Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

20181209. PHÂN TÍCH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ GIẢM BIÊN CHẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC: ĐẰNG SAU CÁC CON SỐ
VŨ QUANG VIỆT/ TBKTSG 8-12-2018
(TBKTSG) - Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội năm 2016 đề ra là bội chi ngân sách không quá 3,9% GDP và nợ chính phủ không quá 54% GDP. Bản dự thảo ngân sách năm 2019 trình Quốc hội mới đây cho thấy dự toán bội chi ở mức 3,6% GDP và hai năm 2017, 2018 vừa qua đều cho thấy dự toán bội chi đều dưới 4% (xem bảng 1). Không những thế, số liệu ước thực hiện cũng gần như thế, thấp hơn hẳn những năm trước đó (nhiều năm cao từ 5-6%). Sự thật như thế nào?
Tình hình thực ra không sáng sủa như thế. Phân tích kỹ hơn cho thấy một số vấn đề lớn.
1. Thay đổi cách làm thống kê ngân sách

Theo sự hiểu biết của người viết và qua trao đổi với một chuyên gia làm thống kê ngân sách ở Bộ Tài chính, bộ đã thay đổi cách làm thống kê kể từ năm 2017. Trong khoản chi trả nợ chỉ có chi trả lãi chứ không bao gồm cả chi trả nợ gốc như trước đây. Đây có thể là lý do chi trả nợ và viện trợ giảm hẳn xuống năm 2017 (chỉ còn 100.000 tỉ đồng so với 176.000 tỉ đồng năm 2016). Trong số chi trên, viện trợ không đáng kể, dưới 1% nên có thể bỏ qua.
Như thế có thể nói, tỷ lệ bội chi từ năm 2017 trở đi không thể so sánh với những năm trước đó. Việc giảm tỷ lệ bội chi là giảm ảo. Thử nghiệm ước tính, chi trả nợ lãi và gốc tăng theo tốc độ trung bình năm 13,7% (2016/2009, theo tính toán của người viết) thì năm 2017 chi trả nợ là 199.000 tỉ đồng, cao hơn con số trong bảng 1 là 99.000 tỉ đồng, và tỷ lệ bội chi sẽ là 5,5%, tức là cao hơn trước chứ không giảm.
Nếu dựa vào Báo cáo 195/BC-CP ngày 15-5-2018 gửi Quốc hội thì con số trả nợ là 253.000 tỉ đồng trong năm 2017, như vậy bội chi còn cao hơn, lên tới 6,5% GDP.
Nói chung, ngưỡng bội chi ngân sách so với GDP mà các tổ chức khuyến nghị là không nên vượt qua là 3%. Thậm chí tỷ lệ này có tính luật ở các nước thuộc EU. Nhưng bội chi ngân sách Việt Nam vẫn tiếp tục vượt tỷ lệ khuyến nghị trên dù với cách làm thống kê mới.
2. Thống kê về trả nợ chính phủ
Không chỉ có sự khác biệt về phương pháp thống kê (sẽ bàn thêm sau), số liệu ngân sách chi trả nợ rất khác biệt giữa quyết toán ngân sách và báo cáo về nợ công do cùng Bộ Tài chính công bố.
Khác biệt giữa báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội năm 2018 đã nói đến ở trên, bảng 2 ở dưới cho thấy khác biệt giữa báo cáo quyết toán của Bộ Tài chính và Bản tin nợ công cũng của Bộ Tài chính của những năm 2011-2015, tức là trong những năm đã được quyết toán (thường là 2-3 năm sau so với năm được báo cáo).
Kể từ năm 2012 thì sự khác biệt về trả nợ chính phủ rất lớn, và như thế, số thực bội chi và tỷ lệ bội chi cũng cao hơn hẳn so với báo cáo về ngân sách, nếu số liệu trong Bản tin nợ công là đúng. Đặc biệt thông tin trong Bản tin nợ công cho thấy trả nợ gốc chiếm đến 70% trả nợ, và như thế tỷ lệ bội chi sẽ cao hơn hẳn trước đây nếu tính cả trả nợ gốc.
Nhưng câu hỏi quan trọng là: đâu là thống kê thực?
3. Nguyên tắc quốc tế trong thống kê ngân sách
Thực ra, nguyên tắc quốc tế trong thống kê ngân sách đã thay đổi so với trước đây, tức là chi phí thường xuyên chỉ gồm trả lãi. Trả nợ gốc hay vay thêm nằm trong phần cân đối thanh toán tài chính, để từ đó có thể tổng kết lại thành nợ thuần (net borrowing/net lending) cuối năm.
Thí dụ, nếu chi bao gồm cả trả lãi và trả nợ gốc là 100 (trong đó chi trả nợ gốc là 10), và số chi này cao hơn thu là 80, như vậy, bội chi (20) chính ra số tiền mà chính phủ phải vay thêm. Tuy nhiên do chính phủ đã trả nợ gốc (10) trong số chi 100 thì tổng nợ thuần của chính phủ trong năm chỉ tăng lên 10. Bội chi nói lên mức chi vượt thu trong năm. Nợ thuần nói lên mức tăng trách nhiệm chi trả trong năm. Như thế để phân tích cần có số liệu trên cơ sở cả hai ý niệm.
Một thí dụ nữa để làm rõ ý niệm: chính phủ vay 50 nhưng tiền nhận được chưa tiêu, lúc đó tăng nợ thuần là 0, vì nợ thuần là tích sản trừ tiêu sản, mà ở đây tích sản là tiền mặt (50), còn tiêu sản là nợ (50). Đây là vấn đề phức tạp khá khó hiểu trong thống kê tài chính quốc gia (các bạn có thể đọc sơ vấn đề này trong tài liệu của IMF https://www.imf.org/external/pubs/ft/pam/pam49/pam4902.htm)
Điểm quan trọng nữa cũng cần nhấn mạnh là khi nguyên tắc làm thống kê thay đổi thì toàn bộ thống kê trong quá khứ cũng phải thay đổi theo để người sử dụng như đại biểu Quốc hội có thể kiểm tra và phân tích. Và sự thay đổi này cũng cần được thông báo rộng rãi.
TIN BÀI LIÊN QUAN:

'CHỜ ĐỢI' - NGHỆ THUẬT THỨ 8

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 8-12-2018

Năm 2015 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, theo đó mỗi năm toàn hệ thống phải giảm được 70.000 người, nghĩa là đến năm 2017 phải giảm 140.000 người.
Thực tế là sau khi có Nghị quyết 39-NQ/TW biên chế lại không giảm mà lại tăng thêm 96.000 người, đây là số liệu mà ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII tiến hành ngày 29/11/2017. [1]
Số liệu thống kê cho thấy năm 2016, cả nước có 270 nghìn công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện. Có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng. [2]


Minh họa của ĐAN/ Laodong.vn

Nếu chấp nhận tỷ lệ cứ ba cấp phó có một cấp trưởng thì số cấp trưởng sẽ vào khoảng 27.000 người, và tổng số cán bộ lãnh đạo (huyện, tỉnh, bộ) sẽ là trên 100.000 người trong tổng số 270 nghìn cán bộ công chức, bình quân cứ một lãnh đạo có khoảng 1,7 chuyên viên.
Thực tế số lượng cấp phó các cơ quan không mấy khi là 3 người mà nhiều nơi hơn con số ấy, do vậy số cấp trưởng sẽ giảm đi, giả sử 5 cấp phó giúp cho một cấp trưởng thì số lượng cấp trưởng sẽ khoảng 16.000 người.
Trường hợp này xảy ra, sẽ cải thiện đôi chút, nghĩa là trong toàn bộ hệ thống cứ khoảng 2 chuyên viên có một lãnh đạo!
22 năm trước, Bộ Chính trị khóa VII ban hành Nghị quyết số 14/NQ/TW “Về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng” (ngày 15/5/1996).
Một số ý kiến cho rằng đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng liên quan đến hiện trạng tham nhũng trong hệ thống.
Tuy nhiên tiêu đề nghị quyết cho thấy nghị quyết này chỉ mới đề cập đến “chống” tham nhũng chứ chưa đề cập đến “phòng” và cũng chưa nói đến chống “lãng phí”.
Phải đến Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thì trung ương mới ban hành nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”…
Cùng với các nghị quyết là việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự,…
Kết quả đạt được của việc ban hành rất nhiều nghị quyết, luật và các văn bản dưới luật về phòng chống tham nhũng là gì?
Nghị quyết của Trung ương là phải giảm biên chế nhưng thực tế biên chế lại tăng có phải là một dạng tham nhũng chính sách, vi phạm pháp luật hay chỉ là tình trạng “Trên bảo dưới không nghe”?
Liệu có tình trạng coi Nghị quyết của Đảng không giống như các văn bản quy phạm pháp luật nghĩa là nếu làm trái không bị coi là phạm pháp?
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP “Về chính sách tinh giản biên chế”.
Năm 2018 lại ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Ngày 30/10/2017, Quốc hội khóa 14 đã có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Các đại biểu Quốc hội đã nêu dẫn chứng:
Bộ Tài chính còn dư tới 6.318 trên tổng số 71.714 biên chế bằng 8,8%. Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế bằng 56%, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế bằng 28%...”. [3]
Như vậy, việc biên chế phình to thêm sau khi có các Nghị quyết của Đảng, ý kiến của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ trải đều trong cả ba lĩnh vực: “Vi phạm pháp luật; Tham nhũng chính sách; Trên bảo dưới không nghe”.
Một khi đã liên quan đến pháp luật (không tuân thủ các điều khoản trong nghị định của Chính phủ) thì pháp luật phải xử lý, vậy bao nhiêu người/cơ quan đã bị xử lý vì góp phần làm tăng thêm biên chế 96.000 người?
Hình như chưa có người nào bị kỷ luật nặng hay ra tòa về chuyện này.
Bài viết đăng trên Nhandan.com.vn (ngày 22/6/2018) đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng phòng chống tham nhũng như sau:
Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ được Ðảng ta chỉ ra từ lâu và đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhằm tăng cường lãnh đạo để đẩy lùi nguy cơ này.
Nhưng, trên thực tế, đây vẫn là vấn nạn bức xúc, nhiều vụ tham nhũng tiêu cực gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, nhiều dự án kinh tế lớn chết yểu, trở thành con nợ của nền kinh tế; không ít cán bộ vướng vào vòng lao lý, bị phạt tù chung thân, thậm chí là tử hình vì tham nhũng, tiêu cực.
Lòng tin của nhân dân có lúc bị giảm sút đáng kể”. [4]
Một khi đã ban hành “nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhằm tăng cường lãnh đạo để đẩy lùi nguy cơ (tham nhũng)” nhưng tham nhũng vẫn hoành hành cả về mức độ, quy mô lẫn cấp bậc các đối tượng phạm tội thì có nên đặt câu hỏi: “Vì sao lại xuất hiện nghịch lý này”?
Nói cách khác, các “nghị quyết, chỉ thị, kết luận” ban hành nhiều có phải là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng?
Nếu đúng là công cụ hữu hiệu thì vì sao vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng, nếu chưa phải là công cụ hữu hiệu thì có nên thay vì ban hành nhiều nghị quyết, hãy tập trung thực hiện đúng, đủ những quy định hiện hành tức là thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh “Thượng tôn pháp luật” còn vấn đề mà người dân và truyền thông thường xuyên đề cập là chính quyền nói nhiều nhưng làm thì hình như không tương xứng?
Xin dẫn chứng qua hai sự kiện:
Trong khi một số địa phương đang hăng hái sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn (cấp huyện, tỉnh) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận 34 của Bộ Chính trị “Về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thì mới đây Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban) vì lý do Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề này.
Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành tháng 10/2017, đến nay đã hơn một năm, dự thảo nghị định mới được trình, chưa được duyệt, vậy bao giờ sẽ thực hiện?
Còn nhớ chuyện thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, việc thực hiện thi tuyển lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp được thực hiện theo đúng chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên người trúng tuyển không được bổ nhiệm vì tại thời điểm đó, Bộ Nội vụ dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ còn đang hoàn thiện đề án “Thí điểm đối mới, cách tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp”.
Vì sao không ít văn bản chỉ đạo lại được ban hành chậm hơn nhiều so với những gì diễn ra trong cuộc sống? Vướng về cơ chế, chậm do chỉ đạo hay còn những rào cản khác chẳng hạn đội ngũ “cắp ô” quá nhiều nên thiếu người … soạn thảo văn bản?
“Nhốt quyền lực vào lồng” để kiểm soát có phải là lý do cho việc một số cơ quan thuộc Chính phủ lúc ấy không dám đột phá hay sợ chưa đủ kinh nghiệm thực tế để tổng kết thành văn bản quy phạm pháp luật?
Chủ trương xây dựng một Chính phủ “minh bạch, kiến tạo,…” sẽ thế nào nếu những gì đã và đang diễn ra trong thực tế luôn phải chờ những văn bản chỉ đạo?
Từ nghị quyết đến nghị định, từ lời nói đến việc làm luôn có một khoảng cách “rất dài và rất xa” vậy phải chăng sau “Nghệ thuật thứ 7” là Điện ảnh, nước Việt nên hình thành “Nghệ thuật thứ 8” là “Chờ đợi”?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bien-che-tang-them-96000-nguoi-bat-luc-vi-thieu-che-tai-1213670.tpo
[2] http://www.sggp.org.vn/hai-nam-thuc-hien-tinh-gian-bien-che-da-tang-them-96000-nguoi-va-chi-thuong-xuyen-tang-1625-485218.html
[3]http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=34079
[4] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/36765602-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-can-quyet-liet-dong-bo-hon-nua.html
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét