Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

20170820. BÀN VỀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ CẤP CAO CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BỘ CHÍNH TRỊ BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CHỨC DANH, TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

NHƯ HẢI/ GDVN 14-8-2017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh quochoi.vn).


(GDVN) - Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo quy định, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân;
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
Luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân;
Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức; Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn; Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; Sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung;
Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt;
Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.
Ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là Ủy viên Trung ương Đảng;
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao;
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh Bộ trưởng và tương đương;
Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Trong quy định vừa ban hành, Bộ Chính trị cũng quy định các nhóm tiêu chí chung và các nhóm tiêu chí đặc thù để đánh giá các cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Cùng với Quy định nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Như Hải

'LỖ HỔNG' TRONG TIÊU CHÍ LỰA CHỌN LÃNH ĐẠO CẤP CAO

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 18-8-2017
Tham vọng quyền lực là thuộc tính của con người, là động lực của sự phát triển, không hiểu ai tham mưu cho lãnh đạo lại ghép nó vào ý nghĩa xấu xa? Không tham vọng quyền lực thì đừng làm lãnh đạo, vấn đề là phải kiểm soát quyền lực trong khuôn khổ của pháp luật.
Tham vọng quyền lực là một khía cạnh thuộc về bản năng đầu đàn, nó tự có trong mỗi con người và chỉ khác nhau ở mức độ yếu hay mạnh chứ không phải “tốt hay xấu”. Tốt, xấu là khái niệm thuộc về văn hoá, mà văn hoá là sản phẩm của bản năng sáng tạo. Nếu trong quy định của Đảng về tiêu chí cán bộ lãnh đạo mà có điều “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” thì thật khó hiểu và hoàn toàn thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề.
Từ lâu rồi, tôi đã đề cập đến vấn đề đánh giá tư tưởng của con người là một trong những vấn đề khó đánh giá nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó nhấn mạnh đến tiêu chí tuyệt đối không tham vọng quyền lực và kiên định với Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến, (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, (3) Những cá nhân – con người tốt – tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2) và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2).
Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp – cả về đạo đức công vụ lẫn năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Một hệ thống yếu kém không thể làm được việc ấy dẫn đến người xấu thì lợi dụng leo được lên cao và trục lợi, người tốt bị loại từ “vòng gửi xe”, không có không gian để tồn tại hoặc bị tha hóa thành người xấu.
Các quy định mới do Tổng Bí thư ký ban hành chỉ đề cập đến bản thân những cá nhân tách rời mà không đề cập đến (1) và (2) nêu trên là một biến số phụ thuộc của vấn đề.
Kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin thuộc về học thuyết phát triển là một vấn đề rất lớn. Khi người ta kiên trì đi theo sự tiến bộ thì ta có thể dùng từ “kiên định”, còn ngược lại thì kiên định sẽ trở thành “bảo thủ, trì trệ” cản trở sự phát triển.
Ở các nước chậm tiến, người cầm đầu xưa nay đều có khuynh hướng muốn chọn người theo khẩu vị của mình, khiến cho con “matrioska” ngày càng bé đi. Nhưng nguy hiểm hơn là giả danh dân chủ, tập thể, tiêu chuẩn khách quan để áp đặt nhân sự “thủ túc” nhưng lại không chịu trách nhiệm gì hết.
Đọc kỹ tiêu chuẩn, tôi cho rằng đây chỉ là cách biên tập lại bằng ngôn ngữ khác của 27 biểu hiện của thoái hóa, biến chất, ‘tự chuyển hóa’, “tự diễn biến”… nêu tại Hội nghị TW4, khóa XII. Vì vậy, khi bàn về 27 biểu hiện nói trên mọi người đã có nhiều ý kiến thì Quyết định mới này chắc chắn cũng có lắm ý kiến. Chỉ có điều ngại nói ra thôi.
Tiêu chuẩn phải là những thước đo, tức là phải lượng hóa được, cân đo đong đếm được. Trong khi đó làm thể nào để khẳng định được “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực” hay “Kiên định với Chủ nghĩa Mác – Lênin”? Cho nên trong cuộc sống thực, các tiêu chí này sẽ được dùng vào mục tiêu nào đó, chứ tuyệt nhiên không phải để chọn người tài. Chưa nói đến: Ai trong Đảng có thể giải thích được chuẩn xác Chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Nhất là so với nguyên gốc những gì Mác và Lê-nin đã viết ra. Nó có phải thực sự dẫn đường cho đất nước ta trong thế giới hôm nay?
Liên quan đến tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao, trong bài “Chính trị và kỹ trị” nhà báo Huy Đức đã huỵch toẹt nguyên văn như sau: “Nhiệm kỳ này vẫn rơi rớt không ít thành viên tiến thân bằng những nấc thang được lắp đặt bởi các “nguyên lý” của hai nhiệm kỳ trước đó. Nhiều nhà báo “uống rượu” với Trương Minh Tuấn, ngơ ngác khi chứng kiến một kẻ thô lỗ, ăn không nên đọi, nói không nên lời; làm trưởng phòng bảo vệ ở một cơ quan báo chí đã là quá đáng, bỗng nhiên trở thành Bộ trưởng có quyền cấp thẻ, rút thẻ của mình. Trương Minh Tuấn nếu không vượt thẩm quyền, ký quyết định cho MobiFone đi vay 8.900 tỷ mua một cơ sở hạ tầng truyền hình trị giá tối đa là 300 tỷ, liệu có thể có tiền, có cái ghế UVTƯ, bộ trưởng?”
Người dân có quyền đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm để nhiều thành viên tiến thân như kiểu của ông Trương Minh Tuấn để trở thành lãnh đạo đất nước?
Ngẫm suy, tiêu chuẩn lần này là để chọn những người không đổi mới, bởi đổi mới ở nước ta chính là nói ngược, làm ngược với những gì chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ bảo. Đơn cử mấy thí dụ:
Việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào mỗi nước khác nhau ít nhiều, nhưng đều tuân thủ các “quy luật phổ biến” (9 quy luật) nêu trong Tuyên bố Moscova năm 1957 của 12 Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN. Thực chất “9 quy luật”đó có một số nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất, phổ biến nhất mà Liên Xô và các nước thuộc khối Liên Xô trước đây và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang vận dụng:
(i) “Kế hoạch tập trung” là phải “xóa bỏ kinh tế thị trường”, phải là Cương lĩnh thứ 2 của Đảng;
(ii) “Sở hữu” phải là “công hữu về tư liệu sản xuất”;
(iii) Hợp tác hóa nông nghiệp;
(iv) “Tư tưởng” phải là “tư tưởng XHCN” vv…
Từ năm 1986 đến nay, nước ta chuyển sang kinh tế đa thành phần sở hữu, chuyển sang kinh tế thị trường, xóa bỏ việc hợp tác hóa trong nông nghiệp nên chúng ta từ một nước nhập bo bo để ăn, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Như vậy thực tế, Việt Nam có còn kiên định theo chủ nghĩa Mác – Lênin?
Nhìn chung, việc vạch ra “tiêu chuẩn” và “chọn người theo tiêu chuẩn” là cách làm cũ, gắn với thể chế kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu, do một đảng cầm quyền. Sòng phẳng ra mà nói, người ta vạch ra nhưng chưa nơi nào và chưa ở đâu thực hiện nó cả. Nó chẳng có gì hơn là cái bảng “Tiết hạnh khả phong” trao cho cô Tư Hồng. Điều cần tránh học mót lối thách cưới “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…” của vua Hùng gạt Thủy Tinh để Sơn Tinh chắc suất làm rể.
“Tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền”, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự”, “tòa án hiến pháp” đã được chứng minh là một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, rất hiệu quả và thành công ở đa số các quốc gia. Nếu vì điều kiện gì đó, mà ta chưa có ngay hệ thống này thì cũng nên đặt lộ trình để có được hệ thống ấy thay vì cứ phải bàn mãi những cá nhân, con người tốt, tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống theo lý thuyết (1) độc tài “nhân trị” hay “đức trị” luẩn quẩn mãi thế này.
Nếu như tiêu chuẩn có ý nghĩa thật, thì tiêu chuẩn trước hết mà dân cần ở người lãnh đạo là không bảo thủ, không tham nhũng. Cách chọn phù hợp là bầu cử công khai minh bạch, trong đó các quan chức ứng cử nói rõ những điều đổi mới muốn làm và khai báo tài sản của mình được giám sát công khai.
Đừng biến cán bộ, lại là cán bộ cao cấp nữa, thành những robot được lập trình sẵn cho những mục tiêu của lập trình! Cho đến nay, kể cả ở mức cao nhất có thể có được của phát triển trí tuệ nhân tạo, cũng không thể tạo ra được robot thay thế được con người, nó càng không thể có tâm hồn như con người. Cũng như không có một thứ chủ nghĩa hay sự kiêng cấm nào, có thể ngăn ngừa được sự sa đọa của con người nếu nó chỉ là một cái máy được lập trình và hoạt động trong một hệ thống hỏng. Mọi nỗ lực theo hướng này là ảo tưởng và duy ý chí, ngoan cố trốn tránh việc phải làm là xây dựng con người và xây dựng một hệ thống chính trị/xã hội lành mạnh.
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại của nước ta là hãy cứ bám lấy cái gì đúng đã đề ra được, đó là trung thành với sự nghiệp dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện dân chủ & công khai minh bạch để thúc đẩy & rèn luyện cán bộ thực hiện mục tiêu này. Làm được như vậy là đất nước được nhờ rồi.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.

CẦN CÁI GHẾ CÓ 'ĐỘ RUNG'

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 18-8-2017

(Nhân đọc bài “‘Lỗ hổng’ trong tiêu chí lựa chọn lãnh đạo cấp cao” của tiến sĩ Tô Văn Trường)

…chọn cán bộ, nhân tài lãnh đạo quốc gia thì trước hết phải chọn cái ghế có độ rung dân chủ…
Tiến sĩ Tô Văn Trường là một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi và môi trường thì trong nước và nước ngoài ai cũng biết. Nhưng bài viết nhan đề: “Lỗ hổng” trong tiêu chí lựa chọn lãnh đạo cấp cao của ông vừa qua trên mạng xã hội (17.8.2017) thì khiến giới nghiên cứu xã hội học, chính trị học… phải suy ngẫm và tán thưởng vì tính khoa học, sắc bén, kịp thời và đầy chất humour của nó!
Ông phê phán và chỉ ra những sai lầm trong tiêu chí chọn lựa cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký. Ông chỉ rõ, về cơ bản ông Trọng là người chủ trương “Đức trị”. Tức, chọn lựa cán bộ lấy đức làm chính, không đề cập gì đến những tiêu chuẩn của pháp trị trong thời đại văn minh. Đã nói đến “Đức trị” thì không thể không nhắc đến cha đẻ của nó là Khổng Tử (551-479 trước CN). Toàn bộ triết thuyết của Khổng Tử là lý thuyết về người quân tử. Theo Khổng Tử, muốn trở thành người quân tử thì phải tu thân, để trở thành người có đạo đức (giống như học tập đạo đức Hồ Chí Minh ngày nay). Vẫn theo thầy Khổng thì đạo là các mối quan hệ mà con người phải biết để ứng xử, bao gồm: đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo chồng-vợ, đạo anh-em, đạo bè-bạn… được gọi là ngũ luân. Đức theo Khổng Tử có ba điều: nhântrídũng. Sau này Mạnh Tử bỏ chữ “dũng” vì sợ bề tôi có “dũng” dễ làm phản nên thay bằng lễ và nghĩa. Đến đời Hán thêm chữ tín thành năm đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… được gọi là ngũ thường. Vì thế mới có câu ngạn ngữ “luân thường đạo lý”. Nói đến “luân thường đạo lý” là nói đến triết lý của Khổng-Mạnh để trị quốc.
Với lý thuyết đức trị đó, lịch sử Trung Hoa và cả Việt Nam đã thăng trầm mấy ngàn năm. Khi vua có đạo đức thì xã hội bình yên, khi vua vô đạo thì lại có cuộc khởi nghĩa đẫm máu để thay vua, thay thế triều đại… cứ thế máu đổ suốt mấy ngàn năm mà lịch sự vẫn giậm chân tại chỗ. Vẫn nghèo đói, u mê. Lý thuyết về chế độ tam quyền phân lập (khởi đầu từ Montesquieu) và dân chủ đa nguyên là một bước tiến vượt bậc của nhân loại. Từ đó, người ta thay đổi một triều đại một vị đứng đầu quốc gia bằng lá phiếu của cử tri, không cần đến máu đổ.
Vậy chọn cán bộ, nhân tài lãnh đạo quốc gia thì trước hết phải chọn cái ghế có độ rung dân chủ. Ai ngồi vào cái ghế ấy, không đủ tài, đủ đức sẽ bị độ rung của cái ghế hất văng ra. Độ rung ấy là thể chế tam quyền phân lập, chế độ đa nguyên, nhà nước pháp quyền, bầu cử tự do, báo chí độc lập… Nếu chỉ chọn cán bộ “không tham vọng quyền lực” và “kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin” như tiêu chí ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra mà không nói gì đến những thiết chế kể trên thì nó mơ hồ đến huyền bí! Nó lại quay về với triết thuyết Đức trị của thầy Khổng mấy ngàn năm trước! Vì thế mà tiến sĩ Tô Văn Trường đã ví, kêu gọi các tiêu chí để chọn lựa cán bộ lãnh đạo như người ta đang làm chẳng khác nào trao bằng “Tiết hạnh khả phong” cho “cô Tư Hồng”!
Lâu lắm tôi mới được đọc một bài viết giàu chất humour như thế. Hay!
L. P. K.
Tác giả gửi BVN.
PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH LÃNH ĐẠO CẤP CAO TẠI VIỆT NAM?
HÒA ÁI/RFA/BVN 19-8-2017

…không ít các chuyên gia chính trị đưa ra lập luận việc ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm mục tiêu giải quyết triệt để cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản…
clip_image002
Giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016. Photo: AFP
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là lần đầu tiên đưa ra những quy định tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Vì sao ban hành?

Truyền thông trong nước và các hãng thông tấn nước ngoài hồi trung tuần tháng 8 đồng loạt đăng tải thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo qui định thì họ phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng và quyết liệt chống tệ nạn quan liêu, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm cũng như không để người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm trục lợi.
Bên cạnh những quy định mới như vừa nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ký ban hành quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên tinh thần cán bộ lãnh đạo phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng và của quốc gia, dân tộc, kiên định với chủ nghĩa Karl Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chính Minh cùng mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Reuters vào ngày 15 tháng 8 dẫn lời của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng quyết định của Bộ Chính trị là một sự cố gắng chống tham nhũng trong một chế độ chỉ có một đảng lãnh đạo và điều này được thực hiện từ khi nhóm bảo thủ trong đảng, vốn xem trọng vấn đề an ninh, chiếm được thế thượng phong từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt lưu tâm với thắc mắc vì sao người đứng đầu Đảng Cộng sản lãnh đạo lại ký ban hành khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ vào thời điểm này. Đài RFA nêu vấn đề với Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng Đại diện Báo Quân đội nhân dân, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và được ông cho biết:
Theo tôi rất bình thường. Bởi vì khi nảy sinh những vấn đề thực tế lãnh đạo của xã hội thì buộc lòng nhà lãnh đạo phải đưa ra các quyết sách hoặc thậm chí đưa ra các quy định mới cho phù hợp. Trong bối cảnh này thì càng phải thận trọng, chọn lọc hay tìm ra những người có thể tin cậy để lãnh đạo thì đây là sự cần thiết, nhất là không để cho những người cơ hội hoặc bè phái đứng trong hàng ngũ lãnh đạo mà không có lợi đối với công tác phòng chống tham nhũng và phải thanh lọc làm sao cho trong sạch nội bộ thì phải chọn đúng người thôi. Ông Trọng trong cương vị Tổng Bí thư thì ông phải làm như thế vì nếu không thì ban lãnh đạo sẽ rối”.
Mặc dù Đại tá Bùi Văn Bồng khẳng định công tác tổ chức và công tác cán bộ phải song song với nhau và gắn liền với việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng trong tình thế thực tiễn, nhưng Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít các chuyên gia chính trị đưa ra lập luận việc ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm mục tiêu giải quyết triệt để cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản mà họ cho rằng đang đến hồi gay cấn. Từ Paris, Pháp quốc, cựu Đại tá Bùi Tín nói với RFA quan điểm của ông:
“Tôi nghĩ rằng thì đây có thể là một thủ thuật chính trị, một mưu đồ của ông Trọng để đi tới việc vận dụng những tiêu chuẩn đó nhằm loại bỏ nhóm này hay nhóm khác đang dự định tranh giành cái ghế Tổng Bí thư mà ông Trọng chỉ muốn duy trì vị trí Tổng Bí thư không những cho đến hết nhiệm kỳ này mà còn sang nhiệm kỳ sau nữa”.

Tác động thế nào?

Trong khi đó, chúng tôi cũng tiếp xúc với người dân khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm hiểu xem họ đón nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng như phổ biến tin tức liên quan rộng rãi đến công chúng như thế nào và được cho biết họ không lấy làm lạc quan vì trong số khoảng 3 triệu đảng viên, thực chất mấy ai đạt đủ tiêu chuẩn đạo đức căn bản “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; trái lại họ càng thất vọng do không có niềm tin rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ bản lĩnh và tài đức để làm trong sạch nội bộ Đảng cũng như dẫn dắt quốc gia trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa mà chính ông từng tuyên bố “đến hết thể kỷ này không biết Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Những người dân mà Đài RFA tiếp xúc còn than phiền rằng dân chúng tại Việt Nam trong những năm vừa qua ngày càng bi quan hơn về viễn ảnh tương lai của đất nước khi bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản cồng kềnh và quan liêu ngày càng lún sâu không những trong tham nhũng tiền bạc, vật chất mà còn tham nhũng quyền lực.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử VTC News, đăng tải vào ngày 15 tháng 8, xoay quanh chủ đề công tác phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đi vào giai đoạn khẩn trương và gấp rút nhất, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhắc lại trong giai đoạn cách nay 10 thế kỷ vào thời kỳ Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước và nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh ông không thể hình dung ra được đất nước sẽ ra sao trong bối cảnh Đảng Cộng sản lãnh đạo xuất hiện tới cả hàng chục, thậm chí trăm “sứ quân” là các nhóm lợi ích.
H.A.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-to-do-to-become-a-high-ranking-leader-in-vietnam-ha-08182017141957.html


TỔNG BÍ THƯ TRỌNG NHỐT ĐƯỢC QUYỀN LỰC VÀ THAM VỌNG ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 20-8-2017
Việc ban hành các quy chuẩn đạo đức nhằm kiểm soát quyền lực phản ánh tư duy cổ hủ, kiến thức lạc hậu, non kém về khoa học quản trị…
Ngày 4-8-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89 và 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu, trong lịch sử Đảng, Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nó thể hiện cái lạ trong lịch sử phát triển tư duy của lãnh đạo Đảng thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Hoặc là nó sáng suốt bất thường, hoặc là nó nhiễm trọng bệnh.
Tham vọng là một thuộc tính tinh thần tự nhiên của con người. Tham vọng là ham muốn vươn tới hoặc đạt tới điều, hay cái mình chưa có hoặc chưa thể có nếu nỗ lực chưa vượt mức bình thường. Tham vọng chính là động lực tự nhiên vượt lên trên chính mình của mỗi cá thể. Chính tham vọng tạo ra các thiên tài. Chính tham vọng tạo ra sức sáng tạo đưa loài người vượt ra khỏi phạm vi của Trái đất.
Nhưng tham vọng là một ý niệm vô hình, không thể tóm bắt hoặc định lượng được nó. Ông Trọng là người lú lẫn, hoặc có niềm tin duy tâm. Bằng cách nào ông xác định được ai có tham vọng và ai không? Tham vọng tới cỡ nào? Tại sao ông sợ những con người có tham vọng, tại sao ông mơ ước tạo ra một cái cũi để ông nhốt, ông kiểm soát tham vọng? Ông muốn xung quanh ông chỉ có những con người không ham muốn, không sáng tạo, những con người chỉ biết nghe và thực hành mệnh lệnh? Tất cả chỉ là những người máy, không thèm khát, không ước muốn. Đấy là tham vọng của ông, và chỉ ông duy nhất được quyền tham vọng?
Ai là người chắp bút viết ra cho ông văn bản quy định này, kẻ đó hoặc ngu dốt, hoặc anh ta biết chắc là ông lú lẫn, hoặc cố ý làm để mọi người thấy đúng là ông lú lẫn. Và nếu ông lại còn tiếp tục làm Tổng Bí thư, thì dân tộc này đi về đâu, đi tới đâu?
Ý tưởng nhốt quyền lực và tham vọng vào khung các quy chế để dễ bề kiểm soát của ông Trọng không biết có từ bao giờ, nhưng ông nói ra lần đầu tiên trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh vào buổi chiều ngày 14/04/2016: “Chủ trương đã có, đã rõ, nhưng thực hiện sao cho đúng, cho hiệu quả, không chủ quan được… Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”.
Đến 30/10/2016 thì cái khung quy chế để “nhốt” đó hiện ra thành Nghị quyết 4 khoá XII, trong đó 27 biểu hiện của “suy thoái đạo đức, tự chuyển hoá và tự diễn biến” lộ nguyên hình và luôn phải bị giám sát như kiểu người tù bị giam trong “chuồng cọp”.
Nhưng Nghị quyết 4 chưa đủ, lần này ông đưa chúng thành các quy định tiêu chuẩn để xét đề bạt và thanh lọc cán bộ. Ông Trọng ký ban hành ngày 4/8, báo chí đồng loạt phổ biến vào 17/8, trong bối cảnh dư luận đang xôn xao sự kiện Trịnh Xuân Thanh vừa bị bắt và đưa về nước, các đại án ngân hàng vào giai đoạn cuối hoàn thiện hồ sơ xét xử. Một loạt các nhân vật quan trọng trên sân khấu chính trị đứng trước đe doạ đối diện vành móng ngựa.
Mọi việc làm của ông Trọng, những văn bản mà ông ký ban hành, những quyết định của Bộ Chính trị, những nghị quyết TƯ, những văn bản của Ban Bí thư mà ông ký ban hành đều chứa đựng một chủ đích, đều hướng tới một đích đến nào đó mà chỉ sau khi nó phát huy hiệu quả, người ta mới nhận được ra. Nghị quyết 244 của Hội nghị TƯ 14 khoá XI không cho phép TƯ đề cử nếu không có sự giới thiệu của Bộ Chính trị, chỉ được biết đến khi đề cử cho ông Dũng tái cử vào vị trí Tổng Bí thư bị tự động vô hiệu, vì ông Dũng đã có đơn xin rút và đã có sự nhất trí cho rút của Bộ Chính trị. Chỉ sau khi kiến nghị không thi hành kỷ luật của ông Đinh La Thăng của Đảng bộ Sài Gòn không có giá trị, thì người ta mới biết Quyết định 46-QĐ/TW, đã được thay bằng Quyết định 30-QĐ/TW tại Hội nghị TƯ 4 khoá XII ngày 14/10/2016, trong đó “TƯ quyết định kỷ luật”, được thay bằng “TƯ quyết định hình thức kỷ luật theo quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị”.
Đây là đòn bồi tiếp, đòn bủa vây, hay lại chuẩn bị dọn đường cho một chuyện gì tiếp theo, trong khung cảnh những kẻ có tham vọng tranh ngôi như ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang đã bị loại, chỉ còn ông Phúc? Như vậy có phải cú đòn “tham vọng” chính là cú đánh nhằm vào ông Phúc? Có nghĩa là theo ông Trọng, thì ông Phúc đã không yên phận với vị trí Thủ tướng, mà còn “tham vọng” thay ông vào ghế Tổng Bí thư? Ông ký ban hành các quy định này là nhằmrăn đe bất cứ kẻ có tham vọng quyền lực nào, để ông yên trí ngồi tiếp?
Người ta không tin là bằng những quy định mới ký này, ông Trọng chỉ có “tham vọng” duy nhất là kiểm soát được tham vọng quyền lực, một chủ đề mà chính trong nội bộ lãnh đạo Đảng đã mất rất nhiều công sức và thời gian tranh cãi.
Việc ký ban hành các Quy định 89 và 90-QĐ/TW này, cho thấy tư tưởng của ông Trọng là dùng đạo đức để kiểm soát, chế ngự quyền lực và lạm dụng quyền lực. Đây là quan điểm cai trị bằng đạo đức, gọi là đức trị theo tư tưởng của Khổng Tử hay đạo Nho Trung Quốc từ cách đây 2500 năm. Ông nói, “người cai trị phải là người đạo (quân tử), làm vua phải sáng, làm tôi phải hiền, vua ra vua, tôi ra tôi”. Nhưng Khổng Tử là người không thích cách mạng, ông không tán thành dùng cách mạng để thay đổi thời thế, cho dù thời thế của bọn hôn quân bạo chúa! Đó là tính chất bảo thủ trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Ông khuyến khích lòng trung thành với chế độ hiện hành, phản đối mọi cải cách. Những kẻ muốn duy trì trật tự hiện tại thì tôn vinh Khổng Tử những kẻ muốn thay đổi trật tự hiện tại thì phê phán Khổng Tử. Học giả Nguyễn Khắc Viện từng nhận xét: “Khổng Tử bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải cách”. Đây chính là con người ông Nguyễn Phú Trọng.
Quyền lực có tính lạm dụng, người sử dụng quyền lực luôn có xu hướng lạm dụng, đó là quy luật thuộc tính của quyền lực, vì vậy quyền được giao bởi một đối tượng có bản tín lạm dụng và quyền được giám sát bởi một đối tượng cũng có bản chất lạm dụng, hệ thống xét xử tội lạm quyền cũng có cùng một bản tính lạm dụng, như vậy sẽ chẳng ở đâu không bị lạm dụng. Lạm dụng quyền lực chỉ có thể khống chế và hạn chế, không thể tiêu diệt.
Quyền lực bản thân nó không phải là đối tượng xử lý mà là hành vi của chủ thể quyền lực sử dụng nó không vì một lợi ích chính đáng. Quyền lực là công cụ, nó phải thích dụng với mọi đối tượng được giao hoặc uỷ nhiệm quyền sử dụng nó.
Như vậy, quản lý hay kiểm soát quyền lực không phải là việc của Đảng mà là của pháp luật. Đảng chính trị có triết lý sống, có quan niệm đạo đức theo văn hoá và triết lý riêng của mình, của nhóm người có cùng triết lý với mình, không phải của tất cả.
Việc ban hành các quy chuẩn đạo đức nhằm kiểm soát quyền lực phản ánh tư duy cổ hủ, kiến thức lạc hậu, non kém về khoa học quản trị, bởi đây là quan niệm Đức trị của thời kỳ phong kiến, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử, trái với Pháp trị.
Giải quyết kiểm soát Công quyền bằng đạo đức là khái niệm Đức trị mang mầu sắc vừa duy tâm, vừa duy lý.
Đức trị có thể có tác dụng trong một xã hội đồng nhất, không giai cấp, mọi thành phần xã hội có lợi ích đồng đều, không có lợi ích đối kháng, không có khác biệt văn hoá và khác biệt tôn giáo. Nhân sinh quan và vũ trụ quan đồng nhất dẫn đến triết lý đạo đức thống nhất.
Trong một xã hội đa nguyên, các khuôn khổ đạo đức được tạo ra trong mỗi cộng đồng riêng rẽ, theo những triết lý khác nhau, vì vậy không nhất thiết giống nhau. Không thể có một tấm gương hay một tiêu chí đạo đức độc nhất. Tiêu chí trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh là khuôn mẫu đạo đức đối với các môn đồ cộng sản, nhưng vô nghĩa đối với các môn đồ đạo Phật và không thể đồng nhất với môn đồ Thiên Chúa giáo cũng như với các đức tin khác.
Đây là giải pháp duy nhất đối với khuôn khổ độc đảng, khuôn khổ quyền lực được phân công bởi sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Nếu là một thể chế dân chủ, thì không thể đưa tiêu chí đảng viên thành khuôn mẫu đạo đức chung của toàn xã hội.
Ở một xã hội hiện đại, khi nhận thức của con người đã đạt tới trình độ phát triển nhất định, thì sinh hoạt xã hội mang tính đa nguyên tự nhiên. Không thể lấy tiêu chuẩn theo khuôn khổ của nhóm người hay tổ chức này áp đặt cho các nhóm người hay tổ chức khác. Những quy định sinh hoạt cộng đồng là những quy ước đạt được thông qua thoả thuận. Những quy ước thoả thuận đó khi được gắn với chế tài thì trở thành luật.
Xã hội được vận hành không bằng nghị quyết, chỉ thị hay sắc lệnh mà bằng pháp luật thì gọi là chế độ Pháp trị. Dưới thể chế chính trị pháp trị, khái niệm đạo đức chỉ mang tính ướng dẫn tinh thần, tốt hay xấu được xác định bằng hành vi vi phạm hay không vi phạm pháp luật, không theo gương của cá nhân nào.
Tuy nhiên, pháp trị, tức là cai trị bằng pháp luật, không bao hàm một cách tự nhiên là tốt hay xấu bởi bản chất của pháp luật phụ thuộc vào quy trình hình thành của bản thân pháp luật.
Pháp luật do nhà vua ban hành và độc quyền ban hành là chế độ pháp trị Quân quyền. Luật do chính nhà vua quy định cho thần dân để cai quản cương thổ của mình. Loại luật pháp này bao gồm các thủ đoạn cai trị và bóc lột. Quyền của con người do luật quy định và bị giới hạn trong phạm vi quy định của luật. Gọi là Pháp trị vương quyền.
Loại luật pháp thứ hai là loại luật pháp do giai cấp thống trị độc quyền lập ra. Bản chất của loại luật pháp này là bảo vệ sự ổn định của chế độ bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền. Tất cả những gì cần để chống lại sự phản kháng của các tầng lớp khác trong xã hội đều được giai cấp thống trị biến thành luật để cưỡng chế dân chúng. Trong nhà nước pháp trị độc đảng, dân chỉ được làm những gì luật pháp do nhà cầm quyền ban hành quy định, bất chấp quyền con người. Gọi là Pháp trị độc đoán.
Chỉ khi nào quyền con người và quyền công dân được xem là khuôn khổ để quy định quy trình hình thành luật pháp, nghĩa là luật pháp do Quyền con người quy định và có mục đích bảo vệ các quyền của con người, thì lúc đó Luật Pháp mới có tính chất duy quyền, và nhà nước hay chế độ chính trị đó mới được gọi là Nhà nước Pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, người dân được làm bất cứ điều gì thuộc về quyền con người đã được thừa nhận, và luật pháp chỉ có chức năng duy nhất là đảm bảo các quyền đó được thực thi.
Như vậy, có Pháp trị Dân chủ đích thực và Pháp trị Dân chủ giả hiệu và chỉ có Pháp trị dân chủ đích thực tức là thể chế cai trị bằng pháp luật, trong đó luật pháp do dân toàn quyền định đoạt, mới được gọi là thể chế Pháp quyền. Nhà nước có thể chế pháp quyền mới được gọi là nhà nước Pháp quyền. Nhà nước không đảm bảo quyền của dân trong quy trình hình thành luật pháp là nhà nước giả hay nguỵ pháp quyền. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình và tự do hội họp là quyền của dân, nhưng Đảng và Chính phủ sử dụng quyền làm luật để ngăn cản không ra luật, biến các quyền của dân thành phi pháp. Đó là chính quyền dùng luật để quy định quyền của dân, không phải dùng quyền của dân để quy định nội dung của luật. Đây chính là sự khác biệt giữa pháp trị và pháp quyền mà chế độ mập mờ đánh tráo khái niệm.
Trong chế độ Pháp quyền, pháp luật có quyền lực tuyệt đối và tối thượng, và để đảm bảo quyền tối thượng của luật pháp, luật pháp bắt buộc phải độc lập với các định chế quyền lực công khác, tức là không chịu sự chi phối hay điều chỉnh bởi Tư pháp và Hành pháp, tức là độc lập với Toà án và Chính phủ. Đó là cơ chế Tam quyền phân lập, không phải là cái thứ “phân công tách bạch về chức năng, nhưng thống nhất về chính trị, chịu sự lãnh đạo thống nhất của Đảng”!
Trong xã hội đa nguyên, nghĩa là xã hội có tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp, nghĩa là tự do Đảng phái, tự do chính trị, thì luật pháp, vì được hình thành trên nền tảng của sự đồng thuận của toàn thể xã hội, trong khi xã hội là tổng thể các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và văn hoá khác nhau, nên pháp luật bắt buộc phải mang tính trung gian, trung lập và phi chính trị. Nếu đã là luật của giai cấp thống trị thì không còn là pháp luật đúng nghĩa nữa, vì khi đó pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và áp bức các tầng lớp yếu thế khác. Đó là lý do hiện nay, tất cả những người dân oan, những người đấu tranh đòi quyền cho dân đều bị coi là vi phạm pháp luật. Cũng là lý do để chính phủ các nước dân chủ không thừa nhận tính cách pháp lý của hệ thống pháp luật Việt Nam, vì vậy mà các hiệp định dẫn độ tội phạm của Việt Nam không được các nhà nước dân chủ đích thực chấp nhận. Trịnh Xuân Thanh bị buộc phải sử dụng biện pháp bắt cóc, vi phạm đạo đức sinh hoạt của nền văn minh nhân loại là vì vậy.
Đảng Cộng sản Việt Nam dưới quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ còn cho ra nhiều nghị quyết, nhiều quy định khác nữa. Nhưng chỉ với quy định hay nghị quyết thì không kiểm soát được gì. Quyền lực và tham vọng lại là thứ không thể kiểm soát được chỉ bằng quy định, hay quyết định mà phải bằng pháp luật, nhưng là loại pháp luật do dân làm ra không phải thứ do Đảng tự chế ra theo ý mình rồi bắt dân gọi là luật.
20/08/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét