Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

20170829. QUANH VẤN ĐỀ GIẢM BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIẢM BIÊN CHẾ AI CŨNG ĐỒNG TÌNH, NHƯNG KHÔNG AI ĐỒNG Ý GIẢM MÌNH

CHU THANH VÂN/ TTXVN/BVN 28-8-2017
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 13, chiều 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.  Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tình trạng “bộ trong bộ”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ, chưa có bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là đối với các công việc có liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến con người cụ thể. Hệ thống thể chế về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất.

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bước đầu khắc phục được những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý, nhưng vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ (vẫn còn 18 vấn đề giao thoa, có ý kiến khác nhau); cơ chế “chủ trì, phối hợp” trong quản lý nhà nước còn phổ biến.

Dự thảo Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân (gồm 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ) dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất do chưa có tiêu chí; một số cơ quan hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng lại áp dụng cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu (945 phòng) chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương mà cơ bản được tổ chức đồng nhất, thậm chí là “cào bằng” như nhau, chưa phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tăng nhanh (trên 130.000 người), chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động không rõ ràng, trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này.

Biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (trung bình giảm 4.000 biên chế), tuy vậy việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm, sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn tăng. Thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết

Băn khoăn về tổ chức bộ máy hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề bộ máy đã đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chưa? Bộ máy phình ra do yêu cầu quản lý hay do lý do khác?

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có được nâng lên, nhưng so với yêu cầu của tình hình mới thì chưa đạt yêu cầu, chất lượng bộ máy chưa tương xứng với đầu tư từ ngân sách. Có xu thế bộ máy ngày càng trở nên cồng kềnh, dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn. Hình như ngoài 4 cấp chính quyền: Trung ương, tỉnh, huyện, xã đang thêm cấp chính quyền thôn, bản, ấp. Lẽ ra cán bộ xã xuống trực tiếp các thôn, bản, thì lại gọi cán bộ thôn lên. Thôn là cánh tay nối dài của xã, càng nối dài bao nhiêu càng quan liêu bấy nhiêu. Câu chuyện này cần phân tích rõ ràng, bộ máy phình ra, khi xảy ra vấn đề là không xử lý được, ông Hiển nói.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích rõ, kỹ, nhiều nội dung cần sâu thêm, đầy đặn hơn, có tổng kết, đánh giá nhận định và minh chứng.

Liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, có tình trạng nói đến cải cách, tinh giản bộ máy ở cơ quan khác thì rất nhiệt tình nhưng đến cơ quan mình thì không làm được mấy. “Chúng tôi được Quốc hội giao tham mưu biên chế của Tòa án, Viện Kiểm sát, xác định đề án vị trí việc làm, mỗi lần xem xét cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, đại đa số các cơ quan này đều trình xin tăng thêm biên chế”, bà Nga thẳng thắn. Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị Chính phủ xem lại quy định về đề án vị trí việc làm, tổng kết lại việc thực hiện đề án, không để tình trạng khi quyết định biên chế không có đề án vị trí việc làm thì rất chặt, nhưng từ khi các cơ quan thực hiện xác định vị trí việc làm thì tăng hàng ngàn người.

Đồng thời, Chính phủ cần xem lại cơ chế đánh giá cán bộ công chức, vẫn thiếu các tiêu chí cụ thể, còn đánh giá một cách cào bằng, không tạo động cơ, động lực thúc đẩy cán bộ công chức làm việc. Bà Nga đề nghị Chính phủ nên có báo cáo về một số đơn vị có vấn đề nổi cộm thời gian qua, bởi có đơn vị lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên do hình thành nhiều cấp phòng, cấp vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Quốc hội, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công, có nghĩa là từ nay tới năm 2021 phải giảm tới 8,9% biên chế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm. Về bài học kinh nghiệm, cơ bản là đúng nhưng chưa có gì mới. “Sợi dây kinh nghiệm là sợi dây dài nhất trong cuộc sống, ngành nào cũng rút, địa phương nào cũng rút, năm nào cũng rút, nhưng rút hoài không hết”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Có cái nhìn lạc quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cần nhìn nhận rõ những mặt đạt được, đánh giá khách quan trong bộ máy. Bộ máy đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển của đất nước, “Không phải bộ máy là tiêu cực cả…”, ông Việt cho hay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng những nhận định đánh giá và các chỉ đạo của Quốc hội, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung chỉ đạo điều hành với mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Từ thực tiễn công tác xây dựng thể chế và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra dự án luật, pháp lệnh, không đưa các quy định về thành lập mới tổ chức và biên chế vào các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Chính phủ cũng ráo riết chỉ đạo rà soát các luật, pháp lệnh đã có những quy định này theo kế hoạch để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
VÔ VỌNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ
MẠNH QUÂN/ DT/BVN 28-8-2017
(Dân trí) - Có một câu chuyện mà mọi cuộc họp nói đi, nói lại, nói mãi là chuyện tinh giản biên chế nhưng có lẽ, nói 10 chưa làm được 1. Qua một báo cáo giám sát mới nhất của Quốc hội về việc này, thì đúng là đã không làm được 1 mà tình trạng biên chế phình to ngày càng tệ hơn.
 >> Tinh giản biên chế: Nơi giảm nhỏ giọt, nơi tăng vượt khung 45-50%
Như Dân trí đã đưa tin về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của đoàn giám sát Quốc hội,hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).
Tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Trong đó, đặc biệt có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ rất cao từ 1/3 - 1/2 số biên chế được giao.
Các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).
Có câu "trên làm sao, dưới làm vậy". Nên trên Trung ương đã thế, ở các địa phương, tình trạng phá vỡ chỉ tiêu biên chế lại càng tệ hại: Có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Câu chuyện này đã được nhiều đại biểu Quốc hội dự báo từ nhiều năm trước nhưng không ngờ, qua kết quả giám sát, những số liệu thu được cho thấy hiệu quả của các hoạt động tinh giản biên chế coi như bằng 0. Bởi rõ ràng, đã chẳng giảm được mà còn phình to ra.
Không chỉ đại biểu Quốc hội mà người dân nhìn vào cũng đã thấy trước công cuộc tinh giản biên chế là chỉ để nói cho ... vui. Bởi thực tế nhiều năm qua, nhà nhà, người người đều cố gắng chạy suất biên chế bởi cái tâm lý vào biên chế nhà nước là "ổn định", yên lành, thậm chí có thu nhập cao...
Có những công việc người ta đều biết rằng thu nhập không hề cao như công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường... thu nhập chỉ tầm 5-7 triệu đồng/tháng nhưng để có suất trong công ty nhà nước cũng phải mất 100-150 triệu đồng.
Cho nên, mới có thực tế, mỗi khi cơ quan nhà nước nào thông báo tuyển dụng, có hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ dự tuyển. Như cách đây mấy năm, Cục Thuế Hà Nội tuyển nhân viên, có gần 2 km người xếp hàng từ đêm hôm trước, rồng rắn nộp hồ sơ dưới mưa. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI cho biết, "đỏ mắt" mới tuyển được người có trình độ, thực học để làm việc cho họ.
Có nhiều người nói vui nhưng lại quá đúng: Để tinh giản bộ máy, nhiều người nói, xử lý "ngũ ệ" được là thành công: Hậu dệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ, trí tuệ. Bởi hỡi ôi, xử lý được 4 cái "ệ" trên quả thực là vô cùng khó. "Hậu duệ"- con cháu các cụ, khỏi bàn. "Quan hệ" thì không giảm được rồi: Anh tuyển con, cháu tôi, tôi tuyển con cháu anh... Chúng ta "đổi chéo" cho nhau cho thiên hạ đỡ soi.
Ngay cả những người đã vào biên chế bằng "tiền tệ" thì có tinh giản, cũng đâu có dễ, bởi tiền đã trót cầm của người ta rồi. Còn đám "trí tuệ" có vẻ còn tinh giản dễ nhất thì nếu tinh giản đám "trí tuệ" thì còn lấy ai làm việc?
Cho nên mấy năm rồi, công cuộc tinh giản biên chế đi vào ngõ cụt. Giảm 1 người có khi lại tăng 2 người, giảm 1 cục, vụ thì lại tăng thêm vài Tổng cục để thêm ghế cho ông này, bà kia và giải quyết cơ số việc làm cho các "hậu duệ", "quan hệ"...
Ví dụ như Bộ Công Thương, bỏ đi Vụ Năng lượng thì lại lập Tổng cục Năng lượng. Định giảm bớt nhân lực quản lý thị trường thì lại tính nâng Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục. Ở Bộ tài chính, người ta định thay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thì lại có đề xuất lập 3 Tổng công ty mới, nói là để tạo cạnh tranh.
Cho nên mới có chuyện, như đoàn giám sát của Quốc hội phát hiện, cho đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ hai lần/năm).
Thậm chí, đến thời điểm 1/6/2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm.
Nói không tinh giản được ai kể cũng oan vì thực tế, cũng có giảm được chút ít thật. Nhưng trớ trêu, ở hầu hết các nơi, đa số chỉ giảm được ở nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc. Các cơ quan đơn vị đều thừa nhận: Chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Vậy tinh giản như thế tinh giản làm gì?
Cho nên, có thể nói, với cách hô hào, cách làm về tinh giản biên chế như nhiều năm qua, quả thật là... vô vọng.
Mạnh Quân
KHI BIÊN CHẾ ĐÃ KHÔNG CÒN ĐO BẰNG TIỀN, LÀM SAO GIÚP THẦY CÔ GIỮ PHẨM GIÁ?

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 27-8-2017

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên bày tỏ sự đau lòng khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời về vụ 21 cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi làm lễ tân, rằng đó chỉ là "vui vẻ thôi". Ảnh cắt từ clip.
“Mai phục để vào biên chế”
Ngày 21/8/2017, tại “Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-1018”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: 
"Tôi phải nói công khai là sinh viên sư phạm ra trường chạy việc rất khó. Rất nhiều cháu mai phục, dạy hợp đồng rất nhiều năm trong trường không vào được biên chế". 
Thật lòng mà nói thì vấn đề “mai phục để vào biên chế” mà Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu dư luận đã biết từ lâu, đặc biệt là với những “người trong cuộc”
Tuy vậy, dù sao lời phát biểu công khai của Phó Thủ tướng cũng góp phần củng cố và cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn một sự thật trần trụi và đau đớn trong xã hội hôm nay: 
Các thầy cô giáo muốn được sống với cái “nghề cao quý” đôi khi phải trả một cái giá rất đắt. 
Nói khác đi, việc “định giᔓra giá” từ vài chục đến vài trăm triệu cho một cái “biên chế” giáo dục vốn là chuyện xưa như trái đất. 
Và điều đáng nói hơn là, cứ ngỡ việc “định giá” nghề giáo bằng những “đồng tiền oan nghiệt” như vậy đã là đỉnh điểm của sự méo mó và tệ hại rồi.
Nhưng không, đỉnh điểm ấy vừa mới bị vượt qua bằng một sự việc đau lòng liên quan đến một cô giáo, mà truyền thông nước nhà những ngày qua đã không ngần ngại giật tít: “đổi tình lấy biên chế giáo viên”.  
Than ôi, còn gì đau đớn và chua xót hơn nữa chứ!
Có ai ngờ để có thể sống được với cái “nghề cao quý” cô giáo kia buộc phải làm người thấp hèn, mặc cho người đời dè bỉu, khinh khi!? 
Nếu không cảm thông thì cũng đừng nói lời cay nghiệt
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên một năm trước đây, báo chí truyền thông từng phản ánh chuyện 21 giáo viên nữ ở Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được/bị chính quyền điều động đi tiếp khách trong một sự kiện do địa phương này tổ chức. 
Tôi vẫn còn nhớ, có người ngoài cuộc qua chuyện này đã không ngần ngại buông ra lời phán xét: các thầy cô giáo hôm nay sao mà hèn quá!? 
Với tôi đây là lời phán xét không những thiếu bao dung mà còn quá nhẫn tâm. 
Cứ cho là các thầy cô giáo hôm nay hèn thật. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi vì đâu mà các thầy cô giáo ở xã hội ta hôm nay như vậy không? 
Thử hỏi còn gì chua xót và tủi hổ hơn, khi một mặt người ta buộc các cô phải luôn thể hiện mình là những “tấm gương sáng” cho “thế hệ trẻ noi theo”, nhưng mặt khác phải làm những việc rất dễ bị người đời nghi ngờ về phẩm giá? 
Để được làm giáo viên hợp đồng, để được vô “biên chế” không ít thầy cô giáo đã phải hạ mình, chung chi và “trả giá” rồi, thì giờ đây trong tư cách một viên chức thuộc cấp, làm sao họ dám thoái thác cái “nhiệm vụ” mà “cấp trên” mình đã điều động, giao phó? 
Trở lại câu chuyện liên quan đến cô giáo trong vụ “đổi tình lấy biên chế”.
Tôi cho rằng, trước mỗi vấn đề của cuộc sống, mỗi người tùy vào vị trí góc nhìn đều có quyền bộc lộ và trình bày quan điểm, ý kiến của mình. 
Hoàn toàn không có ý bênh vực hay biện minh cho cô giáo kia, nhưng trong chuyện này tôi nghĩ, nếu chúng ta không thể cảm thông thì cũng không nên có thêm bất cứ một lời cay nghiệt nào nữa dành cho cô ấy. 
Bởi lẽ, chúng ta không phải là cô ấy, không phải là người trong cuộc nên mọi lời nói, phán xét đều phải hết sức cẩn trọng. 
Trong cuộc sống, đôi khi có những sự việc, những vấn đề mà ta tận mắt nhìn thấy nhưng cũng chưa chắc đã là sự thật. 
Hơn nữa, chúng ta vốn có thói quen suy nghĩ vấn đề nào đó theo ý muốn của mình hơn là chịu khó nhìn nhận và lý giải vấn đề mà người khác đã trải qua. 
Ai đó đã nói rằng, “nước mắt của người khác nếu ta chưa từng nếm thử thì làm sao biết nó có mặn hơn nước mắt của mình hay không”? 
Vậy nên, theo tôi dù sự thật có như thế nào thì trong thời buổi công nghệ hôm nay, cô giáo kia cũng đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc làm của mình. 
Thế thì chúng ta có nên góp thêm “gạch đá” để sát thương cô ấy nữa không? 
Sao không xem đây như một bài học nhãn tiền để nhắc nhớ mình phải luôn đứng thẳng người mà tiếp tục cái “nghề cao quý” trong môi trường phức tạp, xô bồ và đầy giả trá hôm nay? 
Và thay vì “ném đá”, sao không nhân chuyện này để góp thêm tiếng nói để “những người có trách nhiệm” trong ngành giáo dục nói chung phải thay đổi cách tư duy và quản lý?
Đặc biệt là những bất cập trong vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên hiện nay, tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra sự việc đau lòng và tệ hại ấy!?  
Thay lời kết
Phẩm giá của một cá nhân nói cho cùng cũng không nằm ngoài phẩm giá chung của một cộng đồng, dân tộc. 
Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo trong xã hội hôm nay đang có những “sứt mẻ” nghiêm trọng về phẩm giá. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận. 
Để cứu vãn vấn đề này, theo tôi không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy và nhận thức của toàn xã hội về giáo dục nói chung. 
Sự thay đổi này trước hết phải bắt đầu từ phía những người đang trực tiếp điều hành, quản lý nền giáo dục. 
Và điều quan trọng là lãnh đạo ngành giáo dục phải trung thực trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động. Phải cầu thị và lắng nghe tiếng nói từ phía các thầy cô giáo. 
Hãy trả họ về đúng với vị trí và chức phận của nghề giáo. Đặc biệt hãy trả công thật xứng đáng với những gì mà họ đã đóng góp cho xã hội. 
Làm được như thế chính là đã giúp họ giữ gìn phẩm giá và đạo đức nghề nghiệp bản thân, cũng là cách tri ân, tôn vinh chân thành và cao đẹp nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1]: “Nhiều cử nhân sư phạm “mai phục” hợp đồng, mãi không vào được biên chế”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/pho-thu-tuong-sinh-vien-su-pham-ra-truong-chay-viec-rat-kho-394054.html
[2]: “Đồi tình lấy biên chế giáo viên”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/doi-tinh-lay-bien-che-giao-vien-394691.html
[3]: “Nếu còn tự trọng, 2 vị “đổi tình lấy biên chế” hãy rời bục giảng”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Neu-con-tu-trong-2-vi-doi-tinh-lay-bien-che-hay-roi-buc-giang-post179222.gd
Nguyễn Trọng Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét