Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

20181205. BÀN VỀ THỰC THI CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO 'TRÓI TAY' CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP ?

MINH CHÂU/ BVN 4-11-2018

Phải gọi là gì khi mà mai này các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập ra đời sẽ bị ‘treo’ hai quyền sau đây trong 5 năm: “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”.
Việc ‘treo’ hai quyền nói trên được ghi hẳn hoi trong Nghị quyết số 72/2018/QH14 “Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan”, do bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành hồi trung tuần tháng 11-2018.
Hạn chế quyền vì lý do… chính trị?
Nếu thực hiện đầy đủ yêu cầu liên quan về lao động trong các nội dung FTA thế hệ mới dựa trên nền tảng loạt công ước của Tổ chức Lao động Thế giới ILO, thì cả hai quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể sẽ tùy thuộc vào đòi hỏi thực tế của người lao động, chứ không phải theo ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng như vậy thì lại vi phạm Luật Công đoàn 2012 mà Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012.
Điều 1 của Luật Công đoàn 2012 quy định vầy: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Diễn giải điều luật nói trên, công đoàn ở Việt Nam là một tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

https://3.bp.blogspot.com/-1Yd_UYeQhJI/XAPTLnJOMJI/AAAAAAAADG4/bPPt--9GmGoXOm9vWfiSWQfdF7vvLQJHgCLcBGAs/s640/1-6-1520935195987559604499.jpg

Còn theo cách hiểu của ILO, cụ thể là các Công ước số 98 “về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể”, Công ước số 87 “về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức”, thì công đoàn thành lập nhằm để bảo vệ quyền lợi tối thượng của người lao động trước giới chủ.
Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập, đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.
Nghĩa là theo ILO, tổ chức công đoàn có trách nhiệm bảo vệ cả quyền lợi chính trị được Hiến định của công dân là người lao động, và không phải chịu sự phụ thuộc vào đảng cầm quyền như quy định ở Điều 1, Luật Công đoàn 2012.
Hạn chế quyền, vì đó là yêu cầu của… Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
Đề mục III, khoản 2.10 của Nghị quyết số 06-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 05-11-2016, đã quy định như vậy [Toàn văn Nghị quyết có thể tải về tại http://bit.ly/2P7JPy5].
Sẽ có gì khác biệt giữa công đoàn trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và công đoàn độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết?
“Tự do liên kết” sẽ giúp các công đoàn độc lập củng cố sức mạnh của một tập thể chuyên trách. “Tự do thương lượng” sẽ giúp người lao động lựa chọn những tổ chức công đoàn toàn tâm, toàn ý vì quyền lợi của người lao động, không chịu sự chi phối của bất kỳ đảng phái chính trị nào.

https://2.bp.blogspot.com/-73rg5sx7IdY/XAPTZoJxWEI/AAAAAAAADG8/JPzNq8ckyCw7Mv7VvXVK3087Y44FygDcgCLcBGAs/s640/5311435-17_21_42_961.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Các tổ chức công đoàn độc lập sẽ không thể thực hiện đầy đủ hai quyền tự do kể trên, nếu như buộc vẫn phải chịu đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản như yêu cầu Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Chính lẽ đó nên mốc thời gian 5 năm mà bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ở Nghị quyết số 72/2018/QH14, có thể coi là chờ đợi những giải pháp dung hòa được tham vọng của đảng muốn lãnh đạo cả công đoàn độc lập, và các quyền đương nhiên không phải chịu sự lệ thuộc vào đảng chính trị của công đoàn, hội đoàn được quy định ở Công ước 87 và Công ước 98.
Thế nhưng nếu phải chờ đợi 5 năm thì những công đoàn độc lập sẽ hoạt động ra sao khi cả hai quyền “tự do liên kết” và “tự do thương lượng” mới thực sự là điều khác biệt mà người lao động cần đến, vì họ lâu nay không tìm được đầy đủ hai quyền tự do đó ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?
Bằng cách truyền tiếng nói của người lao động thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, công đoàn và hệ thống quan hệ lao động đóng góp vào ổn định chính trị và xã hội, đồng thời thúc đẩy cho thịnh vượng chung. Đó là kinh nghiệm mà các nước khác đã cho thấy trong nền kinh tế thị trường.
Giờ lại đặt thêm vào đó yêu cầu phải thỏa mãn không chỉ là “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, mà còn thêm “sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” vào tổ chức công đoàn độc lập, thì đó thật sự là bài toán nan giải cho những nhà soạn thảo luật của Việt Nam.
Nếu phải sửa Hiến pháp, thì cần thêm điều gì?
Liên quan chuyện công đoàn độc lập, một số bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo có đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp, phần liên quan về công đoàn, về mối quan hệ hữu cơ giữa công đoàn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9, Hiến pháp 2013).
Người viết cho rằng nền tảng của sửa đổi ấy là cần bổ sung thêm một nội dung về thừa nhận thiết chế cơ quan nhân quyền quốc gia - một cơ chế chuyên biệt cho việc giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền ở tầm cỡ quốc gia theo tinh thần của các công ước quốc tế.
Hiện nay về hình thức, giám sát và thúc đẩy thực hiện nhân quyền cũng như việc thực hiện Hiến pháp đều nằm dưới quyền tối cao của Quốc hội, và chưa có cơ chế phân quyền rõ ràng trách nhiệm cho các chủ thể khác nhau, mà chỉ dừng lại ở việc phân công phối kết hợp và kiểm soát giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều này mặc dù sẽ tạo được sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhưng mặt trái của nó là sự chậm trễ, bảo thủ khi có những vấn đề trái chiều xảy ra.
Xem ra với quan điểm “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, thì cơ chế quyền kiểm soát các quyền; cơ chế độc lập cao và chế ước, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực để bảo đảm mọi người, mọi tổ chức đều tuân thủ nghiêm minh pháp luật, không một tổ chức và cá nhân nào, kể cả đối với ‘đảng và nhà nước’ có thể đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật, vẫn đang là một thách thức không nhỏ trong đòi hỏi vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người tại Việt Nam.
Nôm na, mọi chủ thể của xã hội, cũng như mọi chủ thể của các cơ quan nhà nước phải tổ chức và hoạt động vì quyền con người, chứ không phải chăm chăm vì quyền lợi và quyền lực của đảng cầm quyền được thông qua cái gọi là “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”.
M.C.
VNTB gửi BVN

QUYỀN THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ: VÌ SAO PHẢI CHỜ ĐỢI 5 NĂM ?

THẢO VY/ BVN 4-11-2018

“Trong trường hợp có tranh chấp, Việt Nam sẽ không bị trừng phạt thương mại trong vòng 3 năm đối với tất cả các nghĩa vụ và 5 năm liên quan đến 2 nghĩa vụ về “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể”. Nghị quyết số 72/2018/QH14 “Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan” có chú thích như vậy.
Liệu các công đoàn/ nghiệp đoàn được thành lập nhưng lại chưa có “Quyền thương lượng tập thể”, mà phải chờ đến sang năm 2024 thì ai sẽ tham gia những hội đoàn không thực quyền này?
Quyền thương lượng tập thể là gì?
Mục 2 Chương V Bộ luật Lao động năm 2012 từ Điều 66 đến Điều 72 là nói về “Quyền thương lượng tập thể”.
Theo đó, mỗi bên đều có quyền yêu cầu thương lượng tập thể, bên nhận được yêu cầu không được từ chối việc thương lượng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng, các bên thoả thuận thời gian bắt đầu phiên họp thương lượng.
Trường hợp một bên không thể tham gia phiên họp thương lượng đúng thời điểm bắt đầu thương lượng theo thỏa thuận, thì có quyền đề nghị hoãn, nhưng thời điểm bắt đầu thương lượng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể.
Trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại Điều này thì bên kia có quyền tiến hành các thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
Đại diện thương lượng tập thể được quy định như sau: a) Bên tập thể lao động trong thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp là tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; thương lượng tập thể phạm vi ngành là đại diện Ban chấp hành công đoàn ngành;

https://2.bp.blogspot.com/-0-gBqT3ellY/XAFrw7W0ywI/AAAAAAAADFw/Ftx11jndeAMgCTnG8HXH-Q2cyDpss5KGACLcBGAs/s640/xuat-khau-sang-lien-minh-chau-au-sau-evfta-tang-toc-manh-neu-chuan-bi-tot1465141264.jpg
Ảnh minh họa.
b) Bên người sử dụng lao động trong thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp là người sử dụng lao động hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động; thương lượng tập thể phạm vi ngành là đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ngành.
Số lượng người tham dự phiên họp thương lượng của mỗi bên do hai bên thoả thuận.
Như vậy, nếu như các tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập được thành lập theo đúng yêu cầu của CPTPP, nhưng lại chưa có “Quyền thương lượng tập thể”, có nghĩa là những tổ chức này sẽ không thể thực hiện 5 nội dung thiết thực sau đây của người lao động trong thương lượng về quyền lợi với giới chủ: (1). Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương. (2). Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca. (3). Bảo đảm việc làm đối với người lao động. (4.) Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động. (5.) Nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Với 5 điều trên, còn có nghĩa là các công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập cũng không thể vì quyền lợi của người lao động mà tổ chức các cuộc đình công, bãi thị. Vì đình công, bãi thị chỉ mang giá trị khi kết quả thương lượng tập thể thất bại, với phần thua thiệt tiếp tục là ở người lao động.
Công đoàn, nghiệp đoàn độc lập sẽ ‘lách luật’ cho “Quyền thương lượng”?
Mục 2 Chương V Bộ luật Lao động năm 2012 từ Điều 66 đến Điều 72 là nói về “Quyền thương lượng tập thể”, thật ra vẫn còn ‘lỗ hổng’ mà các công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập có thể không cần phải chờ đợi 5 năm như chú thích của Nghị quyết số 72/2018/QH14.
Đơn cử, Mục 2 nói trên còn thiếu quy định về thương lượng tập thể ở phạm vi ngoài doanh nghiệp.
Bộ luật Lao động nói rằng thương lượng tập thể gồm hai cấp, là thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp, và thương lượng tập thể phạm vi ngành. Trên thực tế, nhu cầu thương lượng tập thể có thể phát sinh ngoài doanh nghiệp, như ở một khu chế xuất, công nghiệp hoặc một vùng.
Theo phân tích của thạc sỹ Trần Đức Thắng, giảng viên trường Đại học Lao động – Xã hội, thì điều kiện lao động và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc trong vùng về cơ bản là tương đồng nhau. Ở đó, nếu chỉ có thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp thì có thể dẫn tới sự khác nhau trong thu nhập của người lao động làm cùng một nghề, cùng một khu vực trong các doanh nghiệp khác nhau.
Vì vậy, thương lượng tập thể phạm vi ngành sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này, hạn chế các tranh chấp lao động, đình công xảy ra. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Theo các công ước quốc tế và thực tiễn pháp luật của nhiều nước trên thế giới, thương lượng tập thể được quy định và thực hiện ở cấp doanh nghiệp, cấp vùng, cấp ngành.
Như vậy các công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập nếu được sự tín nhiệm của người lao động, thì theo nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự, những tổ chức này đều có thể đại diện người lao động để thương lượng với giới chủ về các quyền lợi thiết yếu của người lao động, trước mắt ở phạm vi ngành như phân tích ở trên.
Vì sao lại phải chờ đợi 5 năm?
Theo Tổ chức Lao động Thế giới ILO, thì “Quyền thương lượng tập thể (Right to collective bargaining,http://bit.ly/2RmmBGw)” được hiểu là người lao động có quyền tự tổ chức, thành lập, tham gia hay hỗ trợ các tổ chức lao động, thương lượng tập thể thông qua các đại diện mà họ tự lựa chọn, và tham gia vào các hoạt động phối hợp khác nhằm mục đích thương lượng tập thể, hay hỗ trợ hoặc bảo vệ lẫn nhau.
Phải chăng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mặc dù luôn tự hào là đang có 10,5 triệu thành viên, với bề dày lịch sử hình thành từ cuối tháng 7-1929, nhưng lại thiếu tự tin trong sòng phẳng cạnh tranh, nên phải nhờ đến sự hậu thuẫn của Quốc hội trong tạm giới hạn một số quyền như “Quyền tự do liên kết” và “Quyền thương lượng tập thể” đối với các tổ chức công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập?
Th. V. VNTB gửi BVN

KẺ NÀO KHÔNG MUỐN SỬA LUẬT CÔNG ĐOÀN ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 5-11-2018

Các đại diện thành viên thuá»™c TPP chụp hình tại Santiago, Chile, ngày 8 tháng Ba. 
Các đại diện thành viên thuộc TPP chụp hình tại Santiago, Chile, ngày 8 tháng Ba.
Dù Luật Công đoàn năm 2012 có khá nhiều mối liên hệ hữu cơ qua lại với Bộ luật Lao động, và một cách đương nhiên theo đòi hỏi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia - khi sửa luật này thì đồng thời phải sửa luật kia và ngược lại, vẫn đang tồn tại âm mưu ‘không sửa Luật Công đoàn’.
Kẻ nào là thủ phạm của âm mưu trên?
Và nếu âm mưu trên được thi hành, kẻ nào sẽ được hưởng lợi lớn nhất?
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và 3% ‘ăn cướp’!
Cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.
Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
“Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở” - Điều 4, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP do ‘Anh Ba X’ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định như thế.
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Vì sao ‘hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp’?
Chỉ đến tháng Mười một năm 2018, trùng với thời điểm đích thân ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP, một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu mới nêu ra, như một cách lên án, đối với ‘công đoàn vàng’
“Nếu không cẩn thận, sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là 'công đoàn vàng', hoặc một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp” - Quan chức Ngọ Duy Hiểu ‘lo ngại’.
Trong lý luận về lao động quan hệ lao động của chính quyền Việt Nam, ‘công đoàn vàng’ là một khái niệm nhằm ám chỉ công đoàn của giới chủ, lập ra bởi giới chủ và phục vụ cho quyền lợi của giới chủ, trong khi đối lập với quyền lợi của người lao động.
Nhưng vì sao đến lúc này giới quan chức công đoàn quốc doanh lại lo sợ “hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”? Với thâm ý gì?
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân đã trở nên quá bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục năm qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và như thể đang chen lấn lao xuống địa ngục trong cơn khủng hoảng về ý thức hệ này…
Sự thật trần trụi là một khi người công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập, họ sẽ tự bảo vệ quyền lợi của mình, phản đối các chính sách bất công của chính quyền và giới chủ và cũng đương nhiên phản ứng với não trạng, thái độ và cách hành xử bảo thủ, quan liêu và ngập ngụa tư chất lợi ích nhóm của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phải chịu nguy cơ lớn, hoặc rất lớn về mất mát quyền lực, hoặc chắc chắn sẽ mất hẳn vai trò “tổ chức chính trị - xã hội’ của nó, không những không còn ngân sách đảng phóng tay cấp tiền ăn xài mà còn sẽ mất hẳn 3% ‘ăn cướp’ được từ giới doanh nghiệp và công nhân.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa mà đã khiến giới quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trở nên biến báo, ngụy biện và quy chụp chính trị bất cần liêm sỉ về ‘công đoàn vàng’ và “một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”, khi đề cập đến công đoàn độc lập - ‘kẻ thù’ của họ và cũng là của chế độ một đảng.
Một bằng chứng từ Phạm Bình Minh
Nguy cơ mất ăn 3% cũng chính là nguồn cơn sâu xa khiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, mặc dù đã phải thừa nhận sẽ cạnh tranh với công đoàn độc lập được lập ra bởi công nhân trong tương lai, nhưng giới quan chức nhà nước vẫn âm mưu đối phó với CPTPP hiện thời và cả EVFTA sau này bằng cách ‘chỉ sửa Luật Lao động nhưng không cần thiết phải sửa Luật Công đoàn’. Một trong những bằng chứng rõ nhất âm mưu này chính là thông tin mà quan chức Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói trước Quốc hội: ‘cho đến hiện nay thì Chính phủ không đề xuất sửa Luật Công đoàn’.
Đó là Chính phủ của Thủ tướng Phúc. Liệu Chính phủ này có toa rập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để trong suốt một thời gian dài, cơ quan công đoàn quốc doanh này đã không hề trình một dự thảo nào về sửa Luật Công đoàn?
Lý do thật ‘đơn giản’: nếu sửa Luật Công đoàn thì rất có thể sẽ phải bỏ quy định ‘ăn cướp 3%’ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với thu nhập của các doanh nghiệp và của người lao động - một quy định ăn trên ngồi trốc, bị xem là ‘ăn trên xương máu người lao động’ mà đã gây phẫn nộ lớn trong nhiều năm qua trong cả giới công nhân lẫn giới chủ.
Và nếu phải sửa Luật Công đoàn, chẳng có gì chắc chắn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giữ được vai trò ‘quản lý lao động’ như Luật Công đoàn cũ. Hoặc nếu được sửa, rất có khả năng Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ vẫn bao hàm một nội dung - dù được thể hiện kín đáo hơn chứ không dám lộ liễu như trước - về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ ‘quản lý’ cả các công đoàn độc lập, một quy định hoàn toàn trái khoáy với các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam sẽ phải ký kết bởi trong các công ước quốc tế này, bởi trong CPTPP vai trò và tư cách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn độc lập là bình đẳng, không ai được ‘quản lý’ ai…
P.C.D.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét