Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

20170817. BÀN VỀ MÔ HÌNH LỚP CHỌN TẠI TRƯỜNG THPT

ĐIỂM BÁO MẠNG
MÔ HÌNH LỚP CHỌN CÓ 'LỢI BẤT CẬP HẠI ' HAY KHÔNG?

HỮU SƠN/ GDVN 17-8-2017
Mô hình lớp chọn tại một số trường hiện nay đang rất phổ biến (Ảnh nguồn: tintucthpt.com)
Hầu hết, trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên phạm vi cả nước hiện nay rất chuộng mô hình lớp chọn (lớp mũi nhọn, đầu khối lớp). 
Đối với học sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) thì căn cứ vào điểm học bạ, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm kiểm tra khảo sát đầu năm qua một số bộ môn chính như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển chọn. 
Tất nhiên, các em có kết quả điểm cao nhất, tốt nhất thì sẽ được sắp xếp vào lớp chọn (có trường mỗi khối, lấy từ 2 tới 3 lớp).

Đối với học sinh ở các lớp khác, sẽ sàng lọc qua từng năm học, em nào học tốt, trụ được thì tiếp tục giữ, còn những em học sa sút, không chịu nổi thì cho về các lớp bình thường, tuyển những học sinh ưu tú nhất của các lớp bình thường vào lớp chọn. Mục đích chính của các nhà trường phổ thông, khi hình thành và duy trì mô hình lớp chọn không gì khác là để “luyện gà”, lấy thành tích cao cho nhà trường trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, đỗ điểm cao vào các trường đại học danh tiếng.
Bên cạnh đó, rất nhiều thầy cô giáo đều mong muốn được Ban Giám hiệu lựa chọn, phân công mình được làm chủ nhiệm và giảng dạy các lớp chọn. Bởi: 
Thứ nhất, lớp đó toàn học sinh học khá, giỏi, lại ngoan ngoãn nên việc quản lý, dạy học rất thoải mái, nhẹ nhàng, chỉ cần nói qua, giảng giải sơ sơ là các em đã hiểu, làm được bài ngay. 
Thứ hai, giáo viên được dạy ở lớp chọn cũng cảm thấy mình thật hãnh diện, đáng tự hào khiến các giáo viên khác (chưa hoặc không được dạy) phải ngưỡng mộ, trọng vọng hơn, thậm chí ganh  tị. 
Thứ ba, dạy ở những lớp chọn, hình ảnh, tiếng tăm của thầy, cô được nhiều học sinh trong trường biết đến hơn, nhờ đó mà các lớp, các suất dạy học thêm của họ trở nên đông đảo, đắt sô hơn nhiều, đem lại lợi ích kinh tế, thu nhập khá cao. 
Nhiều lãnh đạo nhà trường đánh giá, duy trì mô hình lớp chọn này là một cách tốt để tất cả thầy cô giáo có động lực thi đua, phấn đấu trong công tác chuyên môn và các công việc khác, vì tiêu chuẩn để được lựa chọn, phân công dạy các lớp chọn phải là các giáo viên cốt cán, có chuyên môn tốt.
Còn học sinh, các bậc phụ huynh thì không có gì tự hào, hãnh diện và phấn khởi hơn khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn được vào các lớp chọn. Có một số trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn, phụ huynh lại tìm mọi cách nhờ vả, xin xỏ… nhà trường, thầy cô giáo. 
Bởi lẽ, luôn có suy nghĩ rằng, lớp chọn là môi trường tốt nhất để con em mình thi thố, cạnh tranh nhau học tập, đem về nhiều thành tích, kết quả cao cho bản thân, gia đình, nhà trường. 
Thực tế cho thấy, nhiều em đã thích nghi và phát huy tốt khả năng học tập của mình ở môi trường lớp chọn. Song cũng có không ít em bị đuối sức, chịu áp lực, căng thẳng lớn trước một môi trường chỉ có học và học, thi và thi với tâm thế cạnh tranh, ganh đua nhau quyết liệt. 
Một hệ lụy khác, khi dồn, lựa hết các em tốt, học giỏi vào những lớp chọn rồi, còn những lớp khác, toàn những học sinh bình thường, học sinh học yếu thì biết dựa vào đâu để gánh vác, san sẻ, hỗ trợ? 
Mặt khác, các thầy cô giáo chủ nhiệm và giảng dạy các lớp bình thường, lớp yếu kém sẽ phải chịu nhiều vất vả, cực nhọc và áp lực. 
Bất công, mâu thuẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong nội bộ hội đồng sư phạm nhà trường: khi người dạy lớp chọn nhận đủ cái sướng, khi người dạy lớp bình thường, lớp yếu lĩnh đủ cái cực khổ.  
Trong Chủ đề số 6 của Trường Teen trên VTV7 “Học sinh xuất sắc có nên được giảng dạy riêng?” Đội của bạn Thu Hà đến từ trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Thành phố Hà Nội) đưa những ý kiến phản biện đáng chú ý:   
"Việc phân loại, dạy riêng học sinh là không công bằng, bởi ai cũng có những khả năng riêng của mình. Những học sinh có khả năng tiếp thu kiến thức chậm, kém hơn thì lại càng cần những giáo viên giỏi để truyền cảm hứng cho họ.
Cần giữ nguyên lớp học chung, không phân cấp, và để những học sinh xuất sắc làm trợ giảng cho giáo viên, giúp những học sinh khác học tập tốt hơn, bởi không có cách học tập nào tốt hơn việc giải thích lại những gì mình học được cho người khác.
Từ đó cũng giúp xây dựng một xã hội tôn trọng, văn minh và hợp tác với nhau", Đội của bạn Thu Hà đưa ra đề xuất.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn nguyên văn ý kiến của nhà giáo Xuân Vy đăng ở mục thảo luận trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 13/8) như sau:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm thành lập lớp chọn. Nhưng hầu hết các hiệu trưởng phớt lờ vì đây là biện pháp kích thích học thêm rất hiệu quả. Ban đầu tôi cũng ủng hộ chọn lớp. Nhưng về sau tôi mới thấy mình sai lầm. Chọn lớp là phản giáo dục, là "lợi bất cập hại". 
Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", việc đưa các em học yếu vào một lớp có khác nào nhuộm đen các em còn chưa đen hẳn. Có "đèn" nào "sáng" để cho các em gần? Tất cả các em trong lớp chìm trong "đen" và ngày càng "đen" hơn. 
Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc cho những học sinh ở những lớp "đen" này, đã bao lần tôi bày tỏ, nhưng mấy ai hiểu được hoặc họ cố tình không hiểu”.
HỮU SƠN
CON TÔI HỌC NGÀY CÀNG YẾU HƠN KHI VÀO LỚP CHỌN
ĐỖ QUYÊN/GDVN 6-6-2017
Học lớp chọn khiến một số em bị áp lực, căng thẳng hơn. (Ảnh: nld.com.vn)
Năm học kết thúc nhưng nhiều giáo viên vẫn chưa được nghỉ ngơi. Người lo ôn tập cho học sinh để thi vào trường chuyên lớp chọn
Người nói mình cũng đang tất tả vận dụng các mối quan hệ để “trả ơn” cho người quen hoặc giúp đỡ con cháu vào học ở ngôi trường điểm
Họ nói đây là giai đoạn nước rút cho cuộc chiến chạy trường diễn ra có vẻ âm thầm nhưng không kém phần “khốc liệt”.
Với những phụ huynh đang có nguyện vọng thiết tha bằng mọi giá cho con vào học được tại trường điểm hoặc trường chuyên lớp chọn thì mọi lời khuyên đều trở nên vô ích. 
Biết thế, tôi chỉ kể cho mọi người nghe những câu chuyện có thật mà chính mình đã biết, đã trải qua.   
Sau hai ngày thi đại học về, con gái mới thổ lộ: “Hôm nay là chấm dứt những ngày tháng căng thẳng và áp lực của con. Con đã sai lầm khi vào học lớp chọn mẹ ạ. 
Lần thi này, con làm bài không tốt vì kiến thức cơ bản hổng nhiều quá. Nếu ngày đó, con chỉ học ở lớp bình thường thì đâu có tệ như bây giờ”.
Bất ngờ về lời chia sẻ của con, tôi thấy buồn vô cùng. Dù rất gần con nhưng chưa bao giờ nó tâm sự với tôi nhiều về việc học trên trường. 
Chỉ thấy rằng hằng đêm, con toàn thức đến 1,2 giờ sáng học bài, nhiều khi thấy con mệt mỏi, buồn chán nhưng hỏi hoài con vẫn nói không sao.
9 năm học phổ thông cơ sở, con đều là học sinh giỏi, điểm thi vào lớp 10 cũng được khá cao nên con được nhà trường xét vào lớp chọn. 
Khỏi phải nói con tôi mừng như thế nào, gia đình tôi cũng lấy làm hãnh diện khi gần hai ngàn học sinh chỉ chọn có 45 em vào học lớp ấy.
Vào học rồi mới biết mình sai lầm nhưng phải ráng theo, để bị loại ra lớp bình thường vừa xấu hổ với bạn, vừa làm ba mẹ thất vọng”, nó buồn rầu nói thế. 
Trong lớp của con, rất nhiều học sinh giỏi xuất sắc. Vì nghĩ là lớp chọn, nên thầy cô giảng bài cũng rất nhanh, nhiều kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thầy cô thường nghĩ "học sinh giỏi ai làm chẳng được” nên cũng thường được dạy lướt qua dành thời gian để giải các bài toán nâng cao khác.        
Con chia sẻ “Để theo được các bạn, con phải cố gắng rất nhiều nhưng vẫn đuối. Bởi, kiến thức cơ bản nắm không vững, rất khó khăn cho việc làm bài tập”. 
Những bài toán thầy cô ra, con nói mình và một số bạn còn đang loay hoay tìm cách giải nhưng đã có một số bạn khác làm xong và xung phong lên bảng giải. 
Thay vì thầy cô giải thích thêm về cách làm cho những bạn còn chậm hiểu hơn thì nhiều giáo viên lại cho qua để sang phần khác.

Cứ thế, học mà không được tư duy, không có cả thời gian suy nghĩ để làm nên mỗi ngày học càng đuối hơn. 
Chẳng phải chỉ riêng con mình rơi vào hoàn cảnh như thế. Một đồng nghiệp có con học ở một trường chuyên trong tỉnh cũng cùng chung cảnh ngộ. 
Chị nói con trai mình học giỏi nổi tiếng khắp vùng quê. Trong kì thi vào ngôi trường chuyên của tỉnh, cả huyện chỉ có mình cháu thi đỗ. 
Nhưng vào học rồi lực học của con ngày càng sa sút.
Tìm hiểu ra mới biết lớp con nhiều học sinh giỏi quá, giáo viên giảng bài nhanh và thường lướt qua các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để dành thời gian ôn luyện những bài toán nâng cao bên ngoài. 
Cháu nói mình đuối dần, thi tốt nghiệp năm ấy suýt rớt vì những bài toán khó làm ra nhưng những kiến thức cơ bản trong sách lại làm sai phần lớn. 
Cùng tâm trạng “có biết con chẳng vào trường chuyên” của hai cô cháu gái.
Vốn là học sinh giỏi xuất sắc trường huyện, hai cháu tôi thi đỗ vào lớp chuyên toán của trường chuyên tỉnh. 
Nhưng vào học mới biết “ở nhà nhất mẹ nhì con/ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Sợ thua kém bạn bè, hai đứa lao vào học suốt đêm ngày. 
Dù học miệt mài nhưng vẫn thua nhiều bạn trong lớp. Phần do bất mãn, phần mệt mỏi vì học quá sức hai đứa đã buông xuôi. Lần đầu tiên sau 11 năm học hai đứa xếp hạng trung bình. 
Cũng may gia đình đã kịp thời đưa hai cháu về lại trường huyện gần nhà để học. Hàng tháng, gia đình đỡ mất một khoản tiền lớn nuôi hai cháu vì ngôi trường mới ở ngay sát nhà. 
Trong kì thi đại học năm ấy, hai cô cháu gái đều thi đậu vào trường Đại học Sư phạm với điểm số khá cao. 
Vui mừng vì kết quả của con, chị tôi đã thốt lên “cũng may là chuyển con về kịp thời chứ để chúng nó học nơi ấy chắc bây giờ chẳng được kết quả thế này đâu”.
Nếu ngay từ đầu con không vì sự hãnh diện của bản thân mà học ngay ở lớp bình thường có lẽ giờ đã khác”, nó cay đắng nói với tôi như thế.

Từ kinh nghiệm của mình, nó cương quyết khuyên đứa em gái năm nay vào lớp 10 dù có được xếp vào lớp chọn cũng xin qua lớp bình thường để học:

Em sẽ là chính mình chứ không phải gồng mình suốt ngày để chạy theo những kiến thức cao siêu mà bỏ qua những điều cơ bản nhất”.
Đỗ Quyên
LỊCH SỬ TRƯỜNG CHUYÊN, LỚP CHỌN VÀ YÊU CẦU 

BỨC THIẾT PHẢI 'KHAI TỬ' NGAY BÂY GIỜ
ĐỖ TẤN NGỌC /GDVN 18-8-2016
Vào năm học mới, cán bộ quản lý giáo dục ở trường học như tôi rất vất vả vì nạn nhờ vả cho con em vào học các lớp chọn, lớp điểm từ phía phụ huynh học sinh.
Có trường hợp học sinh chỉ ở mức trung bình khá, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng chỉ dạng bình thường muốn tôi cho vào lớp chọn.
Nhưng, mặc cho tôi phân tích hết lời rằng nên để cháu vào lớp bình thường dễ học, dễ hòa đồng hơn, phụ huynh ấy vẫn quyết  nhờ vả vào mối quan hệ khác để xin cho bằng được con vào lớp chọn.
Có trường vì thế đã đặt ra “sáng kiến” mỗi khối chia thành 2 lớp, một lớp chọn, một lớp “lựa”.
Thế mới biết "bệnh thành tích" và “cơn khát” trường điểm, lớp chọn từ cả phụ huynh và nhà trường mãnh liệt đến cỡ nào!
Và thế là mỗi khối có một đến hai lớp lựa, lớp chọn đã trở thành xu thế mới trong nhiều năm học gần đây ở hầu hết các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên cả nước.
Tuy không có trong các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo song “mô hình” này đã nhanh chóng được nhân rộng nhờ vào việc học hỏi kinh nghiệm giữa các trường với nhau.
Sở dĩ, các trường “thích” lớp chọn, lớp điểm vì có nhiều ưu điểm như giúp phân loại học lực, giúp nhà trường đào tạo có hiệu quả hơn.
Lớp chọn, lớp điểm thường là nơi tập trung học sinh giỏi, giúp nhà trường gặt hái được nhiều thành tích từ những cuộc thi học sinh giỏi.
Cả học sinh và giáo viên được phân công giảng dạy đều cảm thấy tự hào khi được phân công giảng dạy ở những lớp như vậy.
Tuy nhiên, xét về mặt khoa học giáo dục, “mô hình” này cũng bộc lộ không ít những bất cập.
Học sinh giỏi chỉ tập trung vào lớp chọn nên những lớp bình thường trong khối sẽ thiếu đi các em xuất sắc giúp thúc đẩy phong trào thi đua cũng như kèm cặp các em yếu hơn trong lớp.
Dạy những lớp toàn học sinh bình thường, không có những thành phần ưu tú, giáo viên cũng thường dễ chán nản, thiếu động lực để trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp.
Để được ở lại lớp chọn cũng không phải dễ, các học sinh phải cạnh tranh với nhau, em nào giỏi mới được giữ lại lớp, vô tình cũng đè nặng lên tâm lý các em suy nghĩ phải đạt thành tích thật tốt.
Với những em không được giữ lại, chắc chắn sẽ gây cho các em tâm lý chán nản.
Trước năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng áp dụng cho mỗi huyện, quận có một trường chuyên, trường điểm ở bậc Trung học Cơ sở.
Đến năm 1996 thì Bộ quyết định bãi bỏ, vì nhận thấy quyết định này có nhiều bất cập, không còn phù hợp với xu hướng giáo dục toàn diện.
Đến nay, ở bậc Trung học Phổ thông, mỗi tỉnh chỉ còn một trường chuyên.
Thực tế, hằng năm các trường này ngốn một phần không nhỏ ngân sách, kinh phí của Nhà nước (vì tiêu chuẩn, đặc thù trường chuyên).
Về chất lượng, theo các giáo viên, các trường chuyên hiện nay cũng chỉ là nơi đào tạo “gà nòi” mang thành tích về cho nhà trường.
Theo tôi, những lớp chọn, lớp điểm ở bậc giáo dục phổ thông nếu chỉ nhằm mục đích để giật giải thành tích thì nên “khai tử”.
Nếu cắt bỏ những lớp này đi có thể giúp môi trường giáo dục phổ thông mang tính chất lành mạnh và hướng tới giáo dục toàn diện mọi đối tượng học sinh hơn.
Đỗ Tấn Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét