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, ông Tất Thành Cang khi đó là giám đốc Sở Giao thông vận tải (Ủy viên UBND TP HCM) thừa ủy quyền chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng, tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng.
Theo đó, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường này.
Hợp đồng ký tắt này giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 4 tuyến đường này có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi kilomet đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá từ 700 đến hơn 1.000 tỷ đồng. Con số này gấp nhiều lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc — Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km). Số tiền xây dựng đường này được đánh giá là khá đắt đỏ, chủ yếu phục vụ khu đô thị Sala.
Ông Tất Thành Cang vượt thẩm quyền
Để thanh toán hợp đồng xây dựng 4 con đường trị giá 12.200 tỷ đồng, UBND thành phố đã đổi cho Công ty Đại Quang Minh khu đất 79 ha giữa phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông, bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, 2 nhà văn hóa, 2 trường học.
UBND TP đề nghị Bộ Tài chính đồng ý để thành phố thực hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo các nguyên tắc: TP thanh toán dự án BT 4 tuyến đường bằng việc giao cùng thời điểm cho nhà đầu tư toàn bộ các khu đất.
Khi được giao đất, chủ đầu tư sẽ tiến hành đồng thời với việc khởi công các tuyến đường mà không đợi đến khi việc xây dựng đường hoàn thành.
Lô đất nói trên được sử dụng để xây dựng khu dân cư, khu đô thị nhưng giá đất bình quân 26,7 triệu/m2 tại thời điểm 2013. Vị trí đất được giao cho chủ đầu tư nằm ngoài 4 con đường được xây dựng theo hợp đồng.
Ông Tất Thành Cang được cho là đã vi phạm quy định về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng xây dựng — chuyển giao với Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Quang Minh, đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng.
Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho thành phố ký kết hợp đồng nói trên nhằm triển khai dự án được cho là vượt thẩm quyền. Bởi theo Nghị định 108/2009 quy định về đầu tư theo hình thức BT, thành phố chỉ có thẩm quyền phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.
 
Thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất dự án (Nghị định 108/2009) quy định:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất Dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự án có nhu cầu sử dụng đất từ 200 ha trở lên, Dự án có yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ và Dự án thuộc Nhóm A có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Đề xuất dự án còn lại thuộc các Nhóm A, B và C.
Sau ông Tất Thành Cang rồi sẽ đến ai?
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hương — nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trong vụ việc nói trên, ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trước những vi phạm đã nêu.Tuy nhiên, theo ông Hương, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục làm rõ những người có liên quan (nếu có) xung quanh câu chuyện vi phạm của Phó bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
"Cần làm rõ người gợi ý, chống lưng, ủng hộ, đồng tình trước quyết định vi phạm của ông Cang. Một mình ông Cang "đơn thương độc mã" thì sẽ không làm được gì đâu. Vụ việc có khi còn có liên quan tới cấp trên của ông ấy nữa. Do đó, phải xem xét cụ thể những việc làm (sai trái) đó của ông Cang có xin ý kiến ai không? Có được người đó (cấp trên ông Cang) đồng ý không? Phải làm dần từng bước một. Từ ông Cang có thể sẽ ra người khác nữa", ông Hương nêu quan điểm.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét