Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

20170828. BÀN VỀ THAM NHŨNG QUYỀN LỰC

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAM NHŨNG QUYỀN LỰC CÒN NGUY HẠI HƠN THAM NHŨNG VẬT CHẤT

QUỐC PHONG/ MTG/ BVN 27-8-2017

Ông Vũ Quang Hải
Từ câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội… điển hình và đầy tính thời sự của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), đến việc “đôn” con trai là Vũ Quang Hải lên nắm quyền to “vật vã” tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tôi thấy đã quá đủ tư liệu để chứng minh một cách thuyết phục vấn đề nói trên.
Trong 3 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã gây ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng. Thật tài tình khi ông ta chuồn khỏi nơi đây một cách khá ngoạn mục nhờ “nghệ thuật tung hứng” giữa Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương. Họ tâng bốc Trịnh Xuân Thanh đến không thể tin nổi. Liên đới đến việc “mở đường” cho Trịnh Xuân Thanh dễ dàng tiến bước trên con đường quan lộ là sự thiếu trách nhiệm đến khó hiểu của Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN Phùng Đình Thực và Vụ trưởng – Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ Đào Văn Hải (Bộ Công Thương). Trong thời gian này, chính Đảng ủy PVN đã cho Trịnh Xuân Thanh thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy PVC vì hoạt động thua lỗ và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ấy thế mà Trịnh Xuân Thanh vẫn được điều chuyển lên Bộ Công Thương. Nhờ Bí thư Đảng ủy PVN Phùng Đình Thực với tư cách là người nhận xét và Đào Văn Hải, Vụ trưởng – Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ là người kí tờ trình xin điều động, bổ nhiệm trình Bộ Công Thương, Trịnh Xuân Thanh bỗng dưng trở thành người cán bộ “đầy năng lực và nhiệt huyết”: “Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí, đồng chí Thanh đã công tác trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, trải qua nhiều cương vị từ cán bộ chuyên môn đến chức danh quản lí, đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích”…
Thật là một sự tung hứng đến tài tình! Có lẽ họ đều không hình dung nổi việc làm này của họ (tất nhiên còn phải nhờ sự gợi ý của cấp trên họ nữa thì mới dám như vậy) đã gây tổn thất to lớn đến uy tín của Đảng và nhà nước đến độ nào.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra đi trong sự thở phào của chính mình vì không những không bị quy trách nhiệm về những sai phạm mình gây ra trước đó mà còn được tô vẽ cho đẹp thêm lí lịch. Năm 2013, ông Thanh đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dang tay cứu vớt. Ông được đưa về làm Phó chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Trưởng đại diện của bộ tại miền Trung trong sự thán phục của biết bao người bởi ông đã thoát cả chỉ đạo của Thủ tướng cần đánh giá sai phạm trong quá trình PVC để thua lỗ kéo dài.
Giữ cương vị Trưởng đại diện miền Trung của bộ không bao lâu, chưa kịp ấm chỗ, năm 2014 Trịnh Xuân Thanh đã quay về Hà Nội và “tạm thời phụ trách công việc của Văn phòng Bộ Công Thương”. Năm 2015, ông Thanh được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kí quyết định làm Vụ trưởng, thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp – Bộ Công Thương. Thật là khôi hài cho Bộ Công Thương, đây chính là giai đoạn mà Bộ Công Thương trì trệ thực hiện cổ phần hóa nhất. Với năng lực của người tham mưu cho Bộ trưởng Hoàng, đồng thời còn là Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp như ông Trịnh Xuân Thanh thì công việc trên nếu nó tiến triển mới là lạ. Có lẽ thấy không ổn vì đặt nhầm chỗ chăng, ông Thanh lại được Bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng đưa sang làm công tác Đảng của Bộ với cương vị Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương…
Phải chăng với việc đứng đầu cả về quản lí nhà nước lẫn về Đảng ở Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng đã thao túng cả một bộ máy điều hành từ trên xuống dưới của bộ và đây có thể gọi là hành vi tham nhũng quyền lực? Đó là một ví dụ xem ra có thể là điển hình của điển hình trong thời gian qua ở Bộ Công Thương và nó cho thấy việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vừa rồi là rất cần thiết và kịp thời. Nghị quyết trên đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng và chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong biểu hiện thứ 9 về suy thoái tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 – khóa XII nêu rõ: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.
Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm số 138-TB/UBKTTW ngày 27-10-2016 của UBKT Trung ương và Quyết định kỉ luật đảng viên số 388-QĐNS/TW ngày 3-11-2016 của Ban Bí thư Trung ương đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kì 2010 – 2016 đã chỉ rõ vi phạm của ông như sau: “Với vai trò trách nhiệm là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Vũ Huy Hoàng đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử đồng chí Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco”. Đối với việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về tỉnh Hậu Giang, Kết luận kiểm tra và Quyết định kỉ luật ông Vũ Huy Hoàng cũng chỉ rõ: “Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn đồng ý với Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh để bổ nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kì 2011 – 2016; báo cáo không trung thực với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang”. Đó là chưa nói đến việc ông Hoàng còn quy hoạch để ông Trịnh Xuân Thanh sẽ quay về làm thứ trưởng trong tương lai.
Như vậy, đã thấy rõ biểu hiện suy thoái của chính người đứng đầu cấp ủy, khi ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã biết rõ những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh nhưng lại báo cáo không trung thực với Thủ tướng Chính phủ và điều chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch nhanh đến chóng mặt cho ông ta.
Như phần đầu tôi đề cập, tham nhũng quyền lực nguy hại ở chỗ sẽ dần dần làm cho những đảng viên trung kiên và quần chúng nhân dân mất lòng tin vào chế độ. Hình ảnh và vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng sẽ vơi dần trong mắt mọi người. Điều này thật nguy hiểm và tệ hại. Nếu lãnh đạo nào ở các bộ, ngành, địa phương mà cũng giải quyết công việc kiểu như ông Vũ Huy Hoàng thì thật đáng sợ. Nó chính là mồi lửa nguy hiểm có thể thiêu cháy cả một chế độ nếu như để lan rộng tiếp. Nó sẽ thách thức cao độ đến sự tồn vong của Đảng. Vì thế, nên chăng cần tiếp tục mở rộng điều tra ở góc độ công tác tổ chức cán bộ tại Bộ Công Thương thời kì ông Vũ Huy Hoàng đứng đầu nhân việc ông Trịnh Xuân Thanh đã quay về nước đầu thú sau 1 năm trốn chạy tưởng thoát tội.
Tham nhũng quyền lực chính là ở đây chứ đâu!
Q.P.

CHỐNG THAM NHŨNG: XÃ HỘI DẦN BỊ ĐỊNH HƯỚNG BỞI YẾU TỐ PHE CÁNH

KỲ LÂM/VNTB/ BVN 27-8-2017

(VNTB) – Cuộc chiến chống tham nhũng và nhóm lợi ích đi vào một bối cảnh mới theo hướng có lợi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng hãy tỉnh táo, vì đó là bối cảnh của quyền lực kiểm soát quyền lực – tức là cuộc chiến của phe cánh.
Sau màn khóc vì không kỉ luật được đồng chí X, giờ đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đường đường chính chính lôi từng nhân vật có liên quan đồng chí X ra xử lí. Từ Trịnh Xuân Thanh, đến ông Vũ Huy Hoàng, rồi đến Đinh La Thăng…
Dư luận đang “say”, “say” bởi những sai phạm liên quan các dự án ngàn tỉ, những mánh khóe để ăn tiền thuế của dân với những nhân vật “đảng viên cấp cao” được lột trần trên báo chí. Không ít người mê mẩn với những sự “bóc trần” đầy ẩn ý của blogger Osin Huy Đức. Chưa bao giờ báo chí lại được cởi mở đến mức tối đa như hiện nay. Và mới đây, liên quan dự án BOT Cai Lậy, khi báo Tuổi Trẻ nổ phát súng “nói thẳng với Bộ trưởng (Bộ GTVT)” thì Zing cứng rắn hơn khi đặt câu chất vấn “Bộ (GTVT) đang bảo vệ lợi ích của ai trong bài toán BOT”, mới nhất là báo Dân trí mạnh mẽ lên tiếng với tiêu đề bài viết: “BOT, cái “vỗ vai”, ai “đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”?”. Nói theo một phong cách quảng cáo thì dưới sự chỉ đạo của “đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, người dân đang hân hoan mà thốt lên: Đã quá! Đảng ta ơi! Một giảng viên Trường ĐHQG Hà Nội, người thỉnh thoảng khi nhắc về Đảng với sự bực tức, thì nay đã có lại niềm tin, thậm chí bày tỏ: Đảng đang đạo đức, đang văn minh trở lại.
Ý thức xã hội đang hình thành theo lối mòn đó và bằng cách nào đấy, toàn bộ xã hội dần bị định hướng bởi yếu tố phe cánh. Trong cơn thực hư của thủ đoạn chính trị, “đồng chí đầu bạc” đã biến toàn bộ cuộc thanh trừng phe phái trở thành một cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy hân hoan. Hay nói đúng hơn là những khối ung nhọt của nền chính trị xã hội (tha hóa tuyệt đối) vốn được hình thành từ quyền lực tuyệt đối nay được xử lí bằng chính… quyền lực.
Điều này có tốt không? Khẳng định là hoàn toàn không? Bởi khối ung nhọt chỉ được giải quyết khi không thể tiếp tục điều hòa được nữa (mâu thuẫn đỉnh điểm), do đó bản chất lúc này, vấn đề chỉ giải quyết ở phần ngọn, dẫn đến khả năng tái sinh của một khối ung nhọt mới. Sau Đinh La Thăng sẽ xuất hiện Đinh La Giáng, sau Nguyễn Tấn Dũng sẽ xuất hiện Nguyễn Tấn Cảm. Cũng giống như Liên Xô, sau khi chế độ độc đảng bị xóa bỏ thì nảy sinh Tổng thống Putin – người xoay nền chính trị “đa đảng” trở về “ột đảng” và cách ứng xử của Putin đối với không gian xã hội dân sự nước này, với những đảng phái, chính khách đối lập không khác gì ở một thể chế độc tài cộng sản như Việt Nam hay Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra là cần khống chế quyền lực bằng cơ chế chứ không phải bằng quyền lực. Tính chất cơ chế sẽ bảo đảm cho những người có quyền lực trong tay không tuyệt đối hóa nó, và họ (những quan chức) phải chịu sự giám sát của người dân.
Trở lại câu chuyện chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì sao cho đây là một cuộc chiến phe phái? Ấy là vì nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự vì cuộc chiến chống tham nhũng thì việc thanh – kiểm tra biệt phủ sẽ cực kì nhanh, từ kê khai tài sản có bao nhiêu, vì sao mà có, tại sao với mức lương như vậy mà có được chừng đó tiền… Quy trình kê khai hầu như sẽ không gặp khó khăn. Nhưng vấn đề vì sao 5 lần 7 lượt Yên Bái lại “thoát nạn” (gần nhất đây là thông tin lùi lần thứ 5 kết luận biệt phủ Phạm Sỹ Quý, trong khi mở đường tiếp tục đánh ông Nguyễn Tấn Dũng qua vụ khơi mào báo chí làm rõ vi phạm ở Núi Pháo – Thái Nguyên). Thiên hạ được thế lại kháo nhau rằng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái là phe phái của “cụ Trọng” nên vẫn trong phạm vi an toàn. Tương tự, vụ “hotgirl xứ Thanh” cũng chìm vào dĩ vãng, dù rằng đăng đàn, “cụ Trọng” vẫn mạnh mẽ chống tham nhũng, chống lạm dụng quyền lực lắm.
Điều đó cho thấy rằng bẻ gãy cơ chế hiện tại, tạo ra cơ chế mới mới là điều đáng hân hoan. Cơ chế phải là cái lồng sắt để nhốt hoàn toàn quyền lực vào, để không ai có thể sử dụng quyền lực để đánh quyền lực nhân danh công lí.
Trong một thông tin có liên quan, ông Đinh La Thăng từng bảo “tôi vẫn còn món nợ chưa trả được với dân”, ông Nguyễn Tấn Dũng từng muốn làm “người tử tế”. Người viết vẫn mong muốn “món nợ” được trả cho dân để các quan chức sẽ trở về “người tử” theo cách thiết thực nhất.
Cách đây 26 năm, từ ngày 19-8 đến ngày 21-8-1991, một cuộc đảo chính diễn ra tại Moscow, cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô.
K.L
(VNTB gửi BVN)
QUY ĐỊNH 90/QĐ-TW: VỎ MÁC-LÊ, RUỘT ĐẠI HÁN
TRẦN MINH THẢO/ BVN 27-8-2017
Vỏ Mác – Lê: tên gọi của đảng vẫn là “Đảng Cộng sản Việt Nam” (ĐCSVN). Ruột Đại Hán: lộ rõ trong quy định tiêu chuẩn 4 chức danh chủ chốt, chủ yếu là chức danh Tổng bí thư (TBT), về cách “truyền ngôi”: thiên tử – truyền hiền trong huyền thoại Nghiêu Thuấn của Trung Hoa.
1- Thiên tử – Truyền hiền?
7 tiêu chuẩn của TBT đảng chỉ siêu nhân, thiên tử mới hội đủ. Thực hành việc truyền ngôi trong đảng đúng với huyền sử Trung Hoa: truyền hiền (giới thiệu người kế nhiệm). Huyền sử Nghiêu Thuấn nói Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền ngôi cho Vũ vì các vị này là con trời (thiên tử). Truyền ngôi không theo huyết thống gọi là truyền hiền. Từ nhà Hạ trở đi truyền ngôi cho con (truyền tử) vì  con vua cũng là con trời. Khổng Tử đề cao cách chọn “con trời” và “truyền hiền” của Nghiêu, Thuấn. Nhưng tiêu chuẩn xem xét ai là con trời để truyền ngôi cho thì bất định dù đó là mơ ước mấy ngàn năm của người Hán (xã hội Nghiêu Thuấn). Nay đã có 7 tiêu chuẩn.
Có thể nói 7 tiêu chuẩn TBT của ĐCSVN đã xác định ai là “con trời”, “hiền nhân” và TBT trước giới thiệu TBT sau là cách thức “truyền hiền”. “Thiên tử”, “truyền hiền” là mơ ước của người Hoa thời cổ đại đã được ĐCSVN quy định bằng văn bản cụ thể.
Ai là  “thiên tử”? Làm thế nào để “nhận dạng” ai có đủ 7 tiêu chí cho chức danh TBT đảng? Rất đơn giản, TBT nhiệm kì trước gán cho, giống Nghiêu nói Thuấn, Thuấn nói Vũ là “thiên tử” rồi truyền ngôi cho.
2- Nhất trụ hay tứ trụ?
Các vị trí chóp bu trong quyền lực cai trị ở Việt Nam có khi được gọi là “tứ trụ triều đình”: TBT đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Cách gọi này coi 4 chức danh trên ngang nhau về quyền lực. Quy định 90-QĐ/TW khẳng định chỉ có một là TBT đảng, 3 chức danh kia chỉ là người giúp việc (đầy tớ ?) của TBT (thiên tử). TBT có quyền “xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm”. Ba vị trí kia không có quyền này vì một nước không thể có 4 vua (vua tập thể). Huyền sử chính trị Đại Hán thời hái lượm, đồ đá đã được hai đảng anh em Hán, Việt vận dụng rất bài bản, cả hai cũng đang tìm vị nào là “thiên tử” để truyền ngôi. Chưa có “thiên tử” thì chưa truyền ngôi, vua cũ vẫn tại vị. Cũng cần thấy có hai nước cộng sản khác đang áp dụng phương thức “truyền tử”: Bắc Triều Tiên và Cuba.
3- Cần thì không có.
Nhân loại văn minh thì “chọn vua” cách khác. Các đảng chính trị chọn, giới thiệu “nhân tài” cho xã hội chọn lựa bằng cuộc phổ thông đầu phiếu đa đảng. Cách làm đó gọi là “dân chủ đa đảng”. Các “nhân tài” này cọ xát nhau nảy lửa để người dân thấy ai tài giỏi hơn và dồn lá phiếu cho người đó lên “làm vua”, mà cũng chỉ làm vua trong 4-5-6 năm, có người “mất ngôi” sớm hơn.
“Tiêu chuẩn với 4 chức danh chủ chốt trong ĐCSVN” của ĐCSVN là khẳng định chính trị rất hùng hồn với người Việt và toàn nhân loại: Việt Nam không phải là quốc gia do người dân làm chủ, bộ máy cai trị do một người nắm giữ.
T.M.T
(Tác giả gửi BVN)
Phụ lục: Tiêu chuẩn với 4 chức danh chủ chốt trong Đảng Cộng sản Việt Nam
Tổng bí thư
- Phải là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
- Là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng; có trình độ cao về lí luận chính trị, xây dựng Đảng.
- Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
- Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
- Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.
- Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Chủ tịch nước
- Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
- Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.
- Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.
- Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
- Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Thủ tướng Chính phủ
- Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
- Có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
- Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế.
- Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lí, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước.
- Có khả năng cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Chủ tịch Quốc hội
-  Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
-  Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
-  Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
-  Có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.
-  Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
-  Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét