Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

20181227. BÀN VỀ ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG
 TIẾP TỤC RÚT RA KINH NGHIỆM QUA VỤ ÔNG ĐINH LA THĂNG

TRINH PHÚC / GDVN 27-12-2018

Ông Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, nhà nước thực hiện trong năm qua đã đưa nhiều quan chức và cựu quan chức ra xử lý vì các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng.
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Trung Quốc - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Những gì diễn ra cho thấy người dân tin tưởng vào Đảng vì đã thẳng tay xử lý sai phạm, ngay cả đối với những người có vị trí, nắm giữ các chức vụ quan trọng”.
Phân tích sâu về tệ nạn này, theo ông Dương Trung Quốc thì đây là vấn đề thời nào cũng tồn tại. Chỉ khác ở mỗi thời tham nhũng có diễn biến khác nhau về mức độ, thủ đoạn, hình thức.
Thời phong kiến của nước ta tham nhũng xảy ra chủ yếu bằng hình thức hối lộ (tức là việc dùng lợi ích vật chất để đạt mục tiêu thông qua trách nhiệm của người cầm quyền).
Để chống tệ nạn này, người xưa nhấn mạnh đến lòng tự trọng, sự liêm sỉ. Xã hội đưa liêm sỉ thành một giá trị cần phải có nếu ai vi phạm sẽ bị lên án mạnh mẽ và bản thân cũng tự cảm thấy đáng xấu hổ.
Trong khi xã hội hiện nay, theo quan điểm của ông Dương Trung Quốc thì tham ô, tham nhũng lại xuất phát từ hai yếu tố là đất đai và quyền lực.
Đây là hai yếu tố làm nảy sinh ra tham nhũng còn hình thức biểu hiện ra bên ngoài của tham nhũng lại muôn vàn, muôn vẻ, muôn thủ đoạn.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc: “Sự nguy hại nhất phải kể đến là tệ tham nhũng vặt.
Tệ nạn này đang lây lan đến mức một người chỉ có chút quyền thôi, quyền này do nghề nghiệp mang lại nhưng cũng cố phát huy hết để thu lợi cho mình”.
Qua trao đổi với ông Dương Trung Quốc có thể thấy việc khoanh vùng tham nhũng là việc dễ. Bởi, người muốn tham nhũng phải có chức, có quyền nhưng chống tham nhũng lại việc rất khó.
Vì, đánh tham nhũng là hành vi “tự lấy đá ghè vào chân của mình”. Muốn đánh được loại giặc nội xâm này cần phải đủ dũng cảm, dũng khí mới mong thành công.
Quan điểm của ông Dương Trung Quốc, chống tham nhũng thì điều quan trọng và lý tưởng nhất là “cái lò” chống tham nhũng không còn phải “đốt củi” nữa.
Do đó, cần phải có một hệ thống pháp luật và chính sách làm sao không thể tham nhũng được và không ai dám tham nhũng.
Để minh tường hơn về ý kiến của mình, ông Dương Trung Quốc phân tích, công chức là một đối tượng có điều kiện để tham nhũng.
Trong khi đó lương chính thức của họ lại không đáng bao nhiêu so với mức sống hiện nay. Với lương đó đa số phải tằn tiện mới sống được. Trong khi con người luôn muốn vươn lên để sống sung túc.
Chính vì thu nhập thấp nên nhìn tổng thể xã hội đang có hiện tượng tước đoạt, hành hạ lẫn nhau. Để chấm dứt tình trạng này phải cần có cơ chế để kích thích mọi người làm việc hăng hái, có hiệu quả.
Vị Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, như thời phong kiến, dưỡng liêm là người làm quan ngoài lương còn có bổng. Nên quan lại làm việc liêm chính vẫn sống tốt.
Chính vì thế, khi làm quan thì đa số luôn làm việc cố gắng để không bị mất chức, vì sẽ mất đi nguồn sống chính đáng.
Ngoài ra, theo ông Dương Trung Quốc, chống tham nhũng muốn thành công cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống.
Ví dụ trong trường hợp của ông Đinh La Thăng. Sai lầm của ông Đinh La Thăng chủ yếu cho đến bây giờ người ta đưa ra xét xử là từ thời ông làm ở Tập đoàn Dầu khí.
Vậy các cơ quan, tổ chức có quyền giám sát ở đâu để cho ông Đinh La Thăng leo cao như vậy?
Nếu tất cả các khâu đều phát hiện sớm thì chắc chắn không có vụ việc như ông Đinh La Thăng xảy ra.
Do đó, trong vụ việc ông Đinh La Thăng không thể quy cho một mình cá nhân ông Thăng sai phạm. Mà cả hệ thống phải rút được kinh nghiệm và bài học.
Cuối cùng, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong năm qua đấu tranh chống tham nhũng đã có chuyển biến rất tích cực.
Không chỉ dừng lại việc phát hiện các sai phạm cũ, đưa ra trị tội làm gương mà còn hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định để tìm cách bịt lỗ dò.
Trong chống tham nhũng chúng ta đã phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống”.
Trinh Phúc
TIN BÀI LIÊN QUAN:
PHẢN BIỆN ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ CỘNG SẢN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-12-2018

1- Đặt vấn đề
Lãnh đạo ĐCSVN đang loay hoay với vấn đề cán bộ (CB), đặc biệt là CB cấp chiến lược. Họ khát khao có được đội ngũ CB vững mạnh, nhưng càng ngày thực tế càng xa rời mong ước, càng phát hiện ra nhiều CB thoái hoa biến chất, làm mất lòng tin của dân, làm ruỗng nát tổ chức, làm lung lay sự lãnh đạo. Họ tìm đủ trăm phương ngàn kế để quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, đề bạt, giám sát CB, xây dựng và làm trong sạch tổ chức, nhưng chủ yếu vẫn không đạt được. Vì sao vậy? Phải chăng vì kém trí tuệ và kiêu ngạo mà họ đã chọn chủ thuyết có nhiều độc hại để tôn thờ, làm việc trái ĐẠO TRỜI và LÒNG NGƯỜI. Như thế càng quẫy đạp càng chui sâu vào đống bùng nhùng không lối thoát.
Thực tế cuộc sống, lịch sử và sách báo đã giúp tôi suy nghĩ, chiêm nghiệm, nhận thức về việc làm CB, hoặc theo cách nói dân dã là làm quan. Tôi đề ra thuyết Tam đại và Tam ủng cho việc làm quan (Tam Đại là Đại Nhân, Đại Nghĩa, Đại Sự. Tam Ủng là sự ủng hộ của 3 cấp), cũng đã viết vài bài tiểu luận, một số phản biện về nghị quyết, quy định của ĐCS VN liên quan đến công tác CB. Phản biện này chủ yếu là tập hợp những điều tôi đã viết và công bố, cộng thêm một số suy nghĩ và phát hiện gần đây. Tôi viết nhân dịp nghe nói trung ương Đảng họp lần thứ 9 vào cuối tháng 12/2018 để thảo luận về công tác cán bộ.
Sự suy nghĩ, hiểu biết của một con người là có hạn và chắc rằng những điều được viết trong bài này cũng được nhiều người suy nghĩ, hiểu biết và bàn luận. Tôi trình bày các ý kiến của cá nhân, hy vọng có thể gợi ra vài tham khảo hoặc phản bác.
2- Gốc gác của mọi vấn đề
Chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML) là gốc gác đường lối CB của CS. Lãnh đạo ĐCSVN quá tin vào nó, kiên trì nó phải chăng vì chỉ thấy mặt tích cực giả tạo của nó mà không thấy được những độc hại có thật do nó gây ra. Phải chăng vì một thời được học, được nhồi sọ CNML rồi tự bịt mắt, tự bưng tai, để không thấy thực tế, không nghe sự thật, rồi còn bịt mồm người khác, không cho phản biện. Hay còn lý do nào khác. Có thể một số nào đó biết rõ độc hại của CNML, nhưng cố tình lợi dụng nó để vinh thân phì gia, để thi hành mưu sâu kế hiểm.
ĐCSVN đã từng là đảng cách mạng, nay trở thành một đảng chính trị, cầm quyền. Cần thay đổi tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Thế mà họ không nhận thức được, vẫn khăng khăng tiếp tục như cũ, tự tạo ra mâu thuẫn không sao khắc phục được.
ĐCSVN tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là quyền quyết định về CB. Đó là cướp quyền của dân. Họ bày ra trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử để lừa mọi người và tự lừa mình.
Đó là đống bùng nhùng lớn mà ĐCSVN đang vướng phải. Không chịu tìm cách thoát ra mà vẫn lăn lộn trong đó thì không có cách nào tạo được đội ngũ CB tài giỏi và liêm khiết, nói gì đến việc có thể nêu gương.
3- Về tiêu chuẩn CB
Có thể quy CB về 2 loại theo nguồn gốc: được bầu và được tuyển. Tiêu chuẩn (TC) chung nhất cho CB là Tài và Đức (CS gọi là Hồng và Chuyên). Tuy vậy nhận thức và vận dụng trong từng giai đoạn có khác nhau.
Hồ sơ quan trọng nhất là lý lịch. Đã từng có thời tổ chức chỉ xét người theo lý lịch. Nhờ lý lịch sáng đẹp một số kẻ ngu dốt và lười biếng đã trở thành ông nọ bà kia. Vì lý lịch có tỳ vết mà nhiều tuổi trẻ tài năng ôm hận chịu vùi dập.
Đối với CS, tiêu chuẩn quan trọng nhất có lẽ là trung thành. Với một đảng hoạt động bí mật, một quân đội thì trung thành là bắt buộc, nhưng đảng chính trị cầm quyền không thực sự cần. Tổng thống Trump của Mỹ đã vào đảng Dân chủ, bỏ Dân chủ, vào Cộng hòa, bỏ Cộng hòa gia nhập đảng Cải cách, bỏ Cải cách để trở lại vào Dân chủ. Lại bỏ Dân chủ quay về với Cộng hòa. Thế mà chẳng thấy ai quan tâm đến sự không trung thành của ông ta. Chỉ có kẻ độc tài mới đòi hỏi cao sự trung thành. Mọi thể chế dân chủ không đòi hỏi trung thành với đảng phái chính trị.
Tiêu chuẩn phải làm qua CB cấp dưới đủ thời gian nào đó mới được đề cử, ứng cử lên cấp trên. Tôi gọi đó là cách leo trèo mà không chấp nhận bước nhảy. Sự phát triển tiệm tiến, trèo dần từng bước là bình thường, nhưng cần có những bước nhảy dành cho những tài năng vượt bậc. Loại bỏ bước nhảy có tác hại ngăn trở tài năng.
Tiêu chuẩn đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm là khá thiển cận, ngăn trở việc tìm kiếm những năng lực tiềm ẩn. Chọn CB là để người đó phát huy năng lực, làm những việc mới chứ không phải để họ lặp lại những công việc đã làm. Đành rằng qua việc đã làm thì có thể đánh giá năng lực. Nhưng đó là năng lực trong quá khứ. Giữa một người có nhiều thành tích mà đã cạn tiềm năng và một người tuy chưa có thành tích   (vì chưa được làm), nhưng có nhiều tiềm năng thì rất nên chọn người có tiềm năng. Ở đây có cái khó là người chưa làm, chưa có thành tích, sao mà biết được họ có tiềm năng. (Điều này sẽ bàn sau, trong mục 4 và 5).
Nếu cứ phải qua cấp dưới, cứ phải có thành tích thì Lưu Bị không bái Khổng Minh làm quân sư, chúa Nguyễn Phúc Nguyên không phong cho Đào Duy Từ chức Nha úy nội tán, Tề Hoàn Công không phong đại phu cho người chăn trâu Ninh Thich. Những người vừa kể đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng trong lịch sử. Và gần đây, nếu theo yêu cầu phải leo trèo dần qua các chức vụ thì dân Mỹ không bầu Trump làm Tổng thống.
Quyết định (QĐ) số 90 nêu ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại cán bộ. Cụ thể đến vụn vặt. Đó là một QĐ chứa nhiều điều vô minh. Nhiều TC đưa ra là những tính cách thông thường, cần thiết cho bất kỳ một con người lương thiện nào, thí dụ: trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, cần, kiệm, liêm chính v.v…Nhiều TC là thông thường đối với bất kỳ cán bộ hoặc đảng viên nào, thí dụ: Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; Có tinh thần yêu nước nồng nàn v.v… Đưa ra nhiều đức tính mà người lương thiện bình thường, CB bình thường cần có để gán cho cán bộ cấp cao là phạm vào lỗi tầm thường hóa. Riêng các TC quan trọng dành riêng cho CB cũng khá mơ hồ.
TC “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng”. Đây là một khái niệm mơ hồ vì chưa thấy một văn bản nào định nghĩa lợi ích của Đảng gồm những thứ gì. Thỉnh thoảng có được nghe giải thích, ngoài lợi ích của dân tộc thì Đảng không còn lợi ích nào khác. Bây giờ lại có “lợi ích của Đảng”. Việc trung thành này có gì khác so với trung thành với các lãnh đạo chóp bu. Trong điều lệ không thấy viết gì về lợi ích của Đảng.
Về TC “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Vấn đề quan trọng không phải là tham hay không tham quyền lực mà người ta định dùng quyền lực để làm gì, tương quan giữa năng lực và quyền lực có phù hợp không. Nếu lên án sự tham vọng quyền lực chung chung thì những ứng viên Tổng thống của tất cả các nước đều bị lên án và loại bỏ.
TC “Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML)” thể hiện sự vô minh rõ ràng nhất. Một mặt bắt kiên định CNML, mặt khác đề ra TC năng động sáng tạo.
TC “Tốt nghiệp đại học trở lên” thể hiện cái nhìn thiển cận về bằng cấp, sự vô minh về cách đánh giá trình độ.
TC “Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Hỏi rằng hiện nay Đảng đang định làm cách mạng gì nữa trong lúc đã khẳng định là đảng cầm quyền?
TC “Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng” là một TC mơ hồ. Những lý luận theo CNML, đường lối xây dựng đảng theo CNML đã tỏ ra quá lỗi thời, quá lạc hậu. Ai đánh giá trình độ này. Liệu có dám đối thoại công khai để thể hiện trình độ này cho toàn dân biết không?
Ngoài QĐ 89 và 90 ngày 4/8/2017 còn có các văn bản liên quan như QĐ số 105, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ. QĐ số 147 và 148 ngày 25/10/2018 lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch CB cấp chiến lược, kế hoach số 11 ngày 6/11/2018 của Bộ chính trị về hoạt động của Ban chỉ đạo. Nhận thấy các QĐ về TC chưa đủ mạnh, còn cần thêm các QĐ về nêu gương, ngày 7/6/2012 có QĐ số 101, ngày 19/12/2016 có QĐ số 55 và ngày 25/10/2018 có QĐ số 08. Nêu gương cũng chưa đủ, phải ra thêm những QĐ về kỷ luật và những điều cấm kỵ.
Những văn bản vừa dẫn, phần nhiều là những rừng ngôn từ, nó làm cho nhiều người bị choáng ngợp. Nhưng đọc và phân tích kỹ mới thấy phần lớn chỉ là một mớ tạp nham, thể hiện trình độ thấp kém của người soạn ra và xét duyệt.
Trong nhiều nước dân chủ, tiêu chuẩn bắt buộc của ứng viên, dù là Nghị sĩ hay Tổng thống thường chỉ có hai. Đó là tuổi tối thiểu (không hạn chế tuổi tối đa) và thời gian tối thiểu có quốc tịch và cư trú. Thế còn phẩm chất, năng lực, uy tín, đạo đức… có cần không. Cần quá đi chứ và đó mới là thật sự quan trọng, nhưng không ai đề ra tiêu chuẩn cho ai hết. Cử tri sẽ đánh giá thông qua việc vận động, tranh cử, đối thoại công khai. Người tuyển chọn sẽ đánh giá khi phỏng vấn trực tiếp. Ở Singapore, Lý Quang Diệu trước đây chỉ đề ra 2 tiêu chí để chọn người vào các cơ quan chính quyền là có tài năng và liêm khiết.
4- Bầu cử và quy hoạch
Quan trọng nhất trong bầu cử là danh sách ứng viên gồm những người ứng cử. Có thể ban đầu, ai đó được đề cử, nhưng khi chấp nhận sự đề cử họ trở thành ứng cử. Các ứng viên sẽ tranh cử bằng chương trình hành động với 2 vấn đề chủ yếu: sẽ làm gì và làm như thế nào.
Ở Việt Nam, dưới thể chế CS việc bầu cử trong Đảng hoặc các cơ quan quyền lực nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phần lớn chỉ là dân chủ giả hiệu (trừ việc bầu tổ trưởng dân phố và trưởng thôn là còn tương đối có dân chủ). Một việc làm tưởng rằng hay, rằng đúng nhưng lại ẩn chứa sai lầm lớn, đó là cấp ủy nhiệm kỳ cũ quyết định danh sách ứng viên cho nhiệm kỳ mới. Đúng ra họ chỉ được phép lập danh sách ứng viên mà không có quyền quyết định. Rõ ràng nhẩt là Bộ chính trị khóa trước quyết định danh sách các CB chủ chốt của Đảng và của Nhà nước trong nhiệm kỳ sau. Bầu cử kiểu gì mà chưa bầu người ta đã biết chắc ai sẽ trúng và làm chức nào.
Người trước chọn người sau kế nghiệp chỉ xẩy ra trong chế độ quân chủ và độc tài. ĐCSVN gọi là Làm quy hoạch CB. Việc đó tưởng là quá hay, nhưng không phù hợp. Tại sao vậy? Nhiều người nắm quyền lực có một tâm lý muốn người khác theo mình, giống minh vì thế mà thích chọn ra những kế nghiệp có cùng quan điểm. Để xã hội tiến lên đòi hỏi thế hệ sau phải hơn thế hệ trước, phải phát hiện và sửa chữa được sai lầm của thế hệ trước. Vậy trước hết không nên đặt tiêu chuẩn chọn người để kế tục những việc làm của mình (trong đó có việc thực ra là sai mà mình tưởng nhầm là đúng) mà rất nên chọn người biết cách phát hiện và khắc phục, sửa chữa những cái sai mình phạm phải. Sẽ là rất khó để một người đang có chức quyền tự nhận ra cái sai, cái kém của mình, tự phủ định mình, để chấp nhận, để đề bạt người khác có tài năng hơn nhưng có một vài quan điểm khác. Quá khó, may ra chỉ một số ít những bậc hiền nhân mới có thể làm được. Đây là lý do để việc quy hoạch cán bộ khó tìm được người thực tài mà dễ tìm được kẻ cơ hội vì bọn chúng biết phô ra năng lực giả tạo và che đi mục đích ẩn dấu, còn người thực tài thường thể hiện trung thực sự bất đồng quan điểm và vi phạm vào tiêu chuẩn tuyệt đối trung thành, bị loại ngay từ đầu.
Hiện nay một tệ nạn đang ngấm ngầm hoành hành là nạn mua quan bán tước. Tệ nạn này tạo ra môi trường độc hại nhằm dung dưỡng những kẻ cơ hội có tiền và loại bỏ những người trung thực có tài. Nạn mua bán quan tước và danh vị là do tệ tham nhũng sinh ra. Tệ tham nhũng lại được sự độc quyền nuôi dưỡng. Trong môi trường như vậy mà tìm cách quy hoạch cán bộ thì không khéo “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Từ chỗ chạy chức chạy quyền sẽ chuyển thành chạy chỗ trong quy hoạch. Rõ ràng là phải chiếm được một chỗ trong quy hoạch thì mới mong tìm đường tiến thân. Cách làm như vậy chỉ thích hợp với kẻ cơ hội có tiền, không thích hợp với người có thực tài , biết tự trọng. Gặp môi trường không trong sạch thì người có thực tài sẽ tìm lối thoát thân bằng cách nhập vào dòng “chảy máu chất xám” hoặc ôm hận chờ thời chứ không chịu xin một chỗ trong quy hoạch.
QĐ 105 với 5 bước tuyển chọn ứng viên (phụ lục 2) và kế hoạch 11 (ngày 6/11/2018) với 4 điểm mới trong cách tiến hành, trong đó có đổi mới quy trình và coi trọng bản lĩnh chính trị, được nhiều nhà lý luận CS ca ngợi là bài bản, chặt chẽ, công tâm, loại bỏ được bọn tự diễn biến và bọn bất tài kém đức lại là con ông cháu cha, tránh được tệ nạn chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch. Bài bản, chặt chẽ, công tâm chỉ là hình thức, có làm thật mới biết bên trong còn ẩn dấu một số chước quỷ mưu ma. Loại được bọn tự diễn biến, bọn bất tài con ông cháu cha là có thể, nhưng rất khó dẹp được nạn chạy quy hoạch, nó sẽ biến tướng ngày càng tinh vi. Nhưng quan trọng nhất là rất khó chọn được người thực sự có tài năng. Họ đã bị loại hoặc tự loại từ vòng đầu.
Trong bầu cử, để cho cử tri biết và đánh gia tiềm năng của ứng viên thì tổ chức bầu cử phải tạo điều kiện để ứng viên trình bày chương trình hành động (sẽ làm gì và làm như thế nào), quan điểm về các vấn đề quốc kế dân sinh, đối thoại trực tiếp với cử tri hoặc với các ứng viên khác. Trình bày chương trình hành động chứ không phải báo cáo thành tích, đối thoại trực tiếp chứ không phải tuyên truyền và hô khẩu hiệu.
Ở VN, bầu Quốc hội là “Đảng cử dân bầu”, trong Đảng thì người cũ cử để bầu người mới (cũ là cấp ủy hết nhiệm kỳ, mới là cấp ủy sẽ được bầu). Không có vận động công khai, không có tranh cử. Kiểu bầu cử như thế vừa phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.
5- Tuyển chọn và đề bạt
QĐ 105 khẳng định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Từ việc cử người đứng đầu các cơ quan chính quyền như Chủ tich nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Bộ trưởng cho đến Chủ tịch UBND xã, phường; việc phong tướng tá của Quân đội và Công an, nhất nhất đều do Đảng quyết định. Quốc hội và các Hội đồng nhân dân chẳng có quyền hành gì, chỉ có việc bỏ phiếu theo gậy chỉ huy. Như vậy Đảng đã cướp quyền của Quốc hội và của toàn dân trong công tác cán bộ, trắng trợn vi phạm Hiến pháp. Việc các ông bà đặt tay lên Hiến pháp, đọc lời thề theo mẫu, tại Quốc hội, chỉ là trò hề.
Ở các cơ quan, quyền hành về cán bộ phụ thuộc chủ yếu vào trưởng phòng (ban, vụ…) tổ chức.Thỉnh thoảng ở một vài nơi hiếm hoi nào đấy có được vị trưởng như thế có trình độ, có phẩm chất tốt, đã giúp cho cơ quan tạo được đội ngũ nhân sự vững mạnh. Nhưng phần lớn cán bộ tổ chức thiếu những phẩm chất cần thiết. Tổ chức là làm việc với con người, nhưng chủ yếu họ làm việc với giấy tờ, họ xét lý lịch và đánh giá phẩm chất con người thông qua tuổi đảng, các chức vụ đã làm, các bằng cấp cùng chứng chỉ, và đặc biết thông qua quan hệ cá nhân cùng các thư tay của các anh chị ở trên. Tại sao như vậy? Tại vì phần lớn CB tổ chức được cho là cần có lập trường giai cấp vững vàng còn trình độ chuyên môn thì phiên phiến cũng được. Không thể trực tiếp tìm hiểu, kiểm tra về chuyên môn nên đành phải dựa vào bằng cấp hoặc chứng chỉ. Đó là chỗ sơ hở lớn cho bọn làm và dùng bằng giả hoặc bằng dởm.
Thời phong kiến nhà vua dùng các phẩm hàm từ nhất phẩm đến cửu phẩm để ban cho những người có một công lao hoặc vị thế nào đó. Những ông cửu phẩm, bát phẩm chỉ là danh xưng, không phải chức vụ. Thế nhưng dưới chế độ CS, một thời người ta đã đem chức vụ trao cho người có công như là một phần thưởng, một quyền lợi. Ông này đã hoạt động bí mật, bị Pháp bắt ở tù, vậy để ông ta làm Chủ tịch huyện hoặc tỉnh. Ông kia, bộ đội chuyển ngành, đã là cán bộ trung đoàn, vậy phải để ông làm Giám đốc xí nghiệp, Hiệu phó trường đại học hoặc Vụ trưởng v.v…. NHững người như vậy một thời đã kìm hãm sự phát triển. Họ được giao chức vụ nhưng không có năng lực làm việc, biến thành “ông bình vôi” (chữ cuả Phan Khôi). Đáng lẽ vì công việc mà tìm người, nhưng trong nhiều trường hợp đã vì người mà bịa ra việc.
Ứng viên trong việc tuyển chọn cần được cơ quan hoặc CB tuyển chọn tạo điều kiện để thể hiện năng lực tiềm ẩn và trước hết họ cần chuẩn bị để thể hiện năng lực đó trong phỏng vấn, trong kiểm tra, trong thử việc. Bạn có thể chuẩn bị một lý lịch trong sạch và sáng ngời, một hồ sơ thật đẹp với nhiều bằng cấp, nhiều chứng chỉ và cả thư tay, kèm phong bì dấu kín để nộp cho một ông CB tổ chức , nhưng để dự phỏng vấn trực tiếp , do người có trình độ chủ trì, bạn cần thể hiện con người thật của bạn.
Rồi việc tăng lương, thăng cấp hàm. Đúng ra việc này phải dựa vào kết quả công việc và năng lực, nhưng như thế lại cần đến trình độ người đánh giá. Mà người đánh giá lại không có trình độ cần thiết nên đành phải dựa vào bằng cấp và thời gian công tác. Cái việc khuyến khích “sống lâu lên lão làng”, không làm gì cũng 3 năm tăng lương, 3 năm tăng bậc là việc làm kém trí tuệ, kém hiệu quả, cứ tưởng là hay, là đúng, nhưng nó làm chậm sự phát triển.
6- Hiến kế
Tôi biết, lãnh đạo chủ chốt của Đảng không muốn nghe những phản biện, những hiến kế của người nói thẳng. Họ chỉ thích nghe những lời tâng bốc nịnh hót. Tôi cố tìm những lời không tâng bốc nịnh hót, vẫn nói lên được ý kiến của mình mà vẫn làm cho lãnh đạo vui lòng lắng nghe. Nghĩ mãi mà không tìm ra được. Thôi thì cứ viết theo ý mình, ai nghe được đến đâu hay đến đó.
Đảng muốn có được đội ngũ CB giỏi giang, vững mạnh, đặc biệt là CB cấp chiến lược, thì trước hết phải thoát ra khỏi đống bùng nhùng viết ở mục 2.
Làm sao để thoát ra được. Trước hết phải tự chân thật với chính mình. Liệu khi tuyên bố câu: “Ngoài lợi ích của dân tộc Đảng không còn lợi ích nào khác” có thật lòng không. Liệu từ Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị cho đến các đảng viên có nghĩ đúng như vậy không. Nếu đó chỉ là mánh khóe, là tuyên truyền, nói vậy nhưng không phải vậy, thì thôi, không bàn thêm. Nếu thật lòng như vậy thì hãy nghiêm túc thảo luận tiếp, hiện nay lợi ích của dân tộc là gì, hãy để cho tự do ngôn luận.
Thứ đến cần thật công tâm, thật khách quan đánh giá sự hoạt động vì dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự, đánh giá đúng những người bị cho là tự diễn biến như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Trung, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Nguyễn Quang A, Nguyên Bình v.v…, xem thực sự họ là người như thế nào. Phải tạo ra môi trường thật sự tự do và dân chủ thì tài năng mới nẩy nở, mới có người tài mà chọn. Vườn ươm tài năng không phải là các trường các viện nghiên cứu mà là môi trường tự do về học thuật, tự do tư tưởng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong các trường các viện.
Quan trọng nhất là thấy được đống bùng nhùng. Có thể nhiều người đang vướng trong ấy không thấy được mà người đứng ở ngoài thấy rõ hơn. Hãy từ bỏ thói kiêu ngạo cộng sản, chịu khó lắng nghe, mời những trí thức phản biện đến để nghe họ trình bày, đối thoại với họ.
Trừ những hành động theo bản năng và thói quen, còn hoạt động của người ta phải bắt đầu bằng nhận thức. Con người tử tế cần nhận thức đúng. Người làm lãnh đạo và quản lý xã hội càng cần phải có nhận thức đúng. Trong hoàn cảnh hiện nay nhiều điều đúng sai lẫn lộn. Muốn có được nhận thức đúng, phải đem nó ra cọ xát, đối chiếu, thử thách, phản biện. Còn những người, nếu cứ khư khư ôm chặt lấy một mớ giáo điều cũ rích, cứ kiên trì một chủ nghĩa có đầy độc hại và ảo tưởng thì không biết sẽ trở thành loại người như thế nào?
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN

THẾ HỆ THỨ BA

HUY ĐỨC/ FB Trương Huy San / viet-studies 26-12-2018

BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.
Nếu "nhà nước thực sự là của dân" như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang... đều được quy hoạch từ rất sớm.
Nhưng bản chất của "quy hoạch” vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ Văn Kiệt thường nói, "Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình một cái đầu". Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân cận huyết.
Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.
Thế hệ các bậc "công thần khai chế độ", bao gồm những người cho dù xuất thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình.
Thế hệ được lựa chọn này có thể tính từ Phan Văn Khải, Nguyễn Đình Lộc, Đậu Ngọc Xuân... và những người tiếp theo như Đỗ Quốc Sam, Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc... Họ hoặc là có nguồn gốc trí thức hoặc được Đảng cho ăn học nhưng vẫn mang khí chất của những người trí thức.
Cho dù được chuẩn bị để "kế tục sự nghiệp", nhưng khi họ cầm quyền cũng là khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều người trong số họ tự giải phóng đầu óc mình ra khỏi tình trạng "bị cầm tù trong sự giáo điều". Dù nhiều người không hẳn là liêm khiết, khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia, dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Chính họ nhìn thấy sự lầm than chủ yếu vì "lỗi hệ thống" chứ không đổ cho chiến tranh, chia cắt.
Họ khôn ngoan cài cắm các khái niệm tích cực vào các văn kiện, rồi mềm dẻo "thể chế hoá" chúng. Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh Nghiệp 1999..., những chính sách mang dấu ấn của họ, đã thiết lập các hành lang pháp lý để VN có thể đặt chân đến cánh cửa của kinh tế thị trường. Họ là thế hệ thấu hiểu mô hình Xô - Viết, chính họ đã khôn ngoan biến công cuộc đổi mới của Đảng (từ 1986) - khởi xướng bởi những người từng là con đẻ của Xô - Viết - trở thành một công cuộc từng bước đưa VN thoát khỏi mô hình Xô - Viết.
Tiếc thay, họ thường nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Họ thua ngay những người gần như cùng thời với mình như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng...
Thế hệ thứ Ba, không phải không còn những người có khí chất, biết giữ gìn. Tuy nhiên, những người còn chút lòng với đất nước này nhanh chóng bị đẩy vào nhóm thiểu số. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" từng tập trung vào tay Tổng bí thư, trong hai nhiệm kỳ gần như nằm trong tay Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng được cơ cấu vào dự khuyết Trung ương năm 1986, khi đang là Bí thư Hà Tiên. Chẳng phải Võ Văn Kiệt, hay Lê Đức Anh mà chính học thuyết "pháo đài cấp huyện" của Lê Duẩn đã chọn ông, một người chẳng tài cán, chưa công lao, như đã chọn Nguyễn Thị Xuân Mỹ (Quận Lê Chân, Hải Phòng), Trương Mỹ Hoa (Tân Bình)... Cơ hội thực sự của Nguyễn Tấn Dũng là được đón Lê Đức Anh tới thăm Kiên Giang vào ngày 5-5-1993. Chỉ mấy tháng sau, Ba Dũng được đưa ra làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ thay thế Tướng Võ Viết Thanh, trong một ý đồ nắm Bộ sức mạnh này của Lê Đức Anh.
Ai từng biết Ba Dũng trước khi ông ta lên Thủ tướng thì mới thấy đó là một con người hoàn toàn khác, thân thiện với đồng sự; ngoan ngoãn, nhất mực vâng lời các cha chú Anh - Kiệt - Mười. Võ Văn Kiệt thích Ba Dũng vì tính quyết đoán. Đỗ Mười chọn ông ta vì "con liệt sỹ, lại đã kinh qua chiến đấu, kiên định vững vàng". Ông Võ Văn Kiệt nhận ra con người Ba Dũng chỉ sau một năm Ba Dũng trở thành Thủ tướng. Tam nhân chọn lựa nhưng chỉ có Lê Đức Anh là đứng rất lâu sau lưng Ba Dũng.
Hai thập niên ông tướng này bảo vệ đất quân đội cũng vì quyền lực; rồi chính ông để cho Ba Dũng, Phùng Quang Thanh... chia chác đất quân đội cũng vì tiếp tục muốn có ảnh hưởng quyền lực. Trước Đại hội, khi sức đã tàn ông Tướng vẫn còn can thiệp để giữ "anh Ba" ở lại.
Điểm nổi bật của "thế hệ thứ Ba" là hiểu biết rất "ba chớp ba nhoáng" về mô hình Xô - Viết nhưng lại cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu. Những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về "định hướng". Họ tăng trưởng nhanh dưới thời Ba Dũng. Họ không chỉ tự tha hoá mình về mặt con người, mà còn làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm. Giai đoạn sau 2006, Việt Nam thay vì có thể vững chắc đi đến thị trường, con đường tích tụ tư bản của các doanh nghiệp phần lớn bị đặt ở sân sau, hoang dã.
Đúng là lỗi hệ thống nhưng chính những người như Nguyễn Tấn Dũng đã chung chạ bừa bãi với phần lăng loàn nhất của thể chế để "đẻ" ra những Đinh La Thăng, Bắc Hà, Phan Văn Vĩnh... và "khối doanh nghiệp sân sau". Tất Thành Cang không chỉ nằm trong số đó mà còn là truyền nhân nguy hiểm nhất. Cang không chỉ giỏi ton hót Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng... mà còn chơi trong nhóm các cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị, Lê Trương Hải Hiếu... Người dân Sài Gòn không phải không biết Cang là ai. Vấn đề là quy trình cán bộ đưa Cang lên nắm quyền không có vai trò của các đảng viên tử tế, đừng nói chi vai trò của dân.
Đội ngũ lãnh đạo đất nước này phần lớn được lựa chọn trong mười năm qua; nhung nhúc "những đứa con cận huyết". Họ chỉ kém sự du côn của Cang và không được vẫy vùng trong lãnh địa của "anh Hai". Các quy trình đã từng đưa họ lên, khi có cơ hội sẽ đưa họ thành Cang, thành Thăng, thành Vĩnh...
Cả ba thế hệ đều đã lệ thuộc rất nhiều vào cá nhân, thế hệ nào cũng không tránh được sự tha hoá. Đừng để "thế hệ thứ Ba" khi có cơ hội lại đưa đất nước quay lại "thời kỳ Ba Dũng". Phải để những kẻ tha hoá biết sợ dân, sợ thể chế chứ không chỉ sợ một người; phải để cây thành rừng, thành gỗ chứ không chỉ thành củi. Dân chúng hân hoan khi thấy bọn tham nhũng bị tống vào tù; nhưng dân chúng cần có đủ niềm tin vào thể chế để tìm cảm hứng phát triển ngay cả khi "lò" tắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét