Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

20170807.CẦN CÓ 'TỔ TƯ VẤN VỀ VĂN HÓA-GIÁO DỤC'

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÀNH LẬP 'TỔ TƯ VẤN VỀ VĂN HÓA-GIÁO DỤC', TẠI SAO KHÔNG?

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies 6-8-2017

Tổ tư vấn kinh tế và những lát cắt think tank

Có khá nhiều sự kiện xảy ra trong những ngày tháng 7 vừa qua, mà nếu nhìn từ giác độ văn hóa thì theo tôi là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vụ Đồng Tâm với bản kết luận được không ít người dự báo đã trở thành hiện thực: chính quyền tiếp tục “thắng” dân trong vụ tranh chấp đất đai; vụ chụp mũ và xúc xiểm GS Ngô Bảo Châu của những kẻ làm nhiệm vụ “gác cửa” với tư tưởng cực đoan và tầm nhìn hạn hẹp; vụ Biển Đông khi Trung Quốc tiếp tục dọa nạt không cho Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí dù không biết bao nhiêu lần lãnh đạo hai bên trấn an dân chúng sẽ “mãi là đồng chí tốt” và “láng giềng hữu hảo”; vụ Trịnh Xuân Thanh tự trở về nước đầu thú hay bị chính quyền “bắt cóc” làm ảnh hưởng đến ban giao Việt – Đức; rồi vụ ông Trầm Bê “cuối cùng cũng phải bắt” như cách nói của nhà báo Huy Đức..v.v và v.v… Nhìn chung, sự kiện nào nào cũng đình đám và gây xôn xao dư luận. Tuy vậy, nếu ai đó hỏi tôi sự kiện nào là trầm trọng nhất thì câu trả lời của tôi sẽ là vụ“Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” của Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình SGK ngày 27/7/2017 [1]. Vì sao tôi lại chọn sự kiện này? Rất đơn giản, tôi cho rằng: về sâu xa, dưới góc nhìn văn hóa, sự thất bại của một nền giáo dục quốc gia tất yếu sẽ kéo theo bấn loạn của con người trong xã hội và đất nước. Vì vậy, nếu công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện”  lần này đi vào vết xe đổ của những lần đổi mới trước đó thì ngoài chuyện hơn 90 triệu người Việt phải nai lưng ra trả số nợ vay 77 triệu USD điều quan trọng hơn là những bất cập và tồn tại của đất nước hôm nay sẽ không bao giờ được giải quyết một cách triệt để và rốt ráo.
Còn cụ thể và rõ ràng nhất, tôi thấy, trong chuyện này những người có trách nhiệm trong Ban soạn thảo và đổi mới Chương trình giáo dục dường như đang cố tình diễn trò và nhất là coi dân chúng không ra gì.
  1. Nếu đã quyết rồi thì xin ý kiến để làm gì?
Trong bài trả lời phỏng vấn ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình đã ít nhất 3 lần nhấn mạnh Chương trình được thông qua về cơ bản hoàn toàn không có thay đổi gì so với bản Dự thảo công bố ngày 12/4 (nhằm xin ý kiến của các chuyên gia cũng như mọi tầng lớp nhân dân). Ông Thuyết nói rành rọt như sau: “Những nội dung lớn như định hướng phát triển chương trình, quan điểm xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt được về phẩm chất, nằng lực của học sinh, hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục ở cả ba cấp học,…đều không thay đổi. Nói cách khác, đó chỉ là một số điều chỉnh về chi tiết cho phù hợp hơn với thực tế, chứ không phải thay đổi về cơ sở lý luận.” [2].
Trước đó, khi phóng viên hỏi việc có nhiều người đề nghị lùi thời gian áp dụng chương trình mới, ông Thuyết cũng trả lời: “Theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi thời hạn cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo một cuộc “thi đua” công bằng, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Nếu bây giờ làm gấp thì chỉ có bộ SGK mà Bộ tổ chức biên soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và một, hai quyển SGK khác là kịp”.
Có thể thấy, tất cả những gì ông Thuyết nói đã vô tình để lộ ra một “bí mật” - cũng là một sự thật đáng buồn: hóa ra, trong khi công bố dự thảo và xin ý kiến công luận thì Bộ GD đã âm thầm tổ chức biên soạn SGK mới cho kịp tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết. Điều đó cũng có nghĩa cho dù người dân có đóng góp ý bao nhiêu ý kiến đi nữa thì ông Thuyết và Ban chỉ đạo đổi mới chương trình cũng để ngoài tai, nghe thì nghe vậy chứ sẽ không có chuyện tiếp thu, thay đổi. Nói khác đi, có thể khẳng định, ngay từ đầu vấn đề xin ý kiến nhân nhân về Chương trình dự thảo vốn chỉ là một “màn diễn” cho vui, cho “đúng quy trình” mà thôi. Bởi lẽ, khi kết thúc thời gian lấy ý kiến và nhất là sau khi đã thống kê, tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân lại, ông Thuyết và Ban chỉ đạo chương trình không một lần lên tiếng trao đổi công khai, sòng phẳng về những vấn đề mà các nhà giáo hay những chuyên gia giáo dục đã đóng góp hoặc phản biện. Ví như, ý kiến của nhiều nhà giáo dục đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề “triết lý giáo dục” khai phóng; hay cơ sở lý luận nào để ban soạn thảo đề ra mục tiêu về “5 phẩm chất” (trước đây là 6) và “10 năng lực” cần đạt được; hay thậm chí ý kiến rất quyết liệt của nhà giáo Phạm Toàn là đề nghị tạm dừng lại chương trình để làm lại cho tốt hơn…
Tại sao như vậy? Cá nhân tôi cho rằng việc Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sau khi lấy ý kiến nhân dân nhưng không phản hồi rồi lẳng lặng thông qua chương trình là việc làm không những lừa dối mà còn xem thường và xúc phạm các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những chuyên gia, những nhà giáo đã rất tâm huyết đã đóng góp ý kiến phản biện và xây dựng. Nếu đã như thế thì tôi đề nghị từ nay về sau GS Nguyễn Minh Thuyết cùng những người trong Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục cứ theo Nghị quyết mà làm chứ không nên mất thời gian cho việc lấy ý kiến nhân dân về bất cứ vấn đề nào nữa. Thử hỏi, mọi chuyện đã được quyết hết rồi thì các vị còn giả vờ xin ý kiến nhân dân làm gì? Ngay cả chuyện (cũng theo lời ông Thuyết) trong tháng 8 và tháng 9 tới đây“sẽ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục, chỉnh sửa và công bố trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi như đối với Chương trình tổng thể...” cũng vậyThay vì mất thời gian về chuyện lấy ý kiến, tôi đề nghị GS Nguyễn Minh Thuyết cùng Bộ giáo dục và Đào tạo nếu đã tự tin về cách làm của mình hãy mạnh dạng đứng ra cam kết và chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Quốc hội và toàn thể 90 triệu dân nước Việt về khả năng THÀNH CÔNG của công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” lần này (trong đó có Đổi mới Chương trình và SGK Trung học Phổ thông). Cụ thể, hãy cam kết với dân chúng về khả năng thành công của đề án đổi mới này là bao nhiêu phần trăm? Chỉ cần cam kết vậy thôi là đủ, rồi sau đó muốn làm gì thì làm để mọi chuyện đỡ rắc rối và phức tạp hơn. Nhất là để dân chúng không có cơ hội mỉa mai, dị nghị như lâu nay họ đã từng khái quát về những chuyện tương tự, rằng: “Ý kiến đóng góp của các anh chị rất hay, nhưng thực hiện theo thì rất gay, trong khi chờ đợi tiếp thu mời quý vị cứ phát biểu hăng say, xin cho một tràng pháo tay…”
  1. 2.Văn hóa là giáo dục, giáo dục là văn hóa
Như đã nói ở trên, những ngày này, đất nước, xã hội và con người Việt Nam đang trải qua những biến cố rất nan giải, phức tạp nếu không muốn nói là vô cùng nguy hiểm. Chủ quyền và hình ảnh quốc gia đã và đang bị giảm sút nghiêm trọng trong vụ biển Đông và Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, sự xâu xé, chia rẽ tình cảm dân tộc trong vụ xúc phạm, miệt thị GS Ngô Bảo Châu (từ một số người vơi scái nhìn nhỏ nhen, thiển cận và hồ đồ) là điều ai cũng thấy. Và nếu như chủ quyền và hình ảnh quốc gia bị sứt mẻ trong vụ biển Đông và Trịnh Xuân Thanh với trách nhiệm trước hết thuộc về tầng lớp lãnh đạo cấp cao thì vụ xúc phạm GS Ngô Bảo Châu lại thuộc về số đông dân chúng. Nói khác đi, trong một cái nhìn tổng thể, từ lãnh đạo cấp cao cho đến thường dân không một ai vô can trước tình cảnh quốc gia dân tộc đã và đang bị xâu xé, chia rẽ bởi “ngoại bang thân thiết” và bởi chính những người trong cùng một nước hôm nay.
Có thể thấy, ở phương diện quốc gia, quốc thể, lẽ ra từ lâu các lãnh đạo cấp cao nước nhà phải cương quyết trong vấn đề “chọn bạn mà chơi”; hay ít ra phải phân biệt đâu là bạn bè thông thường, đâu là “bạn vàng”, “bạn thân”, “bạn chí cốt” thì đâu phải rơi vào tình cảnh khó xử như hôm nay. Ai đời, hết lần này đến lần khác, tuy bị đâm sau lưng nhưng vẫn không chịu thức tỉnh; vẫn ôm vai bá cổ, tay bắt mặt mừng gọi nhau anh em đồng chí như người trong nhà; thậm chí gần như là một sự cam chịu, lệ thuộc, chấp nhận phận “kèo dưới” một cách mê muội và nhu nhược. Không những vậy, trong vai trò lãnh đạo nhân dân, tuy miệng lúc nào cũng bảo “duy vật” đến cùng nhưng thực tế trong đầu chưa bao giờ thôi “sùng bái cá nhân”; tuy miệng lúc nào cũng nói phải “gác lại quá khứ, hướng về tương lai” nhưng đầu vẫn say sưa tính chuyện “ăn mày dĩ vãng”; mở miệng ra là rao giảng “đất nước là của Nhân Dân” nhưng thực tế chỉ thuộc về “Đảng ta” và một nhóm người tự cho mình là số một,…
Ở phương diện đại chúng, sự nhân hậu, bao dung, vị tha trong đời sống tinh thần của đại bộ phận dân chúng cứ ngày một mất đi; thay vào đó là thói lưu manh, láu cá; hoặc không thì nịnh bợ, luồn cúi trong sự cuồng tín, mê muội,... Thử hỏi, có đau không khi có không ít kẻ tuy cũng mang danh “nhà văn”, “nhà báo”, “nhà phê bình” nhưng chỉ toàn viết nhăng, viết cuội về những chuyện nhảm nhí không đâu; tự cho mình cái gì cũng biết rồi huênh hoang đăng đàn mắng chửi tất cả những ai không cùng quan điểm với mình thậm chí là một GS tài năng – người có trí tuệ mang tầm vóc nhân loại? Đạo đức cách mạng, con người mới XHCN gì mà kỳ cục vậy? Hay đạo nghĩa “đồng bào”, “con Hồng cháu Lạc”; “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” là như vậy đó sao? Tâm địa nhỏ nhen, lòng đầy hận thù và đố kỵ như thế thì sao mà “hòa giải, hòa hợp dân tộc”?
Văn hóa và giáo dục là hai phạm trù có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều này thì không phải bàn cãi. Hay nói cho cùng, văn hóa cũng chính là giáo dục và giáo dục cũng chính là văn hóa. Từ đây mà suy, có thể nói tất cả những vụ việc trên, về sâu xa cũng là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục lạc hậu, giáo điều tồn tại kéo dài trong nhiều năm mà ra. Một nền giáo dục mà mục đích duy nhất của nó là bằng mọi cách thực thi nhiệm vụ tuyên truyền và nhồi nhét quan điểm chính trị một chiều nhằm phục vụ cho sự độc quyền, độc tôn về tư tưởng của một nhóm người chứ không phải vì sự tự do, văn minh và tiến bộ cho mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Liên hệ, đề cập và phơi bày những vấn đề như thế để thấy rằng nếu công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” sắp tới đây vẫn không góp phần nâng cao dân trí và nhất là vẫn không thể khắc phục những “giới hạn văn hóa” của người Việt hôm nay thì tốt nhất là không nên làm. Còn nếu như, quyết tâm làm thì thiển nghĩ, những người đứng đầu và trực tiếp phụ trách vấn đề này nhất định phải là những người ngoài tư cách của một nhà khoa học về giáo dục thì phải là tư cách của những nhà văn hóa lớn – những trí thức chân chính, đàng hoàng và tử tế trong xã hội. Vấn đề này nếu phải diễn giải cụ thể ra thì như nhà văn Nguyên Ngọc đã có lần phát biểu như sau:
“Có thể nhận thấy điều này: ở nhiều nước và là những nước tiên tiến, bộ trưởng giáo dục hầu như bao giờ cũng là nhà văn hóa lớn. Hơn thế nữa, khi nảy sinh những vấn đề quan trọng về giáo dục, vị bộ trưởng ấy, hoặc chính thủ tướng chính phủ, thường mời một hay một số nhà văn hóa lớn, có tầm bao quát sâu rộng về xã hội, thậm chí là nhà triết học xã hội hàng đầu, làm cố vấn, nghiên cứu, thiết kế, đề xuất những dự án căn bản về cải cách giáo dục. Và nhiều nhà văn hóa lớn thường cũng là nhà giáo dục lớn. Trường hợp Edgar Morin ở Pháp là như vậy. Edgar Morin cố gắng nhận diện xã hội trước những chuyển biến có tính cách mạng của thời đại tác động dữ dội đến tư duy và cuộc sống của con người, để suy nghĩ, bàn luận và đưa ra những kiến nghị cơ bản đối với giáo dục. Như vậy, nói theo cách nào đó, những vấn đề của văn hóa và của giáo dục là một. Đó là những vấn đề con người của một xã hội, với tất cả những điều kiện để lại từ quá khứ, những hoàn cảnh hiện tại, và những thách thức sẽ đến, phải đối diện để tồn tại và phát triển. Vấn đề lớn nhất của giáo dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã hội) và để giải quyết văn hóa trong một xã hội, giáo dục phải lãnh vai trò quan trọng nhất.” [3]
  1. Thay lời kết
Được biết, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập “Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng” [4] nhằm giúp Chính phủ và bản thân ông đưa ra những quyết sách phù hợp và đúng đắn để vực dậy nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới. Nếu xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là “chìa khóa để thành công”, đặc biệt là nếu “kinh tế là chân ga, văn hóa là chân thắng” (vẫn là ý của nhà văn Nguyên Ngọc) thì theo tôi một “Tổ tư vấn về văn hóa - giáo dục” cho Thủ tướng trong lúc này tại sao không thể trở thành hiện thực? Nếu “Tổ tư vấn văn hóa – giáo dục” được thành lập thì trước mắt tôi kiến nghị chỉ sẽ tập trung làm một việc duy nhất đó là xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện, khách quan, khoa học mọi vấn đề liên quan đến đề án“Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” hiện nay. Có thể công cuộc đổi mới sẽ chậm lại một chút nhưng sẽ đảm bảo về một sự thành công mĩ mãn trong tương lai; thực sự góp phần khai phóng, nâng tầm nhận thức và văn hóa cho các thế hệ người Việt mai sau; từ đó xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững và tiến bộ hơn là với những gì đang diễn ra hiện nay (mà theo tôi là rất có nguy cơ 77 triệu USD của nhân dân một lần nữa sẽ đổ sông đổ bể).
---------------
Chú thích nguồn tham khảo:
  1. “Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Xem tại:http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thong-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-386965.html
  2. “Tại sao giáo dục phổ thông giảm thời gian, môn học”. Xem tại:http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thong-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-386965.html
  3. “Nhà văn Nguyên Ngọc nói về văn hóa và giáo dục”.Xem tại:http://vietnam.ucanews.com/2012/09/06/nha-van-nguyen-ng%E1%BB%8Dc-noi-v%E1%BB%81-van-hoa-va-giao-d%E1%BB%A5c-2/
  4. “Thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng”.Xem tại: http://thanhnien.vn/thoi-su/thanh-lap-to-tu-van-kinh-te-cua-thu-tuong-860302.html
Cần Thơ, 6/8/2017
NTB
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-8-17

ĐỀ NGHỊ GS TỔNG CHỦ BIÊN GIẢI THÍCH THÊM VỀ TÍCH HỢP 1 SÁCH 3 THẦY

PHAN TUYẾT/ GDVN 7-8-2017
Sau bài viết “Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 03/08, Giáo sư Nguyễn Minh ThuyếtTổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã lên tiếng.
Ông trả lời Báo xung quanh những thắc mắc về việc “tích hợp” 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành môn Khoa học tự nhiên và 2 môn Sử, Địa thành môn Lịch sử và Địa lý mà người viết đặt ra trong bài viết trước.
Là một giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, người viết trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Chúng tôi cho rằng, tinh thần cầu thị, cởi mở và trao đổi thẳng thắn của Giáo sư rất trân trọng, qua đó giúp giáo viên chúng tôi hiểu hơn về chương trình, sách giáo khoa mới.
Về câu hỏi mà rất nhiều giáo viên băn khoăn việc tích hợp môn Khoa học tự nhiên là “1 sách 3 thày dạy hay 1 thày dạy 3 môn?” Giáo sư Thuyết cho biết:
“Giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó, còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy”.
Tuy nhiên, là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy như chúng tôi vẫn thấy còn rất nhiều vấn đề khác cũng cần được giải đáp một cách thấu đáo.
Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu tiếp một số câu hỏi và vấn đề với các nhà làm chương trình, sách giáo khoa mới để giúp những người thực thi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới đây có hiểu biết đầy đủ, chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt nhất.
1 sách 3 thày thì sẽ phân công chuyên môn ra sao?
Theo lời của Giáo sư Thuyết tích hợp 3 môn (Lý, Hóa, Sinh) thành môn Khoa học tự nhiên sẽ có một cuốn sách giáo khoa, nhưng vẫn có 3 giáo viên dạy cho ba nội dung liên quan.
Câu hỏi đặt ra là: phân công giáo viên dạy ba phân môn ấy như thế nào cho liền mạch kiến thức? Điều này làm không khéo kiến thức của học sinh sẽ bị xé lẻ, rời rạc. 
Chẳng hạn, trong chương trình lớp 8, tổng số tiết học cả năm của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh là 105 tiết, trong đó Lý 35 tiết, hai môn còn lại 70 tiết. 
Chuyên môn nhà trường sẽ phân thế nào cho hợp lý? Chẳng hạn, một tuần có 5 tiết Khoa học tự nhiên, nếu phân tiết 1 dạy Lý; tiết 2, 3 dạy Hóa; tiết 4, 5 dạy Sinh… điều này sẽ vô cùng rối rắm.
Nó làm cho mạch kiến thức từng môn của học sinh bị gián đoạn vì có nhiều bài phải học đến 2 tiết mới hết nội dung. Nếu học dang dở để đó, sau tiết học môn khác học sinh sẽ quên ngay những kiến thức mình đã học trước đó. 
Còn phân 18 tiết Lý thầy lý dạy xong đến 35 tiết Hóa và cuối cùng 35 tiết Sinh lại rất khó khăn cho học sinh trong việc ôn tập kiến thức để thi cuối học kì vì có môn học từ đầu năm. 
Việc ra đề kiểm tra, đề thi cũng chẳng hề đơn giản. Theo chia sẻ của một giáo viên là Tổ trưởng chuyên môn, môn Khoa học tự nhiên ở chương trình VNEN bậc trung học cơ sở cho biết:
“Để chuẩn bị cho đề kiểm tra, đề thi, 3 giáo viên phụ trách 3 môn học đấy phải ngồi lại thống kê xem học sinh đã học bao nhiêu tiết Lý, tiết Hóa và Sinh. 
Từ đó, tính ra phần trăm kiến thức đã học và thống nhất ma trận đề sẽ ra cho phù hợp. Ví dụ: sẽ có 4 câu hỏi về môn Lý, 16 câu cho môn Hóa và môn Sinh. Sau đó, giáo viên sẽ gộp các câu hỏi của 3 giáo viên để tập hợp thành đề kiểm tra, đề thi”.
Việc phân công dạy đã bộc lộ nhiều bất cập đến việc cho điểm cũng rắc rối không kém. Không ít thầy cô trăn trở: giáo viên sẽ cho điểm thế nào? Cách tính điểm bình quân của 3 môn gộp lại ra sao?
Trong khi theo chương trình hiện hành, ở lớp 8 môn Lý có 35 tiết/năm, môn Hóa, Sinh mỗi môn có 70 tiết/năm nên số bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết cũng sẽ khác nhau. 
Nay gộp lại thành 1 môn nhưng vẫn 3 người dạy thì việc tính toán phân chia bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết sao cho phù hợp? Việc vào điểm thi học kì và điểm tổng kết ai sẽ chịu trách nhiệm để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc?”.
3 thày dạy 1 môn, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm ghi học bạ và nhận xét học sinh cuối mỗi kì? Giao cho một người thì thày Lý có nhận xét về khả năng học Hóa hay Sinh của các em chính xác? hay chỉ nhìn vào con điểm để ghi những dòng nhận xét cứng nhắc, rập khuôn cho xong việc?
Một trường không chỉ có chục lớp, có trường vài ba chục lớp trở lên nên việc phân công chuyên môn, theo dõi giáo viên thực hiện cũng chẳng đơn giản chút nào. 
Theo một số giáo viên đã dạy theo kiểu “tích hợp cơ học” này cho biết: “Công việc giảng dạy đã áp lực, mệt mỏi. Nay thêm việc giáo viên phải ngồi lại họp bàn với nhau cách ra đề, tính điểm, chấm điểm vào học bạ vô cùng mệt mỏi”.
Từ thực tế giảng dạy và phân công chuyên môn như phân tích ở trên đây, có thể thấy rằng điều quan trọng nhất là không đạt được mục đích "tích hợp" như Giáo sư Thuyết chia sẻ trong bài trước:
"Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau".
Ngược lại, "tích hợp" kiểu này còn xé vụn các phân môn riêng, có thể tạo ra hàng đống hồ sơ sổ sách mới và những bất cập trong phân công thời khóa biểu.
Đây là những băn khoăn xuất phát từ thực tế giảng dạy. Ai dạy phần tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên “tích hợp” ở chỗ nào?
Theo Giáo sư Thuyết giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó, còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy. 
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm. 
Điều này sẽ nảy sinh vấn đề khi nào thì giáo viên biết mình sẽ đảm nhận việc tích hợp nội dung liên quan? Sách giáo khoa có nói rõ điều đó để tránh tình trạng giáo viên dạy Sử nghĩ giáo viên dạy Địa đã giảng rồi? 
Quan trọng hơn nữa, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ có bao nhiêu “chủ đề tích hợp” để dạy cho học sinh cấp 2, khi mà thời lượng tiết học bình quân mỗi tuần chỉ khoảng 5 tiết cho môn Khoa học tự nhiên, khoảng 2 tiết cho môn Lịch sử và Địa lý?
Bởi, nếu chỉ có “một vài” chủ đề như “Biển đảo Việt Nam” mà Giáo sư ví dụ, thì chúng tôi tin một giáo viên vẫn có thể  đảm nhiệm, chỉ cần chịu khó bổ sung thông tin từ mạng internet và tài liệu hướng dẫn, mà không cần và không nên gộp 3 môn vào 1 sách như chương trình.
Ví dụ khác được Giáo sư đưa ra là: "Hay khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ". Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ ý nghĩa nào của “tích hợp” qua ví dụ này của Giáo sư.
Vẫn 2 thầy dạy 2 môn, thì chỉ sách giáo khoa Địa lý, Lịch sử hiện nay bố trí các nội dung về cùng một đối tượng (ví dụ như châu Mỹ) là được.
Tốt hơn nữa thì có thể bố trí thời khóa biểu 2 môn, 2 nội dung này gần nhau là xong, cần gì phải gộp môn? Có giáo viên thắc mắc, phải chăng gộp môn chỉ là hình thức để Bộ chứng minh là mình đang “đổi mới”, “sáng tạo”?
Phần trước Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mới chỉ lấy 2 ví dụ về môn Lịch sử và Địa lý qua chủ đề tích hợp "Biển đảo Việt Nam", lịch sử và địa lý châu Mỹ mà chúng tôi vẫn còn mông lung về “tích hợp”.
Các giáo viên trung học cơ sở đang dạy Lý, Hóa, Sinh càng không thể hình dung nổi Bộ sẽ “tích hợp” 3 môn này như thế nào?
Không biết Tổng chủ biên và các nhà làm chương trình có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể về "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh thành môn "Khoa học tự nhiên" để các giáo viên dạy Lý, dạy Hóa, dạy Sinh ở trung học cơ sở thấy rõ, đó là một lựa chọn đúng đắn?
Bài trước, Giáo sư mới chỉ nói về nguyên tắc rằng: "Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau".
Xin Giáo sư vui lòng làm rõ, "tổ chức lại một cách thống nhất để các kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau" như thế nào với 3 môn Lý, Hóa, Sinh?
Trong chương trình VNEN tiểu học hiện nay, có môn Nghệ thuật đó là tên gọi chung của 3 môn học Thủ công, Mĩ thuật và  Âm nhạc. 
Chỉ có cuốn sách giáo viên (sách hướng dẫn dạy học) là ghi môn Nghệ thuật còn học sinh vẫn có 3 cuốn sách của 3 môn học và do 3 giáo viên dạy. Như thế có nhất thiết gọi là môn Nghệ thuật hay không?
Tích hợp hay gộp môn? 
Nói về việc gộp môn, Giáo sư Thuyết cho rằng, giáo dục phổ thông là bậc học trang bị tri thức nền tảng và kỹ năng cơ bản cho người học càng phải thực hiện dạy học tích hợp. 
Dạy học tích hợp không chỉ giúp cho người học có hiểu biết tổng hợp hơn, từ đó, vận dụng kiến thức vào thực tiễn có hiệu quả hơn, mà còn giúp người học tiết kiệm thời gian học tập, nhất là khi kiến thức nhân loại tích lũy được ngày càng nhiều mà thời gian học phổ thông không thay đổi. 
Việc tích hợp kiến thức liên môn vẫn đang được các trường học thực hiện bấy lâu nay. Còn kiểu gộp nhiều môn thành môn có tên gọi mới như Chương trình phổ thông mới có phải là tích hợp không? 
Một độc giả có bình luận thế này: “Tích hợp là vấn đề giao điểm giữa các môn học chứ không phải từng môn học riêng rẽ gộp vào một sách giáo khoa. Kiểu anh địa dạy địa, anh sử dạy sử thì tích hợp cái nỗi gì?”. Nếu chỉ gộp ba sách ba môn thành một sách một môn nhưng vẫn ba giáo viên dạy thì lý do nào phải làm việc này? 
Tích hợp theo môn như thế giải quyết được vấn đề gì trong thực tiễn dạy học? Cơ sở khoa học nào cho rằng làm như vậy sẽ hiệu quả hơn việc vẫn để từng môn độc lập và tích hợp liên môn như hiện nay? 
Người viết rất hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới và Giáo sư - Tổng chủ biên để tháo gỡ những thắc mắc nghiệp vụ cho mình và đồng nghiệp trên cả nước.
Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư!
Phan Tuyết
TỔ TƯ VẤN KINH TẾ VÀ NHỮNG LÁT CẮT THINK TANK
TRẦN PHI TUẤN/ TTO 6-8-2017

Trong khối nhà nước, các cơ quan tham mưu, giúp việc đông đảo từ các viện, các hội đồng tư vấn kinh tế, tiền tệ... của cả cơ quan hành pháp lẫn lập pháp. Các think tank của tư nhân cũng xuất hiện khá nhiều trong các nước phương Tây.
Think tank là gì?
Dễ dịch nhất thì think tank là cái bể chứa những ý tưởng. Về từ nguyên, tank có nghĩa ban đầu là lô cốt trong quân sự. Tại khu vực được bảo vệ kiên cố này, giới tham mưu tác chiến họp bàn và tư duy (think), hoạch định các kế hoạch, vì thế được gọi là think tank.
Về sau, nghĩa của từ vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự, lan ra các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Trong kinh tế, think tank là tập hợp các chuyên gia đầu ngành để tư duy về các vấn đề kinh tế, đưa ra các khuyến nghị, tư vấn, đánh giá, gợi ý, phản biện... các chính sách, thông thường là mang tính độc lập.
Với không ít người Việt Nam, think tank vẫn còn khá lạ lẫm. Nhưng nhìn lại lịch sử của các think tank kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây cũng khá thú vị.
Các think tank về kinh tế đầu tiên, có thể nói là các ban ngành của Đảng. Vào các dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng, vấn đề đưa vào báo cáo đại hội, cần một đội ngũ các chuyên gia hàng đầu tham gia nghiên cứu và đề xuất, vì đó là các quyết sách lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Hình thành rõ nhất và nở rộ nhất, theo cố giáo sư Đặng Phong, trong cuốn sách Tư duy kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nhà xuất bản Tri Thức, là giai đoạn từ thập niên 1980 trở đi, nhất là thời kỳ đổi mới.
Thời kỳ này chứng kiến sự ra đời của hàng loạt think tank từ trung ương, bộ ngành đến địa phương.
Có thể điểm một số tổ chức như Tiểu ban cơ chế mới do sáu ủy viên Bộ Chính trị luân phiên phụ trách để tiếp thu ý kiến từ các địa phương và cả một số giám đốc công ty.
Sau đó, Tiểu ban nghiên cứu giải pháp cấp bách về tài chính - tiền tệ - giá cả ra đời trực thuộc Bộ Chính trị. Nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị thuộc Hội đồng Bộ trưởng, tức Chính phủ sau này. Bộ Ngoại giao cũng lập một nhóm nghiên cứu của riêng mình.
Đến năm 1987, hình thành các nhóm nghiên cứu chống lạm phát khi vấn đề này trở nên nóng bỏng. Thời này, có hai nhóm được hình thành, một nhóm là các chuyên gia Liên Xô, một nhóm là các nhà nghiên cứu trong nước.
Các tiểu ban, các nhóm nghiên cứu này thảo luận sôi nổi chủ đề kinh tế thị trường và giá thị trường, với cơ chế một giá hay hai giá, về kinh tế kế hoạch, vốn là những vấn đề vừa nóng bỏng, vừa bức xúc, vừa ảnh hưởng đến quốc kế dân an khi đó.
Từ Câu lạc bộ Giám đốc 
đến Nhóm thứ Sáu
Ở TP.HCM thời đó, một vài tổ chức think tank cũng đã hình thành do bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt tổ chức. Đầu tiên, vào giữa năm 1980, Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc với khoảng 100 thành viên ra đời, với lịch sinh hoạt định kỳ.
Một trong những ví dụ làm tốt của CLB Giám đốc là Xí nghiệp dệt Thành Công. Năm 1979, sản lượng vải là 4,2 triệu mét, năm sau còn 2,5 triệu mét, xí nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Nhờ cơ chế vay được 180.000 USD của Vietcombank, nhập nguyên liệu về, sản xuất rồi bán.
Không chỉ trả đủ vốn lẫn lời mà còn dư 82.000 USD, rồi quay vòng vốn và ngày càng phát triển. Một trong những buổi sinh hoạt của CLB này diễn ra tại Xí nghiệp dệt Thành Công với sự tham dự của nhiều cán bộ trung ương, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Một trong những nhóm nghiên cứu khá âm thầm trong thời gian này ở TP.HCM là nhóm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, cựu thống đốc ngân hàng và có thời gian làm phó thủ tướng chế độ trước năm 1975.
Ông Oánh chính là người đứng đầu nhóm thứ sáu, có tên chính thức là Văn phòng kinh tế Thành ủy TP.HCM. Nhóm này tập hợp đông đảo các chuyên gia kinh tế của miền Nam, đặc biệt là các trí thức chế độ trước năm 1975, đóng góp rất lớn cho việc hình thành tư duy kinh tế mới.
Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, những ý kiến của nhóm, dù được lắng nghe, nhưng khó có thể đi vào thực hiện. Một số đề án về chính sách tiền tệ, tín dụng, giá cả, ngoại thương, khu chế xuất, tài chính, kinh tế đối ngoại được nhóm thứ sáu đưa ra trong suốt thời gian từ 1980-1983.
Phải đến sau thời kỳ đổi mới, các đề án trên mới được thực hiện.
Một nghiên cứu về so sánh giá đối với năm nhóm hàng gồm (1) hàng nhập khẩu, (2) hàng công nghệ thực phẩm sản xuất tại VN với nguyên liệu nhập khẩu, (3) hàng nông sản lương thực thực phẩm, (4) dịch vụ lao động phổ thông đơn giản và (5) vàng.
Nhóm so sánh hai thời điểm: 1973 và 1986. Vào năm 1973 tỉ giá là 1 USD = 493 VND, còn năm 1986 tỉ giá là 1 USD = 455, tức là mức chênh lệch không lớn.
Kết quả cho thấy giá nhóm 1 năm 1986 tương đương 1973, giá ba nhóm giữa thấp hơn ít nhất 2,5 đến 4 lần so với giá năm 1973, trong khi đó chỉ có vàng là cao hơn đến 4 lần.
Như vậy, giá cả năm 1986 tụt thấp so với mặt bằng, vì thế nhóm kiến nghị cần phải chấm dứt cảnh “ngăn sông cấm chợ”, áp dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho kinh tế.
Mang theo tinh thần đó, ông Võ Văn Kiệt, về sau ra Hà Nội, rồi làm thủ tướng, cũng đã lập một nhóm think tank của mình, gọi là “Tổ tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính” vào năm 1993 với 10 thành viên. Đây chính là tiền thân của Ban nghiên cứu của Thủ tướng thời khi ông Phan Văn Khải tổ chức lại vào năm 1998.
Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn ban nghiên cứu nữa mà xuất hiện Tổ tư vấn kinh tế. Mới nhất chính là tổ 12 thành viên, đứng đầu là cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển.
Tổ này hoạt động theo nhiệm kỳ của Thủ tướng, vì thế hết nhiệm kỳ cũng tự giải tán. Năm thành viên cũ trong tổ này cũng chính là các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa mới ra đời, trong đó tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn giữ vai trò tổ trưởng.
Có thể nhận thấy một nét táo bạo trong think tank mới này là sự xuất hiện của năm chuyên gia “có yếu tố nước ngoài” gồm các giáo sư đang giảng dạy tại Mỹ, Nhật, Singapore và Pháp thì tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh của Đại học Fulbright Việt Nam cũng là một chuyên gia phản biện chính sách có uy tín.
Sử dụng các chuyên gia người Việt ở nước ngoài không phải là một chuyện mới. Từ nhiều năm trước, khá nhiều trí thức từ nước ngoài như tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia về tiền tệ của Liên Hiệp Quốc.
Ông Việt, nổi tiếng với các thống kê, đã góp phần mang những phương pháp tính toán mới chuẩn mực quốc tế vào hệ thống tính toán Việt Nam, chuyển đổi từ mô hình tính hệ thống tính toán thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm xã hội cũ theo mô hình XHCN, gọi là SNA, sang thông lệ thế giới GDP.
Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thọ cũng là một người không xa lạ đối với công cuộc cải cách, xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Một điều khá đặc biệt đó chính là khá nhiều trong số 15 chuyên gia trên chính là những người đã tham gia xây dựng và đóng góp cho Báo cáo Việt Nam 2035, một tầm nhìn dài hạn của Việt Nam hướng đến thịnh vượng.
Cụ thể đó là cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, giáo sư Trần Văn Thọ, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, tiến sĩ Trần Đình Thiên và tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.
Theo tinh thần của báo cáo này, với tầm nhìn 20 năm sau, Việt Nam sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình 22.000 USD tính theo sức mua tương đương. Muốn vậy, để đạt mức tăng trưởng cao, điều cần phải làm chính là cải cách thể chế, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, nâng cao năng suất...
Những điểm kết nối và giao thoa giữa cũ và mới, giữa trong nước và ngoài nước đang khiến cho tổ tư vấn được kỳ vọng nhiều cả vấn đề giải quyết các khó khăn trước mắt lẫn tầm nhìn lâu dài của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu và rộng.■

VÌ SAO ÔNG ĐINH THẾ HUYNH NGÃ NGỰA ?

QUỐC TUẤN/ viet-studies 4-8-2017

Vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều động thái cho thấy ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, nhân vật thứ 5 trong bộ máy của Đảng... đã ngã ngựa. Điều này có thể hiểu được dựa trên mấy nhẽ:
(1) Về sức khỏe, sau hơn 2 tháng chữa trị ở Nhật Bản, ông được cho là bị thủng ruột (có nguồn tin nói là ung thư). Đây là hậu quả nhỡn tiền và tất yếu của một thời gian dài là đệ tử của Lưu linh. Ông Đinh Thế Huynh còn có biệt danh là sâu rượu. Ông Huynh uống rượu đến độ tàn bạo. Cũng như việc hút thuốc đến độ "nghiện xì ke". Những người biết ông Huynh đều biết rằng, mỗi ngày ông hút 3-4 gói thuốc (do đàn em biếu!), hút ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả nơi có trẻ em, phụ nữ, phòng họp... Một nguyên lãnh đạo cao cấp cho biết: ngồi gần anh này, có ba mùi đặc trưng, đặc quánh là mùi thuốc lá, rượu, và...ít tắm giặt.
(2) Về con đường quan lộ: Nhờ vài năm ở Quảng Trị, luôn khoe khoang là "lính Thành cổ 72", rồi được đi học ở Liên Xô, về báo Nhân Dân làm chân cạo giấy. Vào được Trung ương như trốn đi luân chuyển, nhảy lên ghế Tổng Biên tập báo Nhân Dân, trở thành nỗi kinh hoàng của cán bộ, phóng viên ở đây. Ông này chửi thuộc hạ không có từ nào diễn tả hết. Ví dụ: mày ngu vừa vừa thôi, ai lại ngu hết mọi cái ngu của thiên hạ...
Lúc ở báo Nhân Dân hết 2 nhiệm kì (10 năm), ước mơ của Đinh Thế Huynh là chiếc ghế Chánh Văn phòng TW Đảng. Nhưng như một số nguồn tin tin cậy, nhờ "vốn đầu tư" của Đinh La Thăng, Huynh và các đệ tử đưa tiền rải khắp... và nhảy vào Bộ Chính trị. Từ đó, Đinh Thế Huynh là ô dù che chắn, lôi kéo Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình (Bình ruồi, Bình tiền) vào Bộ Chính trị; o bế, níu kéo Trương Minh Tuấn, không được nằm trong quy hoạch và danh sách dự nguồn BCHTW XII (Tuấn là Thứ trưởng, sinh năm 1960 đã quá, năm sinh thực là sinh 1958..) vào khe hẹp hơn cả tờ giấy bạc để vào đợt vét. Tuấn là kẻ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông đặt bút kí vào văn bản cho phép Tổng công ty Mobifone (của nhà nước, tiền nhà nước) mua kênh truyền hình hạng bét AVG của tư nhân với giá 8.900 tỷ đồng, cao gấp mấy chục lần giá trị thực (khoảng 500-600 tỷ VNĐ).
Những thông tin trên cho thấy, Đinh Thế Huynh bị thất sủng là chuyện dễ hiểu.
Quốc Tuấn
Lên trang viet-studies ngày 4-8-17
ÔNG ĐINH ĐI THẬT RỒI SAO ?
BÙI QUANG VƠM/ BVN 7-8-2017
Trước khi đi sang Mỹ từ 23-31/10, ông Đinh chỉ sang Trung Quốc có hai ngày, 18-19/10.
Ở Trung Quốc ông không gặp ai ngoài Lưu Vân Sơn, Uỷ viên bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Trung Quốc, trong khi sang Mỹ, ông gặp gần như tất cả các cơ quan của cả hai Viện, gặp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao, gặp riêng các nghị sĩ và thượng nghị sĩ, chương trình thăm và thảo luận kéo suốt 8 ngày.
Nhưng, từ sau khi đi Mỹ về, ông Đinh tự nhiên ít xuất hiện, ít phát ngôn, rồi từ sau hội nghị trung ương 5, lặn một hơi.
Có tin là ông Đinh lấp lửng về sự tồn tại có thật của một thành phần có xu thế thân Mỹ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, và còn lộ ý phê phán thái độ bắt cá hai tay của một bộ phận. Sơ hở này đã bị phân tích phê phán trong Bộ chính trị, đặc biệt là ý kiến khá gay gắt của ông Trọng. Từ đó, không biết có phải vì thế, ông phát ngôn hình như thiếu tự tin hơn.
Hiện tượng từ chỗ ít xuất hiện tới vắng hẳn trên diễn đàn truyền thông, rồi mới đây có tin ông sang Nhật chữa ung thư rồi về Phú Quốc điều dưỡng đã làm xuất hiện hai nghi vấn, một là ông Đinh bị ai đó yểm độc, nhiễm ung thư, hai là bị thất sủng, Bộ chính trị ép nghỉ dưỡng bệnh, mở đầu cho việc rút khỏi sân khấu.
Cách đây chỉ khoảng 10 ngày, sáng 27-7, không biết vì lý do gì, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TW chủ trì kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 -2021 và tại hội nghị này Ban tổ chức Trung ương giao cho ông Phùng Hữu Phú giữ chức Phó chủ tịch thường trực, thực chất là thay quyền Chủ tịch của ông Đinh.
Tiếp đến, ngày 1/08, tức là chỉ sau 3 ngày, Bộ chính trị phân công ông Trần Quốc Vượng tham gia Ban bí thư và thay ông Đinh làm Thường trực Ban bí thư.
Trong có ba ngày, ông Đinh tuột sạch mọi chức vụ. Không biết chuyện điều trị thật giả thế nào. Nhưng theo tập quán từ trước tới nay, người đã bị thay thì không làm lại việc cũ nữa.
Như vậy, «hướng dẫn đối thoại giữa đảng với các cá nhân có ý kiến khác đảng» của Ban bí thư, mà ông Võ Văn Thưởng đang chờ sẽ chẳng bao giờ có nữa. Chắc chắn khi đưa ra công bố, ngày 18/05, ông Thưởng phải biết rằng Thường trực Ban bí thư không hề bị bệnh hoặc có thể chưa bị «đi dưỡng bệnh».
Và bởi vì, cứ theo cách này, nếu ông Đinh Thế Huynh có thể chỉ vì đang soạn «hướng dẫn đối thoại với những cá nhân có quan điểm khác với đảng», mà bị nhiễm bệnh, thì sau khi ông Đinh «đi dưỡng bệnh», đến lượt ông Thưởng cũng sẽ bị bệnh, vì ông Thưởng đang đợi hướng dẫn của Ban bí thư để tiến hành đối thoại. Bởi vì những kẻ muốn đối thoại với những phần tử phản động phải là những kẻ suy thoái và tự chuyển biến.
Nhưng có khả năng khác là ông Đinh bị yểm độc. Giống như ông Nguyễn Bá Thanh hay ông Phạm Quý Ngọ. Nhưng có thể bị yểm độc bởi kẻ nào?
Trong những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh là người có số lần tiếp xúc, làm việc nhiều nhất với lãnh đạo Trung Quốc. Ông là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng đoàn Việt Nam trong Hội thảo lý luận Trung-Việt, tổ chức mỗi năm một lần, luân phiên năm tại Trung Quốc, năm tại Việt Nam. Nếu gọi là thân Trung Quốc nhất hẳn là ông, nhưng nếu hiểu Trung Quốc nhất, có lẽ cũng là ông. Cho nên nếu là bạn thì bạn tốt, nhưng nếu không còn là bạn thì là kẻ nguy hiểm, đáng phải thủ tiêu nhất. Tháng 10 năm ngoái ông đi Mỹ, và có thể ông đã tiết lộ hết những bí mật mà ông biết về Trung Quốc. Chỉ cần như vậy, ông đủ để… nhiễm bệnh ung thư do thiên triều.
Nhưng cũng có một khả năng khác. Sau đại hội XII một thời gian, dư luận ồn ào về chuyện ai là nhân vật sẽ kế tục vị trí Tổng bí thư nếu ông Trọng giữ lời hứa rút lui sau một năm, hay nửa nhiệm kỳ. Trong hai ứng viên tiềm năng là ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang, thì ông Quang có phần chiếm ưu thế, bởi ông từng nhiều năm làm Bộ trưởng Công an, có trong tay toàn bộ hệ thống quyền lực cả chìm cả nổi. Vói chức danh Tổng tư lệnh, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, thì chưa biết chừng ông nắm cả Công an lẫn quân đội.
Ngày 17/08/2016, ông Đinh ký quyết định 13- BT/TW, thông báo hiệu lực lập tức, từ 18/08/2016, tuổi của đảng viên sẽ xét theo hồ sơ gốc khai khi kết nạp, không theo các hồ sơ chỉnh sửa. Quyết định được coi là bắn thẳng vào ông Quang, vì theo hồ sơ gốc, ông Quang đã quá tuổi ứng cử vào Bộ chính trị, có nghĩa là sự nghiệp chính trị của ông đã dừng lại ở vị trí Chủ tịch nước. Và một khi không có triển vọng lên Tổng bí thư, vây cánh của ông sẽ rơi rụng hết, và ông sẽ chỉ là Chủ tịch ngồi chơi xơi nước. Cú đánh của ông Đinh quá độc. Và vì vậy ông Đinh xứng đáng phải chịu trừng phạt.
Người ta vẫn biết ông Nguyễn Bá Thanh «bị» dưới tay ông Dũng khi «tuyên bố bắt liền không cần nói», nhưng dưới tay ông Dũng là ai? Ông Phạm Quý Ngọ cũng chết rất đúng lúc vì ung thư, khi ông Dương Chí Dũng, trước khi nhận án tử hình đã lộ lời khai là số tiền hối lộ 1,5 triệu đô là chuyển cho «một ông anh cao cấp».
Như vậy, ông Quang bị ông Đinh loại bằng quyết định 13-BT/TW. Ông Đinh bị loại vì bệnh và không còn chức vụ gì. Chiến trường phía bên đảng chuyên trách, hiện chỉ còn ông Trọng, ông Phạm Minh Chính và ông Trần Quốc Vượng.
Bên phía Chính phủ, ông Tô Lâm chắc «chết» vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chỉ còn mình ông Phúc. Không rõ rồi sau vụ thanh toán với ông Dũng, việc sắp xếp lại tổ chức vào dịp cuối năm nay, lấy đâu ra người nữa. Chắc ông Trọng lại không dám nghỉ, lại buộc phải làm nốt cả nhiệm kỳ. Ông không muốn, nhưng vì số ông vất vả, trời còn đoạ, chưa cho ông nghỉ.
06/08/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét