Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

20170802. QUANH VỤ TRỊNH XUÂN THANH RA ĐẦU THÚ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢNH SÁT ĐỨC ĐANG ĐIỀU TRA VỤ BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH ĐƯA VỀ VIỆT NAM
THỜI BÁO.DE 1-8-2017
Tờ TAZ, nhật báo Đức phát hành toàn liên bang Đức, số ra Thứ tư ngày 02/08/2017 (ấn bản in) đã đăng bài tường thuật về vụ Trịnh XuânThanh bị bắt cóc ngay giữa trung tâm Berlin. 
Cảnh sát Đức đang điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về  Việt Nam

Bài tường thuật được giới thiệu ngay đầu Trang nhất tờ báo TAZ với chú thích „cảnh sát Đức đang điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Bài tường thuật được đăng ở trang 6 chuyên mục „Tin nội địa“ với tựa đề „Ông Thanh xuất hiện trở lại“.
Dưới tựa đề là là hàng tít „VỤ VIỆC Ngay giữa thủ đô Berlin mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một cựu cán bộ bị thất sủng. Có những nhân chứng và cảnh sát đang điều tra.

Ảnh chụp bài tường thuật của nhật báo TAZ
Điểm đáng lưu ý trong bài báo, ông Winfrid Wenzel, phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, nói với báo TAZ: „Chúng tôi đang điều tra vì tình nghi vviệc bắt cóc và cưỡng ép bắt người“. Ông Winfrid Wenzel còn nói thêm: "Chúng tôi cho rằng ông Thanh hiện ở Hà Nội. Các nhân viên điều tra không rõ, bằng con đường nào ông ta đến đó. Bằng chứng tối hậu vẫn chưa có“.
Báo TAZ cũng đã hỏi Công tố viện Berlin nhưng phát ngôn viên, ông Martin Steltner, không muốn tiết lộ vì tránh làm trở ngại cho cuộc điều tra đang tiến hành.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài tường thuật của nhật báo Đức TAZ (ấn bản in):
Ông Thanh xuất hiện trở lại
VỤ VIỆC Ngay giữa thủ đô Berlin mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một cựu cán bộ bị thất sủng. Có những nhân chứng và cảnh sát đang điều tra.
Những người đàn ông vũ trang, thuộc mật vụ Việt Nam, đã bắt cóc một người Việt Nam vào ngày 23/07/2017. Trưởng Phát ngôn viên của sở cảnh sát Berlin ông Winfrid Wenzel đã phát biểu về việc này với tờ TAZ: „Chúng tôi đang điều tra vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.“ Chi tiết thêm sẽ được biết qua Văn phòng báo chí của Công tố viện Berlin.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan này, ông Martin Steltner, không muốn phát biểu. Nhưng đài BBC và truyền thông mạng Việt ngữ ở Berlin đã đưa tin, có những nhân chứng độc lập người Đức đã nhìn thấy vụ bắt cóc và xác nhận với cảnh sát. Theo những lời tường thuật của nhân chứng, nạn nhân 51 tuổi này đã bị lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.
Vào thứ Hai tuần này, nạn nhân bị bắt cóc, Trịnh Xuân Thanh, đã tái xuất hiện ở Hà Nội. Người đàn ông đang bị truy nã ở Việt Nam, theo báo chí nhà nước, đã tự nguyện đầu thú với các cơ quan điều tra ở đó. Trưởng Phát ngôn viên của cảnh sát Berlin ông Wenzel cho biết thêm: „Ngay cả chúng tôi cũng cho rằng người đàn ông này đang ở Hà Nội. Các điều tra viên không rõ ông ta đã đi bằng đường nào đến đấy. Bằng chứng tối hậu cho điều này vẫn còn để ngỏ.“ Truyền thông nhà nước ở Hà Nội đã không đưa ra hình ảnh mới nhất nào của ông Thanh.
Các nguồn tin từ Hà Nội không nói gì về một vụ việc bắt cóc. Nhưng truyền thông nhà nước đã đưa tin từ tháng Tư, mật vụ đang truy nã người này trên bình diện quốc tế. Lệnh bắt giam ông Thanh đã có từ tháng Chín. Mặc dầu đã gửi lệnh này đến Cảnh sát châu Âu (Europol), nhưng theo thông tin của báo TAZ, những điều tra viên ở Đức đã không truy nã ông Thanh. Cáo buộc „vi phạm pháp luật Việt Nam“ thì quá mơ hồ.
Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức chính trị ở Việt Nam. Ông ta từng giữ chức Chủ tịch Tổng công ty xây dựng thuộc Tập đoàn dầu khí nhà nước Việt Nam, một doanh nghiệp về kỹ thuật khai thác dầu mỏ, Phó chủ tịch một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Ngoài ra, ông này còn là đại biểu Quốc hội. Từ đầu thập niên 1990, trong khoảng giữa lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, ông này đã sinh sống một thời gian ngắn ở Đức, đã đệ đơn xin tỵ nạn, nhưng rồi đã tự nguyện hồi hương.
Hồi tháng Chín 2016 Trịnh Xuân Thanh bị thất sủng ở Hà Nội. Ông ta mất toàn bộ các chức vụ và bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng. Ông ta bị bắt nộp lại tất cả mọi tưởng thưởng bằng hiện kim hay những ban tặng bằng hiện vật. Ông đã bị giới lãnh đạo chóp bu khai trừ vắng mặt ra khỏi đảng Cộng sản – không có lá phiếu phản đối. Khi đó ông không bị bắt giam, vì ông ta đã đi ra nước ngoài – đến một nơi nào đó không rõ, như truyền thông Việt Nam đưa tin.
Cuộc điều tra quan chức này được bắt đầu, sau khi ông Thanh bị chụp ảnh đi chơi riêng bằng một chiếc xe hơi sang trọng mang bảng số nhà nước hồi tháng Chín năm ngoái. Điều này ở Việt Nam, nơi mà tham nhũng và lạm dụng chức quyền rất phổ biến, cũng chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, rõ ràng là ông Thanh đã trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: Thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Ông này ra lệnh điều tra doanh nghiệp dầu khí, qua đó lòi ra việc biển thủ lên đến mức hàng triệu, theo những tường thuật của truyền thông Việt Nam. Điều này không lạ ở Việt Nam. Trong Chỉ số tham nhũng toàn cầu của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng hạng 112 trong số 168 nước. Trong khi ông Thanh trốn tránh ở nước ngoài, thì ba đồng phạm đã bị đưa ra Tòa ở Việt Nam.
Đó là một lối diễn giải. Một cách diễn giải khác được ông Thanh đích thân kể với một Blogger người Việt ở Berlin rằng trong nội bộ đảng Cộng sản, ông là người phát ngôn cho một phe nhóm mà đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng. Đó cũng là người luôn thúc giục việc khẩn trương truy bắt ông Thanh trong thời gian từ lúc ông biến mất cách đây 11 tháng cho đến nay khi tái xuất hiện ở Việt Nam.
Như ông Thanh đã viết trên Blog, ở nước ngoài ông ta muốn khai toạc và phanh phui những cơ cấu quyền lực ở những giới tối cao trong đảng và chính phủ. Địa phương, nơi ông muốn làm điều đó và là nơi ông đệ đơn xin tỵ nạn chính trị, được giữ bí mật. Nhưng ông Thanh đã không cẩn thận đủ. Mùa Thu năm ngoái, ông ta đã bị chụp ảnh trong một công viên. Trên một trong những tấm ảnh có những phần của một pho tượng và một nhà mát được nhận ra. Những độc giả người Việt đã tìm ra được pho tượng và nhà mát này là trong công viên Treptow ở Berlin. Vậy là mật vụ chỉ cần truy tìm ở Berlin để bắt ông Thanh.
Việc bắt cóc do mật vụ nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Đức dường như đã lôi Bộ Ngoại giao vào cuộc. Tuy nhiên, cơ quan này tuyên bố với tờ TAZ: „Chúng tôi không có thông tin riêng của mình“./.
Hiếu Berlin - Thoibao.de (Biên dịch)

ÔNG TRỊNH XUÂN THANH RA ĐẦU THÚ HAY BỊ BẮT?
 VOA 1/8/2017
Các luật sư nói rằng những thông tin mà chính phủ Việt Nam tung ra, nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú là thông tin mâu thuẫn, khó hiểu. Các chuyên gia pháp lý nói họ mong Việt Nam nên minh bạch thông tin vụ việc này để ‘không xúc phạm người dân.’
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu phó Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với VOA:
“Tin này nghe rất mâu thuẫn về mặt pháp luật khi Việt Nam đưa tin. Nhiều tin trái qua, trái lại nghe rất khó hiểu.”
Hôm 31/7, một thông báo của Bộ Công an Việt Nam loan tin ông Trịnh Xuân Thanh, một người đang bị truy nã, “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.”
Luật sư Thuận nói rằng một khi đã bị truy nã đặc biệt thì không thể có chuyện người bị truy nã đang ở nước ngoài về lại Việt Nam, đi ngang nhiên giữa thủ đô Hà Nội mà không bị bắt, vì bắt cứ công dân nào cũng có thể bắt ông, chưa kể tới lực lượng công an:
“Có người cho rằng ông này đi từ nước ngoài về, có người nói ông bị bắt ở nước ngoài và bị dẫn về. Nếu ông tự đi từ nước ngoài, làm gì một người bị truy nã lại có thể đi lại giữa thủ đô, và đến đầu thú tại Bộ Công an. Nghe tin này lạ tai lắm. Nếu ổng bị truy nã thì người ta bắt chứ làm sao có chuyện ra đầu thú.”
Mặc dù có nhiều tin đồn đại, hiện vẫn chưa biết rõ ông Thanh đã trốn ở nước nào hay những nước nào từ tháng 8 năm ngoái.
Luật sư Trần Quốc Thuận nói ông có nghe một giả thuyết là ông Thanh bị bắt khi đang đi dạo trong một công viên ở Đức, rồi sau đó ông được đưa về Việt Nam.
Báo mạng Thờibáo.de Việt ngữ tại Đức có bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã "bị bắt cóc" tại Berlin vào ngày 23/7 và sau đó bị đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, VOA chưa kiểm chứng được nguồn tin này.
Hôm Chủ nhật 30/7, có nhiều thông tin lan rộng trên mạng xã hội nói rằng ông Thanh “đã bị dẫn độ về nước,” nhưng phía chính quyền lúc đó vẫn im tiếng.
Chia sẽ quan điểm với luật sư Trần Quốc Thuận, luật sư Lê Quốc Quân nói rất khó tin việc ông Thanh ra đầu thú:
“Tôi nghĩ rằng việc báo chí Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh trở về ra đầu thú với cơ quan an ninh là một trò trẻ con, một tin trẻ con – thực sự xem thường nhận thức của nhân dân Việt Nam và thể hiện sự lạc hậu của nền báo chí. Vì một người đang bị truy nã quốc tế thì không thể đang ở nước ngoài lại đi đầu thú ở Việt Nam. Nói rằng tự ra đầu thú ở Việt Nam là cách nói lấy được và điều đó hoàn toàn không ai tin. Người dân nghe tin này cũng bị xúc phạm: đã bị truy nã thì sao qua được biên giới! đã truy nã thì thấy đâu phải bắt đó chứ!.”
Luật sư Quân không tin có việc Đức dẫn độ ông Thanh về Việt Nam:
“Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng Đức đã dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, bởi vì dẫn độ thì Đức phải công khai, ông phạm tội gì, lý do gì, và dẫn độ theo những yêu cầu nào, yêu những quy định nào của LHQ.”
Hôm 31/7, Blogger ‘Người Buôn gió’ tức Bùi Thanh Hiếu từ Đức viết trên Facebook: “Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là câu chuyện vớ vẩn mà báo chí Việt Nam bịa ra, sở dĩ phải làm thế để che đậy vụ bắt người trái pháp luật ở nước khác..… Các luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức đang trình lên chính phủ Đức việc nhà cầm quyền Việt Nam dùng vũ lực bắt cóc người tại Đức, có thể khả năng sẽ xảy ra một vụ rạn vỡ quan hệ ngoại giao Việt-Đức.”
Blogger Bùi Thanh Hiếu viết: “Những người bạn của anh ta, bao gồm cả luật sư người nước ngoài, đều khẳng định anh ta không thể bị bắt ở nước Đức này, họ đã xem xét hết mọi điều luật…Không áp lực nào có thể đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam khi chưa có lệnh toà án Đức.”
Theo VNExpress, Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Vào tháng 9/2016, ông Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gần 3.300 tỉ đồng (khoảng 147 triệu đôla), và dính líu trong một vụ bê bối lớn về bất động sản ở Hà Nội.
Một tháng trước khi bị khởi tố, ông Thanh “biến mất,” và Việt Nam phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.
Sau khi gây thua lỗ ở PVC, ông Thanh vẫn tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng. Sau đó, ông được chuyển làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Luật sư Thuận nói rằng chính quyền Việt Nam phải minh bạch thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh:
“Các cơ quan chức năng phải công khai cho mọi người biết trong thời gian vừa qua Trịnh Xuân Thanh đã ở đâu, làm gì, có ở nước ngoài không? Nếu ở nước ngoài thì làm sao ra nước ngoài được, làm sao đưa về nước được, làm sao ông đi qua đi lại mà không bị phát hiện? Tại sao có lệnh truy nã nhưng sao không bắt? Tất cả những điều này rất mâu thuẫn và khó hiểu. Người ta thấy rất lạ. Trong thời kỳ thông tin minh bạch, mong rằng các cơ quan chức năng sớm nói rõ ra.”
Câu chuyện về ông Trịnh Xuân Thanh tại thời điểm này hãy còn nhiều bí ẩn.
Hôm 1/8, VietnamNet trích lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nói rằng: “Interpol cũng truy nã, giúp Việt Nam bắt được” Trịnh Xuân Thanh.
Theo ông Cương, ông Thanh không “đơn thương độc mã, phải có một lực lượng che chắn phía sau,” và “từ sai phạm của Trịnh Xuân Thanh sẽ thể hiện sai phạm của một loạt cán bộ liên quan.”
Ông nói muốn làm rõ điều này, cần sự trung thực từ Trịnh Xuân Thanh và cái tài của cơ quan điều tra.

KHÔNG PHẢI ĐẦU THÚ MÀ ÔNG THANH 'BỊ MẬT VỤ VN ' BẮT CÓC TẠI ĐỨC

SPUTNIK 1-8-2017
Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin sau gần một năm trốn truy nã, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam đã ra đầu thú.
Chiều 31/7, Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.Trịnh Xuân Thanh không trốn theo đường chính ngạch
Liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, tại cuộc tiếp xúc cử tri ở TP Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2016, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nói rằng sở dĩ Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài là do khi đó các các cơ quan chức năng mới bắt đầu kiểm tra những hành vi có dấu hiệu phạm tội của ông ta.
Tại một cuộc họp báo cuối năm 2016 do Bộ Công an tổ chức, một lãnh đạo đại diện Tổng cục cảnh sát chia sẻ, qua rà soát cho thấy Trịnh Xuân Thanh không bỏ trốn theo con đường chính ngạch. Cơ quan này đã phối hợp với lực lượng Interpol phối hợp truy bắt kẻ đang mang lệnh truy nã.
Theo trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an cho biết một số tổ chức quốc tế như Interpol, Europol, Aseanpol và công an các nước như Nga, Mỹ, Canada, Đức, Trung Quốc… cũng vào cuộc hỗ trợ Việt Nam truy bắt tội phạm lẩn trốn.
Với nghi vấn thông tin có thể bị lộ lọt khiến Trịnh Xuân Thanh kịp bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định:
"Bộ đã xem xét, kết quả cho thấy không có việc đó".
Trả lời cử tri TP.HCM về vấn đề nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bỏ trốn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Trịnh Xuân Thanh dù có trốn đi đâu cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật.
"Trước đây từng có một số trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt. Có trường hợp bỏ trốn 5 — 6 năm, cuối cùng cũng bị bắt, đưa về xét xử", Chủ tịch nước nói.
Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội), có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị.
Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và được HĐND tỉnh này bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5/2015, ông Thanh là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí.
Nhưng một số hãng tin nước ngoài có loạt bài viết về chủ đề này lại cho rằng không phải ông Trịnh Xuân Thanh đã tự mình ra đầu thú, mà "bị bắt cóc".
"Sáng Chủ nhật, ngày 23.7.2017 tại Berlin, lúc 10 Giờ 30 trong lúc đang đi dạo ở công viên Tiergarten (vườn thú) ở Berlin, ông Trịnh Xuận Thanh cùng 1 nữ cán bộ Bộ Công thương đã bị nhóm đối tượng người Việt Nam có trang bị vũ khí xông tới, dùng vũ lực khống chế bắt cóc đưa lên một chiếc xe đợi sẵn để chở thẳng sang một nước châu Âu có chung đường biên giới với Đức.
Nhận được tin, An Ninh Đức lập tức vào cuộc để điều tra nhóm người gốc Việt có vũ trang này và các hoạt động của họ trong thời gian vào Đức và châu Âu.
Nhân chứng người Đức có mặt tại thời điểm đó cũng cho chúng tôi biết thêm về diễn biến khi ông Trịnh Xuân Thanh và người nữ cán bộ nữ bị bắt cóc.
Được biết, ông Trịnh Xuân Thanh đang được Chính quyền Đức bảo hộ lưu trú hợp pháp và đã có lịch hẹn sáng 24.7 làm các thủ tục pháp lý tiếp theo ở Sở lưu trú Berlin, CHLB Đức.
Phía Đức thông báo, chỉ ít giờ nữa họ sẽ ra thông cáo báo chí về vụ này. Việc cho người mang theo vũ khí xâm nhập trái phép lãnh thổ Đức để bắt cóc cá nhân đang sống hợp pháp tại đây sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức cùng liên minh châu Âu.
Nhiều báo lớn của Đức và châu Âu đang chuẩn bị lên bản tin đặc biệt về vụ việc bắt cóc người ngay tại Thủ đô Berlin, nơi đặt cơ quan đầu não của Chính phủ Đức và đại diện của hàng trăm nước cùng các tổ chức khác nhau trên thế giới.
Đức và Việt Nam cho đến thời điểm này chưa hề có Hiệp định dẫn độ song phương, đồng thời Đức đang là một thành viên chủ chốt trong khối NATO sẽ có hành động thích hợp về vụ việc nghiêm trọng này".

http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11310/trinh-xuan-thanh-da-bi-viet-nam-bat-coc-tai-duc-vao-sang-chu-nhat-23.7.2017-o-berlin-.htm
http://thoibao.today/paper/trinh-xua…berlin-2236036
Nguồn: Tổng hợp
TRỊNH XUÂN THANH BỊ BẮT DO ĐÂU?
FB MẠNH QUÂN/ BVB 1-8-2017
Nhiều người hỏi tại sao bắt được Trịnh Xuân Thanh: Có người bảo do bị “bắt cóc”, do mấy thằng VN giữ hộ đồ bên Đức “chỉ điểm”, do mấy anh an ninh Vn quá giỏi … loạn hết cả lên. Thực ra, mình nghĩ trật lất hết.
Trịnh Xuân Thanh còn có biệt hiệu là Thanh “loe”, hoặc Thanh “Giới”, gọi theo tên ông thân sinh là cựu Phó ban Dân vận Trung ương. Gọi là “loe” vì cha này thực cũng loại ngông nghênh, phổi bò, cái gì cũng bô bô, phun hết ra đằng mồm… Từ lúc chức quyền còn nhỏ ở PVC cho đến sau này, khi thất thế, bị mất hết các chức vụ rồi, Thanh vẫn chứng nào tật ấy.
Có lần, Thanh “loe” vừa bị tước mất chức vụ Đại biểu Quốc hội mới được bầu (vụ này, Thanh làm cỗ to lắm trên Biệt thự Mai Chi đứng tên Công ty của bố ở Tam Đảo, thực chất chính là nhà của Thanh, mời khá nhiều quan khách có chức vụ không hề nhỏ, đãi tiệc: Thủy quái sông Đà để khao), nhưng cũng chưa biết sợ là gì.
Mấy hôm sau, khi đi chơi golf với đám bạn, ngồi trên xe ra sân, thấy mấy tay chơi cùng xúm lại hỏi han vụ bị kỷ luật ra, Thanh vẫn còn lớn tiếng, vỗ ngực: Ơ hơ, tao đéo sao!
Lúc đó, một anh bạn của Thanh ghé vào tai “loe” nói: Chết mẹ mày đi, ngoảnh lại đằng sau đi con?
Thanh giật mình quay lại, thì chỉ cách Thanh 2 hàng ghế ngồi, là một ông có chức tước cũng khá, đang trong đoàn kiểm tra, xử lý Thanh, mặt lạnh te không nói gì. Thanh tái mét mặt nhưng muộn rồi.
Ngay sáng hôm sau, Thanh nhận văn bản kỷ luật thứ 2, tước hết các chức vụ còn lại. Và từ đây, Thanh bán tài sản, bỏ trốn… rồi như mọi người đã biết.
Thanh vô thần, vô thánh ai cũng biết. Hồi sau Tết, tôi đã kể câu chuyện: Thanh đi cùng đoàn do ông Vũ Huy Hoàng làm trưởng đoàn dẫn đầu đám tùy tùng thân cận đi lễ đền Trần. Ông Vũ Huy Hoàng cứ thắp hương khấn, sờ vào con linh vật gì trong đền: hạc, rùa…là cả bọn sấp ngửa, bắt chước cầu may. Duy có Thanh cười khẩy, khoanh tay đứng nhìn.
Ông Hoàng trợn mắt, Thanh nhăn nhở: Dạ, mọi người thờ thần, thờ thánh, nhưng em chỉ thờ Bộ trưởng, Bộ trưởng như thần, phật sống của em, Bộ trưởng chỉ cần phát cho em 1 tờ A4 là nhà em đời đời ấm no. Em còn phải thờ ai nữa ?
Cựu Bộ trưởng tuy chửi: Mày chỉ nói láo, nhưng trong lòng cũng sướng, quay đi. Mấy hôm sau, ông ký văn bản cho Thanh thuyên chuyển vào làm PCT Hậu Giang theo đề nghị của tỉnh Hậu Giang.
Sang Đức chưa được mấy bữa, cái tính loe toe không chữa được, Thanh lần mò, tìm tới Hiếu “Gió” để nhờ thông tin, nêu quan điểm chính trị … xóa nỗi ấm ức cho Thanh ở cố như Hiếu “Gió” viết trên bản kiểm điểm trước cộng đồng FB hôm nay. Có biết đâu là chính vì cái sự loe toe đó, cơ quan an ninh VN càng thấy phải truy bắt Thanh về quy án…
Đời Thanh “giới” chết vì cái mồm “loe” đã đành, nhưng những kẻ không biết nhìn người: Từ anh #, Vũ Huy Hoàng đến Hồ Kim Thoa, đến mấy ông ở tỉnh Hậu Giang… đều “chết” lây, có người tiêu tán sự nghiệp, mất hết chức vụ, danh vọng vì cái tính ngông nghênh, bốc đồng của Thanh. Ngay cả các cô bồ của Thanh, con gái đại ân nhân của Thanh hay vợ của một ông sếp lớn của Thanh đến giờ còn ôm hận.
Giờ chắc rằng, khối người mong Thanh chết bởi với bản tính đó, lại không chịu được khổ, chắc chỉ nhập trại 1 hôm, có gì Thanh chẳng phun ra bằng sạch.
Nói về tâm linh thì Thanh chết có lẽ cũng vì quá coi thường quỉ thần. Khi đi trốn cũng không chịu làm quẻ bói xem xuất hành theo hướng nào thì tốt. Theo mấy bác “phong thủy”, hướng Tây rõ ràng không hợp với Thanh, bị bắt là phải lắm… Nếu biết thầy, gieo quẻ, chọn hướng… thì chưa chắc giờ đã phải “nằm dài mong ngày tháng dần qua” trong trại …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét