Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

20170831. 'NỬA GIẢI NOBEL' HAY GIẢI 'Ig NOBEL' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
'NỬA GIẢI NOBEL' HAY GIẢI 'Ig NOBEL' ?

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 29-8-2017

clip_image001
Ông Nguyễn Văn Bình (Ảnh trên mạng xã hội)

Ông Nguyễn Văn Bình thăng tiến khá nhanh và đá khắp sân như một libero thực sự, hiện nay ngoài chức Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, ông Bình còn làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc nữa, v.v…
Nhưng “công trình khoa học” làm ông nổi tiếng nhất để ông có thể lăm le giật giải Nobel chính là “mua lại ngân hàng” giá 0 đồng. Ông cũng khiêm tốn, trong khi trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội năm 2012 trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông chỉ tự nhận “điểm 8” và xin “nửa giải Nobel” cho toàn bộ công tác điều hành hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam kể từ khi nhận chức. Nhưng e khó, bởi Giải Nobel là để trao cho những đóng góp thực sự mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại. Đằng này cái công trình “mua lại ngân hàng” lại thuộc loại ăn tàn phá hại góp phần đưa hàng loạt đại gia ngân hàng ra trước vành móng ngựa. Vậy ông Bình dù có nổ mấy cũng khó có được nửa giải Nobel thật, may ra có thể được giải “Ig Nobel”, trao cho những ý tưởng kỳ cục vốn chỉ để gây cười mà thôi!
Ông Nguyễn Văn Bình là một “ảo thuật gia” làm trò trước toàn dân của xứ toàn trị – U tỳ quốc như VN thì mới dễ qua mặt số đông ngoạn mục và trắng trợn như vậy.
Trong thời đại ngày nay, sức khỏe nền kinh tế ở mỗi quốc gia được điều hành và kiểm soát hiệu quả bởi chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng của Chính phủ. Một nền kinh tế đảm bảo phát triển bền vững ổn định đòi hỏi một chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng phải được kiểm soát bởi một bộ máy tin cậy, minh bạch.
Ngược lại, thiếu các điều kiện đó sẽ dẫn đến suy sụp, hậu quả không thể lường hết như đang diễn ra ở đất nước giàu tài nguyên Venezuela hay một số nước khác. Với các nhà kinh tế có đủ kiến thức và lương tâm, những vấn đề bất bình thường/bất cập của chính sách điều hành tài chính ngân hàng có thể báo trước để Chính phủ có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.
Phạm trù kinh tế rất rộng, đi vào từng chuyên ngành kinh tế thì đòi hỏi hiểu biết sâu, nhất là lĩnh vực quản trị của ngân hàng nhà nước. Tôi không phải là chuyên gia kinh tế. Đầu thập niên 90, tôi theo học khóa ngắn hạn về kinh tế cơ bản ở nước ngoài, còn chủ yếu là tự học, nên chỉ dám mạn đàm dưới góc nhìn của người dân quan tâm đến nền kinh tế xã hội của nước nhà một cách trung thực và thẳng thắn, khách quan để thấy trách nhiệm quản trị ngân hàng thuộc về ai?
Tôi mới đọc bài “Khi người ta nói dối” của tác giả Thơ Phương đăng ngày 24/08/2017 trên mạng Bauxit Việt Nam rất đáng suy ngẫm , trong đó có đoạn phân tích nguyên văn như sau:
”Có nơi nào trên thế giới như Việt Nam người ta thô bạo như vậy không nhỉ, đó là GDP quý I đạt mức 5,15%, trong khi GDP quý II chưa hết quý đã đạt mức tăng khá ấn tượng theo chỉ tiêu đề ra là đúng con số 6,17%, và mới đây ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu chốt sổ là GDP còn lại của 2 quý nữa (6 tháng cuối năm) phải tăng 7,42% đúng mục tiêu về đích chênh nhau con số 6,8% theo chỉ tiêu đề ra.
Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, nợ xấu cũng đặt chỉ tiêu đề ra, nhưng vế bên kia là đặt mục tiêu tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu đề ra với con số cao chót vót, tức là đang làm tăng tiền vào kinh tế, là tạo ra nợ chỉ có tăng chứ không giảm thì làm sao mà nói giảm nợ được.
Về nợ xấu thì còn mỉa mai hơn là “không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu”. Thậm chí trước đây người ta còn tuyên bố mua nợ xấu có lời chứ không bị lỗ. Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả. Khi nói đến nợ xấu thì có cụm từ “nợ xấu khó đòi và sẽ mất”, là chỉ có bị lỗ vốn chứ không thể thu hồi được vốn, và ngân sách nhà nước phải rót ra cứu các món nợ xấu độc hại ấy. Một ví dụ của sự dối trá là các dự án của các “quả đấm thép vina” thua lỗ cả “nghìn tỉ”, mà trong đó các khoản vay ngân hàng rót ra là rất lớn thì làm sao mà đòi được nợ, làm sao mà nói có lời. Nhà nước Việt Nam phải hoặc bơm vốn vào đó để cứu nó, hoặc bán đi với giá trị thấp hơn giá trị thị trường. Chẳng lẽ đòi bán giá cao hơn hay bằng giá ban đầu? Nếu bán như vậy thì mấy cái dự án nghìn tỉ kia đâu có bị lỗ vốn? Đúng là dối trá quá mức đến thô bỉ”. v.v… (Xin xem toàn văn ở đây).
Tác giả Thơ Phương am hiểu về tài chính nhưng nhận định “Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả” là không chuẩn xác.
Minh chứng, chương trình cứu trợ công ty, qua đó cứu trợ người mua nhà và nền kinh tế Mỹ năm 2008 chi phí bỏ ra là 455 tỷ US (trong tổng số tiền dự định chi là 700 tỷ US) của Tổng thống Obama, tính toán toàn bộ thì lỗ 33 tỷ (có chỗ lãi, có chỗ lỗ), tức là mất 7%, nhưng cứu được nền kinh tế của Mỹ.
Nhà nước lãi khi mua cổ phần và cho các công ty tài chính gần phá sản vay, sau khi tổ chức lại, bán lại cổ phiếu và thu hồi tiền cho vay. Kết quả là có lãi. Hai phần lỗ lớn nhất là phần bảo trợ người mua nhà không bị vỡ nợ mất nhà và phần cứu các công ty sản xuất xe hơi. Cách tính là dựa vào tính theo giá ở thời điểm hiện tại, tức là tính các lãi có thể có được nếu như số tiền bỏ ra có thể đem cho vay.
Có thể tham khảo bản báo cáo vào tháng 7/ 2017
Phương cách giải cứu của Mỹ là cứu các công ty tư và ngân hàng tư, và cả người mua nhà để cứu nền kinh tế. Khi thực hiện giải cứu như thế, những người quản lý trước đó, đều bị bãi nhiệm. Ngân hàng Trung ương cử người kiểm soát công ty và ngân hàng được cứu cho đến khi giải quyết được vấn đề.
Thảo luận với chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, chúng tôi có chung nhận xét:
Cách giải cứu của VN “tiền mất tật mang” bởi vì:
  • Công ty thua lỗ phải bán vẫn tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước thì làm sao có vấn đề bán lại và cũng không ai biết rõ giá trị của nó?
  • Không có Hội đồng chuyên môn kiểm soát giải pháp đề xuất giải cứu của người lãnh đạo ngân hàng nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư như một số ngân hàng mất khả năng chi trả nợ thì Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình khi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã xông vào cứu ngân hàng tư với giá 0 đồng để gánh thêm khoản nợ, đặt nó dưới sự kiểm soát đặc biệt, tức là đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Trung ương (bằng cách cử người thay thế mình điều hành). Trớ trêu là ông Bình tiếp tục cho những người điều hành trước đó mắc nhiều khuyết điểm vẫn ở lại, đưa đến tình hình phá sản, là việc làm vô trách nhiệm và ở nước khác là vi phạm luật.
  • Không rõ tư duy, tầm nhìn, vai trò và trách nhiệm của các vị lãnh đạo cả bên Đảng và Chính phủ, những ai ủng hộ giải pháp giải cứu “mua nợ” của Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình?
Khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình ở đâu?
Cách mua nợ của VN là một hình thức che giấu mới nghe có vẻ hợp lý vì lợi dụng mục đích giải cứu, không đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn chồng thêm gánh nợ sẽ lộ ra ở nhiệm kỳ sau, là một sự trục lợi mà người vi phạm trắng trợn luật, chính là Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình mà ở những nước luật pháp nghiêm minh thì đã vào nhà đá. Theo luật, nhân viên hay ban giám đốc và gia đình không được sở hữu hơn 20%. Nhưng ông Nguyễn Văn Bình không cần biết.
Ngân hàng Trầm Bê phá sản, tài sản âm vì nợ nhiều hơn có. Ông Nguyễn Văn Bình phải cứu nó bằng cách mua lại nó 0 đồng, ai cũng hiểu tức là gánh chịu về tất cả món nợ của nó. Thật kỳ lạ chỉ có ở nền quản trị vô trách nhiệm VN thế mà ông Nguyễn Văn Bình vẫn có quyền quyết định để cho Trầm Bê điều hành, và mua một ngân hàng khác Sacombank, lớn hơn rất nhiều ngân hàng của Trầm Bê, và Trầm Bê lại vay nợ của Sacombank cho đến giờ chưa trả được. Nhẽ ra, phải tước bỏ mọi chức tước của Trầm Bê, cấm anh ta hoạt động trong ngành ngân hàng. Cần phải điều tra vai trò trách nhiệm về việc quyết định cho Trầm Bê tiếp tục điều hành ngân hàng đã thua lỗ.
Để cho quản lý ngân hàng thực hiện tăng vốn bằng tự cho mình vay là thuộc tội “self-dealing”, mà luật pháp mọi nước đều cấm. Ngân hàng làm nhiệm vụ trung gian, thu hút tiến của anh A rồi để cho anh B vay. Để cho chính mình (hay họ hàng, nhân viên mình) vay là tội self-dealing.
Những hành động này xảy ra dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Bình. Vậy thì rõ ràng ông Bình cần bị xem xét, xử lý. Nếu xem kỹ lại luật ngân hàng tín dụng, luật doanh nghiệp… chắc chắn Trầm Bê và Nguyễn Văn Bình còn phạm nhiều luật khác.
Và ai phải lo việc kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng? Việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, HTX tín dụng, nhưng xem nhẹ hoặc bỏ qua thẩm định, kiểm chứng vốn? Những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng dù toàn bộ báo chí cùng cất bản đồng ca “Tiền ơi hãy về lại với ta”, thì có lẽ cũng chỉ là vô vọng.
Lời kết:
Vấn đề nợ công, nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng vượt ngưỡng cho phép là nguy cơ, thách thức đang hiện hữu và hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ chế độ và mất ổn định xã hội. Với nền quản trị nhà nước kém hiệu quả, thiếu minh bạch và vấn đề sở hữu doanh nghiệp hiện nay, các giải pháp giải cứu hoàn toàn không có tác dụng mà nó còn bị lợi dụng bởi nhóm lợi ích thâu tóm làm cho nợ công ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Bình nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đã đề xuất các biện pháp giải cứu mua lại ngân hàng và quyết định người điều hành ngân hàng, phương thức quản lý tăng vốn bằng tự cho mình vay,.. càng gây thất thoát và tăng thêm nợ xấu là những hành vi, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế cần được xem xét, xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước tự nhận của dân, do dân và vì dân.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

20170830. CHÍNH BIẾN 19/8/1991 Ở LIÊN XÔ

ĐIỂM BÁO MẠNG
19-8-1991: CHÍNH BIẾN Ở LIÊN XÔ

FB NGUYEN VAN BAO/ BVN 28-8-2017

Kết quả hình ảnh cho ENXIN B.N

1985 – 1991 đời sống người dân Liên Xô vô cùng bi đát. Nhu yếu phẩm luôn thiếu. Lương tháng một giáo sư quy ra khoảng 5 đô-la, mua được 2 kg thịt ở chợ đen. Đến nỗi các mặt hàng vớ vẩn của Việt Nam như áo gió lõi bẹ chuối, son phấn làm bằng đất sét và phẩm màu, xi-lip bông hồng xỏ chân một lần là rách… cũng là hàng xa xỉ.
Tôi đến nhà máy Hydrosila ở Leningrad đặt làm turbin cho thuỷ điện Hoà Bình. Ban giám đốc nhà máy đãi tiệc. Mỗi người được một miếng thịt băm bằng nắm tay trẻ con và một li café vàng ệch, nhạt thếch. Nếu ông giám đốc không nói là café thì tôi không thể đoán được đấy là gì.
Tanhia, bạn học đại học, đang là kĩ sư trưởng của nhà máy, nói với tôi: “Một năm rồi mới được uống café. Ước gì tháng nào chàng cũng đến kiểm tra tiến độ sản xuất, để em được uống café”. Tôi hứa sẽ gửi riêng cho nàng 10 kg café chồn nếu nhà máy giao turbin đúng hạn.
Công bằng mà nói, bánh mì và sữa luôn có đủ. Người dân không bị đói. Liên Xô đổi dầu hoả lấy 2 thứ đó để yên lòng dân. Dù yếu kém mọi bề nhưng chính quyền luôn kiểm soát truyền thông rất tốt. Tuyệt đối không có đối lập. Không có bất cứ ý kiến nào về tính chính danh của đảng cầm quyền. Chỉ có tiếu lâm về lãnh đạo, về nạn khan hiếm thực phẩm mà bọn bợm rượu thì thầm với nhau ở WC.
Gorby làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1985 đến 1991. Lúc này Liên Xô kiệt quệ đến cùng cực. Đến nỗi Bộ Quốc phòng không thể trả tiền điện và Công ty điện lực cắt điện cả các trạm rada quân sự. Vô phúc nếu lúc đó bị tấn công thì Liên Xô chẳng khác một thằng mù.
Mĩ và NATO không cần tấn công quân sự. Họ biết Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sẽ tự sụp đổ vì đói, nghèo và sự bất mãn của nhân dân.
Các lãnh tụ Liên Xô thường là những tay giáo điều, tự phụ, nát rượu và tham nhũng. Gorby khác bọn này. Ông biết rằng nếu không cải cách triệt để thì Đảng Cộng sản sẽ mất quyền lãnh đạo và liên bang sẽ tan vỡ.
Với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Tổng thống liên bang, ông ta đề ra 2 chương trình Glasnost (công khai) và Perestroika (tái cấu trúc). Gorby ngây thơ tin rằng 2 cái đó có thể khôi phục uy tín cho Đảng và cứu vãn Liên bang xô-viết. Từ đáy lòng ông ta không muốn đảng mất quyên lãnh đạo và liên bang tan rã.
Tuy vậy công khai chỉ làm nổi bật những khiếm khuyết không thể nào sửa chữa của Đảng. Tái cấu trúc không thể tiến hành trên một nền móng đã mục ruỗng tận gốc rễ.
Nhìn bề ngoài, chỉ thấy Liên Xô gặp các vấn đề về kinh tế. Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có biến đổi căn bản về chính trị. Ai cũng nghĩ rằng các vấn đề kinh tế, tham nhũng chỉ như bệnh ghẻ. Bôi thuốc là khỏi.
Xôi giống xôi.
Nội bộ Đảng Cộng sản đã hình thành các nhóm bất đồng.
1. Gorby đơn độc, tưởng dùng thuốc sát trùng có thể chữa ung thư não mà ông ta cho rằng chỉ là ghẻ.
2. Nhóm bảo hoàng do Phó tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc KGB cầm đầu. Nhóm này biết rằng đường lối của Gorby sẽ đẩy Đảng Cộng sản xuống mồ và làm Liên Xô tan rã. Họ muốn hạ bệ Gorby.
3. Eltsin, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng thống Liên bang Nga, nước to nhất trong 15 nước cộng hòa. Chiếm 60% dân số và 90% diện tích toàn liên bang. Bản chất Eltsin là một tay lưu manh chính trị và nát rượu. Ông ta không có một đường lối chính trị nào rõ ràng cả. Eltsin chỉ đơn thuần bất mãn với chính quyền liên bang, coi Gorby là một tay giáo điều, nhu nhược và đòi độc lập tương đối cho lãnh thổ mà Đảng giao cho ông ta quản lí – Liên bang Nga.
Không ai có bất cứ một kế hoạch nào.
8-1991 Liên Xô bất ngờ sụp đổ. Không một tiếng súng. Không một xác chết. Không ai có thể tưởng tượng một đế chế tồn tại 74 năm mà tan tành như bọt biển.
5 tỉ người trên trái đất vui mừng với sự kiện này. Chỉ những người cộng sản Việt Nam là đau lòng và choáng váng.
Chuyện xảy ra thế nào?
7-1991 Gorby thoả thuận với tổng thống các nước cộng hòa một hiệp ước liên bang mới, cho phép các nước cộng hòa nhiều quyền tự chủ hơn.
4-8-1991 Gorby vô tư đi nghỉ mát ở Crimea, định 20-8 sẽ quay về Moscow để kí hiệp ước liên bang. Ông ta quả là ngây thơ.
Nhóm bảo hoàng tin rằng nếu hiệp ước liên bang được kí thì Liên Xô sẽ tan rã và quyết định hành động. Họ chỉ muốn ngăn Gorby – Tổng thống liên bang – kí hiệp ước, và trừng trị Eltsin, Tổng thống Nga, biểu tượng của li khai.
17-8 họ cử đại diện đến Crimea gặp Gorby, yêu cầu Tổng thống từ chức và chỉ định Phó tổng thống Yanayev điều hành đất nước. Gorby từ chối. Kriuchkov liền ra lệnh giam Tổng thống tại nhà nghỉ của ông ta ở Crimea và cắt đứt mọi kênh liên lạc. Mọi chuyện xảy ra hoàn toàn bí mật. Không ai biết. Trừ mấy tay trong nhóm bảo hoàng.
Tối 18-8 các đơn vị xe tăng được điều về thủ đô. KGB chuẩn bị 250 ngàn cái còng tay.
Sáng sớm 19-8 (lịch sử hay đùa dai), đang ngủ trong căn hộ của mình ở tầng trệt một tòa chung cư trên một phố lớn ở Moscow, tôi nghe thấy tiếng gõ vào kính cửa sổ. Tôi nhìn ra – một tốp xe tăng im lìm đỗ trên phố. Mấy anh lính trẻ, mặt mũi đôn hậu, ra hiệu xin thuốc lá. Tôi ra phố hút cùng họ.
- Chuyện gì thế?
- Không biết. Chúng tôi được điều về đây rạng sáng nay.
- Để làm gì?
- Giữ trật tự.
- Liệu có oánh nhau không?
- Với ai? Chỉ có quân đội Liên Xô. Đánh nhau với ai chứ?
- Làm một tí không?
Tôi nói và búng ngón tay vào cổ mình. Các anh lính cười phá lên và nói”
- Davai (nào)!
Tôi vào nhà lấy ra chai vodka Stolichnaia. Mỗi người một ngụm. Rồi quay vào nhà bật tivi. Đang phát trực tiếp. Phó tổng thống Liên bang Ianayev đang lắp bắp thông báo Tổng thống ốm, Phó tổng thống sẽ thực thi quyền Tổng thống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn liên bang, thành lập Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp (GKChP) gồm 8 người: Phó tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc KGB và 3 tay lăng nhăng Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội các xí nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Không một lời giải thích cái gì đang xảy ra.
Thật khó hiểu, nếu Tổng thống ốm thì Phó tổng thống nắm quyền điều hành. Sao phải ban bố tình trạng khẩn cấp và thành lập Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp?
Nhân viên an ninh của Đại sứ quán gọi đến. Dặn đổ đầy xăng vào ô-tô, thêm 2 can xăng dự trữ và thực phẩm cho 3 ngày. Chuẩn bị di tản bằng đường bộ. Chờ lệnh của Đại sứ. Nghe có vẻ trầm trọng.
Các nhân viên ngoại giao và phóng viên nước ngoài chờ đợi một cuộc tắm máu như sự kiện 4-6 ở Thiên An Môn.
Tôi dặn vợ con ở trong nhà rồi lái xe vào trung tâm. Tất cả vẫn bình thường như mọi ngày. Chỉ có một điều khác thường – rất nhiều xe tăng đỗ trên các đường phố. Hàng ngàn chiếc.
Trừ Giám đốc KGB Kriuchkov có tí não, các thành viên khác của GKChP chỉ là những tay nát rượu, đần độn và hèn nhát. Sau người ta gọi họ là lũ 8 tên.
20-8 GKChP điều xe tăng bao vây dinh Tổng thống Nga, thường gọi là Nhà Trắng, và ra lệnh cho Eltsin đầu hàng.
Tất cả các lực lượng vũ trang là của liên bang, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống Liên bang. Các nước cộng hòa không có quân đội riêng.
Eltsin tuyên bố không đầu hàng, lên án GKChP tiếm quyền và vi hiến, kêu gọi quân đội không tham gia chính biến.
Tôi lái xe đến dinh Tổng thống như đi xem một trận bóng đá. Xe cộ lưu thông bình thường. Một đám đông vô công rồi nghề vây quanh Nhà Trắng. Họ không ủng hộ phe nào cả.
Đối với nhân dân thì Gorby, GKChP, Eltsin là một duộc. Tất cả đều là lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô. Một lũ bất tài, tham nhũng, nát rượu. Chắc đây là một vụ tranh giành quyền lực nội bộ đảng, như mấy băng nhóm lưu manh. Thế thôi. Không liên quan họ. Họ đến vì tò mò.
Bọn du thủ du thực nhân lúc rối ren tràn vào các cửa hàng ăn cắp rượu mang ra phố uống say sưa, hát hò inh ỏi. Nhiều đứa say quá lăn ra ngủ ngay trên hè phố.
Lũ 8 tên ra lệnh bắt Eltsin rồi mang rượu ra uống mừng thắng lợi, chờ quân đội còng tay Eltsin mang đến.
Đội đặc nhiệm Alpha của KGB được giao bắt Eltsin. Nhưng binh lính từ chối.
Đây chính là thời điểm quyết định của cuộc chính biến.
Eltsin nói với những ng lính đang bao vây Nhà Trắng:
- Không lẽ các bạn cam chịu sống như cũ? Tôi sẽ mang lại dân chủ cho nước Nga.
Những người lính dao động rồi thay vì bắt Eltsin, họ quay ra bảo vệ ông ta. Eltsin đứng lên trên một chiếc xe tăng bên ngoài Nhà Trắng, kêu gọi nhân dân ủng hộ ông ta. Đám đông hò reo như cổ vũ thủ môn đẩy được quả phạt đền.
Những chiếc xe tăng đang chĩa pháo vào Nhà Trắng lưỡng lự rồi từ từ quay ngược lại. Họ quyết định theo Eltsin.
21-8 những người lính xe tăng đến các cửa hàng vật liệu xây dựng mua sơn và vẽ cờ Nga đè lên ngôi sao đỏ, phù hiệu của quân đội liên bang. Vậy là quân đội Liên Xô thay vì bắt Eltsin lại quay súng đi theo ông ta. Tình thế xoay 180 độ.
Bọn 8 tên khi biết tin quân đội ủng hộ Eltsin, sợ đến mức không đứng nổi, không biết phải làm gì, nốc rượu say bí tỉ. “Một lũ nát rượu, đần độn, nhu nhược và hèn nhát” – Kriuchkov viết trong hồi kí của mình.
Ngay trong ngày này, với tư cách Tổng thống Liên bang Nga, Eltsin ra lệnh đặt Đảng Cộng sản Liên Xô ra ngoài vòng pháp luật. Tịch thu toàn bộ tài sản của đảng. Cấm mọi hoạt động.
22-8 Eltsin cho đưa Gorby về Moscow. Như một hành động cứu giá.
Thực ra Eltsin không ưa gì Gorby. Hai người là đối thủ chính trị và Eltsin thường xuyên công kích Gorby. Ông ta chỉ lợi dụng Gorby với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng thống đương quyền của liên bang để giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô và giải tán liên bang một cách hợp pháp.
Dưới áp lực của Eltsin, ngày 24-8, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Các nước cộng hoà lần lượt tuyên bố độc lập và ra khỏi Liên bang.
Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết ra đời từ 1917, đến năm 1991 thì tự tan rã. Không phải tại diễn biến hoà bình. Cũng chẳng có bất cứ thế lực thù địch nào dây vào cả.
Bộ trưởng Bộ Công an Pugo tự tử cùng vợ. 7 thành viên GKChP bị bắt. Sau này người ta định xử bọn GKChP tội phản quốc. Nhưng không xử được vì không thể phản bội một tổ quốc đã không còn tồn tại – Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết. Đành tha bổng.
Note: Giáo sư sử học Harari bình luận như sau: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Còn thành quả cách mạng sẽ do một số kẻ cơ hội hưởng.

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

20170829. QUANH VẤN ĐỀ GIẢM BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIẢM BIÊN CHẾ AI CŨNG ĐỒNG TÌNH, NHƯNG KHÔNG AI ĐỒNG Ý GIẢM MÌNH

CHU THANH VÂN/ TTXVN/BVN 28-8-2017
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 13, chiều 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.  Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tình trạng “bộ trong bộ”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ, chưa có bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là đối với các công việc có liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến con người cụ thể. Hệ thống thể chế về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất.

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bước đầu khắc phục được những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý, nhưng vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ (vẫn còn 18 vấn đề giao thoa, có ý kiến khác nhau); cơ chế “chủ trì, phối hợp” trong quản lý nhà nước còn phổ biến.

Dự thảo Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân (gồm 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ) dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất do chưa có tiêu chí; một số cơ quan hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng lại áp dụng cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu (945 phòng) chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương mà cơ bản được tổ chức đồng nhất, thậm chí là “cào bằng” như nhau, chưa phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tăng nhanh (trên 130.000 người), chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động không rõ ràng, trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này.

Biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (trung bình giảm 4.000 biên chế), tuy vậy việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm, sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn tăng. Thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết

Băn khoăn về tổ chức bộ máy hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề bộ máy đã đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chưa? Bộ máy phình ra do yêu cầu quản lý hay do lý do khác?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có được nâng lên, nhưng so với yêu cầu của tình hình mới thì chưa đạt yêu cầu, chất lượng bộ máy chưa tương xứng với đầu tư từ ngân sách. Có xu thế bộ máy ngày càng trở nên cồng kềnh, dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn. Hình như ngoài 4 cấp chính quyền: Trung ương, tỉnh, huyện, xã đang thêm cấp chính quyền thôn, bản, ấp. Lẽ ra cán bộ xã xuống trực tiếp các thôn, bản, thì lại gọi cán bộ thôn lên. Thôn là cánh tay nối dài của xã, càng nối dài bao nhiêu càng quan liêu bấy nhiêu. Câu chuyện này cần phân tích rõ ràng, bộ máy phình ra, khi xảy ra vấn đề là không xử lý được, ông Hiển nói.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích rõ, kỹ, nhiều nội dung cần sâu thêm, đầy đặn hơn, có tổng kết, đánh giá nhận định và minh chứng.

Liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, có tình trạng nói đến cải cách, tinh giản bộ máy ở cơ quan khác thì rất nhiệt tình nhưng đến cơ quan mình thì không làm được mấy. “Chúng tôi được Quốc hội giao tham mưu biên chế của Tòa án, Viện Kiểm sát, xác định đề án vị trí việc làm, mỗi lần xem xét cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, đại đa số các cơ quan này đều trình xin tăng thêm biên chế”, bà Nga thẳng thắn. Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị Chính phủ xem lại quy định về đề án vị trí việc làm, tổng kết lại việc thực hiện đề án, không để tình trạng khi quyết định biên chế không có đề án vị trí việc làm thì rất chặt, nhưng từ khi các cơ quan thực hiện xác định vị trí việc làm thì tăng hàng ngàn người.

Đồng thời, Chính phủ cần xem lại cơ chế đánh giá cán bộ công chức, vẫn thiếu các tiêu chí cụ thể, còn đánh giá một cách cào bằng, không tạo động cơ, động lực thúc đẩy cán bộ công chức làm việc. Bà Nga đề nghị Chính phủ nên có báo cáo về một số đơn vị có vấn đề nổi cộm thời gian qua, bởi có đơn vị lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên do hình thành nhiều cấp phòng, cấp vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Quốc hội, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, có nghĩa là từ nay tới năm 2021 phải giảm tới 8,9% biên chế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm. Về bài học kinh nghiệm, cơ bản là đúng nhưng chưa có gì mới. “Sợi dây kinh nghiệm là sợi dây dài nhất trong cuộc sống, ngành nào cũng rút, địa phương nào cũng rút, năm nào cũng rút, nhưng rút hoài không hết”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Có cái nhìn lạc quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cần nhìn nhận rõ những mặt đạt được, đánh giá khách quan trong bộ máy. Bộ máy đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển của đất nước, “Không phải bộ máy là tiêu cực cả…”, ông Việt cho hay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng những nhận định đánh giá và các chỉ đạo của Quốc hội, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung chỉ đạo điều hành với mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Từ thực tiễn công tác xây dựng thể chế và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra dự án luật, pháp lệnh, không đưa các quy định về thành lập mới tổ chức và biên chế vào các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Chính phủ cũng ráo riết chỉ đạo rà soát các luật, pháp lệnh đã có những quy định này theo kế hoạch để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
VÔ VỌNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ
MẠNH QUÂN/ DT/BVN 28-8-2017
(Dân trí) - Có một câu chuyện mà mọi cuộc họp nói đi, nói lại, nói mãi là chuyện tinh giản biên chế nhưng có lẽ, nói 10 chưa làm được 1. Qua một báo cáo giám sát mới nhất của Quốc hội về việc này, thì đúng là đã không làm được 1 mà tình trạng biên chế phình to ngày càng tệ hơn.
 >> Tinh giản biên chế: Nơi giảm nhỏ giọt, nơi tăng vượt khung 45-50%
Như Dân trí đã đưa tin về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của đoàn giám sát Quốc hội,hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).
Tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Trong đó, đặc biệt có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ rất cao từ 1/3 - 1/2 số biên chế được giao.
Các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).
Có câu "trên làm sao, dưới làm vậy". Nên trên Trung ương đã thế, ở các địa phương, tình trạng phá vỡ chỉ tiêu biên chế lại càng tệ hại: Có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Câu chuyện này đã được nhiều đại biểu Quốc hội dự báo từ nhiều năm trước nhưng không ngờ, qua kết quả giám sát, những số liệu thu được cho thấy hiệu quả của các hoạt động tinh giản biên chế coi như bằng 0. Bởi rõ ràng, đã chẳng giảm được mà còn phình to ra.
Không chỉ đại biểu Quốc hội mà người dân nhìn vào cũng đã thấy trước công cuộc tinh giản biên chế là chỉ để nói cho ... vui. Bởi thực tế nhiều năm qua, nhà nhà, người người đều cố gắng chạy suất biên chế bởi cái tâm lý vào biên chế nhà nước là "ổn định", yên lành, thậm chí có thu nhập cao...
Có những công việc người ta đều biết rằng thu nhập không hề cao như công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường... thu nhập chỉ tầm 5-7 triệu đồng/tháng nhưng để có suất trong công ty nhà nước cũng phải mất 100-150 triệu đồng.
Cho nên, mới có thực tế, mỗi khi cơ quan nhà nước nào thông báo tuyển dụng, có hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ dự tuyển. Như cách đây mấy năm, Cục Thuế Hà Nội tuyển nhân viên, có gần 2 km người xếp hàng từ đêm hôm trước, rồng rắn nộp hồ sơ dưới mưa. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI cho biết, "đỏ mắt" mới tuyển được người có trình độ, thực học để làm việc cho họ.
Có nhiều người nói vui nhưng lại quá đúng: Để tinh giản bộ máy, nhiều người nói, xử lý "ngũ ệ" được là thành công: Hậu dệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ, trí tuệ. Bởi hỡi ôi, xử lý được 4 cái "ệ" trên quả thực là vô cùng khó. "Hậu duệ"- con cháu các cụ, khỏi bàn. "Quan hệ" thì không giảm được rồi: Anh tuyển con, cháu tôi, tôi tuyển con cháu anh... Chúng ta "đổi chéo" cho nhau cho thiên hạ đỡ soi.
Ngay cả những người đã vào biên chế bằng "tiền tệ" thì có tinh giản, cũng đâu có dễ, bởi tiền đã trót cầm của người ta rồi. Còn đám "trí tuệ" có vẻ còn tinh giản dễ nhất thì nếu tinh giản đám "trí tuệ" thì còn lấy ai làm việc?
Cho nên mấy năm rồi, công cuộc tinh giản biên chế đi vào ngõ cụt. Giảm 1 người có khi lại tăng 2 người, giảm 1 cục, vụ thì lại tăng thêm vài Tổng cục để thêm ghế cho ông này, bà kia và giải quyết cơ số việc làm cho các "hậu duệ", "quan hệ"...
Ví dụ như Bộ Công Thương, bỏ đi Vụ Năng lượng thì lại lập Tổng cục Năng lượng. Định giảm bớt nhân lực quản lý thị trường thì lại tính nâng Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục. Ở Bộ tài chính, người ta định thay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thì lại có đề xuất lập 3 Tổng công ty mới, nói là để tạo cạnh tranh.
Cho nên mới có chuyện, như đoàn giám sát của Quốc hội phát hiện, cho đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ hai lần/năm).
Thậm chí, đến thời điểm 1/6/2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm.
Nói không tinh giản được ai kể cũng oan vì thực tế, cũng có giảm được chút ít thật. Nhưng trớ trêu, ở hầu hết các nơi, đa số chỉ giảm được ở nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc. Các cơ quan đơn vị đều thừa nhận: Chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Vậy tinh giản như thế tinh giản làm gì?
Cho nên, có thể nói, với cách hô hào, cách làm về tinh giản biên chế như nhiều năm qua, quả thật là... vô vọng.
Mạnh Quân
KHI BIÊN CHẾ ĐÃ KHÔNG CÒN ĐO BẰNG TIỀN, LÀM SAO GIÚP THẦY CÔ GIỮ PHẨM GIÁ?

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 27-8-2017

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên bày tỏ sự đau lòng khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời về vụ 21 cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi làm lễ tân, rằng đó chỉ là "vui vẻ thôi". Ảnh cắt từ clip.
“Mai phục để vào biên chế”
Ngày 21/8/2017, tại “Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-1018”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: 
"Tôi phải nói công khai là sinh viên sư phạm ra trường chạy việc rất khó. Rất nhiều cháu mai phục, dạy hợp đồng rất nhiều năm trong trường không vào được biên chế". 
Thật lòng mà nói thì vấn đề “mai phục để vào biên chế” mà Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu dư luận đã biết từ lâu, đặc biệt là với những “người trong cuộc”
Tuy vậy, dù sao lời phát biểu công khai của Phó Thủ tướng cũng góp phần củng cố và cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn một sự thật trần trụi và đau đớn trong xã hội hôm nay: 
Các thầy cô giáo muốn được sống với cái “nghề cao quý” đôi khi phải trả một cái giá rất đắt. 
Nói khác đi, việc “định giᔓra giá” từ vài chục đến vài trăm triệu cho một cái “biên chế” giáo dục vốn là chuyện xưa như trái đất. 
Và điều đáng nói hơn là, cứ ngỡ việc “định giá” nghề giáo bằng những “đồng tiền oan nghiệt” như vậy đã là đỉnh điểm của sự méo mó và tệ hại rồi.
Nhưng không, đỉnh điểm ấy vừa mới bị vượt qua bằng một sự việc đau lòng liên quan đến một cô giáo, mà truyền thông nước nhà những ngày qua đã không ngần ngại giật tít: “đổi tình lấy biên chế giáo viên”.  
Than ôi, còn gì đau đớn và chua xót hơn nữa chứ!
Có ai ngờ để có thể sống được với cái “nghề cao quý” cô giáo kia buộc phải làm người thấp hèn, mặc cho người đời dè bỉu, khinh khi!? 
Nếu không cảm thông thì cũng đừng nói lời cay nghiệt
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên một năm trước đây, báo chí truyền thông từng phản ánh chuyện 21 giáo viên nữ ở Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được/bị chính quyền điều động đi tiếp khách trong một sự kiện do địa phương này tổ chức. 
Tôi vẫn còn nhớ, có người ngoài cuộc qua chuyện này đã không ngần ngại buông ra lời phán xét: các thầy cô giáo hôm nay sao mà hèn quá!? 
Với tôi đây là lời phán xét không những thiếu bao dung mà còn quá nhẫn tâm. 
Cứ cho là các thầy cô giáo hôm nay hèn thật. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi vì đâu mà các thầy cô giáo ở xã hội ta hôm nay như vậy không? 
Thử hỏi còn gì chua xót và tủi hổ hơn, khi một mặt người ta buộc các cô phải luôn thể hiện mình là những “tấm gương sáng” cho “thế hệ trẻ noi theo”, nhưng mặt khác phải làm những việc rất dễ bị người đời nghi ngờ về phẩm giá? 
Để được làm giáo viên hợp đồng, để được vô “biên chế” không ít thầy cô giáo đã phải hạ mình, chung chi và “trả giá” rồi, thì giờ đây trong tư cách một viên chức thuộc cấp, làm sao họ dám thoái thác cái “nhiệm vụ” mà “cấp trên” mình đã điều động, giao phó? 
Trở lại câu chuyện liên quan đến cô giáo trong vụ “đổi tình lấy biên chế”.
Tôi cho rằng, trước mỗi vấn đề của cuộc sống, mỗi người tùy vào vị trí góc nhìn đều có quyền bộc lộ và trình bày quan điểm, ý kiến của mình. 
Hoàn toàn không có ý bênh vực hay biện minh cho cô giáo kia, nhưng trong chuyện này tôi nghĩ, nếu chúng ta không thể cảm thông thì cũng không nên có thêm bất cứ một lời cay nghiệt nào nữa dành cho cô ấy. 
Bởi lẽ, chúng ta không phải là cô ấy, không phải là người trong cuộc nên mọi lời nói, phán xét đều phải hết sức cẩn trọng. 
Trong cuộc sống, đôi khi có những sự việc, những vấn đề mà ta tận mắt nhìn thấy nhưng cũng chưa chắc đã là sự thật. 
Hơn nữa, chúng ta vốn có thói quen suy nghĩ vấn đề nào đó theo ý muốn của mình hơn là chịu khó nhìn nhận và lý giải vấn đề mà người khác đã trải qua. 
Ai đó đã nói rằng, “nước mắt của người khác nếu ta chưa từng nếm thử thì làm sao biết nó có mặn hơn nước mắt của mình hay không”? 
Vậy nên, theo tôi dù sự thật có như thế nào thì trong thời buổi công nghệ hôm nay, cô giáo kia cũng đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc làm của mình. 
Thế thì chúng ta có nên góp thêm “gạch đá” để sát thương cô ấy nữa không? 
Sao không xem đây như một bài học nhãn tiền để nhắc nhớ mình phải luôn đứng thẳng người mà tiếp tục cái “nghề cao quý” trong môi trường phức tạp, xô bồ và đầy giả trá hôm nay? 
Và thay vì “ném đá”, sao không nhân chuyện này để góp thêm tiếng nói để “những người có trách nhiệm” trong ngành giáo dục nói chung phải thay đổi cách tư duy và quản lý?
Đặc biệt là những bất cập trong vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên hiện nay, tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra sự việc đau lòng và tệ hại ấy!?  
Thay lời kết
Phẩm giá của một cá nhân nói cho cùng cũng không nằm ngoài phẩm giá chung của một cộng đồng, dân tộc. 
Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo trong xã hội hôm nay đang có những “sứt mẻ” nghiêm trọng về phẩm giá. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận. 
Để cứu vãn vấn đề này, theo tôi không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy và nhận thức của toàn xã hội về giáo dục nói chung. 
Sự thay đổi này trước hết phải bắt đầu từ phía những người đang trực tiếp điều hành, quản lý nền giáo dục. 
Và điều quan trọng là lãnh đạo ngành giáo dục phải trung thực trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động. Phải cầu thị và lắng nghe tiếng nói từ phía các thầy cô giáo. 
Hãy trả họ về đúng với vị trí và chức phận của nghề giáo. Đặc biệt hãy trả công thật xứng đáng với những gì mà họ đã đóng góp cho xã hội. 
Làm được như thế chính là đã giúp họ giữ gìn phẩm giá và đạo đức nghề nghiệp bản thân, cũng là cách tri ân, tôn vinh chân thành và cao đẹp nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1]: “Nhiều cử nhân sư phạm “mai phục” hợp đồng, mãi không vào được biên chế”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/pho-thu-tuong-sinh-vien-su-pham-ra-truong-chay-viec-rat-kho-394054.html
[2]: “Đồi tình lấy biên chế giáo viên”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/doi-tinh-lay-bien-che-giao-vien-394691.html
[3]: “Nếu còn tự trọng, 2 vị “đổi tình lấy biên chế” hãy rời bục giảng”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Neu-con-tu-trong-2-vi-doi-tinh-lay-bien-che-hay-roi-buc-giang-post179222.gd
Nguyễn Trọng Bình