Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

20170808. NHỮNG CÂU HỎI CẦN GIẢI ĐÁP TỪ VỤ TRỊNH XUÂN THANH

ĐIỂM BÁO MẠNG
BẮT CÓC VÀ CHỐNG THAM NHŨNG

VÕ THỊ HẢO/ RFA/ BVN 8-8-2017

clip_image002
Một nhà báo Đức đứng trước Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, Đức, ngày 2 tháng 8 năm 2017. AFP
Bắt cóc: Cần phát hiện thêm chi tiết
Có những nhà báo đã ví sự kiện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT) là câu chuyện ly kỳ như chuyện trinh thám. Vậy cũng theo quy luật logic của truyện trinh thám và cuộc sống, có nhiều câu hỏi đang tiếp tục đặt ra về những tỉnh huống có thể là giả định nhưng không hoàn toàn bác bỏ khả năng không xuất hiện, đang đợi trả lời càng sớm càng tốt.
Chẳng hạn, việc xuất hiện của người được cho là “nữ cán bộ công thương” đi cùng TXT là một dấu hỏi. Người đó là ai? Người đó có thực sự là nạn nhân? Vì sao người đó xuất hiện đúng thời điểm bắt cóc? Có nguy cơ nào hiện đe dọa người đó? Cần thi hành những biện pháp nào để bảo vệ và điều tra tiếp?...
Nếu cô ta là nạn nhân thì nhà nước Đức và công luận cũng phải lên án VN trong việc bắt cóc người này, chứ không chỉ lên tiếng về TXT.
Sau khi bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của TXT lên tiếng qua báo Voa Tiengviet (ngày 3.8, bài “Luật sư của Trịnh Xuân thanh hé lộ nhiều tình tiết mới”) và cho biết rằng người nữ bị bắt cóc cùng TXT đã bị thương và xuất hiện ở bệnh viện Việt Đức hôm 25- 7 thì phạm vi điều tra, theo đuổi của công luận đương nhiên phải mở rộng, vì vụ án có thêm nhân chứng sống và báo chí cùng các nhà điều tra cần tìm hiểu, công bố thông tin và bảo vệ người phụ nữ này nếu cần...
Cả một đường dây trong một vụ trọng án liên quan đến hai quốc gia. Nếu TXT bị bắt cóc, chiếc xe chở các thủ phạm và nạn nhân là của ai? Từ đâu? Những nhân vật nào đã tham gia vụ việc này kể từ khâu lên kế hoạch tới thực hiện? Kể từ khi bị bắt cóc đưa về, những loại thuốc nào đã được dùng cho TXT và người phụ nữ đi cùng để đến mức TXT phải nằm trên cáng? Mức độ bạo lực họ đã phải chịu đựng đến đâu?... Họ về VN dưới tấm vé máy bay nào, dưới danh tính của ai và cùng những ai trên chuyến bay khủng khiếp đó? Quá trình T đến đầu thú tại cơ quan an ninh diễn ra như thế nào...?
Mọi câu hỏi được đặt ra để hình dung, lựa chọn, xem xét dưới nhiều khía cạnh trong những tình huống trinh thám giả định ly kỳ nhưng hợp lý mà việc trả lời nó một cách thỏa đáng cũng là góp phần kịp thời bảo vệ quyền con người.
Thế lực đứng đằng sau và bảo kê TXT lâu nay là ai? Quyền lợi của họ là gì? Ai đã đưa TXT trốn thoát sang Đức? Liệu có ai gài bẫy, “chim mồi” trong vụ này không? Có ai “bán đứng” TXT không và ai hưởng lợi trong việc này? Sức khỏe thể chất và tâm thần của TXT có được đảm bảo không khi anh ta đang bị chi phối trong tay những kẻ bắt cóc?...
Có những người đặt câu hỏi: Liệu có chăng việc TXT không chịu được sức ép, sự đe dọa và cái giá phải trả quá lớn khi chạy trốn, lại còn liên quan đến an nguy của người thân nên cuối cùng đã quyết định đầu thú để được khoan hồng miễn án tử hình hoặc những ưu đãi khác? Liệu có sự mặc cả đổi chác quyền lợi nào không trong vụ này mà TXT chấp nhận trong ván cờ của nhà cầm quyền VN?
Liệu  có một kịch bản nào được dàn dựng, trong trường hợp TXT sau khi cân nhắc đã thực sự muốn đầu thú để chấm dứt những tháng ngày phải lẩn trốn truy nã rình rập trên mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới, đổi lấy sự ưu đãi của phía Nguyễn Phú Trọng bằng cách đưa ra những chứng cứ bất lợi cho phe nhóm từng bảo kê cho anh ta, để rồi nhận một bản án có thể với danh nghĩa là tù chung thân nhưng với nhiều quan chức tham nhũng, lại cho thấy chỉ là những chuyến “nghỉ mát” với thời gian ngắn, đầy đủ tiện nghi trong phòng giam đặc biệt? Nếu làm theo kịch bản này có thể tránh khỏi sự trả thù của phe nhóm của chính anh ta (nếu có), cũng như sự dò xét của thiên hạ, đồng thời làm đẹp mặt cho nhà cầm quyền. Để rồi sau vài năm, khi quyền lực của phe mạnh đã được vững chắc, chỉ bằng tiền và vài quyết định giảm án do “cải tạo tốt”, anh ta sẽ ung dung ra tù, có thể sẽ lại là đại gia kinh doanh nổi tiếng với số vốn liếng cực khủng mà dư luận đang cho rằng anh ta đã có được từ thời làm quan tham...?
Còn vô số câu hỏi cần trả lời.
Làm rõ vụ TXT cũng là chống tham nhũng
Chống tham nhũng là việc đương nhiên sẽ được mọi công dân ủng hộ, dù người chống đó xuất phát từ mục đích và phe nhóm nào. Kể cả khi chúng ta biết rằng việc chống đó là vũ khí để triệt hạ nhau nhằm tranh giành quyền lực thì việc ai đó loại bỏ được bất kỳ kẻ tham nhũng nào ra khỏi “rừng” quan chức tham lam mà chúng tại vị ngày nào đều trộm cướp của dân ngày đó thì đều là việc làm rất cần thiết.
Dù có nhiều người nhận định rằng chiến dịch chống tham nhũng mà nhà cầm quyền VN đang làm hiện nay là đấu đá phe nhóm để giành quyền lực, nhưng trong lịch sử cầm quyền của Đảng CSVN chưa bao giờ lại quyết tâm đến thế khi đưa ra kế hoạch điều tra xét xử 12 vụ đại án tham nhũng ngay trong năm 2017.
Công luận đang theo dõi, giám sát 12 vụ đại án mà các thủ phạm đã làm thất thoát, tham nhũng vô số ngàn tỉ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng không kể xiết trong những ngành kinh tế huyết mạch nhất của đất nước như ngân hàng, dầu khí, hóa chất. Vô số quan tham đã không ngại ngần bắt đầu bằng tham nhũng quyền lực, buôn bán chức quyền qua bổ nhiệm tổ chức cán bộ... Nhà cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng có thực tâm chống tham nhũng hay không cũng sẽ thể hiện rất rõ trong việc hành xử ở 12 vụ đại án này.
Dẫu cho là nhà cầm quyền đang làm theo kịch bản “đả hổ diệt ruồi” của TQ để giành quyền lực đi nữa, thì bất kỳ kẻ tham nhũng nào cũng là đục khoét xương tủy của nhân dân và đất nước. Bất kỳ ai phát hiện, đưa được một kẻ tham nhũng ra xét xử trước pháp luật, buộc kẻ đó phải bồi hoàn tiền của, tài nguyên của người VN, đều được ủng hộ trong hành động chống tham nhũng. Vấn đề là, bất kỳ con người nào, dù là tội phạm, cũng phải được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật.
Chúng ta căm phẫn những kẻ tham nhũng và phải đòi lại tiền của tài nguyên của đất nước đang nằm trong tay những kẻ này và sẽ góp phần đấu tranh buộc chúng phải trả giá bằng trách nhiệm thích đáng.
Nhưng một điều quan trọng cũng không kém là chúng ta cần giám sát để chính những kẻ được cho là tội phạm, trong đó có TXT, cũng phải được xét xử công khai, tranh tụng khách quan và kết án công bằng nếu có tội, chứ không phải là những bản án bỏ túi bất chấp pháp luật theo chỉ đạo, như đã thường xuyên xảy ra tại VN, đặc biệt là với những người bất đồng chính kiến và lương dân.
Làm rõ vụ TXT, trong đó có chuyện bắt cóc là một vũ khí rất hiệu quả trong việc chống tham nhũng.
"Quái vật ngàn đầu"
Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, không thể không chống.
Đưa Trịnh Xuân Thanh và những đối tượng có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng ra điều tra xét xử, nếu họ có tội thì phải bồi hoàn của cải và thiệt hại, chịu hình phạt tương xứng theo quy định của pháp luật là điều phải làm, cấp bách và được hoan nghênh.
Điều cần quan tâm ở đây là chống tham nhũng tiêu cực phải triệt để.
Nếu chỉ chống tham nhũng để triệt hạ lợi ích nhóm khác cho lợi ích nhóm này, thì tham nhũng sẽ vẫn lại hoành hành và phạm vi tham nhũng ngày càng mở rộng.
Vấn đề lớn nhất đang tồn tại ngăn cản việc chống tham nhũng. Dù có quyết tâm đến mấy, hiệu quả chống tham nhũng cũng sẽ bị hạn chế vì chính đảng cầm quyền và cơ chế độc tài lại là thủ phạm lớn nhất gây ra tham nhũng.
Nguyên do bởi cơ chế độc tài đặc quyền đặc lợi cho giai tầng đảng viên có quyền lực mà họ đã thiết lập kể từ khi cướp được chính quyền. Chính đảng CS kể từ khi tự phong cho mình quyền đứng trên pháp luật điều hành đất nước, khuynh hướng đảng luôn bảo kê cho sai phạm của những kẻ tiêu cực, lạm dụng quyền lực và tham nhũng là điều tất yếu vì không có cơ chế giám sát độc lập giữa ba nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp và tự do ngôn luận. Tất cả chỉ nằm trong một bàn tay “vừa đá bóng vừa thổi còi”, trông mong vào sự công tâm và đạo đức đảng viên cho thấy chỉ là chuyện hoang đường nếu không có thể chế dân chủ và tam quyền phân lập.
Do đó, tham nhũng ở VN là con "quái vật ngàn đầu", chặt đầu này nó mọc đầu khác, dày dạn kinh nghiệm hơn, thủ đoạn gian manh hơn, liều lĩnh trắng trợn hơn, cấu kết rộng lớn và chặt chẽ hơn, khiến cho ai đó trong hệ thống cầm quyền có muốn chống tham nhũng cũng không thể thực hiện được hiệu quả.
Vậy, cốt lõi của việc chống tham nhũng là xóa bỏ sự độc tài, bên cạnh việc chống tham nhũng.
V.T.H.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

CHUYỆN BIỂN ĐÔNG VÀ TRỊNH XUÂN THANH

FB NGUYỄN CÔNG KHẾ/ BVB 7-8-2017

Mấy hôm nay tôi muốn lên tiếng vài chuyện, nhưng vì bận rộn với những công việc hàng ngày nên viết dở dang, chưa đưa lên trang của mình được .Trước hết là chuyện Biển Đông và sau đó là Trịnh Xuân Thanh.
Chuyện Biển Đông tạm qua rồi, tôi chỉ muốn nói là ta phản ứng về mặt truyền thông là quá chậm . Từ khi Bill Hayton đưa tin trên BBC news: "Việt Nam đã ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông sau khi Trung quốc đe dọa dùng vũ lực". Mấy ngày sau đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao ta, trong một cuộc họp báo thường kỳ theo thông lệ, nói rằng: " khẳng định hoạt động dầu khí gần đây diễn ra trong khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông."
Tôi xin nói ngay rằng ta không hề sợ Trung Quốc . Tôi không cực đoan và trách cứ gì chuyện tính toán lúc nhu, lúc cương từng thời điểm của các nhà cầm quyền . Nhưng tôi cho rằng không dễ gì Trung Quốc cứ hễ muốn đánh ai lúc nào là đánh. 
Tôi rất đồng ý với tác giả Thơ Phương, trong một Status của mình đã viết:"Trung Quốc thực tế sẽ chả dám ngông cuồng tấn công quân sự vào Việt Nam hay cả trên các Đảo mà Việt nam đóng quân , đó là sự liều lĩnh rất mạo hiểm đối với TQ, vì hiện nay Mỹ cũng đã đóng quân gần đó, kể cả Nhật cũng thế, còn phía bên kia là gia tăng căng thẳng biên giới Ấn Độ nên TQ sẽ không dám đối đầu với VN, vì nếu mà nã tên lữa và đạn cối vào VN thì TQ sẽ bị bít hết cửa "
Status này viết tiếp :" thậm chí về chuyên môn phân tích kinh tế là tất cả các dự án đầu tư của TQ rất lớn ở VN sẽ bị niêm phong.TQ sẽ không bao giờ dám động binh, họ chỉ dọa nạt để lấy phiếu cử tri của Tập Cận Bình thôi, vì nếu TQ làm liều phong tỏa đường biển với VN cũng đồng nghĩa phong tỏa với các nước khác thì Nhật, Mỹ , Indonesia cũng có quyền lợi là họ sẽ phong tỏa đường biển với TQ, như vậy chế độ Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại lớn chứ không phải VN. Vì hiện nay tại biển Ấn Độ Dương thì Ấn Độ đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc xung đột xãy ra nếu TQ nã đạn trước thì Ấn sẽ phong tỏa đường biển này , thì tàu buôn và tàu chiến của TQ rất khó đỡ đòn nổi. Thị trường cổ phiếu của TQ ở Thượng hải và Thẩm Quyến hay cả Hồng kông sẽ sụt giá tan tành ngay lập tức."
Tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến này, nên cho trích một đoạn dài như vậy thay cho ý của mình , vì nếu diễn đạt tôi cũng không thể viết đầy đủ hơn bạn Thơ Phương.
Về trường hợp Trịnh Xuân Thanh đầu thú hay bị công an Việt nam dẫn độ, tôi không quan tâm lắm như mạng xã hội mấy hôm nay lên cơn sốt. Tôi biết VN đã có thông báo đến Interpol quốc tế và các nước về trường hợp này là vụ án tham nhũng lớn thất thoát hàng trăm triệu USD của người dân VN nghèo khó, và tội phạm đã bỏ trốn cần truy nã .Chính phủ Đức là một Chính Phủ minh bạch và không thể nào ủng hộ những loại tội phạm đó. Việc còn lại để cho hai bên bàn bạc , trao đổi để ra khỏi cuộc khũng hoảng ngoại giao và pháp lý giữa hai nước vốn từng có quan hệ tốt đẹp với nhau.
Điều tôi quan tâm lớn nhất là quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ Việt nam tới đâu . Điều làm chúng tôi vui hơn và hy vọng hơn chính là tôi thấy ở họ một quyết tâm cao trong cuộc chiến chống tham nhũng qua vụ Trịnh Xuân Thanh, các vụ thất thoát khủng trong các ngân hàng vừa qua . Và TBT Nguyễn Phú Trọng còn ví von rằng khi lò lửa đã được nhóm lên thì không chỉ củi khô , củi khô vừa và kể cả củi tươi cũng phải bị cháy.
Ông còn chỉ đạo làm tiếp và làm quyết liệt các vụ còn lại, đó là vụ AVG, vụ Dầu khí, vụ Cảng Quy Nhơn.Và còn những vụ nghiêm trọng khác như vụ thất thoát và tham nhũng ở VinaShin ,Vinalines ...Riêng ở VinaShin , con số thất thoát ,thua lỗ và tham nhũng trước Đại hội 11 là 80.000 tỷ . Chính phủ nhiệm kỳ đó hứa sắp xếp ,cơ cấu lại và hứa hẹn sau 3 năm sẽ có lãi. Đến bây giờ, con số nợ nần và thất thoát tiền của dân lên đến hơn 100.000 tỷ đồng .Dứt khoát những thất thoát và tham nhũng khũng khiếp đó phải được thu hồi và trả lại cho người dân chúng ta.
Nguyễn Công Khế/(FB Nguyễn Công Khế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét