Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

20170804. BÌNH LUẬN VỤ TRỊNH XUÂN THANH 'ĐẦU THÚ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUE DIÊM, LÒ NÓNG VÀ CỦI TƯƠI

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-8-2017


Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú Bộ Công an vào ngày 31/7/2017 (ảnh VTV).
Có một câu nói rất hay thế này: “một cây gỗ có thể làm ra hàng triệu que diêm, một que diêm có thể đốt cháy hàng triệu cây gỗ”.
Sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - trong phiên họp thứ 12 của Ban đã phát biểu:
Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. [1]
Quả thật là cái “lò” chống tham nhũng, lãng phí đã nóng lên rồi, nóng hàng năm nay rồi và không ít “củi khô” (hạ cánh an toàn) đã cháy như vụ việc ông Võ Kim Cự ở Hà Tĩnh hay ông Nguyễn Phong Quang ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Những “củi vừa vừa” ở gần “lò” như bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,… hay ở xa như ông Nguyễn Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vị Giám đốc sở ở Yên Bái, và cả những “dân không thường” như Phạm Công DanhTrầm Bê và đồng phạm,…  đã cảm nhận sức nóng tỏa ra từ chiếc “lò” đang rực lửa.
Còn số “củi tươi” như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… dẫu có chui lủi tận chân trời, góc bể, dẫu “tươi” nên vẫn còn nhiều “lá” để ngụy trang thì cũng không thể thoát ra ngoài vòm trời này, lưới đã giăng ra, cá ắt phải vướng vào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - xin mạo muội nói về ông thế này - đã như que diêm bùng cháy nhóm lên ngọn lửa trong chiếc “lò chống tham nhũng, lãng phí” và người được Tổng Bí thư giao trọng trách “Trưởng lò” chính là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng.
Việc Trịnh Xuân Thanh sa lưới cũng giống như Giang Kim Đạt, chỉ là vấn đề thời gian, khi Tổng Bí thư đã quyết tâm, khi Bộ Chính trị đã vào cuộc và nhất là khi toàn dân mong muốn, ủng hộ thì “Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”.
Có điều người dân vẫn băn khoăn, “củi tươi, củi vừa vừa, củi khô” hiện không thể nói là ít, liệu một “lò” đốt có xuể?
Người dân từng biết đến phong trào “ao cá Bác Hồ”, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cá giống trong ao mà Cụ Hồ từng chăm sóc giao cho các địa phương nuôi thả.
Cũng biết đến nhiều hoạt động rước đuốc từ Lăng Bác về các địa phương, trong các ngày lễ trọng.
Vậy nên người viết có ý tưởng, nếu Trung ương tổ chức “xây” cho mỗi địa phương một cái “lò”, tổ chức truyền lửa từ chiếc “lò” Tổng Bí thư đã nhóm về 63 tỉnh thành phố thì công cuộc “nhân rộng” này chắc chắn sẽ được nhân dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Sở dĩ có ý tưởng này vì thực ra Ban Kiểm tra Trung ương, dẫu cố đến mấy một năm cũng chỉ có thể quán xuyến chừng hơn chục vụ việc nổi cộm, hay những vụ việc tầm cỡ quốc gia.
Còn ở địa phương, nhất là miền núi, hình như cây cối đan xen vào nhau khiến cho việc phát hiện “củi tươi” gặp nhiều trắc trở.
Ví dụ bà Bí thư Yên Bái bổ nhiệm em trai làm Giám đốc sở chả lẽ lại không biết em trai mình từng bị công an bắt quả tang đánh bạc?. [2]
Nếu quả đồi mà em bà Bí thư xây biệt phủ không bị phát trụi hết “lá”, liệu đám “củi tươi” này còn tươi tốt đến bao giờ?
Trường hợp Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh vừa bị xem xét kỷ luật đặt ra câu hỏi: “Qua bao nhiêu năm công tác ở tỉnh, qua bao nhiêu vụ việc sao Tỉnh ủy không biết, không có ý kiến gì? Phải chăng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai biết nhưng ngại”?
Tại Hải Dương, ông Nguyễn Trọng Điều - Bí thư Đảng ủy, Phó chánh thanh tra thuộc Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, bị xác định đã sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả trong kê khai hồ sơ đảng viên và hồ sơ cán bộ, công chức để được tuyển dụng, thăng tiến.
Chỉ sau khi một số người dân huyện Nam Sách gửi đơn tố cáo thì Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương mới vào cuộc và quyết định kỷ luật cách chức Đảng ủy viên ông Nguyễn Trọng Điều. [3]

Báo tienphong.vn ngày 22/10/2005 đưa tin ông Phạm Sỹ Quý bị bắt tại ổ bạc.
Những trường hợp nêu trên, chưa thấy tổ chức Đảng địa phương đề cập đến việc xem xét tư cách đảng viên dù việc làm của họ vi phạm 19 điều đảng viên không được làm.
Họ còn đủ tư cách đảng viên hay không là việc của tổ chức Đảng, song người dân liệu có còn đặt trọn niềm tin vào những người như thế?
Và nếu tổ chức Đảng cơ sở chưa (hay không) xử lý đến cùng vụ việc, liệu có phải họ đang “tự diễn biến” theo chiều hướng có lợi cho bạn bè, chiến hữu, trái với nghị quyết của Trung ương?
Chờ đợi cán bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương chủ động thực hiện Nghị quyết Trung ương là cần thiết vì không thể “nóng vội” hay còn vì chế tài chưa đủ mạnh khiến họ vẫn ung dung “cắp ô”?
Câu trả lời đã hết sức rõ ràng, chế tài không thiếu, nghị quyết Trung ương đã yêu cầu cụ thể và nay Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh “không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”.
Những ai muốn đứng ngoài, những ai không muốn làm tốt nhất hãy xin nghỉ hưu sớm, hãy đứng sang bên đường chứ đừng tự biến mình thành “củi”, bởi đã là “củi” - theo ý nghĩa mà Tổng Bí thư đã dùng - dù còn tươi, khô, hay vừa vừa một khi đã bị cho vào “lò nóng” chắc chắn sẽ thành tro bụi chứ đừng hy vọng thành than.
Người viết vẫn mong muốn và tin rằng, tốt nhất, kinh tế nhất là Ủy ban Kiểm tra các Tỉnh ủy địa phương phải tự “xây và nhóm lò”, nghĩa là mỗi địa phương phải tìm bằng được những “que diêm nhỏ” tự đốt cháy mình để ngọn lửa trong lò bừng sáng.
Làm được như thế, Trung ương sẽ rảnh tay cho những việc quốc gia, đại sự, lo việc giữ yên biên cương, biển đảo, lo cho tương lai của đất nước, dân tộc chứ không phải lo “gom củi’ về “đốt”.
Không phải Trung ương không nhận thấy chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu xây dựng Đảng trong tình hình mới. Nhận định về chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng cơ sở, Tạp chí Tuyên giáo viết:
“Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu...
Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. [4]
Nếu đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay “khoảng 1/3 không có cũng được” - như nhận định của một vị lãnh đạo cấp cao thì về phía Đảng có nên bắt đầu một quy trình “giảm biên chế” giống như phía Chính phủ?
Đất nước hòa bình đã mấy chục năm, vì sao ngay trong cơ quan thanh tra Tỉnh ủy Hải Dương vẫn tồn tại vị Bí thư Đảng ủy như Nguyễn Trọng Điều - sử dụng bằng đại học “rởm” để thăng tiến?
Điều đáng nghĩ là mấy năm nay, vì sao Hải Dương luôn xuất hiện trong những vụ việc nổi cộm khiến truyền thông và người dân không thể lý giải.
Dư luận hẳn chưa quên chuyện ông nguyên Bí thư tỉnh này bị Trung ương nhắc nhở. Năm 2012 báo Congly.vn, cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao viết: “Chiêm ngưỡng “Vườn thượng uyển” của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương”, gần đây là chuyện một sở của tỉnh này có 46 người thì 44 người là lãnh đạo cấp phòng trở lên.
Cán bộ lãnh đạo Hải Dương nhiều như thế, có lẽ sẽ có “một bộ phận không nhỏ” giàu như con ông Bí thư, cụ thể có bao nhiêu người thì không một ai có thể biết.
Nguyên nhân thật đơn giản, đơn vị nắm “thượng phương bảo kiếm” tỉnh này là Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy rất nghèo, nghèo đến mức nợ hơn 300 triệu đồng tiền tiếp khách và phải xin Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ.
Vậy làm thế nào để ngọn lửa từ chiếc “lò” mà Tổng Bí thư đã nhóm có thể lan tỏa ở nơi đây, một địa phương cách Thủ đô Hà Nội chỉ chừng 50 cây số?
Gần Trung ương còn thế thì ở những nơi xa thế nào?
Báo điện tử Vov.vn viết:
Trước sự có mặt của các tỉnh Tây Bắc tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết thời gian qua trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi”. [5]
Đã gọi là cuộc chiến chống nội xâm thì tất yếu phải có phía ta và phía địch, đã là kẻ địch đương nhiên chúng sẽ điên cuồng chống trả, đã tham gia cuộc chiến chắc chắn cần đến sự hy sinh cá nhân.
Hy vọng “bọn củi” biết hối cải, biết quay đầu hướng thiện dẫu là một hành động nhân văn song không được phép ảo tưởng.
Đã là kẻ thù của nhân dân, của đất nước nếu không thể khống chế thì phải tiêu diệt. Không thể có sự thỏa hiệp với những kẻ bán nước, hại dân, đó là chân lý mà cha ông chúng ta đã dạy từ hàng nghìn năm trước.
Nhân dân đồng tình và ủng hộ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến cam go này, mỗi người dân sẽ là một chiếc quạt tạo luồng gió cho ngọn lửa trong lò càng ngày càng nóng.
Thu gom “củi tươi, củi vừa vừa, củi khô” là trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của những người đứng đầu, nếu lò nóng mà không còn củi thì tất sẽ nguội.
Người dân rất mong “lò” nguội vì lý do hết “củi” chứ không phải là không kịp thu gom “củi”.
Tài liệu tham khảo:  

MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN NGUYỄN TẤN DŨNG?

PHẠM CHÍ DŨNG/VOA/BVN 3-8-2017

clip_image002
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bài viết này hoàn tất một ngày trước khi Chính phủ Đức chính thức xác nhận Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về Việt Nam.
“Phát ngôn xuất thần”
Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” - ngày hè nồng nực cuối tháng Bảy năm 2017, tâm trạng của nhân vật đứng đầu đảng CSVN như bất chợt phấn khích hẳn lên.
Không chỉ phấn khích mà còn nhen nhóm một quyết tâm ý thức kèm quyết liệt hành động.
Lời ví von xuất thần có nét tục ngữ dân gian trên của Tổng bí thư Trọng đã khiến lộ ra cái tâm thế mà ông có vẻ muốn giữ kín bấy lâu nay.
Cũng là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng mạnh bạo phát ra những từ ngữ “thành phong trào”, “thành một xu thế” khi đề cập đến việc làm thế nào chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trung ương ở thủ phủ của Bộ Chính trị tại Hà Nội.
Có thể cho rằng những ví von và từ ngữ trên là mạnh mẽ hơn lối phát ngôn thiên về học thuật kinh viện của chính ông Trọng trong những lần phát động công cuộc chống tham nhũng trước đây, thậm chí khác khá nhiều với khẩu khí có vẻ ủ ê của ông Trọng chỉ mới vào tháng 6/2017.
Ngày 31/7/2017 – thời điểm Tổng bí thư Trọng phát ra những ví von và từ ngữ trên – lại trùng khớp với một sự kiện chấn động chính trường Việt Nam: “tử thù” của ông Trọng là nhân vật Trịnh Xuân Thanh bất thần hiện ra ở Hà Nội để “đầu thú với Bộ Công an”.
Không biết vô tình hay hữu ý, cái ngày 31/7 ấy cũng là thời điểm mà Bộ Công an tung ra chiến dịch “bắt Trầm Bê” – nhân vật được một số dư luận xem là “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vốn đã râm ran một thời gian nhưng chưa thẳng miệng, chỉ đến khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, một số quan chức nhà nước – trong đó có quan chức công an – mới tiết lộ một đánh giá rất quan trọng: Trịnh Xuân Thanh là mấu chốt của đại án PVC (Tổng công ty Xây lắp dầu khí). Dù Vũ Đức Thuận – trước khi bị bắt là trợ lý của Đinh La Thăng vào thời ông Thăng còn là Bộ trưởng Giao thông vận tải và khi ông Thăng trở thành Bí thư Thành ủy TP.HCM – đã nằm trong trại giam cả năm và có thể đã “khai hết”, nhưng thiếu Trịnh Xuân Thanh thì án PVC chưa thể trọn vẹn, và quan trọng hơn là chưa thể lần được “đường dây” nào đã bảo kê cho Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016.
Đại gia Trầm Bê lại có vai trò “mấu chốt” như Trịnh Xuân Thanh. Hành trình cùng Ngân hàng Phương Nam trong dĩ vãng, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sau đó và có mối liên hệ mật thiết với ngân hàng Xây Dựng của Phạm Công Danh – nhân vật đã bị đưa ra tòa, Trầm Bê được dư luận xem là một bí số lớn trong không chỉ một mà một số đại án ngân hàng, cũng là một mắt xích cực kỳ quan yếu dẫn đến một cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Nhưng trên tất cả, án kinh tế luôn có thể là cơ sở để phục vụ những chọn lựa hay thanh lọc chính trị. Vụ đại án PVC chỉ là “chuyện nhỏ” so với tiết lộ của những quan chức mà bây giờ mới dám hé ra: Thanh “về” thì khối kẻ tim đập chân run.
Nhất là nếu Thanh đã “khai sạch”…
Mới “đầu thú” đã được “khoan hồng”?
Một câu chuyện ngoài lề nhưng không thể bỏ qua là cũng vào ngày 31/7/2017 và ngay thời điểm Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an (giấu tên) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã không ngần ngại đề cập đến từ “khoan hồng” trong nội dung trả lời: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của đối tượng Trịnh Xuân Thanh, pháp luật sẽ xem xét đối tượng có được khoan hồng hay không? Nếu được khoan hồng thì ở mức độ nào?”.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, sau khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ việc bỏ trốn của đối tượng này: “Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ Trịnh Xuân Thanh đã trốn chạy bằng cách nào? Ai đưa đối tượng bỏ trốn...”.
Trong các loại tội phạm, tội phạm bị truy nã là trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Tính chất nguy hiểm càng gia tăng hơn hẳn khi Trịnh Xuân Thanh còn bị “lệnh truy nã đỏ của Interpol quốc tế” – như Bộ Công an đã thông báo từ năm 2016 (tuy một số thông tin cho biết lại không thấy tên Trịnh Xuân Thanh trong danh sách truy nã đỏ của Interpol quốc tế).
Những tội phạm đặc biệt nguy hiểm như thế rất thường không thể nhận được khả năng khoan hồng, dù chỉ hứa hẹn, cho dù đối tượng có tự nguyện đầu thú.
Do vậy, khó có thể tưởng tượng được rằng mới chân ướt chân ráo đến trực ban Bộ Công an để “đầu thú” (nhưng thông báo của bộ này chẳng kèm theo hình ảnh nào để chứng minh), Trịnh Xuân Thanh đã được một lãnh đạo Bộ Công an đề cập đến khả năng “khoan hồng”.
Tương tự vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh – nhân vật cuối cùng trong “Tam Thanh” – ngày càng bộc lộ tính mâu thuẫn bởi những phát ngôn và hành động như thể “đá” nhau của giới quan chức “có trách nhiệm”.
Dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh được “khoan hồng” quá nhanh và quá sớm như thế càng khiến dư luận nghi ngờ rằng ông Thanh không phải đã “đầu thú” vào ngày 31/7/2017, mà có thể đã bị bắt ở đâu đó tại châu Âu trước thời điểm 31/7 một số ngày đủ cho cơ quan an ninh Việt Nam “moi ruột”.
Nếu nghi ngờ trên là có cơ sở, cơ chế “gây sức ép bằng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết” đã được vận hành hoàn hảo đến nỗi rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã “hợp tác khai báo” quá nhanh, quá thành khẩn, khai bằng hết…, mà từ đó mới được hứa hẹn “khoan hồng”.
Sau Thanh là ai?
Thủ trưởng cũ của Trịnh Xuân Thanh lại là Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Công thương – nhân vật quá tai tiếng với nhiều dự án ngàn tỷ đồng của ngành công thương bị lãng phí và thất thoát cho tới nay, mối quan hệ đầy mờ ám của ông Hoàng với những nhóm lợi ích, trong đó có những doanh nghiệp Trung Quốc, chưa kể trách nhiệm liên đới của ông Hoàng trong nhiều vụ việc khác thời còn là Bộ trưởng Công thương…
Nhưng một số dư luận lại cho rằng ngay cả Vũ Huy Hoàng cũng chỉ là “cá nhỏ”. Mà “cá mập” chính là Đinh La Thăng – được xem là “người thân” của Trịnh Xuân Thanh. Vào tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng đã chính thức bị phế truất chức vụ Ủy viên Bộ chính trị cùng cái ghế Bí thư thành ủy TP.HCM, để ngay sau đó được “nhốt quyền lực vào lồng” – một cách nói ưa dùng của Tổng bí thư Trọng – cùng với cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Ban Kinh tế trung ương.
Đến đây, hai “đường dây” xuất phát từ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê cùng giao nhau ở một điểm: Nguyễn Văn Bình.
Nguyễn Văn Bình lại được xem là “cánh tay mặt” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là Thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về “thành tích” thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.
Tựu trung, hai nẻo đường có điểm cắt mang tên Nguyễn Văn Bình đều có vẻ dẫn đến… cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có thể, đó sẽ là những nước cờ mong muốn của Tổng bí thư Trọng trong một số tháng tới và kết thúc tại Hội nghị trung ương 6 – dự kiến diễn ra vào quý tư năm 2017.
Dồn dập hai chấn động Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” và tung lệnh bắt Trầm Bê cùng thời điểm ngày 31/7/2017, hẳn chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đang chuyển thế sang một giai đoạn mới cùng “nâng lên một tầm cao mới” - theo cách nói ưa thích của ông Nguyễn Tấn Dũng đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời 9 năm làm Thủ tướng.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên VOA.

ĐẶT CƯỢC CỬA NÀO?

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 4-8-2017

Trịnh Xuân Thanh là nạn nhân chính trị hay tội đồ kinh tế?
Nước Đức cần biết điều này khi đang xem xét có cho phép Thanh tị nạn chính trị khi nhận đơn của Thanh cho rằng mình là nạn nhân của phe phái chính trị.
Nếu nước Đức có chứng cứ Thanh là tội đồ đục khoét tiền của người dân VN thì sẽ làm theo đề nghị của nhà nước VN trục xuất Thanh về nước để bị trừng trị cái tội mà người Đức xưa nay rất ghét – ăn cắp.
Vậy tại sao Thanh lại bị đưa về VN bằng con đường không chính ngạch để rồi ngành ngoại giao VN phải lãnh hậu quả khó lường?
Chỉ có thể giải thích rằng, khả năng Thanh được tị nạn cao hơn khả năng bị trục xuất. Nếu chờ khi Thanh được tị nạn thì thời cơ bắt Thanh sẽ không còn nữa.
Có một sự chọn lựa ở đây, và rồi...
Gỡ sao đây?
Gã và nhiều người nghĩ tất cả phụ thuộc chính ở Thanh. Thanh lúc này sẽ phải chứng tỏ mình thực sự là ai. Một người có quan điểm chính trị đối lập với nhà nước hay một tay đục khoét tiền bạc của nhân dân?
Thanh phải chọn lựa.
Nhưng theo gã đoán cả mò lẫn nổi thì khả năng Thanh sẽ xuất hiện họp báo tuyên bố mình chủ động đầu thú là khá cao.
Thanh tiến thân bằng con đường nào, làm tổn thất kinh tế ra sao, chứng cứ chắc là khá rõ, Thanh khó mà thoát tội, ấy thế mà đột nhiên có con bài quá hay xuất hiện cứu Thanh giảm tội thì lẽ nào Thanh không vớ lấy cho mình?
Thanh sẽ được giảm tội nếu tuyên bố trước báo chí nước ngoài rằng mình tự thú chứ không phải bị bắt cóc.
Thế là làm giảm được áp lực ngoại giao từ phía Đức, giúp VN gỡ phần nào mớ rối bòng bong.
Ngược lại, Thanh có phản ứng ngược lại để chứng minh mình là nạn nhân chính trị, thì VN sẽ gặp rắc rối ngoại giao, khó đỡ.
Nhưng, ối giời ơi, gã và nhiều bạn của gã khó mà tin rằng Thanh là chiến sĩ... dân chủ được. Vì chiến sĩ dân chủ yêu nước quái quỷ gì lại làm tổn thất hàng nghìn tỷ của đất nước như rứa?
Thôi, tầm phào hết cỡ rồi. Gã nghĩ khép lại chuyện TXT là vừa.
Gã nghĩ thương những người như Trần Huỳnh Duy Thức lắm. Và rất xót thương những đứa con của mẹ Nấm, mẹ Nga.
Vì sao ư? Ước gì những người bạn Đức chia sẻ được tâm trạng này của gã, một anh dân bình thường của đất nước quá nhiều bất hạnh này và quá khát khao cho đất nước của gã được bình yên.
...
10 phút sau khi đưa bài này lên, gã nhận được nhiều bạn cho biết Thanh đã lên TV tự thú rồi. He, gã bị một vố... vì cái tội lâu nay không ngó TV.
Dù sao gã vẫn không kéo bài xuống vì câu chuyện gã muốn nhắm tới ở chỗ khác.
L.T.V.

ÔNG TRỌNG THẮNG HAY THUA VỤ TRỊNH XUÂN THANH ?

NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 3-8-2017

Niềm hân hoan, phấn khích sau khi bắt được "con cá không quá to nhưng láu" Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi hoang mang, lo âu trước phản ứng quyết liệt của người Đức đối với việc cựu quan chức Việt Nam này bị bắt cóc ngay trên đất của họ – sự sỉ nhục đối với bất kì quốc gia có chủ quyền nào.
Một sĩ quan tình báo ở Sứ quán Việt Nam đã bị buộc yêu cầu rời khỏi Đức, song đây chỉ là động thái bước đầu mang tính biểu tượng. Điều đáng lo ngại thực sự nằm ở "những hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển" mà Chính phủ Đức bảo lưu quyền thực hiện, được nêu ra trong tuyên bố chính thức của họ, trong trường hợp yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức không được phía Việt Nam đáp ứng.
Danh dự Tổng Bí thư dĩ nhiên không cho phép đòi hỏi này đáp ứng. Nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam sẽ không thoát khỏi những trừng phạt từ người Đức.
Trừng phạt ấy có thể là gì? Và nó có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Việt Nam?
Đầu tiên, và quan trọng nhất hiện nay, chính là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) mà Đức là lãnh đạo hàng đầu. EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp định này đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kì vọng, nhất là sau cái chết của TPP. Cộng đồng doanh nghiệp trước đây không trách Chính phủ Việt Nam khi TPP chết yểu vì lí do chính là sự rút lui của Mỹ sau khi Trump lên Tổng thống; tuy nhiên, nếu vụt mất FTA lần này vì bị Đức trừng phạt thì Chính phủ Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vì nguyên nhân bây giờ hoàn toàn mang tính chủ quan. Điều này, một khi cộng hưởng với tình trạng khó khăn trong tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, sẽ bắt đầu thổi hơi nóng chính trị vào Ba Đình. Đón luồng hơi trực tiếp không ai khác chính là Tổng Bí thư.
Đòn trừng phạt thứ hai, hứa hẹn nhiều dư vang hơn, sẽ liên quan tới tình hình trên biển Đông. Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất châu Âu. Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.
Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người.
Những ủy viên Trung ương vốn lâu nay thấp thỏm mình là chuột hay bình dưới thời "đánh chuột không vỡ bình" của Tổng Bí thư sẽ nhanh chóng tập hợp thành một liên minh xung quanh hai hồ sơ quan trọng này (kinh tế và biển đảo) để chất vấn năng lực cầm quyền của Tổng Bí thư, tiến tới giáng những đòn quyết định vào chiếc ghế của ông trong những kì Hội nghị Trung ương gần nhất tới đây.
Áp lực chính trị không phải từ một đầu lãnh hay một phe mà là một liên minh kiểu này không dễ bị hóa giải chỉ bằng việc thao túng các quy chế nội bộ trong đảng – điều ông Trọng thường làm một cách thành thạo. Chỉ có thể chống lại áp lực này nếu sau lưng ông Trọng là một khối quần chúng đông đảo ủng hộ ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Trọng có vẻ đang dần nhận ra tầm quan trọng của điều này khi trong phiên họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng, ông nói: "Chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội". Hẳn chính ông Trọng cũng lờ mờ nhận ra câu nói này của ông có vẻ phản ánh một mơ ước nhiều hơn là nhận định thực tại. Chẳng hề có một phong trào, xu thế chống tham nhũng nào trong xã hội cả, họa chăng chỉ có trong đảng, và là vỏ bọc cho các xung đột phe phái. Trớ trêu thay, chính việc trì hoãn cải cách chính trị mà ông Trọng chủ xướng lại ngăn ông có một khối hậu thuẫn quần chúng như thế.
Vậy thì chờ xem, kì Hội nghị Trung ương tới đây, ông Trọng sẽ làm gì để đối phó với các đồng chí trên tay cầm hồ sơ kinh tế và biển đảo ở trên lăm le hất ghế ông?
N.A.T

THAM NHŨNG CÁ NHÂN VÀ THAM NHŨNG CHẾ ĐỘ 

BÙI QUANG VƠM/ BVN 4-8-2017

Quanh chuyện Trịnh Xuân Thanh tự thú hay bị bắt cóc, đang nổ ra những tranh luận ầm ĩ và có nhiều ý kiến xuôi ngược khác nhau.
Đáng chú ý là ý kiến của nhà báo Huy Toàn của Truyền hình Công an nhân dân: "Thực ra "bắt cóc" hay "đầu thú" không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng".
"Nếu phía Đức đưa ra những cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" cũng chẳng qua họ muốn thể hiện uy quyền và sự nghiêm minh của bộ máy tư pháp của họ mà thôi. Bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là biểu tượng về "tự do dân chủ", "nhân quyển", hay một nhà hoạt động về tư tưởng, chính trị. Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì", ông Toàn bình luận.
"Tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để họ làm khó những vấn đề khác mà thôi. Sẽ vất vả cho các bác Bộ Ngoại giao phải vào cuộc và giải quyết những bất đồng giữa hai nước trên tinh thần xây dựng".
Ý kiến này có những nhân định chủ quan, gượng ép và không xác đáng.
Thứ nhất là quan điểm thực dụng của chính sách. Đây là loại chính sách gọi là «mục đích biện minh cho phương tiện» mà Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng bất chấp đạo đức và văn hoá, miễn là đạt được mục đích. Đảng Cộng sản Việt Nam, trên thực tế là Công an Việt Nam là một điển hình áp dụng chính sách này. Cứ xem họ đạp vào mặt người biểu tình, đánh cả phụ nữ toé máu mặt rồi lôi họ xềnh xệc trên mặt đường thì biết văn hoá của công an Việt Nam thuộc cỡ bậc nào. Cho nên ông Huy Toàn mới nói: «tự thú hay bắt cóc không quan trọng», miễn là có mặt Trịnh tại Việt Nam để thụ án là được.
Thứ hai, ông Huy Toàn suy diễn ác ý một cách cố tình: «Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì». Ông là nhà báo mà dám suy diễn theo kiểu quy kết như vậy, thì người ta có quyền nghi ngờ trình độ và lòng tự trọng của ông.
Không phải là chuyện bảo hộ hay không bảo hộ tham nhũng, mà là thế nào là tham nhũng, và như thế nào là xử lý tham nhũng.
Việt Nam quy kết Trịnh Xuân Thanh tội làm thất thoát tài sản quốc gia. Có thể với đầy đủ bằng chứng, điều đó không sai. Nhưng bản chất của sai phạm đó, căn nguyên của sai phạm đó ở đâu? Trịnh Xuân Thanh có phải là người duy nhất, và sau khi bắt giam Trịnh Xuân Thanh thì tệ và nạn tham nhũng có giảm và bị tiêu diệt không? Ở Việt Nam đã có hàng nghìn cán bộ quan chức phạm tội tham nhũng. Ở Trung Quốc có hàng trăm nghìn quan chức đã bị bắt, nhưng còn có hàng triệu quan chức khác chưa bị bắt.
Ngay trong đảng, nhiều ý kiến khẳng định 90% cán bộ có chức quyền là tham nhũng. Như vậy, mỗi cá nhân tham nhũng, đương nhiên là phạm tội, nhưng những cá nhân đó là sản phẩm không thể tránh khỏi của cái lỗi chung, lỗi của hệ thống. Hết lượt những tội phạm này bị xử, sẽ xuất hiện tiếp tục những tội phạm khác. Cho nên xét tới cùng, chế độ mới chính là tội phạm. Nạn tham nhũng hệ thống gây tổn thất tài sản quốc gia, gây ra sự băng hoại nền đạo đức xã hội và phá huỷ nền tảng văn hoá của dân tộc. Vì vậy, tư cách xử tội của chính quyền cần phải được xét lại.
Chính phủ Đức luôn là người ủng hộ các chính sách nhằm cải thiện cuộc sống cả vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam, nhưng là một Chính phủ có lập trường dứt khoát và cứng rắn nhất trong các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu phản đối các chính sách vi phạm nhân quyền và các hành động đàn áp các nhà hoạt động ôn hoà của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Có một lý do đặc biệt khác nữa, chính là Chính phủ hiện tại là Chính phủ của liên minh đảng Dân chủ Thiên chúa giáo do Angela Merkel, một người từng là cán bộ quận đoàn thanh niên cộng sản Đông Đức, làm Chủ tịch đảng và Thủ tướng. Chính phủ của bà là Chính phủ hiểu rõ bản chất của một chế độ do đảng cộng sản cầm quyền, là chế độ mị dân và không trung thực.
Quan niệm về tội phạm chính trị của Chính phủ Đức vì vậy không giống, thậm chí chống lại quan niệm của Chính phủ Việt Nam. Đó là lý do Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Đức không thể thực hiện, mặc dù đã có nhiều năm đàm phán.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra sau những cố gắng thương lượng lần cuối cùng trong cuộc gặp với cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Đức của ông Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị G20, ngày 8/7 vừa rồi.
Đây là cách xử sự mang tính trả miếng của Chính phủ Việt Nam. Nó vừa thể hiện sự xấc xược, bất chấp vừa cho thấy hành vi thiếu văn minh của chính quyền Việt Nam.
Cho nên, nhà báo Huy Toàn có phần không trung thực khi đổ cho Chính phủ Đức cái tội «cáo buộc Việt Nam bắt cóc». Không phải là «cáo buộc» theo ý ông Huy Toàn muốn lập lờ là Chính phủ Đức đổ vấy cho Chính phủ Việt Nam cái tội không có, mà Bộ Ngoại giao Đức triệu Đại sứ của Việt Nam để công bố chính thức kết quả điều tra và yêu cầu trục xuất nhân viên an ninh của Chính phủ Việt Nam nằm trong Sứ quán dính líu tới vụ án bắt cóc.
Việc bắt cóc là việc có thật, đã được tổ chức thực hiện trên đất Đức giữa thanh thiên bạch nhật, với đầy đủ dấu vết, không thể tẩy xoá và không thể chối cãi. Và có bằng chứng vụ bắt cóc được thực hiện bởi lực lượng mật vụ của chính quyền. Điều đó nói lên rằng vụ bắt cóc đã được lên kế hoạch từ trước và có được chuẩn bị.
Việc Chính phủ liên quan tới vụ án là không thể chối cãi. Vì vậy, việc ông Bộ trưởng Công an từ chối không biết, và việc tạo ra lời «cam kết tự thú» vụng về và muộn màng của chính ông Trịnh Xuân Thanh không hề có giá trị và chỉ càng làm vụ việc trở nên bất lợi cho uy tín của nhà cầm quyền.
Thông Điệp mà Chính phủ Đức thể hiện qua sự việc này là: não trạng và tư duy của Hà Nội đã quá lạc hậu rồi, cần có một sự thay đổi để theo kịp và hoà nhịp với nhân loại tiến bộ.
03/08/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét