Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

20181220. LÝ GIẢI HIỆN TƯỢNG XÂM HẠI TÌNH DỤC HỌC SINH

ĐIỂM BÁO MẠNG
TẠI SAO LẠI CÓ PHÒNG NGỦ CẠNH PHÒNG LÀM VIỆC CỦA HIỆU TRƯỞNG ?

NHẬT DUY /GDVN 20-12-2018

Sự việc ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại hàng chục nam sinh vừa bị khởi tố, bắt tạm giam, tiếp tục cho thấy những bất ổn trong môi trường học đường hiện nay.
Đây rõ ràng không phải là hành động bột phát, càng không phải là ham muốn nhất thời bởi nó đã xảy ra từ lâu, kéo theo hệ lụy đến hàng chục em học sinh và trở thành nỗi đau quá lớn cho ngành giáo dục.
Điều đáng lên án nhất là người gây ra hành động bỉ ổi này lại là hiệu trưởng nhà trường.

Ông Đinh Bằng My trong một lần thuyết trình về vấn đề xâm hại trẻ em (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Sự việc rúng động ngành giáo dục này không chỉ khiến dư luận bất bình mà lãnh đạo Bộ, Sở và ngay cả Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã có những chỉ đạo sát sao về vụ việc này.
Song, điều chúng ta có thể làm được bây giờ là trấn an dư luận và giải quyết hậu quả mà thôi. Những vết nhơ mà hiệu trưởng Đinh Bằng My đã gây nên khó mà gột rửa sạch được trong ngày một, ngày hai. Vì thế, quan trọng hơn là làm sao để những trường hợp tương tự không còn xảy ra nữa.
Điều mà lãnh đạo ngành, địa phương bây giờ là không nên né tránh, thà đau nhưng phải làm triệt để từ gốc. Từ đó mới có thể không lặp lại những sự việc tương tự và làm trong sạch môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, điều mà người đứng đầu ngành giáo dục đã và đang nói khiến cho dư luận băn khoăn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng:
Đây là bài học xương máu về giáo dục giới tính” và đi đến nhận định: “người ta chưa làm tốt việc trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho các học sinh để các em biết cách tự vệ, có kỹ năng phòng chống xâm hại, đối phó khi xảy ra hình huống nào đó với mình”, e rằng chưa đúng bản chất vấn đề.
Chỉ cách đây mấy tháng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn  đã mở chuyên đề ngoại khóa “Phòng chống xâm hại trẻ em” cho toàn trường.
Chính ông Đinh Bằng My – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; ông Hà Văn Thắng – Phó Hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo và 356 học sinh đến tham dự.
Thế nhưng, điều trớ trêu nhất là hiệu trưởng nhà trường lại có những hành động bệnh hoạn với học sinh của mình.
Vì thế, chúng tôi cho rằng đây không chỉ là “bài học xương máu về giới tính” mà cái gốc vấn đề là “đạo đức”, nhân cách sống của người thầy.
Trong môi trường nội trú, có nhiều ràng buộc đối với học sinh bởi các em học tập, nghỉ ngơi tại trường, phải sống xa gia đình.
Học sinh xem thầy cô như cha mẹ nên nhiều khi thầy cô có những hành động chưa phù hợp với học trò thì các em cũng e ngại, không dám phản ánh.
Nhất là người vi phạm là hiệu trưởng nhà trường thì học sinh biết phản ánh cho ai bây giờ?
Người đáng tin cậy nhất, người quyền uy nhất có thể đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh lại là người có những hành động nhơ nhớp như vậy thì học sinh biết giãi bày với ai.
Nhất là những hành động của hiệu trưởng Đinh Bằng My mang tính chất riêng tư, khó nói, khó chia sẻ với người khác được.
Tuy nhiên, các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo có biết không? Chúng tôi tin rằng không thể không biết bởi sự việc này không chỉ có xảy ra với 1-2 em học sinh trong trường.
Bởi, sau sự việc này, nhiều học sinh đã chia sẻ là bị thầy hiệu trưởng gọi lên nhiều lần, không làm theo ý thầy thì bị dọa phạt, dọa đánh.
Một số em học sinh muốn chuyển trường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đành…ở lại.
Lẽ nào những trường hợp “gọi riêng” với nhiều học sinh như vậy mà giáo viên giảng dạy, quản lý trong lớp không biết, không hỏi?
Những phòng làm việc khép kín, có cần không?
Chúng tôi có dịp đi tham quan và vào phòng làm việc của một số hiệu trưởng trong thời gian qua. Điều chúng tôi thấy băn khoăn nhất là trong phòng làm việc của hiệu trưởng đều có thêm một phòng khép kín để ngủ nghỉ. Đây thực sự là một nỗi lo lắng.
Bởi, bây giờ đa phần các phòng hiệu trưởng đều được gắn máy lạnh - đồng nghĩa với việc cửa bao giờ cũng được đóng kín. Ai muốn vào thì phải gõ cửa?
Đương nhiên những hiệu trưởng tốt, trong sáng thì không nói làm gì nhưng nếu hiệu trưởng có những tư tưởng, hành động mờ ám đố ai mà biết được chuyện gì xảy ra trong đó?
Phòng hiệu trưởng - nơi bất khả xâm phạm của ở các nhà trường, chỉ là những khi được mời họp, trao đổi, hoặc có việc đột xuất thì giáo viên, học sinh mới dám gõ cửa và khi có sự đồng ý của hiệu trưởng thì mới có thể bước chân vào.
Vì thế, mới có hiện tượng hàng chục nam sinh của trường bị hiệu trưởng Đinh Bằng My xâm hại mà không ai biết, ngay cả các thành viên trong Ban giam hiệu nhà trường cũng “bất ngờ” bởi lâu nay thầy My là người “chuẩn mực”, “luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” như lời cô Phó hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ sau đó.
Nói thật, chốn phòng khép kín của hiệu trưởng không chỉ có trường hợp mờ ám như vụ việc ở Trường Thanh Sơn mà chúng tôi còn chứng kiến là nơi của một số thầy tranh thủ những buổi trưa, những lúc không có giờ dạy cùng nhau đánh bài, sát phạt lẫn nhau.
Và, biết đâu còn nhiều những điều “bí mật” khác khác nữa…mà dư luận chưa có dịp được biết?
Việc bố trí phòng ngủ luôn trong phòng làm việc của các hiệu trưởng nhà trường hiện nay có lẽ luôn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Thực tế, những trường nội trú đều có khu tập thể giáo viên, các trường bình thường cũng có nơi bố trí nghỉ ngơi buổi trưa cho giáo viên trong trường.
Vì thế, đừng nên tạo ra những phòng riêng biệt, vừa tiềm ẩn nguy cơ xấu mà tạo nên sự bất công bằng trong nhà trường.
Bởi, có những hiệu trưởng được nghỉ ngơi trong khu vực được trang bị đủ đầy thì có nhiều giáo viên phải ngồi vật vờ ở phòng giáo viên, hay căn tin nhà trường để chờ tiết dạy.
Sự việc xảy ra ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) là điều không ai mong muốn.
Nhưng, chính cách quản lý, đánh giá cán bộ không sâu sát, sự giám sát không có nên mới xảy ra những điều đau xót này.
Chúng ta đừng đổ lỗi cho học trò không có kỹ năng phòng chống xâm hại, thiếu giáo dục giới tính bởi người có “kỹ năng” nhất trong trường đã làm chuyện động trời như thế đó!
Nhật Duy
TIN BÀI LIÊN QUAN:

BẮT PHẢI NGHE LỜI, NGƯỜI LỚN  LUÔN LUÔN ĐÚNG KHIẾN TRẺ BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

ĐỖ THƠM /GDVN 20-12-2018

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn.
Trước đó, như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, nhiều nam sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thanh Sơn kể đã nhiều lần được hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện.
Sau đó vị hiệu trưởng yêu cầu các em thực hiện một số hành vi phục vụ nhu cầu tình dục cá nhân. Mỗi lần hiệu trưởng gọi lên phòng sẽ cho kẹo và tiền từ 20.000 - 30.000 đồng. Vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không ai dám tiết lộ câu chuyện.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra những sai lầm khiến các vụ xâm hại tình dục thường xảy ra thời gian dài mới được phát hiện. Ảnh Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp
Thực tế, không phải đến vụ việc này mà thời gian qua nhiều vụ việc tương tự thường xảy ra khá lâu trước khi bị đưa ra ánh sáng.
Theo chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, một phần nguyên nhân xuất phát từ chính sai lầm trong cách giáo dục trẻ của chúng ta.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích, sai lầm đầu tiên là chúng ta chưa bao giờ dạy trẻ biết rõ ràng về luật pháp liên quan đến các con.
Các con không được biết chính xác việc gì được làm và không được làm.
“Thông thường, việc được làm và không được làm của trẻ được định nghĩa là phải nghe lời người lớn.
Phải tuân thủ những gì người lớn nói và không được phản kháng khi người lớn bảo làm bất cứ điều gì.
Đây là cách mà hầu hết chúng ta đang giáo dục trẻ. Đó là dạy chúng phải nghe lời.
Điều này hằn sâu vào suy nghĩ của người lớn. Ngay cả khi chúc trẻ nhân dịp gì đó, chúng ta cũng chúc “Chúc con học giỏi, nghe lời thầy cô, bố mẹ, ông bà”…Điều này dẫn đến trẻ quan niệm việc trẻ con phản kháng những sai lầm của người lớn là điều không được phép”.
Chính những điều đó khiến học sinh không dám phản kháng chứ không phải trẻ không làm được. Dẫn đến, trẻ bị xâm hay lạm dụng tình dục không dám tố cáo vì chúng coi việc phải chịu đựng là bình thường.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giáo dục của chúng ta không giúp cho các con biết các con có quyền được làm gì.
Nếu chúng ta dạy trẻ thượng tôn pháp luật thì các con biết các con có quyền gì. Nội quy, quy định  là như thế, ai sai dù là người lớn hay trẻ nhỏ, thầy cô hay học sinh đều phải chịu phạt như nhau.
Nếu chúng ta luôn dạy trẻ và nhấn mạnh điều đó thì đứa trẻ sẽ có khả năng phản kháng rất là rõ.
Bởi các con nhận ra tất cả mọi người đều công bằng về mặt pháp luật. Ai vi phạm phát luật người đó sai dù hiệu trưởng, giáo viên hay học sinh.
“Tôi đã thử dạy như thế với học sinh của mình và các con phản kháng rất tốt trước những cái sai, vi phạm. Chính tâm lý “phải nghe lời” khiến các con không dám phản kháng”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Một điểm nữa theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương là chính quan niệm ăn sâu trong suy nghĩ của người lớn khiến nạn nhân không dám lên tiếng.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương dẫn chứng là khi trẻ em gái khi bị xâm hại mất trinh, các em cảm thấy mình là tội phạm nên các con không dám nói.
“Tâm lý này tồn tại dai dẳng trong xã hội từ người lớn ảnh hưởng đến các con. Nó khiến các con thấy mình sai khi không tự bảo vệ được bản thân chứ không hiểu một điều là kẻ xâm hại mới là kẻ sai.
Điều đó là một phần lý giải cho việc nhiều vụ xâm hại tình dục thường rất lâu mới bị đưa ra ánh sáng”, Tiến sĩ Hương nói.
Theo chuyên gia tâm lý, rất may, sau năm 2016, khi một số vụ xâm hại được báo chí quan tâm, các chuyên gia đã nỗ lực làm rất nhiều hoạt động dần dần trẻ đã biết tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt là các em gái.
Tuy nhiên, trẻ trai lại không được quan tâm vì nhiều bố mẹ nghĩ rằng có làm gì thì cũng không tổn hại đến cơ thể trẻ nam. Thậm chí nhiều vị còn nghĩ rằng các em đi xâm hại người khác chứ chúng không phải nạn nhân.
“Nhưng thực tế, trẻ nam lại là nạn nhân của xâm hại, lạm dụng tình dục rất nhiều. Các con bị rủ rê vào các hoạt động đồng tính, rủ xem phim đen…nhiều hơn trẻ gái.
Nhiều trường hợp phụ huynh khi đã xảy ra chuyện với con trai mình mới tìm đến chia sẻ với tôi đầy hốt hoảng. Họ không nghĩ con trai của họ lại là nạn nhân”, Tiến sĩ Hương chia sẻ.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn. Ảnh: Giáo dục và thời đại
Quay trở lại với vụ việc ông Đình Bằng My – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thanh Sơn xâm hại tình dục học sinh nam được cho là xảy ra từ lâu gây nhiều bất bình cho dư luận.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương muốn trẻ phản kháng trong các trường hợp này thì trước hết phải dạy cho trẻ khả năng tự vệ.
“Khi tôi dạy trẻ về việc tự vệ, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ rất nhỏ so với người lớn sẽ không tự vệ được.
Tuy nhiên, mọi người không hiểu vấn đề bài học lớn nhất ở đây là con được quyền tự vệ. Trẻ biết quyền đó thì chúng sẽ biết sử dụng nhiều cách để tự vệ.
Cách chúng ta hướng dẫn chỉ là một cách chứ chưa hẳn con đã sử dụng hòa toàn theo cách đó.
Điều các con học được lớn nhất là các con có quyền tự vệ. Và chúng không sai khi tự vệ. Các con nhận thức được điều đó chúng sẽ có nhiều cách để làm”, Tiến sĩ Hương chỉ rõ.
Tiếp đó là trẻ cần được giáo dục giới tính kỹ để hiểu về các vấn đề chúng có thể gặp phải.
“Bản chất đồng tính nhiều trẻ nam không biết. Chính vì vậy, nếu trẻ bị rủ rê đôi khi các em cũng không biết đó là hoạt động đồng tính. Đấy là vấn đề nghiêm trọng.
Tôi đọc chia sẻ của một số em nam sinh là nạn nhân trong vụ việc ở Thanh Sơn. Có thể việc hiệu trưởng bắt các em sờ nắn bộ phận sinh dục của ông ta đó với nhiều người là để thỏa mãn cho Hiệu trưởng. Nhưng đó cũng là hoạt động xâm hại trẻ chứ không nhất thiết là phải đến khi trẻ bị xâm hại về cơ thể.
Đó là những điều chúng ta cần phải dạy các con. Các con phải hiểu rất rõ bản chất của xâm hại và nếu bị xâm hại thì phải làm gì.
Trẻ biết được hai điều đó thì trong các trường hợp đó trẻ có thể phản kháng”, Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, chúng tôi hướng dẫn trẻ những số điện thoại trẻ có thể kêu cứu như số đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 chẳng hạn. Bởi khi các cháu sợ người xung quanh chê cười thì các cháu có thể tìm đến nơi hoàn toàn xa lạ để tố cáo.
Các trung tâm bảo trợ trẻ em ở địa phương cũng là nơi người ta có thể trợ giúp nếu các cháu có đủ niềm tin để tìm đến. Đấy là cách dạy trẻ tự vệ và dám tố cáo

Vị chuyên gia này chia sẻ, thông thường, cô vẫn dạy học sinh của mình là nếu bị xâm hại, các con phải mách với bố mẹ. Việc này muốn hợp tác tốt thì bố mẹ cũng phải biết cách bảo vệ con.
Đáng buồn, rất nhiều trường hợp, con nói với bố mẹ thì bố mẹ lại mắng ngược lại chúng hoặc có trường hợp nếu trẻ bị người thân xâm hại mẹ có ý định tố cáo thì cả mẹ và con bị đuổi ra khỏi nhà.
“Những phản ứng bao che rất là tồi tệ có thể xuất hiện ngay trong chính gia đình. Vì thế, nếu phản ánh đến số điện thoại 111, trẻ sẽ được sự trợ giúp tối đa nhất.
Chúng ta muốn thay đổi thì bản thân phải thay đổi, phải dạy các con những điều cần thiết trên”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Đỗ Thơm
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét