Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

20181202. BÀN VỀ BÀI TOÁN GIẢM NỢ CÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIẢM NỢ CÔNG, TĂNG KHÔNG GIAN TÀI KHÓA- BÀI TOÁN KHÓ

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN */ TBKTSG 1-12-2018

(TBKTSG) - Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ công đang có xu hướng giảm dần từ 63,7% GDP năm 2016 xuống 62,6% năm 2017, khả năng cuối năm 2018 ước giảm còn 61,4% và năm 2019 tiếp tục còn 61,3% GDP.
Thực tiễn cho thấy tỷ lệ nợ công so với GDP giảm là do tốc độ tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Cụ thể, trong khi nợ công tăng khoảng 8% thì GDP danh nghĩa tăng gần 11% (bằng tốc độ tăng trưởng GDP thực + tỷ lệ lạm phát)

Tỷ lệ nợ công giảm là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Ảnh: LÊ ANH
Những tín hiệu tích cực
Bất luận do nguyên nhân gì, trên phương diện chung, tỷ lệ nợ công giảm là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý và kiểm soát sự gia tăng của nợ công về cơ bản đã mang lại kết quả tích cực.
Một mặt, Chính phủ đã kiểm soát khá tốt các yếu tố làm gia tăng nợ công bao gồm giảm bội chi ngân sách từ mức rất cao trên 5% GDP (cụ thể là 6,28% của năm 2015 và 5,52% năm 2016) xuống dưới 4% GDP (3,48% năm 2017 và năm 2018 là 3,67%).
Ngoài việc giảm bội chi ngân sách đáng kể, Chính phủ cũng đã kiểm soát khá tốt các khoản nợ bảo lãnh của Chính phủ. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 Chính phủ đã quản lý khá chặt chẽ việc cấp bảo lãnh chính phủ, không cấp bảo lãnh mới các chương trình, dự án vay vốn trong và ngoài nước, nhờ đó đã giúp giảm nợ được 500 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, các khoản nợ của chính quyền địa phương cũng được kiểm soát chặt theo Luật Quản lý nợ công 2017.
Mặt khác, yếu tố quan trọng không kém giúp kéo giảm tỷ lệ nợ công chính là tăng trưởng GDP. Về lý thuyết, việc vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng là điều cần làm đối với các nước đang phát triển. Về thực tiễn, chừng nào nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt thì việc vay nợ trong giới hạn vẫn được xem là bền vững.
Chưa chuyển dịch theo hướng vững chắc
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì nợ công Việt Nam nhìn chung vẫn chưa thực sự chuyển dịch theo hướng vững chắc, vẫn còn đó một số vấn đề cần được lưu ý.
Thứ nhất, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách đã giảm đáng kể nhưng con số trên 3% GDP vẫn được xem là cao so với thông lệ quốc tế (ví dụ, tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu đặt ra chỉ là 3%). Con số bội chi 3,67% GDP năm nay dù thấp hơn so với mục tiêu 3,7% GDP của Quốc hội giao nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 3,3% GDP được đặt ra trong Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2020 của Chính phủ (Quyết định 544/QĐ-TTg).
Hơn nữa, nỗ lực kéo giảm bội chi từ trên 5% xuống 4% GDP đã là thách thức của Chính phủ nhưng việc giảm tiếp về dưới 3% GDP sẽ là thách thức lớn hơn.
Thứ hai, liên quan đến cơ cấu thu ngân sách. Mặc dù thu ngân sách vượt dự toán nhưng thiếu nhân tố bền vững. Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng giảm thu ngoại thương và thu từ dầu thô, đồng thời tăng tỷ trọng thu nội địa. Sự chuyển dịch nguồn thu này là tất yếu theo xu hướng hội nhập nhưng lại đặt gánh nặng lên các hoạt động của khu vực phi ngoại thương.
Hơn nữa, trong cơ cấu thu nội địa, một số khoản thuế có độ nổi thấp (như thuế tài nguyên) hoặc thiếu tính công bằng dọc (như thuế giá trị gia tăng vì mang tính lũy thoái) lại chiếm tỷ trọng lớn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm để cạnh tranh với các nước trong khu vực song có rủi ro cạnh tranh xuống đáy. Nhiều ưu đãi thuế tràn lan và thiếu hệ thống đang có nguy cơ làm xói mòn nghiêm trọng cơ sở thuế.
Trong khi đó, một số khoản thuế có độ nổi cao (như thuế thu nhập), bền vững và có tiềm năng cải thiện tính công bằng dọc (như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) chưa hiệu quả do cơ sở thuế quá hẹp. Nhiều khoản thu về đất đai lắt nhắt, phân mảnh và không bền vững, trong khi thuế bất động sản chưa sẵn sàng. Thuế thu nhập cá nhân chưa thực sự là một sắc thuế tốt giúp cải thiện tính công bằng dọc. Tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá... còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017. Một số địa phương gặp khó khăn trong huy động nguồn thu.
Thứ ba, cơ cấu chi ngân sách chưa hiệu quả. Tỷ lệ chi thường xuyên dù đã giảm còn 63,3% (thấp hơn so với đầu nhiệm kỳ năm 2015 là 67,7% cũng như so với kế hoạch 64% giai đoạn 2016-2020). Tuy nhiên con số 63,3% vẫn cao hơn so với tỷ lệ chi thường xuyên theo dự toán năm 2018 là 61,8% tổng chi ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, với tỷ lệ chi thường xuyên này cộng với chi trả nợ (cả gốc lẫn lãi) thì tỷ lệ chi đầu tư phát triển gần như không còn. Theo dự kiến năm nay, chỉ tính riêng tỷ lệ chi trả nợ lãi đã chiếm đến 7,4% tổng chi ngân sách nhà nước. Như vậy, để đạt được tỷ lệ chi đầu tư phát triển lên đến 26,8% Chính phủ buộc phải đi vay nợ. Con số tỷ lệ bội chi ngân sách 3,67% GDP nếu so với tổng chi ngân sách nhà nước đã chiếm đến 13%.
Nếu giả định bội chi được dùng cho chi đầu tư phát triển thì thực chất số ngân sách có thể dành cho chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 13,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Nếu tính cả chi trả nợ gốc (theo kế hoạch của Chính phủ năm 2018 tổng trả nợ 256.769 tỉ đồng, tương đương gần 17% tổng chi ngân sách) thì số còn lại dành cho chi đầu tư phát triển thực sự là rất ít. 
Thứ tư, mặc dù tỷ lệ nợ công giảm nhưng tỷ lệ nợ Chính phủ lại có xu hướng tăng lên (năm 2017 là 51,8% GDP; 2018 là 52,1% GDP; 2019 dự kiến là 52,2% GDP) trong khi trần nợ Chính phủ theo quy định là 55% GDP. Hiện tỷ lệ nợ này vẫn nằm trong giới hạn nhưng xu hướng tăng cho thấy tính không bền vững. Nợ Chính phủ tăng ngoài bội chi ngân sách, có một phần do Chính phủ có trách nhiệm trả thay đối với các khoản nợ được bảo lãnh. Ngay cả một số địa phương vay nợ nếu không trả được thì có thể Chính phủ vẫn phải trả thay. Khi dư nợ Chính phủ đã gần tiệm cận mức trần quy định thì năng lực bảo lãnh cũng như trả nợ thay của Chính phủ sẽ giảm đi, khi đó rủi ro tín nhiệm vay nợ của Chính phủ sẽ gia tăng, dẫn đến làm tăng chi phí vay nợ của Chính phủ.
Chưa kể, khi Chính phủ phải đi vay nợ với lãi suất cao hơn thì sẽ có tác động chèn lấn đầu tư tư nhân, vì khi đó tư nhân không thể vay được với lãi suất rẻ hơn Chính phủ. Hệ quả là làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như của nền kinh tế nói chung.
Thứ năm, nợ nước ngoài của quốc gia cũng đang tăng nhanh và hiện đã gần chạm trần 50% GDP theo quy định (năm 2018 là 49,7% GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9% GDP). Mặc dù nợ nước ngoài của quốc gia có cả nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khu vực tư nhân nhưng đặc tính và rủi ro của nợ nước ngoài của quốc gia rất khác với nợ trong nước, khó có thể xem nhẹ. 
(*) Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

Hai rủi ro từ việc nợ nước ngoài tăng
Nợ nước ngoài tăng sẽ tạo ra rất nhiều thách thức và rủi ro đối với nền kinh tế nói chung chứ không riêng những chủ thể vay nợ.
Thứ nhất phải kể đến là rủi ro dòng tiền, cụ thể là sự không tương thích giữa mệnh giá nợ và tài sản. Nhiều chủ thể vay nợ nước ngoài không trực tiếp tạo ra dòng tiền từ hoạt động của mình. Các khoản vay nợ nước ngoài của các tập đoàn nhà nước được Chính phủ bảo lãnh không tạo ra đủ dòng tiền ngoại tệ để trực tiếp trả nợ, như trường hợp của EVN. Dự án của VinFast, trừ khi có khả năng xuất khẩu, cũng không trực tiếp tạo ra doanh thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay. Tương tự là khoản vay nước ngoài 5 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phần của Sabeco, trong khi Sabeco chưa bao giờ đạt lưu chuyển tiền thuần đến con số như vậy trong 10 năm.
Rủi ro thứ hai là sự biến động của tỷ giá. Tỷ giá tăng sẽ làm tăng số tiền trả nợ tính bằng đồng nội tệ. Vào những thời điểm phải trả nợ, nhu cầu ngoại tệ sẽ tạo áp lực tăng tỷ giá. Ngay cả đó là những khoản nợ tư nhân thì khi tỷ giá tăng cũng sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ. Tỷ giá tăng cũng sẽ làm tăng chi phí đối với các nhà nhập khẩu, tạo áp lực lạm phát trong nước.
Ngược lại, nếu Chính phủ kiềm chế tỷ giá để giảm áp lực nợ công nước ngoài thì chi phí khi đó lại đặt lên vai các nhà xuất khẩu, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể tăng lãi suất để duy trì cân bằng tỷ giá, nhưng cách làm này thậm chí còn gây tác động bất lợi lên nền kinh tế nghiêm trọng hơn so với việc điều chỉnh tỷ giá. Đặt trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất; đồng thời là hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền khác mất giá, áp lực lên tiền đồng trong thời gian tới là không hề nhỏ.

Lettre ouverte: A Monsieur Nguyen phu Trong, le nouveau Président de La RSVN

 

Nguyễn Khắc Mai/ BVN 1-12-2018
(Tôi thảo thư này khi còn rong chơi ở Paris, nên xin mở đầu bằng tiếng Pháp. Président thì họ dùng Le (lơ) giống đực, mà République socialiste VN thì họ dùng La (la), giống cái, ta gọi là cái cọng hòa… Ở bên tây nếu ta đọc la rờ sờ vờ nờ (RSVN) thì họ không hiểu ta rờ sờ cái chi nên phải đọc là la e rờ, e’xtờ, vê, en nờ).
Thưa Anh, tôi xin gọi như tôi vẫn gọi anh như thế cho thân mật, để tôi có thể nói huỵch toẹt ra những điều cần nói với anh. Còn cái chức vụ cao quý mà Quốc hội của Đảng đã bầu thì nhất thiết phải kính nhi.
Ngày xưa khi vua chúa mới lên ngôi rất chú ý đến những cái “dớp”, tức là những hành động hoặc hiện tượng có tính sái, nghĩa là bất thường. Ví như lụt bão, hạn hán, sao chổi xuất hiện, núi lở, sông đổi dòng, cả hiện tượng lạ bất thường như gà gáy nửa đêm, chim chóc đột nhiên bay loạn xạ, kêu xao xác… Nếu có những điều như thế thì nhà vua thường lập trai đàn cầu cúng và ăn năn, sám hối những lỗi lầm của bản thân hoặc của các quan lại cấp dưới. Điều đó có tác dụng làm yên ổn lòng mình mà còn làm thần dân an tâm. Cố nhiên phải sám hối cho thành tâm, như C.Mác nói “Sám hối thật lòng thì có cơ cứu rỗi”. Tôi dẫn một ví dụ. Triều vua Lê Nhân Tông (tk XV), Việt sử thông giám cương mục ghi: “Đại hạn… Nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.
“Luôn mấy năm nay hạn hán thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán!
“Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời,
không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?
“Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng?
“Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng?
“Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng?
“Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo bóc lột chăng?
“Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?
“Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng?
“Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ tư văn,  làm cho ơn trạch không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dướí không đề đạt được lên trên chăng?
“Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng?
“Người làm chủ súy đảo lộn công lao  của quân nhân, làm hại đến phép công chăng?
“Chằm đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng?
“Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng?
“Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm  hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?
“Tờ chiếu vừa ban xuống thì buổi tối hôm ấy trời mưa” (Sđd, NXB Văn Sử Địa Hà Nội, TX, Tr. 16-17).
Tôi nghĩ, “những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy”, ngày nay đầy dẫy từ TW đến địa phương, tệ hại, khốn nạn hơn xưa nhiều lắm!
Có môt cái dớp rất lớn, rất tệ hại mà anh vừa lên ngôi chỉ vài ngày thì xảy ra. Cái Ủy ban Kiểm tra TW đã làm một việc mà dân họ gọi là vừa ngu, vừa điên, nó tố cáo với thế giới và với dân nước rằng cái đảng mà anh là TBT vừa thù ghét trí thức, vừa kỳ thị tri thức. Trí thức thì người xưa gọi là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh, mà suy thì thế nước yếu. Các bậc thánh trí minh vương phải làm không biết đến đâu là cùng để bồi đắp cho nguyên khí. Có thể nhận định rằng cái UBKTTW đã chẳng biết gì về những tư tưởng tốt đẹp của tổ tiên mà hành xử thì rõ ràng là đã chửi bới lại cả tổ tiên. Ông bà bảo "phải làm không biết đến đâu là cùng", tức là phải bồi dưỡng nguyên khí, còn họ lại ra một quyết định ngớ ngẩn không thể biện hộ. Người nhà nhà anh có tư tưởng tiến bộ, anh vùi dập, thử hỏi ai tin được anh còn biết tôn trọng người ngoài? Ra cái nghị quyết ngớ ngẩn ấy, họ đã phạm ba sai lầm.
Thứ nhất họ khẳng định rằng đảng của anh không cần kiến thức, tri thức, chỉ cần tụng mấy câu mác lê là đủ. Nhưng có thể đảng không cần trí tuệ vẫn có thể cầm quyền. Còn dân và xã hội, thì không. Cấm dân mở rộng tri thức, chỉ là hành vi của bạo chúa, ngu tối, chúng cần dân ngu để dễ cai trị! Cớ sao anh lại đồng tình? Anh có thật lòng không, hay là lừa dối, khi anh kêu goi tìm đột phá về lý luận. Làm sao có đột phá khi hành xử thô bạo như vậy với trí thức. Anh Chu Hảo và nhiều người khác không chỉ là đảng viên của đảng, họ còn là trí thức của đất nước!
Thứ hai, cấm người đảng viên trí thức không được nghĩ khác, nói khác ý kiến ban lãnh đạo. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, phân biệt giữa tư tưởng của các vị tổ sư Mác và Ăngghen với đám phản đồ như Lênin, Stalin, Mao… Sinh thời Ăngghen phải kêu trời vấn đề này, ông từng nói: “Phải chấm dứt một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban và phê bình, thì quay ra coi họ là đám quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai lầm”. Như thế là mối quan hệ đảng viên và đám quan chức của đảng đã từng được xác lập theo quan hệ của đông đảo đảng viên là chủ thể và quan chức chỉ là “serviteur”, người phục vụ (đầy tớ, công bộc). Tôi không hiểu vì sao anh là trí thức lại rập khuôn sao chép y chang mô hình của Xô Viết và Diên An. Chắc anh cũng hiểu chỉ những tổ chức theo kiểu ma phi a hoặc phát xít thì mới bắt đàn em phải tuân phục đại ca (thủ lĩnh) vô điều kiện! Kéo dài những phương thức của một mô hình xã hội-chính trị vừa lỗi thời vừa phản động,lại đã phá sản, mà lịch sử đã lên án, thử hỏi chúng ta có chính danh hay không?
Thứ ba, hành xử của cái UBKT rõ ràng đang làm cho tình trạng quân hồi vô phèng phát triển. Việc quản lý in ấn phát hành đã có một cơ quan nhà nước là Cục Xuất bản đảm nhiệm, theo luật pháp và thẩm quyền chuyên môn. Anh là một ngành chuyên môn cụ thể, lại nhảy bổ vào đi làm chuyện của một cơ quan chuyên môn khác, tạo ra sự nghi ngờ về thẩm quyền và tư cách nhà nước của cơ quan này, nếu không gọi là vô chính phủ thì gọi là gì? Làm sao xã hội có thể tin được rằng một anh Vụ trưởng UBKT lại có đủ trình độ để thẩm định một tác phẩm có hàm lượng trí tuệ và khoa học, triết học mà chỉ có những chuyên gia liên nghành may ra mới đánh giá được! Theo Mác chỉ có duy nhất một phương thức để đối xử với tác phẩm là: nghiên cứu và phê bình, mọi hình thức kiểm duyệt chỉ là biện pháp sen đầm, thậm chí là biện pháp sen đầm tồi. Thành thử sai lầm này lại là môt sai lầm kép, nó chứa trong nó chẳng những là sự ấu trĩ (non nớt) mà còn là sự phá hoại.
Để phỉ phui mấy cái dớp này, không cứ mua bồ kết đốt vía mà được. Anh phải thành tín làm ngay một vài việc có ý nghĩa chấn động lòng người, may ra mới chấn động đến lòng trời, rồi họa may anh mới được chuyển nguy thành an được.
Hãy ra một chỉ thị của Président (1), yêu cầu giải quyệt vụ Thủ Thiêm, trước hết từ nay đến Tết Đinh Hợi phải trả lại nhà đất ngoài quy hoạch cho dân oan đã bị cưỡng chế sai.
Nhân dịp Tết Đinh Hợi hãy đặc xá, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Ngày xưa Vua Lý Nhân Tông, mùa đông, ngồi trong cung có áo ngự hàn, đốt cũi sưởi mà vẫn rét, liền nghĩ ngay đến người tù, những con người cùng khổ nhất, bèn lệnh tăng  phần ăn, cấp thêm chăn chiếu và đặc biệt là thả hết những người bị giam mà chưa thành án! Huống nữa là anh chị em tù nhân lương tâm, họ chỉ hoạt động vì mong muốn Đất nước tự chủ, không làm tôi mọi cho Trung Hoa Đại Hán bành trướng, mong làm lành mạnh hóa chính quyền, mong người dân thực sự có tự do dân quyền… Không nên coi họ là người có tội!
Nếu làm được ba điều ấy trước Tết, anh sẽ xua khỏi mình những tà khí, sẽ tạo ra trong đất nước một luồng sinh khí mới. Và như thế công việc của anh, đi tìm người hiền tài thay thế đám “quan liêu không bao giờ mắc sai lầm" may ra mới hanh thông.
Còn bây giờ, tôi xin nói chuyện đường dài với anh.
Bây giờ anh không chỉ là người của 4 triệu (thật ra anh chỉ là người của vài ba ngàn đại biểu bầu cho anh thôi). Cứ xem ông Tương Lai tuyên bố không muốn cùng đảng với anh thì biết, có cả nhiều vạn người từ bỏ anh âm thầm lặng lẽ, đút hồ sơ đảng viên vào ngăn kéo, không thèm nạp cho tổ chức. Cuộc thoái đảng này họ đã làm một cách rất Lạc Việt. Với cương vị Nhà nước mới anh phải là người của 90 triệu. Nếu anh cứ khư khư chỉ là người của đảng, tính chính danh “Chủ tịch Nhà nước” sẽ không còn. Cứ xem các Tổng thống các nước, mỗi khi đắc cử bao giờ cũng  tuyên bố phải phục vụ cho cả những người không bầu cho họ.
Nên giao chức Tổng bí thư cho người khác. Cố nhiên không được giao cho những kẻ cơ hội, làm tay sai cho Tàu.
Hãy từng bước tự chuyển hóa, chuyển biến, từ bỏ cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Cái chủ nghĩa mác lê gắn với mô hình xã hội chính trị có tên gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị Thế giới lên án. Nghị viện châu Âu lên án nó là mang tội diệt chủng, phản nhân loại. Gần đây Tổng thống D. Trump giữa Đại hội đồng LHQ đã tiếp tục lên án CNXH, mà cả Trung Hoa cả Việt nam đều im tiếng không dám cãi lại một lời. Lịch sử 100 năm nay cho thấy những nhà nước XHCN đều là những nhà nước tiếm quyền, độc tài toàn trị, đều đem lại thảm họa cho đất nước của họ. Riêng ở nước ta từ khi “Đổi mới”, thực chất đã không dám nói đi theo CNTB, nhưng vốn, kỹ thuật và một phần lớn  phương thức chủ nghĩa tư bản đã được áp dụng. Không phải nhờ đường lối XHCN của đảng, mà thật sự là nhờ những yếu tố quan trọng này, mà nước ta đã có những hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, nhờ thế mà nền kinh tế đã có thể hòa nhập khá sâu với thế giới. Nhờ nó mà các anh đã có thể tiếp tục đánh tráo khái niệm và lừa dối nhân dân, rằng nhờ đảng mà có cơ ngơi như ngày nay. Cần nói cho rõ ràng rằng với sự lãnh đạo “tài tình sáng suốt” của đảng chỉ kể từ “đổi mới” đến nay, tổng đầu tư cho công nghiệp hóa hiện đại hóa của VN (theo sự tính toán của nhiều nhà nghiên cứu) thì đã gấp đôi của Hàn quốc để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước họ. Hơn nữa họ đã hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, họ đã có một hạ tằng giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải hàng không hiện đại, một nền kinh tế mạnh xếp  thứ 10 của thế giới, có một nền khoa học, giáo dục tiên tiến đáng ngưỡng mộ, lại có một nền tư pháp đủ sức điều tiết bất kỳ hành vi tội lỗi, dẫu là của đương kim hay cựu Tổng thống. Ở nước ta, công trình của đảng chỉ là: một nền kinh tế bệnh hoạn, một nền khoa học giáo dục, nói như Lênin “9 phần là sai lầm, 1 phần là dối trá. Luật pháp thì như rừng mà xử thì như luật rừng. Một Chính quyền hành dân là chính, ăn không kể thứ gì, có đầy đủ cả ba tính chất (như Lênin nói), dốt, tham và cậy quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà anh Trương Tấn Sang nhân kỷ niêm 19 tháng Tám và 2-9 đã viết bài khá cảm khái. So sánh nước ta với các lân bang và nêu ra yêu cầu phải “gạt qua một bên, loại trừ”những yếu tố cản trở sự phát triển của Dân tộc. Những đảng viên quan chức cao cấp đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đồi trụy của đảng, người thì nói “lỗi hệ thống”, người thì nói “sâu một bầy”, "ăn đủ mọi thứ”… Chắc anh cũng biết những điều đó, có điều anh đang sợ vỡ bình, lại sợ mất quyền lực, mất ghế.  Nhưng ngay những tên độc tài trên thế giới từng ép cả Quốc hội ra luật để chúng làm Tổng thống mãn đời, thì hậu vận đâu có ra gì, chết đi, mà dân còn tiếp tục nguyền rủa. Chi bằng sám hối để còn được dung tha, thanh thản mà còn lưu phúc cho con cháu.
Anh là Tiến sỹ, Giáo sư, sao anh không hiểu rằng cái gọi là chủ nghĩa Mác Lênin thực ra là mớ hổ lốn, mà đám phản đồ hớp lấy những thứ cặn bã mà chính Mác và cả Ăngghen đã thải bỏ. Về lý tưởng cộng sản hai ông ấy khẳng định “đó chỉ là những ý nghĩ trẻ con lúc đầu đời và đã vứt bỏ lúc cuối đời”. Mác tự mình chối bỏ cái gọi là chủ nghĩa mác. Có hai điều mà Mác và Ăngghen đưa vào Tuyên ngôn cộng sản là “xóa bỏ tư hữu”và thi hành nền chuyên chính vô sản lấy giai cấp vô sản công nhân làm lãnh đạo, làm “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Cả hai điều đó, mà Lênin và bọn phản đồ đã cho là cột trụ của cái gọi là chủ nghĩa Mác Lê, thì chính nó là hai thứ cặn bã mà tự Mác đã thải ra. Hớp lấy cặn bã để dựng học thuyết, phỏng ra cái gì? Về tư hữu thì cuối đời Mác đã phủ định, và cho rằng “Những người sản xuất chỉ có được tự do một khi họ có quyền sở hữu: đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng tín dụng…”(2) Về giai cấp công nhân thì ông cho rằng “Một khi giai cấp công nhân đoạt được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người đứng ra đại diện họ (cn) và cai trị họ. Ngay lập tức, họ sẽ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh, thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi của những tham vọng mới” (2). Như thế là cả hai cái cột trụ của chủ nghĩa Mác Lê chỉ là cái cặn bã đã được Mác thải bỏ. Cả về lý thuyết lẫn thực tiễn đều đã bị nhân loại tiến bộ lên án. Các nước XHCN hiện tồn đều thực hiện chế độ tư hữu đỏ mập mờ hoang dại và tham tàn, khiến cho dân tộc chia ly, suy đồi, rối loạn kỷ cương, giá trị.
Cái gọi là giai cấp vô sản thực sự đã từ tên phu đào huyệt trở thành kẻ nô lệ, đau đớn hơn họ đã trở thành con mồi của những tham vọng mới. Bọn tham vọng mới chính là bè lũ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm bám vào chủ nghĩa Mác Lê để lừa bịp, cai trị và cướp bóc. Nếu anh còn chút lương tri, xin hãy tỉnh ngộ, bóc trần mọi dối trá, trả lại cho dân tộc sự lành mạnh văn hóa và tinh thần, để cho đất Việt - với cái nghĩa là vươn lên - vượt lên, siêu việt lên vào một thời kỳ mới nhịp cùng nhân loại văn minh tiên tiến ngày nay!
Anh hãy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Người không tự diễn biến, tự chuyển hóa, thực ra là con người chết. Ngay quy luật tự nhiên thôi cứ bảy ngày thì tế bào cũ chết, sinh ra một tế bào mới. Vì thế mà nhà Phật mới nói được luân hồi ngay trong kiếp này.
Trước hết anh hãy chuyển hóa làm người của dân tộc, của 90 triệu chứ không chỉ là người của mấy ngàn mà thôi.
Để làm được người của dân tộc,anh  có ba lựa chọn:
- Tìm lại và thực hiện tinh thần của Hiến pháp 1946 và mô hình nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nguyên khởi. Đó là tinh thần Độc lập Tự chủ (chưa bị lệ thuộc), Đoàn kết và Hòa hợp Dân tộc, tôn trọng đa nguyên, mời gọi các chính đảng cùng tham gia, tinh thần pháp quyền, tôn trọng Dân… Đáng tiếc là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào năm 1959, Hồ Chí Minh đã xóa bỏ Hiến pháp ấy và khởi thảo Hiến pháp mới rất đậm dấu ấn của mô hình Xô Viết và tư tưởng Diên An. Cố nhiên, là tooi nói anh theo tinh thần của HP 46, nhưng nội dung cụ thể thì phải tuân theo sự tiến bộ của thế  giới trong thế kỷ XXI.
- Hướng theo tư tưởng của các đảng Xã hội-Dân chủ. Những đảng này chỉ sử dụng tư tưởng của Mác và Ăngghen, như một tham chiếu quan trọng, chứ không coi đó là chủ nghĩa xơ cứng. Họ có những điều khả thể : Tôn trọng Độc lập quốc gia, nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, Xã hội dân sự, kinh tế thị trường đúng đắn và đầy đủ… Sau Thế giới đại chiến lần II, họ có nhiều công đóng góp cho các dân tộc của mình. Hiện nay họ đang ở vào tình thế khó khăn. Chủ yếu là chủ trương và đường lối không theo kịp biến chuyển của thế giới, thiếu những nhân cách lãnh đạo có uy tín cao trong xã hội, trở về thế đối lập yếu.
- Tinh tuyển những yếu tố tiến bộ, hợp lý trong các mô hình nhà nước hiện đại, xây dựng một Nhà nước Việt Nam Tân tiến, Nhân văn, Dân chủ, Độc lập, Đoàn kết Dân tộc, Lập Quyền Dân. Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã biết “Coi Dân là gốc của Nước”, ”Dân là quý”, ”thân Dân”, “an Dân”… Nhưng Dân chưa bao giờ thực sự có quyền lực nhà nước. Chỉ vào đầu tk XX vấn đề dân quyền mới được đặt ra. Hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh từng nói với nhau: Tranh được Độc lập rồi mà dân không có quyền thì cũng chẳng nghĩa lý gì! Trong khởi nghĩa tháng Tám 1945, Văn Cao có bài ca Chiến sĩ Việt Nam. Trong bài ca ấy có đoạn ca từ rất đẹp:
Lập Quyền Dân tiến lên Việt Nam,
Đài Hạnh phúc đắp xây Tự do.
Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm.
Thật ra Lập Quyền Dân mới chỉ là khẩu hiệu văn hóa. Bây giờ, phải trở thành khẩu hiệu chính trị. Phải trả lại cho Dân những quyền chính trị quan trọng, như quyền sở hữu từ đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng… như C. Mác quan niệm. Trả cho Dân quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, mà trong Tuyên ngôn 2-9 Hồ chí Minh đã phải thừa nhận. Trả cho Dân quyền tụ do Lập Hội, tự do ngôn luận, báo chí, tự do nhân thân... Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi tôn trọng Quyền Dân, Quyền con người. Đó chính là cái vốn xã hội chính trị quan trọng và cơ bản nhất.
Những người cộng sản Việt Nam hôm nay, nếu thật có lòng yêu Nước thương Dân, hãy suy ngẫm dự báo tài tình của C. Mác, khi ông nói, sau khi cướp được chính quyền, thì một nhóm người tự mình bầu cử và ứng cử để cai trị trong một kiểu nhà nước mới. Và ở Việt Nam thì cả công nhân, nông dân, trí thức, cả ba thành phần cốt cán của đảng đều trở thành nô lệ, con rối và con mồi (nạn nhân) của  bọn tham vọng mới! Hình thù bọn tham vọng mới ở nước ta hôm nay thì từng người dân đều rõ, đó là những đảng viên cầm quyền cấu kết với “ngoại bang lạ”, với những băng nhóm làm ăn bất chính hùa với tà quyền để cướp bóc. Cho nên nếu ai còn có chút lòng lương thiện thì phải tự diễn biến tự chuyển hóa thành người dân chủ, tiến bộ, nhân văn, thành con người của dân tộc, của nhân dân. Hiện nay ranh giới đã rõ, là đảng trì trệ, hủ lậu, phản tiến hóa, phản dân tộc, hay là làm người của Dân tộc, Nhân dân, Dân chủ, Nhân văn, quyết phục hưng Đất nước trong thế kỷ mới!
Còn môt vấn đề sinh tử nữa của Đất Nước hôm nay. Đó là mối quan hệ quốc tế. Bám theo để kiếm chác và phục vụ cho chính sách bá quyền Đại Hán đế quốc chủ nghĩa mới của tập đoàn cầm quyền hiện nay của Trung Hoa, hay chấn hưng đất nước, giữ vững độc lập, bảo vệ chủ quyền, thăng hoa dân tộc trong thế kỷ mới? Mệnh lệnh của dân tộc là phải sửa đổi mối quan hệ với Trung Hoa. Phải gầy dựng tinh thần tự chủ, phải gia tăng nội lực của đất nước, ủng hộ tinh thần yêu nước trong nhân dân, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Chân thành, thật tâm thực hiện quan hệ chiến lược với các nước văn minh tiến bộ, mà họ đang thực thi việc ngăn ngừa và làm thất bại mưu đồ xấu xa, phản động của đế chế Trung Hoa mới. 
Ngày nay chỉ trở về với nhân dân, thật tâm đi với nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng nội lực mới của dân tộc thì họa may mới đủ sức để ứng phó với tình hình thế giới mà anh cũng nhận thức được là biến chuyển nhanh chóng và khó lường. Ai cũng thấy thể chế này bất lực trước những đòi hỏi mới của Dân Nước. Chúng ta đã phung phí quá nhiều tài sản của quốc gia, phung phí cả thời gian của dân tộc, đã để mất nhiều thời cơ. Nay không thể chần chừ gì nữa. Thay đổi! Thay đổi! Không thay đổi thì Dân tộc sẽ rơi vào thảm họa đã trông thấy, mà đảng cũng đang chết trong lòng người!
Những ý kiến trên không mới, nhiều người đã nói với anh. Tôi, nhân khi đang rong chơi ở Paris, biết tin anh đã lên ngôi mới, thề thốt vì dân vì nước, cũng thử nghĩ  xem nhóm Ngũ Long, Nguyễn Les Patriotes xưa, họ đã gõ gót trên những đường phố nào, để ấp ủ một hoài vọng, mong nước được hồi sinh, dân được văn minh tiến bộ. Bèn ngẫm nghĩ trong đầu một lá thư gởi cho anh. Xin anh hãy lắng nghe lời một người già vẫn đau đáu một mong ước như Nàng Bích Châu (3) xưa “Mong Nước được trị Dân được an”.
Cầu mong ơn Tiên Tổ cho anh một thần trí mới để thực hiện thành quả tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Thân kính,
Nguyễn Khắc Mai, người già Ô Đồng Lầm Thăng Long.
Ghi chú
(1) Tôi xin dùng chữ Pháp vì chữ Chủ tịch, từ Tàu du nhập vào, nó có nghĩa là  chủ chiếu, hoặc chiếu bạc, chiếu rượu, chiếu thơ, chiếu văn, từ ấy không xứng đáng để gọi người đứng đầu Nhà nước.
(2) Xem Marx sa vie et son oeuvre, Jean Eleinstein, NXB Fayard, Paris.
(3) Bà Bich Châu Phi hậu của vua Trần Duệ Tông, hy sinh trong cuộc Nam chinh, tác giả áng văn Kê minh thập sách. Xem Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bich Châu và Đền thiêng bên cửa biển. NXB Phụ nữ. 2015.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét