Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

20181208. VÌ SAO THIẾU THAN CHO ĐIỆN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHỦNG HOẢNG ĐIỆN THAN: KHI THỊ TRƯỜNG CÒN BỊ CAN THIỆP GIÁ

VĂN THỊNH/ TBKTSG 7-12-2018

(TBKTSG) - Gần đây, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục cầu cứu tới các cơ quan chức năng về nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng do tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) không cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. Điều này thật trái ngược vì cũng chính EVN vào tháng 5 năm ngoái đã đề xuất Chính phủ giảm mua hai triệu tấn than của TKV vì than nội địa giá cao, chất lượng không tốt. Nghịch lý thừa than cũng “than” và thiếu than lại “cầu cứu” này xuất phát từ cơ chế can thiệp giá và hạn chế nguồn cung rất phi thị trường tại Việt Nam.
Nút thắt của thị trường mua bán than sản xuất điện năng hiện nay nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung. Ảnh: THÀNH HOA
Theo EVN, các nhà máy nhiệt điện trên toàn miền Bắc đang trong tình trạng khan hiếm than và hiện phải hoạt động cầm cự, thậm chí dừng một phần sản xuất trong những tháng cuối năm. Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ một ngày vận hành); Nhiệt điện Hải Phòng chỉ còn trên 6.600 tấn (khoảng năm ngày vận hành), Nhiệt điện Phả Lại cầm cự được trong khoảng 10 ngày tới. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng hoạt động hai tổ máy từ đầu tháng 11 đến nay do nguồn cung không đủ cầu.
Trong công văn mới nhất, số 5997/EVN-KTSX gửi Bộ Công Thương vào ngày 20-11-2018, EVN cho biết tại cuộc họp giữa các bên, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất nhưng thực tế lượng than cấp nhỏ giọt.
Vì đâu nên nỗi?
Thực trạng thiếu than cho sản xuất điện vào những tháng cuối năm nay có thể được giải thích bằng cả những yếu tố về cung và cầu.
Về phía cầu, nhu cầu sản xuất nhiệt điện tăng cao hơn những năm trước do hạn hán khiến thủy điện thiếu nước. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình hình hạn hán ở miền Trung căng thẳng nên khu vực này không huy động được các nhà máy thủy điện công suất lớn. Để đảm bảo điều độ hệ thống điện, các nhà máy nhiệt điện than được huy động cao hơn so với mức huy động bình quân, sản lượng dự báo lên tới 47,3% toàn hệ thống cung ứng điện trong khi mọi năm nhiệt điện chỉ chiếm 40%. Đây là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, tạo áp lực lên các đơn vị cung ứng.
Về phía cung, nguồn cung than để sản xuất nhiệt điện vừa bị hạn chế bởi chính sách, vừa bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những biến động giá trên thị trường quốc tế.
Thứ nhất, theo quy định trong Chỉ thị 21/CT-TTg năm 2015, EVN chỉ được phép mua than để sản xuất điện từ hai đơn vị là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Do đó, ngay cả khi thiếu hụt nguồn than cho sản xuất điện thì các nhà máy nhiệt điện cũng chỉ có thể yêu cầu đối tác nội địa tăng sản lượng hoặc cầu cứu cấp trên chứ không được phép mua thêm từ các nguồn than bên ngoài.
Thứ hai, nguồn dự trữ than trong nước cho sản xuất nhiệt điện không còn sẵn có như trước do tăng trưởng nóng xuất khẩu. Giá cả than thế giới tăng mạnh từ năm 2016 do kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh và nguồn cung than thu hẹp do sự thay đổi chính sách của các nhà xuất khẩu lớn. Giá than nhiệt, loại than chủ yếu cho sản xuất nhiệt điện, đã tăng 130% kể từ năm 2016 sau khi chạm mức thấp kỷ lục 50 đô la Mỹ/tấn. Than nhiệt giao ngay tại cảng Newcastle (Úc) ngày 8-7-2018 đạt 115,25 đô la Mỹ/tấn, cao nhất trong vòng hơn sáu năm. Một nhà xuất khẩu than nhiệt lớn khác trong khu vực là Indonesia cũng đạt đỉnh giá vào tháng 8-2018, khi loại than nhiệt chất lượng cao (hàm lượng 6.300 kcal/kg) có giá lên tới 118,9 đô la Mỹ/tấn. Đến tháng 10-2018, giá tham chiếu than nhiệt của Indonesia (HBA) có giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn 7,3% so với năm trước.
Trong bối cảnh giá than thế giới đã tăng kỷ lục, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ cũng tăng mạnh, từ mức 22.735 đồng/đô la (ngày 1-1-2018) lên tới 23.390 đồng/đô la (vào tháng 8-2018), tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp than trong nước xuất khẩu.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong bảy tháng đầu năm 2018, xuất khẩu than đá đạt 1,41 triệu tấn, tương đương 190,17 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4% về lượng và tăng 14,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính của các công ty than đã được cổ phần hóa cho thấy hàng loạt doanh nghiệp trong ngành vừa báo lãi vượt xa kế hoạch cả năm. Lợi nhuận quí 3-2018 của Than Hà Lầm tăng 79% so với cùng kỳ, của Than Hà Tu - Vinacomin gấp 7 lần so với cùng kỳ. Than Đèo Nai đã vượt 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý là vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính đã tổ chức hiệp thương giá giữa EVN và TKV. Tuy thông tin giá mua than của EVN không được tiết lộ nhưng khả năng cao là giá mua than này thấp hơn giá thị trường vào thời điểm năm nay. Do đó, các doanh nghiệp than càng ít động lực tăng sản lượng để bán than cho các nhà máy nhiệt điện.
Một hạn chế nữa của ngành than đó là hầu hết than khai thác được công ty mẹ TKV mua với giá và sản lượng theo kế hoạch. Tuy năng suất và chi phí sản xuất than khác nhau ở các mỏ khác nhau, các công ty khác nhau nhưng giá mua than cơ bản là giống nhau. Điều này hạn chế khả năng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao.
Ngoài ra, theo điều tra của báo Lao động, một góc khuất của thị trường mua bán than chính là ở các nhà máy nhiệt điện. Một số nhà máy nhiệt điện không ký hết sản lượng với TKV bởi nguồn than trôi nổi và nhập khẩu luôn có sẵn với giá rẻ hơn giá mua từ TKV, dẫn đến các nhà máy “chân trong, chân ngoài” thu mua với mục đích gửi giá cùng ăn chia. Trong các năm trước, TKV đã liên tục than phiền về tình trạng các nhà máy nhiệt điện không mua đủ sản lượng cam kết.
Khi thị trường đảo chiều, các nhà máy nhiệt điện không mua được than trôi nổi nữa thì trở tay không kịp vì không ký hợp đồng dài hạn đảm bảo với TKV. Các doanh nghiệp bán than cũng không còn dư dả dự trữ mà nếu có thì cũng không muốn bán thêm ngoài hợp đồng vì giá thấp hơn giá xuất khẩu. Theo EVN, lượng than tồn kho của Công ty Tuyển than Hòn Gai và Công ty Tuyển than Cửa Ông chỉ còn khoảng 200.000 tấn/đơn vị so với cả triệu tấn những năm trước. Trước những cáo buộc của EVN, TKV cũng đã phản bác lại để khẳng định cam kết hợp đồng: “Đã cấp đủ than, thậm chí vượt hợp đồng cho các nhà máy của tập đoàn Điện lực”.
Nút thắt thực sự nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung
Như vậy, có thể nói, nút thắt của thị trường mua bán than sản xuất điện năng hiện nay nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung. Các chính sách này tuy có thể được thiết kế với mục tiêu tốt đẹp, ví dụ bao tiêu đầu ra cho than nội địa, tạo việc làm cho lao động ngành than, bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia... nhưng thực ra lại lợi bất cập hại.
Khi giá than còn rẻ, các doanh nghiệp nhiệt điện phải mua than nội địa giá cao, chất lượng kém hơn than nhập khẩu sẽ phải nâng giá thành sản xuất điện hoặc thậm chí tìm cách mua “chui” than ngoài thị trường trôi nổi. Khi than tăng giá, lại đến lượt các doanh nghiệp bán than cháy hàng, không còn động lực nâng cao sản lượng phục vụ nhu cầu gia tăng của ngành điện. Về lâu dài, chính sách can thiệp phi thị trường kiểu này sẽ vừa ảnh hưởng xấu tới phúc lợi xã hội, không khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, phát triển bền vững, vừa tạo ra kẽ hở để một nhóm nhỏ lợi dụng.
Trong bối cảnh thị trường năng lượng đang dần được tự do hóa, các doanh nghiệp điện và than đã và đang được cổ phần hóa, Chính phủ nên gỡ bỏ những rào cản chính sách để các doanh nghiệp chủ động kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Các doanh nghiệp nhiệt điện nên được phép tìm thêm các nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, kỹ thuật, như các nguồn cung than nhiệt từ Indonesia, Úc. Các doanh nghiệp ngành than nên ưu tiên sản xuất than phục vụ thị trường nội địa, đồng thời tạo các khuyến khích về giá cả, sản lượng để nâng cao năng suất, trình độ khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

'ĐÓI KHÁT LÀ LỢI THẾ CỦA ĂN MÀY, THƯA BỘ TRƯỞNG'*

MẶC LÂM/ VOA 6-12-2018


Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Photo CAND

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Photo CAND
Trong khi vụ án AVG-MobiFone còn đang nóng hôi hổi, Bộ trưởng bộ 4T Trương Minh Tuấn ngày đêm thấp thỏm chờ ngày định đoạt số phận thì một ngôi sao nổi lên sẵn sàng thay thế cho ông bộ trưởng có gốc gác là chuyên gia chống diễn biến và chuyển hóa này. Người lấp ló phía sau hậu trường Bộ chính trị là một chuyên gia về truyền thông, đầu tàu của Viettel, và được đào tạo bài bản từ Nga và Úc.
Ông ấy là Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thay cho ông Trương Minh Tuấn trở về vị trí cũ, vị trí của một người giữ lề của đảng, đúng như đồn đoán của báo chí.
Nhìn vào lý lịch của ông Hùng rất nhiều thanh niên hứng khởi như tìm thấy một chân trời mới cho mình sau nhiều năm mù mờ giữa những bài học vu vơ về cách làm giàu, về giấc mơ thành người vĩ đại, về tương lai vượt biên giới nhỏ bé của Việt Nam để ra biển lớn ... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng do nhiều lần đăng đàn trò chuyện với các doanh nhân nổi tiếng trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viettel, về các đề tài khởi nghiệp trong thanh niên cũng như những mánh lới vượt qua tình trạng khó khăn mà một doanh nghiệp gặp phải.
Đối với người trẻ thì ông Hùng hấp dẫn họ ở sự thành công của ông ấy hơn là thu nhận “tinh hoa” từ lời phát biểu của một người dày dạn. Hào quang thành công cộng hưởng với vai trò mới là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông càng làm cho giới trẻ trố mắt xuýt xoa nhưng hiếm ai trong họ tự hỏi tại sao ông Hùng đi từ thành công này tới thành công khác một cách trơn tru như vậy? Có lẽ câu trả lời không khó khăn lắm nếu nhìn kỹ lý lịch của ông Hùng từ khi bắt đầu tập tễnh những ngày vào đại học ông đã có hậu thuẫn phía sau, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này là chỗ dựa vững chắc cho ông thành công mà thiếu nó dù có tài giỏi cách mấy có lẽ ông vẫn còn ngồi nhà mơ mộng chuyện khởi nghiệp như hàng vạn thanh niên khác.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói nhiều lần, nhiều nơi về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mỗi lần phát biểu là một lần ông nhấn mạnh tới vai trò của người trẻ. Được mời phát biểu tại Diễn Đàn Thanh Niên Khởi Nghiệp năm 2018, ông Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 để thay đổi thứ hạng, trở thành nước phát triển. Việt Nam có khát vọng hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc năm châu vào năm 2045. Chúng ta cần có niềm tin rằng sau 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập đầu người trên $20,000 và không bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.”
Câu nói này na ná với những lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí. Tuy nhiên ông Hùng không mấy giỏi giang khi làm toán vì ông quên rằng các nước phát triển không thể nào dừng con số thu nhập lại để chờ Việt Nam đến ¼ thế kỷ nữa. Nếu vào năm 2045 Việt Nam lạch bạch đạt được con số mà ông Hùng đưa ra thì thế giới có thể kiếm tiền gấp ba lần thu nhập hiện nay của họ, thế là khỉ vẫn hoàn khỉ.
Nói nhiều, nói mạnh nhưng có thể do không nghiên cứu cặn kẽ và nhất là tâm lý tự hào mình nói gì thì bọn trẻ cũng vỗ tay khiến cho ông Bộ trưởng bị hố, mà hố một cách thảm hại. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 3 tháng 12 của báo VNExpress, ông Hùng đưa ra nhận xét không những chủ quan mà còn đậm nét hoang tưởng, ông khẳng định: “Xét về thu nhập trung bình thì Việt Nam thua Mỹ hàng chục lần. Nhưng xét về giới tinh hoa, về thanh niên thì chúng ta không kém Mỹ nhiều. Thanh niên đầu tiên phải có niềm tin vào chính mình, tin rằng mình không thua kém ai về bất kỳ phương diện nào”.
Giới tinh hoa thì có lẽ Việt Nam không mấy tự tin vỗ ngực xưng danh với thế giới vì sự thật đau lòng trong bao năm qua chưa thấy một cá nhân nào có dấu ấn lớn lao cho đất nước trong mọi lĩnh vực chứ đừng nói là một nhóm hay một giới. Có chăng là những trí thức ưu thời mẫn thế, chán nản thể chế và buộc phải im lặng mà sống như những người bình thường. Tinh hoa nào còn đọng lại được trong một xã hội với câu kinh vạn năng “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội Chủ Nghĩa”?
Còn thanh niên ư? Chắc ông Bộ trưởng Hùng nói thanh niên Việt Nam ở … nước ngoài thì đúng hơn. Hãy nhìn những con phố nghẹt người cuồng lên vì một trận bóng, toàn là thanh niên, là những người không hề kém Mỹ đấy.
Ông bộ trưởng không những hố khi phát biểu giống Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông còn bê nguyên lời phát biểu của ông Phúc, vốn bị trêu chọc không ngớt mấy ngày qua, vào câu trả lời phỏng vấn của mình. Vào ngày 3 tháng 12, nói với báo VNExpress Bộ trưởng Hùng hăm hở:
“Tôi cho rằng, sứ mạng này đặt lên vai các bạn thanh niên. Hãy coi đây như một cuộc chiến giải phóng dân tộc mà thanh niên phải đi đầu. Việt Nam đã nuôi dưỡng các bạn, như người mẹ đã nuôi dưỡng con khôn lớn, đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới và mang thế giới về Việt Nam.”
Ông Hùng đạo lời của Thủ tướng vì trước đó 4 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng như sau:
“Việt Nam nuôi dưỡng các bạn thanh niên như người mẹ nuôi dưỡng con khôn lớn. Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam.”
Nhưng sai lầm nhất trong khái niệm làm cho Hùng bị ném đá vài ngày qua là câu nói mà đối với một chuyên gia không thể phát biểu. Ông Hùng cho rằng: “Tất cả người khởi nghiệp sáng tạo thành công đều đi lên từ bàn tay trắng, như Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk... Thế giới hôm nay, lợi thế lớn nhất lại là không có gì trong tay và vì thế mà có khát vọng lớn lao, tinh thần lao động quên mình, cái cần nhất cho khởi nghiệp sáng tạo. Đói khát không phải là một bất lợi mà là một lợi thế, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa.”
Ông nhai lại khái niệm cách mạng 4.0 rằng quốc gia nào chưa từng trải qua các cuộc cách mạng chấm 0 trước đó sẽ có lợi thế áp dụng cách mạng 4.0 vì không mang trên vai các thành quả cũ rất khó bỏ xuống mà áp dụng các khái niệm mới của lần này. Ông Hùng so sánh sai chủ thể và nhất là ví von một cách kém thông minh làm cho diễn ngôn của ông trở thành trò cười cho thiên hạ.
Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk khởi nghiệp trong môi trường của một đất nước phát triển tột bậc từ kinh tế, tới chính trị, công nghệ IT cũng như bao thứ thành tựu khác. Họ thành công vì xã hội Mỹ nhanh chóng thừa nhận ý tưởng của họ và tiếp tay cho sự thành công ấy bằng cách đầu tư vào ý tưởng của họ để hình thành những công ty lừng danh thế giới.
Còn Việt Nam thì sao? Một hỗn hợp buồn thảm từ môi trường sống cho tới môi trường làm việc hay kinh doanh, nằm trọn vẹn dưới một thể chế chỉ chấp nhận sự vâng lời và dị ứng với mọi tư duy khác biệt thì làm sao nảy sinh những người như Bill Gates?
Trong tinh thần đó người dân sẽ dễ dàng đồng ý với mệnh đề “Đói khát thật sự là một bất lợi, mà cái đó thì thanh niên luôn có thừa.”
Và càng đồng ý hơn nữa với một status của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Đói khát là lợi thế của ăn mày, thưa Bộ trưởng”.

*Lấy cảm hứng từ status của nhà văn Nguyễn Quang Lập

TẠI SAO DẠY TIẾNG ANH Ở VIỆT NAM KHÔNG HIỆU QUẢ ?

LÊ QUỐC CHƠN/ GDVN 8-12-2018

Trước hết chúng ta cần khẳng định mục đích học tiếng Anh là để sử dụng và một phần vì niềm vui. Không ai trong số chúng ta học tiếng Anh để đi thi. Và thi chỉ là một hình thức đánh giá được sử dụng để kiểm tra chất lượng dạy và học mà thôi.
Do đó, việc dạy và học tiếng Anh và hình thức đánh giá hiệu quả dạy - học cần được thực hiện để hướng đến mục đích sử dụng và vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Một số ích lợi của học tiếng Anh
Học tiếng Anh quan trọng vì nó góp phần đưa người Việt tiếp xúc với văn hóa thế giới. Giỏi tiếng Anh cũng giúp người học dễ có việc làm hơn và cơ hội trong cuộc sống cũng nhiều hơn, đặc biệt trong thời giao thương toàn cầu như ngày nay.
Hiện nay, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp – ngôn ngữ thương mại. [1]
Và theo nghiên cứu của EF, thì các nước sử dụng tốt tiếng Anh thì có chất lượng cuộc sống tốt hơn (xem Hình 1, 2). [2]


Mức độ thông thạo tiếng Anh với thu nhập (báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2016).
Mức độ thông thạo tiếng Anh với chất lượng cuộc sống (báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2016).
Người Việt học tiếng Anh từ khi nào và hiệu quả ra sao?
Có thể, lần đầu tiên người Việt tiếp xúc với ngôn ngữ Anh là ở thế kỷ 19.
Ông Trương Vĩnh Ký, người nổi tiếng và biết nhiều ngôn ngữ bậc nhất ở Việt Nam, học tiếng Anh không phải ở Việt Nam mà là ở Penang, Malaysia (theo Wikipedia).
Dưới thời Pháp đô hộ, có thể người Việt bắt đầu học tiếng Anh chủ yếu trong trường thông ngôn (collège des interprètes) được thành lập năm 1860. [3]
Trước năm 1959, dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, học sinh ở miền Nam có thể chọn học ngoại ngữ là tiếng Anh từ lớp 6 (Trung học đệ nhất cấp) (theo wikipedia). Trong cùng thời kỳ đó ở miền Bắc chỉ một số rất ít nơi nơi dạy tiếng Anh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, từ năm 1975 đến khoảng 1986 số lượng học sinh chọn học tiếng anh như ngoại ngữ thứ hai cũng không nhiều.
Khi bắt đầu thời kỳ đổi mới (khoảng năm 1986), tiếng Anh mới thực sự trở thành ngoại ngữ chính ở trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và là một trong các môn học quan trọng được chọn làm môn thi ở kỳ thi chuyển cấp.
Tuy nhiên, dường như kết quả dạy và học từ đó đến mãi những năm đầu thế kỷ 21 vẫn không đạt kết quả tốt như mong đợi.

Đó là lí do vì sao Chính Phủ cho thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 kèm theo đầu tư gần 10 nghìn tỉ đồng (1400/QĐ-TTg, 2008).
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn và tình trạng dạy và học tiếng Anh không hiệu quả đã được nhắc đến nhiều lần từ các kết quả khảo sát, đánh giá khác nhau:
Theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tổng số bài thi môn tiếng Anh là 472.000 bài, nhưng số bài đạt điểm từ 9 đến 10 chỉ chiếm 0.52%, điểm trung bình là 3,48.
Năm 2017, điểm trung bình của thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là 4.6.
Và năm 2018, cả nước có 637.335 thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và điểm trung bình là 3.91.
Kết quả thi trung học phổ thông quốc gia một phần cho thấy kết quả dạy học tiếng Anh ở trường chưa được như mong muốn. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, điểm thi còn phụ thuộc vào hình thức đánh giá.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thì chỉ đánh giá một kỹ năng duy nhất – đọc, chứ không đánh giá kỹ năng nghe, nói và viết.
Do đó, kết quả đánh giá kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chỉ phản ánh một phần hiệu quả dạy và học ở các cấp học, đặt biệt là trung học phổ thông quốc gia mà thôi.
Theo báo cáo của EF vào năm 2018 thì mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt được xếp hạng ở vị trí 41 trong số 88 quốc gia, thuộc mức độ thông thạo trung bình (EF EPI 2018). Việt Nam đứng trên Nga và dưới Uruguay.
Trong bảng xếp hạng này, tốp ba quốc gia tốt nhất lần lượt là Thụy Điển, Hà Lan và Singapore; hai nước có mức độ thành thạo thấp nhất là Iraq và Lybia.


Xếp hạng một số quốc gia theo mức độ thành thạo Tiếng Anh (theo báo cáo của EF năm 2018). Kết quả của báo cáo này dựa trên thi khảo sát với 1.3 triệu người, trong đó 92% số người dưới 40 tuổi và độ tuổi trung bình là 26 tuổi, trong đó 60% là nữ và 40% là nam. Bài kiểm tra mất 15, 50 phút hoặc 2 giờ, và chỉ có hai kỹ năng đọc và nghe.

Nghiên cứu của EF xếp hạng mức độ thông thạo theo 5 mức độ, từ rất cao đến rất thấp (báo cáo của EF năm 2018). Mức độ rất cao trong báo cáo EF tương ứng với cấp độ B2 trở lên trong khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ Châu Âu (CEFR). Và mức độ trung bình là tương ứng với cấp độ B1.
Theo thông tin từ Đại học Đà Nẵng [4], năm 2012 khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên còn yếu; chỉ khoảng 20-30% sinh viên có thể theo học tiếng anh ở trường đại học, phần còn lại phải học các lớp dự bị trước khi vào học lớp tiếng anh chính thức.
Theo thông tin từ doanh nghiệp thì trình độ tiếng anh của sinh viên ra trường chưa đáp ứng tốt nhu cầu trong công việc; chủ yếu đọc hiểu được tài liệu, nhưng kỹ năng giao tiếp, viết, và thuyết trình còn yếu. [5]
Tại Hội Nghị “Chuẩn trình độ tiếng Anh tại Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp” năm 2017, trình độ tiếng Anh của phần đông sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. [6] 
Các hình thức đánh giá có phần khác nhau, nhưng phản ánh bức tranh chung về việc dạy và học tiếng Anh không hiệu quả trong hệ thống giáo dục nước ta.
Vậy tại sao dạy và học tiếng Anh ở nước ta không hiệu quả mặc dù đã được đầu tư?
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng không hiệu quả
Hình thức đánh giá hiệu quả dạy học chỉ tập trung vào đọc hiểu, nhất là các kỳ thi chuyển cấp. Do đó, cả hệ thống giáo dục chưa đầu tư thật sự hiệu quả để dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ như nghe, nói và viết.
Các thầy cô giáo dạy tiếng Anh chỉ để thi là chính, nên họ không đầu tư kỹ năng khác đặc biệt là nghe và nói.
Nguyên nhân này cũng góp phần làm cho chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh thực hành giảm theo thời gian.
Quy mô lớp học đông (trên 35 học sinh/lớp) và không có công nghệ hỗ trợ nên khó có thể dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ hiệu quả.
Động lực học tiếng Anh của học sinh và sinh viên chủ yếu là học để vượt kỳ thi chứ chưa hướng đến kỹ năng thực hành ngôn ngữ trong thực tế.
Tại sao học sinh và sinh viên không học các kỹ năng thực hành ngôn ngữ? Có thể họ muốn giỏi ngoại ngữ thực hành nhưng do áp lực thi cử buộc họ phải học để thi.
Nhu cầu thực tế trong công việc có thực sự sử dụng tiếng Anh không? Tất nhiên người biết ngoại ngữ họ sẽ sử dụng cho công việc, nhưng vấn đề nằm ở chỗ dù không biết ngoại ngữ họ vấn có thể làm việc được và đặc biệt là đáp ứng được các tiêu chuẩn trong tuyển dụng.
Như trong hệ thống hành chính công, Nhà nước quy định các bằng cấp anh văn như A, B, C mà không chú trọng đến năng lực thực hành và đa số các ứng viên đều đáp ứng được.
Có thể thấy rằng, dường như yêu cầu về ngoại ngữ ở nơi làm việc thuộc Nhà nước quản lý chỉ là bằng cấp.
Thực vậy, nghiên cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hương năm 2012 tại Thái Bình và Đà Nẵng cho thấy trong số 282 công nhân viên chức, thì 70% trong số họ không sử dụng ngoại ngữ trong công việc. [7]
Có phải năng lực học tiếng anh của người Việt thấp không?
Không. Khả năng học ngôn ngữ tự nhiên là luôn sẵn có trong mỗi người bình thường, ai sử dụng được tiếng Việt bình thường thì đều có khả năng học tiếng Anh bình thường.
Những đứa trẻ sống trong môi trường ngôn ngữ nào thì sẽ phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ ấy một cách tự nhiên. [8-10]
Trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Anh, Mỹ…họ nói tiếng anh lưu loát như người bản ngữ. [11]
Nếu họ sinh ra và lớn lên ở các nước như Pháp, Đức…họ cũng sẽ nói tiếng bản địa lưu loát như người bản địa.
Điều này chứng tỏ, học ngoại ngữ như tiếng Anh không hiệu quả là do nguyên nhân từ cách dạy và cách học trong môi trường giáo dục chứ không phải do khả năng học hạn chế.
Giải pháp nào để học tiếng Anh hiệu quả hơn?
Vì cả người học và người dạy đều hướng đến thi nên cách dễ nhất và nhanh nhất đó là thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, thi trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân.
Hãy kiểm tra, đánh giá, thi tất cả các kỹ năng thực hành ngoại ngữ ở các cấp bậc khác nhau. Tùy theo lứa tuổi và cấp học, chúng ta nên có hình thức dạy và kiểm tra đánh giá như sau:

Giai đoạnHình thức họcHình thức đánh giá, thi
Giai đoạn 1: từ 7 tuổi – 12 tuổi (lớp 1 đến hết lớp 6)Học 40% thời lượng nghe và 60% phát âm và giao tiếp.Phát âm, nghe và nói
Giai đoạn 2: từ 13 – 15 tuổi (lớp 7 đến hết lớp 9)Học 50% nghe nói, và 50% đọcNghe, nói và đọc
Giai đoạn 3: từ 16 đến 18 tuổi (lớp 10 đến hết lớp 12)Học 50% nghe nói, 20% đọc và 30% viếtNghe, nói, đọc và viết
Giai đoạn 4: sau 18 tuổiHọc 30% nghe nói, 20% đọc và 50% viếtNghe, nói, đọc và viết

Ngoài ra, trong tuyển dụng của các cơ quan Nhà nước, ứng viên cần trải qua các kiểm tra đánh giá năng lực thực hành: nghe, nói, đọc, viết. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cách làm riêng của họ.
Tất nhiên khi thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá thi cử, Nhà nước buộc phải có các hình thức đào tạo phát triển nghiệp vụ cho người dạy, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu dạy và học tiếng Anh.
Đây là những vấn đề kỹ thuật, không khó để thực hiện. Và câu chuyện về học tiếng Anh có thể bớt nóng hơn trên truyền thông từ đây.
Tài liệu tham khảo
1. Neeley T. Global Business Speaks English. Harvard Business Review [Internet]. 2012; Available from: https://hbr.org/2012/05/global-business-speaks-english
2. McCormick C. Countries with Better English Have Better Economies. Harvard Business Review [Internet]. 2013; Available from: https://hbr.org/2013/11/countries-with-better-english-have-better-economies
3. Van H Van. The current situation and issues of the Teaching of English in Viet Nam. Japanese. 2008;259–301.
4. UDN. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên quá yếu [Internet]. 2012 [cited 2018 Dec 4]. Available from: http://www.udn.vn/posts/view/226/239
5. Đức N. Trình độ tiếng Anh của nhiều sinh viên Việt Nam chỉ đủ... viết Facebook [Internet]. 2016 [cited 2018 Dec 4]. Available from: https://ictnews.vn/kinh-doanh/ban-doc-viet/trinh-do-tieng-anh-cua-nhieu-sinh-vien-viet-nam-chi-du-viet-facebook-143978.ict
6. CHINH P. 85% sinh viên chưa đạt chuẩn trình độ tiếng Anh [Internet]. SGGP. 2017 [cited 2018 Dec 4]. Available from: http://www.sggp.org.vn/85-sinh-vien-chua-dat-chuan-trinh-do-tieng-anh-456676.html
7. Hương VTT. Nhu cầu ngoại ngữ và thái độ của công chức đối với chính sách ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam. Ngôn Ngữ. 2012;8:13–25.
8. Alba R, Logan J, Lutz AMY, Stults B. Only English by the Third Generation? Loss and Preservation of the Mother Tongue among the Grandchildren of Contemporary Immigrants. JSTOR. 2017;39(3):467–84.
9. Alba R. Bilingualism Persists, But English Still Dominates [Internet]. Migration Policy Institute. 2005 [cited 2018 Dec 4]. Available from: https://www.migrationpolicy.org/article/bilingualism-persists-english-still-dominates
10. HEDGES C. Growing Up In 2 Languages. NYT [Internet]. 1991; Available from: https://www.nytimes.com/1991/01/06/education/growing-up-in-2-languages.html
11. Tran A. How I never learned to speak Vietnamese. The Seattle Globalist [Internet]. 2014; Available from: http://www.seattleglobalist.com/2014/02/17/how-i-didnt-learn-to-speak-vietnamese/20698
Lê Quốc Chơn
CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN GIỮA NGÔN NGỮ THỨ HAI VÀ NGOẠI NGỮ
TRẦN THỊ HỒNG TRANG, NGUYỄN TRÍ LONG/ GDVN 7-12-2018
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hay ngoại ngữ?
Ngày 29/11/2018, tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp diễn ra tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói:
“Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”.
Mới đây, phát biểu với truyền thông, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh. 
Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, theo ông “trước sau cũng phải thực hiện”.
Là người nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ, chúng tôi khẳng định, không ai nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam cả.

Ngôn ngữ thứ 2 khác ngoại ngữ ở chỗ nào? Ảnh minh họa: http://thptnguyendu.kontum.edu.vn

Vì hiểu theo cách này thì chỉ duy nhất người Kinh - dân tộc chiếm đại đa số trên lãnh thổ Việt Nam mới xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 (nếu đúng với chính sách ngôn ngữ quốc gia).
Còn 53 dân tộc thiểu số khác thì tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2, vì ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ của mỗi tộc người đó.
Và nếu đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam thì 53 dân tộc còn lại không phải học tiếng Việt, trong khi đây là ngôn ngữ Quốc gia được ghi ở Hiến pháp.
Cho nên, phải gọi tên chính xác, tiếng Anh là ngoại ngữ cho người Việt Nam, vì cộng đồng chúng ta có 54 dân tộc.
Tại sao những quốc gia như Singapore, Malaysia, …hoặc Việt kiều ở Mĩ có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2?
Vì lịch sử của những đất nước này từng là thuộc địa của Anh hoặc cộng đồng này sử dụng tiếng Anh/Mĩ như tiếng mẹ đẻ. Và nếu không có người bản ngữ thì việc giao tiếp tiếng Anh là rất khó khăn giống như thực tế của Việt Nam ngày nay.
Ngay cả những thành phố lớn trên đất nước ta thì số giáo viên thực sự thành thạo tiếng Anh cũng cũng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện vật chất nhìn chung chưa đáp ứng được cho việc dạy học ngoại tiếng Anh.
Ngoài ra, việc học tiếng Anh còn nặng về ngữ pháp, học để thi cử, để lấy bằng cấp, thậm chí sinh viên học đối phó để đủ điều kiện tốt nghiệp,...
Cho nên, ý tưởng biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trên lãnh thổ nước ta ở thời điểm này là điều không tưởng.
Ngôn ngữ thứ 2 khác ngoại ngữ ở chỗ nào?
Dựa vào 8 tiêu chí sau để phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ thứ 2 và ngoại ngữ:
STTTiêu chíNgôn ngữ thứ 2Ngoại ngữ
1Môi trường- Trong mọi hoàn cảnh, có thể coi đây là tiếng mẹ đẻ thứ hai.
- Được sử dụng phổ thông.
- Có hoàn cảnh cụ thể, trong vài trường hợp nhất định như giao tiếp với người nước ngoài.
- Gói gọn trong phạm vi nhỏ, thường là ở trường.
2Độ tuổi bắt đầu- Khi trẻ em bắt đầu nhận thức được thế giới bên ngoài.- Tùy thuộc vào chương trình giảng dạy, sự đầu tư của cha mẹ.
3Kỹ năng- Phát âm chuẩn, khả năng dùng từ chính xác.- Những người học ngoại ngữ sẽ có thế mạnh về ngữ pháp, từ vựng.
4Mục tiêu- Hào hứng trong việc học, hoặc bắt buộc phải học do ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống.- Có nhiều lí do để đáp ứng những mục đích khác nhau: luyện thi chứng chỉ, đi du học, định cư, học để hoàn tất chương trình ở trường.
5Thước đo thành công- Tùy thuộc và khả năng giao tiếp, kĩ năng làm việc.- Thể hiện qua điểm số trên trường hoặc các bằng cấp chứng chỉ.
6Quá trình tiếp nhận- Tiếp nhận theo cảm thức, phản xạ tự nhiên.
- Thường xuyên bổ sung vốn từ trong đời sống.
- Đặt nặng từ vựng, ngữ pháp đúng, sai rõ ràng.
- Kĩ năng nghe, nói hạn chế.
7Ảnh hưởng- Có tầm ảnh hưởng lớn, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người sử dụng.- Chỉ có ảnh hưởng nhỏ và không có tác động trực tiếp đến sự thành bại của người học.
8Tính cách người học- Tâm lí thoải mái, tự chủ trong việc học và học mọi lúc mọi nơi bằng nhiều kênh hoặc nhiều cách thức khác.- Kiên trì, có kĩ năng học bài và nhớ bài tốt.
Cần làm gì để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ?
Để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cần rất nhiều yếu tố, đó là:
Thứ nhất, giảm sĩ số lớp học: Giáo không thể tổ chức tốt các hoạt động để rèn luyện các kĩ năng giao tiếp khi sĩ số lớp học quá đông, từ 45-50 học sinh/lớp.
Cần giảm xuống từ 25-30 học sinh lớp, nhưng như vậy lại vướng phải yêu cầu giảm biên chế của Bộ Nội vụ.
Thứ hai, cần tăng thời lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông lên.
Hiện nay, các cấp học chỉ được dạy 2-3 tiết/tuần là quá ít, cho nên các em chưa có nhiều thời lượng thực hành tại lớp.
Thứ ba, đổi mới thi cử, đánh giá: không đặt nặng thành tích, tổ chức kiểm tra đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết đúng chuẩn.
Hiện tại, nhà trường chỉ mới kiểm tra chủ yếu 2 kĩ năng đọc, viết, còn nói-nghe rất yếu kém.
Đối với kỹ năng nghe, giáo viên thường chỉ ra đề bám vào các file (tập tin) nghe lấy từ trong sách giáo khoa.
Điều này khiến việc đánh giá kỹ năng nghe không đạt hiệu quả như mong muốn khi học sinh đã được học bài đó trong chương trình trước đó rồi. Chưa kể bài kiểm tra nghe “đúng chuẩn” thường phải có yêu cầu cao hơn.
Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên đáp ứng cho yêu cầu cao hơn trong công việc. Sau bồi dưỡng, các cấp có thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu.
Dứt khoát tinh giản biên chế những giáo viên không đáp ứng được quy chuẩn hoặc điều chuyển sang công việc khác.
Thứ năm, đưa vào sử dụng các bộ sách giáo khoa tiếng Anh có chất lượng, nên ưu tiên dùng các sách do các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài xuất bản như Oxford, Cambridge, Longman hay Express,...
Trần Thị Hồng Trang - Nguyễn Trí Long
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét