Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

20170810. BỨC XÚC 'ĐẦU VÀO' TRƯỜNG SƯ PHẠM

ĐIỂM BÁO MẠNG
'CHUỘT CÙNG SÀO ' MỚI VÀO SƯ PHẠM, CHƯƠNG TRÌNH MỚI SẼ ĐI ĐÂU ?

TS VŨ THU HƯƠNG/ GDVN 10-8-2017
Điểm đầu vào nhiều trường sư phạm thấp, chương trình mới sẽ đi về đâu? (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học được tổ chức ở Phú Thọ ngày 4/8 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận xét: “nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì cũng còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Điều đó có nghĩa là, nhiều giáo viên hiện hành còn đang chưa đủ điều kiện theo chuẩn giáo viên, do đó, tôi cho rằng, việc thực hiện các chương trình mới sẽ gặp khó khăn cũng là một phần ở nguyên nhân này.

Giờ đây, khi việc tuyển sinh khối ngành Sư phạm lại gặp những bất cập khi điểm chuẩn đầu vào thấp kỉ lục, có trường thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn đã có thể vào học.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu sau khi lứa sinh viên này ra trường, họ có thể đáp ứng được Chuẩn giáo viên do Bộ xây dựng hay không? 
Liệu những giáo viên này có đủ trình độ để thực hiện chương trình tổng thể mới hay không?

Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua có rất nhiều điểm đổi mới, trong đó việc thực hiện các môn tích hợp Tự nhiên hoặc Xã hội đòi hỏi trình độ của người giáo viên rất cao và rộng. 
Bởi lẽ, mỗi một "chủ đề tích hợp" như Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn lấy ví dụ sẽ chứa đựng rất nhiều kiến thức. 
Vậy, liệu rằng một giáo viên trình độ kém có thể đứng lớp dạy "chủ đề tích hợp" đó hay không? 
Hơn nữa, khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề sử dụng giáo viên trong môn tích hợp của chương trình mới, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nêu: 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng chương trình, mở ngành đào tạo giáo sinh dạy liên môn ở Trung học cơ sở”.

Thử hỏi, với trình độ sinh viên sư phạm có điểm đầu vào 9-10 điểm/3 môn như hiện nay, liệu rằng họ có thể tích lũy đủ kiến thức để dạy được các "môn tích hợp" như chương trình mới? 
Liệu rằng với trình độ như vậy họ có trở thành gánh nặng cho cả ngành khi chẳng những khó tham gia giảng dạy khi áp dụng chương trình mới, mà ngay cả chương trình hiện hành cũng không thể đảm đương nổi.

Chương trình phổ thông tổng thể mới không chỉ thay đổi về nội dung các môn học mà còn tăng cường rất nhiều hoạt động như Hoạt động trải nghiệm.

Là sản phẩm của giáo dục ít có hoạt động trải nghiệm, lại có điểm đầu vào không cao thì liệu những giáo viên tương lai này có đủ trình độ, năng lực đảm nhận công việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh?

Dạy học là một nghề rất đặc thù. Khi học tập tại các trường sư phạm là khi các sinh viên được đào tạo với hướng đi rất rõ ràng: trở thành giáo viên.

Nghề dạy học với những đặc thù riêng sẽ khiến cho các sinh viên Sư phạm rất khó để tìm thấy một công việc khác sau khi tốt nghiệp ra trường.

Khi đó, lượng cử nhân thất nghiệp tăng cao, bài toán về nhân sự của ngành lại một lần nữa được đặt ra và chúng ta sẽ giải quyết ra sao?

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. 
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
CHẤT LƯỢNG NGƯỜI THẦY THẤP, THỰC HIỆN CẢI CÁCH GIÁO DỤC RA SAO ?
PHAN TUYẾT/ GDVN 10-8-2017
Trên thế giới, nghề dạy học vẫn luôn được trân trọng nhất. J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng.
A.Đixtecvec nhận định: “Chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man”.
K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “Sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người” ...
Ở nước ta cũng vậy, nghề dạy học luôn được xem là nghề cao quý trong tất cả nghề cao quý. Nào là “kĩ sư tâm hồn”, “viên kim cương nhân loại”, “người gieo hạt giống vàng của chân lý”…
Thế nhưng thực tế thì sao? Nghề dạy học đang bị nhiều người ghẻ lạnh. Cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” tưởng như đã được gọt bỏ sau bao năm thì nay đang được “hồi sinh” trở lại.
Với mức điểm xét tuyển đại học năm nay đang làm nhiều người sửng sốt khi một số ngành thi ba môn đạt điểm tuyệt đối (30 điểm) vẫn không thể đậu thì ngành sư phạm ở một số trường đại học chỉ tuyển sinh với số điểm lẹt đẹt như bằng điểm sàn thậm chí có trường chỉ xét khoảng 12.5 điểm là đậu.
Người giỏi, người tài đã quay lưng với nghề giáo nên các trường sư phạm buộc phải tuyển thí sinh với mức điểm quá thấp như thế.

Điểm chuẩn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế). (Ảnh đăng trên báo Vietnamnet.vn)

Nếu như nghe ai nói “thầy giỏi mới có trò giỏi” một số người sẽ chạnh buồn vì trong thực tế thầy giỏi vẫn có nhiều trò ngu.
Nhưng chắc chắn thầy ngu không thể nào và không bao giờ có được trò giỏi điều này đã được minh chứng trong thực tế.
Vì sao học sinh quay lưng với nghề giáo?
Những mĩ từ dùng ca ngợi nghề giáo giờ chỉ còn trên lý thuyết mà thực tế và lý thuyết thì cách nhau cả một dặm dài.
Trong thực tế, nghề dạy học hiện nay vẫn đang được xem như nghề “bạc như vôi” vì sự đòi hỏi, kì vọng của xã hội vào thầy cô rất lớn nhưng sự đãi ngộ cho họ lại chẳng đáng là bao.
Cách đây chưa lâu, báo Dân Trí có đăng một trường hợp thầy giáo ở Hà Nội kêu cứu vì không thể có được 40 triệu đồng để chữa bệnh.
Trong khi rất cảm thông với đồng nghiệp nhưng ngành Giáo dục nơi thầy công tác và những đồng nghiệp của thầy ở khắp mọi nơi cũng chẳng thể giúp được nhiều vì họ vẫn còn quá nghèo chẳng biết lấy nguồn kinh phí ở đâu mà giúp.
Ai ở trong nghề mới biết, hai vợ chồng dạy học nếu không dạy thêm lương chỉ đủ cho gia đình họ (khoảng 4 người) sống tằn tiện dưới mức chi tiêu bình thường.
Nếu muốn mua một mảnh đất, làm một cái nhà nhỏ để ở, mua một ít trang thiết bị hay phương tiện đi lại hoặc khám chữa bệnh chỉ phải vay ngân hàng.
Nhưng vay rồi hàng tháng phải gồng mình trích tiền lương để trả nợ nên hầu như giáo viên các trường đều là “con nợ” của ngân hàng vì lẽ đó.
Nhớ lại vào năm 1997 trở đi nhờ có chính sách ưu đãi không thu học phí ở các trường sư phạm và giáo viên được hưởng thêm tiền thâm niên, đứng lớp mà lượng thí sinh đăng kí thi vào những trường sư phạm này tăng lên đột biến.
Nhờ thế điểm chuẩn những năm này cũng tăng khá cao. Nhưng chỉ vài năm sau đó, tín hiệu đáng mừng đã không còn nữa, chuyện học sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm lại trở nên phổ biến.
Không tuyển được thí sinh giỏi, dù nỗ lực cách mấy thì các trường sư phạm cũng không thể đào tạo ra được những người thầy giỏi.
Câu chuyện từ thực tế
Cách đây mươi năm, một tỉnh nọ thiếu trầm trọng giáo viên bậc Trung học phổ thông. Sau khi xin được chỉ tiêu mở lớp đào tạo giáo viên phổ thông trung học cho tỉnh.
Năm ấy, nhiều thí sinh đã tham gia thi và đậu với số điểm không thể thấp hơn là 3 môn chỉ đạt tầm 8 đến 11 điểm.
Không ít thí sinh trúng tuyển vào lớp học này mà quá nửa trong đó là học sinh vừa thi rớt vào trường trung cấp và cao đẳng sư phạm của tỉnh.
Sau 4 năm lứa sinh viên này ra trường. Ngày đầu tiên dạy thực tế trên lớp, có học sinh về kể: “Cô con không biết làm toán. Bạn Hùng làm cách khác có kết quả vẫn đúng nhưng cô bảo bạn làm sai”.
Nhiều ngày sau về, các bé lại bàn tán: “Hôm nay trên lớp bạn Dũng hỏi nhiều quá làm thầy lúng túng chẳng biết trả lời ra sao”.
Có em lên án “giải bài tập nhưng cô cứ nhìn từng chữ trong sách giải hoặc giáo án, bạn nào làm khác cách trong ấy, cô cũng nói sai ngay”.
Nhiều đồng nghiệp còn thẳng thừng nói: “Nhìn đề kiểm tra của tổ đưa cho nhưng thầy ấy chẳng biết đề đúng sai chỗ nào?”, người bảo “chẳng bao giờ dám ra một cái đề kiểm tra vì không biết ra thế nào mới đúng”…
Môn Toán, Lý, Hóa đã thế, những môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa Lý… có thầy cô đi dạy mà chẳng nắm được ngày tháng cuộc Tổng tiến công, ý nghĩa kết quả hay những tấm gương anh hùng trong chiến đấu nếu không nhìn vào sách…
Dạy địa mà cô vẽ cái lược đồ cũng sai lên sai xuống, những câu hỏi “Vì sao? Như thế nào?...” học sinh cũng chẳng có được câu trả lời thuyết phục.
Hay chuyện dạy Ngữ văn có em về kể: “Cô con dạy chán lắm, chỉ cho đọc và trả lời trong sách còn không bao giờ dẫn chứng thêm tư liệu bên ngoài. Học như thế con ở nhà đọc sách cũng được”…
Để có những học sinh giỏi, xuất sắc “sánh ngang các cường quốc năm châu” thì những giáo viên kiểu này làm sao đảm nhiệm nổi trọng trách?
Trở lại câu chuyện đầu vào của các trường sư phạm điểm tuyển sinh quá thấp như hiện nay thì sau 4 năm đào tạo, chúng ta sẽ cho ra lò những giáo viên liệu có đủ đáp ứng với những đòi hỏi mới của ngành Giáo dục hay không?
Chưa nói đến giáo viên sau này được đào tạo đa môn để dạy theo chương trình mới? Câu trả lời chắc chắn sẽ chẳng có được điều đó.
Không có lực lượng kế cận tài giỏi, ngành Giáo dục sẽ thực hiện ra sao trong công cuộc đổi mới của mình?
Chúng ta có thể bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để đổi mới phương pháp dạy học, để thay đổi sách giáo khoa liên tục chỉ sau mươi năm nhưng một điều quan trọng và cốt lõi hơn hết chính là việc chuẩn bị một đội ngũ nhà giáo đủ tâm và đủ tầm lại đang bị bỏ ngỏ.
Đây cũng chính là nút thắt để ngành Giáo dục phải tháo gỡ trước khi nghĩ đến việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:

TẠI SAO NGƯỜI GIỎI, ĐIỂM CAO LẠI KHÔNG VÀO SƯ PHẠM?

ĐỖ TẤN NGỌC/ GDVN 10-8-2017

Điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào nhiều trường sư phạm ở khu vực và địa phương năm nay chỉ ở mức điểm sàn (15,5), thậm chí có trường, có ngành chỉ là 12,45 điểm
Ngay lập tức, trên các mặt báo, hàng loạt bài viết phản ánh, phân tích, mổ xẻ ở mọi góc cạnh, chỉ rõ nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm hại ngành giáo dục ngày càng đìu hiu, vắng bóng những thí sinh đạt điểm cao theo học và có cùng chung một quan ngại: đầu vào thấp, chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu, thầy “bình thường” thì làm sao cho ra những thế hệ học trò giỏi được? Thật xác đáng.  
Thời bao cấp, người nào theo học ngành sư phạm được ví von với hình ảnh  tội nghiệp “chuột chạy cùng sào”.
Những năm 1999 đến năm 2006, chất lượng đầu vào các trường sư phạm có phần tốt lên, không thua kém bao nhiêu so với các trường đại học tốp giữa, tốp đầu ở các lĩnh vực khác, nhờ vào những chính sách hỗ trợ, ưu tiên kịp thời của Nhà nước.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, thì điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào các trường sư phạm sụt giảm dần dần và đang ở mức thảm hại như năm nay.
Không biết, viễn cảnh đầu vào những năm tới đây ở nghề dạy học, “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” sẽ như thế nào?


Những học sinh giỏi không mấy ai thiết tha với nghề sư phạm.(Ảnh minh họa trên Báo Phú Yên

Điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào các trường, ngành hot năm nay như: công an, quân đội, y, dược (cũng như mấy năm gần đây) cao chót vót, điểm gần tuyệt đối 29,25; 29,35, thậm 30,5 (có điểm ưu tiên, khuyến khích) mà vẫn bị trượt nguyện vọng 1 của các trường nêu trên một cách đầy oan ức, đau đớn.
Xin chúc mừng các ngành trên đã lựa chọn được những thí sinh có điểm cao nhất. Chất lượng đầu vào tốt ắt hẳn việc đào tạo sẽ thuận lợi hơn nhiều, sẽ cho ra “lò” những sản phẩm tốt - người giỏi.
Phụ huynh và các thí sinh có điểm cao tập trung, đổ dồn vào những ngành nghề danh giá (như trường y, trường dược), vào những ngành nghề có tính ổn định cao, ra trường có việc làm ngay, chế độ đãi ngộ tốt (như trường quân đội, công an) là đúng rồi, không thể chê trách các em và phụ huynh ấy được.
Nếu con, em tôi có số điểm cao như thế cũng đều làm vậy cả, chẳng ai dại gì đâm vào học những lĩnh vực rất khó xin việc làm, đời sống nhọc nhằn, bấp bênh, lương ba cọc ba đồng như ngành sư phạm.
Từ xã hội đến nhà trường ngày càng có sự phân hóa rõ rệt và sâu sắc. Ở xã hội thì phân hóa giàu - nghèo, sang - hèn. Ở nhà trường thì phân hóa mạnh trên các bậc học.
Bậc học phổ thông, học sinh học tốt, học khá thì đua nhau chen chân vào các trường chuyên, lớp chọn, trường chất lượng cao, trường có bề dày thành tích.
Bậc đại học, cao đẳng, các trường, những ngành học tốt, dễ kiếm nhiều tiền, được xã hội, phụ huynh trọng vọng, tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1.
Còn các trường “sinh sau đẻ muộn”, thuộc tốp giữa, tốp cuối (các trường dân lập, tư thục) với những ngành nghề bị chê là nghèo khổ, cực nhọc, vất vả như sư phạm, kỹ thuật… thì chỉ tuyển số thí sinh “thường thường bậc trung” hoặc thấp hơn nữa, thậm chí còn lo sợ không tuyển đủ chỉ tiêu được phân bổ, ảnh hưởng nhiều thứ đến hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường, đội ngũ giảng viên.
Có thể nói, học một chuyện, làm một chuyện khác. Có thể học trường, ngành tốt chưa chắc đã giỏi giang, giàu có về sau so với học ở trường, ngành bình thường (trừ trường sư phạm).
Mọi việc sau này đều có thể xảy ra, song trước mắt thì lấy làm mừng cho các trường có nhiều học sinh tốt, lấy làm buồn cho các trường bị xã hội, phụ huynh, thí sinh “chê”, đành phải lấy điểm thấp.
Xét cho cùng, đất nước chúng ta đang tiến hành công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thì ở bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng đều rất cần có nhiều người được đào tạo căn cơ, bài bản, thật sự giỏi giang khi làm việc để cáng đáng, dựng xây…
Đỗ Tấn Ngọc
KHI ĐIỂM CHUẨN NGÀNH SƯ PHẠM QUÁ THẤP
THANH TRÚC/ RFA/BVN 10-8-2017
clip_image002
Một giáo viên dẫn học sinh lớp Một vào lớp tại một trường tiểu học ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 9 năm 2014. AFP photo

Mức điểm chuẩn môn thi [vào] sư phạm năm nay tại một số trường Cao đẳng địa phương ở Việt Nam được hạ xuống bằng mức điểm sàn khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn là chuẩn thấp như vậy thì làm sao mà bảo đảm chất lượng giáo viên đứng lớp trong tương lai.
Bản tin trên trang mạng Zing.vn hôm thứ Hai 7 tháng Tám cho thấy nhiều trường Cao đẳng  địa phương [ở] Việt Nam quyết định mức điểm chuẩn đậu vào sư phạm chỉ trong khuôn khổ 9 đến 10 điểm mà thôi.
Nói một cách khác, đối với nhóm 3 môn thi bắt buộc vào Sư phạm thì mỗi môn chỉ cần 3 điểm, 3 môn gộp lại thành 9 hay 10 điểm là được chấm đậu vào ngành sư phạm.
Vẫn theo tin từ Zing.vn, vào khi mặt bằng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia cao khiến điểm chuẩn nhiều ngành tăng đến mức kỷ lục, thì ngược lại ngành Sư phạm có vẻ như đi một bước lùi với điểm chuẩn được kéo xuống ngang bằng điểm sàn, do đó thi vào hệ Cao đẳng chỉ cần 3 điểm mỗi môn là coi như trúng tuyển.
Đó là chuyện đã xảy ra ở Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh theo kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia đối với các môn [ngành] Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ Văn.
Tương tự như vậy, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai lấy 9,5 là điểm chuẩn hệ chính qui, trong lúc Cao đẳng Sư phạm Hải Dương lấy điểm chuẩn trên tất cả ngành học là 10.
Điểm đáng nói là không chỉ Cao đẳng Sư phạm có điểm chuẩn được báo chí gọi là thấp lè tè mà cả bậc Đại học cũng lấy điểm chuẩn trúng tuyển ngang bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục Đào tạo  mà thôi. Đó là trường hợp Đại học Hà Tĩnh hay Đại học Thái Nguyên chẳng hạn. Hai trường đại học này lấy mức chuẩn 15,5 cho tất cả các ngành học khác trừ ngành Sư phạm Mầm Non.
Nhiều người trong nước, hằng quan tâm đến vấn đề giáo dục và đào tạo, đã cho rằng điều này vô tình đồng nghĩa với sự coi nhẹ lãnh vực giáo dục cũng như lãnh vực đào tạo những nhà giáo, những thầy cô đúng nghĩa và có phẩm chất trong trường lớp.
Từ Hà Nội, nhà giáo Phạm Toàn, người chủ trương nhóm Cánh Buồm với mong muốn thực hiện những cuốn sách giáo khoa theo đúng phương pháp sư phạm, đúng tiêu chuẩn đào tạo của ngành giáo dục, nói rằng theo ông hiểu việc hạ điểm chuẩn trúng tuyển vào Sư phạm tại nhiều trường là vì:
Hạ xuống là bởi vì không có người trên điểm chuẩn, không có người giỏi hơn thì họ phải hạ xuống cho có đủ số lượng sinh viên để được tài trợ. Có “quota” cho một cái trường, anh phải có đủ số sinh viên học sinh thì anh mới được ngân sách nhà nước cấp cho từng này. Bây giờ muốn có đủ số lượng thì phải hạ điểm chuẩn xuống.
Cái nguy hiểm cho tương lai ngành sư phạm Việt Nam, nhà giáo Phạm Toàn nhận định tiếp, chính là chả biết làm cách nào để có sinh viên giỏi:
Vấn đề cực kỳ lúng túng là tạo ra những người giỏi, nhưng nói như thế thì bi quan quá. Nếu đào tạo những em học sinh dưới điểm chuẩn ấy thì phải có một chương trình khác để đào tạo các giáo sinh ấy, thế nhưng hàng chục năm rồi họ có thay đổi giáo trình họ có thay đổi cách đào tạo đâu.
Bây giờ nói học sinh thi vào thì nó là nạn nhân chứ không phải tác nhân. Chính trường Sư phạm phải thay đổi cách huấn luyện, thay đổi cách đào tạo thì còn gỡ lại được, nhưng các trường Sư phạm làm gì có trình độ để mà thay đổi cách đào tạo.
Không một tổ chức nào có sáng kiến để làm một việc cũ với những điều kiện mới, họ không có động lực, không có biện pháp kỹ thuật để đào tạo những đầu vào. Họ biết rõ là không đầy đủ nhưng họ cứ mặc kệ, không ai chịu trách nhiệm cả. Trong một không gian hình cầu thì không có đường thẳng được, trong hệ thống thế thì càng ngày nó càng đi xuống. Nếu một hệ thống giáo dục tốt được triển khai bây giờ thì cũng mất 70 đến 100 năm.
Hạ thấp trình độ giáo viên tương lai?
Đối với nhà nghiên cứu văn hóa kiêm dịch giả Đinh Gia Hưng, Đại học Kinh tế Đà  Nẵng, đang dịch cuốn sách The Philosophy Of Education của  tác giả Richard Pring từ Anh ngữ ra Việt ngữ, chuyện hạ mức điểm chuẩn các môn thi Sư phạm từ 15,5 xuống còn  9 hay 10 điểm có nghĩa là hạ thấp giá trị của chính trường tiếp nhận cũng như hạ thấp giá trị của thầy cô giáo xuất thân từ trường đó:
Xét về các khối ngành thì quan trọng nhất của giáo dục vẫn là ngành Sư phạm. Mấu chốt của ngành Sư Phạm là nó đẻ ra những bậc thầy và các phẩm chất kéo theo nữa. Nếu nói về điểm không thì đã có sự vô lý bởi vì tôi nghĩ những người theo ngành Sư phạm luôn phải là những người giỏi. Bây giờ có biện minh gì đi nữa thì mặt bằng này cũng rất là thấp so với các ngành khác và cái này khó đảm bảo được chất lượng chung của những học sinh thi vào Sư phạm. Tôi cũng chưa thể lý giải tại sao người ta lại chọn điểm thấp hơn so với các năm, nhưng để gọi là mặt bằng thấp hơn thì về mặt giáo dục là có vấn đề rồi.
Trong giáo dục, giảng viên Đinh Gia Hưng của Đại học Kinh tế Đà Nẵng phân tích tiếp, thang điểm rất quan trọng vì nó phản ảnh khả năng học vấn, kiến thức và trình độ văn hóa của học sinh Trung học Phổ thông:
Nếu cho rằng điểm thấp vẫn có thể vào được Sư phạm thì đó là các nhà quản lý người ta nói vậy, nhưng về mặt đảm bảo chất lượng của sư phạm mình thừa biết điểm cao phản ảnh trình độ giáo dục ở phổ thông, không thể lấy điểm thấp để vào học bậc Cao đẳng hay Đại học được. Tôi không biết tại sao họ làm như vậy.
Sự sống còn của nền giáo dục Việt Nam, từng bị giới trí thức và các học giả trong nước đánh giá đang xuống cấp trầm trọng, nằm ở chỗ các lãnh đạo đầu ngành phải thay đổi tư duy, phải xác định đúng mục tiêu là đào tạo những nhà mô phạm để có thể uốn nắn dạy dỗ người khác.
Vẫn theo lời ông, giáo dục chính là vì con người và cuộc sống của con người, nếu ngành Sư phạm bị coi nhẹ, bị rẻ rúng, thì cũng có nghĩa là tước đi nhân cách hay chức năng cao quí của giáo viên trong tương lai.
T.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét