Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

20170809. BÌNH LUẬN VỀ QUYẾT TÂM CHỐNG THAM NHŨNG CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
'LÒ ĐÃ NÓNG' VÀ QUYẾT TÂM CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

NHỊ LÊ/ TVN 9-8-2017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Đại đoàn kết
Thông điệp của Tổng Bí thư gửi tới chúng ta: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình tượng rất sống, rất hay và rất thực tế. Nó thể hiện sự kiên quyết không thể gì lay chuyển của ông Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hiện nay. 
Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của ông Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản luận bàn về chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực, nhìn từ những vụ đại án.
Sử sách kể rằng, ở thành cổ đại Athen, khoảng 2500 năm về trước, nếu bất kỳ chính khách nào phạm vào một trong hai tội sau đây thì sẽ bị đuổi khỏi thành 10 năm; và cố nhiên, trong 10 năm đấy, thì không được tham gia vào chính sự. Đó là hai tội tham nhũng và tội hủ hóa trai gái. Điều đó cho thấy, phẩm hạnh một nhà chính trị, ngay từ thời cổ đại, rất được coi trọng; nó quyết định danh dự, uy tín của những chính trị gia và uy tín, sức mạnh của chế độ. Và, vì thế, đã đặt vấn đề chống tham nhũng quan trọng đến nhường nào, trong các đại sự chính trị.
Nom sang phía Đông, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, được xem trọng đặc biệt. Việc nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược… luôn là nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của muôn triều đại, sự liêm sỉ của ức triệu lòng dân nước nhà. 
Bảy trăm năm trước, bàn về việc chọn tướng, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói: Lấy của mà thử xem có giữ được sự trong sạch không. Bỗng nhớ đến “ngũ họa” quốc vong mà tiền nhân tổng kết, cảnh báo khuyên răn có 5 nguy cơ làm mất nước: Một là, trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; năm là, sỹ phu ngoảnh mặt. Nhời tiên báo ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn, cách nay hơn 250 năm. Chỉ phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, thì đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà mất! Ăn cắp của công, ăn trộm chức vụ, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm băng hoại cá nhân mà còn có nguy cơ làm tan tành thể chế.
Nay, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn đạo chích tiền bạc của công nguy hơn chuột đào chân tường; nạn “đạo vị”, nói như Bác Hồ hơn 70 năm về trước là “ăn cắp chức vụ” hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít chốn công quyền… khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa gần”.
Ăn cắp hay nói bây giờ là tham nhũng về vật chất đó là sự ô nhục đã làm bại hoại quốc gia, làm nhục quốc thể, cá nhân thì táng tận liêm sỉ. Tham nhũng về chính trị, về quyền lực sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục rỗng nhân tâm, phá nát lòng tin, làm băng hoại quốc gia. Quyền lực không phải của riêng ai, của nhân dân, nhân dân trao cho những người làm công bộc của dân. Mà nếu bằng mọi thủ đoạn, họ chiếm đoạt nó, biến quyền được giao đó thành quyền sở hữu, nó trở thành mục tiêu hoạt động của họ thì rất nguy hiểm, thậm chí chết cả dân tộc. Khi tiền liên kết với quyền thì tai họa khủng khiếp, khôn mà tiên lượng hậu họa. Bởi nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là lòng dân, là sự sinh tử của dân tộc, là vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia.
Thế nên đặt vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, ở mọi thời và muôn đời vốn không bao giờ cũ. Tham nhũng đã tích tụ từ rất lâu rồi, đủ phương diện, hình thái, đủ mức độ và vô cùng nguy hiểm về tính chất. Chúng ta, nếu không kiểm soát được, không khắc chế triệt để, thì mọi thứ chết người, theo đó, sẽ bung ra ngay. Những vụ đại án Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê… vừa qua là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Mầm mống của những “liên minh ma quỷ”, theo đó, mà mọc ra, mà phát tác và lũng đoạn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao thượng tôn pháp luật. Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại. Từ cơ chế kiểm soát thì sẽ có cơ chế phát hiện, cơ chế khắc trị… và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn!
Lâu nay, vấn đề mà Đảng ta đang rất suy tư là, làm thế nào để có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt. Kỳ thực rường cột của nó, nói cụ thể, là ván đề quyền lực và trách nhiệm được thực thi và vận hành với bảo bối: dân chủ và pháp trị. Kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vụ đại án trong năm 2017 vừa qua kỳ thực đã tích tụ từ lâu, bằng cơ chế kiểm tra, kiểm soát dân chủ và minh bạch trong nhiều năm qua, bây giờ mới bộc lộ ra. Vì thế, có thể nói, chống tham nhũng lúc này, cần tập trung làm tốt trước mắt, hai lĩnh vực rất căn bản, đó là gắn chặt đức trị và pháp trị. Đại hội lần thứ XII của Đảng quyết định rất quan trọng, lấy vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn bộ phận cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những vấn đề trong quy luật xây dựng Đảng kiểu mới chứ không phải đơn thuần mang tính lý thuyết. Trở đi trở lại, khi lời răn đạo lý chưa đủ mạnh, khi đạo đức chưa đủ lay chuyển thì ắt pháp lý phải ra tay, nhất định các đạo luật phải được toàn dụng.
Ngày xưa, các cụ nói: Sát nhất nhân vạn nhân kỵ. Đó là hạ sách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói, xử một người đau lòng lắm, nhưng cũng phải kỷ luật thôi, vì nhiều người khác. Tôi nghĩ, chống tham nhũng không khác gì đứng giữa bầy sói. Khi những “con sói đói khát quyền lực”, “đói khát tiền bạc” lũng đoạn, hoành hoành, mà đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển, thì dứt khoát kim đao phải tất được dụng thôi. Hợp với nhẽ thường. Đấy là nhân văn nhất, đấy là đạo đức nhất; đấy cũng là dân chủ và kỷ cương nhất.
Giờ, không phải bàn thêm về quyết tâm của Tổng Bí thư. Mà vấn đề cần nói hơn đó là, làm gì và thế nào để chuyển quyết tâm ấy thành quyết tâm và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên và đồng bào. Quan trọng nhất là, đó chính là sự quyết tâm và hành động của 11 triệu cán bộ, viên chức trong bộ máy, của gần bốn triệu đảng viên, của 116000 tổ chức Đảng, của 63 tỉnh thành kết tinh trực tiếp ở 63 người đứng đầu cấp ủy và những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn thể hệ thống chính trị nước nhà… Và, cũng phải hỏi, còn có ai trong đội ngũ ấy nghễnh ngãng, thờ ơ, chiếu lệ cho phải phép, rồi “nghe ngóng tùy thời”, “chọc gậy xuống nước” hoặc “a dua chiếu lệ”, “hò voi bắn súng sậy” không?! Đấy chính là sự đồng lõa với sai trái, với tội phạm!
Có một dịp, vinh dự được trao đổi với Tổng Bí thư. Ông nói, cần phải giữ vững sự ổn định. Tôi thưa rằng, ổn định lúc này là phát triển, phát triển là đẳng cấp của ổn định, ổn định lúc này là phải hành động. Ông hỏi: Cụ thể như thế nào? Tôi thưa: Chúng ta cần lựa chọn một số việc mang tính chất đột phá, có khả năng làm rung động toàn bộ hệ thống: cải cách bộ máy và chống tham nhũng. Sao nữa? Phương châm là, đề cao dân chủ, cổ vũ đức trị và tôn vinh pháp trị. Đấy là cả một nghệ thuật chính trị. Và, để thực hiện nó, phải với bản lĩnh chính trị rất cao, một quyết tâm đến cùng, một lộ trình phù hợp và cổ vũ một lực lượng chính trị nhân dân đông đảo. Không có những điều đó, rất khó thành!
Thông điệp của Tổng Bí thư đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là sự kết tinh, thể hiện tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông. Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy! Và, càng tin rằng, không ai cản được, khi Lòng dân đã dậy sóng, đang làm Gió thổi lò, với quyết tâm: “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”.
Nhị Lê
VIỆC TRỊNH XỬ THẾ NÀO ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 9-8-2017

Cứ theo những tư liệu mà phía Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, thì việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là không thể chối cãi – «Bộ Ngoại giao Đức có đầy đủ bằng chứng».
Nếu tự thú, Trịnh Xuân Thanh chỉ mất khoảng 25 phút từ khách sạn, nơi ở, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin để khai báo và sẽ được bảo vệ và săn sóc, không phải lặn lội vượt biên phi pháp, và phải «ném chiếc điện thoại vào bụi rậm» trước khi «đi».
Việt Nam không ra mặt thừa nhận, nhưng cũng không bác bỏ. Theo tập quán hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội, thì không bác bỏ, có nghĩa là ngầm xác nhận.
Tuy vậy, thái độ chính thức của Chính phủ Việt Nam cho đến nay chỉ là lời phát ngôn có tính nước đôi của bà Lê Thị Thu Hằng, mặc dù tuyên bố trước báo giới với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao, nhưng lại lấp lửng như phát ngôn cá nhân: «Tôi lấy làm tiếc» chứ không phải «chúng tôi lấy làm tiếc»?!
«tiếc» cái gì? Tại sao lại lấp lửng như vậy? «tiếc» vì những «quy kết thiếu chính xác của Bộ Ngoại giao Đức»? Hay «tiếc» vì các «cơ quan cấp dưới của chúng tôi đã có những hành vi không chuẩn mực và có lỗi với luật pháp Đức»?
Đây là một chiến thuật thường vẫn thấy được áp dụng bởi các nhà ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc, một loại mẹo vặt «phi ngoại giao» truyền thống. Hiểu thế nào cũng được. Trả lời mà không trả lời, tuỳ tình hình và diễn biến tiếp theo, sẽ ứng với cái «tiếc» nào.
Trong lời phát ngôn của bà Hằng cũng có ý để cửa thoát: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức”. Và «Việt Nam đang tiến hành điều tra».
Điều này có nghĩa là Việt Nam biết và Việt Nam không hy sinh mối quan hệ chiến lược với Đức chỉ vì chuyện bắt cóc hay không bắt cóc. Nhưng công việc cần thời gian «điều tra». Và Việt Nam đang điều tra! Trong thời gian điều tra, Việt Nam sẽ im lặng. Mọi phát ngôn dù là trên trên báo chí chính thống chỉ là ý kiến cá nhân.
Nói tóm lại, Việt Nam đang cố tình để cho mọi chuyện lắng xuống. Kinh nghiệm cho thấy, giữa lúc dư luận ầm ĩ, Chính phủ không bao giờ để lộ chính kiến, chỉ khi mọi sự tranh luận đã ngã ngũ, mọi bức xúc như đã được xẹp xuống, đã «cãi nhau chán rồi», khi đó chính quyền mới chính thức ra mặt.
Trong thời gian này, mọi việc sẽ được huy động vận hành hết tốc lực: cơ quan ngoại giao bằng mọi nguồn, mọi biện pháp xoa dịu, tranh thủ và thuyết phục phía Đức giữ được im lặng, tránh những phát ngôn gay gắt. Mọi việc rồi sẽ được giải quyết đúng như ý muốn của Đức, nhưng không ngay lập tức. Có nghĩa là, Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa trở lại Đức, nhưng sau khi hồ sơ vụ án PVN đã được hoàn tất từ sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh và việc giàn xếp nội bộ đã hoàn thành, tức là trong lãnh đạo đã quyết định được việc thí mạng ai, thí uy tín của ai, của những ai, theo nguyên tắc giữ cho uy tín của đảng và chính phủ không bị sứt mẻ. Một kịch bản có thể phải được cả phía Đức chấp nhận, để việc bắt cóc không thuộc trách nhiệm của những nhà lãnh đạo Việt Nam.
Và sẽ có một, hay vài nhân vật nào đó đứng ra nhận hết lỗi về mình. Vì vậy, việc những tay bồi bút, những dư luận viên, những kẻ đang lợi dụng tình huống để tâng công, khoe lòng mẫn cán, chỉ làm hại cho đảng, chặn mất lối quay đầu của đảng.
Tóm lại, việc khó nhất bây giờ là việc thuyết phục được những «con dê» tự nguyện hy sinh làm vật tế thần. Trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phải hiếm những chuyện vận động tương tự. Đảng sẽ động viên, cổ vũ lòng dũng cảm, đức hy sinh cao thượng, «đảng và nhân dân sẽ đời đời biết ơn». Những «con dê» này sẽ được lặng lẽ vinh danh và được hứa đảm bảo suốt đời.
Đến bây giờ chưa có tin tức gì về chuyện ai, Tổng cục II, Quân đội hay mật vụ của Cảnh sát kinh tế C46, Bộ Công an là tác giả của vụ bắt cóc, hay là sự phối hợp của cả hai? Người của Tổng cục II có mặt trên khắp thế giới, không có gì lọt qua mắt, nhưng vụ việc lại thuộc trách nhiệm chính trị được phân công của Bộ Công an.
Trịnh Xuân Thanh bị đưa về tới Việt Nam ngày 25/07, mãi tới ngày 31/07 mới ra trình diện tự thú. Từ ngày 25 tới ngày 31/07, Trịnh ở đâu, gia đình Trịnh tại 24 Ciputra «không biết gì», «Anh Thanh không có về nhà». Ngày 31/07, ông Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vẫn khẳng định, «tôi không có tin gì». Như vậy là cấp dưới không báo cáo một sự kiện hết sức nghiêm trọng này cho ông? Hay thực sự ông Thanh bị giam giữ ở nơi khác cho đến khi ông bị thuyết phục chấp nhận tự thú, mới tìm đến Ban thường trực Bộ Công an khai báo? Và mãi tới ngày 7/08 mới bị Bộ Công an «bắt tạm giam phục vụ điều tra»?
Cái «nơi khác» ấy, ngoài Công an, chỉ có Quân đội.
Và nếu ông Tô Lâm vẫn được xem là người của Chính phủ, thì chưa biết chừng ông bị Tổng cục II «chơi», vì ai cũng biết ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch chỉ theo Đảng.
Sáng ngày 23/06, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến Quân đội sẽ ngưng làm kinh tế. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng , Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu: «... quân đội sẽ thôi làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. Đây là quan điểm của Thủ tướng».
Hai ngày sau, Bộ Quốc phòng lập tức phản ứng bằng cách tổ chức toạ đàm, dẫn ý kiến của những cựu lãnh đạo coi «Quân đội làm kinh tế là làm nhiệm vụ chính trị».
Sau đó, đích thân ông Ngô Xuân Lịch ngày 7/7/2017, thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel: “Thời gian tới, trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và tốt hơn nữa, phấn đấu làm sao có hai, ba, nhiều Viettel nữa. Chứng minh rằng chủ trương xây dựng các DN quân đội của Đảng là đúng đắn. Quân đội do đảng trực tiếp lãnh đạo, dứt khoát không để bất kỳ kẻ nào giật dây, điều khiển Quân đội”.
Nếu ông Tô Lâm thực sự không biết chuyện Trịnh bị bắt cóc, thì hẳn là ông Ngô Xuân Lịch phải biết. Mà ông Ngô Xuân Lịch sinh hoạt cùng chi bộ đảng do ông Trọng làm bí thư, ông Trọng lại là người lãnh đạo trực tiếp quân đội, thì ông Trọng hẳn phải biết. «Không ai có thể giật dây, điều khiển được quân đội» ngoài Đảng. Thế thì ai mới đích thực là thủ phạm của vụ bắt cóc? Nước Đức liệu có biết điều này không?
Lò đã nóng thì cả Tổng Bí thư cũng cháy, chẳng phải chỉ những kẻ suy thoái, tự diễn biến.
08/08/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét